29 September 2016

Một số ngụy biện về quan hệ với Trung Quốc

Nguyễn Đình Cống

Vừa qua Câu lạc bộ đọc sách báo của chúng tôi mời được một diễn giả nói chuyện về tình hình thời sự. Ông MĐ là Tổng biên tập một tờ báo lớn, đại biểu HĐND thành phố, ứng cử và được bầu tại phường chúng tôi. Việc ông dành thời gian gần 2 giờ để nói chuyện, đối với CLB là một vinh dự ít có. Ông nói về một số vấn đề thời sự trong nước và thế giới, trong đó điều làm tôi quan tâm nhất là quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc. Theo ông MĐ, tuy rằng có một vài sự kiện ở Biển Đông, nhưng quan hệ Việt Nam và Trung Quốc đang rất tốt đẹp, đặc biệt sau chuyến thăm Trung Quốc của TT Phúc. Ông cho rằng đường lối hòa bình mềm dẻo và tôn trọng luật pháp quốc tế của Đảng ta là sáng suốt, phù hợp với tình hình quốc tế và truyền thống dân tộc. Ông viện dẫn các sự kiện lịch sử các đời vua của Việt Nam vẫn thần phục và triều cống hoàng đế Tàu, mà sự kiện đáng chú ý là Quang Trung, sau khi đánh tan 20 vạn quân Thanh phải sang Bắc Kinh xin thần phục vua Khang Hy (!) nhà Thanh, cho đó là tấm gương cần noi theo.

Đã lâu tôi không được nghe các buổi nói chuyện của các cán bộ tuyên giáo. Trước đây, mỗi lần được nghe như thế tôi chỉ tiếp thu một chiều, làm tôi phấn khởi, được biết thêm nhiều chuyện, được sáng mắt sáng lòng. Nay thì khác, tôi nghe để biết quan điểm của diễn giả và xem “sự ngụy biện” đến đâu.

Kết thúc trong tiếng vỗ tay hoan hô, ông MĐ tỏ ra thỏa mãn, nán lại gặp gỡ và trao đổi thêm với một vài người. Tôi cũng ở lại một chốc, được ông chào và hỏi: “Bác thấy tôi trình bày thế nào”. Tôi trả lời: “Anh nói hay, cung cấp được một số thông tin có giá trị, đa số bà con tham dự xem ra là thỏa mãn, riêng tôi thấy có vài chỗ anh chỉ mới đề cập đến một phần của sự thật bên ngoài, bỏ mất phần khác quan trọng hơn, riêng các lập luận, có hình thức chặt chẽ nhưng để ý ra thì thấy khoảng một phần ba là sai vì phạm vào lỗi ngụy biện, đặc biệt phần nói về quan hệ Việt Trung, về vua Quang Trung”. Đó là một nhận xét có tính phản biện mà diễn giả không mong đợi. Tôi chờ một câu trả lời đại khái như: “Xin cám ơn bác, xin bác chỉ cho biết những chỗ mà bác cho là phần quan trọng hơn, là sai vì ngụy biện”. Nhưng không! Ông ta phản ứng bằng cách chống chế. Tôi biết không thể tiếp tục trao đổi nên xin rút lui để ông đàm đạo với những người khác đang chờ đợi những ý kiến quý báu của ông.

Về quan hệ với Trung Quốc, xin vạch ra một số ngụy biện mà tuyên huấn của Đảng vẫn dùng để lừa nhân dân, mà tiếc thay, một số người vẫn vui vẻ nghe theo (như tôi trước đây).

1. Nước ta bị thế kẹt là ở sát Trung Quốc, bị nó khống chế nhiều bề

Giáp với Trung Quốc không phải chỉ có Việt Nam mà còn 13 nước khác như Mông Cổ, Bhutan, Nepal, Tajikistan, Kazakstan, Nga, Myanmar, Ấn Độ v.v. Trừ Nga và Ấn Độ, các nước khác đều bé, thế mà họ có chịu khuất phục Trung Quốc như Việt Nam đâu. Đặc biệt như Bhutan, có biên giới khá dài với Trung Quốc mà không có quan hệ ngoại giao. Sự chịu khuất phục do nguyên nhân địa lý chỉ là một phần rất rất nhỏ. Nguyên nhân chính là do đường lối lãnh đạo. Nếu đổ cho nguyên nhân địa lý thì giải thích thế nào về các nước như Bhutan, Nepal, Takjilistan... đều bé, Trung Quốc tuy có phá phách ít nhiều nhưng cơ bản không làm họ khuất phục. Ta giáp với Trung Quốc từ khi lập quốc đến giờ mà các đời vua phong kiến trước đây có chịu lép vế một bề như dưới thời CS hay không.

2. Nước ta và Trung Quốc cùng ý thức hệ cộng sản, cùng chung lý tưởng XHCN

Đây là lập luận ngụy biện xảo trá. Việc cùng ý thức hệ có phải là tiền định, là trời bắt phải thế đâu. Đó là do con người lựa chọn. Từng đảng viên cộng sản khi vào Đảng thì có thề trung thành với Đảng nhưng dân tộc này có bao giờ thề lệ thuộc vào Trung Quốc đâu. Ừ, mà cùng ý thức hệ tốt đẹp thì cũng tạm được, nhưng ý thức hệ đó đã lạc hậu, đã thối rữa mất rồi thì đeo bám làm gì. Trước đây chúng ta theo Liên Xô vì ý thức hệ, thế mà Liên Xô sụp đổ rồi, trong lúc Trung Quốc cố dựa vào ý thức hệ để thôn tính Việt Nam thì vin vào nó mà làm gì ngoài sự lừa bịp những người nhẹ dạ cả tin. Mà hỏi xem, ngoài một số rất ít còn dựa vào ý thức hệ để trục lợi thì đại đa số dân Việt Nam có còn tin gì vào nó nữa đâu. Hơn nữa ĐCS Trung Quốc chỉ giữ lại cái tên và tổ chức chứ ý thức hệ CS cũng đã bị vứt bỏ từ lâu, chúng nó chỉ dùng để lừa bịp những người khờ dại trong và ngoài nước. Cũng vì ý thức hệ mà lãnh đạo ĐCS Việt Nam đã ký kết mật ước Thành Đô. Nhiều dư luận yêu cầu công khai minh bạch cho toàn dân biết nội dung, thế mà đến nay lãnh đạo ĐCS vẫn giấu kín.

3. Truyền thống tổ tiên vẫn thần phục Tàu

Đây là lối ngụy biện dùng một phần sự thật để che dấu bản chất. Tổ tiên chúng ta bên ngoài tỏ ra thần phục Tàu chứ chưa bao giờ chịu khuất phục (trừ bọn Ích Tắc, Chiêu Thống…). Như Nguyễn Trãi đã viết: “Như Đại Việt ta, vốn xưng nền văn hiến đã lâu. Núi sông bờ cõi đã riêng, phong tục Bắc Nam cũng khác. Trải mấy triều Đinh, Lê, Lý, Trần dựng nền độc lập. Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên hùng cứ một phương…”. Xét trong lịch sử, trừ thời nhà Hồ bị nhà Minh cướp nước (Gần đây vì họ Hồ chính sách nặng phiền, khiến trong nước lòng người oán giận. Quân Minh cuồng bạo thừa dịp hại dân. Đảng nịnh mưu gian rắp tâm bán nước….Tát cạn nước Đông Hải khôn rửa sạch tanh hôi. Chẻ hết trúc Nam Sơn không đủ ghi tội ác…), thì chưa thấy có triều đại nào chịu khuất phục Trung Quốc về mọi mặt một cách nhục nhã như bây giờ. Ngay như Quang Trung, ông cho người đóng thế mình sang bái phục Càn Long (không phải Khang Hy) chỉ là cái mẹo sau khi đã đánh tan 20 vạn quân của Tôn Sĩ Nghị. Đánh thắng rồi mới cầu hòa chứ không phải cúi đầu xin chỉ thị về mọi việc lúc chưa xẩy ra.

Việc nhất nhất thần phục Tàu Cộng đã được cài sẵn vào gène, vào máu của CS Việt Nam từ khi mới thành lập. Chẳng thế mà Trần Huy Liệu (người thay mặt Hồ Chí Minh vào Huế nhận sự thoái vị của Bảo Đại), vào khoảng năm 1949 có nói một câu nhận xét không tốt về Tàu (coi chừng kẻ thù truyền kiếp của dân tộc) thì bị thất sủng ngay. Năm 1954, Phạm Văn Đồng sau khi ký Hiệp định Genève đã khóc vì bị Chu Ân Lai ép buộc chia cắt đất nước đến vĩ tuyến 17. Năm 1958, được tin Trung Quốc muốn độc chiếm các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì Phạm Văn Đồng ký Công hàm công nhận ngay (ngoài ông Đồng ra hình như không có ai ủng hộ Trung Quốc nữa). Năm 1974 Hà Nội giữ hoàn toàn im lặng để cho Trung Cộng đánh chiếm Hoàng Sa do VNCH quản lý. Năm 1988 Lê Đức Anh (Bộ trưởng Quốc phòng) ra lệnh cho các chiến sĩ đảo Gạc Ma không được chống cự lính Trung Cộng, để toàn bộ 64 chiến sĩ bị sát hại, xác bị quăng xuống biển. Năm 1991 Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Đỗ Mười sang Thành Đô (Trung Quốc không cho đến Bắc Kinh) cầu xin sự che chở và ký mật ước, cố xin gặp Đặng Tiểu Bình nhưng hắn không cho gặp. Năm 2000 Lê Khả Phiêu ký cho Tàu một số đất ở Thác Bản Giốc và Hữu Nghị Quan. Những chuyện như vậy liệu có bao giờ xẩy ra trong lịch sử của tổ tiên. Thế mà ĐCS cứ đưa tổ tiên ra làm bình phong để che đậy.

4. Luận điệu gìn giữ hòa bình, tôn trọng luật pháp Quốc tế

Cứ mỗi lần Trung Quốc có hành động ngang ngược ở biển Đông thì phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam lại tuyên bố: “Phản đối, đòi tôn trọng chủ quyền, chủ trương giải quyết tranh chấp bằng hòa bình, thương lượng, tôn trọng luật pháp quốc tế, không liên kết với nước khác để chống nước thứ ba…”. Nghe quá hóa nhàm. Có những việc lớn, quan trọng mà sao chỉ có đại diện Bộ Ngoại giao, hoặc quá lắm là một cá nhân cấp cao nào đó phát biểu một cách dè dặt, Chính phủ, Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước lặng im. Và dân quá bức xúc biểu tình phản đối thì bị đàn áp. Ừ thì tôn trọng hòa bình, ta không chủ động gây chiến, nhưng ai cấm những phát biểu mạnh mẽ phản đối của Chính phủ, sao lại cấm dân biểu tình, sao không dám kiện ra Tòa án quốc tế như Philippine. Luận điệu “mềm dẻo, hòa bình, tránh xung đột” chẳng qua để che giấu một tâm trạng hèn yếu, không dám tin vào dân, chỉ muốn thần phục để vinh thân phì gia.

5. Luận điểm: Về kinh tế ta phụ thuộc vào Tàu quá nhiều, nếu ta có những đấu tranh mạnh mẽ để bảo vệ chủ quyền mà bị Tàu nổi giận cắt đứt mọi giao dịch thương mại thì ta lâm vào khủng hoảng lớn

Tôi gọi đây là luận điểm chứ không phải luận điệu vì xét ra có phần đúng. Nhưng có phải vì giao lưu hàng hóa mà để cho Tàu vào chiếm cứ các vị trí xung yếu của đất nước, để người Tàu tràn ngập các vùng quan trọng, để họ phá nát môi trường. Những nước như Mỹ, Đức, Nhật, Úc… họ có làm như thế đối với các nước khác đâu. Việc để kinh tế, thương mại, xây dựng của Việt Nam quá lệ thuuộc vào Tàu, để cho Tàu thực hiện các dự án lớn làm hủy hoại môi trường là tội của những người lãnh đạo tham và ngu. Bây giờ đã lỡ ra rồi thì không phải cứ cố trượt dài trên con đường sai lầm mà phải tìm cách khắc phục. Tuy vậy việc ngừng giao lưu kinh tế với Tàu khi chúng ta có những đấu tranh mạnh mẽ để bào vệ chủ quyền cũng chỉ mới là suy đoán. Việc giao lưu là có lợi cho cả hai bên. Việc giao lưu với Tàu nếu bị giảm sút, trước mắt kinh tế Việt sẽ gặp khó khăn, đời sống của đân bị ảnh hưởng. Nhưng thử hỏi dân xem họ có vui lòng chấp nhận khó khăn trong thời gian ngắn để loại bỏ mọi xấu xa do Tàu mang đến. Tôi nghĩ rằng được giải thích đa số dân sẽ vui lòng. Hơn nữa dân ta có câu: “Trong cái khó ló cái khôn”. Trước đây vì nhầm lẫn mà ta ưu tiên thị trường Trung Quốc, nhưng nếu vì bảo vệ chủ quyền mà nó bị co lại thì các nhà doanh nghiệp Việt có đủ trí khôn để mở ra các nước khác, chứ làm sao chịu bó tay.

6. Nhận định

Tôi cho rằng những ngụy biện trên đây chỉ nhằm để duy trì chế độ độc tài Đảng trị theo đường lối CS, đem nước ta phụ thuộc vào Tàu Cộng. Muốn thoát khỏi sự lệ thuộc này trước hết phải thoát ra khỏi ý thức hệ CS, phải cải cách thể chế theo con đường dân chủ chân chính. Một ngày mà ĐCS Việt Nam còn kiên trì đường lối hiện hành thì dân Việt còn chịu cảnh lầm than và đất nước dần dần bị thôn tính.

Để kết thúc xin kể câu chuyện: Ngày xưa bên Tàu, nước Triệu (Thời U Mục Vương), nhờ có Lý Mục và Tư Mã Thượng là những người tài giỏi, yêu nước mà ngăn chặn được sự xâm lược của nước Tần. Thế nhưng vua Triệu tin dùng tên quan đứng đầu triều đình là Quách Khai, một kẻ tham lam. Gián điệp nước Tần đem biếu Quách khai một số lớn vàng bạc với yêu cầu vu cáo Lý Mục và Tư Mã thượng là bọn phản bội, chống lại nhà vua, để họ bị loại bỏ. Quách Khai nhận vàng bạc, thực hiện âm mưu, xui dục vua giết chết Lý Mục, đuổi được Tư Mã Thưọng. Kết quả quân Tần xâm chiếm nước Triệu một cách dễ dàng. Sau vụ này vua Tần nói: Ta chỉ bỏ ra ít vàng bạc mua được Quách Khai, dùng Khai để chiếm được Triệu, quá rẻ. Quách Khai hý hửng cho rằng đã lập công với Tần nhưng bị Tần đuổi đi, không dùng kẻ phản phúc. Quách Khai về quê, chở theo mấy xe vàng bạc. Giữa đường bị những người nghĩa khí giết hết cả nhà, lấy hết của cải.

Bình luận - Việc này đáng cho nhiều người Việt suy ngẫm. Nhưng những kẻ rắp tâm bán nước nghĩ rằng họ khôn hơn Quách Khai vì đã tuồn nhiều của cải và cho con cháu ra nước ngoài. Không đâu, chúng mày khôn, sẽ có người khôn hơn và trên hết, chúng mày đã gây ra nghiệp chướng, thế nào cũng chịu nghiệp báo. Hãy luôn nhớ rằng của cải do sức lao động và tài năng làm ra mới bền chặt, còn của phi nghĩa do gian lận, tham nhũng, tước đoạt thì chỉ làm giàu tạm thời, không đời chúng mày thì đời con, đời cháu cũng tiêu thành mây khói và chưa biết còn những thảm họa nào nữa.

N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN.

28 September 2016

Tỉnh Thức, thơ


Tảng Băng Nổi

Huy Đức

Cùng với các tổn thất ở những dự án “hợp tác quốc tế” khác như Peru-67; SK-305; SK-304, PVN đã ném xuống đại dương không dưới 2,1 tỷ USD. Tất nhiên, trách nhiệm không chỉ một mình Đinh La Thăng. Nhưng nếu không xử lý ông Thăng thì bao nhiêu tuyên bố về chống tham nhũng cũng trở nên sáo rỗng.

Hôm qua, khi Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu phải tìm cho ra những “tảng băng chìm” tham nhũng, ông đang ngồi cạnh “tảng băng nổi khổng lồ” Đinh La Thăng. Nếu “không đủ chứng cứ” về những khoản “chênh lệch lãi suất” và phần “lại quả 1%” trong vụ PVN góp vốn vào Ocean Bank, chỉ tính 800 tỷ PVN chịu mất đứt cho “Thắm Đại Dương” đã có “hậu quả nghiêm trọng” đủ để truy cứu trách nhiệm Đinh La Thăng. Tất nhiên, ở PVN thời Đinh La Thăng còn nhiều “tảng băng” rất to, đủ sức làm đắm nhiều Titanic.

Đinh La Thăng 


Lại “Nội Lực”

Năm 2007, Trung Quốc gây áp lực buộc BP phải từ bỏ hai mỏ khí Hải Thạch & Mộc Tinh nằm trong vùng biển Trường Sa của Việt Nam (cách bờ 370 km). PVN đã được giao tiếp quản lại hai mỏ khí này. Đây không chỉ là một cơ hội kinh tế cho PVN mà còn có một vai trò to lớn về chủ quyền cho đất nước.


Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (POC) được thành lập.

Để mang được khí vào bờ, POC phải lắp đặt một đường ống dẫn khí. Trong số các phần việc quan trọng, có gói thầu cung cấp khoảng 22 km đường ống bọc hai lớp. Ngày 9-4-2010, khi đóng thầu, Chủ đầu tư (PTSC-MC là công ty được ủy quyền) nhận được hồ sơ chào thầu từ Marubeni (Nhật) và POTS (công ty Thương mại và Dịch vụ dầu khí Biển – thuộc PVN).

Chỉ có Marubeni đáp ứng yêu cầu kỹ thuật.

Biết mình bị loại, ngày 25-5-2010, POTS gửi công văn lên Tập đoàn đề nghị tái xem xét.

Vì đây là gói thầu có yêu cầu công nghệ cao chứ không phải thứ “cây nhà lá vườn”, nhằm ngăn chặn sự can thiệp từ Đinh La Thăng, ngày 7-6-2010, PTSC-MC đã phải báo cáo lên lãnh đạo Tập đoàn khẳng định, “Marubeni là nhà thầu duy nhất đạt kỹ thuật”.

Thế nhưng vào ngày 11-6, PTSC-MC vẫn bị buộc phải lập một tổ thẩm định khác, đánh giá lại, rồi công nhận “cả hai nhà thầu đều đạt về kỹ thuật”.

Ngày 22-7-2010, Đinh La Thăng phê duyệt việc trao gói thầu cho POTS vì lý do POTS đưa ra giá thấp hơn (40,8 triệu so với 49,8 triệu USD của Marubeni).

Không phải tự nhiên, Đinh La Thăng gây sức ép loại “nhà thầu duy nhất đạt kỹ thuật”. Nhân danh “phát huy nội lực, ưu tiên sử dụng dịch vụ trong ngành”, khi chưa có quyết định giao thầu (5-2010) Đinh La Thăng đã yêu cầu POC “giao dịch vụ bọc ống cho PVID” – một công ty thuộc PVGas được “đẻ ra” dưới thời Đinh La Thăng. PVID sau đó được chỉ định thầu phần bọc ống, “bóc” ra từ gói thầu của POTS.

Ngay từ khi dự thầu, nội lực mà POTS thể hiện chỉ là như vai trò một anh “cò”. Gói thầu được POTS chia đôi cho Canadoil tại Thái Lan (phần chế tạo ống) và Bredo Shaw tại Malaysia (phần bọc ống). Nhưng do phải nhường phần bọc ống cho PVID nên công việc chưa bắt đầu, POTS đã phải mất thời gian đàm phán để loại Bredo Shaw ra khỏi cuộc chơi.

Canadoil cũng chỉ là một nhà thầu liều mạng. Nhận một gói thầu trị giá hàng chục triệu đô là để làm ống mà vừa thiếu thép tấm, thiếu máy hàn, thiếu cả nhân công có tay nghề… Vì sốt ruột, Chủ đầu tư (PTSC MC) đã nhiều lần phải đưa nhân công sang Thái Lan hỗ trợ.

Thế nhưng thời hạn giao ống vẫn liên tục bị Canadoil trì hoãn. Mặc dù được Đinh La Thăng đầu tư thêm 1,1 triệu để lắp đặt “dây chuyền bọc ống”, PVID vẫn không thể nào thực hiện đúng hợp đồng, buộc PTSC MC phải mang gần một nửa ống mà Canadoil sản xuất đưa sang Malaysia nhờ bọc.

Không phải tự nhiên ngay từ đầu Chủ đầu tư đã khẳng định “Marubeni là nhà thầu duy nhất đạt yêu cầu kỹ thuật”. Đối với những gói thầu đòi hỏi công nghệ cao thì giá chưa phải là yếu tố quyết định.

Chủ trương “nhà làm được” của Đinh La Thăng khi chọn POTS để “tiết kiệm 9 triệu USD” chênh lệch giá với Marubeni, kết cục đã làm phát sinh giá thành của gói thầu này thêm 11 triệu, cao hơn giá bỏ thầu của Marubeni 1 triệu USD (PVN phải bỏ thêm 1,1 triệu đầu tư dây chuyền bọc ống cho PVID và các nhà thầu phụ đòi phát sinh thêm 5,44 triệu USD – riêng Canadoil đòi phát sinh 3,6 triệu USD, cùng với chi phí PTSC-MC đưa nhân công sang Thái).

Con số phát sinh không dừng lại ở mức gần 11 triệu USD. Sự can thiệp của Đinh La Thăng, buộc POTS phải chọn những nhà thầu kém năng lực, thiếu uy tín, đã làm cho việc giao ống bị chậm 10 tháng; ngày giao khí đầu tiên lẽ ra phải là 31-12-2012 đã bị chậm mất gần 6 tháng (tới 28-6-2013). Sự chậm trễ này đã buộc POC phải phá vỡ hợp đồng với các nhà thầu khác, khiến cho chi phí phát sinh thêm những khoản rất lớn.

Tàu Seamac được thuê để rải ống vào năm 2012 bị chuyển sang 2013 khiến cho POC phải bồi thường 25,7 triệu USD. Các phương tiện lắp ống phải chờ ngoài biển trong giai đoạn rủi ro thời tiết buộc POC phải bồi thường 8 triệu. Phát sinh chi phí quản lý và thuê kho chứa khí thêm gần 5 triệu USD; Mất doanh thu do chậm đưa khí vào bờ gần 6 tháng (28-6-2013 thay vì 31-12-2012) lên đến gần 38 triệu USD (270 nghìn USD/ngày).

PTSC-MC không thể buộc POTS hay Canadoil bồi thường vì ngay từ đầu hợp đồng đã bị vỡ do Đinh La Thăng đưa PVID chen ngang vào. Chỉ vì nhân danh “phát huy nội lực” cho vài công ty con mà Đinh La Thăng đã làm tổn thất gần 90 triệu USD cho Dự án Biển Đông I.

Venezuela & 2 tỷ USD

Chưa tới một năm sau khi PDV- 39 “chọc mũi khoan đầu tiên”, tháng 4-2013, PVN đã phải đầu hàng trước Venezuela, bỏ lại nơi đây dự án Junin-2.

Trở lại hơn 6 năm trước đó, ít ai biết vai trò kiến tạo mối quan hệ khăng khít giữa Việt Nam với Venezuela không phải nhờ vào thành tích của ngành ngoại giao mà phần lớn nhờ vào Đinh La Thăng.
Đánh đúng “khẩu vị” của không ít nhà lãnh đạo khoái một Hugo Chavez vừa chống Mỹ vừa thân với “người bạn gác” thành trì xã hội chủ nghĩa ở bên kia bán cầu. Đinh La Thăng đã tạo ra “một mốc son trong mối quan hệ quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Venezuela” sau chuyến thăm Việt Nam của Hugo Chavez vào năm 2006 bằng cách bằng mọi giá liên doanh với một đơn vị của Công ty Dầu quốc gia Venezuela, “Khai thác và Nâng cấp dầu nặng ở lô Junin-2”.

Để thuyết phục Chính phủ cho phép PVN bỏ 1,8 tỷ USD sang Venezuela, Đinh La Thăng đã đưa ra đánh giá: “Junin-2 là mỏ có trữ lượng dầu lớn nhất trong vành đai dầu mỏ khí đốt Oricono – vành đai có trữ lượng lớn thứ nhì thế giới. Việc khai thác dầu tại lô Junin-2 sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho Việt Nam ít nhất trong 25 năm nữa”.

Chiều ngày 19-4-2012, tại Venezuela, khi khởi động giàn khoan PDV-39, PVN còn cứng cỏi tuyên bố: “Sang năm, Junin 2 sẽ cho sản lượng khoảng 200.000 thùng/ngày”. Nhưng, vừa đúng “sang năm”, khi Đinh La Thăng đang lo “trảm tướng” bên ngành giao thông, những người kế nhiệm Thăng ở PVN tái mặt khi lượng dầu khai thác được, cả sản lượng và chất lượng, không đạt giá trị thương mại. Họ đã có một quyết định dũng cảm là gần như “bỏ chạy”.

Trong hợp đồng mà Đinh La Thăng cho ký với Venezuela vào ngày 29-6-2010 có một điều kiện rất “quái gở” là 6 tháng sau khi ký kết, phía Việt Nam phải bắt đầu “bonus” cho Venezuela khoảng 1 USD trên một thùng dầu (không phải thùng dầu khai thác được mà là thùng dầu trữ lượng theo dự đoán). Ngay trong 2 năm đầu, bất kể có dầu hay không, phía Việt Nam vẫn phải nộp đủ cho Venezuela 584 triệu USD bằng tiền mặt.

Trước ngày 12-5-2011, trong khi Liên doanh chưa hoàn thành thủ tục đăng ký với cơ quan chức năng Venezuela, 300 triệu USD tiền mặt đã được “bonus” cho đối tác; Đúng một năm sau, 142 triệu USD khác cũng đã được thanh toán(12-5-2-12)[tổng cộng 442 triệu USD chưa kể hàng trăm triệu đã đầu tư vào công tác thăm dò, khai thác].

Tháng 4-2013, PVN (đại diện trực tiếp là PVEP) đứng trước lựa chọn khó khăn khi tới hạn nộp tiếp 142 triệu USD tiền mặt trong khi lượng dầu ở mỏ Junin-2 hoàn toàn “không như dự đoán”.

Hợp đồng mà Đinh La Thăng ký không chừa cho Việt Nam cửa lùi. Cho dù không kiếm được thùng dầu nào đáng giá, 15 ngày sau thời hạn “bonus”, nếu không nộp đủ tiền, toàn bộ cổ phần của PVN trong liên doanh sẽ tự động chuyển cho đối tác Venezuela. Việt Nam cũng sẽ không được quyền thanh toán hoặc đền bù bất cứ đồng nào từ các khoản đã đóng góp, vay vốn hay đầu tư ở Junin-2.

Những người gánh di sản của Đinh la Thăng đã phải cứu 3000 tỷ (142 tiền bonus đóng lần thứ 3), thay vì ném tiếp sang Caracas để nó chết chìm cùng các khoản đã đầu tư vào Junin-2.

Cùng với các tổn thất ở những dự án “hợp tác quốc tế” khác như Peru-67; SK-305; SK-304, PVN đã ném xuống đại dương không dưới 2,1 tỷ USD.

Tất nhiên, trách nhiệm không chỉ một mình Đinh La Thăng. Nhưng nếu không xử lý ông Thăng thì bao nhiêu tuyên bố về chống tham nhũng cũng trở nên sáo rỗng.

PS: Có nhiều người hỏi, khi viết về Đinh La Thăng tôi có sợ không. Tôi trả lời: Sợ. Nhưng tôi có một nỗi sợ lớn hơn, đó là, tôi sợ tương lai đất nước tôi rơi vào tay những kẻ tham lam và bịp bợm.
______________

Nguồn: Thông Luận

27 September 2016

Rộn Rã, tranh mới A.C.La


Rộn Rã
The Tumult
20x30 inch (51x76 cm)
Oil on canvas
by A.C.La Nguyễn Thế Vĩnh

Nhóm lợi ích quân đội và bi kịch sân bay Tân Sơn Nhất

Phạm Chí Dũng

Sân bay Tân Sơn Nhất như
một biển nước trong cơn mưa lớn.
Ảnh: Bố Kem/ Sao Star.

“Sân bơi Tân Sơn Nhất”

Tương tự tình trạng “ngập” của đảng cầm quyền từ năm 2012 đến nay, sân bay Tân Sơn Nhất đang ở vào thời kỳ bi kịch sắp tới điểm cuối của nó.

Năm 2016, sân bay này đã chính thức được dân gian đặt tên “sân bơi Tân Sơn Nhất.” Nếu những năm trước sân bay này còn chưa bị ngập sau những trận mưa lớn, thì vào năm nay chỉ sau một trận mưa khoảng 150 mm, Tân Sơn Nhất đã biến thành một biển nước mênh mông.

Mới đầu, giới lãnh đạo sân bay Tân Sơn Nhất còn phủ nhận về tình trạng nước ngập bao la, nhưng sau đó đã phải thừa nhận trước những tấm ảnh mang tính bằng chứng không thể chối cãi.

Thậm chí một thứ trưởng giao thông vận tải chủ quản của sân bay Tân Sơn Nhất – ông Nguyễn Nhật – còn thừa nhận rằng trong chuyến bay từ Hà Nội đi TP.HCM hôm 11 tháng 9, 2016, ông cùng hơn 200 hành khách đã phải bay vòng trên trời hơn 40 phút do trời mưa to do sân bay Tân Sơn Nhất bị ngập nặng khiến máy bay không thể hạ cánh được.

Bi kịch đang hiện hình tồi tệ. Có lúc đến 9 chuyến bay phải bay vòng trên trời trong tổng số 670 -750 chuyến bay trong và ngoài nước cất cánh, hạ cánh mỗi ngày. Ai cũng biết nguyên nhân tắc trên trời trước hết là do tắc ở dưới mặt đất.

Thêm nữa, sân bay này chỉ có 51 vị trí đỗ, trong khi nhu cầu cần khoảng 80 vị trí. Có 2 đường băng nhưng chỉ 1 đường lăn ra vào 2 chiều. Máy bay khi hạ cánh đi vào nhà ga thì máy bay khác phải chờ. Có tình trạng hết vị trí đỗ nên máy bay phải chờ trên đường lăn.

Tất nhiên, nếu không có sân golf quân đội thì Tân Sơn Nhất sẽ có được 80 vị trí đỗ và thêm một đường băng nữa.

Quân đội nào?

Từ sau 1975, sân bay Tân Sơn Nhất bị lấn chiếm diện tích méo mó. Hàng loạt đại gia nhóm lợi ích quân đội đã thẳng tay chiếm đoạt một phần Tân Sơn Nhất để làm sân golf, nhà hàng, khách sạn, chung cư.

Dù đất trống trong sân bay vẫn còn, nhưng một bàn tay đen đúa nào đó vẫn quyết cắt 157 ha đất vàng trong sân bay cho tập đoàn Him Lam làm sân golf, mặc cho sân bay này bị tắc nghẽn nghiêm trọng.

Được biết, dự án sân golf trong sân bay bận rộn nhất Việt Nam do tập đoàn Him Lam của ông Dương Công Minh làm chủ đầu tư. Tập đoàn nổi tiếng với loạt scandan như: xây không phép sân tập golf và nhà hàng Him Lam tự ý lấn chiếm hành lang sông Sài Gòn, xây vượt tầng trái phép; coi thường pháp luật, ngang nhiên cưỡng đoạt tài sản của doanh nghiệp khác; lọt vào danh sách đen cưỡng chế nợ của Bộ Tài Chính với số tiền nợ lên tới 34.8 tỷ đồng… Nổi tiếng với những bê bối tày đình như thế nhưng không hiểu sao tập đoàn này vẫn được bảo kê để lập lãnh địa riêng trên 157 ha đất trong sân bay. Thậm chí chủ tập đoàn này còn nhẫn tâm đầu độc người dân thành phố bằng 200 tấn thuốc trừ sâu đổ xuống sân golf Tân Sơn Nhất mỗi năm nhưng vẫn không bị truy cứu trách nhiệm.

Cũng phải kể đến một nhân vật có máu mặt khác – Đại Tá Phùng Quang Hải – “chủ” một doanh nghiệp lớn trong quân đội mà được biết đã chiếm được rất nhiều khu đất vàng ở nhiều địa phương trên toàn quốc, trong đó có đất ở sân bay Tân Sơn Nhất.

Sau vụ “tướng Thanh đi Pháp chữa bệnh” vào tháng 6, 2015, và từ đó Phùng Quang Thanh gần như “mất tích” trên bàn cờ chính trị, nghe nói số phận của Đại Tá Phùng Quang Hải cũng không tốt lành hơn. Còn có đồn đoán rằng ông Hải đang phải chịu một chế độ quản thúc nào đó hoặc đã bị bắt.

Tuy nhiên dù hai ông Thanh và Hải “không còn nữa,” lợi ích nhóm quân sự vẫn là một bí mật kinh khủng và là một thách thức khủng khiếp đối với chính quyền dân sự.

Chỉ từ tháng 10, 2015 mới bắt đầu những cuộc bàn bạc giữa phía quân sự với đại diện nhà chức trách dân sự về việc dùng đất quân sự để mở rộng Tân Sơn Nhất.

Một lần nữa, nhu cầu mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất được “đảng ta” đặt ra một cách đầy quyết liệt, trong bối cảnh dự án sân bay Long Thành còn lâu mới được khởi công do chưa tìm ra “tiền đâu.”

Chỉ mới đây, trước tình trạng quá tải và hết chỗ thoát nước của sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Quốc Phòng mới chịu “nhả” gần 20 ha để mở rộng sân bay này. Tuy nhiên trong lúc việc bàn thảo còn chưa đâu vào đâu, một liên danh nhà đầu tư gồm tổng công ty 319 (Bộ Quốc phòng), công ty dịch vụ thương mại, sản xuất, xây dựng Đông Mêkông và công ty cổ phần hạ tầng Đông Á lại đề xuất dự án xây dựng hệ thống đường trên cao kết nối sân bay Tân Sơn Nhất (Q.Tân Bình) với đường Nguyễn Văn Trỗi – Hoàng Văn Thụ (Q.Phú Nhuận) theo hình thức đầu tư PPP (nhà nước và tư nhân hợp tác) nhằm giải quyết ùn tắc giao thông ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, dự kiến vốn đầu tư đến 3.500 tỷ đồng.

Dự án trên về thực chất là nhằm né sân golf của nhóm lợi ích quân đội!

Tấn bi kịch còn lâu mới chấm dứt

Ngay lập tức đã xuất hiện hàng loạt ý kiến phản bác dự án trên: Liệu rằng khi xây xong, tình trạng kẹt xe trước ngõ vào sân bay có được giải quyết? Hay lại tăng thêm áp lực cho khu vực này khi không chỉ 3, 4 tuyến đường đổ về cùng lúc mà tận 6,7 tuyến? Liệu rằng khi đề xuất dự án “điên rồ” này, người ta có tính đường giải quyết nút thắt ngay cửa ngõ Tân Sơn Nhất không? Hay chỉ chăm chăm “vẽ” dự án nghìn tỷ “trên trời,” dự án càng nhiều, càng lớn lại càng có lợi?

Tại sao cứ phải vay hàng chục, hàng trăm ngàn tỷ để xây mới sân bay quốc tế mà không phải là mở rộng diện tích sử dụng tại sân bay Tân Sơn Nhất, trả lại quy hoạch đồng bộ ban đầu cho khu vực sân bay, xây thêm các Terminal tại những cửa ngõ khác đi vào sân bay để tăng cường và khai thác hết công năng của Tân Sơn Nhất? Tại sao lại cắt đất sân bay làm sân golf, vừa lấn chiếm diện tích làm đường băng mới, vừa tạo thêm chướng ngại vật cho các phi công trong quá trình hạ cánh sau một chuyến bay dài đầy mệt mỏi và căng thẳng? Tại sao phải giữ dự án sân golf vốn chỉ dành phục vụ vài ông chủ của giới thượng lưu, cổng vào rộng thênh thang không một bóng người, mà không biến nó thành một cửa ngõ vào sân bay quốc tế, vừa giảm tải cho nhà ga sân bay, vừa giảm áp lực tại các cửa ngõ và các tuyến đường đổ về khu vực này?

Tại sao cứ đổ lỗi cho hệ thống mương cũ kỹ, không đáp ứng được nhu cầu khi người ta đã cắt xén và lấp không ít mương trong hệ thống để tạo nên những thảm cỏ sân golf xanh mướt hay bê tông hóa chúng thành những con đường trải nhựa phục vụ cho các ông chủ thỉnh thoảng đến giải trí? Tại sao người ta chỉ đề xuất chi hàng trăm tỷ đồng cho dự án làm kênh thoát nước chống ngập cho sân bay Tân Sơn Nhất, trong khi phần gốc của vấn đề vẫn còn đó? Tại sao không phải là trả lại quy hoạch ban đầu cho sân bay, nâng cấp mương thoát nước vốn cũ kỹ, phục hồi hệ thống thoát nước khổng lồ trong sân bay mà tiếp tục “né” sân golf, đào xới ngang dọc khiến sân bay như một chiếc áo chắp vá cũ nát?

Tại sao vẫn kiên quyết giữ cái sân golf chỉ chuyên phục vụ giới nhà giàu, rồi lại rút cạn ngân sách, tiền mồ hôi nước mắt của dân để “vẽ” ra những dự án trên trời, chẳng những không giải quyết được mà còn khiến vấn đề thêm trầm trọng?

Những người quan tâm cũng nêu ra một hướng giải quyết vô cùng đơn giản, ít tốn kém nhưng không hiểu sao các nhà quy hoạch không ai “nhìn ra” hay người ta “thấy” nhưng cố tình né tránh: Tại sao không xây thêm cổng vào từ các tuyến đường Cộng Hòa – Hoàng Hoa Thám, Trường Chinh, Tân Sơn (khu vực cổng vào sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất)?

Chỉ có điều, nếu làm đúng nguyện vọng của dân và trả lại cho sân bay Tân Sơn Nhất về chính nó thì ai sẽ là người dẹp loạn lấn chiếm đất đai sân bay của tập đoàn Him Lam và tổng công ty 319?

Như người đời bình phẩm, trong tất cả những ông lớn kinh doanh bất động sản, Bộ Quốc Phòng là một “cá mập” vào loại khủng nhất.

Bi kịch của sân bay Tân Sơn Nhất cũng bởi thế vẫn còn lâu mới chấm dứt!

Nguồn và kết nối: Người Việt

 

25 September 2016

Luật sư Nguyễn Văn Chức đã mệnh chung

Luật sư Phaolồ Nguyễn văn Chức, cựu Thượng Nghị Sĩ VNCH, nhà văn, nhà báo bút hiệu VIP KK, đã được Chúa gọi về vào Thứ Tư, ngày 7 tháng 9 năm 2016, lúc 10 giờ đêm, tại Cape Code, Massachusetts.

Ông sinh tại Phát Diệm, Bắc phần, ngày 12 tháng 11 năm 1928, tuổi Bính Dần, thọ 88 tuổi.

Cape Code là một thành phố nghỉ mát nổi tiếng của tiểu bang Massachusetts trong vùng Đông Bắc Hoa Kỳ, nơi mà thuở sinh tiền, ông Nguyễn văn Chức rất thích đến nghỉ ngơi vào những ngày Hè. Gần đây sức khoẻ của ông có phần suy giảm, nên toàn thể gia đình đã đưa ông về đây tĩnh dưỡng. Trong thời gian ở Cape Code và khi ông trút hơi thở cuối cùng, bên ông luôn có sự hiện diện của Bà Chức và đông đủ 3 người con.

Ông muốn tang lễ của mình được cử hành đơn giản, trong vòng thân quyến. Do đó, gia đình đã không thông báo rộng rãi ra ngoài, ngoại trừ một vài người bạn thân mà Ông đã dặn dò. Ông muốn hỏa thiêu và tro cốt của ông sẽ được mang qua gửi tại Tòa Thánh Vatican. Gia đình sẽ thực hiện ước nguyện này của ông.

Ông Bà Nguyễn văn Chức có 3 người con trai, đều đã trưởng thành. Người con trưởng là một thương gia, người con thứ nhì, cũng là một thương nhân, người con út là Luật sư, hiện làm việc tại New York, đã lập gia đình.

Ông Nguyễn văn Chức là một luật sư danh tiếng tại Sàigòn truớc 1975, cựu Thượng Nghị Sĩ VNCH, cựu quân nhân, và là một nhà báo nổi tiếng, kiến văn quảng bác, với bút hiệu VIP KK. Ông cũng là cựu Chủ tịch Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại.

Luật sư Nguyễn văn Chức, là người chiến sĩ Quốc Gia chân chính, tánh tình đôn hậu, thủy chung với bằng hữu và lập trường chống cộng vững như Thái Sơn.

(Theo tin riêng của HỒNG PHÚC Lê Hồng Long
Email: ngaynay@cox.net)

24 September 2016

Rất Huế

Nhạc: Võ Tá Hân
Ca sĩ: Bảo Yến
PPS: Trần Năng Phụng

ĐS8 Lê Văn Tư (Pháp quốc) thăm Úc Châu

Quý AC kính mến,

"Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ". Hôm qua thứ bảy, bất ngờ gặp Huynh trưởng QGHC Lê Văn Tư (DS8, CH1) từ bên Pháp qua chơi có ghé thăm Brisbane. Anh ngụ tại nhà BS Bùi Trọng Cường sau khi ghé đến Sydney và có gặp anh Lê Tấn Tài.

Vì bất ngờ nên không kịp thông báo đến ACE QGHC/QLD. Nay xin mượn danh sách email này từ quý anh Ngô V Đượm, anh TVPhan để tin quý AC đồng môn hay Huynh trưởng Lê Văn Tư sẽ trở lại Sydney thăm một số AC đồng môn vào ngày mai thứ Hai và sau đó sẽ xuôi nam ghé thăm quý anh Hồ Tấn Vinh, Lưu Văn Của và quý AC đồng môn
ở Melbourne.



Vậy kính tin quý AC rõ để nếu có ai quen hay cùng khoá với anh thì có dịp gặp gỡ. Email của anh Lê Văn Tư có kèm theo thư này.
Hoặc là :  vantule39@yahoo.com
Hoặc :  levantu39@gmail.com

Kính thư,
NVSanh
GD QGHC/ QLD)

22 September 2016

HỌC TIẾNG TRUNG À, ĐỂ LÀM GÌ?

Hải Lý

Bạn hớn hở báo tin là vừa ghi danh khóa học tiếng Trung. Tôi hỏi tại sao thì bạn tròn mắt như tôi là người vừa từ hành tinh nào rớt xuống. Nhìn tôi một cách đầy thương hại, bạn bắt đầu giảng giải…

- Trung Quốc hiện giờ là nền kinh tế lớn nhất trên thế giới chỉ sau Mỹ, và người ta dự đoán nền kinh tế này sẽ vượt Mỹ trong khoảng 10 năm nữa.

- Hơn một tỉ người trên thế giới nói tiếng Trung.

- Cựu thủ tướng Anh David Cameron cũng từng khuyến khích học sinh hãy bỏ tiếng Pháp mà học tiếng Trung đấy nhé!

- Hãy theo gương anh Mark Zuckerberg. Như anh ấy mà vẫn phải học tiếng Trung thì tại sao chúng ta lại không học!

Tiếng Trung, vì thế, theo bạn tôi là cánh cửa mở ra cho bao nhiêu cơ hội để thăng tiến sự nghiệp hoặc kiếm tiền. Nguyên nhân rõ ràng thế mà lại có những kẻ khờ khạo không chịu hiểu!

Tiền.  

OK, chúng ta hãy nhìn về góc độ này.

Nhưng đợi một chút, bạn và tôi hãy cùng xem qua một số thống kê.

Hình 1:


(Nguồn: http://www.cogniview.com/blog/we-all-speak-the-same-language-excel)

 Hình 2:

(Nguồn: https://www.washingtonpost.com/news/worldviews/wp/2015/04/23/the-worlds-languages-in-7-maps-and-charts)

Hai thống kê ở hình 1 và 2 cho thấy đại khái vị trí của Trung Quốc trên bản đồ ngôn ngữ toàn cầu.

Mặc dù Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai và có 1.3 tỉ người dùng tiếng Trung, nhưng Trung Quốc dù gì cũng chỉ là một quốc gia trong tổng số 195 quốc gia trên thế giới. Tiếng Trung (Quan Thoại, Quảng Đông) được dùng nhiều nhất cũng chỉ là ở Trung Quốc và Đài Loan. Trong khi đó, tiếng Tây Ban Nha (Spanish) được dùng không chỉ ở Tây Ban Nha, mà còn ở nhiều nước Nam Mỹ như Mexico, Argentina, Chile, Cuba, Costa Rica, Peru, v.v… Tiếng Ả Rập hiện diện ở nhiều quốc gia như Ai Cập, Do Thái, Iraq, Jordan, Kuwait, các Tiểu vương quốc Ả Rập, v.v…

Và dĩ nhiên, không thể không nhắc đến sự thống trị của tiếng Anh. Nghiên cứu mới đây nhất cho thấy có khoảng 1.5 tỉ người trên thế giới đang tích cực học tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai (hoặc ngôn ngữ nước ngoài); với tiếng Pháp thì con số này là 82 triệu người, theo sau là tiếng Trung với 30 triệu, tiếng Đức và Tây Ban Nha mỗi bên 14.5 triệu, tiếng Ý 8 triệu và tiếng Nhật 3 triệu (xem nguồn). Theo British Council, đến năm 2020 thì con số người học tiếng Anh sẽ vượt qua 1.9 tỉ.

Bạn thân mến, để tôi hỏi bạn một số câu sau:

- Nếu bạn ở trong ngành nhập khẩu trái cây và nguồn nhập khẩu chính của bạn là từ Mexico, vậy cái việc bạn biết tiếng Trung nó sẽ giúp ích gì cho mối quan hệ thương nghiệp này?

- Bạn đang muốn thuê nhân lực ở Ấn Độ để đảm trách khoa hổ trợ kỹ thuật của công ty, bạn rất có thể sẽ dùng ngôn ngữ nào để trao đổi với đối tác ở bên ấy, tiếng Trung hay tiếng Anh?

- Bạn là kỹ sư cầu cống nộp đơn xin làm việc ở Dubai, bạn không nghĩ cái việc bạn biết tiếng Trung sẽ quyết định sự thành bại đó chứ?

- Bạn muốn đi du học ở Đức. Để chuẩn bị cho việc học tập ở bên ấy, vậy ngay bây giờ thì bạn nên học tiếng gì?

Hy vọng bạn hiểu tôi muốn nói đến điều gì qua những câu hỏi này.

Tôi không nói là bạn không nên học tiếng Trung cho mục đích kiếm tiền. Tôi chỉ muốn bạn suy nghĩ thật kỹ. Nếu bạn là người làm kinh doanh, hãy nghĩ xem việc biết tiếng Trung sẽ giúp ích thế nào cho việc tăng trưởng lợi nhuận của công ty. Nếu bạn là người làm công, hãy tự hỏi việc biết tiếng Trung có giúp bạn thăng tiến trong sự nghiệp hay không. Và nếu bạn là sinh viên, hãy rõ ràng một chút về hướng đi tương lai của bạn - tiếp theo sẽ học gì và học ở đâu.

Đến đây có lẽ bạn sẽ gắt lên, “Gớm, chỉ có việc học tiếng Trung để kiếm tiền thôi mà, sao phải nhặng xị lên thế!”

À, xin lỗi bạn. Tôi cũng là người làm kinh doanh, và cho là tôi chỉ thấy lợi nhuận trên hết. Và vì vậy chúng ta hãy tiếp tục nói về tiền. Gần như bất cứ ngành kinh doanh gì cũng cần đến sự đầu tư - đầu tư về mặt tiền bạc, nhân lực, máy móc, v.v… Việc học tiếng Trung cũng là một sự đầu tư.

Để tính xem một sự đầu tư nào đó có lợi hay không, chúng ta cần tính đến số vốn đầu tư mà ta bỏ ra lúc ban đầu, và số lợi nhuận thu được từ sự đầu tư ấy. Việc học tiếng Trung, trước mắt, là một sự đầu tư về thời gian, mà thời gian = tiền bạc trên thương trường. Hãy thử tính bạn sẽ bỏ ra bao nhiêu giờ trong một tuần vào bao nhiêu tuần để đạt được trình độ nói/viết tiếng Trung tạm gọi là rành mạch? Và hãy thử tính bạn sẽ thu về bao nhiêu lợi nhuận từ việc học tiếng Trung này?

Hình 3:

Quy luật 20/80

Hẳn bạn phải nghe nói đến quy luật 20/80 (hình 3)?

Trong kinh doanh, việc đầu tư có lời nhất là khi ta chỉ bỏ ra một tí công sức nhưng lại thu về lợi nhuận ít nhất là gấp đôi lượng công sức (quy ra tiền) - luật 20/80 bảo rằng một sự đầu tư được xem là có lời khi ta chỉ bỏ ra khoảng 20% công sức nhưng lại thu về được những 80% lợi nhuận. Dĩ nhiên, bạn có thể chỉnh con số này thành 10/90, 30/70, v.v…

Đối với đa số người, họ sẽ cần rất nhiều thời gian để học và đạt đến trình độ tiếng Trung có thể nói là tạm được. Sự đầu tư lúc ban đầu này là khá lớn. Nhưng rồi lợi nhuận thu về được sẽ là bao nhiêu? Nếu bạn bỏ ra 80% công sức chỉ để học tiếng Trung, nhưng rồi lợi nhuận thu về chỉ được có 20% thì mối đầu tư này có đáng hay không?

Tôi tin, bạn cũng như tôi, khó mà chấp nhận một sự đầu tư lỗ vốn. Bạn gật gù, nhưng rồi lại hỏi vặn tôi tiếp: “Thế nếu làm ăn với các đối tác người Hoa thì nhất định phải biết tiếng Trung rồi, phải không nào?”

Câu trả lời là “Tùy!”

Nếu bạn muốn tạo những mối quan hệ làm ăn tại Hồng Kông, Malaysia hoặc Singapore, gần như bạn chỉ cần biết tiếng Anh là đủ. Ở Trung Quốc, rất nhiều các công ty lớn dùng tiếng Anh để giao dịch, và dĩ nhiên cũng có lúc bạn không may gặp phải một đối tác mà nửa chữ Anh bẻ đôi cũng không biết. Nếu bạn sống và làm việc ở Trung Quốc, tùy nơi bạn ở, nếu không biết tiếng Trung thì bạn có thể sẽ gặp khó khăn trong những giao tiếp thường ngày, ví dụ như gọi đồ ăn từ thực đơn, hỏi đường, đi khám bác sĩ, v.v…

Ở Trung Quốc, biết tiếng Trung là một dấu cộng cho người nước ngoài sống và làm việc ở đó. Tuy vậy, tiếng Trung không phải là yếu tố duy nhất để người Trung Quốc đánh giá về bạn. Để có một mối giao dịch suông sẻ ở Trung Quốc, người ta thường khuyên bạn chú ý về những phép tắc trong giao tiếp và chú ý đến các khác biệt văn hóa. Trang blog TutorMing Chinese for Business cũng không đề cao việc bạn phải biết tiếng Trung để kinh doanh, và nhấn mạnh bạn không nên tốn quá nhiều công sức vào việc học tiếng Trung mà bỏ quên những kỹ năng khác, vì chẳng có gì bảo đảm việc biết tiếng Trung sẽ khiến công ăn việc làm của bạn mãi mãi an toàn cả.

Dường như quen quen, quy luật 20/80, phải không? 

Bạn nhìn tôi khổ sở, “Thế thì chẳng có ngành nghề nào cần đến tiếng Trung à?” Có chứ, và ở đây sự đầu tư về việc học tiếng Trung có thể đem đến rất nhiều lợi ích. Biết rành rẽ tiếng Trung và tiếng Anh (hoặc ngôn ngữ nào khác), bạn có thể làm thông dịch viên, hoặc làm trong ngành du lịch ở những nơi mà đông người Trung Quốc lui tới. Biết rành rẽ tiếng Trung và nếu là luật sư, bạn có thể lôi kéo được nhiều khách hàng từ cộng đồng người Hoa - những khách hàng mà không rành tiếng bản địa (Anh, Pháp) và rất ngại các vấn đề về luật pháp.

Vấn đề là bạn có sẵn sàng cho sự đầu tư này hay chưa? Cũng theo trang TutorMing Chinese for Business, để đạt đến trình độ tạm gọi là nói, viết tiếng Trung đàng hoàng, bạn cần bỏ ra khoảng 5 giờ đồng hồ mỗi ngày để học, và bạn sẽ cần đến khoảng 88 tuần học như thế. Cách học tiếng Trung hay nhất và nhanh nhất là bạn sống và làm việc ở Trung Quốc, vì đấy là môi trường lý tưởng để thực tập và trau dồi.

Đến đây thì bạn nhăn mặt, “Khó quá nhỉ, hay thôi bỏ mẹ cái khóa học tiếng Trung kia cho rồi!”

Một lần nữa, tôi nói chung không khuyên bạn có nên hay không nên học tiếng Trung, mà hãy suy nghĩ thật cẩn thận trước khi đưa ra quyết định. Nhất là học tiếng Trung để kiếm tiền, vì dù gì đó cũng là một sự đầu tư khá lớn. Hãy nghĩ bạn đang kinh doanh, hoặc sẽ kinh doanh những gì; đa số khách hàng của bạn là ai và ở đâu; những đối tác làm ăn chính của bạn là ai và ở đâu; những dự án dài hạn của bạn là thế nào, v.v… Hoặc nếu bạn đang tìm con đường thăng tiến trong nghề nghiệp thì việc bạn biết tiếng Trung sẽ giúp ích được gì. Hãy tìm hiểu thật kỹ, tham khảo ý kiến của nhiều người trong ngành, đánh giá sự lợi/hại của việc học tiếng Trung.

Đừng học tiếng Trung chỉ vì bạn bị lóa mắt bởi những cái gọi là “nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, sắp vượt Mỹ,” “cả đến 1.3 tỉ người nói tiếng Trung” hay vì ông thủ tướng này, bà tổng thống nọ khuyến khích học tiếng Trung. Tự khi nào mà lời lẽ của các chính trị gia là khuôn vàng thước ngọc mà chúng ta phải răm rắp nghe theo?

Đừng đầu tư vào những gì không sinh lời.

Trước khi kết thúc, tôi muốn nói đến điều này mà có lẽ bạn chưa biết:

Người ta ước tính là năm 2013, có đến khoảng ba trăm triệu người Trung Quốc theo học tiếng Anh - một con số tương đương với dân số của cả nước Mỹ. Hiện tại, thị trường dạy tiếng Anh ở quốc gia đông dân nhất thế giới này có trị giá là 4.5 tỉ dollars Mỹ và dự tính thị trường này sẽ tăng 12-15% chỉ trong vòng vài năm tới (xem nguồn).

Thay vì tiếng Trung trở thành ngôn ngữ thế giới trong tương lai, với những gì đang xảy ra hiện nay thì việc Trung Quốc trở thành tương lai của ESL (học tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai) có vẻ như gần với sự thật hơn. Sống trong một nền kinh tế đang đi chậm lại và đối diện nhiều bấp bênh, nhiều người Trung Quốc càng lao đầu vào việc học tiếng Anh hòng tạo dựng một thế mạnh khi đi xin việc làm tại thị trường quốc nội hoặc hải ngoại.

Người Trung Quốc thì như thế, còn chúng ta thì thế nào? 

(FB Hải Lý) 

Từ đó ngài tịnh khẩu !

VẤN KẾ ĐẠI SƯ

''Bạch thầy, tính vợ con hầu hết tốt,
Nhưng đôi lúc, cũng có chút tính hư
Xin Thầy dạy cho con vài cách, như:
Đổi tính vợ con thành hoàn tòan tốt.''

Đại sư cười, từ tốn giảng chi tiết:
''Cuộc đời này, không hoàn hảo, con ơi
Tốt hay xấu là tính của con người
Vạn vật cũng có mặt phải, mặt trái.

Hãy đi tìm cho Thầy một tờ giấy
Có mặt phải, mà mặt trái thì không
Khi tìm được, về ngay, kẻo Thầy mong
Thầy sẽ dạy vợ con toàn tính tốt.''

Chàng trai lạy cảm tạ, rồi đi khuất.
Ngay hôm sau, chàng tất tả tìm Thầy:
''Bạch Thầy, con tìm được tờ giấy này
Có mặt phải, mà không có mặt trái!''

Đại Sư nhìn, chàng rút ra sấp giấy:
Báo Nhân Dân, mời Thầy đọc, Bạch Thầy...
Đại sư nhìn, lộ vẻ chán chường ngay
Từ lúc đó, Đại Sư bèn tịnh khẩu!!!

TNT viết theo truyện kể trên Net
9/20/2016
***

Có chàng trai trẻ tìm đến một vị Đại Sư để khẩn cầu:

''Bạch thầy, vợ con tính tình hầu hết là tốt, nhưng, đôi lúc, cũng có những tính xấu. Xin Thầy chỉ dạy phương cách biến đổi tính tình vợ con trở thành hoàn tòan tốt.''

Đại sư mỉm cười, từ tốn giảng:

''Trên đời này, không có gì hoàn hảo! Con người có tính tốt, tính xấu, vạn vật cũng có mặt phải, mặt trái. Con hãy đi khắp thế gian, tìm cho Thầy một tờ giấy chỉ có mặt phải, mà không có mặt trái. Nếu con tìm được, Thầy sẽ dạy cho con làm cách nào vợ con chỉ có tính tốt.''

Chàng trai trẻ lạy cảm tạ Thầy và ra về.

Nhưng, hôm sau, anh ta hớt ha, hớt hải tìm Thầy và la lớn:

''Bạch Thầy, con đã tìm được tờ giấy chỉ có mặt phải, mà không có mặt trái!''

Trong khi Đại Sư ngơ ngác nhìn, chàng trai trẻ rút ra…. tờ báo Nhân Dân … và ...

Từ đó, vị Đại Sư tuyên bố tịnh khẩu suốt đời!!!

21 September 2016

Thêm một bước trong tham vọng thâu tóm quyền lực của Nguyễn Phú Trọng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh; cùng các lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương; Văn phòng Trung ương Đảng; Văn phòng Tổng Bí thư; Bộ Công an đã tham dự Lễ công bố Quyết định của Bộ Chính trị Khóa XII về việc chỉ định Đảng ủy Công an Trung ương nhiệm kỳ 2015-2020 đã được tổ chức tại Hà Nội sáng ngày 21/9.

Tại buổi lễ, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đã công bố Quyết định của Bộ Chính trị về việc chỉ định Đảng ủy Công an Trung ương nhiệm kỳ 2015-2020, gồm 16 thành viên; Ban thường vụ Đảng ủy gồm 7 thành viên, trong đó có 3  thành viên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước là: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Đây là lần đầu tiên trong các nhiệm kỳ, Tổng Bí thư tham gia Đảng ủy và Ban thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương. Biến chuyển này cho thấy Nguyễn Phú Trọng không còn an tâm đứng ngoài để chỉ đạo mà muốn tham gia trực tiếp tham mưu trong ngành công an. (TTR dựa theo TTXVN)

Học trò Việt Nam sẽ được học với thầy cô giáo Trung Cộng?

Dự kiến từ niên học 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo CSVN sẽ áp dụng chương trình dạy và học tiếng Nga và tiếng Trung Cộng liên tục trong suốt 10 năm, bắt đầu từ lớp 3 cho đến hết lớp 12. Hai môn học này sẽ được giảng dạy như môn ngoại ngữ thứ nhất, tương đương như tiếng Anh.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ
tại hội nghị về triển khai lộ trình
Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020,
diễn ra hôm 17-9.
(Ảnh: Bộ GD-ĐT)

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo CSVN, ông Phùng Xuân Nhạ nhiều lần nhấn mạnh với báo giới: “Việc học ngoại ngữ muốn tiến triển nhanh thì người học cần phải được mở rộng giao lưu với giáo viên bản ngữ, sinh viên nước ngoài. Học tiếng gì phải tiếp cận với người nói tiếng đó”.

Như vậy, từ niên học 2017, tất cả các trường từ cấp tiểu học đến trung học ở Việt Nam sẽ có mặt các thầy cô giáo đến từ Trung Cộng.

Mới đây trả lời trong cuộc họp trực tuyến về đề án dạy ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục, ông Nguyễn Minh Châu, phó Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Lạng Sơn tiếp giáp với Trung Cộng, nên việc dạy và học tiếng Trung là rất thuận lợi cho việc phát triển giao thương giữa 2 nước. Thời gian trước mắt, Lạng Sơn tiếp tục tổ chức dạy tiếng Anh là ngoại ngữ 1 đối với các trường phổ thông. Đồng thời, triển khai tổ chức dạy tiếng Trung Quốc là ngoại ngữ 1 ở một số lớp nhằm đáp ứng nhu cầu của học sinh”.

Số liệu thống kê cho biết ở Việt Nam hiện có 15,277 trường tiểu học, 10,878 trường trung học cơ sở, phổ thông cơ sở, 2,767 trường trung học phổ thông. Tổng cộng là 28,922 trường từ cấp tiểu học đến trung học. Mỗi trường chỉ cần có 2 thầy cô giáo là người Trung Cộng, thì Việt Nam sẽ có ít nhất là 57,844 giáo viên đến từ Trung Cộng.

Có nhiều bình luận trên mạng xã hội xoay quanh cụm từ “ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi”. Cụm từ này mang ý nghĩa là một ngôn ngữ phổ biến, được nhiều người nói. Nhưng đây cũng là một cách nói có thể gây nhầm lẫn.

Một bạn ý kiến: "Một ngôn ngữ được nhiều người nói không có nghĩa là nó được nói rộng rãi ở khắp muôn nơi mà chỉ được nói trong một khu vực địa lý bó hẹp, vì lý do số lượng dân số của quốc gia ấy quá đông."

Một ý kiến khác chỉ tiếng Trung như là một ví dụ: "Nếu một người học tiếng Trung, người ấy có thể sẽ nói chuyện được với 37% dân số toàn cầu, nhưng trên thế giới chỉ có 3 quốc gia sử dụng ngôn ngữ này như là ngôn ngữ chính thức, theo CIA World Factbook (https://www.cia.gov/library/publications/the-world-factbook/rankorder/2119rank.html). Ngược lại, tiếng Pháp là ngôn ngữ chính thức của khoảng 29 quốc gia trên toàn thế giới. Vậy thì tiếng Trung có thực sự được 'nói rộng rãi'?"

Vũ Minh Ngọc / SBTN

20 September 2016

Bó chiếu

BÓ CHIẾU

Bà vợ được chồng chở trên xe máy
Không ngồi nghiêng, không ôm chặt thắt lưng
Không tựa nhẹ bờ vai của ông chồng
Không ngồi thẳng, ​hai ​tay trên đầu gối.

Hôm nay bà ​được ​gói giữa chiếu cói
Đầu một bên, cuộn kín ở bên trong
Bàn chân nhô, lủng lẳng, lắc, lòng thòng
Đôi dép cũ ân cần ôm ​chân lạnh​​.​

Chồng cặm cụi lái xe, ​thấy bất hạnh​
Nước mắt tuôn, đau xót, tội vợ mình
Bệnh quá nặng, chết là lẽ thường tình
Nhưng bó chiếu đeo về​​,​
l​òng​ đau xót.

Hp-TnT 
9/18/2016

19 September 2016

Trịnh Xuân Thanh, đường xa vạn dặm

BA SÀM

Người Buôn Gió

17-9-2016

Câu chuyện Trịnh Xuân Thanh dê tế thần kết thúc, nhiều bạn đọc hẫng hụt. Nhưng các bạn sẽ không thấy gì là lạ, nếu như hai ngày sau lệnh truy nã quốc tế Trịnh Xuân Thanh được phát đi.

Trong phần kết thúc, tôi có đề cập nhiều nội dung. Nhưng có một thông tin ít bạn chú ý, tôi cần nhắc lại. Tôi có thể viết ở dạng khác. Vì sao tôi viết ở dạng khác, vì bối cảnh đã khác. Trịnh Xuân Thanh bây giờ đang bị đảng CSVN truy nã quốc tế chứ không như trước kia.

Và thế câu chuyện của tôi bây giờ thuần tuý là sáng tác văn chương, tôi sẽ không bị ai chất vấn thật hay không thật.

Đọc tiếp từ nguồn

18 September 2016

Nghe Nhạc Cuối Tuần

Ca khúc Làng Tôi
Sáng tác: Chung Quân
Trình bầy:  Như Quỳnh   

Trong nền tân nhạc Việt Nam, ca khúc Làng Tôi là một trong những ca khúc phổ quát, được yêu thích, có tầm ảnh hưởng bậc nhất , dễ chạm đến  trái tim người nghe và gợi  nhớ khôn nguôi của  bất cứ người dân Việt nào, dẫu ở trong nước  hay  xa xứ, mỗi khi cất lên những câu đầu trong bài hát “Làng tôi.. có cây đa cao ngất từng xanh …”.

Với nhiều người  yêu nhạc, có lẽ sự nổi tiếng của nhạc phẩm này chỉ đứng sau nhạc phẩm Lòng Mẹ của Y Vân bởi vì nó đẹp cả trong giai điệu lẫn lời ca tạo sức cuốn hút lòng người với những tình tự  nơi chôn nhau cắt rốn không thể nào quên.

Nhạc sĩ Chung Quân
(1936-1988)

Tuy nhiên ,điều ngịch lý là rất ít người biết tuyệt tác này do Nhạc sĩ Chung Quân,tên thật là Nguyễn Đức Tiến, viết năm 1952 khi ông mới 16 tuổi.  Ngay khi bản nhạc đầu tay được tung ra,bản Làng Tôi của ông đã giành được giải của Cty Điện Ảnh, Tuồng Cải Lương Kim Chung ở Hà Nội dùng làm bản nhạc nền cho phim Kiếp Hoa, một trong số ít những phim Việt Nam thực hiện trong thời kỳ này.

Cũng rất ít ai biết năm 1954, sau khi di cư vào Nam, ông dạy  nhạc tại hai trường  Chu Văn An, và Nguyễn Trãi và  là thầy dạy nhạc của nhiều nhạc sĩ nổi tiếng sau này như Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Đức Huy, Nam Lộc… Sau năm 1975, nhạc sĩ Chung Quân ở lại VN và mất năm 1988.

Đối với mỗi người Việt, làng không phải chỉ là định chế hành chánh căn bản hình thành cơ cấu tổ chức xã hội VN. Làng còn là cái nơi mang nặng kỷ niệm tuổi ấu thơ  mà ở đó những lời ru đầu đời của mẹ rót vào trong tim gan, những bước đi chập chững của mỗi chúng ta,ngôi trường làng, dòng sông, cây đa khóm trúc... tất cả như đan quyện vào nhau làm thành bức tranh sống mãi trong ký ức tuổi thơ và mang dấu ấn của những năm tháng sau này.

Ở tuổi xế chiều không còn cơ hội trở về làng cũ trường xưa thì may thay, lại được tắm gội trong dòng sông cũ, bắt bướm nơi khu vườn xưa hay cánh đồng hương thơm lúa mới qua ca khúc  Làng Tôi sau đây.

San Jose ngày 17/9/16
TeHong


17 September 2016

Sinh Nhật Buồn

TTR: Tùy bút "Sinh Nhật Buồn" đã lan truyền trên Internet từ lâu, nhưng khi đọc lại, luôn thấy rung cảm với tác giả và vẫn thấy thấm thía cho đất nước mình.
**
Khuất Đẩu

Đang ngồi chờ cạo mặt ráy tai ở một quán hớt tóc đầu con hẻm, bỗng nghe lệnh của tổ dân phố phát ra oang oang trong loa phóng thanh: “Để mừng Đảng mừng xuân, mọi nhà đều phải treo cờ tổ quốc!”

Chợt nhớ ra ngày mai, mồng ba tháng hai là ngày sinh của Đảng. Và Đảng 85 tuổi. Như thế cũng đã gần thượng thọ rồi. Đảng hơn tôi 10 tuổi. Nếu là trong giới viết lách, có thể gọi thân mật bằng anh, rủ nhau đi cà-phê tán gẫu. Nhưng Đảng không phải là người, không hình thù mặt mũi, chỉ “văn kỳ thanh chứ bất kiến kỳ hình”, có muốn nâng ly chúc mừng cũng không biết chúc ai.
                
Nhưng Đảng cũng không phải là ma. Đảng có mặt ở mọi nơi, mọi chỗ. Gần, thì tổ trưởng dân phố, công an khu vực xa thì chủ tịch tỉnh, chủ tịch nước , chót vót là tổng bí thư.

Đảng là một tổ chức chính trị trùm cả nước. Cái bóng của Đảng to đến nỗi trông lên chỉ thấy Đảng chứ không thấy Trời.

Sức mạnh của Đảng thì khỏi phải nói. Nào đánh Pháp, đuổi Mỹ... Ơn Đảng còn hơn cả ơn Chúa! như Phật! .Nhưng Đảng cũng là một cái gì chưa trọn, cứ phải xây dựng hoài mà chưa xong. Đảng cũng thối tha không kém, nên cứ phải làm trong sạch mãi.

Giả sử, Đảng được sinh ra trong một gia đình nào đó, có nghĩa là một sinh vật hẳn hoi, thì chẳng biết Đảng đực hay cái. Đảng không có chim, cũng không có bướm, vậy mà trong 85 năm, Đảng sinh ra đến hàng triệu đảng viên. Đảng hơn cả mẹ Âu Cơ, sinh đẻ cứ như cua, cá. Mà cua cá thì anh cứ việc xơi, chứ đảng viên, đụng vào là bỏ mẹ.

Trong số hàng triệu đảng viên, có nhiều người cùng tuổi với Đảng. Nghĩa là Đảng mới chào đời đã kịp sinh con, như cụ bà Phạm Thị Trinh, cũng đã 85 tuổi Đảng (101 tuổi đời). Đảng thì lớn mạnh vẻ vang, còn cụ thì tù đày bầm giập. Cùng tuổi với Đảng nhưng chẳng được ai chúc mừng, kể cả con cháu.

Vậy thì Đảng là cái gì mà mọi nhà đều phải treo cờ? Đến nỗi, hơn 50 năm trước, Trần Dần phải kêu lên:
Tôi bước đi không thấy phố không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ. 
Lá cờ mà sau đó ông gọi là lá cờ trừ ma.

Khi tôi cạo mặt ráy tai xong, ra về, cũng chưa thấy cờ như thời Trần Dần, cũng chẳng thấy ai tới hạch hỏi “người ta đổ xương máu để có được cây cờ, chỉ có mỗi một việc treo lên mà không treo, phản động à?” như hồi 75.

Bật TV, thấy Tổng bí thư đọc lê thê một bài mừng Đảng giữa một hội trường to rộng, trước những đảng viên ưu tú, áo quần sang trọng tinh tươm, nhưng người đọc thì giọng buồn mệt mỏi, người nghe thì mặt cứ trơ ra, chẳng một chút xúc động cứ như những tượng sáp.

Người ta bảo Đảng bây giờ cũng như cái xác trong lăng kia, chỉ chờ ngày chôn thôi. Tôi thì tôi không dám tin như vậy. Chẳng những thế tôi còn đâm ra sợ Đảng như nhân vật của Kafka (*), có thể đang hoá thân thành một con gì đó hơn cả con sâu. Bởi thế, cứ tới ngày sinh của Đảng thì tôi (và 85 triệu người không Đảng) lại buồn. Còn buồn hơn chiều chủ nhật buồn nằm trong căn gác đìu hiu!

Khuất Đẩu
__________________________

(*) Chú thích của TTR: 

The Metamorphosis (Biến Hình) là quyển tuyểu thuyết nổi tiếng của Kafka, nhà văn gốc Do thái nói tiếng Đức xuất bản lần đầu năm 1915. Nội dung bắt đầu với nhân vật Gregor Samsa, một thương nhân đi đây đi đó. Gregor một hôm thấy mình hóa thành một quái vật hình hài giống như một con côn trùng khổng lồ. Không ai biết mà ngay tác giả cũng không giải thích nguyên nhân nào khiến Gregor hóa thân, chỉ biết rằng sau đó Gregor cảm thấy nặng nề khi cố gắng thích ứng với hoàn cảnh mới của mình như khi giao tiếp với cha mẹ hay người em gái, là những người luôn luôn muốn xa lánh Gregor với cái hình hài mới quái gở.

Thủ tướng một nước nhỏ, rất nhỏ, nói về bảo vệ môi trưởng, bảo vệ đất nước . . .

để bảo vệ người dân. . . 

Để bảo tồn tài nguyên quốc gia và tránh làm suy tàn hệ sinh thái,
chính quyền phải xác quyết rằng ít nhất 60% tổng số đất của Bhutan
luôn luôn phải được rừng cây che phủ.
(Điều 5 Hiến pháp Bhutan)

15 September 2016

Yên Bái, Trịnh Xuân Thanh, và sự sa lầy của Nguyễn Phú Trọng

Phạm Chí Dũng
Dù gì, chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã nâng bản lĩnh của ông lên một bậc khiêm tốn so với cung cách “giáo làng” cùng não trạng bị coi là ủy mị vào thời gian trước đại hội 12.

Gần ba tháng sau khi phát lệnh “việc cần làm ngay,” có thể nhận thấy sắc diện và khẩu khí của ông có phần đanh rắn và dày dạn thủ thuật hơn, cùng một quyết tâm “đập chuột giữ bình” chưa có gì thay đổi.

“Có những việc làm có lẽ chưa nói ra đâu, các bác cứ chờ. Đang điều tra, chuẩn bị, nói ra thì lộ hết, chúng nó chạy. Phải làm đúng luật pháp, chứ cứ tạo dư luận, gây sức ép, mai kia xử ít thì bảo nương nhẹ, xử nặng lại bảo oan sai,” một trong số ít phát ngôn công khai và có phần tự tin của ông Nguyễn Phú Trọng, cũng là một đại biểu Quốc Hội, trong cuộc tiếp xúc với cử tri quận Ba Đình ở Hà Nội trong thời gian qua mà có thể toát lộ phần nào tâm thế của nhân vật đầu não đang có xu hướng tập quyền này.

Nhiều người hiểu là ông Trọng muốn ám chỉ đến ai, hoặc những ai. Trịnh Xuân Thanh là cái tên đầu tiên, và như ông Trọng hàm ý, mới chỉ là “một ví dụ.”

Trước Lễ Quốc Khánh 2 Tháng Chín, giới dư luận viên và những chuyên gia phục vụ cho phe đảng ồn ào tung hứng: “Thấy chưa, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng có nói đùa đâu, mà nói là làm!”

Trừ những “ví dụ” khác hoàn toàn nằm ngoài đường ray của ông Trọng: Thảm sát Yên Bái và Trịnh Xuân Thanh “biến mất.”

Nạn cát cứ sứ quân đang lan rộng?

Bất chấp những thông báo mang tính một chiều của các cơ quan công an và tuyên giáo, hai chi tiết không thể giải thích được trong và sau vụ Yên Bái là vì sao người bị công an gần như xem là hung thủ – ông Đỗ Cường Minh – lại tự sát với cái cách bắn từ gáy mình, và tại sao cả ba nhân vật tử vong đều được chôn cất quá vội vã mà dường như chẳng cần tuân thủ những nguyên tắc phải có của khoa học hình sự về điều tra đường đạn và của pháp y về khám nghiệm tử thi?

Một câu hỏi nữa mà dư luận vỉa hè cũng đang ồn ào: Liệu vụ Yên Bái chỉ thuần túy là cuộc khủng hoảng nội bộ của tỉnh này, hay còn liên quan đến những bí ẩn nào đó ở Quân Khu 2?

Vì nếu có liên đới với Quân Khu 2 và cái chết chỉ 11 ngày trước khi xảy ra vụ thảm sát Yên Bái của Thiếu Tướng Lê Xuân Duy, vẫn bị đảng tặng cho chức danh “Phụ trách tư lệnh Quân Khu 2” chứ không phải “Tư lệnh Quân Khu 2” cho đến khi từ trần, phạm vi và tính chất vụ Yên Bái sẽ ghê gớm hơn nhiều, mà có khi đó là “chuyện của mấy anh Bộ Chính Trị” như một số quan chức thì thầm.

Nếu vụ Yên Bái được khuấy động và trở thành nỗi lo chung của đảng về thực trạng và tương lai cát cứ sứ quân – mối lo sợ có thể là lớn nhất của đảng hiện thời – bầu không khí tung hứng về “chống tham nhũng” của Tổng Bí Thư Trọng chắc chắn sẽ bị pha loãng đáng kể.

Mất đầu mối Trịnh Xuân Thanh?

Trong khi vụ Yên Bái còn lâu mới chìm lắng, chỉ ít ngày sau Lễ Quốc Khánh, báo chí nhà nước một lần nữa tỉnh ngủ với thông tin ông Trịnh Xuân Thanh làm đơn ra đảng, còn mạng xã hội sôi trào với cả tin này lẫn tin ông Thanh có khả năng đã đào tẩu ra nước ngoài.

Thông tin trên phát ra vào ngày 7 Tháng Chín. Nhưng trước đó hai ngày, bất thần xuất hiện tin về ông Dương Chí Dũng, một phạm nhân đình đám về tham nhũng đang thụ án trong trại giam của Bộ Công An, “bất ngờ chết trong tù.”

Cần chú ý là tin tức về Trịnh Xuân Thanh ra đảng đã xuất hiện trên mạng xã hội trước, sau đó được nhiều tờ báo nhà nước xác nhận. Tuy nhiên, báo nhà nước không đăng tải một bản báo cáo của ông Trịnh Xuân Thanh gửi cho Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương Đảng, trong lúc mạng xã hội lại nhận được một nguồn gửi nặc danh báo cáo này và cho đăng phát rộng rãi.

Bản báo cáo của ông Trịnh Xuân Thanh được phát trên mạng xã hội có hai nội dung rất đáng chú ý: Ông xin ra khỏi đảng là “vì không tin vào sự chỉ đạo của đồng chí tổng bí thư,” tức là ông Nguyễn Phú Trọng, và cho biết thêm rằng “để đảm bảo an toàn cho bản thân, tôi đã xin nghỉ phép để đi chữa bệnh ở nước ngoài.”

Trước khi xuất hiện báo cáo trên của ông Thanh, báo Thanh Niên tường thuật rằng ông Thanh đã gọi điện thoại cho phóng viên báo này để bộc lộ phản ứng về một số vấn đề mà theo ông, các cơ quan kiểm tra đảng đã kết luận sai về ông. Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi ông Thanh đang ở đâu thì ông không cho biết, mà chỉ nói ông đang điều trị bệnh gout.

Hành động gọi điện cho phóng viên đã cho thấy ít nhất một hàm ý: Nếu ông Trịnh Xuân Thanh thực sự bị công an bộ bắt giữ hoặc bị câu lưu ở một nơi nào đó như đồn đoán trước đó thì đã rất khó có thể gọi điện thoại thoải mái ra ngoài như thế. Biểu hiện này cũng dẫn đến một giả thiết được nhiều người tin là có thể ông Thanh chưa bị bắt giữ hoặc bị câu lưu, mà đang “ngoài vòng pháp luật.”

Tuy chưa thể kết luận được bản báo cáo xin ra khỏi đảng ký tên Trịnh Xuân Thanh là xác thực hay không, người ta vẫn có thể liên hệ lại một báo cáo dài đến chín trang ký tên Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi cho trang Ba Sàm chỉ vài tháng trước khi đại hội 12 của đảng cầm quyền diễn ra, trong đó giải trình 12 điểm. Báo cáo này đã gây sôi động dư luận và sau đó được nhiều nguồn tin xác nhận là báo cáo thực chứ không phải giả mạo.

Nếu bản báo báo ký tên Trịnh Xuân Thanh được gửi cho một số trang mạng xã hội và đăng tải vào ngày 7 Tháng Chín là thật, điều này xác nhận rằng ông Thanh nhiều khả năng hiện ở một chỗ đủ an toàn để chủ động viết thư, gọi điện thoại và phản ứng với Tổng Bí Thư Trọng, người muốn bắt ông. Nơi an toàn đó thường phải là ở nước ngoài.

Và nếu quả ông Trịnh Xuân Thanh đã trốn ra nước ngoài, một vụ Dương Chí Dũng đào tẩu sang Cambodia vào năm 2012 có khả năng tái hiện. Và nếu trước đây ông Dũng khai đã được một quan chức cao cấp lộ tin về “sắp bị bắt” nên đã có đủ thời gian trốn thoát, thì với ông Trịnh Xuân Thanh, liệu kịch bản “bắn tin” có hay không, và nếu có thì xảy ra như thế nào?

Chỉ biết rằng, nhiều khả năng ông Thanh không còn nằm trong tay ông Trọng, không còn là một phi vụ “dễ như thò tay vào túi” mà ông Trọng có thể dùng để “nhân điển hình tiên tiến” cho công cuộc được coi là “chống tham nhũng” mà ông đang khởi sự, và do đó cũng đang tước đi một điểm hết sức quý giá mà ông muốn vớt vát lại uy tín của ông và của đảng trong “quần chúng và cán bộ đảng viên.”

Tiếp sau hàng loạt vụ bê bối trong đảng mà gần nhất là vụ quan chức bắn nhau (hoặc “cả ba bị bắn”) ở Yên Bái, đảng đang phải đối mặt với một “scandal” lớn trong nội bộ mang tên Trịnh Xuân Thanh. Nếu quả ông Thanh đã trốn ra nước ngoài hoặc đang ẩn nấp đâu đó trong nước, một chiến dịch điều tra cấp tốc và rộng lớn sẽ phải được đảng tiến hành để truy tìm ông, trong đó sẽ phải đặc biệt truy xét xem ai, những ai, cơ quan nào đã có thể tiết lộ tin cho ông Thanh bỏ trốn, hoặc thậm chí còn giúp cho ông Thanh bỏ trốn.

Chưa kể vụ đào tẩu trên liệu có mối liên đới nào với “cái chết bất ngờ trong trại giam” của phạm nhân Dương Chí Dũng.

Vấp đá

Gần đây, báo chí nhà nước đăng một ý kiến đáng chú ý từ “một đồng chí cao cấp cách mạng lão thành” đề nghị với Tổng Bí Thư Trọng là “đánh rắn phải đánh dập đầu,” tuy không nói rõ là “rắn” nào.

Nhưng một số dư luận đang suy đoán rằng cấp trên trực tiếp của ông Trịnh Xuân Thanh là ông Vũ Huy Hoàng, cựu bộ trưởng Bộ Công Thương. Còn cấp trên trực tiếp thời ông Vũ Huy Hoàng làm bộ trưởng lại là cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhân vật được xem là “bố già” trong rất nhiều phi vụ.

Nếu không xảy ra sự cố “biến mất” của Trịnh Xuân Thanh, logic nối tiếp sau ông Thanh là ông Hoàng, để sau ông Hoàng có thể là ông Dũng, nhân vật mà ông Nguyễn Phú Trọng dù đã “kết quả” nhưng chưa thể “kết thúc.” Trong thời gian qua, đã có những tín hiệu một nhóm quyền lực – lợi ích nào đó muốn nhân đà chính sách “đả hổ diệt ruồi” của Tổng Bí Thư Trọng để tổ chức tập kích vào hai cứ điểm của bà Nguyễn Thanh Phượng, con gái ông Nguyễn Tấn Dũng. Đó là Mỏ Núi Pháo và hãng MobiFone.

Tuy nhiên, nhiều người lại nghi ngờ vào bản lĩnh thực sự của “ông giáo làng,” dù rằng với kết quả mỹ mãn tại đại hội 12, chẳng còn quá nhiều người mang cái tên “lú” ra để chế giễu tổng bí thư nữa.

Cũng như việc đảm nhiệm chức vụ bí thư quân ủy trung ương mà chưa kinh qua một trận đánh nào, Tổng Bí Thư Trọng chưa thể hiện được dấu ấn gì trong suốt chiều dài làm người đứng đầu đảng, dù việc phát ngôn chống tham nhũng của ông là không ít.

Với tư cách là một “tổng bí thư tháp ngà,” ông Trọng dù được một số người cho là trong sạch nhưng cuộc chiến đấu của ông đa phần có thể là đơn độc, trong vòng vây của rất nhiều nhóm quyền lực và tài phiệt cả cũ lẫn mới, cùng mối xen cài chằng chịt giữa phạm trù tiền bạc với không loại trừ cả những người thân cận với ông.

Mới đây, lại có thông tin ngoài lề cho rằng hai vụ Núi Pháo và MobiFone đã được “kết quả” với một trao đổi lợi ích đáng kể, và tiến trình thanh tra hoặc điều tra của các cơ quan chức năng đối với những sự việc này sẽ chỉ diễn ra một cách hình thức. Nếu thông tin này là đúng, không biết Tổng Bí Thư Trọng có hài lòng hay sẽ phản ứng theo một cách riêng và hết sức “nội bộ” của ông?

Sau ba tháng phát lệnh “việc cần làm ngay” với một trong những mong nguyện muốn trở thành “Nguyễn Văn Linh thứ hai,” giờ đây đang xuất hiện những dấu hiệu chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” của Tổng Bí Thư Trọng vấp đá khiến nguy cơ thất bại đang hiện ra.

Vô hình trung, những đối thủ đã lộ mặt và chưa lộ mặt của ông Trọng sẽ dễ thở hơn và có thể có thời gian để chuẩn bị đối phó, thậm chí còn có thể tổ chức một đợt phản công không tệ đối với ông Trọng và ê kíp của ông.

Đã phát ra những tín hiệu về cuộc phản công ấy…

Hãy thử tưởng tượng, nếu ông Trịnh Xuân Thanh không thèm trốn ra nước ngoài mà vẫn ung dung ẩn mặt tại một nơi nào đó trong nước và còn ngang nhiên thách thức quyền lực của đảng bằng việc gọi điện thoại và viết thư gửi qua bưu điện lẫn tung lên mạng xã hội, hẳn phải có một thế lực đủ mạnh “bảo kê” cho ông. Và nếu giả thiết này có lý thì Tổng Bí Thư Trọng đang phải đối mặt với một hiểm họa ghê gớm ngay trong lòng đảng.

(Nguồn: Người Việt)

Cười tí tỉnh: Không muốn lộng hiểm. . .

Một người đàn ông và người vợ bấy lâu phiền toái của ông ta đi nghỉ hè tại Jerusalem. Chẳng may người vợ qua đời tại đó. Nhân viên lo hậu sự nói với ông ta:
"Ông muốn đưa bà về quê nhà thì tốn phí là $5000. Còn như chôn cất tại Thánh Địa này thì phải trả $150 thôi".

Suy nghĩ giây lát, người chồng nói với anh nhân viên:
"Chắc hẳn phải di bà ấy về quê nhà thôi".

Anh nhân viên thắc mắc:
"Tại sao ông lại chịu trả tới $5000 để đưa bà nhà về quê, trong khi chôn ở đây tuyệt vời, lại chỉ phải trả có $150?".

Người chồng đáp:
"Xưa kia có một người chết và chôn cất tại đây, ba ngày sau sống lại. Quả thực tôi không muốn lộng hiểm chuyện này".

14 September 2016

Chùa Hang Pindaya Miền Sơn Cước, Miến Điện

Tượng các nhà sư khất thực trên vách núi, dọc theo hành lang vào chùa.


Tại cổng chánh điện, tượng một long thần hộ pháp giương cung bắn con nhện đen khổng lồ,
có lẽ là biểu tượng của cái ác.


Mấy trăm bậc tam cấp như thế này dẫn lên chánh điện.
Một lối đi chính bằng tam cấp dài lê thê có mái che có thể thấy từ chân núi.
Có thể đi xe lên cổng triền núi để … bớt hao năng lượng.


Tháp chùa cheo leo trên vách đá, dưới rặng cây rừng thấp thoáng bầu trời.
Cảnh vật tuyệt đẹp.

Lối đi trong hang rất hẹp.


Sự sắp xếp các tượng Phật một cách nghệ thuật trong một không gian hẹp và
hiểm trở như thế này quả thật là một công trình đáng ngưỡng mộ.


Đẹp quá! Kỳ quan không đâu sánh bằng.
 ***
Hình ảnh trên đây trích từ bút ký của đồng môn Hồng A.
Để đọc toàn bài viết, có thể gõ vào dường dẫn sau đây:

09 September 2016

Nghe Nhạc Cuối Tuần:

Tường Niệm 100 ngày mất đồng môn ĐS14 Nguyển Đăng Độ

Còn Mãi Yêu Em
Sáng tác : Nguyễn Trung Cang
Trình bầy : Thiên Tôn & Thanh Hà.

Trong những mối quan hệ thường nhật, ngoài quan hệ ruột thịt, mối quan hệ đồng môn, đồng đội được xem trọng hơn cả, ở đó khi một cánh chim vĩnh viền lìa đàn, nỗi buồn ập đến, và thương tiếc  vô vàn. Như vậy là trong những buổi họp mặt, những bữa tiệc của đại gia đình ĐS14 đã vắng đi khuôn mặt, nụ cười, dáng đi và tiếng cụm ly cuả đồng môn NĐĐộ vì thấm thoát anh đã  ra đi về cõi vĩnh hằng được 100 ngày : 31/5-10/9/2016.

Đối với người phụ nữ VN truyền thống, sự chia ly trước cái chết và ly biệt lứa đôi là sự mất mát và nỗi đau lớn nhất đối với họ vì tình yêu chung thủy cùng những hy sinh đã được dân gian nhìn nhận như viên ngọc  quí dệt lên huyền sử và  trường ca Hốn Vọng Phu bất tử, làm rơi lệ biết bao nhiêu thế hệ. Chị Từ Huyên cũng không thể bước ra ngoài nỗi đau cắt da cắt thit này như bất cứ người góa phụ nào.

Hình chụp anh chị Độ Huyên
ngày 5/9/2010 tại San Jose

Tôi vẫn còn nhớ, đúng một tuần sau ngày 10/6/16, ngày đưa tang mà những giây phút cuối chị gừi chút đất và bông hồng đỏ thắm xuống cửa huyệt  như gửi muôn vàn yêu thương cho chồng tại Nghĩa Trang  Heaven Gate, nơi an nghỉ của chồng, chị và con gái đã đến nhà tôi mang theo tập thơ cũ anh viết cho chi thời kỳ ở tù tại trại Thanh Cẩm và những dòng yêu thương anh viết nguyệch ngoạc cho chị trong hơn 5 tháng điều dưởng tại TT.Winchester, lúc này anh đã yếu và kiệt sức lắm. Tôi cầm lấy những trang thư, đọc, cảm nhận và xúc động vô cùng. Thì ra đến đây tôi mới hiểu bạn tôi sâu lắng, đa cảm và trầm lắng hơn nhiều so với vẻ khô khan, đăm chiêu bề ngoài tôi vốn thấy trong nhiều năm. Đó là lý do giải thích tại sao vào những ngày cuối đời, anh nặc nặc đòi về mái nhà cũ để được ra đi trong vòng tay của chị và các con.

Kỷ niệm 100 ngày giỗ anh.tôi không muốn viết nhiều về anh mà muốn mượn ca khúc  "Còn Mãi Yêu Em" của Nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang sáng tác sau những những tàn phá và tàn phai của thời kỳ khổ ải mà ông phải chịu đựng sau biến cố 1975 trong trại Cải Tạo nơi núi rừng. Ca khúc này  được coi là  xuất thần  để đời cuối cùng như chút hơi tàn để lại cho vợ và hai con chỉ ít tháng trước khi người nhạc sĩ  ra đi. Nhạc phẩm này được hai ca sĩ Thiên Tôn & Thanh Hà trình bày trong một hòa âm mới với chất giọng truyền cảm và điêu luyện được giới yêu nhạc  khen ngợi không thể  hát hay hơn nữa được.

Trong khi thưởng thức ca khúc để lấy cảm hứng viết những dòng này, tôi cảm nhận sao lại có một sự trùng hợp ngẫu nhiên giữa người nhạc sĩ tài hoa nhưng đoản mệnh (1947-1985)với bạn tôi đến thế :  hai cảnh đời ,hai nỗi đau nhưng một tình yêu chung thủy, một nỗi lòng và một cảnh ly biệt lứa đôi. Hãy nghe tâm sự của cả hai:
“Dù biết trái tim đã già,
Mà những thiết tha chẳng nhòa,
Tình cũ vẫn nghe ấm nồng,
Gọi tên nhau lúc cô đơn,
Để nghe sưởi ấm tâm hồn.”
Còn bạn tôi “Huyên ơi, em là một nửa hoàn hảo của đời anh ”.

Thật đúng là hai nhân cách nhưng một tấm lòng, một con tim rỉ máu trong tình nghĩa vợ chồng sắt son.

Nhớ anh, tôi chỉ có thể  nói với anh nhân 100 ngày ra đi của anh: “Anh Độ  ,anh luôn ỡ trong tim chúng tôi như thể anh vẫn còn sống.Xin cảm ơn anh vì những cống hiến  để giữ lửa cho đàn ĐS14 hải ngoại trong suốt thời gian qua.Mong anh an nghỉ ”.

Cũng xin được riêng tặng chị Từ Huyên, hiền thê của bạn hiền NĐĐộ nhạc phẩm và những tâm tình trong bài viết này với lòng cảm phục chân tình vì một đời hy sinh cho chồng con và một sự hồi sinh mạnh mẽ sau biến cố đau thương này.

Nào! Chúng ta hãy cùng nghe nhạc để nhớ tới đồng môn quá cố của chúng ta nhân kỷ niệm 100 ngày mất của anh như một nén hương thắp trước mộ anh mà vì hoàn cảnh không cùng đến với anh để chia sẻ những tâm tình này được./.

Viết tại San Jose ngày 9/9/2016

TeHong


08 September 2016

Về “Đôi Lời” của ông Thái Bá Tân

Nguyên Đại
27.8.2016

Tôi thích những vần thơ năm chữ của ông Thái Bá Tân (TBT). Tôi nghĩ có lẽ hầu như ai sinh hoạt Facebook (Tiếng Việt) cũng đều biết tới những vần thơ đó của ông. Tôi đọc ở đâu đó trên Facebook nói về một lưu ký (status) với đầu đề “Đôi Lời” của TBT và rất ngạc nhiên. Tôi không tin là của ông, cho nên đã vào trang nhà của TBT để tìm bài này, và tôi đã thấy “Đôi Lời” ở đó, cùng với những bài thơ, những truyện ngắn của ông Tân. Nếu tất cả đều là của một ông Tân, thì xin có vài lời trao đổi với ông Tân, với sự tôn trọng:

Ông Thái Bá Tân
chụp tại khách sạn
Sofitel, Hollywood, Mỹ,
năm 2007.
Nguồn: FB TBT


1. Ông TBT viết: “Tôi tin bác Trọng là người liêm khiết…”

Ông Trọng có phải là người liêm khiết hay không? Không ai biết, hay chính xác hơn, (tôi) chưa thấy có tài liệu nào về tài sản của ông như về các khối tài sản kếch sù của các quan chức CS khác. Hồi ông Nông Đức Mạnh là TBT, tôi cũng không nghe ai nói về tài sản của ông Mạnh, nhưng có lẽ ông Tân đã thấy những hình ảnh, và băng hình ghi lại cuộc viếng thăm của các phóng viên ở cơ ngơi ông Mạnh (sau khi ông Mạnh hết làm TBT).

Nói về “liêm khiết” có lẽ ông Trọng so với ông Hồ (HCM) sẽ có khoảng cách (theo báo đảng), nhưng có lẽ ông Tân không xa lạ với những tài liệu về ông Hồ, ngay cả từ những người là đồng chí của ông ở phía bên kia biên giới. Người ta đã từng tin tưởng vào sự vĩ đại, liêm khiết, mẫu mực của các lãnh tụ cộng sản như Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông… cho đến khi bị chính các đồng chí của họ phơi bày một cách rõ ràng. Tôi nghĩ ông Tân biết rõ ràng những điều đó.

Hitler là kẻ thù của cả hai phe cộng sản và tư bản, vì vậy cả hai phía đều không có lý do, và không thêu dệt những điều tốt về Hitler. Chuyện của Hitler đã được ánh sáng lịch sử soi rọi đến mọi ngóc ngách từ hơn nửa thế kỷ qua. Trong suốt những năm tháng cầm quyền, Hitler chỉ ăn độc một món, tương tự như cháo trắng, cho bữa sáng, và di chúc của con người đã tạo nên Thế Chiến Thứ Hai cướp đi hơn 30 triệu sinh mạng viết rằng: “Tất cả những gì tôi có, những thứ có chút giá trị nào đó, đều thuộc về đảng [Đảng Đức Quốc Xã]. Nếu đảng không còn, thì là tài sản của nước Đức, và nếu quốc gia này bị tàn phá, thì điều này không cần quyết định của tôi nữa”. Tôi không được biết đến bất kỳ di chúc nào của bất kỳ lãnh tụ cộng sản nào có những lời lẽ nào tương tự như vậy.

Xét về chuyện “liêm khiết”, nhiều lãnh tụ quốc gia của cả hai phía có lẽ cách Hitler một khoảng cách khá xa. Tuy nhiên, tham vọng quyền lực đã biến Hitler trở thành kẻ thù của nhân loại. Không vì “liêm khiết” mà lịch sử nhân loại không ghi nhận những tội ác của Hitler mà một trong số đó là việc đưa hơn 6 triệu dân Do Thái vào lò sát sinh.

Giả như ông Trọng “liêm khiết”, thì không phải vì vậy mà ông Tân không thấy việc ông Trọng im lặng trong suốt những tháng biển miền Trung gánh chịu những thảm họa do Formosa gây ra, một nhà máy của Trung Cộng mà ông Trọng đã cho phép nó hoạt động và hiện đang dung dưỡng nó.

Ông Tân viết: “… làm quan thời bây giờ như thế là tốt lắm rồi. Còn có cái này cái nọ thì lại chuyện khác”. Những ngày cá chết trắng biển, facebook như lên cơn sốt, ông Tân chắc có biết, và cũng có biết việc ông Trọng ghé thăm một cơ sở trồng rau sạch gần đó, nhưng không nhắc gì về thảm họa diệt chủng mà đồng bào đang gánh chịu. Tôi thật không hiểu lắm về “cái tốt” trong việc “làm quan” của ông Trọng, như ông Tân đã viết nó có ý nghĩa gì.

2. Ông TBT viết: “Tôi tin lãnh đạo ta không bán nước cho Tàu”

Khi Phạm Văn Đồng ký công hàm công nhận tuyên bố về hải phận của Trung Cộng, ông Tân mới 9 tuổi, ông Tân có thể nói ông không biết. Nhưng, sau hiệp định Paris, quân Mỹ rút đi, viện trợ quân sự cho VNCH bị cắt xuống nghiêm trọng, và Trung Cộng tấn công Hoàng Sa, lúc đó ông Tân đã là một thanh niên trưởng thành, có lẽ đã tốt nghiệp đại học, không biết ông Tân có biết đến bất kỳ một văn kiện nào của “lãnh đạo ta” phản đối về việc chiếm giữ đó không?

Hôm nay, ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, có lẽ ông Tân không thiếu kinh nghiệm sống đến nỗi chưa từng thấy qua việc người ta dù vẫn ở trong căn nhà của mình; tuy nhiên căn nhà đó đã bán đi từ lâu, hay đã thế chấp gần như trọn vẹn cho ngân hàng.

Vua Bảo Đại của Việt Nam cho tới năm 1945 mới thoái vị, trong khi Việt Nam đã là thuộc địa của Pháp từ hơn nửa thế kỷ trước đó, một người uyên bác như ông Tân đâu lẽ nào tin rằng các vua quan nhà Nguyễn từ sau năm 1884 mới là chủ nhân thật sự của nước Việt. Có lẽ tới tuổi gần đất xa trời, nếu ông Tân chưa có dịp đến các tỉnh phía Bắc biên giới Việt Nam, Trung Cộng, ông nên đi đến đó ít nhất một lần, biết đâu niềm tin của ông sẽ thay đổi.

Khi Tập Cận Bình sang Việt Nam, tất cả các phóng viên báo chí đều ở bên ngoài để theo dõi một cái tivi có hình mà không có tiếng, ông Tân có thấy buồn không? Nếu như chính phủ của một quốc gia “độc lập” mà không có khả năng bắt giữ và truy tố một người phạm pháp đến từ một quốc gia “lạ”, trong khi sinh mạng của ngư dân mình nổi trôi theo cơn sóng may rủi từng ngày, thì quốc gia đó có thực sự “độc lập” không, ông Tân?

3. Ông TBT viết: “Ta đã tiến bộ và đổi mới lắm rồi đấy”

Có lẽ ông Tân đang so sánh những gì ông đang thấy với những gì ông đã trải qua trong thời kỳ bao cấp, khi những người cộng sản làm kinh tế với những tư tưởng được viết ra từ cách đó một thế kỷ. Khi so sánh, sự khác biệt nằm ở chỗ đối tượng đem ra so sánh. Khoảng năm 79, trong số hàng trăm người tôi biết trong thành phố tôi ở, có khoảng vài đứa có “xế nổ”, nó thuộc con nhà giàu, và có chỗ dựa chi đó, nên nó không sợ. Bây giờ, hầu như rất nhiều người có thể có một chiếc “xế nổ”, không lẽ ông cho rằng người Việt đã “tiến bộ, và đổi mới lắm rồi đấy”.

Không lẽ ông không biết rằng ông Lý Quang Diệu đã có lúc ao ước Singapore chỉ bằng Sài-gòn. Sau bao nhiêu năm, những con đường sau cơn mưa biến Sài-gòn thành hồ hôm 26/8 vừa qua nếu so sánh với những đường phố của Singapore, ông sẽ thấy khoảng cách đó dường như ngoài sức tưởng tượng của nhiều người. Nhiều thanh thiếu nữ Việt Nam có lẽ sẽ thấy thật sự đổi đời nếu họ có được một cơ hội để ra nước ngoài lao động, thậm chí là để bán thân, trong khi những người đáng tuổi ông ngoại, ông nội của họ, giống như ông, cười hài lòng với những “tiến bộ” mà ĐCS mang lại cho đất nước này, đó có phải là một nghịch lý không, thưa ông Tân?

4. Ông TBT viết: ”Con người VN cơ bản tốt”

Ở đâu cũng có những tội phạm hình sự, những kẻ cướp, giết người, hãm hiếp… Nước Mỹ, nơi đạt được những tiến bộ khoa học có thể gọi là số một trên thế giới hiện nay, cũng không ngoại lệ. Luật lệ tự do sở hữu súng ở một số tiểu bang của nước Mỹ tạo ra không ít những bi kịch cho nhiều người vô tội.

Vấn đề không phải là có hay không, mà là mức độ, tỉ lệ. Không lẽ ông không thấy sự việc bạo lực ở học đường là đáng báo động, không lẽ chứng kiến cảnh người trẻ liếm ghế ngồi của các sao Hàn, ông không thấy xót xa. Không lẽ ông không thấy nhiều ngôi chùa ở VN hiện nay họ thờ tượng của một ông gì đó, hao hao hoặc giống như đúc, ông Hồ. Không lẽ ông không thấy các quán nhậu Việt Nam mở tưng bừng từ sáng tới khuya và hàng tỉ lít bia rượu được bán ra trong một năm không phải là điều đáng chú ý, và là “cơ bản vẫn tốt”?

ĐCS trong mục đích duy trì sự cầm quyền đã tạo nên những chia rẽ sâu sắc các thành phần trong xã hội để họ không thể tập hợp lại được. “Đoàn kết” nhưng phải dưới ngọn cờ của đảng, và trong đảng thì họ thanh toán lẫn nhau, một xã hội phân rã, những tuổi trẻ mất định hướng hoặc bị tẩy não không thể là “cơ bản tốt” được. Không bi quan, nhưng không thể chữa một căn bệnh hiểm nghèo bằng thuốc giảm đau mang nhãn hiệu “xuyên tâm liên”.

5. Ông TBT viết: “Tôi … biết ơn những gì chế độ đã làm cho đất nước từ ngày đổi mới”

Khi những ngư dân Hà Tĩnh nhận những hạt gạo hỗ trợ của chính quyền CS, sau khi Formosa đã chiếm biển và cơ hội sinh sống của họ, những hạt gạo đã bị mốc xanh, đến gà chó cũng không ăn; tôi không biết có người nào biết ơn chế độ vì đó là gạo chứ không phải là sắn, hay bo-bo như những ngày chiến tranh, bao cấp. Tôi cũng không nghe nói đến họ biết ơn chính phủ vì họ có thể xuất ngoại – sang Lào để kiếm sống – chứ không như thời chưa “đổi mới” mà việc mang vài cân gạo từ vùng ngoại ô lên thị trấn gần đó là một việc làm “phạm pháp”.

Chính vì vậy, khi đọc những dòng “biết ơn” này của ông Tân, tôi không khỏi sửng sốt. Tôi tin là ông Tân cũng sẽ gặp những người đã trải qua thời bao cấp, họ có thể nói thẳng với ông rằng, thời bao cấp người ta sống còn có “chút tình” hơn bây giờ nhiều lắm, và dù đói, nhưng hồi đó có lẽ ít người mắc bệnh ung thư hơn bây giờ nhiều, và thức ăn thiếu thốn lắm, nhưng nếu họ có được miếng rau, cục thịt mỡ, thì họ cảm thấy khá ngon vì biết nó không có chất độc. Không lẽ nào, một trí thức lão thành và tên tuổi như ông Tân, lại không thấy nước Việt có những bước lùi đáng sợ như vậy, và cảm ơn chế độ về những “đổi mới”, “tiến lên” đó.

6. Ông TBT viết: “Tôi tin…sớm muộn gì sẽ có dân chủ và tự do thật sự”

“Chủ Nghĩa Xã Hội nhất định thắng lợi”, từ năm 1917 người ta đã nói như vậy rồi, và nhiều người cũng đã tin như vậy, nhiều thế hệ trẻ ở một nửa nhân loại cũng đã đổi sinh mạng của mình cho một niềm tin như vậy. Nhưng từ khi các sĩ quan Liên Xô không còn tin như vậy để từ chối quay nòng súng xe tăng vào phong trào dân chủ; từ khi Đức Giáo Hoàng người Ba Lan thổi bùng khát vọng độc lập của những người dân cùng quốc gia của ông thì thế giới đã chứng kiến những đổi thay. Sự thay đổi không phải đến từ niềm tin mù quáng mà là sự thức tỉnh thật sự để nhận diện đúng-sai.

Khi một bác ngư dân, không nhiều chữ nghĩa, nói rằng “các ông không làm được thì xuống đi, để người khác làm…” và “đừng coi thường chúng tôi quá, vì chúng tôi không có gì để mất”, tôi hiểu là bác đã thấy rất rõ trắng-đen, đúng-sai hơn cả một trí thức uyên bác lão thành trong khi tin rằng ông Trọng liêm khiết (gần) giống như ông Hồ, “quan như thế là tốt”, “lãnh đạo ta không bán nước”, và cảm ơn những đổi mới mà chế độ đem lại cho dân tộc này… vẫn, mặt khác, tin rằng dân chủ và tự do “sớm muộn gì cũng sẽ tới”.

Vài hàng thô thiển “kính lão đắc thọ” gởi đến ông Thái Bá Tân.

(Nguồn: Ba Sàm)

Tùy bút

H ình như thuở đó có một học sinh nghèo "ngoại đạo" mới vừa 16 tuổi, quê mùa nhút nhát, đang nuôi dưỡng một tình "yêu-hoa-cúc...