19 February 2016

Phỏng vấn Thụy Khê: "Thẳng thắn trong nhận định và thận trọng với tài liệu"

 Trần Vũ  thực hiện

Theo gia đình di cư vào Nam sau hiệp định Genève, Thụy Khuê tên thật là Vũ Thị Tuệ sinh năm 1944 tại làng Doanh Châu, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Bà sang Pháp du học tháng 9-1962 và viết phê bình văn học từ 1985. Thẳng thắn trong nhận định và thận trọng với tài liệu, làm nên ngòi bút của Thụy Khuê.

Tác phẩm đã xuất bản:

Cấu Trúc Thơ (tiểu luận), Sóng Từ Trường (phê bình 3 tập), Nói chuyện với Hoàng Xuân Hãn và Tạ Trọng Hiệp (phỏng vấn), Nhân Văn Giai Phẩm và Vấn đề Nguyễn Ái Quốc (khảo luận).

Trần Vũ: Thụy Khuê cho xuất bản Nhân văn Giai phẩm và Vấn đề Nguyễn Ái Quốc năm 2012. Tổng tập nghiên cứu đồ sộ này cho thấy chị rất quan tâm đến chính trị, ít nhất trong văn học. Rồi bất ngờ là công trình Khảo sát Công trạng của những người Pháp giúp vua Gia Long …duyệt lại nhiều quan niệm của sử sách cũ. Thụy Khuê đã đột ngột bước từ Văn học Việt Nam đương đại trong thế kỷ 20 sang lịch sử nhà Nguyễn thế kỷ 18. Chuyện gì đã xảy ra? Có phải chị cũng đã có những mùa Xuân như tướng de Gaulle viết trong Hồi ức Chiến tranh, tập 2 Giải thoát (Le Salut), trang 289: “Khi tuổi tác tràn lấp, thiên nhiên trở nên gần gũi. Mỗi năm, vào bốn mùa, ngần ấy những bài học, minh triết của thiên nhiên lại an ủi. Hát vang, vào mùa Xuân: Với những gì tôi đã có, tôi vẫn đang khởi đầu! Mọi thứ rõ ràng, ngay cả dưới những trận mưa đá; tươi trẻ, bao gộp cả những cây còi cọc; tươi đẹp, ngay cả trên những cánh đồng sỏi đá. Tình yêu làm dâng lên nhựa sống và niềm tin chắc chắn rạng ngời mạnh mẽ, giống như mọi thứ không bao giờ chấm dứt.”

Thụy Khuê: Cảm ơn Trần Vũ đã có ý so sánh một cách rất văn chương việc tôi tạm chuyển từ phê bình văn học sang nghiên cứu lịch sử, với "mùa xuân của tướng de Gaulle". Thực tình tôi không dám nhận vinh hạnh này: De Gaulle là đại anh hùng của dân tộc Pháp, ông có hai bộ mặt: vừa lãnh đạo phong trào giải phóng dân Pháp khỏi tay Hitler, vừa hoạch định chiến lược Pháp quay lại chiếm Việt Nam. Cho nên, đối với tôi, de Gaulle chỉ là một khuôn mặt thực dân, tư tưởng không có gì đáng chú ý, vì thế, ngoại trừ trường hợp phải nghiên cứu, tôi không nhất thiết tìm đọc ông.


Cám ơn Trần Vũ đã nhắc đến tính cách chính trị trong cuốn Nhân Văn Giai Phẩm và vấn đề Nguyễn Ái Quốc. Đó là một cách nhìn, nhưng thực tình, khi viết cuốn sách này, tôi chỉ muốn trình bầy sự lầm than của dân tộc mình qua những kiếp người tiêu biểu là giới trí thức văn nghệ sĩ, họ chính là linh hồn của dân tộc. Khi họ đã bị dày xéo, tác phẩm bị tiêu diệt, thì dân tộc như mất đi phần trí não, phần đời sống tinh thần, và đó là lý do sâu xa nhất của sự lụn bại các giá trị, đưa đến một xã hội phi dân chủ, phi đạo đức và nhân cách như ngày nay.

Trong cuốn sách này, tôi chỉ muốn trình bày những chân dung con người, qua hai khía cạnh nhân chứng và tác phẩm. Đối với người đọc trong nước, tôi mong có sự cảm nhận thấy thân phận của chính mình, còn đối với người đọc ngoài nước, tôi mong sự cúi xuống thân phận anh chị em mình.

Nghiệm ra, nền văn học nào mà không có chính trị? Chính trị là một phần đời sống của chúng ta: chính trị dân chủ thì có văn học tự do, chính trị độc tài phát sinh văn chương bồi bút. Người viết ra đời dưới một thể chế chính trị và chịu ảnh hưởng của thể chế chính trị ấy, nhưng chỉ những người bước lên trên sự phong toả của chính trị, mới có thể trở thành nhà văn đích thực. Còn lịch sử ư? Lịch sử thì khác. Lịch sử là quá khứ của một con người, một dân tộc, một nhân loại. Học và tìm hiểu lịch sử là học và tìm hiểu quá khứ của dân tộc mình, để biết, để rút kinh nghiệm cho việc mình làm trong hiện tại và tương lai.

Việc tôi tạm dừng viết phê bình trong một thời gian để tìm hiểu lịch sử, ngoài những lý do sâu xa trên đây, cũng còn là chuyện tình cờ nữa: Vũ còn nhớ những lần mình đi chợ sách ở Porte de Brancion chứ? Vũ say mê tìm hiểu chiến tranh, thường mua những hồi ký của các tướng tá, còn tôi tìm sách khác. Khi Vũ đã đi Mỹ rồi, một lần, khoảng tháng 4/2014, ở khu La Tinh, dưới hầm hiệu sách L’Harmattan, tôi tìm được bộ Histoire de la Mission de Cochinchine 1658-1823 (Lịch sử giáo xứ ở Nam Hà 1658-1823) bộ sách đồ sộ 4 cuốn, trong đó linh mục Launay sưu tập gần đầy đủ những thư từ của các giáo sĩ đến truyền đạo ở nước ta gửi về cho các lãnh đạo tu viện Macao, chi nhánh của hội thừa sai Pháp, trong hai thế kỷ.

Mảng thư tịch của Bá Đa Lộc và các giáo sĩ viết về thời Gia Long khởi nghiệp giữ một phần rất quan trọng. Tôi đọc qua, thấy vô cùng lôi cuốn, có những điều mình chưa bao giờ biết, hoặc biết sai hết, mới thấy sự i tờ về sử nước mình của chính mình, mặc dù tôi ham mê lịch sử từ nhỏ, khi quyết định viết văn, dù khá trễ, nhưng việc đầu tiên là tôi đọc bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, hai lần, lần nào cũng khóc.

Đọc những thư từ do chính Bá Đa Lộc viết ra, mới thấy ông chẳng có công gì trong sự nghiệp của Gia Long cả, ông đưa hoàng tử Cảnh sang Pháp cầu viện, ký hiệp ước 1787, nhưng sau vua Louis XVI đổi ý, không viện quân, ông trở về tay không, đến Sài Gòn năm 1789, năm sau, ông đã chán nản muốn bỏ đi, và hai năm sau nữa, 1792, khi Nguyễn Huệ định đem quân đánh xuống miền Nam tiêu diệt Nguyễn Ánh, Bá Đa Lộc và bọn lính Pháp đánh thuê, sợ quá, đều tìm cách bỏ đi.

Tức là huyền thoại Bá Đa Lộc tự xoay tiền mộ quân và mua khí giới giúp Nguyễn Vương mà thế hệ chúng tôi được học, được biết, (Vũ chắc không được học gì về nhà Nguyễn, vì lúc đó miền Nam đã rơi vào chế độ toàn trị rồi), chỉ cần đọc những thư do chính tay Bá Đa Lộc và các giáo sĩ thời ấy viết ra là ta đã thấy hiển lộ một sự thực, khác hẳn.

Cũng lại tình cờ lật mấy cuốn sách do các ngòi bút thực dân viết với các hình ảnh, tôi dừng lại ở trận Đà Nẵng 15/4/1847: hai chiến hạm Pháp tấn công Đà Nẵng, bắn chìm hạm đội 5 thuyền đồng của vua Thiệu Trị. Đọc version của Pháp, mình lấy làm lạ, không hiểu tại sao vua Thiệu Trị lại tự dưng tấn công chiến hạm Pháp, chỉ đến đây "với mục đích hoà bình" "xin giải thoát cho Giám Mục Lefèbvre".

Tìm đọc kỹ hơn hồ sơ này, thì hoàn toàn không phải vậy, GM Lefèbvre đã được vua Thiệu Trị thả ra từ trước rồi. Pháp mượn cớ đến dò thám cửa biển Đà Nẵng, là nơi hiểm yếu nhất lúc bấy giờ và trong khi triều đình đang bàn cách tiếp đãi và đối phó, nếu phiá Pháp có ý gây sự, thì Lapierre đã ra tay trước, bất ngờ y cho bắn đại bác tiêu diệt 5 thuyền đồng của vua đang đậu trong vịnh, rồi bỏ chạy, sau đó tìm mọi cách đưa tin thất thiệt cho báo chí, vv… Việc này như một trận Trân Châu Cảng nhỏ, khiến vua Thiệu Tri phẫn uất, mấy tháng sau mất. Tôi đã viết bài về trận đánh này, nhưng chưa in. Đó là vào khoảng tháng 5, tháng 6, 2014.

Cuối hè 2014, tôi lại nhận được bộ sách Nguyễn Văn Tường và cuộc chiến chống đô hộ Pháp của nhà Nguyễn của Nguyễn Quốc Trị, xuất bản 2013 do anh Phạm Phú Minh và báo Người Việt gửi tặng. Nguyễn Quốc Trị điều tra và viết lại lịch sử của ông cố là Nguyễn Văn Tường (ông Tường cùng ông Tôn Thất Thuyết chủ trương chống Pháp rất mạnh), bị Pháp bôi nhọ, và sử VN cứ thế chép theo, kết tội Nguyễn Văn Tường là "tay sai" của Pháp. Nguyễn Quốc Trị tìm được những văn thư của các lãnh đạo cao cấp của chính quyền thuộc địa ở Huế chỉ định Nguyễn Văn Tường là kẻ thù số một.

Tất cả những sự tình cờ trên đây, đã khiến tôi quyết định tạm ngừng việc phê bình một thời gian để nhìn lại lịch sử. Càng đi sâu vào sự tham khảo, tôi càng thấy sự "khẩn cấp" phải điều tra lại "tất cả" những gì mà các nhà nghiên cứu, các sử gia thực dân đã viết về thời Pháp thuộc, từ hơn 100 năm nay, và chúng ta đã chấp nhận, chép lại, không điều tra, không phản bác.

Nhan đề cuốn sách "Khảo sát công trạng của những người Pháp giúp vua Gia Long" nói lên nội dung của nó, đồng thời cũng trực tiếp trả lời những công trình của các sử gia, học giả Pháp, đã xây dựng trong nhiều thập niên, về huyền thoại Bá Đa Lộc và những người lính Pháp, vô học, đào ngũ, mà họ dựng lên là sĩ quan, kỹ sư, kiến trúc sư, và họ coi là "tác giả" những việc: giúp Gia Long thống nhất đất nước, cải cách quân đội, làm tầu chiến, xây dựng những thành trì "Vauban" ở Việt Nam…

Sự "khẩn cấp"mà tôi vừa nói ở trên còn có ý nghiã thực tiễn: Trong bao nhiêu năm, chúng ta không đọc được những bộ sử đồ sộ của triều Nguyễn vì không biết chữ Hán. Ngày nay, những bộ Thực Lục, Liệt Truyện, vv…. đã được dịch sang chữ quốc ngữ rồi, chúng ta mới tham khảo được. Ngược lại, càng ngày, số người biết tiếng Pháp càng ít đi, sự khảo cứu sử trong sách Pháp càng khó khăn thêm.

Sự toàn cầu hoá thông tin đã khiến những biạ đặt như: "Gia Long khôi phục nhà Nguyễn nhờ sự giúp đỡ của nước Pháp", "Bá Đa Lộc là Richelieu của Nguyễn Ánh", "Puymanel là tác giả toàn bộ các thành đài "Vauban" ở Việt Nam", "Dayot là thủy tổ ngành hải quân ở nước ta"… xuất hiện trên Wikipédia tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Việt, trở thành "lịch sử đích thực" của thế giới.

Nếu chúng ta cứ tiếp tục lười biếng mãi, thì sẽ không ai viết sử hộ mình cả. Kể cả về cuộc chiến Đông Dương 1945-1954, lẫn cuộc chiến Việt Nam 1954-1975. Khi tài liệu về phiá Việt (cộng sản) chỉ là tuyên truyền, không thể dùng được, Vũ đã đọc nhiều hồi ký chiến tranh Điện Biên Phủ thì biết quá rõ việc này, thì chúng ta lấy gì để đối chiếu với tài liệu Pháp, Mỹ?

Vũ và tôi đều đã sống rất lâu ở Pháp, và có lẽ nhờ sự kiện này mà chúng ta đã gột rửa được mặc cảm thua kém của người dân thuộc địa, có từ thời cha ông chúng ta. Chúng ta cảm thấy bình đẳng với người Pháp, thấy họ không kém mà mà cũng không hơn các dân tộc khác, trong đó có dân Việt. Đứng trên bình diện này, chúng ta mới thấy tất cả sự hách dịch, kém cỏi, thô bạo của những ngòi bút thực dân khi họ mạo nhận lịch sử, cướp công của dân tộc Việt. Và càng thấy, sự độc lập và tự chủ, không chỉ là việc cầm súng đánh ngoại xâm, mà còn phải biết chiến dấu trong mặt trận văn hoá và tinh thần để phục hồi lại sự thực lịch sử và văn hoá của dân tộc đã bị thực dân chiếm đoạt và bôi nhọ.

(Nguồn: Tạ chí Da Mầu) 

No comments:

Post a Comment

Tùy bút

H ình như thuở đó có một học sinh nghèo "ngoại đạo" mới vừa 16 tuổi, quê mùa nhút nhát, đang nuôi dưỡng một tình "yêu-hoa-cúc...