Bài và ảnh của:
Ý Nga-Sơn Ca Mơ Mộng
Kính tặng quý Trưởng từng là những Quân Nhân QL VNCH
-“Hi” trưởng!
-Có một trưởng thôi, sao em đếm 2 trưởng? Dư 1 trưởng rồi!
Vừa nói tôi vừa giả vờ ngơ ngác nhìn quanh, mắt nhay nháy với đàn sói con chung quanh. Các em nhạy bén phá ra cười, lúc ấy sói con SD mới hiểu ra và đưa 3 ngón tay lên chào lại:
-Dạ chào trưởng!
Và như thế, tôi đã bắt đầu buổi sinh hoạt với lời khuyên “Nói tiếng Việt với người Việt” một cách vui vẻ.
Tuần lễ kế tiếp, trong khi thử đưa các em vào nề nếp của “Phương Pháp Hàng Đội Tự Trị” tôi chia các em Ấu sinh hoạt với các em Nhi nhỏ tí (từ 4 tới 7 tuổi) thành vài nhóm và đi lòng vòng xem chúng “dạy nhau” thế nào. Thật ngạc nhiên, tôi thấy SD chống nạnh nói dõng dạc với tụi nhỏ:
-Các em phải nói tiếng Diệt (Việt) nghen, hổng được nói “hi” anh hay “hi” chị gì gáo chọi (ráo trọi) mà phải nói chào anh đàng quàng (hoàng). “Hi” là English, là số 2 đó, bị gì anh có “mình ên” (một mình) thôi hà chứ hổng có 2, 3 gì hết chơn, hết chọi. Nhớ chưa?
Tụi nhỏ ngoan ngoản đồng loạt: “Dạ nhớ” như những tín đồ ngoan đạo. Đúng là một phần thưởng vô giá dành cho một Akela phải không, thưa quý Trưởng?
Bao nhiêu trưởng từng chơi với các em ở hải ngoại chắc chắn cũng đã nhận lại nhiều phần thưởng tinh thần như thế, những phần thưởng không bao giờ bị hủy hoại theo thời gian mà cứ tồn tại mãi mãi trong ký ức.
Vậy chúng ta đã dành cho những trưởng trẻ và những bậc đàn anh của chúng ta, phần thưởng nào xứng đáng chưa? Họ là những trưởng đã hy sinh và đóng góp biết bao công sức để giữ sáng hoài ngọn Lửa của Phong Trào trong 85 năm qua, trong đó phải kể đến những trưởng từng là những người lính VNCH, xông pha tuyến đầu lửa đạn trong nhiều năm, bảo vệ tự do cho miền Nam chúng ta sống yên lành, để rồi lúc bị VC cưỡng chiếm, họ bị bắt bỏ tù, bị hành hạ dã man. Nhiều người trong số họ đã chết ngoài Bắc, chết trên rừng sâu, núi thẳm, trong những trại tù; trưởng nào còn sống sót, thoát ra được hải ngoại, nếu sức khỏe còn cho phép, đa số đã tiếp tục kê vai gánh vác trách nhiệm với Phong Trào để dìu dắt em út tiếp tay chuyền lửa. Họ đúng là những hướng đạo sinh tận tụy với Phong Trào và đã “Làm bổn phận đối với tổ quốc và quốc gia” (lời hứa thứ nhất của Hướng Đạo).
Tôi chợt nhớ về họ vì tháng 11 là tháng mà hai nước Canada và Hoa Kỳ tri ân những chiến sĩ đã hy sinh vì tự do cho Tổ Quốc và cho sự ổn định nền hòa bình của thế giới. Không biết có bao nhiêu hướng đạo sinh VN thấy được giá trị cao quý của quý trưởng HĐ VN từng tham gia QL VNCH? Riêng tôi, lúc nào cũng đem lòng kính phục đặc biệt đến quý Trưởng này vì mỗi khi có những chuyện quan trọng hay chuyện gây chia rẻ trong Phong Trào, chúng tôi thường tìm nhau để trao đổi, họp hành với nhau (không cần biết là ai đang hay đã sinh hoạt hướng đạo). Quý trưởng gốc nhà binh này luôn luôn là những bậc đàn anh khả kính: có những ý kiến đóng góp rất sâu sắc và ai làm việc gì sai, có những hành động thế nào họ đều ghi chép lại tường tận từng đường đi, nước bước thật tinh tế.
*
Một người hướng đạo sinh có óc cầu tiến, có đức tính khiêm nhường không bao giờ dừng lại ở một điểm, họ luôn tìm mọi cách để học hỏi và mở mang thêm kiến thức từ những người chung quanh, nhất là từ những bậc đàn anh, để dìu dắt các em nên người hữu dụng trong xã hội. Do đó những hành vi hay lời nói xúc phạm một cách vô căn cứ đến quý Trưởng cao niên, có đức độ, đã đóng góp cho Phong Trào, là điều không thể chấp nhận được. Tại sao chúng ta dung túng cho những phần tử xấu: thấy việc không làm, cứ rung đùi ngồi chơi, chờ cho những người có trách nhiệm làm toát mồ hôi nếu bị sơ hở một chút là chỉ trích? Đó không phải là tư cách của một hướng đạo sinh, Phong Trào không cần đến những phần tử này, đó là những “con sâu” sẽ “làm rầu nồi canh” chung của chúng ta!
Thử hỏi, với 85 năm đã đi qua một chặng đường dài, Phong Trào Hướng Đạo Việt Nam dưới thời đệ nhất và đệ nhị Cộng Hòa hay trước đó nữa có tốt hơn thời Cộng Sản sau 1975 không? Câu hỏi ấy ai cũng có câu trả lời rất rõ ràng, dù đó là người cộng sản, bởi, sau khi cộng sản cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam, lập tức chúng khai tử ngay Phong Trào. Vậy mà, với tinh thần GIỮ LỬA, quý trưởng có lòng đã không để Phong Trào chết vì chủ nghĩa cộng sản. Họ mang theo Phong Trào trong tim và chuyền đi Ngọn Lửa Bách Hợp ấy ngay từ khi rời quê Mẹ.
TRÊN ĐƯỜNG VƯỢT BIỂN:
Một ví dụ cụ thể nhất mà tôi đã tận mắt thấy: trong khi lênh đênh trên chiếc ghe 41 người, bị hải tặc cướp sạch sành sanh, kể cả máy móc cũng bị trục ra khỏi ghe, ai cũng đói khát lả cả người, nhưng có hướng đạo sinh lặn xuống nước sửa ghe một mình, sửa hoài không được, thấy cá mập, người này hoảng sợ vất cả chiếc đèn pin duy nhất mà lo thoát thân. Rồi lúc ghe bị vô nước, người người không ai còn sinh lực, chỉ những hướng đạo sinh và những người có ý chí trên ghe mới nhắc nhở và hối thúc mọi người tát nước. Họ làm việc nhiều nhất thay cho mọi người, rồi họ phân chia người tát nước. Khi có người vì đói quá đã ăn sứa sống, bị tiêu chảy, chính họ đã cùng với mọi người dọn dẹp và tìm những cách thô sơ nhất để câu những con cá ép lên, nạy những miếng ván trên thành ghe, múc nước biển mà luộc cá cho mọi người dùng, (chính bản thân tôi cũng đã được họ cứu từ chất “nước cá” ấy khi tôi trong tình trạng đã bất tỉnh).
TẠI CÁC TRẠI TỴ NẠN:
Lửa Bách Hợp được thắp sáng ngay khi các trưởng vừa mới tấp vào các trại tỵ nạn Đông Nam Á, dù họ đã phải đối diện với bao nghịch cảnh, sau những chuyến hải trình kinh hoàng: họ phơi nắng suốt ngày trong trại tỵ nạn Songkhla, Thái Lan để phụ với Ban Điều Hành trại phân phát than, gạo, cá, gà cho đồng bào. Không cần đồng phục, họ ở trần trùng trục, ốm tong teo trơ xương, mặt mày xanh lét sau chuyến hải hành nhưng lại hăng hái góp công sức vào bất cứ việc gì đồng bào cần đến: lúc thì đen thui than từ mặt cho đến chân, khi thì tanh tưởi mùi cá, thịt, họ vẫn đầu trần đội nắng mà cân, đo, đong, đếm gạo, muối.v.v…. Hình ảnh họ đưa lưng trần phơi dưới cái nắng nung người của biển để gánh vác chuyện nặng cho những thuyền nhân, là những hình ảnh đẹp mà tôi luôn tôn kính. Có lẽ đó là bài học đầu tiên tôi đã học được thế nào là tinh thần hướng đạo về một trong ba lời hứa quan trọng: “Giúp ích mọi người bất cứ lúc nào” và một trong 10 điều luật của một hướng đạo sinh: “Hướng Đạo Sinh giúp ích”.
Ở các trại tỵ nạn khác cũng vậy, ai trong họ cũng chỉ có hai bàn tay trắng như mọi người, nhưng những trái tim hướng đạo đã cùng ngồi lại: hàng tuần, họ vẫn đem hết tâm sức ra dìu dắt các em và họ đã từng bước đóng góp công lớn vào việc gầy dựng lại Phong Trào.
Là một thuyền nhân năm 1980, cùng chung số phận với họ, tôi rất biết ơn những trưởng này vì tôi hiểu rất rõ tâm trạng của họ ra sao lúc ấy: ai thực sự ra đi vì tự do thì gần như cũng mất tất cả, họ không thể có một lý do nào khác ngoài tinh thần dấn thân GIÚP ÍCH và phục vụ cho xã hội.
TẠI CÁC MIỀN ĐẤT MỚI TẠM CƯ:
Sau 1975, hầu như tại bất cứ quốc gia nào có đông người Việt định cư cũng đều có những trưởng hướng đạo GIỮ LỬA. Công đầu đáng kính trọng nhất phải ghi nhận là quý trưởng đã miệt mài CHUYỀN LỬA mà không màng đến danh vọng, họ dấn thân hết mình cho đến khi sức khỏe không còn cho phép nữa họ mới thúc thủ trên giường bệnh.
Có nhiều trưởng đã được Hội Đồng Trung Ương ghi công và vinh danh qua các bằng tưởng thưởng, cũng có rất nhiều trưởng cao niên đức độ, khả kính: trong âm thầm lặng lẽ vẫn đã và đang cùng với những phụ huynh yêu nước, tiếp tay chuyền Lửa cho nhiều thế hệ đi sau mà không muốn ai nhắc đến. Họ là những người cứ thấy việc là làm, mà làm một cách rất tích cực, dù là âm thầm nhặt rác, rửa chén, sửa chữa, trang trí hay khuân vác nặng nề.v.v…, ở đâu có việc là họ lăn vào làm. Bằng nhiều cách khác nhau, họ đã đóng góp rất nhiều cho Phong Trào ở hải ngoại!
Các em trẻ rồi sẽ bước vào lứa tuổi trung niên, trung niên rồi cũng sẽ đến tuổi già. Lứa tuổi 50, 60 của chúng ta rồi cũng sẽ xếp hàng lên… lão cả thôi. Xin đừng chế nhạo những trưởng già cả! Vòng sinh lão rồi ai cũng phải qua.
BẢO TỒN VĂN HÓA:
Như quý Trưởng đã biết, chúng ta dùng trò chơi để giáo dục các em tự trau giồi nhân cách, sẵn sàng giúp ích cho xã hội, đóng góp sức lực vào đời sống cộng đồng, học tự lực cánh sinh, học đối phó với những khó khăn, trở ngại, học chia sẻ mọi trách nhiệm, chuyền tiếp ngọn lửa Hướng Đạo.v.v… và nhất là học bảo tồn văn hóa Việt. Vậy thì chúng ta phải cẩn thận từng hành động khi hướng dẫn các em hiểu thế nào là nền văn hóa Việt, mọi việc làm phải nói lên được ý nghĩa thanh cao của việc bảo tồn những nét đẹp của dân tộc (TD: mặc bộ áo tứ thân khác hẳn với cách VC đem chiếc áo yếm ra khoe một cách hở hang với thế giới) Tất cả những gì VC đã làm từ ngày nắm quyền đều đưa dân tộc đến đường cùng, không có gì hay cả, cho nên tuyệt đối không thể rập khuôn như chúng. Xin đừng dùng tài liệu của VC để dạy các em.
Là một hướng đạo sinh không chịu bất cứ trách nhiệm nào trong Hội Đồng Trung Ương của Phong Trào Hướng Đạo VN Hải Ngoại, trước khi kết bài, tôi xin phép được tâm sự với các em trẻ và quý Trưởng đang gánh vác những chức vụ nặng nề của đại gia đình Hướng Đạo hay trong các Liên Đoàn, các Làng Bách Hợp.v.v… một suy nghĩ rất riêng, nhưng đang ảnh hưởng chung đến tinh thần đoàn kết của anh em vì một thiểu số Việt gian đang muốn nhuộm hồng Phong Trào, đang bị anh chị em để ý, phản đối quyết liệt gần đây.
Luật thứ 4 của Hướng Đạo là: “Hướng đạo sinh là bạn của mọi người”. Không biết quý Trưởng trên 80 tuổi nghĩ gì khi ôn lại những đóng góp đã dâng hiến cho Phong Trào, riêng tôi vẫn thấy mình không thể “làm bạn của mọi người” được.
1-Sao lại không? Vì tôi không thể “làm bạn” với những kẻ tự xưng là “hướng đạo sinh” mà không giữ 10 điều luật căn bản của Hướng Đạo:
-Không trọng danh dự với dân (luật 1 của HĐ),
-Không trung tín với đồng bào (luật 2 của HĐ),
-Không lễ độ và hào hiệp với: những bậc chí sĩ, những vị anh hùng, những chiến sĩ QL VNCH đã vì nước mà hy sinh biết bao nhiêu xương máu (luật 5 của HĐ),
-Không tôn trọng thiên nhiên: phá rừng, đốn núi đem bán lấy tiền tẩu tán ra nước ngoài.v.v… (luật 6 của HĐ),
-Không trọng kỷ luật của nước (luật 7 của HĐ),
-Không vui tươi với dân oan (luật 8 của HĐ),
-Không cần kiệm, liêm khiết: tham nhũng, hối lộ, lạm dụng quyền hành để biển thủ, cướp đoạt của chung làm của riêng (luật 9 của HĐ),
-Và không trong sạch trong tư tưởng, lời nói, việc làm mà toàn chỉ tuyên truyền cho một chủ nghĩa ngoại lai, hại dân, bán nước, rước kẻ thù vào Nhà. (luật 10 của HĐ).
Những cái KHÔNG này đều nằm trong nhân cách của cộng sản, trong đó có cộng sản Việt Nam và những tên Việt gian đang mượn màu áo Hướng Đạo để trà trộn vào giữa chúng ta gây bất hòa, chia rẻ giữa anh em bắt tay trái và vấy bẩn Phong Trào. Họ không phải là “người”!
2-Sao lại không? Vì tôi đã tuyên hứa với Phong Trào Hướng Đạo: “Tôi lấy danh dự hứa cố gắng hết sức làm bổn phận đối với tín ngưỡng tâm linh, tổ quốc và quốc gia tôi” (lời hứa thứ nhất của Hướng Đạo). Tôi tin rằng đa số anh chị em Hướng Đạo Sinh Quốc Gia đang định cư ở hải ngoại đều có cùng một suy nghĩ như tôi: giữ vững Phong Trào luôn trong sạch, nhân bản và phục vụ cho xã hội chứ không đưa Phong Trào vào chỗ bị nhuộm hồng, bế tắc và phi nhân bản.
Do đó, tôi không thể bắt tay trái với những kẻ “mặc áo giấy” để được “đi với ma”, Và tôi biết rằng tiếng nói của tôi mãi mãi vẫn chỉ là những cố gắng của một loài “Sơn Ca” bé bỏng (như cái tên rừng mà Hội Đồng Rừng đã đặt cho), Sơn Ca tuy bé nhưng mang trong lòng một hoài bão, một giấc mơ rất lớn: được thấy một ngày đất nước có tự do, để Phong Trào Hướng Đạo quốc nội được công khai tái hoạt động, dưới một chính quyền thật sự yêu dân, thương nước (chứ không phải hoạt động dưới “Đoàn Thanh Niên Cộng Sản HCM” trong tay bọn tà quyền hiện nay).
Khi nghe mẹ bảo: “Ăn đi!” Một đứa trẻ biết ý mẹ, dư thông minh để hiểu là “Ăn” chứ không phải “Đi”. Có đứa trẻ đang đói nào hiểu rằng phải “đi” mà không được “ăn” trong khi mẹ rất yêu thương nó?
Còn bọn tà quyền CSVN mà bảo “Hướng Đạo Sinh sinh hoạt đi!” thì chúng ta dư biết chúng sẽ cho… “đi” đâu rồi!
Chân thành tri ân quý Trưởng trong cũng như ngoài nước vẫn chuyền lửa Hướng Đạo từ sau 1975, nhưng không hề bắt tay trái với bọn phi nhân có quá nhiều cái “không” trong 10 điều luật Hướng Đạo mà anh em ta đã lấy làm châm ngôn cho cuộc sống.
Cám ơn tất cả các Trưởng trẻ đã và đang dấn thân cho Phong Trào rất tích cực.
Kính chúc quý Trưởng giữ lửa Hướng Đạo được “chung một đường lên”*
Ý Nga
No comments:
Post a Comment