13 February 2011

Tìm Về Mái Nhà

Tìm về mái nhà   
Nguyễn Văn Nhiệm 
      
đợt cơ cấu tuy đã đơn giản, nhưng vẫn còn dùng số độ, hình tượng, sấm ngữ, nguyên ngôn để diễn tả những nguyên lý cơ bản, nghĩa là không nhiều thì ít vẫn còn dính dấp tới ý niệm, ý hệ, nghĩa là còn cần đến trung gian. Văn hóa chân thật đòi hỏi cái biết bằng trực giác tiếp nhận Minh triết, tức là những tia sáng lóe lên từ tâm thức của chính mình, từ nguồn năng lực vô biên của chính mình, là Minh đức, là Tính Việt. Việt lý hướng dẫn con người tìm về Minh triết để đạt đến đợt Thể. Đạo Việt với Minh triết chân thật giúp con người suy tư về Tính Mệnh, sống thuận theo Tính Mệnh (Suất Tính), nghĩa là con người trong cuộc sống hiện thực tự thể nghiệm ngay ở bản thân mình để làm sáng tỏ Nhân Tính, tức là Tính Thể của con người. Đạt được như vậy thì đắc Đạo, nói bóng là “ nhập ư thất “.
Con đường tìm về mái nhà không đơn giản, mà đầy chông gai, cho nên cũng dễ lạc lối. Con người phải lần lượt vượt qua giai đoạn bái vật đồng nhất, ý hệ dị biệt rồi mới tới tâm linh thông hội.
     Việt lý, Việt Đạo quan trọng ở chữ Việt, ở hàng ngang thế giới hiện tượng có nghĩa là vượt qua, ở hàng dọc tâm linh có nghĩa là siêu vượt lên. Ở giai đoạn bái vật, con người phải siêu vượt qua trạng thái đồng nhất, tinh thần bầy đoàn. Biết phân biệt tốt xấu, lành dữ là bước tiến vượt bực để thoát khỏi trạng thái hỗn mang ban sơ, nhưng nếu tưởng nhầm đây là đỉnh cao của tâm thức, rồi ra sức duy trì, củng cố thành ra ý hệ thì lại giam hãm con người trong ngục tù đối tượng, đối kháng hàng ngang ( duy tâm, duy vật ). Con người cần phải siêu vượt nữa để thoát khỏi ý hệ nhị nguyên dị biệt để tiến đến đợt tâm linh thông hội. Tục ngữ, ca dao phản ảnh ra sao con đường tìm về mái nhà?
     Việt lý hay Triết lý Việt mang tính lưỡng hợp, cho nên mái nhà có ý nghĩa vật chất cụ thể trong cuộc sống hiện thực mà cũng có ý nghĩa tâm linh. Việt lý là Triết lý nhân sinh, cho nên cứu cánh của nó là Hạnh phúc và tiêu chuẩn  để xác định cho mọi giá trị cũng là Hạnh phúc. Mái nhà là cái nôi Hạnh phúc đó:
   “ Mắm trước, đước sau, tràm theo sát
      Sau hàng dừa nước mái nhà ai?“    
      Nhóm chữ  “ mái nhà ai? ” buông lơi đó, tuy không xác định, nhưng lại rất có ý nghĩa.
      Ở Triết lý nhân sinh thì vai trò của con người rất quan trọng, không như triết học trục vật lấy sự vật độc khối, vô tri làm đối tượng :
   “ Tiếc thay hoa nở bên rừng,
     Thơm cay ai biết, ngọt lừng ai hay?”   
Đóa hoa chỉ thật tươi thắm, rạng rỡ khi đối diện với con người như một tâm hồn đối diện với một tâm hồn.  Mái nhà đàng sau hàng dừa nước không phải là mái nhà vô chủ lạnh tanh, mà là mái nhà của ai đó có bếp lửa hồng ấm cúng, đầy ắp tình nghĩa yêu thương.  
     Mái nhà là thể hiện Triết lý lưỡng hợp thái hòa, mà tình nghĩa vợ chồng khắng khít như vô số nuộc lạt ở mái nhà:
   “ Ngó lên nuộc lạt mái nhà,
     Bao nhiêu nuộc lạt thương mình bấy nhiêu.”
     Liên hệ keo sơn gắn bó đó ở cả hàng ngang lẫn hàng dọc như ý tưởng của câu châm ngôn sau đây:
   “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm.”
     Xây nhà là sinh hoạt ở đời, đó là chức năng của đàn ông, là phần hiển hiện thuộc Dương , hàng ngang, vòng ngoài. Xây tổ ấm là chức năng của đàn bà, là phần ẩn sâu nơi tâm linh, do đó đàn bà cũng có năng khiếu nắm bắt ánh sáng Minh triết hơn hết.  Ca dao đã có nhận xét rất sâu sắc và cho lời khuyên quý báu:
   “ Vợ chồng chớ cãi nhau hoài,
     Sao cho trong ấm thì ngoài mới êm.”  
     Cấu trúc mẫu nhà Việt Nam là nhà ba gian hai chái ứng với  cơ số 3-2 như đã nói ở phần cơ cấu: quân bình giữa trong và ngoài theo tỉ lệ 3-2 chứ không như theo mô hình kim tự tháp 1-4.
     Cái nhà là một cấu trúc hòa hợp trong liên hệ hỗ tương, chứ không phải là vật độc khối:
   “ Có cây mới có dây leo,
     Có cột, có kèo mới có đòn tay.”    
     Nhà có hai mái tựa trên hệ thống khung  gồm rui, mè, đòn tay, kèo và hai trụ cột chính ở hai đầu của vì kèo. Hai trụ cột chính này cũng như hai mái nhà là hình ảnh vòng Âm Dương của Dịch. Để đỡ hai mái nhà, ngoài hai trụ cột chính còn có bốn trụ cột nữa ở bốn gốc của một hình vuông (hay chữ nhật) là hình ảnh Tứ Tượng. Thêm bốn cột nữa của hai chái thành ra có tám cột, ứng với Bát Quái của Dịch.
     Đạo Việt có tính lưỡng hợp, cho nên nếu mái nhà hướng Thiên thì nền nhà hướng Địa; nếu cột trụ, mái nhà vững chắc thì nền móng cũng phải vững chắc tương xứng. Tục ngữ có nói:
   “ Nhà dột từ nóc dột xuống
     Điều này có nghĩa là dột từ đợt căn cơ, từ nóc như Thái cực bao gồm hai yếu tố Âm Dương : hai mái nhà dột nát. Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ cho thấy nguyên do và hậu quả của thảm trạng đó:
   “ Nhà dột bởi đâu? Nhà dột nóc,
     Nếu nhà dột nóc, thế chon von.”
     Bọn trộm, cướp thường xuyên rình rập, lợi dụng cảnh bất hòa của vợ chồng chủ nhà, chờ thời cơ trổ nóc nhà, đào ngạch, khoét vách xông vào nhà vơ vét tài vật của cải.
     Người ta thường nói đến từ ngữ kép “ dại dột “ có lẽ do liên hệ căn do, nhân quả, hễ dại thì sẽ đưa đến cảnh dột nát:
   “ Nhất là vợ dại trong nhà,
     Nhì thời nhà dột, thứ ba nợ đòi.
     Xem đi xét lại mà coi,
     Nhà dột không sợ, nợ đòi không lo.”
     Nói như thế là do ảnh hưởng tư tưởng Hán Nho trọng nam khinh nữ, cái gì tiêu cực thì gán cho đàn bà, còn đàn ông thì sao, nhất là giới quân tử trong làng Nho, mà  giới phụ nữ thường cảnh giác qua ca dao:
   “ Chớ nghe quân tử ì òn,
     Mà rồi có lúc ẵm con một mình.”
     Thật ra theo tinh thần lưỡng hợp của Việt lý thì liên hệ vợ chồng được đưa lên thành Đạo vợ chồng, lấy sự  hài hòa, hòa hợp, hòa thuận làm chủ đạo, chứ không chủ trương cãi nhau, tranh chấp thua hơn. Chủ trương sau, một khi phân hóa đến cực độ, sẽ đưa tới một mất một còn, gia đình tan rã, đường ai nấy đi. Như vậy trách nhiệm xây dựng  hạnh phúc gia đình, thành tựu hay đổ vỡ  là chung đối với cả vợ lẫn chồng, chứ không riêng ai cả. Từ mái nhà gia đình đến mái nhà của quốc gia    ( Tổ quốc ) cũng  có những liên hệ tương tự như thế, trách nhiệm xây dựng và giữ gìn là chung của cả toàn dân thành một khối đoàn kết, chứ không riêng một giới nào, dòng tộc nào, phe nhóm nào cả:
   “ Cái nhà là nhà của ta,
     Ông cố ông cha làm ra.
     Cháu con phải gìn giữ lấy,
     Muôn năm nhớ nước non nhà.”   
     Như vậy, bắt đầu từ việc thông thường như vợ chồng xây dựng mái nhà gia đình lại là vấn đề rất nền tảng, rồi mới mở rộng ra xã hội, quốc gia cho đến cả thế giới, vũ trụ bao la như ý tưởng của câu nói ở sách Trung Dung: “ Quân tử chi đạo, tạo đoan hồ phu phụ; cập kỳ chí giã, sát hồ thiên địa.” Xem thế đủ thấy tầm mức quan trọng của Đạo vợ chồng, tuy thông thườngkhông tầm thường, trái lại là vấn đề hệ trọng của nhân sinh thuộc đợt căn cơ là làm sao cho các đối cực do phân ly thông hội lại với nhau. Ca dao, tục ngữ thường dùng hình ảnh con sông để chỉ sự phân ly, ngăn cách đôi bờ và hình ảnh chiếc cầu như phương tiện đưa đến sự gặp gỡ, thông hội.
     Hình ảnh chiếc cầu nói lên biết bao ý nghĩa của Triết lý nhân sinh qua nét chấm phá độc đáo gọi là
lý qua cầu “ :
   “ Thương nhau hát lý qua cầu,
     Quê em Ninh Quới nặng câu ân tình.
     Thương ai cách một cánh đồng,
     Dẫu xa cho mấy mà lòng vẫn thương.”
    “ Lý qua cầu ” là triết lý siêu việt của Giao Chỉ, triết lý giao duyên  “ nặng câu ân tình “, cho nên       “ dẫu xa cho mấy “, “ cách một cánh đồng “,” mà lòng vẫn thương “.
     Nói là lý như lý qua cầu, lý đò đưa, lý con sáo...nhưng  thật ra ở đây không duy lý chút nào, mà lý, tình quyện lấy nhau xoắn xuýt. Đó là nét đặc biệt của Việt lý.                   
     Sau đây là một số ca dao giới thiệu nội dung của “ lý qua cầu“:
  “ Ai đưa con sáo sang sông,
     Để cho con sáo sổ lồng bay cao.
     Bay cao thời mặc bay cao,
     Lưới trời lồng lộng thoát nào đặng đâu.”
     Đây là hình thức của “ lý con sáo “ liên hệ với “ lý qua cầu “để “đưa con sáo sang sông “. Sang sông đã là bước đầu vượt qua sự ngăn cách đôi bờ, rồi lại được “ sổ lồng bay cao “ vào bầu trời tự do. Cái lồng là biểu tượng của những thứ do con người tạo ra như tập quán, lề luật khắc khe như nhà tù giam hãm con người. Sổ lồng là có tự do, nhưng đừng nghĩ rằng đó là tự do tuyệt đối,phóng túng, mà phải hiểu là tự do trong vòng trật tự, trong khuôn khổ của qui luật tự nhiên là “ lưới trời “ không thể thoát ra ngoài được . Nói như vậy không có nghĩa là chủ trương hủy bỏ tất cả mọi lề luật của con người, mà chỉ nhắm vào những lề luật quá cực kỳ khắc khe, phi lý kìm hãm con người. Lề luật như thế nào để có thể vừa hợp nhân tính, mà cũng không đi ngược với qui luật tự nhiên. Nói cách khác giữa tự do và lề luật phải có sự quân bình. Quan sát quá trình phát triển của con người từ  tuổi thơ cho đến trưởng thành vào lứa tuổi khoảng chừng mười tám, đôi mươi thì thanh niên, phụ nữ bắt đầu có thể được  “ sổ lồng “, cất cánh bay cao. Từ đó họ có quyền tự do bay nhảy, nhưng đồng thời phải chứng tỏ tinh thần tự lập, tự chủ, tự cường, có tinh thần trách nhiệm đối với bản thân, với tha nhân, với đoàn thể, xã hội. Đó là tinh thần của Triết lý lưỡng hợp thái hòa của Đạo Việt.
     Bắc cầu sang sông là hình ảnh nói lên sự kết duyên lứa đôi:
   “ Xin anh hãy cứ yên tâm,
     Trước sau rồi cũng bắc cầu đẹp duyên.”
     Sang sông có nghĩa là đi lấy chồng, đi theo chồng:
   “ Ai kêu, ai hú bên sông,
     Mẹ kêu con dạ, thương chồng phải theo.”
hay:
   “ Vai mang khăn gói sang sông,
     Mẹ kêu con dạ, thương chồng phải theo.” 
     Đạo vợ chồng là Đạo hòa hợp tình nghĩa như sự tích trầu cau, nếu không thì coi như  “ gãy nhịp cầu sang sông “:
   “Áo cưới chưa hết nếp tà,
     Cô dâu xách nón về nhà cô dâu.
     Phải chăng cau đã chán trầu,
     Đôi bờ đã gãy nhịp cầu sang sông.”
     Trước khi trở thành vợ chồng, trai gái trải qua giai đoạn hẹn hò, tình tự, ước hẹn gắn bó: 
   “ Thương anh cởi áo trao tay,
      Về nhà dối mẹ, gió bay qua cầu.
    - Gió bay cầu thấp cầu cao,
     Gió bay cầu nào, nói lại mẹ nghe.”                                                                                                                                                                                       Trai gái tán tỉnh, tỏ tình nhau là đề tài rất phong phú khắp mọi miền quê còn để lại dấu vết qua ca dao, mà ở đây đặc biệt nói về “ lý qua cầu “:
   “Ở gần sao chẳng sang chơi,
     Để anh hái ngọn mồng tơi bắc cầu.
  -  Bắc cầu em chẳng sang đâu,
     Chàng về mua chỉ bắc cầu em sang.
     Chỉ xanh chỉ tím chỉ vàng,
     Đủ ba thứ chỉ em sang được cầu.”
hay:
   ” Gần nhà mà chẳng sang chơi,
     Để em hái ngọn mồng tơi bắc cầu.
   - Mồng tơi chẳng bắc được đâu,
     Em cởi dải yếm bắc cầu anh sang.”
     Bên cạnh loại “ lý qua cầu “ có tính cách trêu ghẹo, bỡn cợt, bông đùa, ỡm ờ kiểu “ mồng tơi bắc cầu “ còn có loại đứng đắn, chắc nịch như  kiểu “ xẻ gỗ cho dày “ có liên kết với thẩm quyền, lễ giáo như  sự hiện diện của ” thầy mẹ “ :
   “ Anh về xẻ gỗ cho dày,
     Bắc cầu sông cái cho thầy mẹ sang.
     Thầy mẹ sang, em cũng sang theo,
     Đò dọc quan cấm, đò ngang không chèo.”
     Câu chót ” Đò dọc quan cấm, đò ngang không chèo “ nói lên tình trạng bế tắc thông thương, biện minh cho sự cấp thiết phải bắc cầu sang sông. Nghĩa bóng là do nhị nguyên thuyết ngăn cách đôi bờ, cho nên cần phải bắc cầu, phải siêu vượt qua nó để có sự thông hội.
     Ở một bài ca dao khác cũng lại có câu “Đò dọc... đò ngang “:
   “ Bồng bồng mẹ bế con sang,
     Đò dọc quan cấm, đò ngang không chèo.
     Muốn sang thì bắc cầu kiều,
     Muốn con hay chữ phải yêu kính* thầy.”
( *Có bản: Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy )
    Việc học của con cái rất quan trọng, phải nổ lực vượt qua bao nỗi khó khăn để tầm sư học Đạo. Trong việc học Đạo, cái tôn chỉ đầu tiên là “ Tiên học lễ, hậu học văn “, cho nên người học trò tốt lúc nào cũng lấy việc “ yêu kính Thầy “ làm đầu. Tục ngữ có nói:
   “ Kính Thầy mới được làm thầy
     Hơn nữa việc học cao nhất trong truyền thống văn hóa Việt là học Đạo, cho nên phải thể hiện cho được Tính Việt là siêu vượt qua khỏi nhị nguyên để có thể đón nhận ánh sáng Minh triết lóe lên từ sự giao thoa, thông hội giữa những đối cực như Thiên Địa, Âm Dương, Hữu Vô ngay tự thâm tâm của mình. Đó là cái học “ cách vật trí tri “, “ triêu văn Đạo “ vậy.
     Qua cầu không phải dễ dàng theo cả hai nghĩa đen và nghĩa bóng. Ngày xưa chưa có những cầu hiện đại như bây giờ, mà ở thôn quê chỉ có cầu tre không lấy gì làm chắc chắn:
   “ Cầu tre lắt lẻo, anh thắt thẻo ruột gan,                                                                                                               
     Sợ em đi chửa quen đàng,
     Rủi em có mệnh hệ, lỡ làng duyên anh.”
    Cũng vì thế mà có những câu tục ngữ như sau:
   “ Ai có qua cầu mới hay
hay:
   “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay
Lý qua cầu “ không phải chỉ có tính cách một chiều, chỉ nói lên mặt tích cực, mà còn phảng phất đó đây đôi nét tiêu cực của tình đời:
   “ Qua cầu ngả nón trông cầu,
     Cầu bao nhiêu nhịp dạ em sầu bấy nhiêu.”
   “ Qua sông anh đứng anh chờ,
     Qua cầu anh đứng ngẩn ngơ vì cầu.”
   “ Nhớ khi gánh nặng anh chờ,
     Qua cầu anh đợi, bây giờ em quên!”
   “ Qua cầu lột ván tháo đinh,
     Người thương ở bạc với mình không hay.”
“ Qua cầu lột ván tháo đinh “ là thái độ tệ hại chẳng khác nào lối suy nghĩ nhị nguyên ngăn cách đôi bờ. Nhưng cũng may, thái độ này chỉ lẻ tẻ như vài giọng ca lạc điệu trong một đại ban hợp xướng, không đủ làm mất đi tính chủ hòa của bản nhạc đồng ca. Thật vậy, là người ai lại không có ít nhiều lương tri, lòng trắc ẩn tiềm ẩn bên trong .  Hãy để giây phút lắng nghe tiếng nói của lương tâm, tiếng gọi của Đạo, mà người bình dân chất phác nào cũng đã tâm niệm và thể hiện qua lời kêu gọi:
   “ Ai ơi! Thương lấy lúc ni,
     Nhịp cầu kẻ đứng người đi sao đành.”
     Nói chung thì việc qua cầu khó, cho nên cũng cần có sự dẫn dắt:
   “ Ví dầu cầu ván đóng đinh,
     Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi.
     Khó đi mẹ dẫn con đi,
     Con đi trường học, mẹ đi trường đời.”
     Con đường đi học, mà lý tưởng là học Đạo khó như vậy, cho nên giai đoạn đầu cũng phải nhờ trường học để tiếp thu kiến thức, giai đoạn tiếp theo là trường đời, tự rút kinh nghiệm chuyển hóa vào hướng tâm linh, để hướng đời về với Đạo bằng nổ lực siêu việt, nói một cách hình ảnh là “ qua cầu “, là “ bắc cầu “để không còn ngăn cách đôi bờ nhị nguyên nữa.
   “ Qua cầu “ khó  như vậy, nhưng quyết tâm tập luyện thì mới xứng đáng là kẻ nam nhi:
   “ Phải chi lấy được vợ vườn,
     Tập đi cầu khỉ thêm đường dọc ngang.”
   “ Đò dọc, đò ngang “, hay vắn tắc: “ dọc ngang “ là những từ ngữ chỉ cặp phạm trù thời gian, không gian, mà những ai có khả năng xuyên suốt qua đó mới thỏa chí làm trai:
  “ Vòng trời đất dọc ngang, ngang dọc
     Nợ tang bồng vay trả, trả vay
  ( Chí làm trai - Nguyễn Công Trứ )
Ngang chỉ không gian, đất; dọc chỉ thời gian, trời. Đây là cách biểu tượng đơn giản, chứ riêng không gian cũng đã chiếm ba chiều rồi. Vượt qua cây cầu khỉ ở đời đã khó, mà vượt qua cây cầu như vậy ở trong tâm mình lại càng khó hơn. Nguyên do là vì cầu khỉ, cầu tre lắt lẻo, gập ghềnh, còn cái tâm thì theo kinh Phật cũng như con vượn chuyền cây. Thế cho nên phải giữ luật quân bình, tránh chao đảo, sao cho đi trên cầu khỉ mà cũng ung dung như đang đi trên mặt đất bằng phẳng.
   “ Lý qua cầu ” cũng có liên quan đế huyền thoại: Ngưu Lang, chàng chăn trâu, lấy được cháu gái của Trời là Chức Nữ, cô thợ dệt. Sau khi đã thành vợ chồng, Chức Nữ lười biếng việc canh cửi, nên bị phạt, lấy sông Ngân ngăn cách, chỉ cho phép mỗi năm gặp nhau một lần nhờ những con quạ bắc cầu Ô Thước vào đêm Thất Tịch ( mồng bảy tháng bảy ):
   “ Khi xưa ai biết ai đâu,
     Bởi chim Ô Thước bắc cầu sông Ngân.”
   “ Vị vì một giải sông Ngân,
     Làm cho Chức Nữ chẳng gần Ngưu Lang.”
     Bắc cầu Ô Thước mỗi năm chỉ một lần như vậy là quá ít ỏi, con người vẫn còn ngăn cách đôi bờ vì còn luẩn quẩn trong vòng nhị nguyên đầy mâu thuẫn, đầy đau khổ, chia ly. Ước vọng của con người đã được tỏ bày qua hai câu ca dao sau đây:    
   “Ước gì sông hẹp vài gang,
    Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi.”                                                                                                       
Từ ước mong sẽ chuyển qua hiện thực bằng hành động nổ lực. Một khi đã siêu vượt khỏi nhị nguyên rồi thì không còn phân chia cách trở nữa, mọi sự đều hanh thông:
   “ Tìm em chẳng thấy em đâu,
     Lội sông chẳng tới, qua cầu lại xa.
     Bây giờ trông thấy em ra,
     Lội sông cũng được, cầu xa lại gần.”
     Từ trước tới giờ chỉ mới lo thắng vượt nỗi bất hạnh là đôi bờ ngăn cách ở “ lý qua cầu “, chừng nào qua cầu rồi mới có thể nói đến cái lý “ nhập ư thất “:
   “ Cô kia bới tóc đuôi gà,
     Nắm đuôi cô lại hỏi nhà cô đâu?
   - Nhà tôi ở dưới đám dâu,
     Ở trên đám đậu đầu cầu ngó qua.
     Ngó qua đám bắp trổ cờ,
     Đám dưa trổ nụ, đám cà trổ bông.” 
     Ngôi nhà bên kia cầu là ngôi nhà Hạnh phúc có đủ cả lý tưởng Chân, Thiện, Mỹ, nào là bắp trổ cờ, dưa trổ nụ, cà trổ bông...
     Phải vượt qua sông. Ở kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa có câu thần chú như sau:
   “ Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, Bồ đề tát bà ha “: Độ, độ, độ khắp cả, độ sang bến bờ bên kia, khắp độ tất cả sang bờ bên kia, giác ngộ!                                                                           
     Vua Trần Thái Tông ( 1225- 1258 ), vị vua anh hùng, một học giả, một nhà đạo đức, chẳng những bảo vệ, xây dựng thành công việc nước, mà còn vận động người dân tu học thành một phong trào sống lành mạnh, có đạo đức rộng lớn, để con người có thể vừa thành công vừa thành nhân:
   “ Khuyên mời Đức Phật khắp thời không
     Chư vị Bồ Tát, Thánh, Hiền, Tăng
     Mở lòng từ bi rộng vô cùng
     Chứng kiến chúng sinh sang sông “   
( Thiền học Trần Thái Tông- N. Đ. Thục )
     Kế quả là nước Đại Việt sau những năm chiến tranh chống ngoại xâm đã thực sự trở nên thanh bình, thịnh trị như cõi Phật, mà Trạng nguyên Huyền Quang Lý Tải Đạo đã diễn tả như sau trong bài phú  vịnh chùa Vân Yên:
   “ Phen những ôi!
     Tây Trúc dường nào
     Năm châu có mấy
     Non Linh Thứu ai đem về đây
     Cảnh Phi Lai mặt đà thấy đáy
     Vào những cõi thánh thênh thênh
     Thoát rẽ lòng phàm phây phấy
 ( Toàn tập Trần Nhân Tông- L.M. Thát )
     Ca dao kêu gọi đồng bào, những công dân cùng chung một bọc huyền sử, anh em cùng một khí huyết hãy noi theo truyền thống văn hóa của Tổ tiên:
   “ Anh em một khí huyết phân,
     Cũng như người có tay chân khác gì.
     Ai ơi lấy đấy mà suy,
     Có câu đường lệ trong thi để truyền.”
     Đường lệ là lề luật trong gia đình, nhưng “đường lệ trong thi “ có ý nhắc đến ý nghĩa của hoa đường lệ trong Kinh Thi:
   “Đường lệ chi hoa, thiên kỳ phản nhi. Khởi bất nhĩ tư, thất thị viễn nhi.
     Tử viết: Vị chi tư giã. Phù hà viễn chi hữu?”
( Luận Ngữ. chương IX: Tử Hãn, tiết 29 )
Ý nghĩa: Cây đường lệ đơm bông. Hoa lay động qua lại (*). Há chẳng tưởng nhớ ai đó sao. Ngặt vì nhà ở xa mà không tới thôi.
     Đức Khổng Tử bèn nói: Như vậy là chưa thật tưởng nhớ đó. Nếu thật tưởng nhớ thì có xa gì đâu?
(*)Hoa đường lệ nở trước, búp sau, khác với các hoa khác thường búp trước nở sau. Hiện tượng đó, nói tổng quát là tác động một mở, một đóng theo nhịp điệu căn cơ của Dịch: “ nhất hạp nhất tịch”.
 Quên mất “ phản “ mà chỉ có “ thiên “, có qua mà không có lại, có mở mà không bao giờ biết đóng, thì làm sao có mở nữa để cho sự vật luôn luôn mới mẻ, khởi sắc. Chỉ có đi mà không có về, thì làm sao không trở thành người vô gia cư, cả đời không tìm thấy được mái nhà Hạnh phúc (Chân lý thật sự không theo đường thẳng, chỉ có hoặc mở , hoặc đóng, mà vừa có mở, vừa có đóng theo như dạng hình sin ).  
 “ Vị chi tư giã “: Chưa thật tưởng nhớ, tức là chưa thật sự suy tư vì còn luẩn quẩn trong vòng danh lý nhị nguyên, chọn một, bỏ một. Chữ “ thiên ” trong “ thiên kỳ phản nhi “ có nghĩa là nghiêng lệch về một bên, mất quân bình. Chữ  “ phản “ là quay về, ý nói từ bỏ lối thiên về một chiều, mà bao gồm cả hai yếu tố đối nghịch để có quân bình. Hệ Từ nói: “ Nhất âm nhất dương chi vị Đạo “. Âm dương giao thoa, hòa hợp thì mới đạt Đạo, đạt Nhân tính. Như vậy, chỉ khi nào quay về  với nguyên ngôn đầy tính viên dung nhất quán thì mới  thật sự có suy tư , lúc đó mới thấy nhà đâu có xa. Khi đầu mối âm dương giao thoa, thông hội với nhau ngay tận thâm tâm con người thì đạt Đạo, nói bóng là “ nhập ư thất “.
     Xin lập lại bài ca dao đã nói ở đoạn trước, hai câu đầu:
   “ Tìm em chẳng thấy em đâu,
     Lội sông chẳng tới, qua cầu lại xa.”
cho thấy khi chưa có sự gặp gỡ, giao hòa thì cái gì cũng xa cách, ngược lại khi đã có thông hội rồi thì xa hóa ra gần:
   “ Bây giờ trông thấy em ra,
     Lội sông cũng được, cầu xa lại gần.”
Cái nhà ở ngay bên kia sông, “ở trên đám đậu đầu cầu ngó qua “, vậy mà không dễ gì vào được, là vì  khuynh hướng  chạy theo lượng, trục vật loanh quanh ở vòng ngoài thuộc đợt Dụng độc chiếm tâm hồn người ta, không còn biết chi đến phẩm ở đợt Thể ngay trong nội tâm. Khuynh hướng chạy theo lượng là do lòng tham dục của con người không bờ bến, cho nên dễ đưa đến thiên lệch, nếu biết quay trở lại thì mới lấy lại quân bình như người xưa đã khuyên:
   “ Nhân dục vô nhai, hồi đầu thị ngạn
     Thử quan sát và nhận xét tương quan giữa phẩm và lượng của loài động vật:
   “ Chim với phượng kể loại hai chân,
     Thú với kỳ lân kể loại bốn vó.”
   “ Con cua tám cẳng hai càng,
     Một mai, hai mắt rõ ràng con cua.”
     Loài chim, nhất là chim phượng có hai chân, so với loài thú bốn chân, loài cua tám cẳng, là loài mà văn hóa Việt xem là cao quý. Cho nên người Việt nhận mình là dòng giống Lạc Hồng, Khi tu Tiên đắc Đạo thì huyền thoại gọi là Vũ hóa, nghĩa là mọc cánh thành Bạch Hạc.
    Vật có bốn chân cho dù được xếp vào vật linh như kỳ lân, rùa ( qui ) cũng đứng sau chim về phẩm:
   “ Thiếp gặp chàng như Ngưu Lang gặp hội,
     Chàng gặp thiếp như hạc độ lưng qui.”
     Hạc hai chân đứng trên lưng rùa bốn chân cho thấy tương quan lượng- phẩm nói trên: loài hai chân cao quý hơn loài bốn chân. Bây giờ thử so sánh những con số trên ( số chân cẳng của loài vật ) với số độ các vòng của Dịch. Có thể nói rằng tám cẳng ứng với vòng Bát Quái, bốn chân ứng với vòng Tứ Tượng, hai chân ứng với vòng Lưỡng Nghi. Rồi Lưỡng Nghi lại nằm trong Thái Cực và Thái Cực bao gồm Lưỡng Nhi, cho nên có thể nói hai mà là một, một mà là hai. Như vậy là càng ra vòng ngoài bao nhiêu, càng trở nên phồn tạp bấy nhiêu . Đó là đợt Dụng nghiêng về lượng và tâm thức thì thu hẹp ở đợt Tiểu ngã. Càng đi vào vòng trong, thì càng trở nên đơn giản, phẩm nẩy nở ở đợt Thể và tâm thức mở rộng đến vô biên gọi là “ vũ trụ chi tâm “. Ngạn ngữ triết có nói: “ Nội hàm càng nhỏ, ngoại hàm càng to “, nghĩa là càng vào nhỏ bao nhiêu, sức bao quát càng mở rộng bấy nhiêu. Nếu đi vào cùng cực đến trống không, thì sức bao quát sẽ gồm thâu vũ trụ:
   “ Anh muốn trông, anh lên Ba Dội anh trông,
     Một Dội anh ngồi, hai Dội anh trông .
     Trống thu không ba hồi điểm chỉ,
     Anh ngồi anh nghỉ, thở ngắn than dài.
     Trúc nhớ mai thuyền quyên nhớ khách,
     Quan nhớ ngựa bạch, bóng lại nhớ câu.
     Anh nhớ em đây biết bao giờ được,
     Đạo vợ chồng chẳng trước thời sau.
     Trăm năm xin chớ quên nhau.”           
     Ngày xưa, đến gần tối quân lính phòng vệ đi khắp trong thành kiểm soát, khi biết chắc không có kẻ gian trà trộn vào trong thì mới ra hiệu cho đánh ba hồi trống thu không để báo cho mọi người biết là đã tới lúc đóng cửa thành. Thu không ý nói trong thành không có gì bất an, nguy hiểm cả, mọi người sẽ có một đêm yên nghỉ an lành.
     Cái trống tự nó đã có ý nghĩa là rỗng, là không rồi, là biểu tượng của Tâm không, không còn vương vấn tư dục, ý hệ, thành kiến, cho nên tiếng trống ( do người gióng lên ) vang dội cùng khắp, thông hội cả Thiên Địa. Ba Dội, Ba hồi trống  chỉ Tam Tài: Thiên, Địa, Nhân.                                                               
     Trong Đạo vợ chồng, nếu mỗi người đều tự giác kiểm soát, giữ tâm thanh tịnh, tánh thường rỗng lặng, không để sót một vết vẩn đục nào, cũng như trong thành ban đêm không có kẻ gian tế rình rập, thì sẽ bảo đảm trăm năm hạnh phúc. 
     Thử bàn thêm về đề tài “ nhà trống “:
   “ Gió vào nhà trống
     Thông thường thì nhà trống trơn là nhà nghèo khó, chỉ tình cảnh không may, cho nên mới nói:
   “ Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống
     Nhưng  lúc có giặc ngoại xâm thì ngôi nhà trống lại trở thành thế chiến lược độc đáo. Gió là luồng gió dữ, chỉ giặc xâm lược hung bạo khi tràn vào “ nhà trống “ thì sẽ ngỡ ngàng vì không có gì để cướp phá, do đó có sách lược “ tiêu thổ kháng chiến ”, “ vườn không nhà trống “.
     Bên cạnh ý nghĩa triết lý của cái trống, ba hồi trống thu không, nhà trống, ca dao còn nêu lên thắc mắc vì sao gọi lá trầu là trầu không?:
   “ Bánh cả mâm sao em kêu là bánh ít ?
     Trầu cả chợ sao em gọi là trầu không ?” 
     Trầu không do sự tích trầu cau: Thời xưa có hai anh em họ Cao giống hệt nhau, rất thương nhau,người anh tên Tân, người em tên Lang. Cha mẹ chết sớm, hai anh em sang học, ở trọ nhà thầy là đạo sĩ Lưu Huyền. Họ Lưu có người con gái tên Liên, sau đó kết duyên với người anh, tình ái mặn nồng. Từ đó, người em nhận thấy cách đối xử của anh mình không được như xưa, lại thêm có sự nhầm lẫn của Liên do sự quá giống nhau của hai anh em, nên người em buồn bã bỏ nhà ra đi. Đến một bờ suối lớn, người em ngồi than khóc đến chết, hóa thành cây cau. Người anh đi tìm em, đến bờ suối cũng chết, biến thành tảng đá vôi ngay dưới gốc cây cau. Rồi người vợ sau đó cũng đi tìm chồng, thấy chồng chết, cũng chết theo, hóa thành dây trầu không bò quấn quýt trên tảng đá vôi. Họ Lưu thương con đi tìm, đến đó khóc lóc, rồi lập đền thờ, người qua lại mến gương anh em hòa thuận, vợ chồng tình nghĩa, nên đền thờ luôn có nhan khói ấm cúng.
     Vua Hùng Vương một hôm đi tuần hành qua đó, dừng lại nghỉ chân, tránh nắng, hỏi ra mới biết sự tình. Nhà vua sai hái trái cau bổ ra và vài lá trầu dâng lên cho Ngài. Sau khi nhai thấy có vị thơm ngon, nhổ lên tảng đá vôi thấy hiện ra sắc đỏ tươi biết là những vật quý có đầy đủ ý nghĩa Đạo lý, nên nhà vua  sai đem về gây dựng và truyền bá trong dân gian. Từ đó có tục ăn trầu.
     Liên có ý nghĩa là liên hệ, như lá trầu không quấn quanh tảng đá vôi và cây cau, liên kết Kim với Mộc thành Đạo Thái Hòa biểu thị qua sắc đỏ thắm đầy tình nghĩa nhân bản, tức là vươn tới Đạo Huyền ( Lưu Huyền ), Đạo huyền vi vô sắc, vô thanh, vô xú ( vô khứu ), tức là Đạo của Tánh Không.
Ngoài ra, mặc dầu có lần nhầm lẫn trong sự nhận diện chồng, khi hai anh em đi rẩy về, nhưng Liên không hề có ý tà dâm, tâm của nàng không hề vẩn đục. Có lẽ đó là ý nghĩa siêu hình của lá trầu không.
     Bây giờ xin nói đến  hình ảnh những đóa hoa:
   “Ở đời chi tốt bằng sen,
     Quan yêu dân chuộng rã bèn cũng .”
     Rã bèn cũng hư : Cánh hoa rồi cũng khô héo, rụng  khỏi đài hoa. Với cái nhìn phiến diện, đặt trọng tâm ở vẻ đẹp hình sắc của đóa hoa, thì khi cánh hoa héo tàn, rơi rụng gọi là hoa hư, rồi coi đời như tuồng ảo hóa, nhưng thật ra quá trình sống của cây hoa có hư đâu? Cánh hoa với màu sắc tươi đẹp ứng với vòng ngoài, đợt Dụng, còn nhụy ở vòng trong với cặp nhụy đực, nhụy cái ứng với  cặp Lưỡng Nghi hòa hợp. Cánh hoa có héo tàn, có rơi rụng mới chuyển đổi qua thời kỳ kết quả thành gương sen. Hoa và quả liên hệ với nhau như hình với bóng , cho nên mới gọi là luật nhân quả và hoa sen cũng gọi là Liên hoa. Phật giáo có kinh Pháp Hoa hay Diệu Pháp Liên Hoa, mượn Liên hoa để tỉ dụ diệu lý thanh tịnh, do dụ mà biết bổn tâm Diệu Pháp. Hoa sen cao quý vì mọc nơi chốn bùn lầy, mà vẫn trong sạch thơm tho:
   “ Trong đầm gì đẹp bằng sen,
     Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng.
     Nhị vàng bông trắng là xanh,
     Gần bùnchẳng hôi tanh mùi bùn.”
     Hoa sen mọc lên từ ngay nơi bùn lầy, nước đọng, tỏa hương thơm ngát mà không chút hôi tanh mùi bùn, cũng như Đạo pháp sáng ngời ngay trong thế gian chứ ở đâu xa. Phật giáo Đại Thừa chủ trương: “ Phật pháp bất ly thế gian pháp “, còn Tiểu Thừa chủ trương: “ Vạn pháp giai không “ xem cuộc đời là tuồng ảo hóa. Đến đây, xin lập lại tương quan giữa hai chữ “ thiên “ và “ phản ” ở hoa  đường lệ: Thiên là nghiêng lệch, mà nghiêng về bên ngoài là khuynh hướng lượng, là đa tạp, cho nên phải biết “ phản “, quay vào trong, hướng về phẩm, hướng về đơn giản đến không. Nhưng nếu chấp vào không, coi không như tuyệt đối, chỉ có vào mà không có ra, thì lại cũng rơi vào “ thiên “rồi, từ đó có thái độ tị thế. Thật ra chân không không phải là không có gì hết, mà chỉ là tâm không, tâm giác ngộ, không bị ràng buộc bởi tư dục, thành kiến, ý hệ, thông hội với cái Đức, là nguồn năng lực vô biên của Trời Đất, cho nên gọi là Chân Không Diệu Hữu. 
     Ca dao phản ảnh tính cách nghệ thuật và triết lý truyền thống Việt hơn hết qua tiết điệu căn cơ, sự vật không rơi vào thế cô đơn, độc khối, mà luôn luôn có liên hệ với nhau, nhứt là mối liên hệ đó gắn bó với tâm tình của con người, cho nên sự vật trở nên sinh động:
   “ Đêm qua hoa nở nhụy vàng,
     Sáng ngày thiếp thấy bóng chàng áo xanh.”
     Hoa nở là thể hiện sự thành tựu của Tạo Hóa, là tặng vật trang nhã cho cuộc đời:
   “ Chữ rằng: “ Thiên hữu tứ thời “,
     Ngày thời hoa nở, tối trời hoa thơm.”
     Hoa nở là thể hiện ý tưởng siêu hình của Đạo Việt, là Đạo Thái Hòa, hòa hợp Thiên- Địa, Âm- Dương, cho nên việc sanh đẻ gọi là “ khai hoa nở nhụy “:
   “ Trái bồ hòn trong tròn ngoài méo,
     Trái sầu đâu trong héo ngoài tươi.
     Anh ngồi trường học nghĩ tới chuyện nhà,
     Mẹ anh thì già, con anh thì dại.
     Vợ lại nghén thai,
     Mai kia nhụy nở khai hoa,
     Miếng cơm bát nước biết ai cậy nhờ.”
     Nói về chữ Thời thì hoa nở quan trọng ở Hòa Thời, chứ không phải ở Gian Thời có phân biệt trước sau, Xuân Thu, mà do thời tiết ôn hòa, không quá lạnh, cũng không quá nóng. Nếu chưa rõ cái lý đó thì sẽ thắc mắc:
   “ Hoa khoe hoa nở lúc xuân,
     Cớ sao cúc lại muộn màng mùa thu?”
     Theo thiển ý, hỏi ở đây là gợi ý chứ không phải hẳn là thắc mắc.
     Hoa nở phải đúng thời (đúng thì ), cho nên con người cũng phải hành sử đúng thời, không được quá sớm:
   “ Rừng hoang sóc nhảy tưng bừng,
     Hoa chưa nở nhụy, bướm đừng lao xao.”
cũng không được quá muộn màng:
   “ Tay cầm nhánh dứa, lệ ứa hai hàng,
     Hồi thuở xuân xanh sao anh không kết bạn,
     Để hoa nở nhụy tàn mới làm bạn với em.”
     Chữ Thời quan trọng lắm thay! Vậy tiết mục chữ Thời trong ca dao sẽ được giới thiệu riêng tiếp theo sau đây.

        ( còn tiếp ) 
___________
 Cước chú:                                                                                                                                                  
Nguồn sưu tầm ca dao, tục ngữ :                                                                                                                                 - Tục Ngữ Phong Dao của Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc.                                                                                       - Tự điển điện tử Ca dao Tục ngữ của Hà Phương Hoài.


No comments:

Post a Comment

Một Góc Nhìn "Rất Tôn Tử" Về Cuộc Xâm Lăng Của Nga Vào Ukraine* (Do people in Russia know that Putin is fighting the wrong enemy?)

John Andressen (Ukraine của bạn? - Không! Ukraine là của tôi) Người dân Nga có biết Putin đã nhận lầm kẻ thù để đánh không? Giống như Sa hoà...