Mê Thảo Thời Vang Bóng.
Một bước tiến dài của điện ảnh Việt Nam
Trọng Ðạt
Mê Thảo Thời Vang Bóng dựa theo truyện Chùa Ðàn của Nguyễn Tuân, đạo diễn, bà Việt Linh là Việt Kiều tại Pháp về nước thực hiện có hợp tác với các tài tử trong nước như Dũng Nhi, Ðơn Dương, Minh Trang, Thúy Nga. Phim đã được quay xong từ 2002 nhưng bị cấm chiếu trong nước một năm, có tự ý đi dự thi đại hội điện ảnh quốc tế và được giải Hoa Hồng vàng tại một đại hội nhỏ Ý Bergamo, được giải thưởng Francophone của Pháp tại Paris, được báo chí Pháp khen ngợi nồng nhiệt. Ðại hội điện ảnh quốc tế trên thế giới thì khá nhiều nhưng chỉ có ba đại hội uy tín là: Ðại Hội điện ảnh Venise, Ý (Festival de Venise) phát giải Sư tử vàng (Lion d’or) , Ðại hội Cannes, Pháp (Festival de Cannes), phát giải Nhành dương liễu vàng (Palm d’or), và Ðại Hội Bá Linh (Festival de Berlin), phát giải Gấu vàng (Ours d’or). Phim Mê Thảo được chiếu ở trong nước nhưng không cho đi dự giải chính thức và chính quyền có vẻ nhiều ác cảm theo tôi biết tại phần cuối phim, trước khi kết thúc nhân vật chính có nói vài câu xa xôi, bóng gió đụng chạm tới chế độ.
“Mọi sự mê muội đều phải trả giá.
Bóng tối làm ra địa ngục.
Nhưng ánh sáng cũng không luôn luôn đồng nghĩa với thiên đường”.
Về điểm này chúng tôi sẽ bàn tới sau trong phần nhận xét. Trước hết tôi xin sơ lược về nghệ thuật thứ bẩy và điện ảnh Việt Nam. Ðiện ảnh có từ cách đây 100 năm, bắt đầu là phim câm, đến 1930 bắt đầu có phim nói, phim nói đầu tiên là Mặt trận miền Tây yên tĩnh (A` l’Ouest rien de nouveau), cuối thập niên 30 có nhiều phim hay đạt một bước tiến dài của Nghệ thuật thứ bẫy như Grand Illusion của Pháp, Cuốn theo Chiều Gió, The Grapes of Wrath, Mỹ … Hồi Thế chiến Thứ hai từ 1940 – 1945 các nước lo đánh nhau không quay được cuốn nào, nhưng sau thế chiến các nước Pháp, Nhật, Y, Mỹ. . thực hiện được nhiều phim giá trị. Những phim quay hồi thập niên 50, 60, 70 bây giờ được gọi là phim cổ điển, từ mười năm trở lại đây điện ảnh Mỹ không quay những phim nghệ thuật cổ điển nữa, phim Mỹ bây giờ thường là thương mại thuộc loại võ thuật, bắn giết, chiến tranh , phép thuật.
Nhưng một số nước có nền điện ảnh non trẻ như Trung Hoa, Việt Nam… lại chú trọng thực hiện những phim thuộc loại cổ điển thí dụ Treo Cao Ðèn Lồng Ðỏ, Hạng Võ Biệt Ngu cơ ( Farrawell my concubine), Joudou… đoạt nhiều giải thưởng quốc tế thập niên 90 và sau đó Cyclo, Mê Thảo. . Ðiện ảnh Việt Nam có từ cuối thập niên 30, phim đầu tiên là Cánh Ðồng Ma, quay năm 1938, do Ðàm Quang Thiện viết truyện, tài tử Việt Nam, quay tại Hồng Kông do hãng Nam Duyt tại đây thực hiện, Nguyễn Tuân có đóng một vai phụ và kể lại trong cuốn Một Chuyến Ði. Sau đó là những phim Kiếp Hoa, Chúng Tôi Muốn Sống, Người Tình Không Chân Dung, Người Ðẹp Bình Dương, Hồi Chuông Thiên Mụ… nói chung không thành công gì cho lắm. Ngoài Bắc sau năm 1954 đã thực hiện được một số phim có nghệ thuật vững vàng nhưng tuyên truyền chính trị nhiều nên ít được hưởng ứng. Tại Hải Ngoại năm 1992 thì có Mùi Thu Ðủ, 1995 Cyclo của Trần Anh Hùng, đoạt giải Sư Tử vàng Venice nhưng lại bị nhiều khán giả Việt coi là không hay. Gần đây có Ba Mùa (Three Seasons), Oan Hồn. . nói chung cũng có nhiều cố gắng, và bây giờ Mê Thảo Thời Vang Bóng đã được dư luận chung chú ý khen ngợi nhiều.
Trước hết tôi xin sơ lược truyện Chùa Ðàn, đây là một truyện ngắn độ 50 trang, viết 1945, một loại truyện ma quái kinh dị, từ năm 1943 Nguyễn Tuân viết một số truyện ma quái hoang đường rất hay, Nguyễn Tuân chịu ảnh hưởng truyện Liễu Trai Chí Dị của Bồ Tùng Linh, Chùa Ðàn là truyện ma quỉ cuối cùng của ông. Truyện đươc in trong tập 3, bộ Nguyễn Tuân toàn tập, nhà xuất bản Văn học 2000, nó cũng được in lại trong cuốn Yêu Ngôn, Nhà xuất bản Hội Văn, Hà Nội 1999. Trước 1975 tại Sài Gòn Chùa Ðàn có được in lại nhưng không được chú ý mấy. Tại miền Bắc sau 1945 nó được xếp vào loại duy tâm phản động không được phổ biến sau này nhờ đổi mới truyện đã được in lại, các nhà phê bình trong nước, Hoàng Như Mai, Nguyễn Ðăng Mạnh khen Chùa Ðàn hay, đạt tới tột đỉnh nghệ thuật.
Sơ Lược truyện.
“Tại ấp Mê Thảo, (ấp giống như đồn điền), chủ ấp là Lãnh Út còn trẻ, vợ bị chết trong một tai nạn xe lửa bị lật, vì quá thương vợ, Lãnh Út thù oán cơ khí máy móc, cậu cho bán và đem cho tất cả những sản phẩm của nền văn minh như ô tô xe đạp, máy hát, máy chữ, đèn măng sông, súng săn. . . Khách đến ấp không đươc đem theo đồng hồ, bật lửa, ấp vắng khách làm ăn sút kém.
Dân trong ấp than thở về ông chủ ngày càng điên khùng, uống rượu ngày đêm, quá thương vợ đâm ra buồn rầu rượu chè sao nhãng sản xuất, ấp chuyên trồng dâu nuôi tằm, quay tơ. Quản lý tên là Bá Nhỡ có họ hàng xa với vợ Lãnh Út, bị tòng phạm trong một vụ án mạng, bị kết án tử hình, nay trốn lên đây nhờ sự che chở của Lãnh Út. Cậu chủ ấp quá thương vợ vẫn khóc lóc, đôi khi đánh đập dân trong ấp, kinh tế ấp suy sụp. Bá Nhỡ mời phường chèo về ca hát cho cậu chủ nguôi nhưng cậu vẫn đau khổ, cậu uống rượu liên tu bất tận.
Bá Nhỡ tìm cô Tơ, người danh ca để về hát cho Lãnh Út nghe, cô Tơ từ ngày chồng chết bỏ nghề hát về quê sinh sống, Bá Nhỡ về tận quê cô để xin cô nhận lời, Bá mua đàn luyện lại tay nghề xuống đàn cho cô Tơ nghe, cô phục tay đàn của Bá nhưng vẫn từ chối vì đã thề bỏ hát, cô cũng cho biết từ ngày chồng mất cây đàn ấy linh thiêng lắm, ai cầm đến là phải chết, đàn ấy làm bằng nắp ván quan tài của một cô gái đồng trinh nên thiêng lắm, gần ngày giỗ nó đổ mồ hôi và phát ra tiếng thở dài, năm ngoái có ông khách ôm cây đàn ấy thì lăn đùng ra bị bán thân bất toại.
Cô Tơ mơ thấy chồng về báo mộng cho biết sẽ có người đến ôm cây đàn đó gẩy, hắn sẽ phải chết thế mạng cho ông ở dưới cung Thủy tinh , ông sẽ đầu thai lên làm người dương gian , cô giật mình ghê sợ. Thế rồi ít ngày sau Bá Nhỡ tìm đến nhà cô Tơ, cô lẻn vào nhà khấn chồng tha mạng cho Bá Nhỡ, chờ người khác nhưng chồng không thuận. Bá ôm đàn gẩy khúc Hoà Mã, cô Tơ hát, khi ấy cậu chủ Lãnh Út cũng vừa được bọn đệ tử khiêng võng tới, cậu Út cầm chầu.
Cô Tơ hát trong lòng như người mất hồn, Bá Nhỡ gẩy đàn nhưng tiếng đàn đau khổ, ngậm ngùi, tiếng đàn hát dắt nhau mà lướt bổng, Bá Nhỡ thấy mình đang chết dần, mười đầu ngón tay chẩy máu, máu trong người thấm ra ngoài, tiếng đàn hát như sa lầy trên bãi sình lầy, Bá Nhỡ ngày càng suy sút vì mất máu rồi gục xuống lạnh ngắt, cô Tơ òa lên khóc, vuốt mắt cho Bá Nhỡ, cây đàn nổ tung ra đất. Lãnh Út ngủ vùi hôm sau tỉnh giấc cho khiêng xác Bá Nhỡ về hạ thổ. Khai quật tửu phần (bãi tha ma rượu chôn rượu), Lãnh Út vứt bó đuốc đốt tửu phần, Lãnh thề bỏ rượu. Một năm sau chùa Ðàn mọc lên tại ấp, cô Tơ đi tu coi việc kinh kệ, Út bán ấp, giữ lại hai mẫu nơi dựng chùa Ðàn”.
Khi quay thành phim người ta thường thuê người viết lại truyện phim vì không thể quay y như truyện. Phim Mê Thảo cũng gần giống như Chùa Ðàn nhưng có thêm bớt nhiều chi tiết như: Trừ cô Tơ giữ nguyên tên, nhân vật Lãnh Út đổi tên là Nguyễn, Bá Nhỡ thành Tam, thêm một nhân vật chính là cô Cam, người đầy tớ tương tư ông chủ Nguyễn, ông chủ sai làm một tượng gỗ mặc áo của vợ để tưởng nhớ tới vợ, Tam người quản gia là nhân tình của cô Tơ. .
Phim Mê Thảo đạt được tiến bộ đáng kể như sau: Dàn cảnh vững vàng chứng tỏ đạo diễn lành nghề, diễn xuất của các tài tử tuy không điêu luyện lắm nhưng cũng đã diễn tả được đầy đủ cá tính của nhân vật mình được giao, vai chính Dũng Nhi nổi bật hơn các vai khác, diễn tả được tâm lý người điên loạn vì thương vợ. Âm thanh rõ, mầu sắc hình ảnh tươi đẹp, nhạc hay thể hiện được cái đẹp của nền nhạc cổ truyền Việt Nam, phong cảnh tao nhã thanh lịch. Nhà đạo diễn đã chịu khó nghiên cứu phong tục, âm nhạc dân ca, trang phục của xã hội ta thời ấy. Toàn bộ cuốn phim thể hiện được nhiều dân tộc tính của xã hội Việt Nam như hát chèo, ả đào, cúng tế… đó là những điểm mà người Tây phương hay chú ý và khen ngợi. Cũng giống như phim Rashomon của Nhật, Mê Thảo Thời Vang Bóng thành công do một truyện ngắn có 50 trang đưa lên màn bạc.
Tuy nhiên phim đã vấp phải nhiều sai lầm đáng kể. Tên truyện khó hiểu, nhà đạo diện ghép Mê Thảo tên một địa danh với Thời Vang Bóng, lấy ý của tác phẩm Vang Bóng Một Thời của Nguyễn Tuân, nếu đặt tên phim là Mê Thảo Vang Bóng Một Thời hoặc lấy tên Mê Thảo hay Chùa Ðàn thì có lẽ dễ hiểu và dễ nghe hơn.
Nhà đạo diễn muốn cải tiến tác phẩm của Nguyễn Tuân thành Chùa Ðàn tân thời nên đã cho vào nhiều chi tiết tưởng là mới mẻ nhưng sự thực đã làm mất ý nghĩa thanh cao của tác phẩm như cảnh ông chủ Nguyễn cho tạc một tượng gỗ tượng trưng cho người vợ yêu quí và tối đến làm tình với tượng gỗ, cảnh này đã diễn đi diễn lại hai ba lần. Ðưa những cảnh tục tĩu xấu xa vào phim ảnh cố nhiên làm mất giá trị của tác phẩm nhiều vì văn nghệ phải là tinh hoa chứ không thể là cặn bã.
Có nhiều phim khó hiểu hơn truyện như phim Godfather và cũng có nhiều phim dễ hiểu hơn truyện như Bác Sĩ Zhivago, Moby Dick. . người đạo diễn đã bỏ bớt những chi tiết rườm rà phức tạp. Phim Bác sĩ Zhivago đã được nhà đạo diễn lái truyện sang một đề tài yêu đương lãng mạn và đã thành công vẻ vang, nhưng cũng không hẳn cứ lái sang đề tài yêu đương là thành công. Trong truyện Chùa Ðàn liên hệ giữa cô Tơ và anh Tam, người quản lý chỉ là đàn hát, nhà đạo diễn đã thay đổi một phần cốt truyện, cho thêm mối tình giữa cô Tơ và anh quản lý, nó có vẻ giả tạo nhạt nhẽo không rung động được khán giả tí nào, thiếu ý nghĩa đạo đức vì trong phim Cô Tơ và anh Tam yêu thương nhau từ khi chồng cô còn sống, lại thêm mối tình câm của cô người hầu Cam mê ông chủ cũng là một thứ tình nhạt nhẽo.
Trong truyện phần cuối là đoạn hay nhất của tác phẩm, mặc dù chỉ mô tả bằng ngòi bút nhưng Nguyễn Tuân đã kiến cho độc giả tưởng như đang hoà mình tham dự vào buổi đàn ca không tiền khoáng hậu, tác giả đã trổ hết am tường của mình về hát ả đào nên cuộc đàn hát đưa người về cõi chết mới linh động tuyệt vời như thế. Nhà dàn cảnh đã diễn tả được hết nghệ thuật của buổi đàn ca ấy, tiếng hát, tiếng đàn tuyệt diệu của cô Tơ, anh Tam (Ðơn Dương) đã rung cảmvà gây xúc động người thưởng thức khiến họ tưởng như đang sống trong phim hay trong một thời đại xa xôi của lịch sử nước nhà. Phần đàn hát kết thúc phim đã được các nhà phê bình bên Pháp ngợi khen nhiệt liệt.
Tuy nhiên có điều là phim đã không diễn tả được không khí quái đản ghê rợn của Chùa Ðàn, Nguyễn Tuân có biệt tài về truyện ma quỉ không thua kém gì Bồ Tùng Linh của Tầu, hay Edgar Allan Poe của Mỹ. Phần đàn hát cuối truyện là một tấn thảm kịch vô cùng ghê rợn tiễn đưa người nghệ sĩ tài ba về cõi chết, chồng cô Tơ (Chánh Thú) nay đã chết ở dưới Thủy Cung về báo mộng cho cô biết ở dưới ấy ông phải đi đàn hát cho Diêm Vương trong mười vương phủ tối tăm khổ sở lắm.
“Những âm thanh của ngục tối mình ơi! mình nhớ kỹ lấy để tôi được đầu thai về cái thế giới tơ trúc trên dương gian”
Ông sẽ gọi hồn Bá Nhỡ (người quản lý) xuống dưới thế ông để lên dương thế, cô Tơ vì tình người vì lòng nhân đạo muốn cứu mạng Bá Nhỡ đã xin chồng tha mạng cho anh.
“Tôi xin mình, mình chứng giám cho tấm lòng ngay thẳng và thương người của vợ mình”
Nhưng Chánh Thú không tha và rồi buổi đàn hát giết người đã chấm dứt tấn thảm kịch cuộc đời Bá Nhỡ, máu tuôn dần dần ra năm đầu ngón tay , Bá gục vào đàn mà chết
“Phía sau gáy Bá Nhỡ, vụt bay lên một con bướm đen loang lổ những chấm tròn hoàng hồng. Tinh hồn Bá nhỡ đã xuất thoát ra kia đang ríu đôi cánh ốm rồi biến vào bóng khuya . Một con chấu chấu ma nổ ruột trên tim nến lả lay. Thế là hết hẳn ngân rung của chỉ đàn. Ðiệu hát Hoà Mã chưa quá một phần ba”.
Trong phần kết thúc truyện, cảnh đốt tửu phần cũng thật ghê rợn nhưng phim đã không diễn tả được gì mấy, trước đây Bá Nhỡ (quản lý) cất rượu cho chủ xong anh đem chôn ngoài bãi y như một nghĩa địa. Sau khi chôn Bá Nhỡ ông chủ Lãnh Út phóng hỏa đốt tửu phần, gò rượu phát hoả, thảo mộc chim muông bị một trận say men, thú ngàn rống to lên như cảnh động rừng , chim bị say cánh cụp cứng lại mà lìa khỏi tổ rụng xuống đất như quả chín rời cành mẹ. Truyện Chùa Ðàn được các nhà phê bình trong nước khen hay cho là nghệ thuật Nguyễn Tuân đã đạt tới thượng đỉnh, cái hay của Chùa Ðàn là nhờ không khí quái đản ghê rợn nhưng người làm phim đã không diễn tả được không khí ma quỉ ghê rợn quả là điều đáng tiếc. Người Nhật thực hiện được nhiều phim ma nổi tiếng như Quái Ðàm, Ugetsu, ví như Chùa Ðàn vào tay một nhà đạo diễn Nhật thì cuốn phim đã có một bộ mặt khác phù hợp với tinh thần quái đản của Nguyễn Tuân.
Trong phim ở đoạn cuối quản lý Tam nói với cô Tơ anh biết trước nếu ôm cây đàn trên bàn thờ mà gẩy sẽ cầm chắc cái chết trên tay nhưng không sờn lòng vì “Anh muốn được chết bên em”. Trong truyện anh Tam vì yêu nghệ thuật sẵn sàng chết để được đàn hát với cô Tơ, và cô muốn cứu mạng anh quản lý vì tình người, vì lòng nhân đạo, như vậy truyện chỉ thể hiện ý nghĩa nhân bản và phim thì lái sang tình yêu lãng mạn, nếu cứ giữ tinh thần nhân bản của tác phẩm thì đoạn cuối có ý nghĩa cao thượng hơn là tình yêu trai gái. Nếu chưa đọc Chùa Ðàn thì đoạn này có phần khó hiểu.
Về phương diện ngôn ngữ tôi thấy có vài sơ suất nhỏ như cảnh đầu phim, ông chủ Nguyễn đi mua nữ trang, bà chủ tiệm nói “chúng tôi đảm bảo hàng tốt, cửa hàng chúng tôi. ” Theo tôi biết ngày xưa người ta dùng chữ “bảo đảm” và “cửa hiệu” chứ không phải “đảm bảo” và “cửa hàng” như bây giờ. Về trang phục nhà đạo diễn đã chịu khó nghiên cứu trang phục nhưng chiếc áo dài đen và khăn xếp đen thường chỉ mặc và đội trong những khi đi xa, tiếp khách chứ không phải lúc nào cũng mặc áo dài như nhiều cảnh trong phim. Các nhà làm phim Trung Quốc, Nhật thường chọn các nữ tài tử nhan sắc tuyệt trần nào Củng Lợi, Chung Tử di, Trương mạn Ngọc . . để thủ vai nữ nhưng ở đây nhà đạo diễn Mê Thảo không chú ý tới sắc đẹp của vai nữ là mấy và đây cũng là điểm khác người.
Ðoạn cuối phim diễn tả được ý nghĩa bi thảm của tấn tuồng Mê Thảo, nhà đạo diễn đã thêm vào một chi tiết cảm động khi Nguyễn và bọn nô bộc trở về ấp thấy sở công chánh đặt đường xe lửa qua Mê Thảo, đó là ngày tàn của Mê Thảo, ông chủ ấp Nguyễn có bảo họ thế này.
“Cảm ơn các người đã theo ta cho đến tận giờ phút này, các người hãy đi đi, ta không còn là chủ nhân của các người nữa, nên nhớ rằng.
-Mọi sự mê muội phải trả giá.
-Bóng tối làm ra địa ngục.
-Nhưng ánh sáng cũng không luôn luôn đồng nghĩa với thiên đường”.
Vì quá thương vợ Nguyễn đã trở nên điên khùng đốt hết sản phẩm của nền văn minh, rượu chè ca hát khiến cho kinh tế của ấp suy đồi đã đưa Mê Thảo đến ngày tận thế, cảnh cuối phim cho thấy sau khi trải qua tấn thảm kịch Nguyễn đã thấy được sự tai hại khủng khiếp của sự u mê ngu muội của mình, của con người. Những kẻ cuồng tín u mê như Hitler, Lenine, Staline, Mao, Hồ… đã dựng lên những địa ngục vĩ đại giết hại đầy đọa triệu triệu sinh linh, thiên đường chưa chắc đã có nhưng địa ngục thì luôn luôn có thật.
Theo tôi nghĩ chính vì nhận xét sâu sắc tế nhị này của phần kết thúc mà chính quyền Việt Nam đã cấm chiếu phim trong nước một năm. Mặc dù có một số yếu điểm như trên nhưng ta vẫn phải công nhận phim Mê Thảo Thời Vang Bóng có thể được coi như một bước tiến dài của nền điện ảnh Việt Nam, cũng có thể coi ngang hàng với những phim giá trị của Trương Nghệ Mưu như Treo Cao Ðèn Lồng Ðỏ, To Lives, Joudu, Thu Cúc Ði Kiện . . Mê Thảo Thời Vang Bóng đã được giới phê bình Pháp và nhiều nước khen hay, nó xứng đáng được coi như một phim có giá trị nghệ thuật cao.
Có thể nói đây là lần đầu tiên một cuốn phim Việt Nam đã được dư luận phê bình xếp vào hàng phim có tiêu chuẩn nghệ thuật quốc tế cao nhưng riêng so với các nước Á Châu, nền điện ảnh Việt Nam chúng ta vẫn còn khiêm tốn lắm. Chúng ta hãy nhìn sơ qua nền điện ảnh của các nước ấy để biết thêm hơn về vị trí của mình.
Tại Á Châu điện ảnh Hồng Kông có lâu đời hơn cả từ thập niên 30, 40. . họ đã có những tài tử tên tuổi như Lý Lệ Hoa, Nghiêm Tuấn, năm 2006 nhà đạo diễn nổi tiếng của Hồng Kông Vương Gia Vệ đã được bầu làm chánh chủ khảo Ðại Hội Ðiện Ảnh Cannes.
Nhưng nước có nghệ thuật cao nhất ta phải kể Phù Tang vì họ đã có ba phim trong số mười phim được xếp vào hạng hay nhất mọi thời đại (Theo ý kiến các nhà đạo diễn quốc tế và phê bình quốc tế Sight and sound international film director poll 1992, và Sight and sound critics poll 1962, 72) đó là: Ugetsu, 1953, Rashomon , 1950, Bẩy Người Hiệp Sĩ , 1954. Trong số mười phim Best film of all time này nhà đạo diễn lừng danh của Nhật Akira Kurosawa đã chiếm đươc hai phim (Rashomon và Bẩy Người Hiệp sĩ). Akira đã được dư luận phê bình các nhà điện ảnh Mỹ coi như nhà đạo diễn lớn nhất thế giới hiện nay (. . the greatest of all contemporary fim craftmen - Pauline Kael, hay the word greatest living director. . Kevin Thomas). Theo Kevin Thomas các nhà đạo diễn Mỹ đã công nhận Akira là người có nhiều ảnh hưởng nhất với nền điện ảnh Mỹ cũng như điện ảnh thế giới (primal influence). Tổng cộng có vào khoảng trên dưới hai chục phim của Mỹ và Pháp, Ý, Ấn Ðộ, Trung Hoa… bắt chước hay chịu ảnh hưởng của Akira, riêng phim bẩy Người Hiệp Sĩ người Mỹ đã bắt chước (remake) quay đi quay lại đến bốn lần (năm 1960, 1966, 1969, 1998) và năm 2003 Trung quốc đã quay lại với cái tên Thất Kiếm, một cuốn phim vĩ đại ăn khách nhất trong năm và đã được chiếu khai mạc đại hội điện ảnh Venice.
Thập niên 90 điện ảnh Trung Quốc đã đoạt được nhiều giải thưởng giá trị với các nhà đạo diễn Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca, Hà Bình … có vào khoảng gần hai chục phim Trung Quốc đã đoạt giải thưởng ưu hạng tại các đại hội quốc tế có uy tín như Venice, Cannes, Berlin. Cô đào Củng Lợi đã được người Tây phương rất ngưỡng mộ, đã được chính phủ Pháp tặng Bắùc đẩu bội tinh 1998 vì đã đóng góp nhiều cho nghệ thuật thứ bẩy, cô đã được mời làm Chánh chủ khảo Ðại hội điện ảnh Berlin năm 2001 và năm sau 2002 Chánh chủ khảo Ðại hội điện ảnh Venice.
Ðiện ảnh Ðài Loan cũng tiến bộ ngang với Hồng Kông nhưng về phương diện nghệ thuật không bằng Trung Quốc.
Nay người Việt trong nước thích xem phim Ðại Hàn, điện ảnh Ðại Hàn được người mình ưa thích với những tài tử trẻ đẹp, những truyện tình cảm dễ thương nhưng về mặt nghệ thuật nó có tính phổ thông giống như Mùa Thu Lá Bay của Ðài Loan ngày trước.
Diện ảnh Việt Nam trong nước cũng như hải ngoại còn nhiều triển vọng, chúng ta không thiếu gì truyện hay có thể thực hiện thành phim giá trị như Ðôi Bạn, Giòng Sông Thanh Thuỷ, Tiêu Sơn Tráng Sĩ. .
Mê Thảo Thời Vang Bóng là một cố gắng đáng kể của nền điện ảnh Việt nam trên con đường vươn tới một trình độ nghệ thuật cao hơn.
Trọng Ðạt
No comments:
Post a Comment