01 January 2016

Chuông nguyện hồn anh Ba Dũng

Theo FB Người Buôn Gió

Nhà văn Phạm Thành, tức bloger Bà Đầm Xoè. Một người có quan điểm ủng hộ thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Động cơ ủng hộ của ông Thành không phải xuất phát từ lòng yêu kính lãnh đạo cộng sản. Cái kiểu yêu của ông là nếu không có cách nào khác, chỉ có cách phải lựa chọn thì ông chọn thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Một người ít ra cũng dám nói về việc phản đối Trung Quốc trong hàng ngũ lãnh đạo cao cấp hiện nay.

Trên đây cũng là tâm lý của nhiều người, không phải riêng gì ông Phạm Thành.

Mới đây nhà văn Phạm Thành có bài viết: https://badamxoevietnam2.wordpress.com/...

Bài viết có tựa đề như một lời than trách, chua xót cho sự thụt lùi của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc tranh giành chức vụ Tổng bí thư ĐCSVN vào năm tới. Tiếng than của nhà văn Phạm Thành gần như tiếng than của Ngũ Tử Tư khi xưa

- Hãy móc mắt ta treo trên cổng thành phía đông để thấy quân giặc tràn vào.

Tất nhiên cái tâm thế của Phạm Thành khác xa với Ngũ Tử Tư. Ở trong cảnh kia Ngũ Tử Tư là trung thần tận tuỵ phục vụ Ngô Vương Phù Sai. Còn trong cảnh này ngày nay, ông Phạm Thành chẳng phải là người của ông Nguyễn Tấn Dũng. Cái tâm thế của ông Phạm Thành là vì nước Việt Nam vào cảnh be bét, cảm thấy chưa thấy lối thoát nào hơn lúc này, hoặc có thì cũng chẳng khả thi. Nhà văn Phạm Thành đành hy vọng vào thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng để vực nước Việt Nam dậy trên bờ vực thẳm mà Trung Quốc đào sẵn dưới chân.

Bởi thế lời than của nhà văn Phạm Thành còn ai oán gấp bội lần Ngũ Tử Tư.

Trong khi nhà văn Phạm Thành đang than khóc cho Nguyễn Tấn Dũng. Nhà báo Trương Huy San, tức Huy Đức như một người phu mộ, lặng lẽ đóng từng nhát búa trên nắp quan tài thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

https://anhbasam.wordpress.com/2015...

Sở dĩ nói anh Huy Đức như một người phu mộ, vì anh thực hiện công việc như chuyên môn của anh. Đưa tin tức theo những bằng chứng, sự thật mà ai cũng thấy. Chẳng ai kết tội được người phu mộ đóng đinh lên quan tài người mình yêu mến. Cũng tương tự như vậy, chẳng ai bắt bẻ được chứng cớ sờ sờ mà anh Huy Đức đưa ra về thủ tướng. Từ chuyện con cái thủ tướng giàu nhất nước, làm quan to nhất nước. Hay anh chị em nhà thủ tướng dấn sâu vào những áp phe lớn về ngân hàng, bất động sản như các vụ Trầm Bê, Dương Thanh Cường.

Bức xúc về chuyện cả gia đình ông Dũng gặt hái bội thu mọi mặt, trong khi người dân còn nghèo khó, đất nước nợ nần. Không phải riêng Huy Đức, đó cũng là tâm lý của rất nhiều người.

Có ba người dám công khai chỉ trích Nguyễn Tấn Dũng. Một người đã phải từ nhà tù đi lưu vong là tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ. Một người nữa là cựu trung tá công an Nguyễn Hữu Vinh hiện đang ở trong tù. Trương Huy San là người thứ ba hôm nay đang đứng thẳng vạch ra những sai lầm của Nguyễn Tấn Dũng. Nhưng cũng cần phải nói rõ rằng thời cuộc ngày hôm nay không đứng về Nguyễn Tấn Dũng, quyền lực đã dần rời khỏi tầm tay ông ta. Thậm chí là có thể lắng nghe thấy tiếng thở khó khăn trong bầu không khí ngột ngạt dần ít đi, trong cái quan tài ông ta đang nằm.

Có người nói với tôi.

- Ba Dũng còn nhiều đòn lắm, chưa giở hết ra đâu.

Người khác lại nói.

- Ba Dũng chết rồi, nếu không thì Huy Đức không công khai nói thế đâu.

Với tôi thì Ba Dũng đi hay ở cũng không khác gì nhau, tôi giờ đã yên thân bên một nơi cách xa Việt Nam hơn 10 ngàn cây số. Cả hai người là nhà văn Phạm Thành, nhà báo Huy Đức dều là chỗ có tình cảm, qua lại. Cả hai với tôi đều là người anh đáng kính. Tôi vương vấn chút tâm tình thời cuộc quê nhà, cũng chẳng nhiều, chỉ là vài vấn vương mà bất cứ kẻ xa quê nào cũng có.

Tôi chỉ thấy một điều , khi ông Dũng thực lực đương mạnh, quyền hành trong tay. Lẽ ra ông nên làm điều phúc đức, lấy lòng dư luận, nhân sĩ, trí thức. Nhưng ông ta lại làm ngược lại, giải tán nhóm trí thức, bắt bớ bỏ tù trí thức. Giá như ông ta biết mềm đi, chịu nhịn thả Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh khi ông còn quyền lực trong tay. Thì chắc hẳn ngày hôm nay, những người nhân sĩ, trí thức đứng ra bênh vực ông rất nhiều. Phe của ông trưng ảnh ông Trương Tấn Sang ngồi cùng với nhân sĩ ra để dè bỉu, bôi bác rằng ông Sang là Minh Chủ đang chỉ huy đệ tử. Những người tầm thường thì dễ nghe theo bởi bản tính thích thấy người khác bị nhục mạ, bôi bác.

Nhưng người có nhân cách họ sẽ nhìn ở góc độ khác. Họ thấy một ông Sang giản dị, gần gũi với tri thức. Điều mà ông Dũng chưa bao giờ thấy có được.

Có thể ông Dũng sẽ có nhiều trò chưa giở ra hết. Nhưng con người ông chưa bao giờ nghĩ đến chuyện làm một việc nhún nhường, nhân nghĩa, bao dung đối với trí thức đối lập. Đó là điểm tử huyệt mà ông coi thường, bởi ông nghĩ ông có sức mạnh trong tay không phải nhún mình với ai, đứa nào ngứa mắt ông bỏ tù.

Ông mang những tù nhân bất đồng chính kiến để đổi chác với phương Tây. Có bao giờ ông nghĩ rằng hay thả những tù nhân bất đồng chính kiến ấy, để đổi lấy lòng dân và các nhân sĩ, trí thức không?. Nếu ông làm điều ấy, có lẽ những nhát đinh của Huy Đức hôm nay đóng trên quan tài ông đã phải nẩy bật lại vì những ý kiến của các nhân sĩ, đối lập.

Thả những nhân sĩ, trí thức bất đồng chính kiến ra ngay bây giờ còn kịp. Thả để thấy rằng ông không hề có thù oán hay có bản chất ác ý gì với nhân sĩ, trí thức đối lập. Để người ta thấy trong ông còn có những ý chí lớn lao, vượt qua những điều nhỏ mọn tầm thường như chỉ thích người khác tung hô, ca ngợi. Rằng ông làm vì nước chứ không phải vì cá nhân ông và gia đình ông.

Nếu không làm, lỡ ông có chết trong trận này. Sẽ chỉ có tiếng đóng đinh khô lạnh trên nắp quan tài ông, chẳng có ai đi gióng chuông nguyện hồn ông làm gì đâu. Sự thật là vậy.


    Bình luận của FB Nguyễn Anh Tuấn: Bài này dựa trên 3 nhận định cần được trao đổi lại:

    1, Tấn Dũng toàn quyền bắt/thả bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động:

    E rằng cách thức ra quyết định của hệ thống an ninh quốc gia về việc bắt/thả nhà hoạt động và bất đồng chính kiến phức tạp hơn nhiều so với giả thiết ở trên rằng nó giản đơn là quy về một đầu mối Bộ Công an dưới sự thống lĩnh của Tấn Dũng. Nếu thực sự quyền lực của Tấn Dũng lớn đến cỡ đó, và Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Bộ trưởng BCA cũng chỉ là cấp thừa hành, thì lại mâu thuẫn với dự đoán cũng trong bài viết rằng ông đang gặp khó;

    2, "Nếu thả bất đồng chính kiến thì... những nhát đinh của Huy Đức hôm nay đóng trên quan tài ông đã phải nẩy bật lại vì những ý kiến của các nhân sĩ, đối lập.":

    Tôi ngờ rằng nhận định này đánh giá quá cao và không thực tế vai trò của các ý kiến từ "nhân sĩ, đối lập" đối với quyết định của giới chóp bu đảng cộng sản. Thực tế là rất nhiều thư từ kiến nghị kí tên các nhân sĩ trí thức cả trong lẫn ngoài đảng (hoặc cả khai quốc công thần như Võ Nguyên Giáp hoặc cựu Thủ tướng như Võ Văn Kiệt) đều chẳng được đoái hoài và bị bỏ ngoài tai bởi những người nắm quyền mà cụ thể ở đây là 200 Ủy viên Trung ương. Có chăng thì chỉ chút xíu tác dụng nâng cao nhận thức và hiểu biết cho một bộ phận người dân.

    3, "Nếu không làm, lỡ ông có chết trong trận này. Sẽ chỉ có tiếng đóng đinh khô lạnh trên nắp quan tài ông..."

    Nếu ở trên đánh giá quá cao Tấn Dũng, cho rằng ông thao túng toàn bộ ngành CA - vốn đứng đầu bởi một người ngang chức Ủy viên BCT trong đảng với ông - thì ở đây có lẽ lại đánh giá quá thấp thế lực của ông quá sớm.

    Từ TW 6 quyết định 'không kỷ luật' đến TW 10 'tín nhiệm cao' cho thấy Tấn Dũng vẫn khuynh loát BCH TW. Dẫu Phú Trọng có 'ma mãnh' với NQ224 (bị phê là trái Điều lệ) để hạn chế quyền đề cử từ Ủy viên TW, song đến khi nào BCH TW vẫn là lãnh đạo của BCT, có quyền cao hơn BCT thì Tấn Dũng vẫn lợi thế vì chưa có dấu hiệu nào cho thấy TW thay đổi thái độ với Tấn Dũng.

    Nhìn vào bức tranh rộng lớn hơn, 10 năm vừa qua, cùng với việc phân cấp (thực chất là phân quyền) về các địa phương, quyền lực chính trị ở VN cũng dịch chuyển theo hướng đó, với bằng chứng là tỷ lệ Ủy viên TW từ các địa phương chiếm ưu thế so với số công tác ở cơ quan TW. Mà địa phương thì cần thêm tiền, thêm dự án, thêm đầu tư và dễ dàng sắp xếp con cái nối nghiệp tập ấm - tất cả những thứ họ dễ dàng có được từ lãnh đạo tiền/quyền/thân hữu kiểu Tấn Dũng hơn là ông giáo làng/tuyên huấn/ý thức hệ kiểu Phú Trọng. Vậy nên, dù không như kỳ vọng, nhưng một cách thực tế thì khả năng cao nhất lần này vẫn là anh ấy thôi.

(Nguồn: Blog Dân Luận)

No comments:

Post a Comment

Một Góc Nhìn "Rất Tôn Tử" Về Cuộc Xâm Lăng Của Nga Vào Ukraine* (Do people in Russia know that Putin is fighting the wrong enemy?)

John Andressen (Ukraine của bạn? - Không! Ukraine là của tôi) Người dân Nga có biết Putin đã nhận lầm kẻ thù để đánh không? Giống như Sa hoà...