07 June 2010

Kỷ Niệm Với Nhạc Sĩ TỪ CÔNG PHỤNG

Tiếng Hát Đi Vào Lòng Người

*NVSanh

Đời tôi có duyên với văn nghệ nên thường gặp gỡ nhiều nam nữ nghệ sĩ. Vài năm trước, người viết lại được hân hạnh chào đón một người anh văn nghệ khác nữa - Tôi muốn nói tới người nhạc sĩ kiêm ca sĩ tài danh Từ Công Phụng đến từ Hoa Kỳ!

Thời còn sinh viên trước 1975, tôi không có duyên quen biết anh nhiều nhưng nhạc phẩm bất hủ "Bây Giờ Tháng Mấy" do anh sáng tác hồi năm còn học đệ nhị ở trường trung học Phan Rang và sau này khi hát nghêu ngao ở ký túc xá Học Viện QGHC lúc anh còn là sinh viên ở đó, bạn bè mới khám phá ra anh là một tài năng âm nhạc hiếm có và bản nhạc đầu tay ấy đã chào đời một cách hết sức thành công ngoài mơ ước. May mắn tôi có dịp gặp anh tại Úc châu.

Nhạc sĩ Từ Công Phụng sống ở vùng Oregon (Portland) Hoa kỳ. Nơi người nghệ sĩ ở có núi, sông, hoa, cỏ và tuyết giá lạnh buốt quanh năm - nơi có đồi cù Langdon ở Aurora, có ngọn hải đăng Yaquina Head ở Bắc Newport - nơi có hoa huệ trắng nở đầy ven bờ sông Powder - nơi có giòng sông êm đềm Deschutes gần Sunriver - nơi có ánh bình minh rực rỡ hiện lên mỗi buổi sáng trên thung lũng Willamette tới ngọn núi Mount Hood và nơi có cánh rừng phong tuyết giá trắng xóa màu chiều tà trên thung lũng Rogue. Phong cảnh diễm tuyệt xứ người chắc có ảnh hưởng đến các sáng tác của nhạc sĩ sau này.

Ngày nọ, tại phi trường Oregon, có một người đàn ông từ Úc bay sang thăm người nhạc sĩ, đó là Bs BTCường. Lúc đó, tại phi trường, có một người đàn ông khác quá tuổi trung niên, tóc muối tiêu, râu ngã bạc, đội nón "Mexico" trông như dân Nam Mỹ, dáng dấp thật nghệ sĩ ra đón một người ông chưa quen, chưa biết mặt, nhưng họ sẽ gặp nhau trong niềm cảm thông của những người xa xứ dù cách nhau cả nửa quả địa cầu. Người ấy chính là Nhạc sĩ Từ Công Phụng!

Anh TCPhụng đặt chân đến Úc châu vào một buổi sáng đẹp trời. Trạm dừng chân đầu tiên trong chuyến lưu diễn toàn bộ 10 ngày của anh là thành phố nắng ấm Brisbane. Tại đây anh có cuộc gặp gỡ với chúng tôi trong tình anh em, trong bầu không khí thân mật tại nhà hàng Bền với một số bạn bè cũ biết anh thời còn ở ký túc xá HC. Tôi đại diện cho anh em HC ở đây, ra tận cửa đón anh, gặp tận mặt người nhạc sĩ đáng yêu với dáng dấp phong trần nhưng cũng khá đẹp trai, nét phong sương thấy rõ. Trong lúc nói chuyện vui miệng, tôi gợi ý anh nhạc phẩm mà mọi người yêu thích nhất "Bây giờ tháng mấy" hay “mấy... tháng” hở anh? Nhưng dường như tâm hồn anh chùng xuống, thoáng nét không vui. Tôi tâm sự với anh rằng đời nghệ sĩ đôi khi phải chấp nhận dư luận, khi đứa con tinh thần của mình lọt lòng ra đời thì nó sẽ là của thiên hạ, của quần chúng, của thính giả, của chung, nó không còn là của riêng anh nữa. Không chỉ mình anh, nhạc phẩm "Mộng Dưới Hoa" của Ns PĐChương (thơ Đinh Hùng) cũng cùng chung số phận. Khi người ta đã yêu rồi thì người ta cũng thích mân mê vùi dập nó. "Mộng Dưới Hoa" nào có phải là "Họa Dưới Mông?" mà sao thiên hạ vẫn cứ hay trêu ghẹo? Ngôn ngữ Việt quá giàu sức tưởng tượng, phong phú vô chừng!

Trước đó vài tuần, BTC đã tung ra những đợt quảng cáo liên tục, rầm rộ để cổ động bà con khắp Úc châu tham dự. Quảng cáo ghi "Hãy đến với đêm nhạc tình TCP để nghe tiếng hát trầm ấm và truyền cảm của người nghệ sĩ đa tài của Sài Gòn hoa mộng thuở nào - Đến để nghe anh kể về những tình khúc đã từng làm rung động biết bao trái tim tuổi trẻ - Đến để sống lại những kỷ niệm của tuổi thanh xuân qua những tình ca tuyệt vời... Hãy đến để thấy thơ của Du Tử Lê, Hà Huyền Chi, Nguyễn Đình Nhạc, Đông Duy, Tuệ Nga đã trở thành tuyệt tác qua nét nhạc của TCP!".

Tại Brisbane, người viết lo tổ chức phần văn nghệ. Lại phải chạy đôn chạy đáo tìm ca sĩ hát cho được nhạc TCP, nhưng trước hết phải là người yêu nhạc TCP cái đã. Chưa yêu thì chưa thể hát được. Chưa hát bao giờ lại càng không thể. May quá, Brisbane không thiếu nhân tài. Tay đàn dương cầm số một của Brisbane - nhạc sĩ Đoàn Công Bổn nhận lời. Tay MC kiêm ca sĩ địa phương gạo cội cây nhà lá vườn Phạm Cao Tùng nhận lời. Và vài ca sĩ địa phương vui vẻ nhảy vô tiếp sức. Họ là những nghệ sĩ tài tử nhưng lại là những người đã yêu thích và hát nhạc TCP từ lâu. Họ bắt tay ráo riết vào việc tập dượt để chuẩn bị cho chương trình trong một thời gian kỷ lục.

Sáng thứ bảy đẹp trời, tôi đón anh TCP đến nhà DCBổn dượt nhạc. Trước đó anh có ghé nhà tôi chơi và tặng cho tôi hai cái cà vạt thật đẹp. Trên xe, anh có tâm sự với tôi về những người bạn tri kỷ bất ngờ gặp trên đường đời mà anh đã từng phổ nhạc. Như chuyện Vũ Duy Thiều (VDT) chẳng hạn - một người không quen biết, ngày nọ bỗng dưng điện thoại tới nhà hẹn chở anh đi chơi. Cái khởi đầu của tình bạn nhiều khi chỉ đơn giản có thế. Sau này sang xứ người, cũng chính VDT một hôm bất thần cùng người bạn khác khăn gói phóng lên Oregon tìm bạn cũ không báo trước. Từ ga xe lửa, VDT điện thoại TCP đón về nhà. Lần đầu tiên hai người gặp lại nhau trên đất khách sau những năm dài xa cách sao dấu nỗi mừng vui. Cảm động và lãng mạn đấy chứ! TC Phụng hỏi VDT thêm chút nữa... "Bà nhà đâu?", VD Thiều xúc động trả lời: "Mất rồi, trong một đêm ngủ yên lặng lẽ"... Sau giây phút sững sờ đó là những nỗi buồn chia xẻ. Từ đó bản nhạc "Bên kia đời quạnh quẽ" ra đời, viết riêng tặng VDT và những quãng đời đã khuất, trong đó có câu cuối… "Người đi sao quá vội bỏ mình tôi hắt hiu buồn người ơi!". Bạn có thể tìm thấy nỗi buồn chia xẻ này trong tập khúc "Một góc đời phôi pha" xuất bản năm 1999.

Đêm trình diễn nhạc đầu tiên diễn ra tại Thính phòng Abel Smith thuộc Đại học UQ (QLD). Thính phòng gói gọn một số thính giả chọn lọc khoảng 180 người đủ mọi lứa tuổi nhưng lại là những tâm hồn yêu nhạc với một đêm thính nhạc đúng nghĩa. Đồng môn PCTùng - một thời đã biết anh Phụng từ khi còn ở ký túc xá Học viện QGHC là MC chương trình và là giọng ca chính ở đây đã mở màn "Đêm Nhạc Tình TCP" qua nhạc phẩm "Mùa thu mây ngàn" khi trời đông vừa chớm tới. Giọng ca hay hết chịu nổi với phong cách trình diễn tuyệt vời. Sau đó là các nghệ sĩ địa phương tiếp sức. Anh TCPhụng ngồi bên dưới thẩm thấu từng giòng nhạc của mình một cách đắc ý.

Phần quan trọng của chương trình bắt đầu. Anh TCPhụng xuất hiện. Thính giả bên dưới im phăng phắc chờ đợi. Anh mở đầu nhạc phẩm nổi tiếng đầu tay của mình, bản "Bây giờ tháng mấy" qua ca khúc 1 & 2 với những lời trần tình trước mỗi bản nhạc khiến thính giả hiểu rõ được tình huống khi nhạc phẩm ra đời. Đó là những kỷ niệm đẹp. Giọng anh có phần hay hơn xưa, ấm áp, hấp dẫn, lôi cuốn mọi người vào thế giới âm thanh riêng của tình ca của anh. Phải nói hay hơn xưa bởi thời gian đã tôi luyện thêm âm sắc. Anh đã ru hồn thính giả suốt cả tiếng đồng hồ với cả thảy 9 bài trong phần I.

Nếu anh TCP là trái tim đêm nhạc thì sau lưng anh, Ns DCBổn cũng chính là linh hồn. Đời cho đôi Công: Công Phụng và Công Bổn gặp nhau giữa giòng suối nhạc để cho đời rung cảm những hạnh phúc, buồn đau. Cả hai là chất men của nhau. Nếu anh TCP là con thuyền chuyên chở tiếng hát vượt không gian và thời gian đủ để sưởi ấm lòng người trong đêm ấy thì tiếng nhạc của DCB là giòng sông mênh mang chở con thuyền đó. DCBổn có bộ râu quai nón thật đẹp (tướng nghệ sĩ có khác), núp sau chiếc đàn Piano hiệu Korg có chút ánh sáng mờ mờ soi trên giá nhạc đủ cho anh nhìn thấy những nốt nhạc cong queo của TCP và cứ thế mà đôi tay mãi lướt trên phím đàn, cuốn phăng theo những âm thanh thời gian, đẩy tâm hồn TCP vào những chỗ không cùng. Những ngón tay uyển chuyển lướt trên phím đàn chạy dọc ngang, lên xuống liên tục trên dàn phím, đôi lúc để chéo tay chạy nhảy, réo rắt, lỗ tai nhạy bén của anh rượt bắt những âm thanh vô hình, những cú láy, cú gõ như gõ đá, những ngón hòa âm lúc mạnh lúc nhẹ, lúc khoan lúc nhặt, dìu dặt pha quyện âm hưởng tình ca vào nhạc Jazz một cách điêu luyện, điệu nghệ. Cả hai quyện vào nhau như cặp giao long thi đấu. Tôi nhớ mãi buổi sáng hai người tập dượt với nhau tại nhà DCB với cháu bé 6 tháng của anh hé môi cười chào mấy ông khách lạ. DCB bắt nhạc rất nhanh, trung bình 5 phút một bài và phải dồn vào trí nhớ của mình cả thảy gần 30 bài để làm vốn tối nay bắt âm thanh nhảy múa...

Cuối cùng thì phần 1 chấm dứt! Thính giả tỉnh thức băn khoăn! Trong giờ nghỉ giải lao, không khí bên ngoài thính phòng thật kỳ lạ. Người ta vẫn còn xôn xao tiếng nhạc, hồn vẫn chưa tỉnh thức hoàn toàn. Các tập nhạc và băng nhạc TCP phút chốc bay đi đâu mất tiêu. Mọi người bất kể nam nữ, già trẻ ai cũng khen anh hát hay, còn hay hơn cả các ca sĩ khác hát nhạc của anh. Sao anh không cho ra đời băng Video tình ca riêng của TCP nhỉ? Các chị hỏi và đánh cá nhau đi nghe - có người bảo anh Phụng hát không hay, phải đi cho biết! Lúc đó anh Phụng ký mỏi tay, nhiều người chụp hình với anh làm kỷ niệm. Và sau đó là phần II bắt đầu, tất cả mọi người đều trở lại, không ai muốn ra về lúc này!

Phần II của chương trình là phần riêng của TCP trong khoảng thời gian còn lại với đồng hương qua những sáng tác mới nhất, với giòng nhạc lạ. Vẫn những lời trần tình, kể lể, chuyện “Con dế mèn tự tử” trong thơ Du Tử Lê, chuyện "Nằm nghe em hát trên vùng biển" - Sao không ngồi nghe hát mà lại nằm nhỉ? Và kết thúc bằng các nhạc phẩm tuyệt vời như "Giọt lệ cho ngàn sau" - "Một góc đời phôi pha" (1997) - "Mãi mãi bên em" (1998). Anh làm tiếp một hơi 10 bản. Một lần nữa, tiếng hát TCP đã đưa thính giả vào cõi âm thanh mượt mà, ngút ngàn vô tận. Trong khi đó bên ngoài trời sắp chìm quá nửa đêm! Thính giả ra về còn náo nức, hối tiếc thời gian sao qua quá vội?

Sáng hôm sau, cơn buồn ngủ chưa qua, anh TCP phải đáp chuyến bay dài 2,000 cây số về phía cực Nam trên đường lưu diễn tiếp vào tối chủ nhật. Chặng đường thứ hai là Melbourne VIC - nơi có đông người Việt cư ngụ. Thời tiết vùng nam bán cầu tự nhiên có mưa, mưa đá và rất lạnh như ở Oregon khiến anh Phụng tự nhiên cảm thấy nhớ nhà. Người đẹp Ngọc Hân (Cựu Nữ sinh Lê NH - Mỹ Tho) bay từ Sydney xuống Victoria làm MC chương trình. Địa điểm trình diễn là nhà hàng Oriana Receptions ở Maidstone, Victoria.

Quả thật, dân Việt mình ở Melbourne có tinh thần văn nghệ cao độ, khoái thưởng thức nhạc TCP có khác. BTC dự trù khoảng 300, bà con kéo tới trên 750. Phá kỷ lục! Không còn chỗ ngồi nữa phải kê thêm bàn, thêm ghế trên sàn nhảy. Cũng không đủ chứa, bà con yêu cầu kê thêm ghế ra phía sau sân khấu. Trời ơi! Lần đầu tiên người ta thưởng thức văn nghệ từ phía sau hội trường. Bất cứ chỗ nào trống là chen ghế vào chỗ đó! Nhiều người không có chỗ ngồi đã phải ra về trong tiếc nuối.

Người dự định đệm đàn dương cầm cho TCP tại Melbourne là Nhạc sĩ Vương Ngọc Sơn - một giáo sư dương cầm nổi danh tại Melbourne. Nhưng! Ở đời có những chữ NHƯNG quái ác! Vì cuộc tình trái ngang, VNS đã cùng người yêu giã từ trần thế vào một chiều nọ trên bờ biển Thái Bình Dương khi cả hai cùng dắt tay nhau từ trên bờ cát trắng tiến dần xuống nước cho đến khi chìm lỉm, tuyệt mệnh! Cuộc tình đẹp lãng mạn và não nuột tựa như cuộc tình trong tiểu thuyết của Như Lan và Trường Kỳ thuở nào. Thật xúc động! Trưởng ban tổ chức tại đây có nhắc lời cám ơn anh trong hư vô!

Người thay thế VNS là Vân Anh - người nữ nhạc sĩ dương cầm trẻ tuổi đã hy sinh thì giờ gần gũi với Mẹ (Mẹ cô vừa mới rời khỏi bệnh viện về nhà được hai ngày) để đệm nhạc cho anh TCP. Ngược với Brisbane, giọng nữ tại Melbourne nhiều hơn giọng nam, toàn là những ca sĩ chuyên nghiệp. Kế đến, trong phần I chương trình, anh TCP hát 7 bản và phần II anh hát một lượt 16 bản không kịp thở. Thính giả đê mê lắng hồn thưởng thức, chẳng ai muốn ra về. Thêm vào đó, các nữ thính giả Melbourne hết sức ái mộ anh. Cứ sau một bài hát, có ít nhất một người đẹp lên tặng anh một đóa hồng! Nhạc sĩ tình ca có khác. Thôi nhé! Bây giờ anh không cần "đi tìm màu hoa em cài"... Như trong ca khúc "Bây giờ tháng mấy". Màu hoa em cài không là màu áo vàng, màu áo xanh, màu áo tím trong thơ Lưu Trọng Lư. Màu hoa em cài là đóa hồng nhung như màu môi em, và họ đã "mi" anh nhiều lần làm kỷ niệm... (Xin lỗi chị TCP). Tình nghệ sĩ đẹp tuyệt vời! Kiếp sau có làm người, tôi xin làm nhạc sĩ tình ca để được đời ái mộ như anh TCP. Tại đây, anh hát tất cả 24 bài!

Trong đêm đó, số tuyển tập nhạc TCP và CD tung ra chỉ còn rất ít. Thính giả yêu nhạc phải sắp hàng cả chục thước để mua tập nhạc và CD rồi phải vào trong sắp hàng cả chục thước nữa để chờ anh TCP cho chữ ký. Đêm nhạc thật thành công ngoài mong ước của BTC! Ngày hôm sau, anh TCP có dịp thăm viếng quý anh em QGHC đồng môn ở miệt dưới (VIC). Tối hôm đó, anh cũng đã có dịp ghé thăm đài phát thanh SBS để cùng với Quốc Việt và Phượng Hoàng nói chuyện về thi nhạc mặc dù buổi tối trời mưa nhiều. Hôm sau, báo chí Melbourne đã mời anh dùng cơm trưa tại trụ sở Hải quân Hoàng gia Úc. Buổi tối anh sinh hoạt với anh chị em văn nghệ nhóm Hương Xưa do chị Huỳnh Liên tổ chức. Và ngày thứ Tư, anh lên đường tiến về thủ phủ Canberra cách đó 400 cây số để lưu diễn 'đặc biệt' theo sự yêu cầu của các anh em trẻ ở đây. Sau đó anh đi thăm tòa nhà QH và Bảo tàng viện Úc.

Cuối cùng, trạm dừng chân chót trong chuyến lưu diễn của anh là Sydney. Từ Canberra đi ngược lên mạn bắc khoảng 600 cây số. Nơi đây có những bạn bè cũ như các anh Khải, Định đón tiếp. Anh có ghé thăm và chơi nhạc với Ns tình ca Úc châu Phạm Quang Ngọc. Ngày thứ Sáu, anh viếng thăm Nhà Hát con sò Opera House và cầu Harbour nổi danh. Buổi tối ghé nhà nữ Bs LKLoan để sinh hoạt văn nghệ và tình cờ gặp các nghệ sĩ Tuấn Ngọc và Ý Lan ở đó (cặp này cũng sang Úc châu lưu diễn cùng mùa). Trưa thứ Bảy (10/6) anh sinh hoạt với các anh em quen biết tại Sydney và buổi tối lên chương trình làm tiếp chặng đường chót. Địa điểm trình diễn là Nineveh Club Smithfield ở Edensor Park.

MC chương trình tại Sydney là Vũ Nhuận (đài SBS) với một số đông thính giả ái mộ lên tới 650 người với ban nhạc cùng nhạc sĩ Đặng Hữu Hiếu (em ruột nghệ sĩ Đăng Lan) bám sát tập dượt với anh suốt hai ngày. Đêm văn nghệ đã bắt đầu với các ca sĩ địa phương chuyên nghiệp và phần trình diễn của anh cũng lớp lang thứ tự nhưng anh chia ra đêm hát làm 4 lần, mỗi lần khoảng 7 bản. Tổng cộng là 27 bản! Vô địch! Chưa bao giờ có người nào hát nhiều như thế kể cả các danh ca thượng thặng của VN mình. Thế mà thính giả vẫn không cảm thấy chán, cũng chẳng ai muốn ra về. Lạ thật! Giọng hát của anh phải có chất nhựa, chất keo gắn bó. Phải nói anh hát "sống" ở ngoài đời hay hơn trong băng nhạc nhiều. Thơ mộng đến nỗi các quý thính giả ái mộ muốn anh để lại chút gì làm kỷ niệm… Anh bảo anh muốn để lại "con tim"! (Nhưng để lại con tim thì làm sao mà về nhà được nhỉ?). Thôi thì anh để lại mảnh hồn vậy! Nhưng mảnh hồn trừu tượng quá nên cuối cùng anh để lại chiếc cà vạt và BTC đã đem bán đấu giá $1,000 với chữ ký đề tặng của anh (có lẽ đây là chiếc cà vạt đắt giá nhất - vậy mà tôi được anh Phụng tặng cho 2 cái đấy bạn ạ!). Thêm vào đó, nữ Bs LKLoan đã mua tấm phông màu tuyệt đẹp có hàng chữ "Đêm nhạc tình TCP" với giá $300. Đêm nhạc cuối cùng cũng đã thành công rực rỡ ngoài dự trù của BTC!

Anh TCP đến đây như một hy sinh. Anh tâm sự với tôi đã tạm gác lại nhiều mảnh đời riêng tư của mình ở Oregon. Tới ngày cuối cùng anh mới sực nhớ là đã không có dịp tham dự ngày sinh nhật của đứa con gái (ngày 1/6) và ngày lễ tốt nghiệp ra trường của đứa con trai (10/6). Các con anh và chị TCP thế nào cũng mong anh về sớm!

Cuối cùng xin ghi lại đây lời khen tặng của Bs Yến tại Melbourne trong một lá thư gửi đến Ban Tổ chức như sau: "Về buổi trình diễn nhạc, tôi cảm ơn quý anh rất nhiều. Ban tổ chức cùng nhạc si TCP đã đáp ứng được khát vọng nghe, thưởng thức văn hóa, văn nghệ ở trình độ nghệ thuật cao. Người viết nhạc đã tài ba, nhạc giỏi mà lại hát tuyệt nữa. Không còn gì bằng. Xin cảm ơn". Tại Brisbane, Gs NV Khánh cũng đã có một nhận xét tương tự khi ông nói "Tôi không ngờ đã được thưởng thức một đêm văn nghệ tuyệt vời với trình độ nghệ thuật cao của Ns Từ Công Phụng và tay đàn dương cầm trứ danh Đoàn Công Bổn". Và cuối cùng là chị Minh - một thương gia người Việt hàng đầu ở Brisbane đã hết lời khen tặng cộng đồng đã có công mang đến cho đồng hương của chúng ta tại Úc châu người nghệ sĩ tuyệt vời ấy!".

Úc châu như một sân ga mà anh Từ Công Phụng là con tàu. Sau đó chừng một năm, anh đã quay trở lại Úc châu trình diễn một vòng tua khắp cả nước Úc một lần nữa, lần này sang cả miền Tây Úc xa xôi với người nhạc sĩ tháp tùng chơi solo nhạc cả chuyến đi gần một tháng trời của anh chính là nhạc sĩ Đoàn Công Bổn. Đời lại cho đôi Công gặp nhau cho thoả chí tang bồng! Chuyến đi ấy có cả chị TCP nữa. Chặng chót, khi anh về lại Brisbane để bắt đầu chuyến trở về Hoa kỳ, chúng tôi đã cùng với anh chị TCP tổ chức một đêm văn nghệ bỏ túi tại tư gia thật ấm cúng, vui vẻ và vô cùng cảm động. Kỷ niệm ấy chẳng bao giờ phai!

Thời gian trôi qua mà vẫn chưa gặp lại anh, hy vọng sức khỏe anh dạo này được hồi phục tốt đẹp. Tôi xin gửi đến anh hai câu thơ dế mèn để tặng anh: "Sân ga nằm đợi con tàu - Tàu đi vắng bóng để sầu sân ga". Hy vọng một ngày đẹp trời nào đó, con tàu TCP sẽ còn trở lại thăm viếng sân ga Úc châu - nơi đang chờ đón anh bằng tất cả những háo hức của những tâm hồn yêu nhạc./-

* NVSanh

No comments:

Post a Comment

"Tôi ngồi ở đây", cười tí tỉnh

Một chiếc máy bay trên đường đến Toronto thì một cô gái tóc vàng ở hạng phổ thông đứng dậy, chuyển sang khoang hạng nhất và ngồi xuống. Tiế...