22 September 2016

HỌC TIẾNG TRUNG À, ĐỂ LÀM GÌ?

Hải Lý

Bạn hớn hở báo tin là vừa ghi danh khóa học tiếng Trung. Tôi hỏi tại sao thì bạn tròn mắt như tôi là người vừa từ hành tinh nào rớt xuống. Nhìn tôi một cách đầy thương hại, bạn bắt đầu giảng giải…

- Trung Quốc hiện giờ là nền kinh tế lớn nhất trên thế giới chỉ sau Mỹ, và người ta dự đoán nền kinh tế này sẽ vượt Mỹ trong khoảng 10 năm nữa.

- Hơn một tỉ người trên thế giới nói tiếng Trung.

- Cựu thủ tướng Anh David Cameron cũng từng khuyến khích học sinh hãy bỏ tiếng Pháp mà học tiếng Trung đấy nhé!

- Hãy theo gương anh Mark Zuckerberg. Như anh ấy mà vẫn phải học tiếng Trung thì tại sao chúng ta lại không học!

Tiếng Trung, vì thế, theo bạn tôi là cánh cửa mở ra cho bao nhiêu cơ hội để thăng tiến sự nghiệp hoặc kiếm tiền. Nguyên nhân rõ ràng thế mà lại có những kẻ khờ khạo không chịu hiểu!

Tiền.  

OK, chúng ta hãy nhìn về góc độ này.

Nhưng đợi một chút, bạn và tôi hãy cùng xem qua một số thống kê.

Hình 1:


(Nguồn: http://www.cogniview.com/blog/we-all-speak-the-same-language-excel)

 Hình 2:

(Nguồn: https://www.washingtonpost.com/news/worldviews/wp/2015/04/23/the-worlds-languages-in-7-maps-and-charts)

Hai thống kê ở hình 1 và 2 cho thấy đại khái vị trí của Trung Quốc trên bản đồ ngôn ngữ toàn cầu.

Mặc dù Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai và có 1.3 tỉ người dùng tiếng Trung, nhưng Trung Quốc dù gì cũng chỉ là một quốc gia trong tổng số 195 quốc gia trên thế giới. Tiếng Trung (Quan Thoại, Quảng Đông) được dùng nhiều nhất cũng chỉ là ở Trung Quốc và Đài Loan. Trong khi đó, tiếng Tây Ban Nha (Spanish) được dùng không chỉ ở Tây Ban Nha, mà còn ở nhiều nước Nam Mỹ như Mexico, Argentina, Chile, Cuba, Costa Rica, Peru, v.v… Tiếng Ả Rập hiện diện ở nhiều quốc gia như Ai Cập, Do Thái, Iraq, Jordan, Kuwait, các Tiểu vương quốc Ả Rập, v.v…

Và dĩ nhiên, không thể không nhắc đến sự thống trị của tiếng Anh. Nghiên cứu mới đây nhất cho thấy có khoảng 1.5 tỉ người trên thế giới đang tích cực học tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai (hoặc ngôn ngữ nước ngoài); với tiếng Pháp thì con số này là 82 triệu người, theo sau là tiếng Trung với 30 triệu, tiếng Đức và Tây Ban Nha mỗi bên 14.5 triệu, tiếng Ý 8 triệu và tiếng Nhật 3 triệu (xem nguồn). Theo British Council, đến năm 2020 thì con số người học tiếng Anh sẽ vượt qua 1.9 tỉ.

Bạn thân mến, để tôi hỏi bạn một số câu sau:

- Nếu bạn ở trong ngành nhập khẩu trái cây và nguồn nhập khẩu chính của bạn là từ Mexico, vậy cái việc bạn biết tiếng Trung nó sẽ giúp ích gì cho mối quan hệ thương nghiệp này?

- Bạn đang muốn thuê nhân lực ở Ấn Độ để đảm trách khoa hổ trợ kỹ thuật của công ty, bạn rất có thể sẽ dùng ngôn ngữ nào để trao đổi với đối tác ở bên ấy, tiếng Trung hay tiếng Anh?

- Bạn là kỹ sư cầu cống nộp đơn xin làm việc ở Dubai, bạn không nghĩ cái việc bạn biết tiếng Trung sẽ quyết định sự thành bại đó chứ?

- Bạn muốn đi du học ở Đức. Để chuẩn bị cho việc học tập ở bên ấy, vậy ngay bây giờ thì bạn nên học tiếng gì?

Hy vọng bạn hiểu tôi muốn nói đến điều gì qua những câu hỏi này.

Tôi không nói là bạn không nên học tiếng Trung cho mục đích kiếm tiền. Tôi chỉ muốn bạn suy nghĩ thật kỹ. Nếu bạn là người làm kinh doanh, hãy nghĩ xem việc biết tiếng Trung sẽ giúp ích thế nào cho việc tăng trưởng lợi nhuận của công ty. Nếu bạn là người làm công, hãy tự hỏi việc biết tiếng Trung có giúp bạn thăng tiến trong sự nghiệp hay không. Và nếu bạn là sinh viên, hãy rõ ràng một chút về hướng đi tương lai của bạn - tiếp theo sẽ học gì và học ở đâu.

Đến đây có lẽ bạn sẽ gắt lên, “Gớm, chỉ có việc học tiếng Trung để kiếm tiền thôi mà, sao phải nhặng xị lên thế!”

À, xin lỗi bạn. Tôi cũng là người làm kinh doanh, và cho là tôi chỉ thấy lợi nhuận trên hết. Và vì vậy chúng ta hãy tiếp tục nói về tiền. Gần như bất cứ ngành kinh doanh gì cũng cần đến sự đầu tư - đầu tư về mặt tiền bạc, nhân lực, máy móc, v.v… Việc học tiếng Trung cũng là một sự đầu tư.

Để tính xem một sự đầu tư nào đó có lợi hay không, chúng ta cần tính đến số vốn đầu tư mà ta bỏ ra lúc ban đầu, và số lợi nhuận thu được từ sự đầu tư ấy. Việc học tiếng Trung, trước mắt, là một sự đầu tư về thời gian, mà thời gian = tiền bạc trên thương trường. Hãy thử tính bạn sẽ bỏ ra bao nhiêu giờ trong một tuần vào bao nhiêu tuần để đạt được trình độ nói/viết tiếng Trung tạm gọi là rành mạch? Và hãy thử tính bạn sẽ thu về bao nhiêu lợi nhuận từ việc học tiếng Trung này?

Hình 3:

Quy luật 20/80

Hẳn bạn phải nghe nói đến quy luật 20/80 (hình 3)?

Trong kinh doanh, việc đầu tư có lời nhất là khi ta chỉ bỏ ra một tí công sức nhưng lại thu về lợi nhuận ít nhất là gấp đôi lượng công sức (quy ra tiền) - luật 20/80 bảo rằng một sự đầu tư được xem là có lời khi ta chỉ bỏ ra khoảng 20% công sức nhưng lại thu về được những 80% lợi nhuận. Dĩ nhiên, bạn có thể chỉnh con số này thành 10/90, 30/70, v.v…

Đối với đa số người, họ sẽ cần rất nhiều thời gian để học và đạt đến trình độ tiếng Trung có thể nói là tạm được. Sự đầu tư lúc ban đầu này là khá lớn. Nhưng rồi lợi nhuận thu về được sẽ là bao nhiêu? Nếu bạn bỏ ra 80% công sức chỉ để học tiếng Trung, nhưng rồi lợi nhuận thu về chỉ được có 20% thì mối đầu tư này có đáng hay không?

Tôi tin, bạn cũng như tôi, khó mà chấp nhận một sự đầu tư lỗ vốn. Bạn gật gù, nhưng rồi lại hỏi vặn tôi tiếp: “Thế nếu làm ăn với các đối tác người Hoa thì nhất định phải biết tiếng Trung rồi, phải không nào?”

Câu trả lời là “Tùy!”

Nếu bạn muốn tạo những mối quan hệ làm ăn tại Hồng Kông, Malaysia hoặc Singapore, gần như bạn chỉ cần biết tiếng Anh là đủ. Ở Trung Quốc, rất nhiều các công ty lớn dùng tiếng Anh để giao dịch, và dĩ nhiên cũng có lúc bạn không may gặp phải một đối tác mà nửa chữ Anh bẻ đôi cũng không biết. Nếu bạn sống và làm việc ở Trung Quốc, tùy nơi bạn ở, nếu không biết tiếng Trung thì bạn có thể sẽ gặp khó khăn trong những giao tiếp thường ngày, ví dụ như gọi đồ ăn từ thực đơn, hỏi đường, đi khám bác sĩ, v.v…

Ở Trung Quốc, biết tiếng Trung là một dấu cộng cho người nước ngoài sống và làm việc ở đó. Tuy vậy, tiếng Trung không phải là yếu tố duy nhất để người Trung Quốc đánh giá về bạn. Để có một mối giao dịch suông sẻ ở Trung Quốc, người ta thường khuyên bạn chú ý về những phép tắc trong giao tiếp và chú ý đến các khác biệt văn hóa. Trang blog TutorMing Chinese for Business cũng không đề cao việc bạn phải biết tiếng Trung để kinh doanh, và nhấn mạnh bạn không nên tốn quá nhiều công sức vào việc học tiếng Trung mà bỏ quên những kỹ năng khác, vì chẳng có gì bảo đảm việc biết tiếng Trung sẽ khiến công ăn việc làm của bạn mãi mãi an toàn cả.

Dường như quen quen, quy luật 20/80, phải không? 

Bạn nhìn tôi khổ sở, “Thế thì chẳng có ngành nghề nào cần đến tiếng Trung à?” Có chứ, và ở đây sự đầu tư về việc học tiếng Trung có thể đem đến rất nhiều lợi ích. Biết rành rẽ tiếng Trung và tiếng Anh (hoặc ngôn ngữ nào khác), bạn có thể làm thông dịch viên, hoặc làm trong ngành du lịch ở những nơi mà đông người Trung Quốc lui tới. Biết rành rẽ tiếng Trung và nếu là luật sư, bạn có thể lôi kéo được nhiều khách hàng từ cộng đồng người Hoa - những khách hàng mà không rành tiếng bản địa (Anh, Pháp) và rất ngại các vấn đề về luật pháp.

Vấn đề là bạn có sẵn sàng cho sự đầu tư này hay chưa? Cũng theo trang TutorMing Chinese for Business, để đạt đến trình độ tạm gọi là nói, viết tiếng Trung đàng hoàng, bạn cần bỏ ra khoảng 5 giờ đồng hồ mỗi ngày để học, và bạn sẽ cần đến khoảng 88 tuần học như thế. Cách học tiếng Trung hay nhất và nhanh nhất là bạn sống và làm việc ở Trung Quốc, vì đấy là môi trường lý tưởng để thực tập và trau dồi.

Đến đây thì bạn nhăn mặt, “Khó quá nhỉ, hay thôi bỏ mẹ cái khóa học tiếng Trung kia cho rồi!”

Một lần nữa, tôi nói chung không khuyên bạn có nên hay không nên học tiếng Trung, mà hãy suy nghĩ thật cẩn thận trước khi đưa ra quyết định. Nhất là học tiếng Trung để kiếm tiền, vì dù gì đó cũng là một sự đầu tư khá lớn. Hãy nghĩ bạn đang kinh doanh, hoặc sẽ kinh doanh những gì; đa số khách hàng của bạn là ai và ở đâu; những đối tác làm ăn chính của bạn là ai và ở đâu; những dự án dài hạn của bạn là thế nào, v.v… Hoặc nếu bạn đang tìm con đường thăng tiến trong nghề nghiệp thì việc bạn biết tiếng Trung sẽ giúp ích được gì. Hãy tìm hiểu thật kỹ, tham khảo ý kiến của nhiều người trong ngành, đánh giá sự lợi/hại của việc học tiếng Trung.

Đừng học tiếng Trung chỉ vì bạn bị lóa mắt bởi những cái gọi là “nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, sắp vượt Mỹ,” “cả đến 1.3 tỉ người nói tiếng Trung” hay vì ông thủ tướng này, bà tổng thống nọ khuyến khích học tiếng Trung. Tự khi nào mà lời lẽ của các chính trị gia là khuôn vàng thước ngọc mà chúng ta phải răm rắp nghe theo?

Đừng đầu tư vào những gì không sinh lời.

Trước khi kết thúc, tôi muốn nói đến điều này mà có lẽ bạn chưa biết:

Người ta ước tính là năm 2013, có đến khoảng ba trăm triệu người Trung Quốc theo học tiếng Anh - một con số tương đương với dân số của cả nước Mỹ. Hiện tại, thị trường dạy tiếng Anh ở quốc gia đông dân nhất thế giới này có trị giá là 4.5 tỉ dollars Mỹ và dự tính thị trường này sẽ tăng 12-15% chỉ trong vòng vài năm tới (xem nguồn).

Thay vì tiếng Trung trở thành ngôn ngữ thế giới trong tương lai, với những gì đang xảy ra hiện nay thì việc Trung Quốc trở thành tương lai của ESL (học tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai) có vẻ như gần với sự thật hơn. Sống trong một nền kinh tế đang đi chậm lại và đối diện nhiều bấp bênh, nhiều người Trung Quốc càng lao đầu vào việc học tiếng Anh hòng tạo dựng một thế mạnh khi đi xin việc làm tại thị trường quốc nội hoặc hải ngoại.

Người Trung Quốc thì như thế, còn chúng ta thì thế nào? 

(FB Hải Lý) 

No comments:

Post a Comment

Tùy bút

H ình như thuở đó có một học sinh nghèo "ngoại đạo" mới vừa 16 tuổi, quê mùa nhút nhát, đang nuôi dưỡng một tình "yêu-hoa-cúc...