08 January 2016

Sao Băng, chùm văn nghệ



SAO BĂNG

Sao vừa băng cuối trời,
Ước mơ gì, Em Nhỏ?
Con sóng sầu buông lơi,
Bay đâu cơn tóc gió?
*
Sao đã băng, tan rồi,
Ước mơ, Em còn nhớ?

LAN ĐÀM
1/16 


**


Em đã một lần đi vào hồn anh . . .

Nhân được hoạ sĩ cho xem tranh mới đầu năm, xin có vài lời tán dóc cho vui.

Trừ khi xem tranh chân dung, tôi nhìn kỹ chi tiết được diễn tả, khi xem những loại tranh khác - vì chịu ảnh hưởng của phái Ấn Tượng và Tân Ấn Tượng - tôi thường chú ý tới ánh sáng và cách dùng màu sắc trong tranh hơn, chỉ lướt qua những chi tiết hình dạng, nếu không có chi tiết nào quá lệch làm mất sự hài hoà của bức tranh.

Trong tranh Sao Băng phiên bản đầu, cánh tay trái của thiếu nữ, vì nằm ngay ở chính diện nên cái nét thô của nó, đúng như Cô Út nhận xét, tôi cũng nhận ra ngay và thấy không ổn. Theo tôi, nét thô đó lộ quá rõ một phần lớn do độ tương phản giữa khoảng tối màu tím ngay sau vai của thiếu nữ và phần ánh sáng phía trước ngực. Trong phiên bản hoàn chỉnh, nét thô đó được sửa hơn 80%, một phần nhờ hoạ sĩ đã sửa chi tiết ở phía trước nách và phía sau vai, một phần khác do hoạ sĩ đã thay mảng màu tím tối đó bằng màu xanh sáng hơn, cộng với vùng xung quanh vai và xung quanh người của thiếu nữ cũng được hoạ sĩ chuyển dùng màu sáng hơn. Độ tương phản lúc đầu không còn nên nét thô không còn quá lộ, khiến người xem tranh ít chú ý hơn.

Nhìn chung, hoạ sĩ đã bắt đầu bức tranh rất bài bản: từ chiều của làn sóng cuộn, qua thân người nghiêng theo trắc diện, chiều của suối tóc đến hướng nhìn của thiếu nữ, làm cho bức tranh có hướng từ góc dưới bên phải đi chéo lên góc trái phía trên. Nhưng sau đó hoạ sĩ phá cách, hai vệt sáng sao băng cùng với các vệt màu chạy từ góc phải bên trên đỗ nghiêng xuống, cộng với mảng màu xanh chủ đậm hơn (trong phiên bản hoàn chỉnh  so với phiên bản đầu) ở góc trái ở trên, làm cho hướng nhìn của người xem tranh phải dừng lại, vì cái vùng sáng xung quanh thân thiếu nữ (hoạ sĩ đã chuyển dùng màu sáng hơn so với các màu tối hơn trong phiên bản đầu) thu hút tầm nhìn của người xem trở lại thân của thiếu nữ.

Không biết mùa nầy ở Canada nằm gần cực Bắc của trái đất còn có sao băng không, chớ bên Pháp chỉ có vào khoảng giữa tháng tám dương lịch chỉ độ hai ba đêm liền nếu trời không có mây và không mưa, và nếu ở ngoài đồng trống thì sẽ thấy rất nhiều sao băng.

Theo các nhà thiên văn thì vào thời gian đó trái đất đi vào khu vực có nhiều vẫn thạch, nói đúng hơn là vùng có nhiều bụi của thái dương hệ. Khi các vẫn thạch đó đi vào khí quyển của trái đất sẽ cháy sáng lên trước khi tiêu đi. Cách nay trên mười năm, trong một kỳ nghỉ hè ở vùng núi vào tháng tám, tôi đã có dịp nhìn thấy sao băng, rất nhiều. Đêm đó, trời trong, không có mây, có sao, nhưng không có trăng, khoảng 10 giờ tối, ánh sáng mặt trời mùa hè đă tắt hẵn. có vài lúc sao băng cùng sa hằng loạt trông vui mắt. Dù vậy cũng không đủ làm sáng bầu trời lên.

Tôi nêu chi tiết nầy để đặt câu hỏi vừa kể là hoạ sĩ vẽ tranh Sao Băng nầy theo quan sát hay với ngụ ý. Theo ý nghĩ của tôi thì hoạ sĩ vẽ với một hoài niệm. Sao Băng chỉ là một cái cớ. Em, người thiếu nữ, với cả vùng sáng bao quanh thu hút ngay cái nhìn của người xem tranh. Bởi vì Em đã một lần đi vào cuộc đời anh, đi vào hồn anh như ánh sao băng. Dù sóng nước cuộc đời có đẩy Em đi đâu, Em vẫn còn là ánh sáng sao băng đọng lại trong hồn anh.

Người xem một bức tranh, đọc một bài thơ không chắc bắt được ý nghĩ thực cúa hoạ sĩ, của nhà thơ, nhưng có quyền sáng tạo từ sự sáng tạo của tác giả. Cũng là một cách làm cho phong phú tâm hồn của người thưởng ngoạn nghệ thuật.

Chư vị nghĩ thế nào?

Quan Minh, Paris 

**

Tranh:

SAO BĂNG
(Shooting Stars)
(After final touch)
*
Mix media on canvas
20x30 inch (51x76cm)
by A.C.La Nguyễn Thế Vĩnh

No comments:

Post a Comment

Tùy bút

H ình như thuở đó có một học sinh nghèo "ngoại đạo" mới vừa 16 tuổi, quê mùa nhút nhát, đang nuôi dưỡng một tình "yêu-hoa-cúc...