24 December 2011

Viết từ VN: Ghi nhanh Noel

Xóm Nhỏ

Chiều nay trời mưa nhẹ, mây trời màu xám. Cuối đông rồi, gió vẫn lành lạnh, Noel đã đến, chỉ vài giờ nữa thôi, mấy em nhỏ vừa chơi, vừa hát câu hát quen thuộc "Đêm đông lạnh lẽo, Chúa sinh ra đời..."

Trong khu lao động, chiều tối, mọi người, sau một ngày làm việc mệt mỏi về đến căn phòng trọ chật chội, hình như chưa muốn vào, trẻ con, người lớn ai cũng muốn đứng ngoài ngõ chuyện vãn, hứng chút gió trời. Căn phòng ở nhà thuê chỉ kê được một cái giường và một cái bàn... trẻ con còn có chỗ nào mà chơi, nên đành phải ra đường, vừa mát lại vừa có nhiều bạn, đường hẻm là sân chơi lý tưởng của chúng, thế là, đủ mọi trò chơi được diễn ra nào lò cò, rượt bắt, trốn tìm, chúng vô tư đùa giỡn với nhau inh ỏi vang vang cả xóm.

Trong khu phố này, biết bao cảnh đời cơ cực, nhiều người sống chỉ biết ngày hôm nay có tiền mua gạo, mua rau là mừng lắm rồi, ngày nào lo ngày ấy, rau muối là chính, thịt cá chỉ như thứ gia vị thêm vào cho ấm áp.

"Tương lai ư, cần gì, học đến đâu mà nghĩ đến tương lai", nghe các công nhân nam nữ nói chuyện với nhau thật là vô tư.Em Thuận kể với tôi:

- Quê em cực lắm, làm lúa chẳng đủ ăn, đủ xài, tội ông bà già nhà em đã gần sáu mươi, lớn tuổi quá không còn dầm mưa dãi nắng được nữa, giờ chỉ trồng ít vạt rau bán được đồng nào thì đắp đổi qua ngày. Tôi hỏi:

- Các em lên đây đã lâu chưa?

Thuận nói:

- Dạ, gần một năm cô ạ tụi em ráng kiếm ít tiền, tự lo cho mình, cố gắng tiêu xài dè sẻn, cuối năm đưa ông bà già chút ít là mừng rồi cô.

- Em đang làm nghề gì vậy?

- Có việc gì làm việc nấy cô à. Hai đứa em đang làm phụ hồ, trước đây mấy tháng làm bốc vác, cực quá nên chạy sang làm cùng anh thợ xây. Ảnh thấy tụi em khổ quá nên kêu qua, cũng tội ảnh, nhờ ảnh mà tụi em đỡ đôi chút.

Nhìn khuôn mặt non nớt, xanh xanh của hai em mà thấy tội cho chúng quá, mới mười bốn, mười lăm đã phải bươn chải, lao động nặng nhọc.

- Em ráng lắm mới để dành được, cô tính đi, mỗi ngày làm được hơn một trăm, ăn uống, chi mọi thứ cũng vừa đủ, chỉ dư chút đỉnh, mỗi năm cố dành dụm để đưa về nhà khoảng một triệu là má em mừng rồi.

Cậu anh nói thêm:

- Cô ơi, tiền nhà, điện, nước, có tháng kẹt quá, còn thiếu lại họ, tháng sau nín nhịn bớt, mới trả được.

- Mấy hôm nay không thấy Diễm; nó đi đâu rồi em. Tôi hỏi.

- Nó về quê, ông già nhà nó đau cô ơi, nhà nó gần nhà em, nghèo lắm. Con Diễm bán bột chiên ở xóm trên đó cô.

Thương tâm quá, dân mình còn cơ cực nghèo nàn, những cảnh đời long đong, khó nhọc biết bao giờ mới khấm khá hơn? Tôi hỏi thêm:

- Noel tới rồi có gì vui không mấy em?

- Cô ơi, mua xị rượu nhậu với nhau một lúc là xong cô; tụi em còn đi làm không dám nghỉ, đi làm mới có trăm hai chứ cô, nói rồi cười hì hì, thật vô tư.

Mấy đứa bạn hỏi thăm nhau, "Mày mua vé xe về Tết chưa? mãi Quảng Nam phải mua vé xe trước". Đứa kia trả lời "Thôi khỏi về, mắc quá còn khó mua nữa, vé xe chợ đen thì mắc gấp rưỡi!".

- Chị bán đậu hũ chén than thở, tính tiền với bạn: "Tết này em cũng chưa về được, hẹn lần lữa hoài mà năm năm rồi, về Bắc hết 4, 5 triệu tiền xe thì sao mà về chị, thôi thì vài hôm nữa gửi cho bà già hai triệu cũng được.

Những ngày không có việc, hay chủ nhật các cô cậu tập trung đánh bài, cờ tướng cả ngày, cười nói, đùa giỡn, thật là vô tư. 

Tuy là một xóm nhỏ, trong hẻm nhưng nhà lầu, hai, ba tầng cứ mọc san sát, xây xong đóng cửa để đấy, chẳng biết chủ nhân là ai. Những căn nhà trệt thấp, bé, ngăn phòng cho thuê cũng nhiều, trong đó, không biết bao nhiêu cảnh đời cơ cực, kiếm ăn từng bữa, còng lưng lao động chắt bóp từng đồng bạc mồ hôi nước mắt, chen chúc nhau ở nhà thuê.

Năm hết, Tết đến, ngày đầu năm đoàn tụ gia đình, họ cũng không có ý niệm gì, không mảy may suy nghĩ đến gia đình, tương lai. Đêm về, trong căn phòng bé nhỏ mười hai mét vuông, họ có buồn, có nhớ nhà hay không !

Trời vẫn mưa nhỏ hạt, con đường đất bê bết nhếch nhém nước và bùn nhão. Tự dưng tôi thấy lòng mình man mác buồn.

Mong sao, những cảnh đời cùng cực, cơ khổ sẽ gặp may, có một việc làm ổn định để cuộc sống của họ đỡ phần chật vật, nghèo túng vì... cái tội Nghèo là cái tội số một trên đời.

P.M.H.
24.12.2011

No comments:

Post a Comment