31 January 2017

Đảng cộng sản Việt Nam, ngã ba đường lịch sử (tiếp)

 Lãng Anh

Những người cộng sản ở hầu hết các nước đều giành được quyền cai trị theo những cách thức giống hệt nhau. Bằng những khẩu hiệu tuyên truyền về một xã hội ảo tưởng, họ đặt trước mặt những người nghèo và thất học một cái bánh vẽ và xúi họ vào lò lửa chiến tranh. Tuy nhiên cơn điên dại tập thể cuối cùng cũng qua đi và hầu hết người dân nhận ra mình đã bị lừa vì không hề thấy sự bình đẳng cũng như phồn thịnh ở đâu mà chỉ thấy những ông chủ mới. Cho đến khi hàng loạt chế độ cộng sản sụp đổ vào cuối những năm 1980, nhân loại và chính người dân các nước đó đã phải trả những cái giá quá mức nặng nề. Dẫu sao họ đã gặp may vì cuối cùng cũng thoát khỏi một thứ quái vật ghê sợ trong lịch sử.

Tôi không phủ nhận rằng đã có những lớp người cộng sản sống vì lý tưởng với niềm tin cuồng tín rằng mình duy nhất đúng. Họ sẵn sàng phạm những tội ác không ghê tay để tiêu diệt và buộc những người khác phải nghe mình. Giữa những người cộng sản cuồng tín thời kỳ đầu và những tay đao phủ của nhà nước hồi giáo IS hiện nay có sự tương đồng giống hệt nhau: Khi cắt cổ người, chúng đều cho rằng mình đang làm vì điều đúng.

Với thứ bùa thiêng về một xã hội ảo tưởng, nơi con người có thể hưởng thụ theo nhu cầu bất chấp năng lực tạo ra của cải, những người cộng sản thế hệ đầu đã rất thành công trong việc nhồi sọ và lôi kéo con người. Họ đặc biệt thành công ở những xã hội đói nghèo với nền tảng dân trí thấp. Nhưng có lẽ khả năng trại lính hoá xã hội, triệt hạ tri thức độc lập mới là thứ vũ khí siêu hạng của những người cộng sản. Lenin và những đệ tử của ông ta đã diệt không gớm tay những người Mensevich và Trotsky, dù họ cùng là những đệ tử của Marx. Tất nhiên là bằng chuyên chính vô sản, số phận của trí thức và những kẻ thù giai cấp còn lại thì cực kỳ thê thảm. Mao Trạch Đông diệt hàng chục triệu người và tận diệt mọi tri thức đối lập cũng như các đối thủ chính trị trong Đại Cách Mạng văn hoá. Ở Việt Nam, ông Hồ Chí Minh cũng dìm chết mọi tư tưởng độc lập bằng cuộc thanh trừng nhân văn giai phẩm. Họ hành động rất giống nhau dù quy mô khác biệt nhau và mục đích thì chỉ có một: Tạo ra một xã hội tê liệt về tư duy và chỉ biết cúi đầu. Ở đây có lẽ nên có một nhận xét công bằng, Hồ Chí Minh không tàn bạo như hai tiền bối của ông ta. Trong hầu hết trường hợp, Hồ Chí Minh luôn tìm cách nấp phía sau giật dây và đẩy thuộc cấp ra hứng chịu búa rìu (Trường Chinh với cải cách ruộng đất, Tố Hữu với nhân văn giai phẩm).

Tuy nhiên những xã hội cộng sản đời đầu nhanh chóng đối diện với thực tại mà họ không thể vượt qua. Do xuất phát từ một lý tưởng sai lầm, họ thất bại trong việc tạo ra đủ của cải vật chất nuôi sống xã hội. Mục tiêu về sự công bằng thì lại càng xa vời vì cách thức họ kiểm soát quyền lực độc tài tự thân nó là gốc rễ tạo ra bất bình đẳng. Cuối năm 1980, sự tan rã của hàng loạt nhà nước cộng sản đánh dấu sự cáo chung của phong trào cộng sản toàn cầu.

Trong lúc đó, những người cộng sản ở Trung Quốc và Việt Nam loay hoay tìm cách thay đổi để kéo dài thời gian cai trị. Họ thấy rằng có thể vay mượn nền kinh tế thị trường vốn có năng lực nổi trội để tạo ra của cải ở phương Tây, và dựa vào đó làm bầu sữa nuôi sống cho bộ máy cai trị độc tài của mình. Trung Quốc tiến hành những cải cách cho phép sự hiện diện của đầu tư nước ngoài và kinh tế tư nhân vào cuối những năm 1970. Việt nam nối gót chậm hơn, vào khoảng cuối những năm 1980. Cả hai chế độ cộng sản này đều gặp may, vì các nước phương Tây sau khi chứng kiến sự tan rã của hàng loạt nhà nước cộng sản đã cho rằng sớm muộn gì Trung Quốc hay Việt Nam cũng sẽ phải từ bỏ con đường bế tắc ấy. Vốn nước ngoài và công nghệ đổ vào những đất nước này và tạo ra những nguồn lực mới. Trong khi đó việc giành được quyền tồn tại cũng khiến các lực lượng tư nhân tham gia vào việc tạo ra của cải. Tuy nhiên đây cũng là lúc đánh dấu sự tuyệt chủng của những người cộng sản cuối cùng. Các lợi ích kinh tế được tạo ra cùng với quyền lực độc tài không được kiểm soát đã khiến toàn bộ đội ngũ cai trị tại Trung Quốc và Việt Nam nhanh chóng thoái hóa và đánh mất chút niềm tin lý tưởng cuối cùng. Kết quả là họ trở thành một tập đoàn tội phạm gắn kết với nhau bởi những khẩu hiệu chẳng ai còn tin và các món lời được tạo ra từ bòn rút ngân sách, từ việc lạm dụng quyền lực hoặc kiếm lợi từ lợi thế thông tin bất bình đẳng. Thực tế chế độ cộng sản đã chết từ lâu ở cả Trung Quốc lẫn Việt Nam, còn lại chỉ là một tập đoàn cai trị độc tài tham nhũng dưới cái vỏ cộng sản.

Hai thứ bùa thiêng từng giúp những người cộng sản nắm quyền là cái bánh vẽ về một xã hội bình đẳng thì nay đã chẳng còn lừa gạt được ai khi chính họ đang là một đẳng cấp ưu tiên với mọi đặc quyền. Tuy nhiên, thứ vũ khí siêu hạng còn lại là kiểm soát thông tin và tiêu diệt mọi trí thức có năng lực tư duy độc lập thì họ vẫn đang làm rất tốt. Trung Quốc kiểm soát mạng xã hội cực kỳ ngặt nghèo và thanh trừng khốc liệt mọi trí thức đối lập. Việt Nam cũng đàn áp và triệt hạ không tiếc tay mọi trí thức phản biện với hàng loạt án tù. Bên cạnh đó, họ vẫn tiếp tục cố gắng duy trì hoạt động tuyên truyền để có thể lừa gạt càng lâu càng tốt những thành phần dân trí thấp nhằm kéo dài thời gian tồn tại. Tất nhiên đó là những nỗ lực không có ngày mai vì theo thời gian, khi chứng kiến tình trạng tham nhũng lan tràn, khi đối diện với sự tận diệt môi trường, những món nợ khổng lồ mà những tay cộng sản tham nhũng mang về cho đất nước, sự tuyên truyền của bộ máy cộng sản ngày một mất thiêng. Và cuộc cách mạng Internet đã bồi thêm những đòn trí mạng vào bức màn sắt kiểm duyệt tư tưởng và tuyên truyền của những chế độ cộng sản. Họ càng lúc càng mất khả năng kiểm duyệt và bóp nghẹt các luồng tư tưởng tự do. Bên cạnh đó chính nền kinh tế thị trường mà họ vay mượn từ các xã hội phát triển phương tây đã tạo ra sự hội nhập và giao lưu văn hoá mà họ không thể chặn lại được. Vấn đề mà tất cả các lãnh tụ cộng sản đều nhận ra: Không phải là có tồn tại được hay không mà là còn tồn tại được bao lâu nữa?

Những căn bệnh trầm kha mà Trung Quốc và Việt Nam đang mắc phải gần như giống hệt nhau. Một bộ máy tha hoá tham nhũng đến tận gốc rễ với hiệu năng cai trị ngày càng suy giảm. Các nguồn tài nguyên cạn kiệt và môi trường bị tàn phá nặng nề đến mức mất khả năng duy trì cuộc sống thông thường. Tình trạng bất công lan tràn với nạn lạm dụng quyền lực của bộ máy cai trị đã bị lưu manh hoá. Gánh nặng nợ công đè ngập cổ người dân cộng với mức thuế phí nặng nề trong khi các dịch vụ an sinh xã hội vô cùng tồi tệ.

Nhà lãnh đạo thuộc thế hệ thứ 5 của chế độ cộng sản Trung Quốc là Tập Cận Bình cố gắng tìm lối thoát bằng một cuộc đại thanh trừng với chiến dịch đả hổ diệt ruồi, nhắm mục tiêu vào những đối thủ chính trị của ông ta và những thành phần quan chức tham nhũng không nằm trong phe cánh của Tập. Nhưng hơn ai hết Tập Cận Bình hiểu rất rõ rằng ông ta đang dựa vào một phe cánh tham nhũng để triệt hạ phe cánh còn lại. Cái gọi là đấu tranh tham nhũng của Tập Cận Bình tự thân nó thất bại ngay từ đầu khi không giải quyết được sự cai trị độc tài: Quyền lực độc tài không được kiểm soát tự thân nó là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng. Tập triệt hạ được một phe nhưng nếu Tập tước đoạt quyền lợi hoặc chĩa mũi dùi vào phe cánh đang phò trợ ông ta thì khi đó cái gì sẽ bảo vệ được Tập?

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sau khi thanh trừng được đối thủ chính trị lớn nhất của mình tại đại hội XII có vẻ cũng muốn thừa thắng xông lên với một chiến dịch học theo Tập Cận Bình. Nền chính trị của Việt Nam có độ tản quyền cao hơn và do đó dù có học theo thì Đảng Cộng Sản Việt Nam cũng chẳng diệt nổi muỗi, chưa nói gì đến ruồi hay hổ. Và mục đích chống tham nhũng tự thân nó mâu thuẫn ngay từ đầu với nền chính trị độc tài.

Lá bài nguy hiểm nhất của Tập Cận Bình nhằm kéo dài thời gian cai trị lại chẳng dính dáng gì đến bộ máy nhà nước hay các tư tưởng tự do. Nó chính là chủ nghĩa dân tộc cực đoan mà nhiều thế hệ lãnh đạo Trung Quốc đã nối tiếp nhau vun xới như một giải pháp dự phòng cho các bất ổn xã hội.

(Khá dài rồi, đành nợ các bạn phần kế tiếp vào ngày mai. Dù sao tôi vẫn còn vài ngày nghỉ nữa)
Lãng Anh
Theo FB Lãng

Quyền lực lãnh đạo đối diện với quyền lực của nhân dân

Nguyễn Thị Từ Huy

Tổng thống thứ 45 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ lên nhậm chức khiến cho một bộ phận lớn người Mỹ lo lắng, châu Âu cũng đã bộc lộ sự lo lắng trên mặt báo và trong các cuộc hội thoại hàng ngày. Nhiều lý do khiến châu Âu phải lo lắng, trong đó có việc một số phát ngôn của Trump trong chiến dịch tranh cử và những quyết định của Trump trong những ngày đầu nhậm chức đi ngược lại với các giá trị mà châu Âu muốn bảo vệ.

Việc Trump thắng cử được một số nhà phân tích nhìn nhận như là một bằng chứng cho sự thiếu hoàn hảo hay là sự bất cập của các nền dân chủ trên thế giới (người ta ngay lập tức nhớ lại rằng Hitler lên nắm quyền cũng là nhờ cơ chế bầu cử dân chủ).

Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa một nền chính trị dân chủ và một nền chính trị độc tài là ở chỗ : Trump không thể bịt miệng dân chúng (như ở các nước độc tài) để muốn nói gì thì nói và muốn làm gì thì làm. Điều đã xảy ra và sẽ xảy ra : người Mỹ không im lặng để cho Trump phát ngôn hay hành động một cách vô tội vạ. Họ đã và sẽ phản ứng. Và chúng ta còn chưa biết phản ứng sẽ đi tới đâu.

Ngay sau khi Trump trúng cử, các cuộc biểu tình chống Trump đã nổ ra. Và ngay sau ngày Trump nhậm chức, khoảng 600 cuộc biểu tình chống Trump đã diễn ra trên nước Mỹ và khắp thế giới. Pháp lệnh cấm di trú của Trump vừa ban hành thì cũng ngay lập tức các cuộc biểu tình bùng phát trên các sân bay của nước Mỹ. Báo chí hôm 30/1/2017 cho biết đã có hơn một triệu người Anh ký kháng thư chống lại chuyến viếng thăm của Trump tới nước Anh.

Sau hai tuần Trump nhậm chức, điều mà hiện nay ta có thể ghi nhận là các chính sách mang tính cưỡng bức và cấm đoán (xây tường, pháp lệnh cấm di trú…) của Trump đã gây ra những phản ứng chống đối mạnh mẽ của người dân Mỹ nói riêng và người dân ở các nước dân chủ nói chung. Và để chống lại sự phản ứng đó thì các chính sách của Trump càng ngày càng nhất quán hơn với đường lối cưỡng bức và cấm đoán của ông ta. Chính trường Mỹ và xã hội Mỹ đang là nơi đụng độ của hai ý muốn, hai khuynh hướng rất khác nhau. Nhiều người không phải không có lý khi cho rằng Trump là vị tổng thống gây chia rẽ và gây bất ổn cho nước Mỹ và cho thế giới.

Và một điều nữa mà ta cũng có thể ghi nhận: dù Trump (một người có khuynh hướng quản trị và giải quyết vấn đề bằng cấm đoán) được bầu lên làm tổng thống, thì không thể phủ nhận rằng nền chính trị Mỹ là một nền chính trị dân chủ. Sự cấm đoán của Trump đang gợi lên một làn sóng phản kháng khắp nơi. Người dân Mỹ đang chứng tỏ quyền lực của họ bằng những cuộc xuống đường liên tục, báo chí Mỹ cũng đang chứng tỏ quyền lực của mình bằng cách đề cập một cách trực diện tất cả mọi bình luận và phân tích về tổng thống. Các chính sách mang tính cưỡng bức của Trump đang khơi dậy động năng của xã hội Mỹ.

Trump không thể lãnh đạo nước Mỹ một cách dễ dàng như có lẽ ông ta vẫn tưởng. Cuộc đụng độ giữa quyền lực lãnh đạo và quyền lực nhân dân vẫn đang diễn ra trên nước Mỹ. Và thế giới sẽ còn chứng kiến nhiều điều thú vị từ nay cho đến khi cuộc đụng độ đó kết thúc, dù ta chưa biết nó sẽ kết thúc dưới hình thái nào.

Paris, 31/1/2017
(Nguyenthituhuy's blog
via Saudong)

Một cách lừa gạt mới rất nguy hiểm !

Tôi đang sống gần khu cộng đồng Việt Nam ở Huntington Beach.

Tháng qua tôi bị một số kẻ gian người Việt Nam gọi điện thoại cho bưu điện và đổi địa chỉ nhà tôi đang ở, chúng mở một mail box ở tại đường Bolsa và chuyển tất cả thư của tôi vào mail box giả mạo của chúng, forward tất cả hồ sơ nhà bank và thư từ của credit card vào mail box của chúng, sau đó chúng apply credit card, debit card, print check giả mạo, viết check giả mạo không bảo chứng, số account của tôi, địa chỉ của tôi và giả luôn chữ ký của tôi nữa, xong bọn chúng lại gửi thư lên credit card company của tôi để đổi luôn địa chỉ về mail box của chúng. Khi nào quý vị thấy mất mail mỗi ngày với notice vacant hay new resident thì phải lập tức đến bưu điện để khiếu nại liền trước khi bọn chúng ra tay hành động, theo sở cảnh sát và sở bưu điện thì đây là một nhóm Việt Nam tìm người Việt Nam cùng họ, là Nguyễn hay Trần hay Phạm là chúng nó làm mục tiêu để lường gạt. (Internet)

Tin buồn

Xin thông báo cùng quý đồng môn 

Ông CAO VĂN TRÍ
Đồng môn Quốc Gia Hành Chánh Ban Đốc Sự Khóa 9
và là Bào đệ Giáo Sư Cao Thị Lễ
Nguyên Trưởng Ty Kinh Tế Biên Hòa

 đã từ trần ngày 29 tháng 1 năm 2017 tại Mỹ Tho, Việt Nam
 Hưởng thọ 80 tuổi

(Nguồn: Hội Nam California)

30 January 2017

CAO HƠN CẦU VỒNG

Trong vòng 7 năm 253 triệu người nghe bản nhạc này, nhưng ca sĩ chỉ hưởng dương 38 tuổi. Mời các bạn cùng thưởng thức...
CAO HƠN CẦU VỒNG

Một nơi nào đó,
cao hơn cầu vồng,
cao thật là cao,
Có một vùng đất
với bài hát ru
tôi từng nghe thấy.
Một nơi nào đó
cao hơn cầu vồng
có bầu trời xanh,
Và những mộng mơ
mà bạn dám ước,
trở thành sự thật.

Một ngày nào đó
tôi ước được ở
trên một vì sao
Và khi tỉnh dậy
thấy những đám mây
sau lưng xa tắp.
Nơi những khó khăn
tan tựa giọt chanh,
Bạn sẽ thấy tôi
ở mãi nơi cao,
hơn đỉnh ống khói.

Một nơi nào đó
cao hơn cầu vồng,
bày chim xanh bay
vượt qua cầu vồng
Và, ồ, tại sao,
sao tôi không thể?
Đàn chim xanh nhỏ
vui vẻ bay cao
xa hơn cầu vồng
Ô hô, tại sao
Sao tôi không thể?

Trương Ngọc Thạch phỏng dịch
Mồng 3 Tết Đinh Dậu
Jan 30, 2017


-------
OVER THE RAINBOW

Somewhere over the rainbow, way up high
There's a land that I've heard of once in a lullaby.
Somewhere over the rainbow, skies are blue
And the dreams that you dare to dream,
Really do come true.

Someday I'll wish upon a star
And wake up where the clouds are far behind me.
Where troubles melt like lemon drops,
High above the chimney tops,
That's where you'll find me.

Somewhere over the rainbow, blue birds fly
Birds fly over the rainbow
Why then, oh why can't I?
If happy little bluebirds fly beyond the rainbow
Why, oh why can't I?

Songwriters
HAROLD ARLEN, E HARBURG
***

28 January 2017

Chúc Xuân


Khai bút đón xuân



 **
Khai Bút Đầu Năm
Đinh Dậu 2017

Tha hương bận rộn đón năm Gà,
Kẻ khóc, người cười, kẻ hát ca.
Cạn chén, xót xa cùng xã tắc,
Nâng ly, se thắt với sơn hà.
Ngọ Mùi lặng lẽ bao lần trẩy,
Thân Dậu âm thầm mấy bận qua. (*)
Vận mệnh nước nhà sao mãi vậy,
Bao giờ lấy lại được quê cha.
Trần Văn Lương
Cali, Mùng Một Tết
Đinh Dậu 2017

27 January 2017

Từ Henry Kissinger đến Peter Navarro và cách dụng nhân ở nước người…

Hà Văn Thịnh

“…Tất cả những quốc gia văn minh đều là thành quả tất yếu của nhiều nguyên nhân khác nhau; nhưng yếu tố tiên quyết chính là: Họ ít khi dùng sai người trong những vị trí có sự đòi hỏi khắt khe nhất về tài năng và đạo đức!...”

Thời sinh viên, khi tự học tiếng Anh (Đại học Tổng hợp Hà Nội, 1974), tôi lần mò ra Thư viện Quốc gia, tập dịch cuốn "The World after Vietnam: The Future of The US Foreign Policy" của GS.TS Henry Kissinger (Thế giới sau VN: Tương lai Chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ).

Thật ra, tôi đọc mười chữ  thì hiểu… loáng thoáng được hai, ba từ; tập dịch khoảng một giờ đồng hồ, phải đi tra từ điển (Tự điển được khóa chắc nơi bàn giữa phòng đọc) ít nhất khoảng... mươi lần(!) Tuy nhiên, với cách vừa dịch vừa đoán bằng kiến thức ngành lịch sử chính trị học, tôi cũng hiểu được lõm bõm rằng, mình đã biết thêm không ít những điều mới mẻ chẳng bao giờ tìm thấy trên giảng đường hay trong SGK…

Trời đất ạ: Tôi choáng váng (gần như nghẹn thở) khi biết cuốn sách in năm 1967, có nghĩa là ngay khi Mỹ đưa quân vào VN (8.3.1965), tác giả đã cầm bút để bắt đầu viết và khẳng định rằng "Nước Mỹ không thắng tức là đã thua và, Việt Cộng không thua nghĩa là họ đã thắng"!

Tác giả cho rằng bằng mọi giá phải đưa Nước Mỹ thoát ra khỏi (chiến tranh) VN trong danh dự, bởi nguy cơ bị Liên Xô "đè bẹp" về vũ khí hạt nhân là nhãn tiền; rằng phải lợi dụng mâu thuẫn Xô - Trung để kéo Trung Quốc (TQ) về phía Mỹ, dùng hàng hóa Mỹ và kỹ thuật Mỹ để đổi lợi ích với TQ; buộc TQ cam kết không để VN thống nhất (đây là  một trong những lý do dẫn đến việc TQ tấn công VN năm 1979 vì "không nghe lời TQ", tức là phá vỡ cam kết với Hoa Kỳ)…

Những dòng chữ có ý nghĩa mở đầu cho Thế Giới Sau Việt Nam đã làm cho sự hiểu biết nông cạn của tôi bàng hoàng. Tôi không hiểu tại sao chính phủ Mỹ vừa phát động chiến tranh mà học giả nói đã thua – vẫn không bị buộc tội phản nghịch? Càng không hiểu nổi chuyện Ứng cử viên đắc cử TT Mỹ, Richard Nixon sau khi đọc cuốn sách, ngay lúc nhậm chức năm 1969 đã bổ nhiệm kẻ “phản động” - H. Kissinger làm Cố vấn An ninh QG, ít lâu sau là… Ngoại trưởng Mỹ, để ký kết Hiệp định Paris, rút quân Mỹ khỏi VN(?)...

Câu chuyện “nhỏ” dường như đã xưa cũ lắm rồi, bỗng nhiên 47 năm sau (1969-2016)… lại “thức dậy” hiển hiện, rỡ ràng…

TT mới đắc cử Donald Trump cho biết ông ta vừa bổ nhiệm TS Peter Navarro, một trong hai tác giả (người kia là TS Greg Autry) của cuốn sách Chết bởi Trung Quốc (Death by China), làm Chủ tịch Hội đồng Thương mại Quốc gia Nhà Trắng (The White House National Trade Council -NTC)!!! D. Trump nói với báo chí rằng ông ta vừa đọc cuốn sách đó hồi tháng 9.2016(!); những tương hợp về ý tưởng, sự xuất sắc về kiến thức, sự mạnh mẽ và chính xác khi diễn đạt vấn đề hóc búa nhất, nghiêm trọng nhất đối với nước Mỹ của Navarro đã thuyết phục ông – “buộc ông” phải trao chức vụ quan trọng nhất về kinh tế (đứng trên tất cả các bộ trưởng liên quan; có thể hiểu như là “Phó TT” đặc trách về thương mại)…

Câu chuyện từ H. Kissinger đến P. Navarro cách nhau nửa thế kỷ nhưng giống nhau đến lạ lùng. Thì ra, các TT Mỹ họ tìm người để bổ nhiệm chẳng cần ngó ngàng gì đến cán bộ ấy là nguồn hay không nguồn! Họ cũng chẳng cần quan tâm đến quá trình phấn đấu, thành tích, thành phần xuất thân hay tất cả mọi tiêu chí tương tự. Cái hay, cái giỏi của họ là ở chỗ họ chỉ cần đọc là biết ngay, biết đủ, biết đúng về năng lực thực sự của một con người. Điều đáng quý hơn nữa là họ mới chỉ biết ông ấy, bà ấy qua lý thuyết – về nguyên tắc; giờ đây họ sẵn sàng cho người đó cơ hội để thử thách trong thực tiễn; chứng tỏ tài năng trước những hiểm nguy rõ ràng của đời thực trụi trần.

Không hề có bất kỳ yếu tố mơ hồ nào của các ý niệm về “sắp xếp” theo cung cách chọn giày cho vừa chân của các nhóm lợi ích mà mục tiêu tối thượng là có lợi nhất cho đất nước, dân tộc!...

Tất nhiên, chỉ có những nhà lãnh đạo đạt đến cỡ thiên tài mới dám sử dụng thực tài theo “công thức” mà dường như Đấng Tạo Hóa đã bày ra:  Giả sử người giỏi nhất là A, thứ hai là B… thì nhà lãnh đạo có trình độ C không thể dùng A mà chỉ có A’ mới dám sử dụng A…

Vì đã đọc (lõm bõm) cuốn sách của H. Kissinger và hiểu phần nào tài năng của ông (H. Kissinger có 3 bằng TS, thông thạo 7 thứ tiếng, tổ tiên là người Đức gốc Do Thái), nên tôi tìm cuốn sách của P. Navarro để biết vì sao D. Trump lại chọn ông…

Ngay trong lời mở đầu, Navarro đã cảnh báo rằng cuốn sách của ông “không phải là sự chỉ trích mà chỉ là sự thật”; được viết theo lời khuyên của Triết gia Albert Camus rằng “Công việc của những người biết suy nghĩ là không đứng về phía những tên đao phủ”.

Navarro và đồng nghiệp đã khẳng định rằng nhiều người chỉ thích nói về thành tựu của TQ mà không thấy, hoặc không chịu nhìn thấy “người dân Trung Quốc đã phải trả giá như thế nào cho tất cả sự “tiến bộ” này với một hệ thống sinh thái bị hủy hoại tàn khốc, sự tham nhũng, bất công xã hội, mất quyền con người, thực phẩm độc, và điều đau đớn tồi tệ nhất là sự tha hóa của tâm hồn con người” (trang XIV, mở đầu, chúng tôi nhấn mạnh – HVT).

Các tác giả cho rằng, nguy cơ TQ gây chiến tranh gần như là điều chẳng cần bàn cãi bởi đến năm  2035: “Để nuôi cỗ máy sản xuất của mình, Trung Quốc phải tiêu dùng một nửa xi-măng, gần một nửa lượng thép, một phần ba đồng, và một phần ba nhôm của thế giới. Hơn nữa, vào năm 2035, nhu cầu dầu của chỉ riêng Trung Quốc sẽ vượt tổng sản lượng dầu hiện nay của toàn thế giới. Đây là thói phàm ăn chết người. Vì để hỗ trợ cho thói phàm ăn này, các viên chức chính quyền Trung Quốc đã leo lên chiếc chiếu thực dân đẫm máu ngồi cùng các nhà độc tài sát nhân và các chế độ tàn bạo khắp thế giới. Để làm điều đó, các viên chức chính phủ và nhà ngoại giao Trung Quốc đã tiến hành lạm dụng một cách thô bỉ nhất chính sách ngoại giao của Liên Hiệp Quốc mà thế giới từng thấy” (trang 2-3)…

Những sự thật không thể chối cãi với các xác chứng rành rành buộc chúng ta nghĩ đến… ngày tận thế. Nếu bạn chưa tin thì hãy nghĩ ngay đến bài học lịch sử: Chính vì thiếu nguyên liệu, nhiên liệu mà Đức và Nhật đã gây ra cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai!

TQ không những thiếu (trong tương lai) nhiều hơn thế mà còn “ấp ủ” cả mưu toan hãm hại loài người. Nếu ai đó vẫn còn nghi ngờ thì hãy nhìn vào thực tế: Chỉ cần mua một trái táo có xuất xứ từ TQ rồi, ăn nó; vậy là bạn đã cung cấp việc làm cho một bác sĩ chữa trị ung thư đến hết đời!...

Đọc xong cuốn sách nổi tiếng của ông Chủ tịch Hội đồng Thương mại Quốc gia Nhà Trắng, tôi mới chợt tỉnh ra rằng, các nhà lãnh đạo Mỹ không giống với lãnh đạo ở nhiều nước khác.

Thứ nhất, mỗi giai đoạn lịch sử, mỗi công việc cụ thể trong giai đoạn đó, đều phải tìm cho ra người thích hợp nhất và, phải là người giỏi nhất.

Thứ hai, tuyệt đối không bị quá khứ mang danh là “ông kinh nghiệm” ràng buộc khi lập luận bao biện là người mới thiếu kinh nghiệm. Người Mỹ học được lời khuyên của Phương Đông thật nhanh: “Giao cho nhiều việc để xem tài”. Nhìn từ Kissinger đến Navarro, chúng ta thấy rõ cả hai ông không hề có kinh nghiệm giao tiếp – ngoại giao hay chỉ huy guồng máy kinh tế bởi bao nhiêu năm trước họ là giảng viên. Rõ ràng,việc học tập, đào tạo những kiến thức mới –  đối với người tài, chỉ là chuyện rất… nhỏ!

Thứ ba, cả hai tác giả của hai cuốn sách, khi viết rồi in, họ là “kẻ thù” của chính quyền vì chính họ đã phê phán trực tiếp, toàn diện chính sách của chính phủ đương nhiệm. Chính phủ có thể không thích nhưng chấp nhận như là một kênh để tham khảo. Còn chính phủ mới, nếu thấy có lý và, nhất là, có lợi ích, sẽ sử dụng ngay mà không hề băn khoăn đến những tiểu tiết…

Người xưa dạy, “dụng nhân như dụng mộc” hàm ý rằng phải rất cẩn trọng, không được phép sai lầm bởi chỉ cần cắt bỏ hay đẽo sai một chỗ là súc gỗ quý trở thành… củi đốt! Dùng người càng phải chính xác và tinh tế hơn nữa bởi mỗi quyết định đúng – sai của người đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp, toàn diện đến hàng chục, hàng trăm người; thậm chí, đến số phận của cả giống nòi…

Từ những dẫn chứng điển hình trên, dù muốn hay không, chúng ta phải giật mình mà “ngộ” ra rằng: Tất cả những quốc gia văn minh, giàu có đều là thành quả tất yếu của nhiều nguyên nhân khác nhau; nhưng, quan trọng nhất, yếu tố tiên quyết chính là: Họ ít khi dùng sai người trong những vị trí có sự đòi hỏi khắt khe nhất về tài năng và đạo đức!...

Hà Văn Thịnh
(Nguồn: http://vanhoanghean.com)

Suy tư của người Hoa Lục "có vấn đề"

"Về năng lực tư duy logic của người Trung Quốc, ông Lexus nói, tư duy logic của người Trung Quốc có vấn đề. Đừng nói học trò và nhà giáo, ngay cả người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhiều khi cũng cứ như thiếu những hiểu biết thông thường. Ví dụ có người hỏi người phát ngôn Bộ Ngoại giao, điều luật nào của quốc gia cấm phóng viên nước ngoài đến khu vực nhạy cảm săn tin? Người phát ngôn kia đã đáp lại rằng “Đừng lấy luật pháp ra làm lá chắn”. Câu trả lời này không chỉ thể hiện ý thức kém cỏi về pháp luật, còn cho thấy thứ văn hóa không màng gì đến lý lẽ, thích dùng quyền lực thay cho lý lẽ.

Ngoài ra, người Trung Quốc còn có logic kiểu “biện chứng”, loại này thường hay xuất hiện trong ngôn từ của những dư luận viên trên mạng, ví như khi họ vừa thấy có ai đó ca ngợi nước Mỹ hoặc tán thành di dân ra nước ngoài là họ hét lên “con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo”. Hoặc những phát ngôn như, “xã hội chuyên chế dĩ nhiên không tốt, nhưng xã hội dân chủ cũng không thấy có điểm nào hay ho”.

Khi cho rằng cái gì cũng có ưu có khuyết thì cũng có nghĩa không còn phân biệt vấn đề tốt hay xấu nữa. Tư duy này rất phổ biến ở Trung Quốc hiện nay, đây là kiểu tư duy không phân biệt đâu là nặng hay nhẹ, là chủ yếu hay thứ yếu. Loại người tư duy kiểu này thường nói: trên thế giới này không có gì tuyệt đối, vì thế không có gì là quan trọng. Những dẫn chứng cho trường hợp này đếm không xuể. Nhiều người Trung Quốc không tập trung vào logic của vấn đề tranh luận mà bắt đầu từ lập trường cố hữu (định kiến) của mình và kết thúc bằng việc công kích cá nhân người kia, hệ quả là từ tranh luận lý lẽ biến thành hai bên chửi rủa nhau."

Trên đây là đoạn trích từ một bài viết của Lexus, một người Đức từng du học ở Trung Quốc, viết về ra những nhận xét của tác giả về lối suy nghĩ của người Hoa Lục. Để đọc toàn bài xin gõ vào LINK dưới đây:

https://www.danluan.org/tin-tuc/20170124/tu-duy-nguoi-trung-quoc-trong-mat-mot-nguoi-phuong-tay

Tin ngắn những ngày trước Tết.

Bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico:

Ông Trump hôm 25/1 ký sắc lệnh về việc xây bức tường biên giới tiếp giáp Mexico. Việc buộc Mexico phải trả chi phí cho việc này là một trong những cam kết quan trọng của ông trong chiến dịch tranh cử. Nhưng Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto luôn nhấn mạnh rằng không có chuyện này và hôm 26/1, ông hủy cuộc hội kiến với Nhà Trắng trong tuần tới. Vài giờ sau, phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer nói rằng tổng thống Mỹ đã tranh luận với các nhà lập pháp về gói cải cách thuế của Quốc hội Mỹ. Ông nói rằng việc áp thuế 20% vào hàng nhập khẩu từ Mexico có thể đem lại khoảng 10 tỷ đôla mỗi năm. Hiện hàng hóa nhập vào Mỹ trị giá hàng năm khoảng 300 tỷ đô-la.

Tân Tổng thống Hoa Kỳ tự nguyện cắt lương.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, bản thân đã là tỷ phú, sau khi thắng cử đã tuyên bố rằng ông sẽ chỉ nhận 1 đô la lương tượng trưng một năm. Mức lương luật định của Tổng thống Mỹ là 400 nghìn USD một năm

Người đào tị: Bắc Triều Tiên sẽ có ngày sụp đổ.


Vào tháng Tám năm ngoái, Thae Yong-ho đã trở thành một trong những quan chức cấp cao nhất từ trước tới nay của Bắc Hàn đào tẩu. Trong một cuộc phỏng vấn về nhiều chủ đề tại Seoul, ông nói với phóng viên BBC Stephen Evans ông tin rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ chuẩn bị để tấn công Hoa Kỳ bằng vũ khí hạt nhân, nhưng chế độ này rồi sẽ có ngày sụp đổ.

Phản ứng của Bắc Kinh trước chính sách sách cứng rắn của Mỹ.

Tân tổng thống Hoa Kỳ đã có quan điểm cứng rắn đối với Trung Quốc, và ông Spicer nói với các phóng viên rằng "Hoa Kỳ sẽ đảm bảo rằng chúng ta bảo vệ lợi ích của mình" tại Biển Đông. "Nếu các hòn đảo đó thật ra là vùng biển quốc tế chứ không phải là thuộc về Trung Quốc, thì chúng ta sẽ đảm bảo rằng chúng ta bảo vệ quyền lợi quốc tế, không để nước khác chiếm lấy," ông nói, nhưng không cho biết thêm chi tiết.

Truyền thông Trung Quốc nói rằng các bình luận của ông Spicer khiến Washington đang 'tuyên chiến'. Nhưng chính phủ Trung Quốc ra phản ứng chừng mực hơn, nói rằng Hoa Kỳ "không phải là một bên trong vấn đề Biển Đông". Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh nói rằng Trung Quốc "cam kết theo đuổi các đàm phán hòa bình với toàn bộ các quốc gia có liên quan" trong cuộc tranh chấp, và nói Bắc Kinh "tôn trọng các nguyên tắc tự do đi lại và bay phía trên các vùng biển quốc tế".

24 January 2017

HÈN

Nhà văn Nguyễn Minh Châu (hàm đại tá quân đội), trong bài “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa”, báo Văn nghệ số kép 49-50 ra ngày 5-12-1987: “Văn chương gì mà muốn viết một câu trung thì phải viết một câu nịnh? Hèn, hèn chứ? Nhà nước mình tận trong tâm can ai mà chẳng thấy mình hèn? Cái sợ nó làm mình hèn”.

Ông Trần Hưng Quốc thú nhận: “Tôi cũng mong một ngày nào đó tôi hết hèn, dám chê đảng một cách thẳng thắn, chính trực mà không phải dùng tên nặc danh thế này. Chứ bây giờ, nghĩ đến đảng là tôi đã run lên như cầy sấy rồi, sợ cái cảnh phải như các anh Nguyễn Khắc Toàn, Phạm Hồng Sơn, …” (Bài Trò chuyện cùng ông NT).

Tác giả nhạc phẩm nổi tiếng Nụ cười sơn cước, nhạc sĩ Tô Hải viết tự truyện «Hồi ký của một thằng Hèn», trong đó ghi nhận: «Tất cả nhà văn, nhà thơ, nhà nhạc, nhà kịch, nhà nọ, nhà kia, … đến nay còn bám cái vú đảng đều là … thằng Hèn! Riêng những thằng kiếm chác bằng cách bợ đít, bưng bô cho đảng … thì chữ hèn đối với chúng cũng không xứng đáng!».

Có thể coi định nghĩa chữ hèn của Tô Hải là khá «ấn tượng» (bám vú, bợ đít, bưng bô) và hoàn chỉnh, vì hễ ai hèn thì đều bị khinh khi, gọi bằng thằng (giống như «Tiếc thay cây quế giữa rừng, để cho thằng Mán, thằng Mường nó leo.»), chớ không gọi bằng ông hay một danh xưng nào khác.

Theo giáo sư Nguyễn Đình Cống: «Cái sai rõ ràng nhiều người thấy mà mình không thấy thì mang tội u mê, nếu thấy rồi mà không dám nói thì mang tội hèn.», ông nói rõ: «Trừ một số rất ít có thể đếm trên đầu ngón tay các vị trí thức có một chút dũng cảm vừa phải nào đó, dám nói một cách trung thực ý kiến của mình không đồng ý với lãnh đạo tại các cuộc họp công khai của Quốc hội, của Chính phủ, còn lại phần lớn là hèn.».

Tổng quát, hèn được ông phân làm 3 mức độ:

Tin buồn

Xin thông báo cùng quý đồng môn
Ông ĐÀO NGỌC KHOA
Pháp danh Thiện Phát
Cựu sinh viên Học viện Quốc Gia Hành Chánh Sài Gòn
Ban Đốc Sự Khóa 11

Vừa từ trần ngày 22 tháng 1 năm 2017 tại Federalway, Washington
Hưởng thọ 76 tuổi 

(Nguồn: Hội Nam Califonia)

21 January 2017

Bến Cũ Chiều Xuân

Trần Bạch Thu

Ga Phủ Lý chiều 28 tết, một đoàn người ăn mặc lếch thếch, áo quần vá chằng vá đụp, tay xách túi nhỏ đựng lon, hủ nhựa lỉnh ca lỉnh kỉnh từng cặp một, mang chung còng tay mỗi bên trái, phải. Bên kia đường, dân chúng hiếu kỳ với dáng vẻ sợ sệt, đưa mắt nhìn tò mò về phía đám đông hơn hai trăm người đang ngồi duổi chân trên vạt đất thấp dọc theo dốc đường ray xe lửa. Mặt trời đỏ thẳm đang dần tắt sau dãy núi Ba Sao gồ ghề đen như mực. Chúng tôi đang chờ tàu xuôi Nam.

Lúc xếp hàng chuẩn bị lên xe tải để ra ga, một anh bạn chen tới gần nói nhỏ với tôi vì anh thuận tay tráí nên muốn được còng tay phải với tôi. Ừ thì tôi thuận tay phải nên đồng ý ngay. Anh là sĩ quan trẻ, cấp bậc Thiếu tá, nguyên Tiểu đoàn trưởng thuộc Sư đoàn 7 Bộ Binh. Tôi quen anh hồi mới chuyển về trại Hà Nam Ninh được mấy tháng, trước khi xếp thành tổ đội để chuẩn bị về Nam. Trước đây, các trại cải tạo thường được phân chia ra làm hai loại dành riêng cho quân nhân và công chức ở những địa điểm khác nhau trong miền Nam cũng như sau nầy ra miền Thượng du Bắc Việt. Mãi cho đến khi Trung quốc tiến đánh các tỉnh sát biên giới phía Bắc, các trại cải tạo mới được di dời về một số tỉnh miền Trung du mạn phía tây bắc Hà Nội và các thành phần cải tạo được sát nhập lại với nhau không còn phân biệt dân hay quân nữa. Từ đó các trại chiếm đa phần là quân nhân đủ mọi cấp bậc, trừ cấp Tướng và Đại tá được xếp ở riêng còn tất cả cấp bậc còn lại đều được đưa vào các tổ đội lẫn lộn với thành phần dân sự. Suốt gần năm năm trời bị giam giữ, từ trại cải tạo Long Thành, Đồng Nai cho đến khi ra tận ngoài Phú Sơn, Bắc Thái tôi luôn được xếp vào tổ đội thuộc thành phần dân sự chế độ cũ. Nay sinh hoạt chung với thành phần quân đội có rất nhiều điều khác biệt, vui vẻ và năng động hơn. Tính gan dạ và mưu trí của họ đã giúp “mưu sinh thoát hiểm” cho rất nhiều người đồng cảnh tù.

Trong suốt mấy ngày trên tàu tôi mới biết thật gia cảnh hiện nay của anh, vợ gởi quà thăm nuôi được mấy lần khi còn ở trại cải tạo Long Giao, rồi sau đó biệt tăm luôn cho đến khi ra miền Bắc, họa hoằn lắm anh mới nhận được một ít quà do mẹ anh gởi ra theo những người quen đi thăm nuôi chồng ở cùng trại. Nhà quê nghèo, còn nuôi thêm bốn đứa con nhỏ của anh thì làm sao đủ sức mà đi thăm nuôi. Anh lặng lẽ cam chịu thân phận người “tù mồ côi.” Dù khó khăn đến mấy cũng phải sống, anh rất giỏi cải thiện rau dại và thường khi còn mò bắt được nhiều con “rạm” (cua nhỏ to bằng ngón chân cái), đồng thời ngày nào anh cũng giấu được một ít củi khô, chẻ nhỏ quấn trong người, qua mặt được cán bộ gác cổng để đem vào trại. Người có gạo, bột ngọt hay tôm khô, anh có củi, rau, cua cá và công nấu nướng cùng nhau chia sẻ qua ngày. Cho đến khi gia đình được phép thăm nuôi sau năm năm trời chịu đựng với đói rét và bệnh tật, tình hình cải tạo mới bắt đầu đỡ khổ. Nhờ thăm nuôi mà số người chết giảm dần. Dân chúng sinh sống quanh các trại cải tạo bắt đầu cảm thông và hiểu biết nhiều hơn về thành phần tù nhân chế độ cũ nên một số lén lút quan hệ với tù nhân để “mua bán đổi chác” đủ thứ, thông thường là cung cấp thực phẩm, thuốc men để đổi lấy quần áo, đồ dùng, dĩ nhiên là mấy tù nhân “đại lý” cũng phải biết điều với cán bộ. Về phần anh em tổ đội trưởng, trừ một số bản tính ác tâm, không lương thiện, còn lại đa phần đều ra sức giúp đỡ nhau để cùng sống sót mà chờ ngày về. Tôi còn nhớ hồi ở trại Mễ (Nam Hà) có anh Nhà trưởng nguyên là Trung tá Công binh, sau khi kiểm tra nhân số để nhập buồng giam, cán bộ ra lệnh nhắc nhở anh kiểm soát nội qui, giữ gìn yên lặng, không được tụ tập ồn ào hay nấu nướng linh tinh. Anh gật đầu.

        - Thưa vâng.

Khi cán bộ đóng cửa buồng giam và áng chừng đã đi xa, anh quay ra đầu nhà, hướng về phía anh em.

        - Tự do.

Thế là cả buồng mọi người đều cười che miệng, lục đục lên lò tự chế bằng lon guigoz cắt đôi, đốt củi nhỏ, có khi đốt bằng ny lông nấu cà phê, trà lá với nhau. Ra lao động hay ở buồng giam, cán bộ nói gì anh cũng nghe, bảo gì anh cũng vâng, đôi khi trước mặt cán bộ anh còn quơ tay nói lớn bảo anh em cố gắng làm cho xong, nhưng khi cán bộ đi rồi thì đâu cũng vào đấy, lao động cầm hơi. Cải tạo lâu dài mà. Ít lâu sau, khi tôi đã chuyển trại vào Nam, nghe anh em nói lại rằng anh đã chết trong trại giam ngoài miền Bắc.
Khi xe lửa từ ga Phủ Lý lần lượt qua khỏi ga Thanh Hóa … đến Đồng Hới, anh em vui mừng vô hạn vì biết chắc rằng mình đang trên đường xuôi về miền Nam thân yêu. Tới nhà ga Quảng Trị, Huế, anh em cầm tay nhau mà ứa nước mắt. Nhớ hồi di tản tháng 3 năm 1975, càng đi xa vào trong Nam bao nhiêu càng an toàn bấy nhiêu, mọi người chạy bán sống bán chết bằng đủ mọi phưong tiện để về tới Sài gòn, nhưng than ôi … vận nước đã đến hồi mạt vận, chỉ chạy thôi mà thua trắng tay. Giờ tâm trạng cũng giống y như vậy, mong tới ga Bình Triệu nhưng khi xe lửa vừa qua Tháp Chàm một đỗi thì dừng hẳn lại. Chúng tôi xuống ga Thuận Hải và được xe tải đưa về trại Z30 (Hàm Tân). Trời nắng nóng, mồ hôi nhễ nhại, anh em muốn cởi bỏ những bộ quần áo chống rét ngoài miền Bắc mà không được … vì tay bị còng. Gió thổi thốc tung bụi mù. Bước xuống xe chao đảo mà ai nấy cũng cố gắng nhìn quanh, lòng vui khôn tả. Sự sống tưởng chừng như đang được hồi sinh. Rừng xanh bạt ngàn, đất đai, hoa màu bát ngát ...

Anh và tôi được xếp chung vào đội lao đông nông nghiệp, làm rẫy trồng khoai, bắp. Về đến Hàm Tân ăn uống được cải thiện rất nhiều. Nhớ hôm sáng đầu tiên mới tới trại, trực cơm mang về một thau khoai mì tươi nấu chín, anh em rất đỗi ngạc nhiên vì suốt mấy năm ở ngoài Bắc, hai bửa ăn chinh chỉ có khoai mì lát, phơi khô mốc xanh hoặc bo bo còn nguyên võ, chứ làm gì có cái khác mà ăn sáng. Đã thế, tương đối gần nhà, non một ngày đường nên gia đình đi thăm nuôi thường xuyên, mỗi tháng một lần và tù nhân được tiếp tế thực phẩm rất dồi dào. Tù nhân được đăng ký tiền mặt nên thứ gì cũng có, miễn là có tiền. Lao động có kết quả, ngoài phần thu hoạch cho trại, anh em giỏi và có sức được canh tác riêng trên những vạt đất ven đường ra rẫy trại để cải thiện như bầu, bí, mướp, cải xanh... Anh bạn thuận tay trái chung còng với tôi hôm về Nam nay đã trở thành người hùng ngang dọc, trồng trọt cải thiện tứ phía. Anh chọn vạt đất gần suối để tranh thủ tưới nước, chăm sóc vì sau khi hết giờ lao động, cán bộ thường hay cho xuống suối tắm trước khi về nhập trại. Lớp ăn, lớp chia hoặc đổi lấy thực phẩm khô, riêng tôi được anh đặc biệt biếu không. Sinh hoạt hằng ngày anh ăn cơm chung với “Bố già”, Thiếu úy cảnh sát, nguyên Trưởng cuộc ở Quảng Ngãi, luôn tự xưng mình là già hơn hết. Mà già thiệt, năm ấy cũng đã gần sáu mươi. Cứ hết đợt nầy đến đợt khác có khi gồm cả sếp cũ. Đại úy cảnh sát trẻ về nhiều rồi mà “Bố già” vẫn còn ở mãi. Mỗi lần có đợt thả về là có khiếu nại, ban đầu còn viết đơn, riết rồi cũng chán bèn đâm ra than phiền với cán bộ quản giáo. Cuối cùng cũng có kết quả là theo đội ra rẫy nhưng không lao động mà chỉ đun nước uống cho đội nên có thì giờ cải thiện, nấu nướng linh tinh.

Sinh hoạt trong buồng giam ở Hàm Tân tương đối thoải mái. Buồng giam lợp tôn thấp lè tè, láng gỗ ở trên, sạp dưới đúc xi măng, lối đi ở giữa nền đất, vách ván trống thưa. Số tù nhân giam giữ gồm hai hoặc ba đội hơn trăm người. Sau khi cán bộ đóng cửa, anh em tụ tập nhau thành nhóm, lập “bàn đèn” chiếu phim miệng, thường là tiểu thuyết của Kim Dung, “Tiếu Ngạo Giang Hồ” hay “Cô Gái Đồ Long.” Phim kiếm hiệp đôi lúc cũng bị ngưng, cắt đoạn khi máy chiếu được thăm nuôi chuyển qua tin tức thời sự: Phục quốc đã về tới Cà Mau hay Tướng lãnh VNCH đã về tới Thái Lan. Ngoài những rạp chiếu phim kiếm hiệp còn có những “bàn đèn” văn nghệ nho nhỏ, chỉ năm ba anh em đàn hát trong buồng giam. Nhớ hồi còn ở trại Hà Nam Ninh, cứ mỗi sáng Chủ nhật nghĩ lao động, anh em thường hay tụ tập ngoài sân, sau khi nấu nướng ăn uống xong là tụ tập đàn hát và các rạp chiếu phim ngoài trời bắt đầu, máy chiếu rãi rác từng nhóm nhỏ, nhiều bộ phim rất hấp dẫn với đề tài là những câu chuyện thuộc “thâm cung bí sử” của VNCH do chính người có thẩm quyền trong cuộc kể lại.

“Bố già” không tham gia vào các “bàn đèn” chiếu phim hay văn nghệ bỏ túi vì đau lưng không thể ngồi lâu được, nhưng cung cấp đèn dầu tim nhỏ và thuốc lào với điều kiện là khi ra lao động, anh em phải thay phiên nhau ra suối gánh nước về cho Bố để nấu nước pha trà giảo cho toàn đội giải lao. Anh bạn thuận tay trái cũng ít khi tham dự “bàn đèn” viện cớ là lao động vất vả, lớp nào cho đội, lớp nào lo cho mấy vạt đất cải thiện nên mệt phờ râu, ngủ sớm để ngày mai cày tiếp. Nhưng từ trong sâu thẳm, anh em ai cũng đoán biết anh có cả một trời tâm sự buồn. Rất ít nói, khi xếp chỗ nằm, anh tình nguyện chọn trong góc khuất, tối thui ờ cuối buồng giam. Có hôm, khi các “bàn đèn” máy chiếu phim bị rè do cảm cúm, sổ mủi nên tắt sớm, về ngủ, anh em mới phát hiện ra là anh vẫn còn thức.

“Bố già” luôn đem niềm vui đến cho anh em, nhất là cánh trẻ có nhiều dịp đùa giởn. Nhớ những buổi chiều ra suối tắm, mình trần như nhộng, quần đùi ướt đẫm, té nước về phía “Bố già.”

        - Bố xem các con còn ngon lành không? Khi về bố chọn đứa nào?

        - Tau gả hết rồi.

Mưa Giông, thơ

       Mưa Giông

Mưa giông trắng cả ruộng đồng,
Gió đưa nặng hạt chìm bông súng hường.
Trời gầm át tiếng ễnh ương,
Giật mình cò trắng đậu sườn trâu đen.

           Hoàng Châu
**

Dịch ra Hán văn:


         暴  雨

泱 泱 霶 霈 蓋 荒 田,

滴 滴 乘 風 溺 睡 蓮.

雷 震 掩 青 蛙 悶 叫,

黑 牛 背 上 鷺 茫 然.

            陳 文 良 譯


Âm Hán Việt:

            Bạo Vũ

Ương ương bàng bái cái hoang điền,
Trích trích thừa phong nịch thụy liên.
Lôi chấn yểm thanh oa muộn khiếu,
Hắc ngưu bối thượng lộ mang nhiên.

         Trần Văn Lương dịch 

**


Dịch sát nghĩa bản Hán văn:



          Mưa Giông

Mênh mông mưa rào phủ kín đồng hoang,
Từng giọt mưa cưỡi gió đến làm chìm hoa súng .
Sấm sét át tiếng kêu muộn phiền của con chẫu (một loại ếch xanh),
Trên lưng con trâu đen, con cò trắng giật mình ngơ ngác.

20 January 2017

Cười tí tỉnh: Mít Tố Nam


Tổ cha hén, cái đồ xạo ke. Đang rất thèm mít. Hén đẩy xe ngang qua nhà rao thật rõ to:
         - Ai mua mít tố nữ không?
Mình mang dép không kịp, chạy ra:
         - Bán cho tui một trái!
         - 50.000đ.
         - Ok, chiện nhỏ.

Mẹ cha hén, đem vô xẻ ra, té ra là mít tố nam, mà hén rao là mít tố nữ.
Hả? Cái đời chi mà lộn ngược, láo khoét quá.
Mồ tổ cha đồ lừa đảo, đa cấp!
Bà con coi thử được không?

Lê Kông

 (Lụm trên internet)

Nhân Cách Bình Nguyên Lộc

Mai Thảo

Thời gian đầu, sau khi cộng sản đã lấy nốt được miền Nam là thời gian còn được để yên, chưa bị kết tội, chưa bị lùng bắt, tôi thường sáng sáng một mình đạp xe đạp qua một Sài Gòn tan nát tới thăm một nhà thơ và một nhà văn, người trước Bắc, người sau Nam, cả hai đều thuộc thế hệ trước tôi, cả hai đều đã tên tuổi lẫy lừng từ thời tiền chiến.

Những thăm viếng thường xuyên này của tôi, giữa Sài Gòn và trong đổi đời lúc đó được đọc bởi hai điều. Một, hai khuôn mặt lớn ấy của văn học Miền Nam, từ quốc nạn 1975, đã đóng kín địa chỉ, dựng cao lũy hoa, cắt đứt với đời, không ra khỏi nhà, muốn gặp họ tôi phải tìm tới. Hai, giữa cái thể chế chuyên chính đã trùm kín, chưa bao giờ trong đời tôi lại cảm thấy sự cần thiết lớn lao phải giữ chặt lấy một số thân tình bền vững tôi hằng mến yêu và kính trọng. Và hai cái đối tượng của thăm viếng thường xuyên thì với tôi lại là hai niềm mến yêu và kính trọng vô cùng. Nhà thơ miền Bắc tôi vừa nói tới là Vũ Hoàng Chương. Và nhà văn miền Nam, Bình Nguyên Lộc.

Vũ Hoàng Chương thời gian đó ở khá xa, mãi bên vùng Khánh Hội, trong một ngõ hẻm khuất khúc giữa phường Cây Bàng, trên căn Gác Bút lừng tiếng, nơi thi sĩ bị công an cộng sản tới bắt đem giam nhốt vào khám Chí Hòa rồi trở về trong hấp hối lâm chung và lìa đời ở đó. Bình Nguyên Lộc ở gần hơn. Thăm viếng do vậy cũng ngắn đường hơn, trong cuối đáy một con ngõ yên tĩnh một thời Vũ Hoàng Chương đã ở, khu Cô Giang Cô Bắc, đầu ngõ là con đường Huỳnh Quang Tiên, khúc từ con ngõ nhìn ra có những vì tường xám của hãng thuốc lá MIC chạy dài trước mặt.

Tới ngõ, tôi xuống xe dắt bộ đi vào, và ngừng lại trước một căn nhà một tầng cổ cũ, căn nhà này là của gia đình Bình Nguyên Lộc, nhà văn chỉ mới dọn về ở một thời gian từ sau cái chết của người con trai lớn là Bác sĩ Giám Đốc Dưỡng Trí Viện Biên Hòa, để sống gần với người chị ruột ở căn nhà kế cận.

Mở cánh cổng thấp, dựa xe vào thành tường, bên cạnh hai chậu vạn niên thanh trấn môn xanh ngắt, một màu xanh muôn thuở, tôi gõ nhẹ tay vào thành cửa đóng kín. Nhớ lần nào tôi cũng phải đứng chờ ít phút, nhưng không lần nào phải trở về. Căn nhà yên lặng hoàn toàn. Tiếng gõ cửa ngân vào thật sâu thật xa ở bên trong, rồi là tiếng chân người đi ra. Rồi là cánh cửa hé mở từ từ và cái thân hình nhỏ bé, bộ đồ ngủ lùng thùng và cái mái tóc rẽ giữa duy nhất của văn học miền Nam, cái mái tóc rẽ giữa của Bình Nguyên Lộc.

Bao nhiêu lần như bao nhiêu lần, và cảm giác này càng rõ rệt những buổi sáng tới bạn sau vực thẳm 1975, lần nào nhìn thấy Bình Nguyên Lộc, tao nhã, gầy guộc, trên cái nền mờ tối của căn nhà đóng kín, tôi cũng có được tức khắc, ở trong tôi, như một mầu nhiệm êm đềm, một ấm áp và một yên tâm không thể nào tả được. Ấm áp như cái thế giới tiểu thuyết Bình Nguyên Lộc, không siêu hình, không gió bão, cái thế giới đã bốn mươi năm văn học ở trong đời sống và làm cho đời sống muôn vàn tươi thắm. Yên tâm như cái văn phong, cái nhân cách Bình Nguyên Lộc, dung dị mà bác học, đơn giản mà trí thức, Bình Nguyên Lộc con người và Bình Nguyên Lộc tác phẩm chính là niềm yên tâm lớn nhất một thời của văn học chúng ta.

Thấy anh, lần nào tôi cũng nói, cảm động thành thực:

- Còn được tới thăm anh.

Lần nào anh cũng cười:

- Còn được gặp anh. Vào đây.

Anh bảo tôi đưa xe vào nhà, kẻo xe mất “hết đường tới thăm bạn”. Đoạn đóng cửa lại, bật ngọn đèn đầu giường và đi về phía sau đun một ấm nước.

Giữa đám sách vở, tài liệu bề bộn, cạnh một chỗ nằm cũng là chỗ ngồi làm việc của ông, trước một khay trà, thật bình dân, không cầu kỳ như khay trà Vũ Hoàng Chương và những điếu thuốc đen ông đốt theo một nhịp điệu đều đặn, tôi thường ở rất lâu với Bình Nguyên Lộc. Tới trưa. Tới sau trưa. Tới cái gạt tàn có ngọn. Tới bình trà nguội tiếp thêm một bình trà. Một vài lần còn tới giữa bữa cơm ông ấy lấy thêm bát đĩa ép tôi cùng ăn, bữa ăn cực kỳ thanh đạm, chỉ một soong cơm và một con cá khô hấp nóng. Phải, nhớ lần nào tôi cũng ở lại thật lâu. Với cái mái tóc rẽ giữa. Với những cử chỉ chậm rãi. Với cặp mắt thông minh sau làn khói. Với những đứng ngồi lên xuống từ tốn. Trong cái thế giới rất riêng tây, cách biệt của Bình Nguyên Lộc, càng riêng tây, càng cách biệt từ cộng sản đã vào tới Sài Gòn.

Những lần tới thăm Bình Nguyên Lộc như vậy, ông thường nói ít lời như một tạ lỗi, nhờ tôi nói lại với anh em, với mọi người. Rằng từ ngày người con trai lớn mất, ông đã chẳng muốn đi đâu. Rằng chứng áp huyết nặng tối kỵ chững di chuyển, những họp mặt. Rằng “họ” đã vào tới rồi, thành phố là của “họ”, đời sống chẳng còn gì đáng thấy, đóng cửa trong nhà thôi.

Lập luận về một thái độ sống thu vào im lặng và ẩn dật, thoạt nghe ở Bình Nguyên Lộc tưởng thật dễ dàng. Sự thật, nó chẳng dễ dàng chút nào, với Bình Nguyên Lộc, với chế độ mới và Bình Nguyên Lộc, suốt thời gian ở đó. Và cái lý do giản dị chỉ là ông chẳng phải là một người viết văn như bất cứ một người viết văn nào mà là nhà văn hàng đầu, nhà văn lớn nhất miền Nam.

Bây giờ, đó là thời gian từ 30 tháng tư 75, tới đầu 76, Trung Ương Đảng Cộng Sản ở Hà Nội, tuy chưa phát động đàn áp và cầm tù văn nghệ sĩ, đã cho thi hành ở Sài Gòn một chính sách lũng đoạn hàng ngũ văn nghệ cực kỳ hiểm độc. Chính sách đó nhằm tạo kỳ thị, gây chia rẽ, giữa những nhà văn miền Bắc vào Nam trong đợt di cư 1954 với những nhà văn sinh trưởng ở Nam Phần. Suốt ba mươi năm văn học, Nam Bắc đã một nhà, Bắc Nam đã bằng hữu. Cộng sản muốn chấm dứt cái tình trạng hòa đồng tốt đẹp đó. Và người chúng đã dành hết mọi nỗ lực khuynh đảo là Bình Nguyên Lộc. Thoạt đầu là đám văn nghệ nằm vùng. Như Sơn Nam, Vũ Hạnh. Kế đó, đến nhóm văn nghệ của Mặt Trận Giải Phóng về thành, tạm thời được nắm giữ những địa vị quan trọng như Trần Bạch Đằng, Giang Nam, Anh Đức, nhiều kẻ đã quen biết Bình Nguyên Lộc từ xưa. Cuối cùng là đám nhà văn, nhà thơ công thần của chế độ và vào từ Hà Nội như Nguyễn Công Hoan, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Huy Cận. Tất cả, trên từng địa vị khác biệt, đã viết thư, điện thoại ân cần thăm hỏi tác giả Đò Dọc, về sức khỏe, về đời sống của ông, nói thân thế ông mãi an toàn, sinh kế vẫn bảo đảm, sự nghiệp không chôn vùi, ông vẫn nhà văn lớn. Tất cả đã lần lượt đến khu Cô Giang Cô Bắc, tươi cười, nhã nhặn gõ cửa xin gặp người trong ngôi nhà có hai chậu vạn niên thanh. Bình Nguyên Lộc tiếp hết, từ tốn, chững chạc vậy thôi. Duy có một lần, không sao được, ông phải tới dự đại hội văn nghệ thống nhất lần thứ nhất ở Bộ Thông Tin cũ đường Phan Đình Phùng. Kỳ họp này, Vũ Hạnh, Thanh Nghị báo cáo kể công, Sơn Nam đóng trò nhiệt tình khóc lóc, riêng Bình Nguyên Lộc ngồi im lặng từ đầu đến cuối, không chịu phát biểu một lời nào.

Đó là lần đầu tiên, cũng là lần cuối cùng. Của tiếp xúc Bình Nguyên Lộc với chế độ mới. Cố nhân quen biết tương đối thân thiết nhất với anh là Giang Nam, được Thế Lữ ca ngợi là tiếng thơ cách mạng lớn nhất miền Nam, về Sài Gòn giữ chức vụ Chủ Tịch Hội Văn Nghệ Giải Phóng, mặc dù đã viết cho Bình Nguyên Lộc một lá thư thật dài, thật tình cảm, cũng thất bại. Thư mời Bình Nguyên Lộc tới trụ sở Hội. Mời sinh hoạt. Mời hội họp. Mời viết lại. Và Bình Nguyên Lộc đã nhã nhặn viết một lá thư trả lời. Nói ông rất đau yếu. Nói bị chứng áp huyết. Nói chẳng còn làm được gì. Nói chẳng thể đi đâu. Nói xin được yên thân. Cuối cùng rồi mọi ve vuốt, mọi khuynh loát đều chịu thua, đều lùi bước trước sự nhã nhặn khước từ, trước cái nhân cách và sự tự trọng chói lọi của Bình Nguyên Lộc. Họ đành để cho Bình Nguyên Lộc được cách biệt, được một mình, được vẫn mãi mãi là Bình Nguyên Lộc trong căn nhà đóng kín.

Nhân cách trí thức độc lập ấy của Bình Nguyên Lộc, thái độ tuyệt vời của người nhà văn miền Nam ở Bình Nguyên Lộc, không một lần nào, ông phô trương mà chúng tôi đều biết, cả miền Nam đều biết và sung sướng vô cùng và quý mến rất mực.

Nhớ Bình Nguyên Lộc ở xa, tin tức quê nhà đã lâu không nhận được, chẳng biết vẫn còn hay đã mất, những lần sau cùng tới khu Cô Giang Cô Bắc, hình ảnh hai chậu vạn niên đại xanh ngắt một màu xanh muôn thuở trước ngôi nhà văn học đóng kín, lại trở về, xanh ngắt trong tôi.

Bình Nguyên Lộc. Cái mái tóc rẽ giữa, hai miền trung dung phân định như tấm lòng người quân tử một đường ngôi đời thẳng tắp. Bình Nguyên Lộc, bộ đồ lụa trắng, rất thông phán tòa sứ, rất trăng nước miền Nam, trên chiếc cyclo đạp chậm đưa ông tới gặp các tòa soạn Nghệ Thuật, Văn, Vấn Đề chúng tôi làm, phần lớn là anh em nhà văn miền Bắc. Không có Nam Bắc với Bình Nguyên Lợc, chỉ có văn chương, chỉ có hợp tác, chỉ có bằng hữu. Tôi làm biếng lắm, ít khi đi đâu, đến chơi tôi nhé. Thân tình, hòa nhã. Cái truyện ngắn này dục tôi viết gấp, thì phải viết gấp, không được tốt lắm, thôi dùng tạm vậy. Nhũn nhặn, bình dị. Một năm trong bốn năm liền cùng ở chung trong Hội Đồng Giám Khảo giải thưởng Văn Chương toàn quốc, ông từ chói nói chứng áp huyết không còn leo nổi những bực thềm cao của Dinh Độc Lập, cặp mắt đã yếu chẳng thể nào đọc hết được những tác phẩm dự thi. Nài mãi mới nhận. Nhưng cười, giao hẹn: “Vậy phải đọc hết giùm tôi, rồi đưa cho tôi đọc mười cuốn khá nhất.” Nghiêm chỉnh. Ngay thẳng. Năm đó, ông không vào Dinh Độc Lập được thật. Những bực thềm cao quá cho tài viết hàng đầu.

Rồi là cái công trình Văn Học cuối đời của Bình Nguyên Lộc. Cuốn Nguồn Gốc Mã Lai Của Dân Tộc Việt Nam đã phác thảo, đã in thành sách, trọn năm năm trời, tìm kiếm, sưu tập, thu thập thêm một kho tàng tài liệu mới, đã hoàn tất thành một biên khảo vĩ đại hơn một ngàn trang. Cộng Sản vào Nam. Thiên biên khảo kỳ công vẫn còn là bản thảo. Một lần tới thăm, tôi hỏi Bình Nguyên Lộc về công trình văn học đó. Và đó cũng là lần thứ nhất tôi thấy Bình Nguyên Lộc buồn phiền và thất vọng. Trèo qua cái giường ngủ, ông lấy từ một giá sách cao xuống một tập bản thảo nặng chĩu, trao nó cho tôi. Giọng ông trào lộng mà nụ cười thật buồn:

- Nó đây.

Và chỉ tay lên cái giá sách bụi bậm:

- Kia là mồ chôn nó.

Kế đó, ông thuật cho tôi hay về số phận của thiên biên khảo lịch sử, mà nguồn gốc dân tộc Việt, theo sử quan và chứng minh Bình Nguyên Lộc, không từ miền Bắc xuống mà từ biển ngoài vào. Một nhóm những người cao cấp về biên khảo lịch sử của nhà nước Cộng Sản từ Hà Nội vào, được nghe nói về công trình biên khảo này của Bình Nguyên Lộc. Họ tới. Tỏ lòng ngưỡng mộ, rồi xin được mượn tập bản thảo về đọc, nói sẽ có nhận xét, sẽ có thảo luận. Mấy tuần sau, tập bản thảo được gửi trả lại với một lá thư ngắn nói quan điểm lịch sử nói chung và nguồn gốc dân tộc nói riêng của Bình Nguyên Lộc hoàn toàn thoái hóa và sai lầm đối với quan điểm biện chứng duy vật lịch sử cách mạng, khoa học và tiến bộ.

Thuật lại xong, ông lắc đầu, sự thất vọng hiện rõ nhưng giọng nói vẫn từ tốn:

- Thế là gạt bỏ, thế là phủ nhận. Nói là để đối chiếu, để thảo luận, mà không có gì ráo trọi. Tôi buồn vì cái công trình của mình, nhưng buồn hơn cả là cái sự gạt bỏ của miền Bắc đối với sách tôi không phải là một thái độ văn học, không hề được đặt trên căn bản văn học. Nói đến văn học, tuyệt đối không thể nói đến một lập luận, một giá trị độc tôn nào. Phải nhiều lập luận khác biệt, phải nhiều khái niệm đối nghịch, một vấn đề văn học, một nghi vấn lịch sử mới được chiếu sáng. Khoa học lịch sử thiết yếu phải có được yếu tính và tinh thần đó. Tôi buồn nhất là ở cái sự không có tranh luận, không có đối thoại ấy mà thôi. Chứ không hoàn toàn vì sách tôi không bao giờ còn hy vọng được in ra.

Tập bản thảo nghìn trang, mồ chôn là cái giá sách bụi bậm. Hai chậu vạn niên thanh xanh ngắt một màu xanh muôn thuở. Trí thức dựng cao lũy hoa. Một nhân cách chói lòa trong tự trọng một đời, đã tám năm im lặng trong ngôi nhà đóng kín. Chẳng bao giờ tôi còn được sáng sáng tới thăm Bình Nguyên Lộc nữa và Vũ Hoàng Chương đã mất. Nhưng ở thật xa và cách thật lâu rồi mà rõ thì vẫn thật rõ. Về Bình Nguyên Lộc, nhà văn miền Nam hàng đầu của văn học ta rõ bởi cái ánh sáng ấy, cái ánh sáng của một nhân cách rực rỡ, tôi đã nhìn thấy không ngừng, sau đổi đời và giữa cộng sản, sáng sáng đạp xe qua một Sài Gòn đổi chủ ngừng xe lại trước nhà có hai chậu vạn niên thanh.

MAI THẢO
[trích Chân Dung Mười Lăm
Nhà Văn Nhà Thơ Việt Nam,
Nxb Văn Khoa 1985]
(Via Diễn Đàn Thế kỷ)

16 January 2017

Vì sao tiền ‘kiều bào ta’ gửi về Việt Nam giảm?

Phạm Chí Dũng

Chủ nghĩa lạc quan kiều hối của giới quan chức kim tiền Việt Nam đã bị giáng một đòn đau điếng khi lượng kiều hối thực về Việt Nam năm 2016 lao dốc hiếm thấy.

Âm 25%!

Sài Gòn – nơi vẫn được “trung ương” xem là “điểm sáng” về kiều vận đồng bạc xanh chủ yếu từ khối “kiều bào” ở Mỹ – chỉ nhận được $4.3 tỷ tính đến hết Tháng Mười Một, 2016, thấp hơn dự kiến đến 10%.

Với cái tên cũ là Sài Gòn và là địa chỉ đã được ước tính có đến vài triệu người có thân nhân ở nước ngoài, thành phố này thường tập trung đến 50% lượng kiều hối chuyển về Việt Nam. Nếu lượng kiều hối về Sài Gòn giảm thì kiều hối chảy vào Viẹt Nam tất yếu giảm theo. Theo đó, lượng kiều hối “tất cả cho chủ nghĩa xã hội” chỉ vào khoảng $9 tỷ trong năm 2016, thấp hơn tới 25% so với dự báo là khoảng $12 tỷ.

Cú lao dốc hiếm thấy trên sẽ càng có ý nghĩa nếu đối chiếu trong hơn 23 năm qua, dòng kiều hối về Việt Nam đã tăng khoảng gần 100 lần, từ mức $140 triệu năm 1993 lên $10 tỷ năm 2012; $11 tỷ năm 2013; $12 tỷ năm 2014, và hơn $13.2 tỷ năm 2015, đưa Việt Nam đứng thứ ba tại Châu Á và đứng thứ 11 trên thế giới về thu hút kiều hối. Những con số thống kê đầy lạc quan của chính quyền cho biết trong giai đoạn 2002-2015, kiều hối chiếm khoảng 6% GDP, trong khi vốn FDI và ODA vào Việt Nam lần lượt là 7.7% và 3% GDP. Mức tăng trung bình liên tục của lượng kiều hối những năm gần đây là 10 đến 15%/năm.

Nhưng sau hơn hai chục năm duy trì xu hướng tăng liên tục, hiện tượng rất đáng chú ý là vào năm 2016, lần đầu tiên dòng kiều hối bị khựng lại, suy giảm rất mạnh và báo hiệu về dòng kiều hối này có thể đảo chiều trong những năm tới.

Câu hỏi đặt ra là cú sụt giảm của lượng kiều hối sẽ gây ảnh hưởng thế nào đến nền kinh tế Việt Nam?

Kiều hối bước vào chu kỳ giảm?

Nếu vào thời hoàng kim của kinh tế Việt Nam vào những năm 2006-2007, kiều hối có giảm cũng khó có tác động tiêu cực đến nền kinh tế này. Nhưng khi kinh tế Việt Nam đã trải qua tám năm suy thoái liên tiếp tính từ năm 2008, bất cứ một sự giảm sút nào về luồng tài chính ngoại vận cũng khiến nền kinh tế phải chịu thêm áp lực khủng hoảng.

Với $3 tỷ bị sụt giảm từ lượng kiều hối, GDP danh nghĩa của Việt Nam sẽ bị giảm khoảng 1.5% trong năm 2016. Đây cũng là bối cảnh mà $3 tỷ sụt giảm từ kiều hối năm 2016 lại đúng bằng con số $3 tỷ mà vào cuối năm 2015, chính phủ của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng hào hứng thông báo trước công luận về kế hoạch phát hành “trái phiếu quốc tế.” Tuy nhiên, cho đến giữa năm 2016, toàn bộ kế hoạch phát hành này đã coi như bị phá sản, với lý do đơn giản là& không có người mua.

Trong khi đó, từ Tháng Bảy, 2017 trở đi, Việt Nam sẽ phải vay ODA với lãi suất không còn ưu đãi như vài chục năm trước, mà ngang giá với thị trường quốc tế, cùng thời gian vay không còn ân hạn như trước đây.

Thậm chí, cho tới nay, tiến độ giải ngân các dự án đã ký kết vay ODA vẫn “chậm như rùa,” trong đó có một nguyên nhân chính là ngân sách Việt Nam không đủ tiền để cung ứng vốn đối ứng – thường chiếm khảng 15-20% tổng vốn vay – theo điều kiện của hợp đồng vay vốn ODA.

Việc kiều hối năm 2016 bị “đảo chiều” còn có thể báo hiệu trước một thời kỳ suy giảm liên tiếp kiều hối chảy về Việt Nam, càng khiến nền kinh tế nước này thiếu hẳn sức sống.

Vì sao giảm?

Một nguyên nhân chính làm giảm kiều hối được các cơ quan Việt Nam nêu ra là động thái tăng lãi suất của Cục Dự Trữ Liên Bang Mỹ (FED) trong Tháng Mười Hai, 2016 và việc bỏ ngỏ khả năng sẽ tăng liên tiếp lãi suất USD ba lần tới trong năm 2017 đã, đang và sẽ tạo động lực giữ chân đồng đô la kiều hối từ Mỹ chuyển về Việt Nam.

Nguồn cung kiều hối từ thị trường Mỹ lại chiếm khoảng 60% tổng kiều hối từ hơn 4 triệu người Việt Nam sinh sống và làm việc tại 187 quốc gia trên thế giới, khi kiều hối từ thị trường này giảm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tổng lượng kiều hối về Việt Nam.

Nhưng có phải động thái tăng lãi suất của FED mới là nguyên nhân chính yếu khiến giảm kiều hối về Việt Nam? Nếu đây là nguyên nhân chính thì tại sao vào cuối năm 2015, FED cũng đã tăng lãi suất thêm .25% nhưng lượng kiều hối về Việt Nam vẫn đạt mức kỷ lục hơn $13 tỷ? Hoặc nếu đây là nguyên nhân chính thì tại sao kiều hối đã giảm từ đầu năm 2016, trong khi FED chỉ thực hiện tăng lãi suất vào cuối năm 2016?

Trong khi đó, trước và sau hành động tăng lãi suất của FED, khá nhiều chuyên gia nhà nước đã công khai trấn an rằng động thái này chẳng mấy ảnh hưởng đến cơ chế ổn định tỷ giá và tình hình kinh tế Việt Nam. Theo cách nói đó, lý do đổ cho kiều hối giảm do FED tăng lãi suất là thuyết phục.

Vấn đề còn lại chỉ là mục đích kiều hối.

Những năm gần đây, thống kê của Ngân Hàng Nhà Nước và một số bộ ngành cho biết tỷ lệ kiều hối chảy vào sản xuất, kinh doanh chiếm 70.6% tổng kiều hối chuyển về Việt Nam; tỷ lệ kiều hối chuyển vào bất động sản chiếm khoảng 20.7%.

Trước đó, vào năm 2011, bất động sản chính là lĩnh vực “hút” kiều hối nhiều nhất với $4.7 tỷ, chiếm 52% tổng doanh số kiều hối năm đó.

Một trong những lý do giải thích lượng kiều hối năm 2015 tăng mạnh là do tác động tích cực từ chính sách cho phép người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam kể từ ngày 1 Tháng Bảy, 2015 theo Luật Nhà Ở.

Tuy nhiên, đến năm 2016, chính sách này dường như đã bão hòa. Thông tin từ những tờ báo chuyên viết về thị trường địa ốc cho biết nhu cầu và thực tế người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam không tăng đáng kể.

Khác hẳn giai đoạn 2006 – 2007 là thời hoàng kim của hai thị trường chứng khoán và bất động sản, cũng khác với các dự báo liên tục qua những năm gần đây của giới chuyên gia nhà nước và công ty nhà đất về “thị trường bất động sản đang ấm lên,” trên toàn quốc vẫn còn tồn ít nhất 30,000 căn hộ cao cấp quá khó bán và sẽ phải chịu “xả lũ” bởi một nguồn cung với con số tương đương như thế trong vài năm tới. Trong lúc đó, tâm lý chung của người dân có tiền nhàn rỗi vẫn là mua đất. Thị trường bất động sản cũng bởi thế chưa cải thiện được bao nhiêu.

Gần như chấm dứt mọi hy vọng sau chuỗi năm bê bết, hầu hết các thị trường đầu cơ ở Việt Nam như chứng khoán, vàng, ngoại tệ đều chìm nghỉm hoặc có tỷ suất sinh lời quá thấp.

Năm 2016 cũng là bối cảnh u ám của nhiều ngành sản xuất, từ dệt may, đến thủy sản và cả nông nghiệp. Số doanh nghiệp phá sản tiếp tục “nâng lên một tầm cao mới” so với năm 2015. Tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt, trong lúc thị trường xuất cảng chính của Việt Nam vào Mỹ dần bị co hẹp.

Ngay cả ngân hàng – ngành có tỷ suất lợi nhuận cao cách đây năm năm – giờ đây đang rơi vào cơn suy trầm. Một nửa số ngân hàng thương mại có thể phải bị “tái cơ cấu” và do dó sẽ không còn tồn tại. Ngày càng nhiều vụ lãnh đạo ngân hàng bị bắt giam vì gây thất thoát và tham nhũng. Lượng cho vay từ ngân hàng ra thị trường sản xuất và kinh doanh vẫn giậm chân tại chỗ. Trong khung cảnh lãi suất cho vay vẫn treo cao nhưng lại quá thiếu thốn đầu ra, nhiều doanh nghiệp vẫn cố thủ trong tâm thế bế tắc “Vay ngân hàng để mà tự sát à!”

Sẽ không ngạc nhiên nếu từ năm 2016 trở đi, bắt đầu một chu kỳ suy giảm đáng kể của dòng kiều hối của “kiều bào ta” về miền đất đã chìm trong cơn suy thoái kinh tế năm thứ chín liên tiếp, tràn ngập bất ổn xã hội và bất ổn chính trị, và nhiều nguy cơ sắp rơi vào cuộc khủng hoảng không lối thoát.

Phạm Chí Dũng
Nguồn: nguoi-viet.com/binh-luan

15 January 2017

Con Lợn Sề

Một con lợn sề bị đem ra chọc tiết, nó đau đớn kêu gào thảm thiết.

Bụt hiện ra hỏi:
- Vì sao con khóc?
Con lợn sề rưng rưng nước mắt:
- Thưa Bụt, cuộc đời này thật bất công! Con sinh ra đã mang thân hình xấu xí, cả đời phải ăn cơm thừa canh cặn, thế mà cuối cùng lại bị giết thịt để làm thức ăn cho kẻ khác, vậy công bằng ở đâu?

Bụt cười:
- Con không hiểu rồi! Để ta giải thích cho con. Cuộc đời này có luật nhân quả, có kiếp luân hồi.
Kiếp trước con bỏ ngoài tai những lời dạy bảo của ông bà cha mẹ, nên kiếp này trời phạt cho con mang đôi tai to.
Kiếp trước con nhắm mắt làm ngơ trước những cảnh cơ cực của người khác, nên kiếp này trời phạt cho con mang đôi mắt híp.
Kiếp trước con ngồi ì một chỗ nhiều, nên kiếp này trời bắt con mang chân ngắn, bụng to.
Kiếp trước con nói nhiều làm ít, lừa phỉnh chúng sinh, nên kiếp này trời bắt giọng con " khịt khịt ".
Kiếp trước con hát Karaoke nhiều, nên kiếp này trời bắt mõm con nó dài.
Kiếp trước con sa đọa trụy lạc, nên kiếp này trời phạt con mang nhiều vú.
Kiếp trước con ăn chơi phè phỡn bằng tiền mồ hôi nước mắt của người khác, nên kiếp này trời bắt con ăn cơm thừa canh cặn.
Kiếp trước con hãm hại nhiều người vô tội, nên kiếp này trời phạt con bị giết thịt.

Con đã giác ngộ ra chưa?
Con lợn sề gạt nước mắt, sinh nghi, băn khoăn tự hỏi: "Chả lẽ kiếp trước mình là một tên quan chức ở CHXHCN Việt Nam?"
(St)

Từ Công Phụng: Nét Nhạc, Lời Ca và Tiếng Hát

Nguyễn Phụng

Điểm đáng ghi nhớ nhất của cuộc Họp Mặt Quốc Gia Hành Chánh 2016 tại Orlando Florida là bảy ngày gặp gỡ trên du thuyền Allure of the Seas và ba đêm tâm tình và ca hát với sự tham gia của ca nhạc sĩ thành danh Từ Công Phụng (TCP). Trong ba lần sinh hoạt đó, tôi có dịp hát chung với TCP và đệm đàn cho TCP hát. Tôi ghi xuống đây mấy cảm nghĩ của tôi về nét nhạc, lời ca và tiếng hát của đồng môn tài hoa này.

TCP bắt đầu sáng tác khi anh 18 tuổi. Cũng như nhiều nhạc sĩ Việt Nam khác, anh phải tự mò mẫm học lý thuyết nhạc; tài liệu gối đầu giường của anh là quyển Hòa Âm và Phối Khí, Harmonie et Orchestration, của Robert de Kers (Paris, 1944) [1]. Mấy dòng sơ lược trên cho thấy vốn liếng nhạc lý của TCP chẳng là bao so với Phạm Duy, Cung Tiến, Phạm Trọng hay các bậc thầy Vũ Thành, Văn Phụng, Võ Đức Thu… Nhưng điều đó lại nói lên rất nhiều về nét tài hoa của TCP [2]. Sáng tác nhạc dù đòi hỏi kỹ thuật nhưng tựu trung là một nghệ thuật, một khả năng thiên phú, biểu hiện qua nét nhạc, lời ca và tài phổ thơ của tác giả.

* * *

Tiếng gió rít qua khe núi, tiếng suối reo, tiếng sóng biển rạt rào, tiếng gió vi vu trong hàng cây… là âm nhạc. Âm nhạc tuy rất gần gũi và hòa lẫn vào cuộc sống chúng ta nhưng lại rất khó nắm bắt. Lý do chính là âm nhạc được tạo thành bởi sự chồng chất âm thanh theo chiều thẳng đứng hay sự trải dài các âm thanh theo chiều ngang; nói khác đi, âm nhạc là sự phân phối âm thanh trong không gian và thời gian theo các khoảng cách giữa các âm thanh và một trật tự nào đó. Nhờ sự phân phối đó, tiếng sóng vỗ vào mạn thuyền hay tiếng chim gọi đàn nghe rất êm tai, vỗ về, mời gọi… Một điều lạ là sự phân phối thiên nhiên đó lại gần gũi với toán học; thành ra lý thuyết nhạc, cũng như nhiều lý thuyết khác, dựa nhiều vào con số. Vì lý do đó, nét nhạc trong ca khúc không thể diễn tả đầy đủ bằng ngôn ngữ; hậu quả là các bài viết về ca khúc đều chỉ nhằm vào lời ca và bỏ qua phần nét nhạc; và các bài viết về TCP từ trước đến nay cũng nằm trong tình trạng đó. Đó là một khiếm khuyết lớn.

Nét nhạc trong tình ca TCP rất đặc biệt, khó bị lầm lẫn với nét nhạc của các tác giả khác. Lý do chính là TCP tự học nhạc, không thuộc một nhóm nào (như nhóm Đồng Vọng của Lê Thương, Hoàng Quý ở Hải Phòng hay nhóm Myosotis của Thẩm Oánh, Dương Thiệu Tước tại Hà Nội) nên tự phát triển một đường lối riêng biệt. Nhiều nhạc sĩ danh tiếng như John Lennon của nhóm The Beatles cũng tự học và tạo cho mình một chỗ đứng riêng biệt, nhưng trường hợp của TCP trong hoàn cảnh nhạc học còn kém phát triển của Việt Nam có lẽ cần một lời giải thích ngắn gọn.

Có thể TCP chịu ảnh hưởng của ai đó và có thể nhiều lắm -- nhạc tiền chiến, nhạc đương thời, nhạc cổ điển Tây phương…-- nhưng bao lớp đất, cát, phù sa bồi đắp vào mảnh đất TCP đã hòa lẫn vào nhau để thành một khu vườn riêng biệt màu mỡ. Và từ khu vườn đó, theo thời gian và thăng trầm thế sự, tiếng gió gọi chiều, tiếng mưa rơi trên mái, tiếng thở dài ai xa vắng, tiếng hát ai bay cao, tiếng đàn ai nhỏ giọt trong đêm thâu… đã hòa tan vào hơi thở, máu huyết và nhịp tim của TCP để thành bài ca tâm tình riêng của TCP. TCP không bắt chước mà thu nhập rồi tiêu hóa để tạo một nét tài hoa riêng biệt; vì vậy, trước đây và chắc sau này, chắc chẳng ai bắt chước được nét tài hoa độc đáo đó của TCP.

Cũng như trong hội họa, vẻ đẹp trong nhạc bao gồm cả hai yếu tố đối nghịch đơn giản và phức tạp. Bức tranh phác họa tài tình chỉ với vài nét đơn sơ và bức tranh vẽ trên tường danh tiếng với từng khối màu sắc to lớn chồng chất lên nhau đều đẹp. Vẻ đẹp của nhạc TCP bao gồm cả hai yếu tố đối nghịch đó. Nhìn chung, nhạc Trịnh Công Sơn khá đơn giản, chỉ tiếng đàn đệm vững vàng của một cây guitar cũng có thể đủ đưa nét đáng yêu của bài hát đến người nghe, hòa âm phối khí rắc rối không cần thiết. Nhạc của TCP phức tạp hơn, hòa âm phối khí rất kỹ thuật có thể tô đậm nét đẹp của bài nhạc. Nói như vậy không có nghĩa là nhạc TCP sẽ trở thành nhạc giao hưởng trong nay mai. Cung Tiến và Phạm Trọng (cả hai đều học nhạc, theo thứ tự, tại Úc-Anh và Pháp) và viết nhạc thính phòng nhưng họ không có quần chúng; Phạm Duy nỗ lực biến các trường ca Mẹ Việt Nam và Con Đường Cái Quan thành nhạc không lời, nhưng không thành công vì trong bản chất, các trường ca đó chỉ là tập hợp các ca khúc; rõ hơn, nhạc

trong ca khúc được chuyên chở phần lớn bởi lời ca, thiếu vắng nhiều yếu tố của nhạc thính phòng. Dù sao, một số bản nhạc của TCP với melody nhiều màu sắc và nhiều biến chuyển thích thú, có thể dung nạp vài phần phối khí phức tạp và sẽ đem đến sự hài lòng cho một số người nghe sành điệu.

Thông thường đa số nhạc sĩ sáng tác bằng cách nghĩ đến một khuôn mẫu gồm chủ âm (như C chẳng hạn) và một tiến trình của các hợp âm xoay quanh chủ âm đó như (C àDm àG7 àC), hoặc (CàAm àDm àG7 àC) rồi tìm ý nhạc và nốt nhạc thích hợp với khuôn mẫu đó. Qua lời tâm tình, TCP ít viết nhạc theo các khuôn mẫu đó. TCP thường bắt đầu bằng một nét nhạc (melody), từ nét nhạc đó tìm đến các biến thể của nó để thành hình bài nhạc, và sau cùng đặt các hợp âm để tô điểm và hoàn chỉnh bản nhạc bằng vài thay đổi nào đó.

Các khuôn mẫu tuy có thể thay đổi bằng cách thêm bớt theo nhiều kiểu, như thay Am và bằng A7 và Dm bằng D7 để có một khuôn mẫu mới (CàA7 àD7 àG7 àC). Tuy vậy, sự thay đổi đó cũng rất giới hạn. Đó là lý do chính tại sao đa số nhạc bản sáng tác theo các khuôn mẫu (như nhạc thời trang tình lính chiến trong thập niên 1960 tại Miền Nam) khá tương tự nhau. Ngược lại, viết nhạc dựa vào nét nhạc nào đó chợt đến với nhạc sĩ đem đến sự cá biệt cho mỗi sáng tác vì nét nhạc đến với nhiều dáng vẻ khác nhau, trong nhiều tâm trạng và hoàn cảnh khác nhau. Lý do đó giải thích tại sao nhạc TCP rất biến đổi, đa dạng, mỗi bản mang một màu sắc riêng biệt; và từ đó, nhạc TCP rất riêng biệt, không lẫn lộn với sáng tác của các tác giả khác.

Chen vài âm chói tai (như âm trắc trong thơ) vào câu nhạc và biến đổi dòng nhạc (modulation) để bài nhạc không đơn điệu, nhàm chán, lôi cuốn người nghe, gây hứng thú cho người hát hay người đàn… là một tài năng của nhạc sĩ sáng tác. Về điểm này, TCP là một tay sành điệu. Trong nhạc có thơ, thơ là melody của bản nhạc; TCP làm thơ với các melody buồn man mác, nhẹ nhàng, trầm bổng, xa xôi và với nhiều biến đổi thích thú…

13 January 2017

Ngoại trưởng tân cử Mỹ: Cần không cho Trung Hoa tiếp cận các hải đảo trên Biển Đông

Bộ trưởng ngoại giao tân cử Rex Tillerson trong phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện về phê chuẩn chức vụ ngoại trưởng Mỹ vào thứ tư 11 tháng 1 vừa qua đã vạch ra đường lối cho cuộc chạm trán có thể rất nghiêm trọng với Bắc Kinh, khi nói rằng Trung Hoa cần phải bị ngăn cản không được đến các đảo họ đã tân tạo nơi vùng Biển Đông đang có tranh chấp.

Trong lời bình có thể làm Bắc Kinh nổi giận, Rex Tillerson nói trước Ủy Ban Ngoại Giao Thượng Viện rằng việc Trung Hoa xây các đảo nhân tạo và để các thiết bị quân sự trên đó so với việc Nga chiếm đoạt Crimea của Ukraine "có cùng bản chất".

Được hỏi rằng liệu ông có hỗ trợ một lập trường mạnh bạo hơn với Trung Hoa hay không, ông đáp: "Chúng ta sẽ phải gửi cho Trung Hoa một tín hiệu rõ ràng là, thứ nhất, phải ngưng xây đắp đảo và, thứ hai, việc quý vị tiếp cận các đảo đó cũng sẽ không được cho phép".

Ngoại trưởng tân cử cựu chủ tịch và tổng giám đốc Công ty Exxon Mobile đã không nói chi tiết cụ thể về những điều có thể làm để ngăn chận Trung Hoa tiếp cận các hải đảo họ đã tạo dựng có đường băng dài quân sự và các pháo đài trong giải san hô ở Biển Đông.

Chính quyền tiếp quản của TT Trump đã không trả lời cụ thể ngay về câu hỏi làm thế nào để khả dĩ phong tỏa người Trung Hoa tiếp cận các đảo nhân tạo.

Rex Tillerson cũng nói rằng Washington cần tái khẳng định cam kết đối với Đài Loan mà Bắc Kinh coi như một tỉnh phản loạn, nhưng ông không vượt qua lằn ranh chính sách một nước Trung Hoa bấy lâu của Washington. "Tôi không hề biết bất cứ một phương án nào nhằm thay đổi 'Chính sách một nước Trung Hoa' cả."

Tillerson nói rằng ông cho rằng hành động của Trung Hoa ở Biển Đông là "cực kỳ gây lo âu" và điều đó sẽ đe dọa "toàn thể hoạt động kinh tế thế giới" nếu như Bắc Kinh chiếm quyền kiểm soát ra vào Biển Đông, một vùng quan trọng chiến lược về quân sự và một tuyến giao thương chính yếu".

Ông quy trách tình thế hiện nay vào điều ông cho là phản ứng không tương xứng của Mỹ. "Không đáp ứng nổi tình thế đã khiến cho họ  cứ thế mà làm tới".

(TTR chuyển ngữ phần quan trọng
từ Time online, 11.1.2017)

Rex Tillerson Says China Should Be Denied Access to Islands in the South China Sea

12 January 2017

VNTB- The China Post: Chính phủ VN đã ký một thỏa thuận bí mật với Formosa Plastics

The China Post
9.1.2017
(Bản dịch của Vũ Quốc Ngữ)

(VNTB) - Chính phủ Việt Nam cho biết đã ký một thỏa thuận bí mật với Formosa Plastics, trong đó ngăn chặn cả hai bên trong việc tiết lộ bất kỳ thông tin chi tiết của thỏa thuận.

Vào tháng Tư năm 2016, một tòa án tối cao bác bỏ kháng cáo để tăng mức phạt đối với Công ty phát thanh Mỹ (Radio Company of America - RCA), sau khi nó gây ra một trong những thảm họa ô nhiễm công nghiệp tồi tệ nhất trong lịch sử của Đài Loan 24 năm trước đó.

Các kháng cáo nhằm tăng mức phạt lên 10 lần, từ 560 triệu tệ Đài Loan lên 5,58 tỷ tệ Đài Loan.

Trong nhiều năm qua, nhiều nhân viên của RCA ở Đài Loan đã bị tiếp xúc với các chất ô nhiễm gây ung thư. Các nhân viên đã không được trang bị với các thiết bị an toàn thích hợp, họ cũng không được thông báo về những rủi ro gắn liền với công việc của họ.

Khoảng 2.000 đến 3.000 nhân viên trong tổng số 20.000 người đã bị ung thư và đã có 216 người bị chết.

Trong cùng tháng với thời điểm kháng cáo bị từ chối, một vùng biển trải dài 200 km thuộc ven biển ở miền Trung Việt Nam đã bị phát hiện ô nhiễm nghiêm trọng.

Các chất ô nhiễm đã giết chết hàng tấn cá, phá hủy môi trường, và cùng với nó đến đời sống của hàng trăm ngàn cư dân.

Nhưng nguồn gốc của vụ việc mà Thủ tướng Việt Nam gọi là "thảm họa môi trường tồi tệ nhất nước từng thấy", gây ra không phải bởi một công ty đa quốc gia phương Tây mà là do một nhà máy thép Đài Loan sở hữu bởi một công ty con của tập đoàn hóa dầu Formosa Plastics.

Hai sự cố, mặc dù cách nhau gần 30 năm, chịu sự tương đồng nổi bật.

Sự khác biệt duy nhất bây giờ, đó là Đài Loan đã chuyển từ nạn nhân thành kẻ bách hại.

Các cuộc biểu tình bị đàn áp, vụ kiện bị từ chối, hoạt động phục hồi.

Vào cuối tháng Sáu năm 2016, một đại diện của công ty Formosa Plastics đã xin lỗi người dân Việt.

Công ty nhận trách nhiệm về việc gây ô nhiễm nước sau khi phủ nhận bất kỳ hành vi sai trái nào trong hai tháng trước đó.

Chính quyền trung ương của Việt Nam nhận bồi thường 500 triệu USD từ Formosa để đền bù đắp cho cư dân.
 
Nhưng cho đến nay, những người bị ảnh hưởng bởi vụ việc vẫn chưa nhận được một đồng đô la tiền bồi thường, và không có bằng chứng khoa học cho thấy rằng các vùng nước bị ô nhiễm hiện nay đã được tẩy rửa.

Trong khi đó, nhà máy thép đã nối lại hoạt động, bất chấp phản đối tiếp từ người dân địa phương và người Việt khắp nơi trên thế giới.

Trong tám tháng kể từ đó, hàng tấn cá chết tiếp tục dạt vào bờ.

Nhà hoạt động nhân quyền và linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hùng, khi nói với The China Post hôm thứ sáu, cũng tuyên bố rằng hai công nhân được Formosa Plastics giao nhiệm vụ lặn dưới nước và kiểm tra trên các đường ống dẫn chất thải phóng đã chết.

Theo tờ báo Việt Nam Express, nhiều cuộc biểu tình hòa bình bên ngoài nhà máy thép Hà Tĩnh và trụ sở Formosa Plastics tại Việt Nam biến thành bạo lực khi lực lượng cảnh sát và lực lượng bảo vệ đánh đập người biểu tình, trong khi nhiều nhà báo công dân bị giam giữ trong nhiều ngày với cáo buộc “kích động bất ổn xã hội bằng cách chụp ảnh các cuộc biểu tình để đăng bài trên phương tiện truyền thông xã hội.”

Một tòa án Việt Nam từ chối một vụ kiện với hơn 500 đơn kiện của cư dân, những người cho rằng cuộc sống của họ đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự cố.

Thêm dầu vào lửa, một đại diện của Formosa Plastics tên Chu làm người dân địa phương tức giận bằng cách nói với một cuộc họp báo được tổ chức ngay sau khi vụ việc vỡ lở rằng Việt Nam phải lựa chọn một trong hai, giữa cá hay phát triển công nghiệp của đất nước.

Câu nói của Chu đã dẫn đến chiến dịch #ichoosefish trên phương tiện truyền thông xã hội, tạo ra một làn sóng lên án chống lại Formosa Plastics và tìm kiếm sự ủng hộ của quốc tế về vụ việc.

Thỏa thuận bí mật

Nhưng bất chấp sức ép từ các nhóm trong và ngoài Việt Nam, Formosa Plastics vẫn từ chối để làm rõ những hợp chất hóa học nào đã được xả thải vào nước biển, những tai hại mà chúng đã và sé gây ra cho con người và môi trường, và mất bao lâu để phục hồi các hệ sinh thái địa ven biển và các chi tiết của bất kỳ hoạt động dọn dẹp nào.

"Việc bồi thường là rất quan trọng cho người dân để họ có thể qua được những tháng khó khăn, nhưng những gì họ quan tâm nhất là làm thế nào để có được cuộc sống của họ trở lại," linh mục Việt Hùng cho biết, người hiện đang ở Đài Loan để tìm kiếm sự hỗ trợ từ chính phủ ở Đài Bắc.

"500 triệu Mỹ kim đã bốc hơi vào không khí. Chúng tôi muốn minh bạch, chúng tôi muốn biết chính phủ sử dụng số tiền đó như thế nào, và khi nào chúng ta có thể bắt đầu đánh bắt cá một lần nữa."

Chính phủ Việt Nam cho biết đã ký một thỏa thuận bí mật với Formosa Plastics, trong đó ngăn chặn cả hai bên trong việc tiết lộ bất kỳ thông tin chi tiết của thỏa thuận.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - một trong những nhân vật phải chịu trách nhiệm về "thỏa thuận bí mật với Formosa"

Dân biểu Chen Man-li của Đảng Dân chủ Cấp tiến (Democratic Progressive Party) đã tổ chức một buổi điều trần công khai hồi tuần trước về vụ việc, thu thập ý kiến ​​từ các nhóm dân sự về cách pháp luật của quốc gia có thể được sửa đổi để đảm bảo rằng không một công ty Đài Loan nào có thể lặp lại các hành động tương tự như Formosa Plastics trong tương lai.

Chen nói với tờ The China Post rằng pháp luật hiện hành không ngăn chặn một công ty địa phương trong việc ký hợp đồng bảo mật như vậy với các chính phủ nước ngoài, cũng như không thể buộc các công ty Đài Loan tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế về kiểm soát ô nhiễm khi hoạt động ở nước ngoài.

Chen cho rằng, với mong muốn của Đài Loan trong việc mở rộng lợi ích thương mại của mình ở nước ngoài - đặc biệt là ở các nước Đông Nam Á, nơi luật bảo vệ môi trường là tương đối yếu rằng “Chúng ta phải nhớ không bao giờ trở thành RCA, một công ty mà chúng ta vô cùng phẫn nộ.”

Nguồn: VNTB:

Quanh vị tân tổng thống Donald Trump

Lê Huỳnh

Trong cuộc tranh cử vòng loại trong đảng Cộng hòa, tuy chưa có kinh nghiệm về chính trị (chưa giữ một chức vụ công cử nào), ông Donald Trump -một nhà kinh doanh thành công (tỷ phú địa ốc) đã lần lượt vượt qua hết 16 nhân vật lão luyện trong chính trường Mỹ, đã từng là thống đốc các tiểu bang (Rick Perry, bang Texas, Scott Walker, bang Wisconsin, Bobby Jindal, bang Louisiana, George Pataki, bang New York, Jeb Bush (con trai của cựu Tổng thống George H.W Bush và em trai của cựu Tổng thống George W. Bush), bang Florida, … và nghị sĩ (Lindsey Graham, South Carolina, Rand Paul, Kentucky, Rick Santorum, Pennsylvania, Marco Rubio, Florida, Ted Cruz, Texas), đúng ra là tất cả đều lần lượt bỏ cuộc vì qua các cuộc thăm dò, họ đều thua xa ứng cử viên Trump.

Tranh cuộc chạy đua vào Bạch ốc với bà nghị sĩ Hilary Clinton (đảng Dân chủ), qua các cuộc thăm dò dư luận từ đầu chí cuối, Trump chưa bao giờ vượt qua Clinton, thế mà kết cuộc Trump lại đại thắng, bỏ xa Clinton, 306 phiếu đại cử tri (hay cử tri đoàn) so với 232, trong khi Clinton hơn Trump về số phiếu cử tri phổ thông (65.224.885 so với 62.679.229), giống như trường hợp tranh cử năm 2000 giữa George W. Bush (đảng Cộng hòa) và Al Gore (đảng dân chủ) với tỷ lệ khá sít sao về số phiếu đại cử tri (271/266), trong khi số cử tri phổ thông thì lại ít hơn (50 456 002/50 999 897).

Đây là điều nghịch lý, thoạt nhìn ai cũng thắc mắc, nhưng đó là do luật bầu cử Mỹ qui định, tổng số phiếu đại cử tri của các tiểu bang mới là yếu tố quyết định, ngoại trừ hai tiểu bang Maine và Nebraska, số đại cử tri phân chia theo tỷ lệ cử tri thường như Maine (số đại cử tri, H Clinton được 3, D. Trump vẫn được 1), các tiểu bang khác thì số phiếu cử tri thường quyết định toàn bộ số đại cử tri theo nguyên tắc «được ăn cả ngã về không “winner takes all”» nên chi ai thắng thế dầu với tỷ lệ rất cao ở các tiểu bang nhỏ không bằng thắng với tỷ lệ sít sao ở các tiểu bang lớn, để dễ hiểu, xin tạm mượn một thí dụ thực tế qua đồ biểu dưới đây:


Đồ biểu trên cho thấy ứng cử viên Clinton thắng lớn ở đơn vị nhỏ District of Columbia, nhưng lại thua Trump ở hai đơn vị lớn Florida và Pennsylvania, mặc dầu số cử tri thường Trump kém Clinton 60,664 phiếu (248,670-188,006), nhưng lại là kẻ thắng cuộc, 49 phiếu đại cử tri so với 3.

Qua diễn tiến trong cuộc tranh cử, khởi đầu D. Trump không phải ở vị thế thuận lợi trong công luận, nhưng dần dà hạ hết các đối thủ sừng sỏ nhứt trong hai đảng chánh trong chính trường Mỹ, bí quyết thành công trên thương trường đã giúp vào thắng lợi này chăng?

Mới lăng xả vào chính trường và đạt ngay được chiến thắng vang dội, sự kiện này chứng tỏ tài năng thật sự của ông Trump chớ không phải tay mơ như lầm tưởng, những phát biểu khiêu khích, những tuyên bố có thể nói là bạt mạng trong lúc tranh cử và tiếp tục cho đến nay có thể đều được tính toán cân nhắc, điều không ai phủ nhận là tánh khí khác thường khó tiên đoán của ông, đây là đề tài tạo nên nhiều suy đoán trái ngược nhau của các bình luận gia quốc tế, cũng là mối quan ngại cho các nước đồng minh nói riêng và cả thế giới nói chung.

Dầu sao, đây cũng là một thay đổi ngoạn mục và hầu như chỉ có diễn ra tại Mỹ, người dân quá chán ngán các chính khách lão luyện, nói hay hơn làm, mặt khác họ cũng có đầu óc cách tân, tinh thần mạo hiểm, dám thử thời vận nên cả nước háo hức tham dự, theo dõi các cuộc vận động tranh cử và hồi hộp trông chờ kết quả như chờ xổ số, khác hẳn với các nước theo thể chế độc tài, các cuộc bầu bán diễn ra trong không khí tẻ nhạt do kẻ thắng người thua đều biết trước cả rồi, các nước dân chủ khác thì phần lớn chỉ quanh đi quẩn lại các nhân vật có tên tuổi, quen mặt trên chính trường, ồn ào trong nghị trường, điều này cũng do tâm lý quần chúng, muốn ăn chắc mặc bền hơn là thử giao trọng trách cho người mới.

Xã hội luôn biến động, duy có nhanh hay chậm mà thôi, thay đổi nào cũng có lợi cho số người (hay lãnh vực) này và bất lợi cho số người (hay lãnh vực) khác, nhưng trên bình diện tổng thể, thay đổi để thúc đẩy xã hội tiến lên là tốt, bằng ngược lại là xấu, liệu thay đổi ở Mỹ này có tác động ra sao trên bàn cờ thế giới?

Căn cứ vào các đường nét chính đã được phác họa và thành phần nhân sự chủ chốt trong chính quyền mới, giới bình luận tỏ ra lo ngại:

– về lãnh vực nhân quyền, xiết chặc chính sách di dân, dự trù trục xuất hàng triệu người nhập cảnh bất hợp pháp, thiết lập bức tường ngăn cách với Mễ tây cơ, … cùng với việc chọn vị Bộ trưởng tư pháp –Jeff Sessions, -nghị sĩ bang Alabama, người có đường lối cực kỳ cứng rắn trên hồ sơ người nhập cư, nổi tiếng kỳ thị chủng tộc; việc Mỹ không còn đặt trọng tâm đến yếu tố nhân quyền trên thế giới là điềm không lành cho giới đấu tranh dân chủ.

– về lãnh vực môi trường, dọa rút khỏi Công ước Paris về biến đổi khí hậu vốn đã được gần 200 quốc gia thông qua vào cuối năm 2015, chính thức được 109 quốc gia (chiếm 76% lượng khí thải nhà kính toàn cầu) phê duyệt, trong đó có Mỹ chiếm 18% lượng khí thải, điều này nếu xảy ra sẽ bị coi là một sự bội ước và là một thách thức đối với thế giới, việc chọn ông Scott Pruitt -người nổi tiếng hoài nghi về mối nguy hại của việc biến đổi khí hậu, ủng hộ việc sản xuất nhiên liệu hóa thạch (sinh ra hiệu ứng lồng kính, gây ô nhiểm bầu khí quyển), vốn kịch liệt chống lại Cơ quan bảo vệ môi trường EPA (Environnement Protection Agency) trước đây giờ lại đứng đầu Cơ quan này càng gây thêm lo ngại cho giới bảo vệ môi sinh, có thể coi đây là điềm bất tường cho nhân loại, nhiều khoa học gia báo động, nếu không ngăn chặn kịp thời độ nóng của bầu khí quyển tăng như hiện nay, nhiều thiên tai dữ dội sẽ thường xuyên xảy ra hơn (sóng thần, động đất), nhiều vùng đất thấp sẽ bị ngập lụt, một số đảo quốc nhỏ ở Thái bình dương cũng như nhiều thành phố lớn như New York, Luân đôn, Thượng hải, Bangkok, … có nguy cơ biến mất trong vòng hai ba thập niên tới.

– về mặt bang giao quốc tế, Trump chủ trương xét lại hầu hết mọi cam kết quốc tế từ trước tới nay, trước mắt là Hiệp ước đối tác xuyên Thái bình dương TTP (Trans-Pacific Partnership Agreement) mà chính quyền Obama dày công góp sức, Hiệp ước tuy có vẻ chuyên về kinh tế nhưng ai cũng biết là có hậu ý chính trị, chủ trương chuyển trục sang Châu Á làm đối trọng với thế lực bành trướng Bắc kinh, kế là Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á Thái Bình Dương APEC (Asia-Pacific Economic Cooperation), các thành viên (*) (ngoại trừ Tàu và Nga) cũng bắt đầu lo ngại việc Mỹ từ bỏ vai trò đầu tàu hiện nay, lợi thế hẳn sẽ nghiêng về phía Tàu. Nhiều tín hiệu cho thấy chính quyền mới sẽ căng thẳng với Tàu (xem bài 2017 một khởi điểm đầy xáo trộn?, phần Tương quan với Tàu trong số này), đây là tin mừng cho các nước đang bị Tàu lấn ép.

– về mặt chiến lược, chiến thuật, chủ trương giảm bớt gánh nặng cho Mỹ bằng cách khuyến khích các đồng minh phải tự lo liệu lấy như có ý khuyến khích Nhựt, Nam Hàn võ trang nguyên tử để đủ khả năng tự vệ, như vậy có khác nào khuyến khích thế giới chạy đua võ trang (Nhựt võ trang chống Tàu, tại sao Iran không có quyền võ trang chống Do Thái, rồi Arabie Saoudite võ trang chống Iran), hơn nữa chính Trump cũng chủ trương Mỹ cần phát triển võ khí hạt nhân cho thế giới nể mặt (The United States must greatly strengthen and expand its nuclear capability until such time as the world comes to its senses regarding nukes), ghi nhận trên mạng Twitter Donald J. Tr   ump ‏@realDonaldTrump Dec 22 , trái hẳn với lời tuyên bố đầy tính nhân bản trước diễn đàn LHQ hồi năm 1961 của tổng thống Kennedy: «Every man, woman and child lives under a nuclear sword of Damocles, hanging by the slenderest of threads, capable of being cut at any moment by accident or miscalculation or by madness.», đại ý là thanh gươm nguyên tử Damocles đang treo lơ lửng trên đầu mọi người bất kể đàn ông, đàn bà, hay trẻ con bằng các sợi chỉ mành, các sợi chỉ đó có thể bị cắt đứt bất cứ lúc nào do bất cẩn, tính toán sai lầm hay điên rồ.

Phải chăng ước mơ một thế giới phi hạt nhân (bao nhiêu thương thảo còn dang dở) chỉ còn là giấc mơ giữa ban ngày?

Về phần các nước đồng minh trong Liên minh Bắc Đại tây dương NATO (North Atlantic Treaty Organization), Mỹ sẽ không tiếp tục hào phóng bảo trợ đồng minh nào không đóng góp đầy đủ theo qui định, phớt lờ việc Nga chiếm đóng Crimée của Ukraine khiến các tiểu quốc vùng Baltique (Estonie, Lettonie, Lituanie có nhiều dân gốc Nga) và Âu châu lo ngại, cùng với việc lựa chọn các nhân vật nổi tiếng thân Nga vào các chức vụ quan trọng, tướng Michael T. Flynn, nguyên giám đốc Tình Báo Quốc Phòng [Defense Intelligence Agency] làm Cố vấn an ninh quốc gia, ông Rex Tillerson, chủ nhân tập đoàn dầu khí ExxonMobil làm ngoại trưởng.

Chủ nhân mới Bạch ốc dường xem nhẹ mối quan hệ đồng minh truyền thống, việc duyệt lại các cam kết cũ cũng gây nhiều nước hoài nghi vai trò đầu tàu của Mỹ, họ sẽ tìm chỗ dựa khác, Mỹ sẽ mất dần đồng minh, một bất lợi lớn không những riêng cho nước Mỹ mà cho toàn cầu.

Thế giới phải chăng đang bước vào một thời kỳ nhiều xáo trộn?

Tóm lại, mọi luận bàn cũng chỉ là suy đoán, phải chờ chính quyền mới nắm quyền hành và thực thi chính sách mới biết thực hư, hơn nữa tổng thống Mỹ không phải là người có toàn quyền làm theo ý mình như các thể chế độc tài, Lập pháp Mỹ là cái thắng hữu hiệu, có khả năng ngăn chặn mọi lệch lạc hay quá đà của Hành pháp, ngoài ra công luận Mỹ cũng rất có ảnh hưởng đến các đại biểu (nghị sĩ, dân biểu) của họ, các vị này có thể biểu quyết theo ý công luận hay lương tâm khác với chủ trương chung của đảng.

Lại cũng có thể an ủi, biết đâu «cùng tắc biến, biến tắc thông» hơn là cứ y theo lối mòn, từ lâu ỷ y vào ô dù Mỹ nên nhiều nước (Đức, Nhựt, …) cứ lo dồn nổ lực phát triển kinh tế, không muốn võ trang đủ mạnh để tự đương đầu với các âm mưu bành trướng, như ở Á châu, biết đâu diễn tiến tình hình căng thẳng với Tàu trong khi Mỹ rút lui dần sẽ làm dân Nhựt sáng mắt ra, chừng ấy thử coi «mèo nào cắn mỉu nào»?

Lê Huỳnh

(*) 21 nước : Australie (1989), Brunei (1989), Canada (1989), Corée du Sud (1989), États-Unis (1989), Indonésie (1989), Japon (1989), Malaisie (1989), Nouvelle-Zélande (1989), Philippines (1989), Singapour (1989),  Thaïlande (1989),  Chine (1991),  Hong Kong (1991),  Taïwan (1991),  Mexique (1993),  Papouasie-Nouvelle-Guinée (1993),  Chili (1994),  Pérou (1998),  Russie (1998),  Viêt Nam (1998)

Giấy kết hôn giả

Hôm qua, trên mạng xã hội Facebook, NTH đã chia sẻ câu chuyện của một người bạn bỏ 50.000 USD làm giấy kết hôn giả…. để sang định cư Mỹ. Câu chuyện nhanh chóng nhận được số lượng lớn lượt thích và chia sẻ...
        
Đứa bạn vừa chạy xong suất kết hôn giả để đi Mỹ với giá 50.000 đô, hoàn thành giấc mơ trở thành công dân của đất nước cờ hoa mà nó ấp ủ bấy lâu nay.
        
Nó phân bua với tôi:
"Với ngần ấy tiền, ở Việt Nam tau được gọi là tỷ phú, có thể sống phè phởn khi nhà cửa có sẵn, công việc ổn định nhưng tau vẫn phải đi. Mày biết vì sao không?"
        
"Đơn giản là qua Mỹ với giá đó, tau có thể chỉ là một thợ nail bình thường nhưng con cái tau sau này sẽ được thụ hưởng nền giáo dục Mỹ miễn phí, thứ mà mày phải mất gần 20 nghìn đô mỗi năm nếu như muốn con mày có nó ở Việt Nam."
        
"Tau cũng sẽ chỉ mua một chiếc Lexus RX 350 có hơn 50 nghìn đô, thứ mà mày cũng phải mất gấp 3 để nó lăn bánh ở Việt Nam trong khi đường sá thì như shit, xăng, dầu, thuế, phí lại ở trên trời."
        
"Ngoài ra tao và gia đình tao sau này sẽ được hưởng một môi trường trong lành, một bãi biển sạch để tắm, một chế độ an sinh hợp lý, một nguồn thực phẩm sạch đã qua kiểm nghiệm kỹ càng, và quan trọng là tau có thể nói bất cứ gì tau muốn mà không sợ ngồi tù… Những thứ này thì dù mày có là đại gia ở Việt Nam, mày và gia đình cũng không bao giờ được thụ hưởng."
        
"Bỏ ra 50.000 đô, hơn một tỷ ông cụ để làm được điều đó, tính ra tao lãi lớn chứ có lỗ đâu mày."
        
"Cái đất nước này giờ đã tan hoang, biển thì chết, môi trường lại ô nhiễm nghiêm trọng, ăn uống thì toàn hoá chất độc hại, thuế, phí thì hơn cả thời Pháp thuộc, chất lượng cuộc sống thì ngày càng đi xuống… báu gì nữa mà lưu luyến mày ơi."      
Nghe nó nói xong tôi chỉ biết lặng im cúi đầu.  Cái thằng, nói đúng thế thì lấy gì để bắt bẻ nó đây. 

Trước khi đi nó còn bồi thêm câu, "Mày ở lại xây dựng xã hội chủ nghĩa cho tốt nhé, tao qua xứ giãy chết cho bọn nó bóc lột đây".  Kiếm ra ai đểu hơn thằng này cũng khó, hehe.
        
Thôi mày đi vui vẻ, tao cũng đang gắng để được như mày đây!
        
Facebooker Nhân Thế Hoàng

Tùy bút

H ình như thuở đó có một học sinh nghèo "ngoại đạo" mới vừa 16 tuổi, quê mùa nhút nhát, đang nuôi dưỡng một tình "yêu-hoa-cúc...