02 February 2016

Tin ngắn đáng chú ý:

**Hoa Lục bắt đầu đuối sức trong cuộc chạy đua GDP với Mỹ

Theo số liệu do Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 29/1, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Mỹ tăng thêm 590 tỷ USD trong năm 2015 so với năm 2014, tương đương mức tăng 2,4%, đạt hơn 18,1 nghìn tỷ USD.

Trong khi đó, GDP của Trung Quốc tăng 6,9% trong năm 2015, tương đương tăng 439 tỷ USD, vượt ngưỡng 10 nghìn tỷ USD. Đồng Nhân dân tệ mất giá mạnh so với USD đã khiến giá trị GDP của Trung Quốc giảm theo khi quy đổi sang USD.

Theo Bloomberg, năm 2015 là năm đầu tiên kể từ 2006 Trung Quốc không đạt được bước tiến nào trong việc thu hẹp khoảng cách với Mỹ về quy mô của nền kinh tế.

Tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ năm 2015 chỉ bằng mức tăng của năm 2014. Tuy nhiên, mức tăng của kinh tế Hoa Lục năm qua là mức tăng thấp nhất trong 1/4 thế kỷ khi những động lực tăng trưởng đã cũ của nước này như công nghiệp nặng và xuất khẩu cùng giảm tốc.

"Kinh tế Mỹ đã hồi phục từ cuộc khủng hoảng tài chính nhờ sức sáng tạo công nghệ mạnh mẽ, trong khi kinh tế Trung Quốc đang đi xuống", ông Niu Jun, giáo sư thuộc Đại học Bắc Kinh, nhận xét.

Do sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc, nhiều tổ chức dự báo đã lùi thời gian mà kinh tế Trung Quốc được cho là sẽ vượt qua kinh tế Mỹ về mặt quy mô.

Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh (CEBR) của Anh dự báo GDP của Trung Quốc sẽ vượt Mỹ vào năm 2029, thay vì năm 2025 như dự báo trước đó.

** Nhật:  Senkaku là "chiến tuyến phòng thủ của quốc gia"

Bộ quốc phòng Nhật Bản hôm nay 31/01/2016 cho biết đã đưa 20 chiến đấu cơ F15 từ căn cứ Kyushu ở tây nam về Naha ở Okinawa bổ sung cho phi đội 20 chiếc F15 tại chổ.

Sự kiện quân đội Nhật tập trung 40 máy bay chiến đấu về Okinawa diễn ra trong bối cảnh Hoa Lục huy động hải thuyền và máy bay thường xuyên áp sát hoặc xâm nhập vùng biển và vùng trời quần đảo Senkaku/ Điều Ngư, mà Bắc Kinh cho là thuộc chủ quyền Hoa Lục từ ngàn xưa.

Các hành động của hải quân và không quân Hoa Lục nhằm trắc nghiệm phản ứng của Tokyo luôn bị lực lượng phòng vệ Nhật Bản nhanh chóng ngăn chận.

Trong buổi lễ tiếp nhận đơn vị chiến đấu cơ tăng cường tại căn cứ Naha, thứ trưởng quốc phòng Kenji Wakamiya tuyên bố Senkaku là "chiến tuyến phòng thủ của quốc gia".

** Hà Nội lần đầu tiên có thái độ rõ ràng trước hoạt động "tự do hàng hải" của Hoa Kỳ.

Hôm 30/1, tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Curtis Wilbur của hải quân Hoa Kỳ áp sát đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa trong điều mà Hoa Kỳ gọi là "chiến dịch tự do hàng hải" (FONOP).

Hải quân Mỹ cho hay tàu này đã vào trong khu vực lãnh hải 12 hải lý của đảo Tri Tôn, đảo lớn thứ ba trong quần đảo Hoàng Sa, và khi đó không có hiện diện của tàu Trung Quốc trong khu vực.

Ngày 31/1, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình tuyên bố "Việt Nam tôn trọng quyền đi qua vô hại trong lãnh hải" của tàu chiến Mỹ theo Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982.

Cũng nên nhắc lại sau trận hải chiến Hoàng Sa 1974, Trung Quốc đã chiếm hoàn toàn quần đảo này, kể cả đảo Tri Tôn mà Trung Quốc gọi là Trung Kiến đảo.

** Giáo sư Nguyễn Đình Cống 'từ bỏ Đảng' 

Ông Nguyễn Đình Cống viết: “Tôi thông báo từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam từ ngày 03 tháng 02 năm 2016. Yêu cầu tổ chức Đảng xóa tên tôi khỏi danh sách”.

Trả lời BBC Tiếng Việt về quyết định của mình, Giáo sư Cống cho biết nguyên nhân việc làm của ông: “Thực ra ý định ra khỏi Đảng có từ lâu rồi. Nhưng tôi vẫn muốn kéo dài ra đến Đại hội 12 vì trước đại hội 12, tôi cũng đã đóng góp rất nhiều ý kiến cho đại hội, muốn đại hội thảo luận, trao đổi."

"Tôi chờ xem thử đại hội có trao đổi, thảo luận gì không, có chuyển biến gì không."

"Rồi sau đại hội, không thấy chuyển biến gì cả thì tôi quyết định dứt khoát ra khỏi Đảng.”

Khi được hỏi đã đóng góp ý kiến gì, ông liệt kê: “Tôi có nêu ý ‎ kiến Chủ nghĩa Marx - Lenin là không thích hợp nữa, nên bỏ nó đi. Chứ đừng có kiên trì Marx- Lenin, bỏ cái đường lối tiến lên chủ nghĩa xã hội, mà phải xây dựng một thể chế dân chủ, tam quyền phân lập, bỏ cái việc toàn trị của Đảng, bỏ quốc hữu hóa ruộng đất."

“Nên bỏ cái tên Đảng Cộng sản, lấy lại cái tên Đảng Lao động Việt Nam. Nếu không được thế thì chia cái đảng này ra làm hai. Một bên anh nào muốn giữ Đảng Cộng sản thì cứ giữ, còn số nào không muốn theo Đảng cộng sản thì cứ lập ra một cái đảng mới.” - Ông giải thích.

(TTR tóm lược)

No comments:

Post a Comment

Tùy bút

H ình như thuở đó có một học sinh nghèo "ngoại đạo" mới vừa 16 tuổi, quê mùa nhút nhát, đang nuôi dưỡng một tình "yêu-hoa-cúc...