11 August 2014

Putin Sẽ Hết Thời

Nguyễn Xuân Nghĩa


Chuyến bay MH17 bị bắn đã rơi trúng đầu Vladimir Putin.

Chuyến bay MH17 của Hàng không Malaysia bị bắn hạ tại Ukraine chiều ngày 17 Tháng Bảy là một thảm kịch vì khiến 298 thường dân tử nạn. Nhưng biến cố này cũng đánh dấu ngày tàn của một nhân vật tới nay vẫn được coi là có bản lãnh và mưu lược, Tổng thống Vlaimir Putin của Liên bang Nga....

Chúng ta hãy đi từ tin tức thời sự vào tận cốt lõi của vấn đề. Vấn đề ấy là hồ sơ Ukraine.

* * *

Cuối Tháng Bảy vừa qua, khi lãnh tụ phe ly khai tại Donetsk của Ukraine là Alexander Borodai qua thăm viếng Moscow, tin tức thời sự cho biết người tạm thời xử lý công vụ của "Cộng hòa Nhân dân Donetsk" là Vladimir Antyufeyev.

Nếu đào sâu hơn thời sự, chúng ta biết cái nước Cộng hoà giả hiệu này có một Phó Chủ tịch là Andrei Purgin, người Ukraine sống tại tỉnh Donetsk ở miền Đông. Còn Vladimir Antyufedev lại là người Siberia của Nga, từng là Bộ trưởng An ninh của khu vực ly khai Transdniestra của Cộng hoà Moldovia.

Vladimir Putin khuynh đảo các nước Đông Âu và Trung Âu qua việc hỗ trợ các nhóm ly khai rồi chỉ định tay chân gốc Nga vào vị trí trọng yếu tại các nước "Cộng hoà Ly khai". Antyufedev thuộc diện đó. Mà đây không là một trường hợp cá biệt.


Trong vụ khủng hoảng Ukraine do Putin tiến hành một cách lạnh lùng và khốc liệt, người ta cần phân biệt hai thành phần nhân sự.

Trước hết là những nhóm được gọi là dân quân Ukraine, gồm đám thanh niên trai tráng, có khi là du đãng, người Ukraine thân Nga và muốn xứ này trở thành một chư hầu của Nga. Ngoài các thủ lãnh ở trên, đa số trong nhóm dân quân này là người trẻ, ít kinh nghiệm về tổ chức hay tác chiến nhưng tương đối am hiểu tình hình địa phương vì sinh sống tại chỗ.

Thành phần kia là cán bộ an ninh, quân báo hay sĩ quan Nga, tương đối lớn tuổi hơn, có trình độ nghiệp vụ cao và ý thức được vai trò chính trị của mình. Nhưng vì đến từ nước Nga hay các vùng ly khai do Liên bang Nga chỉ đạo, họ thiếu tin tức về tình báo và phải dựa vào hậu cần của đám dân quân Ukraine vừa thiếu tay nghề vừa ít kỷ luật.

Sau khi chuyến bay dân sự của Malaysia bị bắn hạ, Putin lặng lẽ tăng cường vai trò lãnh đạo của Nga trong lực lượng ly khai tại Ukraine. Có thể là để tránh một tai nạn bất ngờ như vụ MH 17.

Chúng ta có thể mường tượng ra chuyện ấy khi nhớ tới việc Liên Xô đảo chánh lãnh tụ thân Nga tại Afghanistan, hoặc việc Hà Nội gia tăng kiểm soát hoạt động du kích của Mặt trận Giải phóng Miền Nam qua Trung ương cục "R". Nhưng thực chất là Putin lún sâu hơn vào hồ sơ Ukraine và gặp kết quả Xô viết tại Afghanistan năm 1989 hơn là thành quả của Hà Nội vào năm 1975.

Vì vậy, ta cần tìm hiểu hồ sơ Ukraine của Putin.

* * *

Với Liên Xô hay Liên bang Nga, Ukraine là chuyện sinh tử ở hai mặt âm dương, quân sự và kinh tế.

Ukraine phải là vùng trái độn quân sự để bảo vệ nước Nga từ hướng Tây vì các nước Âu Châu mà muốn vào tới Moscow thì phải vượt qua lãnh thổ Ukraine. Trong thế thủ với tinh thần bi quan và đa nghi, việc kiểm soát Ukraine bằng quân sự là chiến lược phòng thủ tích cực.

Song song, Ukraine cũng là vựa lúa và trạm trung chuyển năng lượng của Nga bán cho Âu Châu. Khi Putin muốn dùng võ khí năng lượng với Âu Châu sau vụ tấn công Georgia vào Tháng Tám năm 2008, thì đầu năm 2009, Ukraine bị Putin khống chế về khí đốt để qua đó gây sức ép kinh tế với các nước Âu Châu.

Đấy là các yếu tố thuộc địa dư chiến lược. Thuộc lãnh vực chính trị thì có lẽ ta phải đào sâu hơn vào quá khứ.

Sau khi Liên Xô tan rã năm 1989 và cáo chung vào năm 1991, thì Liên bang Nga đã kế thừa di sản Nga-Xô viết. Di sản Xô viết là khủng hoảng kinh tế do sự phi lý của hệ thống kinh té cộng sản. Di sản Nga là niềm mơ ước canh tân khi học theo Âu Châu (và Tây phương nói chung) xen lẫn nỗi lo là sẽ lại bị Âu Châu tấn công như đã từng bị trong quá khứ, vì Napoléon của Pháp hay Hitler của Đức.

Người nhận lãnh di sản này là Tổng thống Boris Yeltsin đã gặp cả hai vấn đề.

Năm 1998, Liên bang Nga bị khủng hoảng tài chánh và vỡ nợ, do cái nhân là hệ thống kinh tế Nga trong buổi giao thời và cái duyên là vụ khủng hoảng Đông Á năm 1997-1998. Năm 1999 thì Nga thấy quân lực NATO vào tới Cộng hoà Serbia thân tín của Nga, không tập lực lượng Serbia tại Kosovo, rồi các nước Âu Châu tách riêng khu vực Kosovo của Serbia thành một quốc gia độc lập. Biến cố ấy góp phần cho việc Vladimir Putin được Boris Yeltsin đưa lên cầm quyền rồi lãnh đạo nước Nga kể từ năm 2000.

Là người gian hùng có bản lãnh, Putin tập trung quyền lực bên trong và chấn chỉnh nội tình nước Nga để sẽ mở cuộc phản công khi có thực lực.

Đấy là lúc ông ta lo ngại sự bành trướng của Tây phương qua hai mặt hỗ tương và song hành. Về quân sự là tấm khiên của Minh ước NATO tiếp tục lăn về hướng Đông rồi kết nạp các quốc gia xưa kia nằm trong quỹ đạo Xô viết hoặc thuộc về Liên bang Xô viết khiến lãnh thổ Nga nằm dưới tấm đạn của Tây phương. Về chính trị là cuộc cách mạng muôn màu dân chủ lan rộng từ Đông Âu tới Trung Á khiến nổi khát khao dân chủ có thể khiến dân Nga cũng muốn thay đổi và đòi hỏi một chế độ cởi mở hơn.

Nỗi lo của Putin kết tinh vào Ukraine.

* * *

Trong cuộc bầu cử năm 2004, nhân vật thân Nga là Viktor Yanukovych ra tranh cử Tổng thống và đắc cử nhờ gian lận. Phản ứng chống đối của dân chúng Ukraine dẫn tới cuộc Cách mạng màu da cam và sự thắng thế của các lãnh tụ thân Tây phương, như Tổng thống Viktor Yuschenko hay Thủ tướng Yulia Tymoshenco. Chính biến cố ấy khiến Putin phản công tại Georgia vào năm 2008 khi đã có thực lực, rồi dùng võ khí năng lượng để khống chế Ukraine và để hóa giải sức ép của Âu Châu.

Nhưng sự phân hóa của hai lãnh tụ dân chủ thân Tây phương của Ukraine – bài học cho Việt Nam sau này – đã tạo cơ hội cho Yanukovych trở về thi hành một chánh sách tương đối trung lập, kéo Ukraine về hướng Đông cho gần Liên bang Nga hơn, mà vẫn không gián đoạn luồng trao đổi với hướng Tây là các nước Âu Châu. Việc bất ngờ là Yanukovych thất bại từ Tháng 11 năm ngoái khi hủy bỏ hiệp ước kinh tế với Âu Châu trong Thượng đỉnh tại Vilnius của Lituania. Rồi Yanukovych bị dân chúng lật đổ sau ba tháng biểu tình.

Dưới con mắt của một trùm mật vụ như Putin, thì đấy là do CIA: mọi cuộc vận động dân chủ đều chỉ là nghiệp vụ tình báo Tây phương dưới bình phong là các tổ chức phi chính phủ NGO!

Chúng ta có một vấn đề về ấn tượng perception, qua cách tường thuật narrative và sự lượng định lạnh lùng của thực tế, dưới cái nhìn của những người chuyên nghiệp về chánh sách.

Với dư luận Tây phương thì vụ Ukraine là kết quả của một phong trào dân chủ và tự quyết của dân Ukraine, Với Putin thì 10 năm sau khi can dự vào vùng cấm địa Ukraine của Nga qua cuộc cách mạng màu da cam năm 2004, CIA và các thế lực thù nghịch Tây phương lại can thiệp để đánh đuổi Yanukovych về Nga vào đầu năm 2014!

Với dư luận Tây phương thì việc Putin phản công tại đất Crimea rồi xúi giục phong trào ly khai ở miền Đông để khuynh đảo chính quyền Kyiv (Kiev, theo cách viết và gọi của Nga) là một biểu hiện của chủ nghĩa bành trướng truyền thống của Nga - và đi ngược trào lưu dân chủ của nhân loại. Với Putin, đây là một phản ứng tự vệ chính đáng sau khi hàng loạt quốc gia Đông Âu đã theo Tây Âu gia nhập Liên hiệp Âu châu rồi còn cầm súng cho Minh ước NATO. Nếu Ukraine cũng lại tiến về Tây Âu và đẩy tấm khiên NATO tới sát biên giới Nga thì tổ quốc lâm nguy!

Trong năm (5) tháng liền kể từ Tháng Hai, Vladirmir Putin coi như thắng lớn nhờ nhiều lợi thế:

Chính quyền mới của Ukraine tại thủ đô Kyiv bị khủng hoảng kinh tế và chẳng giữ được bán đảo Crimea mà còn mất nhiều địa phương tại miền Đông. Các nước Tây phương bị phân hóa vì mâu thuẫn giữa đạo lý chính trị và quyền lợi kinh tế nên chỉ phản ứng cầm chừng và khá rời rạc, với tinh thần thụ động leo thang biện pháp trừng phạt để trả đòn theo đà lấn lướt của Putin.

Và trong khi quần chúng Nga ủng hộ Putin với tỷ lệ áp đảo là hơn 80% thì hậu thuẫn của Tổng thống Barack Obama lại tuột dốc hàng tuần và nay chỉ bằng phân nửa của Putin. Là siêu cường lãnh đạo toàn khối Tây phương, Hoa Kỳ bị tê liệt vì những vấn đề nội bộ và khủng hoảng ở nhiều nơi khác nên chỉ có thể chống đỡ từng bước tiến công của Putin mà thôi.

Nhưng hình như ông trời có mắt!

* * *

Chuyến bay MH17 bị hỏa tiễn bắn hạ khiến cả thế giới rà soát lại cách giải trình hay tường thuật.

Đám dân quân ô hợp tại Donetsk không thể có loại hỏa tiễn đã bắn hạ một phi cơ dân sự trên cao độ 10 cây số. Họ có thể được Nga cung cấp, và huấn luyện về kỹ thuật sử dụng, mà vụng về bắn lầm vào máy bay dân sự. Giả thuyềt kia là chính binh lính Nga đã thi hành việc giết người hàng loạt như vậy bằng hỏa tiễn của Nga. Trong cả hai trường hợp, Liên bang Nga đều chịu trách nhiệm và Putin phạm tội ác với nhân loại. Chủ nghĩa ái quốc của Nga ngụy trang cho tội ác và Putin mất chính nghĩa.

Chẳng những vậy, con người gian hùng đó còn cho thấy sự luộm thuộm khi mở ra một cuộc xâm lược và nay không thể giấu được bàn tay ném đá nên đang tìm cách kiểm soát hồ sơ Ukraina cho chặt chẽ hơn. Và lún sâu hơn vào một vũng lầy chính trị.

Không có chính nghĩa, bị quốc tế trừng phạt, nước Nga của Putin đang bị suy trầm sẽ bị khủng hoảng kinh tế và Putin bị dân Nga oán trách. Các nhân vật trong Bộ Chính trị và hệ thống kinh tài của Putin cũng thấy ra nhược điểm của lãnh tụ và mối nguy cho bản thân, họ sẽ tìm giải pháp khác để cứu lấy nước Nga và quyền lợi riêng. Ngày xưa, trong đám tay chân của Nikita Krushchev, có Leonid Brezhnev đã lên thay sau một cuộc đảo chánh vào năm 1964. Chúng ta sẽ có dịp điểm danh các nhân vật này chung quanh Vladimir Putin.

Kết cuộc thì Putin đã lãnh đạo được 14 năm, với hy vọng có thêm chục năm nữa. Nhưng việc chuyến bay MH17 bị bắn hạ đang cắt ngắn hy vọng này. Kỷ nguyên "Hậu Putin" đã bắt đầu, ta có thể thấy ra điều ấy từ năm 2017 trở đi....

NGUYỄN XUÂN NGHĨA
( NGUYỆT-SAN VN)

No comments:

Post a Comment

Cái Đêm Hôm Ấy . . . Đêm Gì?

TTR: Chắc chắn không ai đọc được những bài ký sự như thế này mà còn có thể hình dung ra cảnh người dân bị bóc lột tàn bạo, phi nhân hơn nữa ...