03 February 2016

Dân chủ đến thế này là cùng

Phạm Nhật Bình
Theo Việt Tân

Một ngày sau khi được Trung ương đảng khóa XII dồn đến gần 100% phiếu mà ông Trọng gọi là “bất ngờ” để giữ ghế tổng bí thư thêm một nhiệm kỳ, ông Trọng đã có một số phát biểu khiến mọi người ngao ngán trong cuộc họp báo sáng 28 Tháng Giêng vừa qua.

Ông không tiếc lời biện bạch và tán tụng cuộc bầu cử của đảng mà ông cho là dân chủ 100%, hơn hẳn một số quốc gia. Dĩ nhiên ông không nêu tên đó là những quốc gia nào, có nằm trong hệ thống độc quyền chính trị như Việt Nam không.

“Dân chủ thế này là cùng, không thể dân chủ gì hơn”, ông tuyên bố chắc như đinh đóng cột. Vậy thử hỏi, dân chủ thế nào là cùng?

Khái niệm thông thường được hiểu dân chủ là “dân làm chủ” qua hành động sử dụng quyền bầu cử để bầu lên người đại diện cho mình điều hành đất nước. Nhưng Việt Nam dưới chế độ độc đảng, quyền hành tập trung vào tay một số người và được che giấu dưới một khẩu hiệu mỹ miều: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ.”

Nguyễn Phú Trọng thừa hiểu hơn ai hết trong chế độ của ông, nhân dân làm chủ là nhân dân “làm chủ không”. Còn đảng lãnh đạo là lãnh đạo đến ngày tận thế. Dân chủ kiểu ông Trọng có thể nhìn thấy nhan nhản qua những sự thật đã diễn ra trong đời sống chính trị của đất nước thời gian qua.

Dân chủ là triệt để xử dụng các điều luật phản dân chủ của Bộ Luật hình sự như 79, 88, 84, 245, và 258 v.v…. Mỗi khi có dịp, nhà nước tự nhận là pháp quyền xã hội chủ nghĩa sẵn sàng đẩy những công dân có ý kiến ngược lại với đảng vào tù.

Dân chủ là cho công an mật vụ cấu kết với các thành phần côn đồ, xã hội đen ra tay hành hung đánh đập người dân, bất chấp luật pháp do chính chế độ làm ra.

Dân chủ là biến người nông dân từ người đang sở hữu mảnh ruộng miếng vườn thành những người trắng tay, sống lê lết đầu đường xó chợ. Cũng chính vì phản ứng trước lối dân chủ ăn cướp ấy nên tiếng súng Tiên Lãng mới nổ ra, cũng như dân oan Ba Miền đang kiên trì đòi lại quyền lợi của mình hàng ngày tại Hà Nội.

Bài bản dân chủ do đảng sắp xếp, công an thi hành không chỉ dừng lại ở đó. Cũng tại cuộc họp báo sau khi tái đắc cử, ông Nguyễn Phú Trọng hào hứng kể: “Tôi đi nước ngoài, người ta cứ hỏi tôi về dân chủ, nhân quyền, bình đẳng giới. Hôm trước đi Mỹ, tôi đề nghị đồng chí Tòng Thị Phóng đi sang họp với bà con Việt kiều. Tôi bảo ‘Đấy, bà con xem, có oai vệ không? Cũng đàng hoàng ngang ngửa ra quốc tế đấy chứ. Vừa nữ, vừa dân tộc. Người ta cứ bảo là mình vi phạm dân chủ, nhân quyền với lại không bình đẳng giới!”.

Vậy ra bà Tòng Thị Phóng cũng là một điển hình cho nền dân chủ rất oai vệ của ông Trọng. Chẳng dân chủ thì gọi là gì?

Tính dân chủ của Việt Nam, theo ông Trọng còn “thể hiện qua sinh hoạt của quốc hội, hội đồng nhân dân, các tổ chức chính trị ở Việt Nam.” Giống như một người ngủ mê trong chiến thắng mà ông nói là “bất ngờ”, việc trưng ra một quốc hội bù nhìn để minh chứng cho nền dân chủ ưu việt của đảng làm ai nấy phải bật cười.

Cái quốc hội ấy cứ 5 năm một lần lại tái diễn tấn tuồng cũ rích: đảng đề cử người, dân bỏ phiếu bầu cho những người đảng cử. Cuối cùng thì 500 đại biểu mà hầu hết là đảng viên ngoan ngoãn giơ tay gật đầu theo cây gậy chỉ huy của đảng. Người dân đã có quá nhiều kinh nghiệm với hình thức trang trí này của đảng, nhằm đánh bóng cho bộ mặt dân chủ giả hiệu.

Đặc điểm của các lãnh đạo cộng sản là mỗi khi có dịp, họ lập tức huênh hoang tán tụng nền dân chủ công an trị mà đảng áp đặt lên người dân. Nhưng thứ dân chủ ấy bị thế giới lên án hàng năm qua những dẫn chứng cụ thể và xếp vào loại tồi tệ không thua ai.

Mới đây, báo cáo nhân quyền năm 2015 của Tổ chức Human Rights Watch nhận định rằng tình hình nhân quyền Việt Nam năm qua vẫn mang màu sắc đen tối. Sự độc quyền chính trị của đảng cộng sản đã buộc chặt các quyền căn bản của người dân vào chiếc còng số 8 và những điều luật hình sự mơ hồ, phi lý.

Human Rights Watch đã kể ra những trường hợp bắt bớ xảy ra trong năm 2015 như ông Trần Anh Kim, ông Lê Thanh Tùng, cả hai cùng bị khởi tố theo điều 79 (Hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân) của Bộ Luật Hình Sự. Đó là chưa kể blogger Nguyễn Ngọc Già, Anh Ba Sàm và bà Nguyễn Thị Minh Thúy, bị bắt từ năm 2014 đến nay vẫn chưa đưa ra xét xử. Cũng theo Human Rights Watch, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2015, đã có hơn 40 vụ an ninh thường phục phối hợp côn đồ công khai hành hung các nhà bất đồng chính kiến ôn hòa.

Gần đây nhất ngày 6 Tháng Mười Hai, Luật sư Nguyễn Văn Đài bị đánh đập trên đường về sau khi tham dự một cuộc trao đổi, thảo luận về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam và Hiến pháp 2013 tại Nam Đàn, Nghệ An. Mười ngày sau, ông bị bắt trước khi tới dự một cuộc đối thoại nhân quyền với các đại biểu Liên Minh Châu Âu.
ins3-3.jpg
Luật sư Nguyễn Văn Đài bị đánh đập bởi công an mặc thường phục tại Nghệ An ngày 6-12-2015. Ông bị bắt giam 10 ngày sau đó.

“Một chính quyền côn đồ”, đó là lời lên án gắt gao của ông Benjamin Ismail, Giám đốc phụ trách Ban Á Châu - Thái Bình Dương của Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF).

Amnesty International (Hội Ân Xá Quốc Tế) cũng đã chỉ ra sự giả dối của Việt Nam trong hành trình nhân quyền: “Cứ sau một bước tiến về phía trước thì dường như lại có vài ba bước trở lại phía sau.” Cụ thể là sau khi kết thúc vòng đàm phán TPP vào Tháng Mười đòi hỏi Việt Nam chấp nhận công đoàn độc lập như một quyền thiết yếu của người lao động, Hà Nội quay ra đàn áp những người ủng hộ quyền này. Họ cho công an côn đồ đánh đập và tra hỏi hai nhà hoạt động công đoàn Đỗ Thị Minh Hạnh và Trương Minh Đức ngay trong tháng 11. Những điều kể trên có lẽ cũng chưa lột trần hết bản chất của một chế độ lấy bạo lực đàn áp để tồn tại.

Có lẽ ông Trọng chưa đủ thấm thía và hổ thẹn về mấy chữ “một chính quyền côn đồ” nên cứ ngang nhiên khoác lên bộ mặt độc tài của đảng ông một chiếc mặt nạ dân chủ mà ai cũng biết chỉ để trình diễn và lừa bịp.

“Dân chủ đến thế này là cùng!” Xảo ngôn là quyền của kẻ độc tài nhưng cố lấy thúng úp voi như ông Trọng không che giấu được gì cũng như không thoát khỏi sự phán xét của nhân dân về tội đàn áp nhân quyền.

Phạm Nhật Bình
2/2/2016

No comments:

Post a Comment

Thất Bại Nhục Nhã Của Truyền Thông Định Hướng

TTR: Cho đến năm 2015 khi Donald Trump ra tranh cử tổng thống Mỹ thì chưa có một ứng viên tranh chức tổng thống nào, hay rộng hơn, một chức ...