07 February 2011

Về một nhà giáo dục thời VNCH


Tiến Sĩ NGUYỄN THANH LIÊM
NHÀ VĂN HOÁ GIÁO DỤC NHÂN BẢN DÂN TỘC,VIỆT NAM.

Nguyễn Vĩnh Thượng

Năm tôi bắt đầu vào học lớp Nhất (lớp Năm bây giờ), ba tôi căn dặn tôi phải ráng học cho giỏi để thi vào lớp Đệ Thất trường Trung Học Petrus Ký. Ba tôi cho tôi đi học thêm môn toán để luyện thi. Ba tôi còn nói nhiều lần: “Trương Vĩnh Ký là vị thầy giáo xuất chúng của đất Nam Kỳ”. Mùa Hè năm 1956, tôi thi đậu bằng Tiểu Học, rồi thi đậu vào lớp Đệ Thất trường Trung Học Petrus Trương Vĩnh Ký. Ngôi trường này đã để lại biết bao kỷ niệm trong thời niên thiếu của tôi. Tôi đã theo học trường này tất cả bảy năm (1956-1963); từ lớp Đệ Thất (lớp Sáu bây giờ) đến lớp Đệ Nhất (lớp Mười Hai bây giờ)Tôi đã được nhiều vị giáo sư giỏi giảng dạy. Riêng môn Việt Văn tôi đã được các thầy sau đây giảng dạy:

- Lớp Đệ Thất (1956-1957): Thầy Ngọc rất hiền. Tụi tôi lấy từ Chuyện “Lục Súc Tranh Công do Thầy Ngọc dạy để đặt tên riêng cho các bạn trong lớp để trêu ghẹo lẫn nhau.

- Lớp Đệ Lục (1957-1958): Thầy Khánh có giọng nói đặc sệt Huế, Thầy bắt tụi tôi học thuộc lòng nhiều bài thơ và các đoạn văn xuôi trích giảng. Ngày nay tôi còn thuộc nằm lòng đoạn văn “Tôi đi học” trích trong truyện ngắn “Tôi di học” trong tập truyện ngắn “Quê Mẹ” của Thanh Tịnh:

“Hằng năm, cứ vào cuối thu lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, v.v. . .

Để phân biệt với Thầy Khánh dạy toán, chúng tôi đặt Thấy Khánh dạy toán là Thầy “Thầy Khánh le”, vì Thầy đẹp trai và luôn chải đầu láng bóng.

- Lớp Đệ Ngũ (1958-1959): Thầy Tạ Ký dạy Việt Văn.

- Lớp Đệ Tứ (1959-1960): Thầy Tạ Ký dạy Việt Văn nữa. Thầy Tạ Ký người xứ Quảng, Thầy có giọng nói rất lớn khi giảng bài. Hồi đó, Thầy bắt tụi tôi học thuộc lòng không những các đoạn thơ, văn trích giảng mà còn phải học thuộc lòng các phần “Lược Bình” do chính thầy viết ra. Trong mùa thi Trung Học Đệ Nhứt cấp vào mùa Hè năm 1960, tụi tôi trúng tủ môn Việt Văn với đề tài: “Bình giảng đoạn Kiều Du Xuân trong Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du:
“Ngày Xuân con én đưa thoi,
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.
v.v. . . .”
( Nguyễn Du - Đoạn Trường Tân Thanh)
Thầy Tạ Ký làm thơ rất hay, một tập thơ của Thầy đã được giải thưởng của Tổng Thống Việt Nam Cộng Hoà.

Lần cuối tôi gặp Thầy Tạ Ký tại nhà bạn Võ Lưu Sanh vào năm 1977, Bạn Sanh tổ chức bửa cơm tối để mời Thầy Tạ Ký, Thầy Phạm Ngọc Đãnh và một số cựu học sinh Petrus Ký sau khi Thầy Tạ Ký “đi học tập cãi tạo” về. Hôm ấy Thầy Tạ Ký vui lắm, nên Thầy uống rượu hơi nhiều, cuối cùng Thầy say rượu. Thầy Đãnh và tôi đã đưa Thầy Ký về tận ngôi nhà của Thầy bằng xe gắn máy. Sau đó ít lâu, tôi nghe tin Thầy Tạ Ký qua đời. Thầy Phạm Ngọc Đãnh đã định cư ở nước Đức từ lâu. Thầy Đãnh có tính khẳng khái, hết lòng giúp đở mọi người. Trong cộng đồng người Việt ở Đức, nhiều người kính trọng và tôn vinh Thầy Đãnh như là một vị Bồ Tát trong đạo Phật. Nghe nói Thầy Phạm Ngọc Đãnh ăn chay trường.

- Lớp Đệ Tam (1960-1961): Hồi ấy, lớp Đệ Tam đối với tụi tôi là lớp để dưỡng sức: sau kỳ thi Trung Học Đệ Nhứt Cấp ở cuối năm lớp Đệ Tứ , tụi tôi mỏi mệt, rồi năm sau lại phải chú tâm vào việc học để dự thi Tú Tài phần thứ nhất. Thầy Nguyễn Thanh Liêm dạy Việt Văn ở lớp tôi. Thầy Liêm thường hay liên hệ đến cách xử thế trong các bài giảng của Thầy. Tôi còn nhớ bài ca dao “Thằng Bờm”, Thầy đã giảng cái tính thật thà của người nông dân Việt Nam:
“Thằng Bờm có cái quạt mo,
Phú Ông xin đổi ba bò chín trâu.
Bờm rằng Bờm chẳng lấy trân,
.................................................
Phú Ông xin đổi nắm xôi Bờm cười”.
(Ca dao)
Ngày nay, đã gần năm mươi năm, mỗi khi đọc lại bài ca dao này, tôi lại thấy cái triết lý nhân sinh sâu sắc của người dân Việt Nam, và liên hệ với đời sống hiện thực trong xã hội Việt Nam hiện tại.

- Lớp Đệ Nhị (1961-1962): Hồi đó, lớp Đệ Nhị là lớp cuối cùng của Bậc Trung Học còn học môn Việt Văn, lên lớp Đệ Nhất (lớp 12) thì môn Việt Văn được thay thế bằng môn Triết Học. Thầy Phạm Thế Ngũ dạy Việt Văn. Thầy Ngũ đã xuất bản một bộ sách gồm ba quyển để luyện thi môn Việt Văn trong kỳ thi Tú Tài phần thứ nhất Ban A, B, C, D: “Bài Việt Văn” là mọt bộ sách rất có giá trị và rất hữu dụng cho học sinh, sách này bán chạy như tôm tươi từ Bến Hải đến Cà Mau. Trong quyển thứ ba, tôi thích đọc bài luận đề “Cái Ngông của Tản Đà” nhiều lần là vì Thầy Ngũ định nghĩa “chữ ngông” thấy hơi thú vị: “ngỗng, ngồng, ngông . . . .”. Nhờ bộ sách “Bài Việt Văn” của thầy Ngũ mà tôi đã đạt được điểm cao ở cả hai phần thi viết và thi vấn đáp.

* *

Trọng tâm của bài viết này là để trình bày những cảm nghĩ, những hiểu biết của tôi về thầy Nguyễn Thanh Liêm. Đối với tôi, Thầy Liêm không những là vị Thầy Việt Văn ở lớp Đệ Tam mà Thầy còn là một bậc Thầy ở ngoài đời nữa. Hồi tháng bảy năm 1971, Thầy Liêm tham chánh với chức vụ Phụ Tá Đặc Biệt Tổng Trưởng, ngang hàng Thứ Trưởng đặc trách Trung Tiểu Học và Bình Dân Giáo Dục, Bộ Văn Hoá Giáo Dục và Thanh Niên, Việt Nam Cộng Hoà. Sau một thời gian ngắn, Thầy vẫn tiếp tục tham chánh với chức vụ Thứ Trưởng cũng cùng Bộ Văn Hoá Giáo Dục và Thanh Niên, Việt Nam Cộng Hoà. Với chức vụ Thứ Trưởng, Thầy Liêm lại càng bận rộn hơn; Thầy phải thường xuyên tham dự các phiên họp của Hội Đồng Nội Các của Thủ Tướng Chánh Phủ Việt Nam Cộng Hoà.

Thầy Liêm đã bổ nhiệm tôi vào một số công việc điều hành học chánh trong ngành giáo dục, có lúc làm việc ở bên cạnh Thầy, và đã đi tháp tùng Thầy Liêm trong các chuyến thăm viếng các trường sở địa phương ở Trung Phần và ở Miền Tây Nam Phần Việt Nam.

Với tôi, Thầy Nguyễn Thanh Liêm là một nhà giáo dục nhân bản, và là một vì sao sáng trên vòm trời văn hoá dân tộc Việt Nam nữa.

1 – Tiến Sĩ NGUYỄN THANH LIÊM. Nhà giáo dục nhân bản.

Thầy Nguyễn Thanh Liêm đã được nun đúc trong một nền giáo dục nhân bản truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Khi Thầy là giáo sư và một nhà lãnh đạo hành chánh trong ngành giáo dục, Thầy đã thực hiện cái triết lý giáo dục cao quý này để dạy học sinh và để điều khiển nền giáo dục Trung Tiểu học.

Trong cái nhìn về con người của Thầy Liêm qua lăng kính nhân bản, tôi nhận thấy Thầy của tôi có những đặc điểm sau đây:

1. - Một người có chí trong việc học hành:

Thầy xuất thân từ các trường Trung Học: Collège Le Myre de Vilers (Nguyễn Đình Chiểu), Mỹ Tho và Petrus Trương Vĩnh Ký, Sài gòn.

Thầy bước vào nghề giáo sau khi thi đậu kỳ thi vào trường Cao Đẳng Sư Phạm, Sài gòn. Lúc ấy , ở Sài gòn chưa có trường Đại Học Sư Phạm . Thầy là sinh viên ưu tú, nên đã được bổ nhiệm về dạy ở trường Trung Học Petrus Ký. Thầy không muốn dừng bước ở học vị này nên Thầy đã ghi danh theo học ở trường Đại Học Văn Khoa, Sài gòn và đã lấy bằng Cử Nhân Giáo Khoa Việt Hán. Theo tôi biết thì Thầy có ghi danh làm tiểu luận Cao Học để lấy bằng Cao Học Văn Chương. Nhưng vì công việc đa đoan, và vận nước biến chuyển quá nhanh chóng nên Thầy chưa kịp trình tiểu luận cao học này.

Thầy đã may mắn rời khỏi Việt Nam chỉ trước khi Cộng Sản Bắc Việt chiếm trọn miền Nam Việt Nam ngày 30 tháng 4 năm 1975 có một ngày.

Với ý chí tiến thủ sẵn có, Thầy Liêm đã tiếp tục học ở Iowa State University, ở Tiểu Bang Iowa, USA, và đã danh dự đoạt bằng “Ph. D. in Research and Evaluation in Education” (Tiến Sĩ về Nghiên Cứu và Lượng Giá Giáo Dục).

Với Thầy Nguyễn Thanh Liêm, việc học hỏi là để tạo cho mình một “nội lực thâm hậu” về kiến thức rồi sẽ đem những hiểu biết của mình để mà áp dụng vào cuộc đời:
“. . . . . . . . . . . . .
Đem quách cả sở tồn làm sở dụng”
( Nguyễn Công Trứ)
2. - Nhập Thế Hành Động.

Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Liêm là một con người có chí tiến thủ và muốn đem sở học của mình để làm một việc gì rộng lớn hơn là một vị giáo sư ở trong trường lớp. Thầy Liêm lần lượt đã nhận lãnh trách nhiệm trong các chức vụ học chánh trong ngành giáo dục:

- Hiệu Trưởng trường Trung Học Trịnh Hoài Đức, Bình Dương.
- Hiệu Trưởng trường Trung Học Petrus Trương Vĩnh Ký, Sài gòn.
- Chánh Thanh Tra, Trưởng Ban soạn đề thi ở Bộ Giáo Dục.

Rồi Thầy được thăng cử làm chuyên viên Văn Hoá Giáo Dục cho Phủ Tổng Thống dưới thời Đệ Nhị Việt Nam Cộng Hoà. Với kiến thức uyên bác và khả năng viết lách tột bực, nghe nói Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã giao cho Thầy soạn thảo rất nhiều bài diễn văn cho Tổng Thống. Trong số đó ,có một câu nói bất hủ còn lưu lại mãi :” Đừng tin những gì Cộng Sản nói, mà hãy nhìn kỷ những gì Cộng Sản làm “.

Thầy Nguyễn Thanh Liêm là một con người rất trọng chữ tín nên rất được vị nguyên thủ quốc gia của nền Đệ Nhị Cộng Hoà đặc biệt tín nhiệm :
“Nhân nhi vô tín, bất tri kỳ khả dã”.
Khổng Tử
(Người mà không có chữ tín thì không biết ra thế nào, - ý nói không phải là con người nữa).

Tháng 7 năm 1971, Thầy Nguyễn Thanh Liêm đã tham chánh với chức vụ “Phụ Tá Đặc Biệt Tổng Trưởng, đặc trách Trung Tiểu Học và Bình Dân Giáo Dục, Bộ Văn Hoá Giáo Dục và Thanh Niên, Việt Nam Cộng Hoà. Nếu tôi nhớ không lầm thì hồi ấy tổ chức chánh quyền trung ương của Việt Nam Cộng Hoà, chức vụ “Phụ Tá Đặc Biệt Tổng Trưởng được xếp ngang hàng với Thứ Trưởng, còn Phụ Tá Tổng Trưởng được xếp ngang hàng với Tổng Giám Đốc”.

Lúc ấy tôi đang chấm thi môn triết ở Hội Đồng Thi Tú Tài II ở trung tâm chấm thi tại trường Trung Học Võ Tánh, Nha Trang (tôi dạy Triết ở trường Trung Học Cần Đước, tỉnh Long An), Anh Trần Quang Minh (dạy Triết ở trung học Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho) làm trưởng ban môn Triết. Anh Hà Khải Hoàn (Hiệu Trưởng Trung Học Cần Giuộc, Long An) làm Chủ Tịch Hội Đồng Thi. Các anh Võ Hồng Lạc (Hiệu Trưởng Trung Học Quận 7, Sài gòn), Võ Vĩnh Khiêm (Hiệu Trưởng trung học Thoại Ngọc Hầu, Long Xuyên) . . . làm Phó Chủ Tịch Hội Đồng Thi.

Sau giờ chấm thi, tôi thường đi dạo phố Nha Trang với vài bạn đồng nghiệp như Nguyễn Quốc Thông (giám khảo Toán, trung học Nguyễn Đình Chiểu), Vũ Ngọc Cảnh (giám khảo Sử Địa, dạy ở Tây Ninh). v . v . . . Nhiều buổi sáng tôi đi ra bãi biển để ngắm cảnh bình minh của Nha Trang để hít thở gió biển trong lành, và nghe tiếng sóng vỗ ngút ngàn ; rồi trở lại trường thi để làm việc. Cũng trong mùa Hè 1971 này, Thầy Liêm đã bổ nhiệm anh Hà Khải Hoàn làm Thanh Tra Đặc Biệt tại văn phòng Phụ Tá Đặc Biệt Tổng Trưởng. Tôi được điều dộng về làm Chuyên Viên Giáo Dục ở Nha Kế Hoạch và Pháp Chế Học Vụ, Bộ Văn Hoá Giáo Dục và Thanh Niên.

Với cương vị “chóp bu” của ngành giáo dục Trung và Tiểu Học, Thầy Nguyễn Thanh Liêm có cơ hội thi thố tài năng và ước mơ phát triển ngành giáo dục của mình.

Sau này Thầy Liêm được thăng tiến vào nội các của Chánh Phủ Việt Nam Cộng Hoà với chức vụ Thứ Trưởng Bộ Văn Hoá Giáo Dục và Thanh Niên, Việt Nam Cộng Hoà. Rồi vận nước đổi thay, miền Nam Việt Nam bị Cộng sản cướp đi ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Với những đam mê (passionate) về phục vụ cho ngành giáo dục Trung Tiểu Học, với ước muốn cải tổ và thực hiện những điều đổi mới (trying new things). Thầy cho ra đời nhiều trường Trung Tiểu Học Tỉnh Hạt ở các Tỉnh, Quận lỵ .Ở Đô Thành Sài gòn thì lập được 20 trường Trung Tiểu Học, cho tới niên khoá 1974-1975, có trường đã mở tới lớp 11. Toà Đô Chánh đã dự trù mở một trường dạy nghề cơ sở đã có sẳn ở Quận 8. Vào năm 1973, kỳ thi Tú Tài I được bãi bỏ, từ đó học sinh lớp Trung Học Đệ Nhị Cấp chỉ phải thi kỳ thi Tú Tài Phổ Thông ở cuối năm lớp 12.

* Cải Tổ Hình Thức Trắc Nghiệm Khách Quan:

“Theo tinh thần của Nghị Định số 2225-VHGDTN/KHPC/HV/NĐ ngày 12-9-1973 của Bộ Văn Hoá Giáo Dục và Thanh Niên thì kể từ niên khoá 1973-1974 hình thức trắc nghiệm khách quan được áp dụng trong các môn thi Tú Tài Phổ Thông.

“Trắc nghiệm được gọi là khách quan vì bài trắc nghiệm sẽ không bị sự thiên vị của Giám Khảo và trong thực tế các bài thi trắc nghiệm được chấm bằng máy. Câu hỏi trắc nghiệm khách quan được áp dụng theo tinh thần của Nghị Định trên là loại trắc nghiệm đa tuyển hay có nhiều lựa chọn (Bộ VHGD & TN VNCH, 1973)”.

Để tiến xa hơn với đà phát triển của khoa học điện toán. Thầy Nguyễn Thanh Liêm quyết định điện toán hoá từ hồ sơ thí vụ đến việc chấm điểm , xếp hạng đậu, làm chứng chỉ, v .v .v . . .

3. – Thầy Nguyễn Thanh Liêm: Một nhà hành chánh thanh liêm, khoan dung và giàu tình thương (great compassion):

a) Không biết có phải định mệnh đã vạch sẵn hay không, khi thân phụ của Thầy đặt tên cho Thầy: “Thanh Liêm”. Đức tính này, thấy được thể hiện trong thời gian Thầy có nhiều uy quyền trong ngành giáo dục.

Thanh Liêm là đức tính cao quý nhất của nhà lãnh đạo hành chánh.

Tuy được tín nhiệm và thân cận với Tổng Thống Việt Nam Cộng Hoà Nguyễn Văn Thiệu, nhưng Thầy Nguyễn Thanh Liêm không bao giờ lợi dụng chức vụ để đem những điều lợi lộc gì đến cho chính mình.

Trước năm 1975, tôi đã nhiều lần đến thăm Thầy Liêm, nhà Thầy là một căn phố giản dị ở trong khuôn viên của trường Trung Học Petrus Ký ở Saigon. Trang trí nội thất rất là đơn giản cũng như nhà của các vị giáo sư trung học khác. Sự trong sạch và lòng thanh liêm đã tạo nên một cuộc sống của Thầy rất thanh đạm. Tháng 8 năm 1998, tôi có đến thăm Thầy ở một căn nhà Thầy mướn tại San José, tiểu bang California, Hoa Kỳ. Tôi bùi ngùi xúc động trước cuộc sống quá đơn sơ của Thầy. Nhưng Thầy luôn luôn vui vẻ, hỏi chuyện xưa nay. Thầy lấy việc đọc sách, viết văn và hoạt động văn hoá làm niềm vui.

Vài ngày sau, tôi xuống Santa Ana, phía Nam California để dự Đại Hội cựu giáo sư và cựu học sinh Petrus Ký do Thầy làm trưởng ban tổ chức. Tôi có dịp nói chuyện với anh Võ Hồng Lạc, cựu Hiệu Trưởng Trung Học Quận 7 Sài gòn. Khi nhắc tới Thầy Nguyễn Thanh Liêm anh Lạc bùi ngùi cảm động: ”. . . anh Liêm bây giờ sống thanh đạm lắm, tôi rất cảm động khi anh Liêm đến thăm tôi khi tôi vừa bị bịnh nặng, v. v. . . “.Tôi nghĩ Thầy Liêm được hưởng một phần thưởng tinh thần rất xứng đáng : trong lúc Thầy còn sinh tiền thì các học trò của Thầy, các giáo chức và viên chức trực thuộc của Thầy ngày xưa đều kính trọng Thầy. Hơn nữa, ngày nay Thầy đi tới đâu cũng được người Việt Nam ở hải ngoại quý mến. Tôi xin được phép tôn vinh Thầy Nguyễn Thanh Liêm là một vị thầy của Miền Nam Việt Nam và của tất cả các cộng đồng Việt Nam hải ngoại.

Xin mở dấu ngoặc ở đây để so sánh đời sống của các cán bộ, đảng viên cộng sản trong chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa ngày nay ở Việt Nam qua câu ca dao của người dân miền Bắc:
“Ai về qua tỉnh Nam Hà,
Xem lũ đầy tớ xây nhà bê-tông.
Tớ ơi ! mầy có biết không?
Chúng ông làm chủ mà không bằng mầy”.
(ca dao)
b) Thầy Nguyễn Thanh Liêm luôn luôn đối xử bằng tấm lòng khoan dung với những vị Hiệu Trưởng và các viên chức khác trực thuộc quyền điều hành của Thầy.

c) Giàu tình thương trong cách cư xử với các giáo chức toàn quốc: thuyên chuyển phân minh. Tạo điều kiện thăng tiến cho các giáo chức: trước đà phát triển mạnh mẽ của các trường Trung Tiểu Học ở các tỉnh lỵ và Đô Thành Sài gòn; lúc đó ở Đô Thành Sài gòn có tất cả 20 trường Trung Tiểu Học, nhu cầu giáo sư trung học đòi hỏi cấp bách. Để tạo cơ hội thăng tiến cho các giáo chức, Thầy đã cho mở các lớp huấn luyện cấp tốc và cấp chứng chỉ khả năng Sư Phạm Trung Cấp cho rất nhiều giáo chức có bằng Tú Tài II. Đồng thời cho các giáo sư dạy giờ, hoặc khế ước ở các trường trung học công lập cũng được nhập ngạch dễ dàng hơn.

Tôi quý mến các đức tính cao quý của Thầy Liêm, nhất là tấm lòng dồi giàu tình thương (great compassion) đối với mọi người. Gần hai mươi năm nay, trong cương vị một “Social Service Worker” (người làm công việc trợ cấp phúc lợi xã hội) ở Region of Peel thuộc tỉnh Ontario,Canada , tôi đã noi theo gương của Thầy Liêm mà luôn luôn lấy lòng thương người để cứu xét và quyết định việc cấp phát các trợ cấp xã hội ( welfare ) cho “clients” (những người xin trợ cấp xã hội) của tôi.

4. – Thầy Nguyễn Thanh Liêm: Một người con có hiếu, một chánh khách trung thành với chế độ Việt Nam Cộng Hoà.

Tôi có thể nói rằng Thầy Nguyễn Thanh Liêm đã chịu ảnh hưởng triết lý nhân sinh của Nguyễn Công Trứ.

“Có trung hiếu nên đứng trong trời đất,
Không công danh thà nát với cỏ cây”.
(Nguyễn Công Trứ, Phận Sự Làm Trai)

Thật vậy, Thầy Liêm là người con rất có hiếu. Trước năm 1975, khi còn ở Việt Nam tuy công việc rất đa đoan, nhưng hằng ngày Thầy đã hết lòng phụng dưỡng cha mẹ già; phụng dưỡng ông cụ và bà cụ bằng cách sống chung với cha mẹ. Sau năm 1975, Thầy định cư tại Hoa Kỳ, và đã bảo lãnh hai cụ thân sinh của thầy. Hằng ngày Thầy đều tới lui săn sóc hai cụ cho đến ngày ông cụ qua đời rồi tới phiên bà cụ khuất bóng. Hình ảnh hiếu thảo này cũng hãy còn trong tấm lòng của nhiều người Việt Nam tỵ nạn Cộng Sản thuộc thế hệ thứ nhứt ở hải ngoại.

Vào hậu bán thế kỷ XX, quan niệm “trung quân ái quốc” đã nhường bước cho lòng trung thành với đất nước, với lý tưởng tự do dân chủ. Thầy Nguyễn Thanh Liêm đã nhập thế hành động dưới thời đệ nhị Cộng Hoà ở miền Nam Việt Nam. Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã được coi là một nhà lãnh đạo trong công cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ. Tổng Thống Thiệu đã qua đời ở Hoa Kỳ.

Để tưởng nhớ đến vị lãnh đạo anh minh của nền đệ nhị Cộng Hoà Việt Nam (miền Nam Việt Nam), Thầy Nguyễn Thanh Liêm đã đứng ra làm Trưởng Ban Tổ Chức ngày giỗ lần thứ 8 của Tổng Thống Việt Nam Cộng Hoà Nguyễn Văn Thiệu. Ngày giỗ được tổ chức rất trọng thể và trang nghiêm lúc 12 giờ trưa ngáy Thứ Bảy 03 tháng 10 năm 2009 tại trung tâm thủ đô người Việt Nam Tỵ Nạn cộng sản, Orange County, Miền Nam California.

5. – Triết lý giáo dục của Việt Nam Cộng hoà.

Thầy Nguyễn Thanh Liêm đã tiếp nối các nhà lãnh đạo giáo dục Miền Nam Việt Nam để phát huy một triết lý giáo dục siêu việt. Tôi xin trích dẫn đoạn văn trình bày cái triết lý giáo dục siêu việt của Việt Nam Cộng hoà như sau:

“1) – Thứ nhất: Giáo dục Việt Nam là giáo dục nhân bản (humanistic education). Nhân là người hay con người, bản là căn bản. Trong lãnh vực triết lý, thuyết nhân bản chủ trương con người có địa vị quan trọng trong đời sống trên thế gian này. Thuyết nhân bản lấy con người làm gốc, lấy cuộc sống của con người trong cuộc đời này làm căn bản chớ không nhắm đến linh hồn hay cuộc đời nào khác ngoài thế giới mà loài người đang sống trong đó. Theo thuyết này, con người có giá trị đặc biệt của con người, cao cả hơn tất cả các giống sinh vật khác trên đời này. Chỉ có con người mới có văn hoá, có những hoạt động có suy tư, có sáng tạo, làm cho cuộc sống của con người tiến hoá luôn từ xưa đến giờ. Nhân bản cũng chỉ tính cách linh thiêng của con người, khác hơn mọi loài vật khác. “nhân linh ư vạn vật”, và con người phải được tôn trọng bởi tính linh thiêng đó. Con người tự nó là một cứu cánh chớ không phải là một phương tiện. Triết lý nhân bản chấp nhận có những khác biệt giữa các cá nhân nhưng không chấp nhận dùng sự khác biệt đó để đánh giá con người, và không chấp nhận sự kỳ thị hay phân biệt giàu nghèo, địa phương, tôn giáo, chủng tộc . . . Với triết lý nhân bản, con người có giá trị của con người như nhau, và mọi người đều có quyền được hưởng những cơ hội đồng đều về giáo dục.

“ 2) – Thứ hai: Giáo dục Việt Nam là giáo dục dân tộc (nationalistic education). Giáo dục tôn trọng giá trị truyền thống của dân tộc trong mọi sinh hoạt liên hệ tới gia đình, nghề nghiệp và quốc gia. Giáo dục phải bảo tồn và phát huy được những tinh anh hay những truyền thống tốt đẹp của văn hoá dân tộc. Dân tộc Việt Nam có mặt trên thế giới này từ bao nhiêu ngàn năm trước. Dân tộc đó có tiếng nói riêng của nó từ bao đời. Dân tộc tính đó trong văn hoá cần phải được các thế hệ biết đến, bảo tồn và phát huy, để không bị tan biến hay tiêu trầm trong những nền văn hoá khác.

“ 3) – Thứ ba: Giáo dục Việt Nam là giáo dục khai phóng. Tinh thần dân tộc không nhất thiết là phải bảo thủ, không nhất thiết là phải đóng kín cửa. Ngược lại, giáo dục phải mở rộng, tiếp nhận những kiến thức khoa học kỹ thuật tân tiến trên thế giới, tiếp nhận tinh thần dân chủ, phát triển xã hội, giá trị văn hoá nhân loại để góp phần vào việc hiện đại hoá quốc gia xã hội, làm cho xã hội tiến bộ tiếp cận với văn minh thế giới”.

(Nguyễn Thanh Liêm, “Giáo Dục ở Miền Nam Tự Do trước 1975” Đồng Nai Cửu Long xuất bản, Santa Ana 2006; trang 24, 25).

Vận nước của miền Nam Việt Nam không may mắn nên chế độ VNCH bị sụp đổ ngày 30 tháng 4 năm 1975 theo cơn gió lốc của cuộc cờ chính trị toàn cầu giữa các cường quốc. Miền Nam bị đặt dưới chế độ cai trị của Cộng Sản. Dưới chế độ cai trị này, giáo dục chỉ là một công cụ tuyên truyền của chế độ XHCN, dĩ nhiên triết lý giáo dục của miền Nam Tự Do trước đây bị hủy diệt kéo theo đó là sự thụt lùi của nền giáo dục, Thầy Nguyễn Thanh Liêm chắc không khỏi đau buồn trước sự tụt hậu của nền giáo dục miền Nam mà Thầy là một trong các nhà lãnh đạo giáo dục đã xây dựng nên ;
“Buồn trông giáo dục Việt Nam,
Lòng ai đau đáu, dạ sầu xót xa”
(Ca dao)
II. T.S NGUYỄN THANH LIÊM: Một vì sao sáng trên vòm trời văn hóa dân tộc Việt Nam:

Sau khi đạt được bằng PH.D. về Research and Evaluation in Education (Tiến sĩ Giáo dục về nghiên cứu và lượng giá) tại IOWA STATE UNIVERSITY, tiểu bang IOWA, USA, Thầy Liêm làm nhà nghiên cứu (Researcher) cho Ðại học IOWA một thời gian. Khí hậu IOWA rất lạnh lẽo vào mùa Ðông, nên Thầy đã lựa chọn dời về tiểu bang California. Cali là nơi có nắng ấm, người Việt Nam quây quần ở tiểu bang này rất đông, tình đồng hương rất nồng nàn. Ngoài công việc làm hằng ngày, Thầy Liêm là người rất thích hoạt động cho các hội đoàn như các Hội Ái Hữu, Cựu Học Sinh P.Ký, Gia Long, Nguyễn Ðình Chiểu ...và nhiều hội đoàn khác trong các sinh hoạt văn hóa xã hội.

Cách đây khoảng 10 năm tôi có nhận được một bức thư của Thầy Liêm báo tin : Thầy sẽ về hưu.Tôi đã nghĩ rằng đến lúc Thầy có thể nghỉ ngơi sau một thời gian dài làm việc:
“Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo,
Thảnh thơi thơ túi rượu bầu.”
( Nguyễn công Trứ )
Nhưng không như một Nguyễn Công Trứ (1778-1858), vừa về hưu là Thầy Liêm đã dấn thân vào con đường hoạt động Văn Hóa, Thầy đã làm việc không biết mệt mỏi, viết nhiều bài khảo cứu, nghị luận v.v...nhằm mục đích bảo tồn và phát huy nền văn hóa dân tộc trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại.

Thầy đã thành lập “Ðức Tả Quân Lê Văn Duyệt Foundation”. Công Thần Lê Văn Duyệt là vị quan của triều Nguyễn đã có công mở rộng và bình định bờ cõi phương Nam của đất nước ta.

Thầy đã chủ trương Tập San Nghiên Cứu Văn Hóa Ðồng Nai Cửu Long. Tập san này chuyên nghiên cứu về địa chí, văn nghệ, lịch sử v.v...của miền Nam Việt Nam. Tựu trung để cho người đọc biết rằng miền Nam Việt Nam đã có một nền văn hóa đặc thù của phương Nam. Người Việt Nam trong quá trình bành trướng lãnh thổ và định cư vào Phương Nam đã có những đặc trưng văn hóa như sau:

“Họ có tinh thần rộng rãi khai phóng, không mù quáng tôn sùng cổ nhân, không khép kín chật hẹp hay bế quan tỏa cảng. Họ có ít nhiều tự do chớ không bị chặt chẽ ràng buộc bởi luật lệ cứng rắn của triều đình hay tập quán khắt khe của xã hội. Khi đã có đủ những điều kiện cần và đủ thì tất nhiên văn hóa phải thay đổi theo lối sống thay đổi của con người ở vùng đất mới mẻ này. Những khác biệt này là những biến đổi tự nhiên của văn hóa Việt Nam qua bao nhiêu thế hệ và qua quá trình bành trướng lãnh thổ, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác. Biến đổi để thích ứng với môi trường và hoàn cảnh mới, đó là điều kiện cần yếu để một nền văn hóa sinh tồn và tiến bộ. Khi văn hóa biến đổi nó cũng làm cho con người ít nhiều biến đổi theo. Có sự tương quan khá mật thiết giữa văn hóa và nhân cách của con người. Người ta hay nói đến tính bộc trực, ăn ngay nói thật, tính rộng rãi chiều khách, tính anh hùng ngang tàng của người dân miền Nam, kể cả tính bất cần và không thèm kiên nhẫn của người dân vùng này.

*

“Văn hóa làm nên con người bởi khi sinh ra trong xã hội văn hóa nào thì con người sẽ được xã hội hóa (socialized) vào trong xã hội, văn hóa đó. Nhưng mặt khác cũng chính con người làm nên văn hóa, vì khi sống cùng những người khác con người có những sinh hoạt trong đời sống xã hội, và những sinh hoạt đó là văn hóa. Con người không thay đổi về phương diện sinh vật, cái gene của con người từ lúc đó có con người homo sapiens tới ngày nay vẫn vậy, không có gì thay đổi. Nhưng văn hóa lại biến đổi theo thời gian và không gian vì vậy văn hóa là những sinh hoạt nhằm thỏa mãn những nhu cầu sinh sống của con người. Ở đâu con người cũng có những nhu cầu ăn uống, che thân, muốn được sung sướng hạnh phúc, ở đâu cũng có tín ngưỡng, giáo dục, học hỏi, truyền thông, ở đâu cũng có nghệ thuật ca hát, nhảy múa, làm tình, sinh con đẻ cái. Nhưng những sinh hoạt thể hiện những nhu cầu đó rất biến đổi tùy theo thời đại, tùy theo môi trường sinh sống. Những người làm chính trị cũng như những nhà làm văn hóa, hay nói rộng ra hơn, tất cả những ai thiết tha với văn hóa nhân loại hay văn hóa nước nhà, cần phải nhìn thấy sự khác biệt giữa những nền văn hóa hay khu vực văn hóa, cũng như những lý do đưa đến sự khác biệt đó. Nhận biết như vậy không phải để cổ võ cho sự chia rẽ hay gây tinh thần kỳ thị địa phương mà là để có thể đi đến tinh thần đa nguyên đa văn hóa (cultural pluralism). Tinh thần này đòi hỏi người ta phải nhìn thấy và chấp nhận sự khác biệt giữa các nền văn hóa hay giữa các khu vực văn hóa với nhau. Từ sự chấp nhận khác biệt đó người ta mới có thể hiểu nhau và cộng tác với nhau được lâu dài và hữu hiệu. Chấp nhận khác biệt của văn hóa khác hay người khác cũng có nghĩa là phải tôn trọng giá trị của văn hóa hay của người khác, vì cái nào cũng có giá trị của nó cả chớ không phải chỉ có cái gì của mình mới tốt.Nếu phủ nhận giá trị của những gì khác hơn mình thì không khỏi có cái nhìn thiên lệch mà hậu quả tai hại là sẽ bị rơi vào một hình thức nào đó của chủ nghĩa “chủng tộc độc tôn” (ethnocentrism) và tinh thần kỳ thị chủng tộc hoặc một hình thức kỳ thị nào khác.”

( Nguyễn Thanh Liêm, Tập San Nghiên Cứu Văn Hóa Ðồng Nai Cửu Long, Santa Ana, USA, Tả Quân Lê Văn Duyệt Foundation: 2006, tr. 48, 49. )

Thầy Liêm còn phụ trách chương trình “Người Ðẹp, Việc Ðẹp”của đài VHN-TV (Little Sài gòn, Nam Cali) với mục đích giới thiệu những cái hay, cái đẹp của người Việt Nam đã và đang xảy ra.

Tuy công việc đa đoan, Thầy thường vui lòng viết lời giới thiệu cho các tác phẩm khảo cứu giá trị và các truyện, tiểu thuyết hay đến cộng đồng Việt Nam Hải Ngoại.

Thầy Liêm thường đi đó đi đây để nói chuyện về việc bảo tồn văn hóa dân tộc ở hải ngoại cho thế hệ di dân thứ nhất, và thầy cũng kêu gọi nền văn hóa cao quý này cần được truyền đệ lại cho các thế hệ tiếp nối. Thầy Liêm là một trong các vị Trưởng Lão còn sinh tiền đã tha thiết muốn bảo tồn và phát huy nền văn hóa: nhân bản dân tộc và khai phóng không những ở trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại mà còn ở Việt Nam nữa. Quý vị Trưởng Lão này cũng đã và đang “chuyền lửa”: ngọn lửa văn hóa dân tộc cao quý này, về đất nước Việt Nam để phục hồi lại nền văn hóa truyền thống tốt đẹp mà chế độ XHCN đã hủy diệt nó sau ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Tôi trân trọng vinh danh Thầy Nguyễn Văn Liêm và các vị Trưởng Lão đồng chí hướng với Thầy. Thầy Nguyễn Thanh Liêm quả là một vì sao sáng trên vòm trời văn hóa dân tộc Việt Nam.

Ðã là người Việt Nam, ai mà không cảm thấy tình tự dân tộc dạt dào trong tâm hồn mình:
“Ðất nước tôi!
Màu thắm bên bờ đại dương,
Bắc với Nam tình nối qua lòng
Miền Trung.
Ðất nước tôi!
Từ mái tranh nghèo Bắc giang,
Vượt núi rừng già Trường Sơn
Vào tới ruộng ngọt phương Nam...”
(Hoàng Trung, lời ca: Bên Bờ Ðại Dương)
*
Hồi năm 2007, các anh chị em cựu giáo chức, cựu học sinh Petrus Ký, cựu học sinh Nguyễn Ðình Chiểu ở Toronto, Canada, và các vùng phụ cận đã mời Thầy Nguyễn Thanh Liêm đến Toronto, trước là đến viếng thành phố này sau là có dịp nghe Thầy nói chuyện về văn hóa dân tộc.

Chiều thứ Bảy 16 tháng 8 năm 2008, một vài bạn Petrus Ký và tôi đã đến phi trường Toronto để đón Thầy. Gặp Thầy nơi phi trường, tóc Thầy đã bạc phơ, trông Thầy già hơn lần trước tôi gặp Thầy trong kỳ Ðại Hội cựu học sinh và giáo sư Petrus Ký ở Santa Ana vào tháng 8 năm 1998, thời gian trôi qua quá nhanh: đã 10 năm tôi mới gặp lại Thầy Liêm. Anh em nào cũng quý mến Thầy, cũng muốn mời Thầy đến nhà chơi và ở lại chơi vài ngày. Nhưng Thầy quá bận bịu, nên đã rút ngắn lại các ngày đi Canada. Ðặc biệt hai ngày đầu Thầy Liêm đến nhà tôi và ở lại, thật là niềm hãnh diện của tôi: Thầy Liêm là Thầy học của tôi ở trường Petrus Ký và cũng là vị chỉ huy cao cấp của tôi ở Bộ VHGD &TN, V.N.C.H

Tôi có mời anh chị em đến ăn cơm tối, thứ Bảy 16 tháng 8 năm 2008. Buổi cơm tối, có hơn 20 anh chị em, thật là ấm cúng trong khung cảnh đại gia đình. Mỗi người đều đem đến một món ăn quê hương để cùng nhau thưởng thức: gỏi đu đủ khô bò, vịt quay, heo quay...Ðặc biệt có anh chị biết Thầy Liêm thích món canh khổ qua, thịt kho và mít Tố Nữ, chôm chôm, măng cụt nên đã đem đến các món ăn và trái cây này cho Thầy Liêm thưởng thức. Anh Thế, ở thành phố Hamilton, tỉnh Ontario, cách nhà tôi khoảng 70km cũng đến chơi. B.S N. V. Trường, học trò cũ của Thầy ở Petrus Ký, cũng đã đóng cửa phòng mạch sớm để đến gặp Thầy. Các anh Tưởng, Tiết, Nhất v.v...ở cách nhà tôi khoảng 40km đã đến chơi. Sáng chủ nhật, 17 tháng 8 ,năm 2008, tôi thức dậy rất sớm hơn mọi Chúa Nhật khác. Tôi đi vào phòng khách, thì thấy Thầy Liêm đã tươm tất trong chiếc áo sơ mi màu xám với nụ cười luôn nở trên môi. Thầy nói vì lớn tuổi nên Thầy thường thức dậy rất sớm. Tôi làm cà phê và điểm tâm cho Thầy. Thầy đã tâm sự: “ Thầy rất thiết tha ước mong, mai sau có người tiếp nối chí hướng của Thầy và hết lòng trong công việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc ở hải ngoại. Tôi rất kính phục tấm lòng thương yêu đất nước Việt Nam của Thầy. Thầy đã trên bảy mươi tuổi rồi mà vẫn còn để công sức hoạt động văn hóa. Thầy nói nhiều bạn học của Thầy hồi ở Trung Học, Ðại Học và nhiều bạn đồng liêu với Thầy trên bước đường hoạn lộ đã qua đời:
“Bạn bè lớp trước nay còn mấy,
Chuyện cũ mười điều chín chẳng như ”
(Nguyễn Khuyến, 1835-1909)
Kỷ niệm này, tôi nhớ mãi trong lòng. Tới 9 giờ sáng hôm nay, tôi đưa Thầy ra phố Toronto. Chúng tôi ghé nhà sách Việt Nam của anh Nhứt, rồi cùng nhau đến một nhà hàng đã được anh chị em đặt trước vào lúc 10 giờ sáng. Tại đây Thầy được đón tiếp nồng hậu bởi nhiều quan khách gồm cựu giáo chức Trung Tiểu Học, Cựu Học Sinh Petrus Ký, Nguyễn Ðình Chiểu v.v... Ðặc biệt có nhà văn Lê Khắc Ngọc Quỳnh (Cựu giáo sư trường Trưng Vương Sài gòn) và anh Ðỗ Kỳ Quang(Cựu Giám Ðốc Bưu Ðiện Sài gòn) là vị trưởng lão có uy tín đã tham dự.

Tối Chủ Nhật này, Thầy dùng cơm gia đình với chúng tôi. Ðặc biệt bạn Nguyễn Khắc Phụng , Ph.D, cùng học với tôi ở Petrus Ký, và là học trò của Thầy Liêm. Phụng trước khi về hưu, đã là một Tiến Sĩ Kỹ Sư chuyên môn về không gian: Phụng và các Kỹ Sư khác đã thiết kế cánh tay cho phi thuyền không gian. Phụng kính mến Thầy Liêm lắm. Hầu hết học trò của Thầy Liêm đã thành danh, đây là niềm vui tinh thần của Thầy.

Sáng hôm sau, thứ Hai, 18 tháng 8 năm 2008. Tôi đã cố gắng dậy sớm hơn hôm qua để hầu chuyện và làm món điểm tâm cho Thầy. Anh Nguyễn Văn Trường cũng đã lại thật sớm, anh Trường nói đã đóng cửa phòng mạch hôm nay để đưa Thầy đi viếng thác “Niagara Falls”. Thầy Liêm rất cảm động trước sự quý mến Thầy xưa của anh Trường. Sau khi dùng điểm tâm xong, chúng tôi lên đường đi về phía Tây của Toronto. Khi đến thành phố Mississauga, thì có các anh Nguyễn Văn Tiết, Nguyễn văn Bổn và Ðiêu khắc gia Phạm Thế Trung (P.Ký) cùng đi theo Thầy Liêm. Chúng tôi có đi ngang qua thành phố Hamilton, nhưng không có thì giờ ghé nhà anh Lâm Vĩnh Thế mặc dầu anh đã tha thiết mời Thầy Liêm đến chơi, lúc ấy trời đã trưa rồi. Thầy và chúng tôi đến viếng nơi làm rượu “ICE WINE”, một đặc sản của tỉnh Ontario, Canada. ICE WINE làm từ trái nho được hái trong mùa Ðông giá lạnh nhiệt độ -5 độ C làm cho trái nho bị đông lại. Thầy Liêm có nếm thử rượu “ICE WINE” này. Anh em chúng tôi cũng đã mua “ICE WINE” để Thầy đem về Cali. Thầy Liêm và chúng tôi đã ăn trưa tại lầu 2 của một nhà hàng ở gần thác: “Niagara Fall”. Buổi chiều trên đường về, qua khỏi Niagara Falls khoảng 15km, chúng tôi có ghé nhà của anh Nguyễn Hữu Nghĩa và chị Nguyên Hương (Cựu học sinh Trưng Vương), chủ nhiệm và chủ bút của Nguyệt San Làng Văn ở Toronto. Anh Nguyễn Văn Tiết cho biết khi nghe Thầy Liêm đến Toronto thì vợ chồng anh Nghĩa đã tha thiết mời Thầy Liêm và anh em đến ăn cơm chiều tại nhà của anh, họ chỉ nghe tiếng Thầy Liêm và muốn có cơ hội được diện kiến. Nhà của anh Nghĩa và chị Hương mới được xây cất lại theo ý thích của anh chị: trước nhà là một hồ cá: có nhiều cá quý rất đẹp. Tòa nhà rộng rãi giống như một lâu đài nhỏ. Ðặc biệt một nhà kiến ở sát bờ hồ Ontario, chúng tôi được tiếp đãi tại đây. Từ nhà kiến này, chúng tôi có thể nhìn thấy Toronto. Tôi xin ghi nôi đây lời cảm ơn trước sự thân thiết của anh Nghĩa và chị Hương trong buổi chiều Chủ Nhật này. Lúc sắp sửa rời nhà anh Nghĩa thì cũng là lúc chúng tôi chia tay Thầy Liêm: Anh Phạm Thế Trung mời Thầy đi thành phố Owen Sound, nơi có xưởng điêu khắc của anh.

III. KẾT LUẬN:

Người xưa có nói: “đa tài tức đa tình”. Một Nguyễn Công Trứ (1778 - 1858) đã từng vẫy vùng ngang dọc, “xuống Ðông, Ðông tỉnh, lên Ðoài, Ðoài tan.” Rồi ông cũng “Cầm, Kỳ, Thi, Tửu”, cũng hưởng nhàn:

“Nhưng ngoài những thú thanh tao, Nguyễn Công Trứ có khi cũng thích hưởng những thú nhóm mùi trần tục như đi chùa mà dẫn ả đào theo:

“Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì,
Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng”

“ hay bảy mươi ba tuổi còn vợ bé:
“ Kìa những người mái tóc đã phau phau,
Run rẩy kẻ tơ đào còn mảnh mảnh”

“ Nhưng theo ông, kẻ tài tình sống như vậy cũng chẳng có gì quá đáng”
(Tạ Ký, bài giảng “Tổng Kết về Nguyễn Công Trứ, lớp Ðệ Tứ (1959-1960), in Ronéo, Sài gòn:1960)
Thầy Nguyễn Thanh Liêm là một người rất đa tài, tôi không biết Thầy có đa tình như một Nguyễn Công Trứ hay không? Nhưng điều tôi biết chắc chắn rằng Thầy có một cái đam mê. Thầy đam mê viết lách, đam mê trong các sinh hoạt cộng đồng, nhất là cái đam mê trong việc bảo tồn và phát huy nền văn hóa dân tộc. Sự đam mê này đã giúp cho Thầy không biết mệt mỏi và luôn luôn vui tươi.

Thầy Nguyễn Thanh Liêm nay đã trên 70 tuổi rồi, tôi xin lược dẫn qua cuộc đời của Khổng Tử để chúng ta thấy có nhiều chỗ cuộc đời của Thầy Liêm giống cuộc đời của Khổng Tử.

* *

Khổng Tử (551 - 479 trước Tây Lịch), quê quán làng Xương Bình, nước Lỗ, đời Chu bên Trung Hoa. Nay là quận Khúc Phụ, tỉnh Sơn Ðông. Thọ được 72 tuổi Tây,tức 73 tuổi ta. Ngài đã san định Ngũ Kinh: Thư, Dịch, Thi, Lễ, Nhạc và hoàn thành cuốn Xuân Thu.

Khổng Tử đã hết lòng dạy dỗ học trò và đi du thuyết nhiều người ở nhiều nơi để thực hiện tư tưởng của mình. Người sau đã tôn vinh Khổng Tử là “Vạn thế sư biểu”.

Sách Luận Ngữ là một cuốn sách ghi chép lại các lời nói, lời dạy của Ðức Khổng Tử, có một chỗ ghi lời của Ngài tóm lược lại cuộc đời của chính mình như sau:
“ Ngô thập hữu ngũ nhi chí ư ( vu ) học,
Tam thập nhi lập,
Tứ thập nhi bất hoặc,
Ngũ thập nhi tri thiên mệnh,
Lục thập nhi nhĩ thuận,
Thất thập nhi tòng tâm sở dục,
Bất du củ.”

( * Tôi xin mở ngoặc ở đây để dịch nghĩa các câu trên:.
 - Ngô thập hữu ngũ nhi chí ư (vu) học:
Khi ta tới 15 tuổi thì mới tự mình chú tâm vào việc học.
(Thập hữu ngũ: 10+5 tức là 15, chí = để hết tâm ý, chữ Hán Việt = Ư và Vu có cùng một ý nghĩa = lời so đo, đối đãi, đối với)

- Tam thập nhi lập:
Khi tới 30 tuổi, thì ta mới có đủ sức tự lập để tạo sự nghiệp, để thực hiện lý tưởng của mình.

- Tứ thập nhi bất hoặc:
Khi lên tới 40 tuổi thì không còn bị mê hoặc tức là mới hiểu biết được lý sự trong thiên hạ, biết phân biệt tốt xấu, biết được gì nên làm và không nên làm.

- Ngũ thập nhi tri Thiên mệnh:
Khi lên tới 50 tuổi thì ta mới hiểu được mệnh trời, mới hiểu được những giới hạn của cuộc đời, của con người, tức là có những điều lúc nhỏ ta muốn thực hiện, nhưng vì mệnh trời, vì những giới hạn nên công việc làm rốt cuộc chẳng thành tựu được.

- Lục thập nhi nhĩ thuận:
Khi lên tới 60 tuổi, tai ta nghe (sự đời) chẳng thấy chướng ngại gì cả “nhĩ thuận”, tức là hiểu thấu mọi lý lẽ ở đời. Do ở kinh nghiệm sống dồi dào, kiến thức phong phú về nhiều sự vật.

- Thất thập nhi tùng tâm sở dục, bất du củ:
Khi lên tới 70 tuổi, ta tự do muốn làm điều gì hay suy tư điều gì theo ý muốn của mình miễn là không vượt ra khỏi khuôn khổ của đạo lý luân thường.)

*
Tôi kính chúc Thầy Nguyễn Thanh Liêm được dồi dào sức khỏe để tiếp tục công việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc ở hải ngoại, và chuyển ngọn lửa thiêng về Việt Nam để phục hồi lại văn hóa truyền thống của dân tộc ta.

Tôi kính lời cảm ơn Thầy Nguyễn Thanh Liêm và các Thầy, Cô đã giảng dạy và nun đúc cho tôi trở thành một người hữu ích cho xã hội.
NGUYỄN VĨNH THƯỢNG.
Cựu Thanh Tra đặc trách các trường Trung Tiểu Học ở Đô Thành Sài gòn.
Cựu Chuyên viên Giáo duc ở Nha Kế Hoạch và Pháp Chế Học vụ. Bộ VHGD&TN,Saigon.
Cựu giáo sư triết học các trường Trung Học Petrus Ký, Hồ Ngọc Cẩn, Nguyễn An Ninh, Cần Đước (Long An) và trường Sư Phạm Sài gòn.

No comments:

Post a Comment

Một Góc Nhìn "Rất Tôn Tử" Về Cuộc Xâm Lăng Của Nga Vào Ukraine* (Do people in Russia know that Putin is fighting the wrong enemy?)

John Andressen (Ukraine của bạn? - Không! Ukraine là của tôi) Người dân Nga có biết Putin đã nhận lầm kẻ thù để đánh không? Giống như Sa hoà...