25 April 2012

Những ngày chưa quên

Trần Đức Tạo (ĐS16)
Mới đó mà đã 37 năm. Gần 40 năm đầy ắp những lo âu, phập phồng, nhục nhằn và đau thương. Có người gọi 30-4 là ngày quốc-hận, ngày mất nước, ngày tủi nhục, ngày xập tiệm, ngày đổi đời, và các anh quân nhân thì gọi là ngày gãy súng, gãy cánh…Người dân thường gọi chung là “tháng Tư đen”.
Nhưng gọi là ngày gì đi nữa thì cũng là ngày đổi chủ. Những tưởng chủ mới khá hơn nhưng ai ngờ lại làm tan hoang căn nhà đáng lẽ phải tô diểm cho đẹp thêm để người dân an hưởng cuộc đời bình thường sau những năm dài chinh chiến tang thương. Giấc mơ một ngày thanh bình, ấm no, đất nước hưng thịnh, vang danh thế giới, cũng vẫn chỉ còn là giấc mơ triền miên hay chỉ là mộng tưởng cho đến ngày nay. Những người dù trong hay ngoài nước còn một chút ân tình với Đất Nước, đều thấy thổn thức trong lòng, đau nhói tâm can, lo cho tiền đồ quê hương, dân tộc. Chỉ tâm nguyện một điều mong sao cho Dân tộc hết bị đọa đầy.

Cái nơm oan nghiệt đã chụp xuống đầu người dân miền Bắc 30 năm trước lại chụp xuống người dân Miền Nam và cả nuớc từ 1975 cho đến nay mà di hại còn tồn tại không biết đến bao giờ…

Cho đến ngày 29 tháng Tư chúng tôi vẫn đến văn phòng làm việc nhưng cả sở đều nhốn nháo hoang mang nhất là sau ngày dinh Độc-Lập bị một tên phi công phản bội dội bom. Sự kiện này giống như liệng một cục đá vào nồi cám heo đang sôi sục bị văng vãi, tung toé. Cơ quan của chúng tôi nằm trong hệ thống ngân hàng gồm một số chuyên viên tốt nghiệp ở ngoại quốc về phục vụ. Những người này đang lo cho gia đình còn ở ngoại quốc. Họ đang mong sao ra khỏi Việt Nam càng sớm cáng tốt. Một số rủ nhau qua làm danh sách ra đi ở cơ quan USAID đối diện Tổng Liên-Đoàn Lao-Công đường Lê văn Duyệt Saigon. Có một người bạn cho biết vì gia đình còn ở ngoại quốc nên anh ta làm danh sách mà chỉ có một người. Tôi nảy ý kiến ghi gia đình mình vào danh sách chung với anh ta. Tôi ghi cả gia đình mình và gia đình bên vợ lên đến hai chục người. Anh ta cười cười ví bỗng thấy số người trong nhà tăng nhanh chỉ có mấy phút. Thiên hạ ra vào làm danh sách như đi chợ. Nghĩ thầm trong bụng nếu họ chở hết những người ghi trong danh sách đó thì con số cũng đến mấy ngàn người. Nộp danh sách xong, định ra về nhưng tự nhiên trong người muốn té, tôi đang ngộp vì khói thuốc. Ai cũng bồn chồn nên hút thuốc để cho lên tinh thần. Nể bạn, tôi cũng hút luôn mấy điếu Salem và say nhừ tử. Người bạn lôi tôi ra ngoài hiên bỏ đó rồi còn lo tìm thêm lối khác nữa.

Trên đường về, tôi ghé tiệm khắc dấu lấy mấy cái thẻ có ghi sẵn địa chỉ ở Việt Nam và một địa chỉ ở ngoại quốc, phòng hờ trường hơp lạc nhau khi chạy; nhất là cho hai đứa con và ba đứa cháu còn nhỏ dại.

Đường Lê Văn Duyệt chật ních kẻ chạy lên người chạy xuống. Ai ai cũng hối hả, bồn chồn. Xe cộ chạy bạt mạng, phóng như ma đuổi. Mọi người trong nhà đều cố đi tìm đường thoát thân. Người tìm đường biển, người tìm đường sông. Một số chạy ra Tân Sơn Nhất, một số đổ xuống Nhà Bè. Ông Cậu tôi , sĩ quan Quân Cụ, đi tìm các sà-lan chở đạn xem còn xử dụng được không vì khó mà chở một lúc tất cả mọi người trong nhà tổng cộng lên đến năm chục người bằng máy bay hay ghe nhỏ. Mỗi người một hướng đi tìm phương tiện rồi sau vài giờ về nhà báo cáo tình hình. Mỗi nhà như một trung tâm hành quân. Không ai nghĩ đến ăn uống gì cả.

Như một linh tính tôi ra về vì có ở lại cũng thấp thỏm và cũng chẳng ai còn tâm địa nào mà làm việc. Phải cả giờ tôi mới về tới nhà mà ngày thường tôi chỉ đi mươi phút. Mấy đứa con nhỏ thấy bố về mà không giám lên tiếng. Chúng biết có chuyện gì căng thẳng lắm vì mấy hôm nay chúng đã thấy cả nhà to nhỏ, cau có, đăm chiêu. Vợ tôi cũng chỉ nhìn rồi im lặng thu xếp quần áo cho con. Khi đi ra phòng ngoài, tiện tay tôi bật cái radio gần đó . Băng tần FM đài Mỷ đang hát. Thật tình tôi chẳng bao giờ mở radio mỗi khi đi về nhất là buổi trưa nóng nực Saigon.Tiếng hát tự nhiên ngưng và xướng ngôn viên cất tiếng : “One o five degrees and raising, I am dreaming The White Christmas”. Tôi như đứng không nổi. Hai chân run thật sự. Đúng rồi! Đúng cái câu mà chú em làm cho Sở Mỹ cho tôi biết mấy ngày trước. Vì có tính lo xa, dù không tin, hay không muốn nó xảy ra, tôi vẫn lấy giấy stencil đánh máy và quay roneo phân phát cho mọi người trong nhà coi như cái bùa hộ mạng. Chú em còn dặn khi nào nghe thấy đài phát thanh đọc câu này thì chạy lại cơ quan Mỹ gần nhất. Tôi chọn USAID đường Lê Văn Duyệt cho tiện vì thẳng đường từ Chí Hòa, Hòa Hưng đổ xuống. Tôi chụp vội điện thoại gọi cho chú em làm phi công trực thăng còn ở nhà Ông Cậu trên Chí Hòa. Tôi chỉ hỏi có nghe đài Mỹ mới đọc ám hiệu đó không? “Không, em chưa nghe”. “Nó đang đọc đó. Dắt cả nhà chạy xuống USAID mau.” Tôi đã dặn trước là nếu có chạy thì chạy từ trên xuống vì lúc loạn không thể chạy ngược dòng người từ ngoại ô vào thành phố cũng như quân địch cũng từ ngoài tấn công vào. Thứ nữa, ở trong thành phố có thể tránh bớt được pháo kích vì có nhà cao che chở. Kể từ lúc gác máy điện thọại, tôi mất liên lạc với cha mẹ, anh em.

Có lẽ đã biết được câu chuyện tôi điện thoại, nhà tôi kéo hai cháu nhỏ ra sân với cái bịch áo quần đã gấp sẵn từ trước. Tôi nổ máy và chạy thẳng chỉ kịp nói với cậu em vợ đưa cả nhà xuống Usaid. Đường xá đầy nghẹt xe và những người chạy bộ, trông như một đàn kiến bị lửa đốt.

Gia đình bốn người chúng tôi là những người tới USAID đầu tiên. Chưa có ai đứng ở cổng vào. Cái rào cản chưa nâng lên. Người quân cảnh Mỹ vẫn đi qua lại. Tôi vẫn ngồi trên xe và máy còn nổ. Tôi rà tới người quân cảnh Mỹ và đưa mảnh giấy có câu ám hiệu. Người này cầm xem cẩn thận và tôi nói thêm gì đó mà nay cũng chẳng còn nhớ…Anh ta lại máy điện thoại và trao đổi với ai đó một lúc rồi quay nói với tôi “Ông chờ đây khi nào Embassy nói yes thì ông vào”. Tôi cuống cuồng , hay là chạy chỗ

khác. Chạy chỗ khác thì mất liên lạc với đại gia đình như đã hẹn mà lại mất cơ hội ưu tiên. Tôi nói thêm nhưng anh ta vẫn từ chối. Có lẽ ám hiệu đó chỉ dành cho người Mỹ chăng?

Máy bay trực thăng đang lên xuống trên sân thượng building bên trái, mé trong hàng rào …Hai chiếc xe Jeep ở đâu chạy tới. Tôi đọc được chữ Press và xe đang muốn chạy vào. Người MP buộc lòng phải nâng rào cản. Tôi tống ga chạy vào luôn sau hai xe báo chí. Người MP im lặng một lúc rồi nói “đã vào thì không được ra”. Tôi tức đến không muốn nói thêm.

Dẫn vợ con vào bên trong căn nhà, tôi thấy không có người Mỹ ngoại trừ người MP ngoài cổng gác. Có một số công chức người Việt không biết đã đến từ hồi nào. Tôi nhận ra một người bạn, cũng dân Hành chánh, làm việc ở Giám-Sát viện. Anh ta mừng lắm, ít nhất cũng có tôi làm bạn đồng hành. Ông ta còn đưa cho tôi chìa khóa Phòng 205 và dặn cứ ở đó, tụi nó sẽ bốc hết. Tôi cảm thấy hối hận vì vợ con mà chạy bỏ cha mẹ lại cho các em. Tui lẳng lặng ra hàng rào sắt nhìn xem cha mẹ và các em tới chưa. Ông MP lại đến với tôi. “Ông đừng đứng ngoài này tụi nó bắt đầu bắn sẻ” Tôi đi vào mà lòng quặn đau. Một lúc sau gia đình bên bà xã cũng tới do cậu em chở bằng xe jeep quân đội.

Thấy gia đình có vẻ đông đủ, một nhân viên Usaid xin phép thu súng của mấy người em bà xã và tuyên bố ông ta là cấp chỉ huy ở đây còn nhân viên thì đã ra đi cả rồi. Ông ta được lệnh đi chuyến chót cùng với gia đình. Ông giới thiệu mẹ già và vợ con. Ông cũng hứa ai đã vào đây thì sẽ bốc hết.
Tiếng trực thăng rung động, vang dội. Đám phóng viên của hai chiếc xe jeep vừa vào không còn trong phòng. Hai building gần nhau nhưng có tường cao và giăng kẽm gai mé trên. Muốn lên trực thăng thì phải trèo qua dây kẽm gai hoặc có ngõ đi riêng sang building có sân bay trực thăng. Tôi thấy ái ngại không biết sao để đưa vợ, hai con qua được nhất là nhạc gia tôi đã trên bày mươi, chậm chạp. Trong phòng ngổn ngang vali lớn Samsonite của người Mỹ bỏ lại, có khóa cẩn thận, nhưng có lẽ vào phút chót chỉ chở người mà thôi. Đồ ăn vẫn còn nóng trên chào. Những kệ rượu còn nguyên. Mấy cậu em bà xã khui sâm banh chỉ uống một ngụm rồi bỏ.Chê chua. Lật mấy tấm nệm lên thấy súng với ống hãm thanh vứt đây đó. Máy đánh chữ, tủ lạnh vẫn còn yên vị trí.

Chúng tôi được lệnh trèo qua hàng rào kẽm gai sang bên building có sân bay. Mọi người nhốn nháo không biết làm sao vượt qua kẽm gai. Một vài thanh niên đã qua được, người bên này đẩy, người bên kia kéo người nhà qua. Và gia đình tôi cũng qua được như một phép lạ. Một cảnh thương tâm làm tôi nhớ mãi : một bé gái khoảng bảy tuổi cố chạy theo một người trung niên mặc đồ kaki. Tôi cứ tưởng hai cha con nhưng khi bé gái tới gần thì bị ông này đạp cho một cái ngã ngửa ra sau. Em bé không khóc lại cố chạy theo và bị ông ta đạp cho một phát nữa. Cho đến giờ tôi cũng không hiểu tại sao lại nhẫn tâm đến thế! Con ai? Mà mẹ đâu ? Ông trung niên qua dây kẽm gai một cách dễ dàng.

Những cụm khói bốc cao phía phi trường Tân Sơn Nhất. Một vài tiếng nổ đây đó làm xe cộ và đồng bào chạy hối hả, dáo dác. Những người qua được hàng rào kẽm gai đang quây quần to nhỏ lo âu ra mặt. Đã sáu giờ trôi qua chúng tôi mới di chuyển được khoàng hơn mười thước rồi ngồi chờ. Ông Việt nam đại diện cho USAID lại trấn an: “có tôi và gia đình tôi đây bà con yên trí”.

Một cô gái khoảng trên dưới ba mươi chào hỏi gia đình tôi một cách thân thiện. Cô ta đưa ra một tấm hình có cô và một ông mang lon thiếu uý. Cô ta nói : “Chồng em là thiếu uý đang đi hành quân, bảo em tìm đường chạy trước. Em thấy các anh cũng trong quân đội (Em bà xã đang mang lon đại-úy ) thì các anh đi đâu cho em đi với. Mọi người thấy tội nghiệp quá, thời loạn, thân gái lấy chồng chiến binh… Vợ tôi thì thầm: thì cứ nhận cô ta làm em có sao? Mình đi đâu họ đi đó…
Tôi đi kiếm ông đaị diện usaid. “Sao chừng nào trực thăng trở lại anh ?”

“À giấc này khoảng sáú rưỡi, chắc phi hành đoàn đi ăn cơm”. Ừ tôi và cả nhà đều đang đói thật. Mấy đưa con nằm sõng soài vừa đói vừa mệt lả. Kẹt nỗi bên này lại không có đồ ăn. Ai ngủ được thì ngủ cho đỡ đói….

Khoảng mười giờ tôi lại đi kiếm ông đại diện Usaid: “Sao Anh, họ vẫn chưa tới hả anh”? “ Chắc phi hành đoàn đi đổ xăng”. Ừ ăn cơm xong thì đi đổ xăng chứ, nhưng có cái đi lâu quá?

Ông ta trả lời tôi được mươi phút thì dân chúng phá cổng vào hôi của. Họ chia nhau từng toán khiêng đồ đạc từ các tầng lầu xuống đất như một đàn kiến công mồi. Máy đánh chữ nặng thế mà họ chồng ba cái rồi vác xuống lầu như không. Một người vừa xô, vừa đẩy, vừa cõng cái tủ lạnh đi bon bon như làm xiệc. Chiếc Honda tôi nhớ có khóa lúc vào đã không còn. Chiếc xe Jeep của cậu em đã bị lật dơ bốn bánh lên trời. Những người vào hôi của lúc ra thì xe của họ cũng không còn…Tiếng pháo kích rót đều từ phía Tân Sơn Nhất, khói bốc kín một góc trời. Những người chờ trực thăng bốc thất vọng như muốn khóc. Chúng tôi còn sợ cả đám đông hôi của làm thịt. Cô gái vợ ông thiếu úy mà chúng tôi định cưu mang dõng dạc nói như muốn cho mọi người nghe : “Thôi thế là Mỹ Nguỵ đầu hàng đến nơi rồi. Đồng bào ở lại xây dựng đất nước. Mấy anh, mấy chị chạy đi đâu làm gì”. Ai nấy im thin thít. Không biết cái ảnh có ông thiếu uý làm bùa có còn trong túi hay không? Một cô tóc hoe hoe cùng học QGHC với tôi lướt qua như gió nói vu vơ : “Thấy gì thì để bụng, đừng nói gì hết nghe”. Dĩ nhiên tôi không nói gì hết ngay cả một tiếng “ừ” với cô ta. Ông bạn làm cùng Giám-Sát-viện kéo tôi ra nói nhỏ : “Cái điệu này tụi nó không trở lại bốc mình đâu. Không lẽ bốc cả đám hôi của à? Bây giờ tôi chạy ra Kho Năm. Ông có đi với tôi không ?”…

Chúng tôi lếch thếch kéo nhau ra đường Lê Văn Duyệt đầy nghẹt người trong đó có đến một nửa lo thoát thân, một nửa đi hôi của…Trời mưa lăn phăn. Mấy đứa con nằm sõng soài mà chưa có hột cơm từ lúc nghe ám hiệu cho đến bây giờ đã hơn mười giờ. Tiếng pháo kích chen lẫn tiếng súng nhỏ đây đó như mỗi lúc một gần. Chúng tôi băn khoăn không biết chạy đâu. Sợ nhất vẫn là pháo kích nếu chạy lắp xắp ngoài đường. “Nhà con gần đây. Mời Ba và cả nhà nghỉ lấy hơi rồi tính sau, lỡ chạy bị pháo kích thì sao? Cả nhà đều đồng ý với cô bạn gái của một cậu em nhà tôi. Bố cô ta chuyên in vé số Kiến-Thiết Quốc-Gia nên có một tòa nhà lớn gần đó. Tôi một tay xách bị quần áo, một tay nách thằng con; vợ thì cõng đứa con gái, nhìn như một đám ăn mày…Chúng tôi chỉ tính nghỉ đến khuya cho bớt người rồi chạy ra Kho Năm nhưng trời lại mưa và mấy đứa con lay cách mấy cũng không chịu dạy. “Thôi để cho con nó ngủ rồi tính”. Khi giật mình dậy thì trời đã rạng sáng mà số người chạy ngoài đường cũng không ngớt. Xe cộ đủ thứ chạy đầy đường. Những xe bị cấm chạy một số đường trước đây nay chạy thả cửa. Đúng là chạy giặc. Dân chúng bảo nhau chạy về tòa đại-sứ Mỹ, chạy vào Hải quân công xưởng, ùa ra bến Bạch-Đằng, chạy bộ qua Khánh hội, Nhà Bè…

Như một phép lạ, chúng tôi gặp được người tài xế tâm phúc của Ông Ngọai các cháu đang trên đường chạy xuống hãng để đưa Ông cụ đi làm như thường lệ. Chiếc xe Ford Cortina cũng chứa được đủ mười người. Chúng tôi nhập vào dòng xe và đổ về đường Phủ Kiệt, bên hông Kho Bạc, nơi Ông Cụ có hãng Bảo -Hiểm xe hơi. Một đơn vị quân đội canh giữ Kho bạc và các đường bên cạnh đồng ý cho chúng tôi vào hãng. Toà đại sứ Nhật gần đó vẫn còn người gác. Tội nghiệp mấy người lính , đứng nhìn thiên hạ chạy ùn ùn mà không biết gia đình, vợ con chạy đâu, ra sao bây giờ?…

Ăn qua chút mì gói, chúng tôi lại lên xe chạy qua cầu Calmette sang Khánh-Hội. Chúng tôi tự nâng dây kẽm gai lái xe trở ra sau khi vẫy tay xin phép người lính gác. Chỉ sau vài giờ, Saigon bỗng thấy xuất hiện một số người chạy tới chạy lui có vẻ vội vã lắm. Trên cánh tay, ai cũng mang một băng màu đỏ. Họ bu vào các cây xăng, lấy xăng, rồi hối hả tống ga…Các loại ghe đủ cỡ đang hối hả ngược xuôi trên sông Saigon. Họ đang chạy theo các tàu lớn đổ ra Nhà Bè. Một số tàu lại bắt đầu nổ súng không cho các ghe nhỏ cặp vào vì họ sợ dừng lại thì sẽ bị vây kín không làm sao buông nổi… 

Một người gánh hai đứa con cho biết đã chạy như vây từ hôm Phan Rang thất thủ…Các mé sông đều có người vây kín. Thiên hạ thấy có tàu nào thì ùa chạy theo trên bờ mong cho có người nào tử tế cho quá giang. Có những người trèo cả lên ghe đang nằm ụ để sửa chữa vì nghe tin sắp hạ thuỷ. Đám lưu manh thấy ai đi xe Honda, Vespa và ngay cả xe hơi thì hô lên chiếc tàu kia sắp nhổ neo, mọi người bò xe chạy lại chiếc tàu đó và chúng thừa cơ lấy xe của họ. Dân chúng đổ xô ra đường để xem những ngưởi chạy nạn. Đa số là thanh niên. Một tên thò đầu vào xe giật chiếc đồng hồ của cậu em. Sẵn con dao Pilot tôi khua khua ngay kình xe, tên này nhảy lên lề đừng khoanh tay coi như không có gì. Kể từ giờ phút đó bọn họ lộng hành vì biết chính quyền không còn nữa. Các kho gạo Trịnh Minh Thế, Khánh Hội đang bị cướp, gây nên cảnh cực kỳ hỗn loạn. Những tiếng súng chát chúa nổ vang giữa những kẻ hôi của với nhau.

Chúng tôi khó lắm mới tới được Kho Năm. Trời u ám, thỉnh thoảng có mưa lăn phăn. Ông Cụ Ngoại các cháu nói với tôi: “Hay con cứ đi đi, vợ con và các cháu để Ba lo”. Tôi cám ơn lòng tốt của nhạc phụ nhưng nhìn lại vợ con thật không thể bỏ đi được. Hai con còn non dại, vợ thì yếu ớt, và cho dù có muốn đi chăng nữa cũng không dễ dàng lúc này. Những ghe lớn nhỏ đều đầy ắp người. Vài thanh niên còn đánh đu vì chỉ đứng có một chân trên ghe. Các tàu lớn cũng không còn chỗ trống. Hình ảnh này khiến chúng tôi nhớ những vụ di tản từ miền Trung về, những thành phần bất hảo làm náo loạn trên tàu, hành hung phụ nữ... quân đội phải dùng vũ lực mới dẹp yên. Hai chiếc xe jeep có trang bị máy truyền tin như đang đi hành quân, đổ xuống hai ông đại tá và một số sĩ quan trong bộ tham mưu của ông ta. Ngoài ra một vài người mặc thường phục mà sau này mới biết được là dân biểu và nghị sĩ. Hai ông đại tá đi lại phía tôi và cho biết: “Tụi nó đã lấy Vũng Tàu, đám ghe tàu này chạy ra chỉ nạp mạng cho tụi nó mà thôi. Thế nào đám “nồi đồng” cũng đang trên đường từ Cần Giờ vào đây.

Chúng tôi bàn nhau, họ là quân đội đi hành quân thì họ biết tình hình nhiều hơn mình, thôi quay về đi đường bộ ra Vũng Tàu. Gặp lại được người bạn cùng lớp có nhà ở Khánh Hội đứng gần đó với bộ mặt đăm chiêu, tôi hỏi nhỏ có tính đi không ? Ông ta trả lởi : “Tôi cũng không biết tính làm sao bây giờ; tụi nó giật xập cầu xa lộ rồi”. Chúng tôi vừa đến chân cầu Trịnh Minh Thế thì nghe Ông Minh tuyên bố buông súng, đầu hàng.Trời mưa nặng hạt. Cướp bóc lại dữ dội hơn. Quân nhân , cảnh sát cởi bỏ quân phục chỉ còn áo thun và quần đùi chạy trốn vì sợ bị chỉ điểm, trả thù. Những nhân viên tòa đại sứ gần đó ra ôm những khẩu M16 của các người lính khoảng nửa giờ trước còn ôm gác. Một số người có khăn đỏ đang dẹp những cuộn kẽm gai. Chúng tôi vào nhà và kéo cửa sắt. Mấy phút sau, một toán người mặc áo quần màu kaki, đi dép râu, đội mũ vải kiểu thuộc địa và một loại mũ lạ có cánh mà sau chúng tôi mới biết tên là mũ hay nón “tai bèo”. Họ vừa đi vừa hô to: “yêu cầu đồng bào mở cửa đón quân giải-phóng”. Lòng chúng tôi chùng xuống. Tương lai nào đang đến với chúng tôi.Số phận cha mẹ, anh em ra sao chưa biết. Tôi đọc kinh và dâng mọi người trong tay Chúa Quan Phòng. Nếu ai đã ra đi, xin cho họ đi được bằng an.

Về đến Ngã Sáu chúng tôi thấy xác một quân nhân , chân còn mang giày quân đội, nằm ngay kế bót cảnh sát và ai đó phủ cho một tờ báo. Cùng lúc này xe tăng T54 của VC đã vào tới dinh Độc-Lập. Họ cán lên cửa sắt dù cửa không khóa và bên trong không kháng cự. Công chức được lệnh trình diện ngay ngày hôm sau. Tù nhân trong khám Chí-Hòa được thả đang chạy dài theo đường Hòa-Hưng. Mọi nhà đóng kín cửa.

Mấy ngày sau, đài BBC loan báo đoàn tàu, ghe chở người tỵ nạn tập trung ngoài hải phận Việt Nam đã được các tàu chiến Mỹ hộ tống trực chỉ Phi-Luật-Tân. Tôi quay mặt vào tường khóc nức nở. Khóc vì nhớ thương cha mẹ, các em, bà con thân thuộc và khóc cho chính bản thân mình. Trước mắt là một màu đỏ sắt máu. Tương lai là một màu đen đe dọa. Con cá cá đã nằm gọn trong cái nơm rồi! 

Trần Đức Tạo (ĐS16)

No comments:

Post a Comment