30 April 2012

Nhân 30 tháng Tư nghĩ về quê hương

Vết Thương Chưa Lành
Điền Thảo

Bối cảnh xã hội Việt Nam hôm nay là: một chính quyền vẫn còn nằm trong tay nhóm giáo điều của đảng Cộng Sản chủ trương triệt tiêu thành phần chống đối, không chấp nhận đối lập mà chỉ muốn sáp nhập các thành phần đứng giữa. Hòa hoãn đắt giá với Trung Quốc để rảnh tay đẩy mạnh việc khai thác tài nguyên nơi người Việt sống tại hải ngoại. Lòng tự cao tự đại nơi đảng cầm quyền khơi sâu vết thương chưa lành của dân tộc. Một nền kinh tế dựa vào tư doanh tạo ra thế mất quân bình giữa nông thôn và thành thị, giữa giai cấp cầm quyền và dân đen. Một nhóm càng ngày càng đông gồm những người bỏ đảng vì bất đồng chính kiến. Càng ngày càng đông người có đài truyền hình, máy vi tinh nối được với thế giới bên ngoài. Khuynh hướng rộng rãi không chấp nhận thay đổi dựa trên bạo lực.

Từ khuynh hướng thích mạnh…


Tiến trình tổ chức xã hội loài người một nét đặc biệt của văn minh nhân loại. Một xã hội vô chính quyền tất sẽ dẫn đến rối loạn và man rợ. Một chính quyền độc tài lại dẫn đưa đến cảnh nô lệ. Trong tiến trình tổ chức xã hội của mình, loài người cố tránh hai thái cực này. Nhưng sử sách cho thấy phần lớn các xã hội loài người đều nằm dưới sự khống chế gắt gao của chính quyền. Việt Nam nằm trong mô thức này.

Hình thái địa lý chính trị của Việt Nam lại đặc biệt ở chỗ nằm ngay dưới một nước có diện tích và một dân số khổng lồ, và một truyền thống bành trướng xâm lăng vô địch. Và đây là một biện minh cho khuynh hưóng rộng rãi thích một cơ chế chính quyền mạnh tại nước ta.

Trước áp lực đè nặng từ một nước láng giềng tham lam, mỗi dân tộc phản ứng một khác. Hoặc là hy sinh lãnh thổ để cố giữ lấy truyền thống văn hóa của mình. Dân tộc Choang ở phía Nam Trung Hoa là một ví dụ. Ngay cả Đức Đạt Lai Lạt Ma của xứ Tây Tạng cũng chỉ lên tiếng và tranh đấu cho một mức độ tự trị nào đó cho dân tộc ông mà thôi. Thế nhưng dân tộc Việt lại không muốn hy sinh lãnh thổ. Để bảo toàn lãnh thổ của mình, dân Việt đôi khi nhượng bộ về văn hóa. Cho dù Chữ Nôm được coi như một cuộc cách mạng nhằn thoát khỏi sự kềm tỏa văn hoá, nhưng chữ Hán vẫn gần như liên tục được coi như ngôn ngữ chính thức trong việc triều chính. Phụ nữ Việt mặc váy chứ đâu có mặc quần, cho đến khi có một sắc dụ của vua Minh Mạng vào đầu thế kỷ 19.

Một người có dòng máu ham chuộng tự do bực bội khi nhìn thấy quê hương mình bị một nhóm độc tôn cai trị. Nhưng cũng người ấy khi dòng máu Việt Nam tuôn chảy trong huyết quản, lại giật mình nghĩ đến một lân quốc đầy tham vọng bành trướng ở phía bắc. Ở thời nào cũng thế, những người chủ trương nước Việt cần một chính quyền mạnh lúc nào cũng có. Nhóm người này trở thành lấn áp khi đất nước ở vào những giai đoạn nguy hiểm.

Thế nhưng hôm qua người dân có thể hy sinh xương máu và tài sản đẻ đánh đuổi thực dân. Nhưng hôm nay, khi mà áp lực xâm lăng từ bên ngoài giảm đi, người dân có thể đã muốn thay đổi cái thế cân bằng giữa những đòi hỏi cấp bách của đất nước và những giới hạn của tự do cá nhân. Nhất là, sau khi đất nước hết cảnh binh đao, cơ chế chính quyền thường biến chất làm gia tăng khuynh hướng đòi tự do dân chủ. Khổ một nỗi, việc thay đổi nếp sinh hoạt chính trị tại các nưóc dân chủ kiểu phưong tây dìẽn ra êm đẹp bao nhiêu thì việc thay đổi này lại rất khó khăn tại một nưóc quyền lực tập trung vào một đảng.

Trước khi chấm dứt một triều đại đã trở thành nỗi bất mãn của đa số, thường là một thời gian loạn lạc mới có được sự thay đổi. Bởi lẽ nước Việt vẫn theo một mô thức dựa vào niềm tin quyền bính là do Trời ban cho một gia đình một dòng họ và bất cứ ai chống lại quyền bính ấy là chống lại Mạng Trời. Đảng Cộng Sản không còn tìm sự chính thống nơi thiên mạng , nhưng giải thích đảng Cộng Sản như là đại diện chính đáng nhất của giai cấp công nông, và ngoài giai cấp công nông không còn giai cấp nào khác có quyền hiện hữu nữa cả.

Từ xưa đến nay, từ chế độ quân chủ đến chế độ cộng sản, quyền bính tại Việt Nam lúc nào cũng được coi là bất khả chuyển nhượng. Hệ quả là chính quyền không chấp nhận đối kháng, và những cuộc chính biến thường đi đôi với quân biến. Những biến cố thay đổi quyền bính không thể diễn ra êm đẹp được. Ngay cả việc chuyển vương quyền từ Nhà Lý sang Nhà Trần, một biến cố chuyển nhượng quyền bính được sử sách coi là êm đẹp nhất, cũng đã phải hy sinh tính mạng nhiều người thuộc hoàng gia cũ.

đi đến độc tài,



Phong trào giải thần quyền thế manh nha từ lâu và bùng lên với cuộc cách mạng 1789 của Pháp. Nhưng ở Việt Nam phong trào này gần như không có.

Khỏi cần nói đến các triều đại quân chủ, trong đó quyền lực tối thượng của vua là do Trời ban cho, mà ngay cả Đảng Cộng Sản hiện giờ cũng quan niệm quyền lực họ đang nắm giữ cũng dựa trên một hình thức thiên mạng (thuận lòng giai cấp công nông), bất khả chuyển nhượng (chuyên chính vô sản), không chấp nhận đối kháng (những thành phần chống đối đều là kẻ thù của giai cấp công nông cần khu trừ).

Những người cộng sản một chiều và giáo điều ở Việt Nam rất hãnh diện coi mình là con gà nòi của chủ nghĩa Mác Lê. Họ khoe với niềm hãnh diện vô bờ câu nói mà dư luận trong khối cộng sản trước kia đã ban cho: “Muốn tìm đạo Phật hãy tới Ấn Độ. Muốn tìm chuyên chính vô sản hãy đến Việt Nam”. Bởi vậy, khi nào nhóm CS giáo điều còn cầm quyền thì khi ấy sinh hoạt chính trị tại Việt Nam không có đối lập thực sự. Đối lập thực sự phải hiểu là một lực lượng dự trữ của dân chúng và, khi cần, có thể thay thế chính quyền hiện tại nắm giữ quyền lãnh đạo. Chẳng vậy, những thành phần gọi là đối lập thực chất quá lắm cũng chỉ là những nhóm tham vấn.

Ở đây chúng ta chỉ nói đến trên lý thuyết cái quyền của đối lập được nắm giữ chính quyền khi dân chúng muốn, chúng ta không nói đến cái khả năng lãnh đạo và lực lượng nhân sự của đối lập có sẵn sàng hay không.

Có lẽ nhiều người vẫn chưa quên cái sắc thái sinh hoạt chính trị của một đất nước chậm tiến tại Hai Miền Nam Bắc trong thời kỳ nội chiến. Ở miền Bắc nghị trường rực cờ đỏ. Ở Miền Nam, nghị trường là một chậu kiểng nhiều mầu .

Ảnh hưởng của các nhóm áp lực là một thực tế. Nhưng khi không cần trình bầy đường lối chính sách với cử tri mà chỉ cần đi đêm với Chùa hay Nhà Thờ đẻ bảo đảm thắng cử, thì việc này không thể chấp nhận được trong một cuộc tranh cử thực sự tự do. Ở Miền Nam liên danh Bông Huệ, Bông Sen và liên danh đứng giữa tạm gọi là liên danh Kaki đã thắng cử chứ không phải là một liên danh của một chính đảng. Nói cho cùng cơ quan dân cử của Miền Nam gồm những người đại diện cho những nhóm rất đặc thù. Mà đã là đặc thù thì khó lòng có bao dung chính trị. Các cuộc bầu cử công khai, phổ thông và kín rốt cuộc có hai tầng: Tầng một do "đảng Kaki", nhà thờ và đình chùa "đề cử" và tầng hai: dân chúng bỏ phiếu chấp nhân. Tầng một tuy là bán chính thức, nhưng đó là một điều kiện ‘sine-qua-non’, không có không xong! Mang nặng tính đặc thù của phe nhóm, hoạt động của các thành phần trong quốc hội nhằm bảo vệ quyền lợi phe nhóm hơn là chính trị hóa được các vấn đề lớn của xã hội Việt Nam.

Sự kiện này cũng cho thấy các đảng phái không cộng sản hoạt động rất yếu kém, không có đủ cán bộ hạ tầng để đi sâu vào quần chúng, và có khả năng thuyết phục người dân chấp nhận những đề nghị cải cách của mình. Một nhược điểm khác nữa của các chính đảng không cộng sản là mang nặng tính địa phương. Những cái tên thường được kèm theo một địa danh để phân biệt cho rõ: Đại Việt Miền Trung, Nhóm Việt Quốc Bắc kỳ di cư. Nhóm Việt Nam Quốc Dân Đảng Nam Ngãi Bình Phú. Nhóm Phật giáo Hòa Hảo Miền Tây…

Ở Miền Bắc là chế độ độc đảng. Chính sách đường lối của Đảng là một thách thức với tất cả những nhóm còn lại mà thực tế sống còn chỉ còn các nhóm thuộc hai tôn giáo chính: Thiên Chúa giáo và Phật giáo. Bởi vậy mà chính quyền cộng sản Miền Bắc tìm mọi cách khu trừ hay ít ra kềm tỏa hai tôn giáo chính yếu này. Về vật chất thì đình chùa nhà thờ và các cơ sở khác bị chiếm cứ rất nhiều để làm nơi họat động cho những việc hoàn toàn “đời”. Về tinh thần thì cách ly các tu sỹ có khuynh hướng bài xích chủ nghĩa cộng sản để giam thiểu ảnh hưởng của họ trong quần chúng.

Bắc Nam vào thời kỳ phân chia là hai thái cực về chính trị. Nhưng ở cả hai miền, dân chúng xa lạ với chế độ dân chủ đa nguyên. Có người cho rằng ở Miền Nam có thể đã có một thể chế tự do tương đối nào đó. Nhưng dựa vào những phân tách như trên, Miền Nam thật sự chưa có một hoạt động chính trị đa nguyên hay lưỡng đảng đúng nghĩa.

Sau hơn ba mươi năm, dân Việt tại quốc nội đã gần gũi với những mô thức dân chủ đa nguyên chưa? Câu trả lời ngắn nhất là: Chưa. Vì hai điều kiện mấu chốt vẫn chưa có:

Đại đa số dân chúng xưa kia và hiện nay xa lạ với sinh hoạt chính trị dân chủ đa nguyên kiểu tây phương. Vào khoảng thập niên 60, trong khuôn khổ cải tổ học trình được áp dụng để đưa phần “Hệ Thống Chính Đảng” vào học trình mới của lớp chót trung học, một cuốn sách giáo khoa được một giáo sư soạn thảo và in ra để đáp ứng nhu cầu giảng dậy. Nguoi ta giật mình thấy cuốn sách chỉ toàn nói về tổ chức các chính đảng. Té ra vị giáo sư này hiểu “hệ thống chính đảng “ là “ cơ cấu tổ chức chính đảng” vì ông ta đã không hiểu gì về “hệ thống chính đảng” cả. Người dậy mà lơ tơ mơ về chính trị như thế thì học trò lãnh hội được bao nhiêu, khỏi cần nói đến quần chúng.

Ngày nay chính quyền nằm trong tay Đảng Cộng Sản. Hiến pháp long trọng thừa nhận vai trò lãnh đạo duy nhất của đảng này. Hệ thống giáo dục dưới sự điều hướng của chính quyền độc đảng nhằm ưu tiên vào việc biện minh cho vai trò chính thống và độc nhất của đảng CS. Ở mọi nơi, trong mọi dịp, chính quyền tiêu tiền vào việc tôn vinh đảng, ca ngợi đảng. Một nhãn quan hẹp hòi như thế hiện vẫn đang giới hạn tầm nhìn của cả dân tộc. Người dân không thể mong đợi ở một hệ thống giáo dục và truyền thông chính thức của nhà nước để học những cái hay của ché độ tự do dân chủ. Ngưòi dân phải quay lưng bỏ đi để tìm những nguồn tin tức khác thành thật hơn, cởi mở hơn.

Đây là một cơ hội bằng vàng cho những thành phần không cộng sản muốn truyền thổi những ý niệm tự do dân chủ vào đại chúng đang sống trên quê hương. Liệu những nhóm này có khả năng vận dụng được những vũ khí truyền thông tân tiến hay không, đó lại là chuyện khác.

và tạo nghiệp chướng.

"Năm xưa Bác gọi cả non sông đáp lời". Đó là một câu trích dẫn từ một ca khúc của phía CS thúc đẩy đoàn quân viễn chinh Miền Bắc tiến chiếm Miền Nam. Nó nhắc lại một ý niệm về sức mạnh của đoàn kết. Hai chữ đoàn kết được nhắc tới trong cổ thư Trung Hoa từ rất xưa như "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công". Trong di chúc của mình, ông Hồ Chí Minh tỏ ra lo lắng Đảng bị chia rẽ vì chính ông đã nhìn thấy sự rạn nứt không thể hàn gắn của khối cộng sản quốc tế. Ông viết "Phải gìn giữ sự đoàn kết của Đảng như gìn giữ con ngươi của mắt mình." Tiếc thay ông chỉ lo lắng cho sự đoàn kết trong nội bộ của Đảng CS Việt Nam, sự đoàn kết giữa các cộng đảng quốc tế. Tuyệt nhiên ông không hề quan tâm tới sự đoàn kết với nhũng thành phần không đồng quan điểm với ông, là những thành phần ông và đảng cộng sản của ông cho là kẻ thù và phải bị khu trừ. Lý thuyết Mac Lê đã dậy ông không khoan nhương với kẻ thù. Và đó đã là một nghiệp chướng cho dân tộc. Trái ngược với huyền thoại cho rằng ông Hồ Chí Minh đem đến cho dân tộc sự đoàn kết, thật ra ông ta là một biểu tượng chia rẽ và hận thù sâu đậm nhất cho dân Việt.

Cái hệ quả hận thù sẽ còn lâu dài giữa đảng Công Sản và những thành phần còn lại. Những phái đoàn Việt Nam Cộng Sản xuất dương công vụ ở đâu cũng gặp biểu tình chống đối, bị tạt sơn, liệng trứng thối. Từ một góc độ tối tăm, nhóm giáo điều trong Đảng CS VN chỉ nhìn thấy hiện tượng này như là những xách động do những thành phần phản động giật dây. Những người sáng suốt hơn thì thấy đây là hệ quả của một nghiệp chướng do đảng Cộng Sản của ông Hồ Chí Minh đã tạo ra và nay cần phải giải trừ.

Hậu quả cuộc nội chiến của Mỹ xưa kia đã được chính quyền Liên Bang giải quyết nhanh chóng và khôn ngoan. Công cuộc đổi mới của Nhật Bản đã gây nên cuộc đụng độ khắc nghiệt giữa hai nhóm canh tân và giai tầng Samurai truyền thống. Thế nhưng mối đoàn kết của dân tộc Nhật Bản không bị thương tổn nhiều nhờ tài lãnh đạo sáng suốt của vương triều đã tạo được sự hàn gắn cần thiết cho dân tộc họ.

Thực tế việc hòa giải với những người thua cuộc không khi nào được đề cấp tới trong nghị trình kín hay hở của đảng Cộng Sản cầm quyền. Chính quyền cộng sản chỉ nhắm chiêu dụ một số thành phần tiếng tăm và mong sáp nhập họ để giảm thiểu sự chống đối. Chính quyền không nghĩ đến việc giảng hoà cùng dân tộc. Gia đình Việt Nam nào lại không bị đấu tố, có con, có cha bị thương tật, bi chết trong cuộc chiến lâu dài vừa qua. Và nỗi đau là nỗi đau của cả một dân tộc, chứ không phải chỉ một vài người. Và vết thương của dân tộc không bao giờ lành.

Vết thương chưa lành

Nếu như nhóm cầm quyền giáo điều hiện nay không có khả năng chữa lành vết thương dân tộc, thì người ta bắt buộc phải nghĩ đến một chế độ với một đường hướng dân chủ hơn và không tự tôn tự đại để làm việc này.

Hiện nay không có một thế lực nào ở hải ngoại đủ mạnh để lật đổ chính quyền hiện tại ở Việt Nam. Đó là nhận định của một vài cá nhân có thể coi là phản ảnh khá trung thực ý kiến đa số. Cảm nghĩ này đúng nếu như nghĩ rằng việc lật đổ sẽ xẩy ra qua một cuộc chiến đổ máu. Xe tăng, đại pháo và cả du kích chiến không còn là những yếu tố quyết định trong cuộc thay đổi chiều hướng của dân tộc nữa. Thế nhưng một cuộc “cách mạng nhung” kiểu Tiệp Khắc vẫn có cơ may xẩy đến với sự hỗ trợ cần thiết của đồng bào bên ngoài. Cuộc cách mạng bỏ cái cũ cản bước tiến và xây dựng cái mới tự do, bao dung và phồn thịnh. Chính quyền Việt Nam khi ra nước ngoài không còn bị chính đồng bào mình liệng trứng thối nữa.

Trong khuôn khổ mong chờ một cuộc đổi đời chính trị tại Việt Nam, nhiều người ở hải ngoại tỏ ra nghi ngờ và đánh giá thấp những hoạt động do các thành phần ly khai của Đảng Cộng Sản đang làm. Những người đã từng theo Đảng CS khi phản tỉnh là những người nhận xét về chủ nghĩa cộng sản sâu sắc nhất. Nên tin rằng những người như thế rõ ràng là những hiện tượng cần thiết cho giai đoạn chuyển tiếp trên con đường dài đưa quê hương tới tự do dân chủ.

Bỗng nhớ tới lời thách thức của tổng thống Rreagan: “Hỡi ngài Gorbachev, hãy phá sập bức tường này!” (1).

Việt Nam không có bức tường xây bằng gạch đá. Việt Nam có một bức tường vô hình và kiên cố hơn nhiều đang chia cắt dân tộc này.

Điền Thảo

(Viết 2006, cập nhật 2012)


(1) “General Secretary Gorbachev, if you seek peace, if you seek prosperity for the Soviet Union, for Eastern Europe, if you seek liberalization, come here to this gate! Mr. Gorbachev, tear down this wall!.” Trích từ bài diễn văn ông đọc tại Brandenburg Gate, năm 1987.

No comments:

Post a Comment

Cái Đêm Hôm Ấy . . . Đêm Gì?

TTR: Chắc chắn không ai đọc được những bài ký sự như thế này mà còn có thể hình dung ra cảnh người dân bị bóc lột tàn bạo, phi nhân hơn nữa ...