05 June 2010

Bản nhạc từ một thiên tài

Ma lực Boléro

Quỳnh Giao

Trên thế giới, cứ 15 phút thì nó lại nổi lên đâu đó, không ở nơi này thì ở xứ khác..
Ban đầu nó mơ hồ cất lên từ hư vô, nhưng chỉ sau vài giây đã có gì đó day dứt lay gọi. Sau đó, nó là tiếng sáo trong giai điệu bay bổng giữa đàn dây làm người nghe muốn đứng dậy uốn éo. Giai điệu ấy lại trở về, lần này với tiếng clarinette ấm áp bốc khỏi sự mời gọi ban đầu. Sau đấy là tiếng bassoon, trên cùng một chủ điểm mà có gì đó trái ngược.

Nó là một vũ khúc ngày càng dậm dật thôi thúc với nhiều nhạc cụ đan lượn nỗi day dứt ban đầu, rồi cứ trào dâng, lả lơi mời gọi...

Chừng 15 phút sau, khi cả dàn nhạc chuyển sang Mi trưởng, ào ạt tấu lên cường độ (fortissimo) và đột ngột tắt ngấm, người nghe thấy mình như vừa được tắm gội bằng nhạc, lâng lâng, choáng váng.


Ðây là nhạc khúc thuộc loại nổi tiếng nhất thế giới, được người nghe nhận ra ngay. Nhưng, với người trình tấu, các nhạc công và cả nhạc trưởng, thì dù có nhận ra ngay người ta cũng không dễ ngâm nga cho đúng. Ðằng sau một chuỗi điệp khúc được các nhạc cụ tấu lên và luyến láy rất nhiều lần, mỗi lần một khác, mỗi lúc một dồn dập quay cuồng, là cả một sự dụng công cầu kỳ. Boléro là nhạc khúc dễ nghe, khó diễn mà hầu như ai ai cũng biết.

Vì vậy người ta mới tính ra là trên thế giới, cứ 15 phút là đâu đó lại có người nghe Boléro.

Nhiều nghệ sĩ thường bị giới thưởng ngoạn “đóng khung” trong một tác phẩm được họ ưa nhất. Nói đến Georges Bizet, ai cũng nhắc tới Carmen, nói đến Tomaso Albinoni thì người ta chỉ nhớ tới Adagio. Cũng vậy, Boléro đã đông lạnh Maurice Ravel, trong khi, với ông, đây chỉ là “một thử nghiệm theo một ý hướng mới mẻ nhưng rất hạn chế và chẳng có tham vọng gì.”

Nhìn, hay nghe, theo một khía cạnh nào đó, Maurice Ravel có lý.

Ông viết một vũ điệu cho một dàn nhạc nhỏ chừng bốn chục nhạc cụ để trình bày trong khoảng 17 phút, và viết theo lời yêu cầu của một nữ vũ sư danh tiếng, một “mạnh thường quân” người Nga. Khi được yêu cầu, Ravel muốn viết thử điều chưa ai làm bao giờ là soạn một bài giao hưởng nhỏ, chỉ có một hành âm (mouvement) và một giai điệu trình bày hai khía cạnh tương phản, chính đề và phản đề, nối kết bằng kỹ thuật phối khí với nhịp điệu ngày một dồn dập.

Ông không ngờ là cuộc thử nghiệm lại thành công như vậy. “Một tuyệt tác ư?” Ravel ngạc nhiên hỏi, và trả lời như có tiếng bĩu môi: “Một tuyệt tác không có nhạc!”

Năm 1927, nàng Ida Rubinstein (sinh năm 1885, mất 1960) đề nghị Maurice Ravel soạn một tác phẩm với màu sắc Tây Ban Nha cho mình biểu diễn nghệ thuật múa. Năm ấy, Ravel đã vang danh thế giới và chuẩn bị lưu diễn tại Bắc Mỹ. Ông được nàng Ida yêu cầu vì đã viết nhiều tác phẩm cho các đoàn vũ (Ma Mère l'Oye, La Valse hay Daphnis et Chloé cho dàn Ballets Russes của Ida) và cũng quen thuộc với âm sắc và giai điệu Tây Ban Nha (Pavane pour une infante defunte, Raphsodie Espagnole).

Trên đường qua Mỹ, được giới hâm mộ nồng nhiệt đón nhận và gặp tay soạn nhạc còn trẻ là George Gershwin rồi nghe nhạc jazz của người da đen, Ravel đã lởn vởn trong đầu những cảm hứng cho tác phẩm nàng Ida yêu cầu. Ông dự tính dùng lại giai điệu Tây Ban Nha trong tác phẩm Iberia do Isaac Albéniz viết cho dương cầm để soạn ra vũ khúc Fandango nhưng sau phải bỏ vì những trở ngại về tác quyền. Từ Hoa Kỳ trở về, ông quyết định viết ra một tác phẩm hoàn toàn mới, một vũ khúc có nét truyền thống andalouse, và đặt tên là Boléro.

Ông viết trong bốn tháng và đề tặng Ida Rubisntein. Tháng Mười Một năm 1928, nàng Ida làm đại hý viện Opéra de Paris mê mẩn. Trong một đại sảnh lớn, thân hình nàng vũ nữ uốn theo nhạc với nét gợi dục làm các đấng mày râu tụ tập ngày một đông hơn, như bị thôi miên. Từ đấy, Boléro vươn khỏi tầm tay của Maurice Ravel, trở thành vũ khúc được nhiều nhạc trưởng yêu thích vì có dịp thi thố tài năng điều khiển của mình.

Thời ấy, nhạc trưởng thuộc bậc sư là Arturo Toscanini, bạn thân và cũng là người Ravel quý trọng, đã tự biên tự diễn với nhịp tiết nhanh gấp đôi. Ngồi nghe ở dưới, Marice Ravel không thèm đứng dậy vỗ tay mà đi thẳng vào hậu trường để nói chuyện phải quấy với ông bạn Arturo này. Toscanini không phải người thường và còn có lời phát biểu mà người thường nghe cũng muốn nổi đóa, huống hồ Maurice Ravel: “Ông chẳng hiểu gì về nhạc của ông cả!” Trên đỉnh cao của nghệ thuật âm nhạc, hai bậc danh tài này cãi cọ như trẻ nít. Nhưng họ vẫn là bạn và Boléro có thêm một hào quang là giai thoại Toscanini!

Sinh năm 1875 và mất năm 1937, Maurcie Ravel được coi là một trong những nhà soạn nhạc lẫy lừng và có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20. Là danh thủ dương cầm, nhưng chưa tới cỡ diệu thủ virtuoso, ông không đánh nổi những bài do chính mình sáng tác, như bài Concerto en Sol! Ông viết nhạc cực khó, tựa một nghệ nhân về kim hoàn. Các tác phẩm của ông có nét tinh tế cầu kỳ như “một đồng hồ Thụy Sĩ”, theo lối châm biếm của người bạn là Stravinski. Ðiều ấy dễ hiểu, thân phụ của Ravel là một kỹ sư gốc Thụy Sĩ. Maurice Ravel là nhà soạn nhạc Pháp có nhiều nét tiêu biểu của âm nhạc miền Nam, của xứ Tây Ban Nha. Thân mẫu ông là người Basque có máu Tây Ban Nha và ông sinh tại vùng cực Nam của Pháp, dưới núi Pyrénées.

Không chỉ nổi tiếng là tác giả của khoảng một trăm nhạc phẩm thật đẹp, Maurice Ravel còn là tay phối khí xuất chúng. Ông ý thức được đặc tính của mình là điêu khắc bằng các nhạc cụ khi phát biểu là mình cố tìm ra điểm dung hòa giữa cảm xúc và trí tuệ. Sau Boléro khá lâu, George Gershwin có qua Pháp và xin học nhạc với Ravel, và bị từ chối: “Ðừng vứt cảm xúc hồn nhiên của mình đi để viết loại tồi của Ravel”.

Boléro là cảm xúc không hồn nhiên mà đầy mê đắm nhờ nghệ thuật phối khí và bố cục âm thanh của Ravel.

Khi được biết là có một phụ nữ nghe Boléro mà ù té chạy trong tiếng hét: “Ðiên! Ðiên!” ông từ tốn nhận xét: “Bà này này, là người hiểu đấy!”

Chúng ta hãy nghe thử mà xem. Nhạc của ông có sức thôi miên bằng màu sắc.

Quỳnh Giao, Australia

No comments:

Post a Comment