27 February 2016

"Cuộc giải phẫu hiểm nghèo của Đảng Cộng Sản"

Trong bài phân tích mới đây của tác giả Nguyễn Gia Kiểng, với tựa đề như trên, có những nhận xét khá xác đáng về Đảng CSVN. Bài viết khá dài nên TTR chỉ xin trích phần quan trọng dưới đây:

Trích:
Trong những ngày sắp tới chính quyền cộng sản sẽ phải thanh toán nhà nước Nguyễn Tấn Dũng trong những điều kiện không khác một bệnh nhân phải phải qua một cuộc giải phẫu hiểm nghèo dù biết trước là sẽ không qua khỏi.

Không những thế chế độ còn phải trải qua một cuộc giải phẫu hiểm nghèo khác. Lần đầu tiên Đảng Cộng Sản sẽ phải thử nghiệm điều mà các các cấp lãnh đạo của nó thường nói tới nhưng chưa lường được hậu quả, đó là một mức độ “dân chủ trong nội bộ đảng”. Cuộc giải phẫu này cũng sẽ không thành công vì trái ngược với bản chất của chế độ.

Tất cả các đảng cộng sản về bản chất đều là những đảng khủng bố. Khi chưa có chính quyền họ là những tổ chức khủng bố phá hoại, khi đã giành được chính quyền họ thiết lập một nhà nước khủng bố.

Sức mạnh của các đảng và chế độ cộng sản chủ yếu là sức mạnh của những lực lượng khủng bố, nghĩa là họ có thể làm tất cả những gì cần làm để đạt mục đích, điều mà các nhà nước và tổ chức bình thường không thể tự cho phép.

Nhưng một đảng khủng bố đòi hỏi lãnh đạo thống nhất và kỷ luật tuyệt đối trong nội bộ; đảng viên có thể bị trừng trị chỉ vì bị nghi ngờ có tư tưởng dao động hay có những quan hệ không minh bạch. Đó chính là trường hợp của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Đảng đã mạnh lên, giành được chính quyền và tồn tại được tới ngày nay nhờ một kỷ luật thép, nghĩa là một thứ độc tài trong nội bộ. Kỷ luật thép đó được duy trì bởi một nhóm cầm quyền trong đảng có tất cả mọi quyền hành và có thể thanh trừng bất cứ ai. Nhóm này khống chế đảng và dùng đảng để khống chế phần còn lại của xã hội.

Ở mỗi giai đoạn họ là những người có vị thế thuận lợi nhất để thực hiện mục tiêu chính của Đảng. Mới đầu là Hồ Chí Minh, Trường Chinh và Võ Nguyên Giáp khi mục tiêu chính của Đảng là tiêu điệt các đảng phái không cộng sản để giành độc quyền đấu tranh giành độc lập và dùng chiêu bài độc lập để tiến hành cuộc nội chiến thiết lập chế độ cộng sản.

Kế đến là Lê Duẩn và Lê Đức Thọ khi mục tiêu của Đảng là chinh phục miền Nam vì hai người này hiểu biết miền Nam nhất.

Sau đó, kể từ giữa thập niên 1980, là Nguyễn Văn Linh, Lê Đức Anh và Đỗ Mười, những người chủ trương thần phục Trung Quốc và được Trung Quốc yểm trợ, khi Đảng cần cầu hòa với Trung Quốc để tồn tại.

Sơ đồ quyền lực này đã bắt đầu lung lay khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ và chế độ phải thích nghi với một thế giới đã thay đổi, nhưng những người lãnh đạo đã không có đồng thuận về thay đổi những gì và với nhịp độ nào.
. . . . . . . . . . . . . . . .

Sau đại hội 12 này với sự thất bại của Nguyễn Tấn Dũng giai đoạn Lê Đức Anh hoàn toàn chấm dứt. Đảng Cộng Sản từ nay không còn nhóm cầm quyền trong đảng để duy trì một kỷ luật thép nữa và sẽ ít nhiều phải thực hiện dân chủ trong nội bộ. Họ sẽ khám phá ra rằng không thể duy trì chế độ độc tài nếu không có độc tài ngay trong nội bộ đảng. Cuộc giải phẫu của Đảng Cộng Sản để chuyển hóa từ một đảng có bản chất khủng bố thành một đảng có ít nhiều thảo luận dân chủ trong nội bộ cũng sẽ thất bại. Kinh nghiệm các chế độ cộng sản Đông Âu và Liên Xô cũ cho thấy không một đảng cộng sản nào chịu đựng được cuộc giải phẫu này. Tất cả đều tan rã và biến mất.

Gorbachev và Yeltsin tuy chống nhau nhưng đều có cùng một nhận xét rằng các chế độ cộng sản chỉ có thể xóa bỏ chứ không thể cải tổ. Đó cũng sẽ là số phận của chế độ cộng sản Việt Nam. 
Hết trích

Trích từ bài "Cuộc giải phẫu hiểm nghèo của Đảng Cộng Sản",
tác giả: Nguyễn Gia Kiểng,
đăng trên Tông Luận

No comments:

Post a Comment

Tùy bút

H ình như thuở đó có một học sinh nghèo "ngoại đạo" mới vừa 16 tuổi, quê mùa nhút nhát, đang nuôi dưỡng một tình "yêu-hoa-cúc...