24 January 2016

Đại hội 12: Việc chọn Tổng Bí thư vẫn sẽ gay cấn đến phút cuối

Người ta nói Đại hội Đảng 12 là đại hội của các tin đồn đoán, với mục đích nhằm phục vụ cho cuộc tranh chấp quyền lực giữa 2 phe trong đảng quả là không sai. Các tin đồn đã làm nhiễu loạn thông tin và khiến cho dư luận nhiều lần mất phương hướng. Rõ nhất là từ những tin từ "các nguồn tin khả tín" về "Kết quả bỏ phiếu" bầu chọn "tứ trụ" sau Hội nghị Trung ương 14, đã sai ngay khi đưa số lượng phiếu bầu của 175 Ủy viên Trung ương, khi đã tính cả 2 ông Phạm Qúy Ngọ và Nguyễn Bá Thanh đã chết.

Tuy vậy, kể cả báo chí nước ngoài vẫn phải dẫn tin từ nguồn này. Điều đó cho thấy, thông tin về nhân sự chủ chốt của Đại hội 12 là thông tin tuyệt mật.

Chiều ngày 23/01/2016, một lần nữa thông tin "Thủ tướng xin rút, giới thiệu Tổng bí thư tái cử" trên Báo VNN (Bài báo đã bị rút ngay sau vài tiếng tồn tại - còn xem được ở đây), khi cho rằng "Thượng tướng Võ Tiến Trung, Giám đốc Học viện Quốc phòng, xác nhận Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã xin rút và được rút khỏi danh sách giới thiệu bầu Ban chấp hành TƯ khóa mới.". Điều đó đã làm dư luận hết sức xôn xao và mọi người đều cho rằng dấu chấm hết đã được dành cho ông Nguyễn Tấn Dũng.

Trước hết, chuyện "Thủ tướng xin rút, giới thiệu Tổng bí thư tái cử" là chuyện cũ từ Hội nghị Trung ương 14 được nhắc lại, chứ không phải là chuyện tại thời điểm này. Song nếu quan sát các bài báo được đăng cùng vào thời điểm ngày 23/01, như trên VnEconomy có bài “Nếu Đại hội không cho rút, các đồng chí đó lại tiếp tục ứng cử”, hay Soha với bài "Nhân dân tín nhiệm ai thì Đảng sẽ lựa chọn" và có lẽ không phải ngẫu nhiên, mà Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc bên lề ĐH 12 ngày 23/1/2016 trong cuộc trao đổi với PV Zing.vn đã nhấn mạnh: "Tổng bí thư có đồng thời là Chủ tịch nước hay Thủ tướng tùy thuộc vào sự phân công trong Đảng" v.v... và v.v...

Có người đặt câu hỏi, tại sao Thượng tướng Võ Tiến Trung, Giám đốc Học viện Quốc phòng - một tướng thuộc khối tác chiến chứ không phải chính trị, trả lời phỏng vấn báo chí vào lúc này? Và thấy rằng, thoạt đầu thì tưởng thông tin này nhằm bênh ông Nguyễn Phú Trọng, nhưng nếu xem kỹ thì thấy họ đang bảo vệ ông Nguyễn Tấn Dũng và muốn chứng minh rằng ông Dũng không phải là người tham vọng quyền lực, ngược lại người tham vọng quyền lực là người vu khống cho ông Nguyễn Tấn Dũng. Đây là ý kiến đáng quan tâm.

Việc báo Lao động cho đăng bài viết dưới tiêu đề "Duy nhất đồng chí Nguyễn Phú Trọng ứng cử cho chức danh Tổng Bí thư", theo đó chỉ còn lại một mình ông Nguyễn Phú Trọng, đã không xin rút khỏi danh sách. Trong lúc tại Hội nghị Trung ương 14, khi Bộ chính trị đưa ra phương án nhân sự cho chức vụ Tổng Bí thư chỉ có tên duy nhất của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, thì Trung ương mới giới thiệu thêm 4 người nữa bổ xung cho danh sách nhân sự "đặc biệt". Đó là các ông Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Sinh Hùng và Phùng Quang Thanh, song cả 4 vị này đã xin rút và được trung ương chuẩn thuận. Điều đó đã cho thấy, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mới chính là người có tham vọng quyền lực, trong điều kiện khi ông đã rất cao tuổi và nhiều bệnh tật?

Việc ngày 23/1/2016, Thiếu tướng, GS.TS Trương Giang Long, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND, Giám đốc Học viện Chính trị CAND đã đưa mong muốn của nhân dân là một điều kiện, khi cho rằng "Nhân dân có lựa chọn rất công bằng. Ai vì dân vì nước thì sẽ được nhân dân tín nhiệm, và nhân dân tín nhiệm thì Đảng sẽ lựa chọn thôi". Đây cũng là chuyệt khá bất thường, vì nhân dân đang ủng hộ ai thì là điều quá rõ ràng.

Hay trong bài tham luận tại đại hội sáng 23/01/2016, ông Đặng Ngọc Tùng Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động VN đã nói: “Cho phép tôi thay mặt 9 triệu đoàn viên và tổ chức công đoàn VN cảm ơn Đảng, cảm ơn các lãnh đạo Đảng... Đặc biệt chúng tôi bày tỏ sự kính trọng và vô cùng biết ơn đồng chí Trương Tấn Sang - Chủ tịch nước và đồng chí Nguyễn Tấn Dũng - Thủ tướng CP đã thể hiện dũng khí và bản lĩnh của người lãnh đạo, khi lãnh đạo TQ tuyên bố Hoàng Sa, Trường Sa thuộc TQ từ thời cổ đại." Đây được coi là một cái tát trời giáng giữa Đại hội 12 vào TBT Nguyễn Phú Trọng - người đang giữ cương vị cao nhất của đảng và nhà nước, về ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của đất nước.

Kể cả thông tin mới nhất trên báo Tuổi trẻ vừa cho biết, sáng 24/01/2016, ông Vũ Trọng Kim - Ủy viên trung ương Đảng, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban trung ương MTTQVN đã xác nhận với báo giới bên lề Đại hội Đảng XII rằng. ngoài việc đề cử giới thiệu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tái cử khóa 12, Hội nghị Trung ương 14 còn giới thiệu ba vị trí chủ chốt còn lại, gồm: Chủ tịch nước là ông Trần Đại Quang, Thủ tướng là ông Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội là bà Nguyễn Thị Kim Ngân. Và tỷ lệ phiếu giới thiệu tại hội nghị trung ương 14 đối với vị trí Tổng Bí thư của ông Nguyễn Phú Trọng là rất cao, hơn 75%.

Đây cũng chỉ là kết quả của Hội nghị Trung ương14 được nhắc lại và không có gì mới. Vấn đề ở đây sẽ là, tại sao các thông tin này bị dấu kỹ từ khi kết thúc Hội nghị Trung ương 14 mà báo chí nhà nước không đăng tải, lại đột nhiên được công khai vào thời điểm Đại hội 12 đang bàn công tác nhân sự? Phải chăng đang có các dấu hiệu cho thấy, kết quả nhân sự chủ chốt của Hội nghị Trung ương 14 không có gì đảm bảo là chắc chắn, nên phe của ông Nguyễn Phú Trọng phải chơi bài định hướng? Điều đó càng cho thấy, vấn đề bầu chọn nhân sự chủ chốt tại Đại hội 12 chưa phải là đã có câu trả lời chính thức.

Tin cho biết, sau cuộc họp chiều 23/01/2016, các đại biểu dự Đại hội 12 đã đồng ý với phương án đã được Ban Chấp Hành Trung Ương khóa XI đưa ra là sẽ có 200 ủy viên trung ương được bầu chọn, gồm 180 ủy viên chính thức và 20 ủy viên dự khuyết. Điều đó đã cho thấy phương án sẽ có 280 ủy viên trung ương được bầu tại Đại hội 12 của Ban Tổ chức Trung ương được Bộ Chính trị chuẩn thuận đã bị Ban Chấp Hành Trung Ương khóa XI bác bỏ. Đáng chú ý, số lượng các Ủy viên Trung ương được đề cử thêm là có tất cả 40 người và trong trường hợp các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị lớn tuổi, thì đại hội có nhiều ý kiến nên để 3 đồng chí ở lại, đó là Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang và Nguyễn Phú Trọng.

Ông Nguyễn Tấn Dũng đang dùng chước "tranh như không tranh". Vì gần đây, ông Dũng đã nhận thấy khả năng trúng cử của mình là không cao, vì ông ta không được sự ủng hộ của các đảng viên trung kiên là cán bộ đã nghỉ hưu cũng như các thành viên Bộ Chính trị hiện nay. Việc ông Nguyễn Tấn Dũng xin rút khỏi danh sách ứng cử chức vụ Tổng Bí thư là hành động khôn ngoan, vì đã để cho mình một lối thoát trong danh dự. Như trường hợp của ông Trọng nếu thất cử sau đại hội 12 thì còn mặt mũi đâu để nhìn thiên hạ? Song ông Nguyễn Tấn Dũng vẫn còn hết sức tin tưởng vào sức mạnh của Ban Chấp hành Trung ương, việc ông ta để cho ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế Hoạch đầu tư phát biểu tại Đại hội ngày 22/01/2016, điều được ví như tiếng sét giữa đêm đông, đã tấn công thẳng vào phe của ông Trọng, là điều cho thấy ông Dũng không dễ gì sẽ từ bỏ quyền lực một cách dễ dàng.

Đại hội Đảng CSVN lần thứ XII diễn ra từ ngày 21-28/01/2016, theo chương trình làm việc của Đại hội, thì từ ngày 23-27/01/2016 đại hội sẽ tập trung vào bàn công tác nhân sự lãnh đạo. Nghĩa là đại hội sẽ mất 05 trong tổng số 08 ngày đại hội để giải quyết nhân sự lãnh đạo cao cấp. Đến hôm nay, ngày 24/01//2016 thì chặng đua vào chức Tổng Bí thư và các chức danh chủ chốt khác sẽ còn 4 ngày để bàn và bầu.

Theo quy định, các đại biểu tham dự Đại hội Đảng toàn quốc nằm trong danh sách đề cử Ban Chấp hành Trung ương khóa 12, có toàn quyền ứng cử, giới thiệu - đề cử. Trên cơ sở danh sách nhân sự do Ban Chấp hành Trung ương khóa trước giới thiệu, các đại biểu sẽ tiến hành bỏ phiếu bầu cử Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Và ngày hôm sau, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII họp Hội nghị lần thứ nhất để bầu Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Việc chọn Tổng Bí thư vẫn sẽ gay cấn cho đến phút cuối, và sẽ còn rất nhiều những tin tức mập mờ được tung ra với mục đích và tính toán riêng của các phe.

Ngày 24/01/2016
Việt Dũng (Nguồn: Dân Luận)

No comments:

Post a Comment

Thất Bại Nhục Nhã Của Truyền Thông Định Hướng

TTR: Cho đến năm 2015 khi Donald Trump ra tranh cử tổng thống Mỹ thì chưa có một ứng viên tranh chức tổng thống nào, hay rộng hơn, một chức ...