11 February 2016

Vụ đào thoát vĩ đại khỏi Trung Quốc

Kenneth Rogoff
Trường Xuân dịch

Từ đầu năm 2016, khả năng mất giá của đồng Nhân Dân tệ đang treo trên đầu các thị trường toàn cầu chẳng khác gì Thanh gươm của Damocles. Không có sự bất định nào của chính sách lại có khả năng gây mất ổn định đến như thế. Ít nhà quan sát nghi ngờ rằng trong thập kỉ tới Trung Quốc sẽ để cho tỉ giá của đồng Nhân Dân Tệ được thả nổi một cách tự do. Vấn đề là trong giai đoạn chuyển tiếp - khi các nhu cầu chính trị và kinh tế xung đột với nhau – thì bi kịch sẽ diễn ra đến mức nào.

Nó thể là lạ khi một nước có thặng dư mậu dịch là 600 tỉ USD trong năm 2015 lại phải lo lắng về sự yếu kém của đồng nội tệ. Nhưng sự kết hợp của các yếu tố, trong đó có tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm và nới lỏng dần những biện pháp hạn chế về đầu tư ra nước ngoài, đã làm cho dòng vốn chảy ra nước ngoài tăng lên đột biến.

Hiện nay mỗi năm, mỗi người công dân đều được phép đưa ra nước ngoài tới 50.000 USD. Nếu 20 công dân Trung Quốc có một người làm việc này thì dự trữ ngoại hối của Trung Quốc sẽ bị cạn kiệt. Đồng thời, các công ti có nhiều tiền mặt của Trung Quốc đã và đang sử dụng tất cả các biện pháp để đưa tiền ra. Cách làm hoàn toàn hợp pháp là cho vay bằng Nhân Dân tệ và được trả bằng ngoại tệ.

Một cách làm không hợp pháp bằng là viết hoá đơn giả hoặc hoặc cao hơn giá trị thực - một hình thức rửa tiền. Ví dụ, nhà xuất khẩu Trung Quốc có thể báo cáo rằng họ bán cho nhà nhập khẩu Mĩ số tiền ít hơn là họ thực sự nhận, chênh lệch được bí mật gửi bằng USD vào một tài khoản ngân hàng của Mĩ (số tiền này, đến lượt nó, có thể được sử dụng để mua một bức tranh của Picasso).

Hiện nay các công ti Trung Quốc đã mua rất nhiều công ti Mỹ và châu Âu, việc rửa tiền thậm chí có thể được thực hiện ngay ở trong nước. Người Trung Quốc không nghĩ ra được ý tưởng này. Sau Thế chiến II, khi châu Âu hoang tàn bị nghẹt thở bởi những biện pháp kiểm soát ngoại hối, vốn bất hợp pháp chảy ra khỏi lục địa thường ở mức trung bình 10% hoặc nhiều hơn giá trị của toàn bộ ngành ngoại thương. Trung Quốc là một trong những quốc gia thương mại lớn nhất thế giới, khi động cơ đưa tiền ra đủ lớn thì bịt kín các kẽ hở là việc làm hầu như bất khả thi.

Thật vậy, mặc dù có khoản thặng dư thương mại khổng lồ, Ngân hàng Nhà nước Trung Quốc đã buộc phải can thiệp mạnh để chống đỡ cho tỉ giá hối đoái – mạnh đến mức trong năm 2015 dự trữ ngoại tệ của nước này đã giảm 500 tỉ USD. Với những biện pháp kiểm soát đồng vốn như vậy, quĩ phòng thủ của Trung Quốc là 3 ngàn tỉ USD cũng sẽ không đủ, không thể giữ mãi được. Trên thực tế, nhiều người lo ngại rằng tỉ giá càng đang lao dốc thì người ta càng muốn mang tiền ra ngay lập tức. Đến lượt nó, lo ngại đó là nhân tố quan trọng trong việc kéo thị trường chứng khoán Trung Quốc đi xuống.

Nhiều người nghĩ rằng Trung Quốc sẽ tiến hành một vụ hạ giá mạnh, ví dụ 10%, nhằm hạ giá đồng Nhân Dân tệ đủ để giảm bớt áp lực đối với tỉ giá hối đoái. Nhưng, bên cạnh việc làm hài lòng những người như Donald Trump, tức là những người tin rằng Trung Quốc là nhà buôn không công bằng, thì đấy có thể là chiến lược nguy hiểm đối với chính phủ mà các thị trường tài chính không thực sự tin tưởng. Nguy cơ chính là hạ giá mạnh sẽ được giải thích rằng đấy là chỉ dấu cho thấy suy thoái kinh tế của Trung Quốc nghiêm trọng hơn là mọi người vẫn nghĩ rất nhiều và như thế thì tiền sẽ tiếp tục chạy khỏi nước này.


Trước khi Trung Quốc học được cách tạo ra những số liệu kinh tế đáng tin cậy thì cải thiện việc trao đổi thông tin với thị trường là công việc không dễ dàng. Trung Quốc nói rằng tốc độ tăng trưởng GDP năm 2015 của nước này là 6,9%, thấp hơn một chút so mục tiêu đề ra là 7%, đã là một chuyện lớn. Sự khác biệt này đang lí ra là không liên quan gì, nhưng thị trường lại coi là vô cùng quan trọng, bởi vì các nhà đầu tư tin rằng mọi thứ chắc chắn là rất xấu thì chính phủ mới không thể tự nâng số liệu cho đạt được mục tiêu đã đề ra.

Tất nhất là chính quyền nên thành lập một Hội đồng các nhà kinh tế nhằm tìm ra tập hợp những số liệu thực tế hơn và đáng tin cậy hơn về GNP (Gross National Product) trong quá khứ để mở đường cho số liệu về GNP đáng tin cậy hơn trong tương lai. Không những không làm như thế, để giảm áp lực lên tỉ giá hối đoái, chính phủ cho rằng cần neo ngay lập tức đồng Nhân Dân tệ lên rổ 13 ngoại tệ khác chứ không neo vào đồng USD. Về lí thuyết thì đây là ý tưởng tốt. Nhưng, trên thực tế, neo theo giỏ thường xuyên tạo ra vấn đề về minh bạch.

Hơn nữa, neo theo giỏ cũng ẩn chứa phần lớn các vấn đề như neo theo một đồng tiền. Đúng là trong vài năm qua đồng Euro và đồng Yên đã giảm so với đồng USD. Nếu trong năm 2016 đồng USD giảm thì neo theo rổ có nghĩa là tỉ giá Nhân Dân tệ-USD sẽ tăng, thế thì sẽ chẳng được lợi gì. Chính phủ cũng đã cho thấy rằng họ muốn kiểm soát chặt chẽ hơn dòng vốn bất hợp pháp; nhưng một khi con ma đã thoát ra rồi thì việc nhét nó vào chai là việc không dễ dàng.

Cuộc sống sẽ dễ dàng hơn rất nhiều nếu Trung Quốc áp dụng trở lại tỉ giá hối đoái với mức độ linh hoạt hơn hẳn như khi mọi việc đang diễn ra suông sẻ, như một số người đã khuyên trong hơn một thập kỉ qua. Có lẽ chính quyền sẽ đủ sức giữ như thế trong năm 2016; nhưng có nhiều khả năng là đồng Nhân Dân tệ sẽ tiếp tục con đường gập gềnh của mình – và kéo theo các thị trường toàn cầu.

Kenneth Rogoff là Giáo sư kinh tế và chính sách công ở Harvard University, ông từng là kinh tế trưởng của IMF (International Monetary Fund) từ năm 2001 đến 2003.

Nguồn: Project Syndicates
Dịch giả gửi tới Dân Luận

No comments:

Post a Comment

Tùy bút

H ình như thuở đó có một học sinh nghèo "ngoại đạo" mới vừa 16 tuổi, quê mùa nhút nhát, đang nuôi dưỡng một tình "yêu-hoa-cúc...