22 December 2011

Cây thánh giá

Jurgis Jankus (Lithuania)
Nguyễn văn Sâm chuyển ngữ

Hai, ba mươi năm trước đây, nếu từng đi vào con đường nhỏ từ Girkalnis đến Simkaiciai, chắc hẳn sẽ còn nhớ một cây thánh giá gần rìa làng Pakalniskiai, chỗ triền dốc của ngọn đồi có một cái lâu đài, nơi mà con đường quẹo vào một cánh đồng cỏ ướt. Cây thánh giá nầy đặc biệt, khác với tất cả những cây thánh giá khác rải rác khắp các nẻo đường vùng này. Thánh giá làm bằng hai khúc cây sồi dầy, chắc chắn, đen bóng theo thời gian, nắng mưa gió bão để lại chi chít vết rạn nứt cùng những đám rêu móc xám đậm đóng trên nhiều chỗ. Ðầu và hai tay thánh giá tận cùng bằng những nắm tròn thật to, đã bị thời gian bào mòn. Ðây là những thứ có lẽ mới được thêm vô sau này vì làm bằng loại cây tạp. Chắc một nghệ nhân nào đó muốn thánh giá đẹp hơn nên đã dùng tài nghệ mình đẽo gắn thêm vào.

Ta có thể đi qua ngang qua chính thánh giá này mà không chú ý vì thánh giá tương tợ quá nhiều, rải rác trên khắp ngả đường của Lithuania. Nhưng chính nét mặt của Ðức Chúa mới gợi sự chú ý của chúng ta. Khó ai có thể đi qua đó mà không ngừng lại hay không quay đầu ngoái lại nhìn nhiều lần. Tượng Chúa rất đặc biệt, cho đến bây giờ tôi vẫn không hiểu nỗi tại sao tượng nầy lại không nổi tiếng trên hoàn vũ, trừ phi thượng đế, bằng chính sự khiêm cung của mình, muốn như vậy. Thân hình tượng bằng cỡ với người bình thường, được khắc từ một khúc cây nguyên khối. Ngay cả hai cánh tay nữa, cũng không phải được khắc rời rồi thêm vào. Tứ chi đã bị gió bào mòn, run rẩy trong sự mệt lã. Cái đầu hơi chồm tới phía trước và nghẻo về một bên, chìm đắm trong những ý nghĩ lo âu và đau đớn… và có thể luôn cả những lo âu của ngày mai ngày mốt nữa. Cái vương miện bằng cây gai thường thấy trên đầu chúa đã mất. Cái mái che thường thường bảo vệ ngài khỏi bị mưa, tuyết cũng không còn. Chỉ có, do ai đó đặt trên cái đầu bi thảm này một vòng hoa tập tàng như hoa bắp, hoa chuông xanh, hoa vàng mao lương, cùng những thứ hoa dại khác. Chuyện này một đứa trẻ cao cao cũng có thể làm được vì thánh giá rất thấp, những ngón chân của bức tượng gần chạm mặt đất. Hình như chân thánh giá đã bị hư hoại nhiều phen, mỗi khi được thay, lại ngắn hơn lần trước. Nếu vậy thì nó phải cũ lắm bởi vì loại cây sồi rất lâu mục. Nhưng tại sao thời gian lại không bào mòn nét sinh khí trên mặt bức tượng? Người ta thường đứng chờ đôi mí bức tượng bi thảm nầy thình lình mở ra, mắt sẽ nhìn thẳng vào anh, đôi môi sẽ hé mở, anh sẽ nghe tiếng nói mà cả thế giới từ lâu đợi chờ, những tiếng nói mà các nhà thần học và thi sĩ hằng tìm tòi bằng muôn ngàn sách vở. Nhưng những lời ấy đến với anh, tự nhiên như bông hoa nở mỗi mùa.

“Tôi biết, cậu đang cầu nguyện. Hay là…. chỉ ngắm nhìn mà thôi?” tiếng một bà lão kéo tôi ra khỏi giấc trầm tưởng. Tôi nhìn lại. Nãy giờ bị cuốn hút vào bức tượng, tôi không để ý bà ta lụm cụm đến đây lúc nào. Ðó là một bà lão quá già, lưng còng theo năm tháng, gương mặt chằng chịt nét nhăn nheo nhưng đôi mắt thì sinh động và trẻ trung. Thời gian với những ngón tay thần sầu đã không chạm được đôi mắt đó, giống như là đã không thể chạm được gương mặt của Ðức Chúa trên cây thánh giá kia. Một tay bà ôm rổ đầy lá củ cải đường, tay kia cầm vài củ cà rốt mới nhổ.

“Ðẹp quá,” tôi nói, mắt hướng về Ðức Chúa.

“Vâng, đẹp thật — và rất quý giá. Nhưng sẽ không ở đây lâu đâu.” người đàn bà thở dài, dùng bàn tay quẹt ngang mày.


“Tại sao vậy? Coi còn có thể đứng đây lâu lắm mà.”

“Có thể đứng, nhưng không đứng. Chỉ trong vòng một hai năm thôi. Ông coi, chân bức tượng gần chạm mặt đất rồi kìa. Khi chân đã chạm rồi thì Ðức Chúa sẽ vác thánh giá đi chỗ khác. Một sáng nào đó chúng ta thức giấc sẽ không thấy người ở đây nữa.”

Tôi muốn cãi lại, nhưng biết rằng không nên trực tiếp nói ngược lại những niềm tin ở địa phương. Tôi làm thinh một chập, mắt vẫn ngắm nhìn gương mặt Chúa và đặc biệt là đôi môi của người, lúc này đây hình như đang mấp máy muốn nói. Tôi phát biểu: “Một công trình tuyệt mỹ, vô cùng tuyệt mỹ. Ai khắc vậy? Nếu ông ta còn sống, tôi rất hân hạnh được gặp một điêu khắc gia kỳ tài như vậy.”

“Thưa ông, không ai khắc được thánh giá này. Tôi sống từ nhỏ tới giờ ở đây, thấy thánh giá không thay đổi chút nào. Không khác một chút xíu nào. Khi tôi chỉ cao bằng này,” bà ra dấu bằng tay một khoảng cách với mặt đất, “tôi đã kết những vòng hoa cho Ngài. Chỉ có điều là lúc đó tôi không thể choàng lên được. Vói không tới. Ngay cả người lớn cũng vói không tới. Họ phải tìm cái gì đó để đứng lên. Và khi muốn hôn chân Ngài, tôi phải nhờ ai đó ẳm lên, nhưng bây giờ thì ngay cả một đứa trẻ nhỏ nhất cũng có thể vói tới dễ dàng. Mắt tội lỗi của người đời không thể nhận ra… nhưng thánh giá càng ngày càng lún sâu xuống….”

“Có thể có luồng nước ngầm ở dưới đó,” tôi bắt đầu giải thích, “thanh niên, đàn ông ở đây phải phụ nhau dời đi chỗ khác mới phải.” Trong thâm tâm tôi nghĩ vật quý giá như vậy phải được đặt trong lồng kính ở bảo tàng viện, nhưng tôi không nói như thế, sợ rằng chống lại bà ta, khiến cho bà sẽ làm thinh không nói thêm. Ngay cả ý kiến dời đi của tôi cũng làm cho bà lắc đầu.

“Ông ơi, đã không ai tạo nên thì cũng không ai di chuyển đi!” bà phát ngôn một cách chắc nịch.

“Không ai tạo nên!” Tôi ngạc nhiên.

“Dĩ nhiên là không. Ngài tự mình đến đây và chọn nơi này; chỉ là do chúng ta, cứ chất chồng tất cả các chuyện lộn xộn, lo lắng, và những hành vi quỷ quái của chúng ta lên đầu Ngài cho nên Ngài mới lún dần lún dần…”

Bà ngừng nói. Tôi cũng thế. Cả hai chúng tôi nhìn thẳng vào cây thánh giá. Bà chầm chậm ngồi xuống đám cỏ xanh dầy bên vệ đường. Tôi cũng ngồi xuống, kế bên bà, vẫn miên man nghĩ rằng thánh giá này cần được đem đặt vào viện bảo tàng. Nhưng tôi vẫn không nói gì. Bà bứt một ngọn cỏ mần-trầu quấn trong mấy ngón tay làm như mang nhẫn. Trên tay bà không có một cái nhẫn nào khác. Có thể bà chưa bao giờ lấy chồng hay là có thể bà ta đã cởi nhẫn ra, chùi bóng lại để vào trong hộp đồ vật sẽ được chôn theo khi bà qua đời.

“Tôi biết người trẻ và có học vấn khó hiểu được chuyện như vậy”, bà nói sau một lúc trầm ngâm, “họ phải kiểm chứng tất cả mọi việc, rồi tái-kiểm-chứng rồi phải được viết xuống trước nữa. Nhất là được viết trong sách vở. Tôi cũng đã từng đọc sách, và nhờ ơn Chúa, cho tới giờ đây tôi vẫn còn đọc sách được. Chúa cho tôi đôi mắt tốt. Tôi cũng đọc báo nữa. Càng đọc, càng thấy rằng chuyện trên đời này không thể nào viết hết tất cả vào trong sách vở! Lấy cái chuyện cây thánh giá của chúng tôi đây làm thí dụ. Không ai đem vào sách vở cả. Ai có thể đếm được hết những gì đã chất chồng lên vai và lên tim người!”

Rồi bà ngừng lại nữa. Bà đã cởi mấy cái nhẫn cỏ ra, bây giờ bà đang nhai nó. Thình lình bà mỉm cười.

“Răng cỏ tôi vẫn còn gần đủ hết. Chúa đã rất thương mến tôi. Tôi đã có một đời sống đẹp đẽ, thoải mái. Thỉnh thoảng tôi vẫn tự nhủ thầm: “Mary ơi, đời sống mầy như thế nầy đáng lẽ mầy phải làm cho Người nhiều vương miện hơn nữa! Chắc là ông đã từng đọc sách về những năm kinh hoàng của bịnh dịch?” bà ta thình lình chuyển hướng câu chuyện. “Bây giờ thì không ai nói tới chuyện ấy nữa, nhưng khi tôi còn nhỏ thì đó là câu chuyện trên cửa miệng mọi người. Dầu không sống trong thời gian bịnh dịch, họ vẫn nhớ qua lời kể của cha mẹ, ông bà. Người thì nói khi một trận gió thổi qua, tất cả mọi người đều ngã rạp xuống, ngã luôn không đứng dậy. Kẻ thì bảo có người kỵ mã áo đen cởi ngựa chạy như bay trong đêm, qua đến vùng nào, sáng hôm sau phân nửa nhân số ở đó không còn thức dậy được. Sáng hôm sau nữa thì phân nửa số còn lại cũng nằm luôn. Chỉ có người may mắn đêm đó không ở đó hay những người đang quỳ dưới thánh giá cầu nguyện lúc người kỵ mã đi qua mới không bị nguy hiểm thôi. Nhưng không chết thì họ phải lo việc tống táng người chết, săn sóc người bệnh và coi chừng gia súc trong làng.

Thời đó làng tôi rộng hơn bây giờ nhiều. Họ nói rằng trời mưa cả ngày không dứt. Khi hơi quang tạnh thì ở phía tây, đằng dưới đồi, một đàn quạ đen kéo đến đậu phủ kín cây cối và rợp nóc mọi nhà. Chó rên ư ử ở chỗ ngạch cửa, xin được vào trong. Ngay cả đàn ông cũng rùng mình vì tiếng quạ kêu đinh tai nhức óc. Trời tối sớm hôm hơn thường nhựt. Sáng sớm hôm sau, đàn quạ đã đi mất tiêu nhưng con người ở đây thì bắt đầu rơi rụng như lá úa mùa thu. Chỉ có ông Darvyda Ignaca là không hề gì thôi. Chả là ngày hôm trước ông ta đi ra vùng kế cận lo chuyện ép hột gai lấy dầu ăn.

Sáng sớm hôm sau, trở về, ông thấy cả gia đình mình bị bịnh dịch. Cả những người chòm xóm chung quanh nữa. Một vài người còn có thể cựa quậy được ngày hôm đó. Nhưng tới ngày thứ ba thì chỉ còn lại trơ trụi mình ông. Họ nói nhờ ông rất mạnh khỏe. Kiểu khỏe mạnh nầy ngày nay không còn nữa bởi vì con người ta sống dễ dàng quá. Ngày xưa thì không vậy, ai ai cũng phải làm việc cật lực nên mình mẩy cứng như sắt và khỏe như trâu, gió mưa coi như không. Ignaca cũng vậy. Ban ngày ông ta đi từ nông trại nầy qua nông trại khác. Săn sóc trâu bò. Giúp đở người bịnh. Ðem chôn người chết. Ông có thấy cái gò đất gần trung tâm làng đấy chăng? Trong cát chỗ đó, ông Ignaca đào lỗ, xếp người chết vô như là xếp củi. Xếp ban ngày, chiều lấp chôn không thôi ban đêm chó đào bươi lên.

Một ngày nọ, sau khi chôn tất cả người chết trong ngày, ông ta lấy làm ngạc nhiên khi thấy từ phía cánh đồng xa tiến đến một người vác trên vai một cây thánh giá thật to. Ignaca mặc dầu quá mệt mỏi rồi nhưng cũng ra hỏi người ấy có cần giúp đỡ gì không. Ông tưởng chắc đây là một người muốn trồng cây thánh giá chỗ mình nằm sau khi chết. Nhưng mặc dầu trông rất là quen thuộc, người kia lại hoàn toàn xa lạ, không phải dân trong làng. Ignaca đề nghị vác giùm cây thánh giá để trong sân nhà mình. Ông nói: “Tôi sẽ nặn sữa bò, lấy gì đó cho bác ăn, rồi thắng ngựa vô xe. Bác không thể vác thánh giá nặng như thế nầy một mình được. Ignaca để dựa thánh giá vô vách chỗ hông nhà (nơi bà nội ông thường chỉ chỗ vách tường trầy trụa ở gần cuối nhà), và để người kia ngồi kế bên nhà, lo chạy đi vắt sữa bò. Lúc sau, khi mời bánh mì và sữa tươi cho người nầy, ông ta hỏi, “Bác vác thánh giá nầy từ đâu tới vậy?” “Từ rất xa, có thể nói là từ phía đầu kia của trái đất,” người lạ mỉm cười. “Và bác vác một mình như thế à? Người ta chết nhiều quá nên không ai giúp bác hết phải không?” “Không phải vậy, chỉ vì họ còn có quá nhiều chuyện để làm mà thôi.” “Tôi có thể giúp bác, “Ignaca thành thật đề nghị, “nhưng mà không biết ai lo cho người bệnh và chôn cất người chết đây? Và cả gia súc cũng cần phải được chăm lo nữa. Tôi muốn nói là không thể cứ thả chúng chạy rong ra đồng được. Nếu đường không xa thì tôi có thể vác cho đến chập tối. Nếu đường xa thì tôi sẽ bắt kế ngựa. Bác sẽ trả xe lại sau. Bác không thể vác nặng như thế một mình được.” Người kia mỉm cười lần nữa. “Bây giờ thì không xa nữa,” ông vừa nói vừa rời ghế đứng dậy định vác thánh giá. Ông vừa yếu đuối vừa mệt mỏi đến nỗi Ignaca nhỏm dậy kêu lên: “Chờ đã, tôi không thể để bác vác một mình được. Bác khiêng đằng chân đi, tôi sẽ khiêng hai tay thánh giá!”

Ignaca nắm vô tay thánh giá, đặt lên lưng mình, cảm thấy chân mình như lún xuống cát, vai mình quằn xuống như mang vật nặng ngàn cân. Nhưng ông nghiến chặt răng, bước đi, dầu run rẩy, dầu chập choạng. “Xin Thượng Ðế giúp con, “ông thều thào trong miệng. “Cố gắng đừng ngã, cố đừng chết. Chết thì ai lo việc ngày mai đây?” Họ hì hục đi ra đường rồi đi ra khỏi làng. Người lạ kia nói, “Ðược rồi, để tôi ở đây.” “Bộ bác muốn mang một mình à?” Ignaca hỏi qua bả vai mình. “Ta cứ đặt xuống đây đi. Tôi không muốn mang đi xa hơn. Ðây là một chỗ tốt,” người lạ mặt lại cười lần nữa. “Nếu bác muốn đặt thánh giá ở đây phải chi bác nói trước để tôi mang theo một cái xuổng. Mình không thể dựng lên bằng tay không được.” “Ðừng lo. Về đi. Anh cần nghỉ ngơi nữa mà.” “Mình sẽ đi về cùng. Nếu bác không thích nằm giường thì cũng có rơm trong trại. Tôi sẽ đưa cho bác thật nhiều mền,” ông ta nói. Nhưng người kia đã ngồi lên trên cây thánh giá. Ðưa tay chống cằm, ngước mắt về phía Ignaca. “Cám ơn lòng từ tâm của anh,” ông nói, “nhưng tôi sẽ nghỉ ở đây. Người của Thượng Ðế đặt đầu thì nơi đâu lại chẳng được? Và cũng cám ơn anh đã đỡ vớt gánh nặng cho tôi. Về đi. Ở nhà, người bệnh, người chết, và gia súc đang đợi chờ anh đó. Tôi muốn ngồi đây một chút, yên lặng suy nghĩ.” Ignaca quay lưng dợm đi, rồi ngó ngoái lại nhìn người kia đắm chìm trong mộng mơ. Sau cùng ông ta nói “Bác phải là người quanh quất đâu đây. Tôi chắc chắn rằng tôi đã từng gặp bác ở đâu đó rồi.” Người kia ngước mắt lên lần nữa, nhìn Ignaca rồi lại cười. “Có thể tôi không đến từ xa, có thể đến từ gần hơn nữa. Nhưng mà bây giờ trời tối quá rồi. Mai đến đây, mình sẽ nói chuyện thêm. Tôi sẽ đợi ở đây.”

Ignaca muốn nói điều gì hơn nữa nhưng không thể tìm ra lời nên chỉ nhún nhẹ vai, đi về. Rồi thì ông bắt đầu cảm thấy mệt mỏi ghê gớm. Như mỗi bước chân là mỗi bước sau cùng của đời mình. “Có thể là cái bệnh dịch đó thấm vô mình mình rồi,” ông ta nghĩ thầm. “Nếu mình ngã xuống, sẽ không còn ai để đào lỗ chôn mình.” Nghĩ như vậy, ông lê bước đi về nhà, ngã bịch xuống ghế dài, chỉ thức dậy lúc sáng hôm sau. Ông ta thức dậy, ngạc nhiên quá đỗi: trong nhà, tất cả mọi người đều đã lành bệnh. Tất cả dân làng nữa, đều đã lành. Người chết rồi thì thôi, nhưng ai chưa chết thì đứng dậy đi đứng như chưa từng bệnh hoạn. Họ đi quanh trong nhà, săn sóc súc vật, chôn cất và khóc thương cho người chết. Họ vui mừng vì bệnh dịch đã bỏ đi nhanh chóng cũng như khi nó đến làng. Ignaca chạy đi giúp đỡ dân chúng trong làng, nói cho họ biết chỗ nào người nào đã được chôn cất. Chỉ cho đến khi nửa trưa Ignaca mới nhớ trực lại người đàn ông lạ lùng kia. Nếu ông ta đợi như đã nói thì chắc là đói lắm. Ignaca đổ đầy một bình sữa, lấy ổ bánh mì lớn, trèo lên gác thượng cắt một miếng thịt ba rọi, chạy vội vàng ra chỗ đó. Trước mặt ông ta sừng sững một thánh giá to lớn. Dựng đứng, trông nó lớn hơn cái ông ta khiêng hồi hôm nhiều. Hổ thẹn dấy lên ngập lòng Ignaca. Rõ ràng là người kia đã chờ, chờ mãi, cho đến khi tìm được cái xẻng để dựng cây thánh giá lên, dựng một mình, rồi bỏ đi bởi vì không một ai chung quanh. Khi dòm quanh quất trên đồng, hy vọng thấy được người lạ kia, Ignaca tiến gần đến cây thánh giá, ngước mắt lên nhìn và rợn người: trên cây thánh giá, chính cái người mà ngày hôm qua ông bỏ đi về vì nghe nói rằng cần được ngồi yên lặng để suy nghĩ, đang ngó ông. Ignaca buông rơi bình sữa, ổ bánh mì rời khỏi tay; ông giở mũ ra, không để ý rằng hai đầu gối mình cong xuống. “Thượng Ðế ôi, chính đó là đức Chúa Jesus!” ông thì thầm. “Hôm qua Chúa đến với con. Ăn uống. Chuyện vãn. Con đã không nhận ra Chúa. Xin Chúa tha lỗi cho con.” “Hãy đứng dậy,” Ðức Chúa nói một cách yên lặng và rất tự nhiên. “Bây giờ con nhận ra ta. Rất tốt! Hãy đi nói với mọi người chuyện gì xảy ra ngày hôm qua. Bảo họ mang tất cả niềm vui, nỗi buồn, chuyện lo lắng khó khăn, chuyện tội lỗi xấu xa, lòng hối hận ăn năn …. của mình đặt lên trên thánh giá nầy. Những chuyện xấu sẽ làm cho thánh giá lún xuống, chuyện tốt sẽ nâng thánh giá lên.” Ðức Chúa yên lặng, và trong tiếng thở dài của Ignaca, người biến thành bức tượng tạc bằng gỗ. Qua bao năm tháng, thánh giá vẫn đứng đó, cao nghệu, sừng sững, lắm khi hình như nó rục rịch vươn lên cao. Rồi nó bắt đầu lún dần xuống. Bây giờ đây chính ông thấy đó, còn có bao nhiêu nữa đâu: và chúng ta thì cứ tiếp tục đặt gánh nặng lên đầu Người mãi. Không ai nói với tôi, nhưng trong tim tôi cảm thấy rằng…. ngay khi mà chân của Người chạm phải mặt đất, thì Người sẽ đứng lên, vác thánh giá đến một nơi khác. Chúng tôi tất cả sẽ mồ côi. Chính đáng thôi, nhưng vẫn là mồ côi.”

Với những lời nầy, bà lão đứng dậy, nhón gót để sửa lại cái vòng hoa, quỳ xuống hôn bàn chân bị đóng đinh, rồi bỏ đi.

Như bị xuất thần, trong mấy phút dài tôi nhìn khoảng cách nhỏ giữa chân Chúa và đám cỏ dưới đất, thình lình một ý tưởng lóe trong trí tôi — điều gì sẽ xảy ra nếu chuyện vừa kể không phải là chuyện thần thoại mà là chuyện thật? Ðiều gì xảy ra nếu Chúa đứng dậy, bỏ đi, không phải để tìm một chỗ khác, mà để rời khỏi trái đất nầy. Và điều gì sẽ xảy ra, nếu trong khi ra đi, người lấy theo điều răn rằng hãy thương người láng giềng hàng xóm, một điều mà trong hai ngàn năm nay vẫn còn lạ lẫm đối với chúng ta?

Tôi nhìn chung quanh. Giữa trưa, hơi nóng tràn ngập cánh đồng, vườn cây, nhà cửa. Không một nét nhỏ nào trên gương mặt của Chúa động đậy — Mắt của người yên tĩnh, chăm chăm nhìn vào cõi vô cùng. Không ai sửa soạn để đưa ra một câu trả lời, trừ câu đau thương vừa vang vội trong trái tim tôi.

Jurgis Jankus (Lithuania)
Nguyễn văn Sâm dịch theo bản tiếng Anh của Audrius Tadas Klimashư bông hoa nở mỗi mùa.

No comments:

Post a Comment

Cái Đêm Hôm Ấy . . . Đêm Gì?

TTR: Chắc chắn không ai đọc được những bài ký sự như thế này mà còn có thể hình dung ra cảnh người dân bị bóc lột tàn bạo, phi nhân hơn nữa ...