NGẮM TRANH HỌA SĨ A.C.La
Tiếng Gọi Của Rừng Sâu (The Calling From The Forest)
Oil on canvas 24"x48" - 2007
Vâng, Như Thương đã "ngắm" tranh của họa sĩ A.C.La Nguyễn Thế Vĩnh hằng bao nhiêu năm trời rồi, bỗng dưng hôm nay muốn viết ra lời cảm nghĩ của một người làm thơ ngắm tranh - Lạ thật! Thế thì hồn thơ sẽ nhập vào tranh thôi, chắc là vụng về và khập khiễng lắm … nhưng đây là tất cả những gì còn lại thấm sâu vào trí nhớ sau khi xem tranh anh.
Như Thương lặng người đi trước những nét vẽ của họa sĩ dành cho "Nàng" - cho Như Thương mạn phép đặt chữ Nàng trong dấu ngoặc kép như thế ...
Không dành cho Nàng một nét đẹp trừu tượng, thần thoại, nhưng dường như họa sĩ đã đem người thật vào huyền thoại - một vạt tóc bay dấu trong vách núi, một ánh mắt buồn lịm đi trong sắc màu hội họa của một bức tranh đổ vỡ, một nét ngây thơ, liến thoắng của tuổi ngọc, một bước chân huyễn hoặc trên đường về chốn quê vĩnh hằng, một dáng ngọc dịu dàng trước biển cả mênh mông, một tà áo đợi chờ bên trùng dương sóng vỗ ... Còn gì nữa nhỉ ?
Thưa còn ạ ! Còn những mảnh hồn lịch sử được hóa thân thành con thuyền vỡ bên cạnh bóng hình Nàng đau thương tột cùng, dẫu Nàng trong tranh là một cô bé ngây thơ như số phần định đoạt, nhưng Nàng đã thoát ra thân phận bé nhỏ để hình thành những Người Con Gái Việt Nam - tuy yếu đuối, mong manh, nhưng vẫn cố gắng vượt qua khung cửa khóa sự tự do. Khuôn mặt, vóc dáng em đã bê bết những dấu hằn bất hạnh, nhưng em đã không bao giờ tan biến đi giữa hồn quê hương dân tộc.
Còn những dấu diếm ẩn trong nét vẽ - Như Thương chỉ là đoán vậy thôi, vì tất cả những tác phẩm của một nghệ sĩ không nhiều thì ít cũng là nơi trang trải lòng mình một cách chân thật và chân tình nhất, trong chiếc nôi êm ấm của nghệ thuật, những khổ đau, trằn trọc, loay hoay ... sẽ được an ủi, vỗ về vơi đi nhiều nhất …..
Lại còn những bức họa thật lành thánh bên bên những bức trần thế tục lụy nữa ạ! Như đôi tay bé ngoan chắp lại nguyện cầu trong "Đêm Linh Thiêng" và rồi cũng có một đôi tay hòa mình với dòng thác phơi lộ nét ngực trần trong “Chiêm Bao”
Anh pha màu vẽ hay anh pha màu cho đời anh để bốn mùa hân hoan sắc màu ? Anh đã tìm được Nàng như là điểm cuối của cuộc hành trình chưa hay chỉ như là nét cọ đùa với nhân gian ?
Một "Yếm Thu" hóa thân từ sắc lá mùa Thu thật rực rỡ và lộng lẫy con gái - những Nàng trong tranh A.C.La thường hay ỡm ờ (!) kín đáo và phô bày thật lạ. Phô bày thì quả thật là chính diện như bức “Huyền Thoại “ hay “Trương Chi”..., còn kín đáo thì lại dường như bắt người thưởng ngoạn hãy hình dung ra theo trí tưởng tượng của họ như bức "Sơn Tinh Thủy Tinh"
" Mưa Đêm" "Hoa Mộng" "Ảo Ảnh" “Chiêm Bao” ...
Như Thương vẫn men theo những con đường mòn, góc khuất trong tranh của họa sĩ khi vẽ vời lại khung cảnh bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông - có lẽ họa sĩ đã gom hết bao nhiêu sắc màu hạnh phúc của đem vào tranh và điều ấy đã làm NT là người chưa được diễm phúc chiêm ngưỡng cảnh thật đã phải trầm trồ tranh... rồi ước gì mình được thấy cảnh thật như bức họa " Vàng Thu" nhỉ... Và thi thoảng lại soải chân theo “Vó Ngựa” & " Thênh Thang".
Đôi lúc bất chợt NT lại đắm mình trong nét vẽ đầy huyền thoại của họa sĩ, như bức "Vũ Điệu của Sếu". Sếu vũ hay hót là hình ảnh thật ngoài đời đấy chứ, nhưng sao nét tranh lại huyễn hoặc trong mơ hồ dường ấy ! Bức tranh ấy động hay tĩnh - lại còn tùy vào tâm trạng người xem lúc bấy giờ.... lắm lúc NT thấy như đôi sếu đang diễn tả điệu vũ tình (thế có nghĩa là bức tranh động), rồi có khi NT lại trầm mình trong sắc màu rất lắng đọng của nền tranh để đôi uyên ương hạnh phúc ấy chỉ là bóng hình ngày xưa... Điệu vũ tình đã đến và đi mất, chỉ còn lại lau sậy là vĩnh viễn trường tồn nơi ấy .
Đi hết một vòng tranh còn nhớ lại trong trí nhớ, NT vẫn chưa biết họa sĩ yêu Nàng hay yêu Biển nhiều hơn! Chẳng nhẽ người thưởng ngoạn sẽ ngồi đếm lại bao nhiêu bức tranh vẽ Nàng và bao nhiêu tranh vẽ cho biển... NT không biết quý khán giả có cùng ý nghĩ như NT không?
Thế đấy, cảm xúc không trọn vẹn như những bức tranh anh vẽ theo thứ tự thời gian, nhưng cảm xúc trong Như Thương tràn ra như tuôn nguồn khơi mạch không lớp lang được ... có lẽ chỉ vì đôi khi không cần gieo vần luật như lúc làm thơ, nên Như Thương đã để mình ngụp lặn trong tự do thoải mái!
Có đôi khi Như Thương đã chợt nghĩ ... Hãy cầm cọ lên để giữ lại cho đời cảm xúc thật của mình trên canvas ... biết đâu đấy chẳng phải là sự thật? Cầm bút để ghi lại con chữ, còn cầm cọ như thể trao lại cho người thưởng ngoạn cái rung động của trái tim mình qua đường nét, màu sắc, ánh sáng huyền diệu, nhiệm mầu mà Thượng đế đã trao tặng, bày sẵn chung quanh đời sống chúng ta. Cả hai đều mang một ẩn số tuyệt vời "Đam Mê" và chính cái ẩn số ấy đã chi phối hết cuộc đời một nghệ sĩ …
Như Thương không là người điểm tranh vì những hạt ngọc viên thành đã tự nó tỏa sáng sau những chắt chiu, phút giây nâng niu, năm tháng lặn lội, công khó trước khung vẽ của họa sĩ rồi.
Những bức họa sẽ chẳng bao giờ già, sẽ chẳng bao giờ mai một đi dẫu người họa sĩ rồi sẽ già. Nhưng một ngày nào đó bất chợt ngoái nhìn lại "gia tài" của mình, mong rằng anh sẽ vui thầm nhủ "Ta có một chút gì đó để lại cho đời..."
Như Thương mến chúc người họa sĩ có đôi mắt trong veo để nhìn màu sắc, đường nét thật tinh tế, có đôi tay nghệ sĩ vung cọ mà Thượng Đế đã ban cho anh, vững chân đứng trước khung cọ vẽ mãi mãi….
Cuối cùng, Như Thương xin mạn phép hỏi người cầm cọ một câu duy nhất ... Anh đam mê Nàng hay đam mê Cọ vẽ? Nghĩ cho cùng Cọ vẽ hình thành ra Nàng và Nàng hướng dẫn Cọ vẽ. Cọ và Nàng đã quyện lấy nhau, không thể tách rời. Đã không thể tách rời thì làm sao mà cân phân. Cân phân nặng nhẹ hai điều trên sẽ trở thành máy móc như một người đang giải một bài toán.
Thôi, thế thì Như Thương cứ hy vọng được mãi mãi ngắm thêm tranh của A.C.La. Không cân phân mà cảm nhận, chắc hẳn trí não sẽ nhẹ tênh và bước đi sẽ thênh thang như đi trong gió lồng lộng đã bàng bạc trong các họa phẩm của anh!
Như Thương
12.2011
Tên các họa phẩm trích dẫn, tất cả là sơn dầu trên vải bố -
từ trên xuống:
Hoa Sa Mạc, 20"x24"
Xuân Lan, 24"x24"
Yếm Thu, 30"x30"
Vũ Điệu Của Sếu, 20"x30"
Biển Xưa, 30"x40"
Mưa Đêm, 24"x24"
Thuở Ấy, 20"x24"
Tên các họa phẩm trích dẫn, tất cả là sơn dầu trên vải bố -
từ trên xuống:
Hoa Sa Mạc, 20"x24"
Xuân Lan, 24"x24"
Yếm Thu, 30"x30"
Vũ Điệu Của Sếu, 20"x30"
Biển Xưa, 30"x40"
Mưa Đêm, 24"x24"
Thuở Ấy, 20"x24"
No comments:
Post a Comment