Chém giết chốn cung đình
Thượng tầng triều đình Bắc Kinh đang diễn ra cuộc chiến thanh trừng phe nhóm khốc liệt. Chưa bao giờ cuộc chiến phe phái ở Trung Cộng công khai như vậy. Nó cho thấy một sự rạn nứt nội bộ nghiêm trọng trong nội bộ đảng cộng sản Trung Quốc. Nhiều nhân vật sừng sỏ bị phanh phui tội tham nhũng. Lần đầu tiên, người dân mới thấy đảng cộng sản Trung Quốc tự “vạch áo cho người xem lưng” khi họ dùng lá bài đánh tham nhũng để triệt hạ nhau. Hầu hết trong 55 “con hổ” to bị sa lưới đều thuộc vây cánh Giang Trạch Dân - từ Chu Vĩnh Khang; Lý Đông Sanh; Từ Tài Hậu; Tương Khiết Mẫn; đến Tăng Khánh Hồng…
Giang, dù không còn giữ vị trí nào trong chính trường từ năm 2002, quyền lực Giang không vì thế mất hẳn. Trong bóng tối, sau bức màn nhung, “thái thượng hoàng” không ngai Giang Trạch Dân vẫn giật dây gây ảnh hưởng sắp xếp nhân sự để củng cố quyền lực lẫn quyền lợi cho con cháu. Vì thế, Tập muốn nhắn nhủ với Giang: “Bất tại kỳ vị, bất mưu kỳ chánh” (không còn tại vị thì đừng xía vào chính trường). Cách thức và thủ đoạn mà những “đồng chí cộng sản” “chơi nhau” không phải khó thấy.
Đầu tiên là chặt chém vây cánh. Hồ sơ tham nhũng có đầy. Vấn đề là phanh phui ai và vào thời điểm nào. Thứ hai là sử dụng mặt trận truyền thông. Ngày 10-8-2015, Nhân Dân nhật báo tung ra một xã luận đầy ngụ ý: “Nhiều vị lãnh đạo của chúng ta, một khi rời khỏi vị trí, đã hành xử đúng đắn với sự thay đổi của họ. Họ không can dự công việc của ban lãnh đạo mới. Tuy nhiên, có những lãnh đạo Đảng, khi tại chức, đã cất nhắc tay chân tín cẩn giữ những vị trí quan trọng nhằm mở rộng ảnh hưởng họ trong tương lai. Hơn nữa, sau khi những lãnh đạo Đảng này rời khỏi chức vụ, họ không sẵn lòng từ bỏ việc tạo ảnh hưởng lên những vấn đề trọng yếu”.
“Trà sẽ nguội sau khi người uống trà rời đi chỗ khác” – bài viết bóng gió, hàm nghĩa “tại sao có những người muốn trà vẫn nóng khi mà người uống trà không còn có mặt ở bàn?”.
Bài báo hẳn nhiên ám chỉ Giang. Nó xuất hiện ngay thời điểm giới lãnh đạo cao cấp Bắc Kinh chuẩn bị họp tại Bắc Đới Hà, nơi có lịch sử tổ chức các cuộc họp nội chính quan trọng nhất của Đảng cộng sản Trung Quốc, giữa tin đồn râm ran rằng Giang sẽ dùng Chu Bổn Thuận, cựu bí thư Hà Bắc, gây sức ép lên Tập. Không lâu sau khi tướng Quách Bá Hùng (Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương) bị “trảm”, Xinhuanet.com và People.cn cũng đăng bài: “Tại sao công tố viên Pháp dám điều tra cựu tổng thống?”. Bài báo đặt ra những câu hỏi: “Có quan chức cấp cao tham nhũng nào đằng sau những kẻ tha hóa?”; “Ai “dạy dỗ” và cất nhắc những viên chức hủ bại này?”; “Những trường hợp cất nhắc này được thực hiện có chủ ý để phục vụ ai đó hay đơn giản chỉ bởi không cân nhắc thận trọng?”.
Chiêu thứ ba là dùng công cụ thông tin bán chính thống. Ngày 11-7-2015, Mingjingnews.com (“Minh Kính Tân Văn”, hải ngoại) viết về chuyện Giang Trạch Dân từng quyết định xử tử các thành viên Pháp Luân Công để mổ bán nội tạng; rằng Giang là người đứng sau Bạc Hy Lai và Chu Vĩnh Khang với âm mưu đảo chính quân sự nhằm vào Tập Cận Bình; và rùng rợn hơn: Giang từng nhiều lần lập mưu ám sát Hồ Cẩm Đào và hai lần yêu cầu Chu Vĩnh Khang ám sát Tập!
Đòn thứ tư là giảm uy tín và hạ nhục cá nhân. Ngày 21-8-2015, phiến đá ghi hàng chữ “Trung Cộng trung ương đảng giáo”, tạc từ thủ bút Giang Trạch Dân, đặt trước Trường Đảng Trung ương tại Bắc Kinh, đã bị bứng đi. Thậm chí một bài báo vào tháng 1-2015 về chuyến đi núi của Giang tại đảo Hải Nam cũng bị xóa khỏi nhiều trang mạng. Rồi chẳng phải tự nhiên mà thời gian gần đây, bỗng rộ lên loạt tìm kiếm thông tin từ các trang mạng Trung Quốc về những “tội ác” liên quan Giang Trạch Dân, đặc biệt chiến dịch thảm sát thành viên Pháp Luân Công thời Giang tại chức. Cùng lúc, có đến khoảng 160.000 đơn khiếu nại gửi đến các tòa án và phòng công tố khắp Trung Quốc liên quan sự việc! Ai kích động và giật dây chuyện này khi mà Pháp Luân Công vẫn chưa được luật pháp Trung Quốc cho phép chính thức hoạt động? Cuối cùng, chiêu thứ năm là gây sức ép lên gia đình đối tượng. Đầu năm 2015, Giang Miên Hằng, con trai Giang Trạch Dân, đột ngột từ chức khỏi Viện khoa học Thượng Hải…
Cuộc chiến khốc liệt này nổ ra mỗi lúc mỗi gay gắt khi mâu thuẫn tranh giành quyền lực lẫn quyền lợi đã lên đến đỉnh điểm và các bên không còn có thể thỏa hiệp. Phải giết nhau. Không còn cách nào khác. Điều đó cho thấy cấu trúc vững như bê tông của Đảng cộng sản Trung Quốc đã bắt đầu nứt toạc. Trên National Interest (12-11-2015), giáo sư chính trị học người Mỹ gốc Hoa, Bùi Mẫn Hân, viết rằng sự cai trị của Đảng cộng sản Trung Quốc đã đi đến giai đoạn hoàng hôn (The Twilight of Communist Party Rule in China). Bình minh sau buổi chiều tà của hôm trước sẽ trông như thế nào khó có thể đoán được nhưng trước khi đến với bình minh, thời điểm kế tiếp của chiều tà là đêm đen.
Mạnh Kim
Theo FB Mạnh Kim
(Via Dân Luận)
No comments:
Post a Comment