20 August 2014

Đâu là mối đe dọa lớn nhất với quân đội Trung Quốc?

Theo National Interest, kẻ thù địa chính trị lớn nhất của Trung Quốc không phải là Nhật Bản, không phải Nga; thậm chí càng không phải là Hoa Kỳ. Mối đe dọa lớn nhất đối với sự phát triển của quân đội nước này chính là nạn tham nhũng, hối lộ mà chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang dốc sức truy tận gốc, diệt tận nguồn.

Điều này đã khiến giới lãnh đạo Trung Quốc nhận thức ra một vấn đề: thực tế họ đang sở hữu bao nhiêu vũ khí và hiệu quả sử dụng chúng ra sao.

Việc khai trừ khỏi Đảng Cộng sản hai quan chức quân sự cấp cao của Trung Quốc là ông Từ Tài Hậu, cựu Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương và ông Chương Hữu Nhân - cựu Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Quân sự An Huy do tham nhũng và nhận hối lộ càng làm dấy lên mối lo ngại về sự bất ổn trong quân đội nước này.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh ngân sách quốc phòng của Trung Quốc ngày càng phình ra do yêu cầu bảo vệ các “lợi ích cốt lõi” ở Biển Đông và biển Hoa Đông, Bắc Kinh bắt đầu phải nghiêm túc đặt câu hỏi: liệu quân đội nước này đang bảo vệ cái gì hơn: túi tiền hay đất nước của họ.

Theo các nhà sử học quân sự Millett, Murray và Watman, “Chiến thắng không phải là một đặc tính của một tổ chức mà là kết quả hoạt động của tổ chức đó”. Hiệu quả quân sự đòi hỏi đối thoại thường xuyên và phối hợp giữa các cấp chính trị, chiến lược, hoạt động và chiến thuật của các hoạt động quân sự, nói cách khác là một cấu trúc dân sự - quân sự mạnh mẽ, trong đó lòng trung thành chính trị là nền tảng.

Tuy nhiên, không ở nơi nào, tham nhũng lại trở thành ưu tiên hàng đầu trong an ninh quốc gia như ở Trung Quốc. Hồi năm 2012, tướng Lưu Nguyên, Chính trị viên Tổng cục Hậu cần, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã từng công khai chỉ trích kịch liệt vấn đề “chủ nghĩa cá nhân” và nạn tham nhũng trong quân đội nước này: “Không một quốc gia nào có thể đánh bại được Trung Quốc và không gì có thể phá hoại Đảng của chúng ta. Không có gì hết, ngoại trừ nạn tham nhũng: nó có thể dẫn chúng ta đi đến thất bại trước khi viên đạn đầu tiên được bắn ra”. Ông Lưu là vị tướng đầu tiên dám tố cáo công khai những thủ đoạn được sử dụng trong quân đội: biển thủ công quỹ, lạm dụng chức quyền và công vụ, mua quan bán chức, thậm chí có cả đe dọa, tống tiền, âm mưu đảo chính trong nội bộ.

Một số chuyên gia còn ước tính, 10% các hợp đồng mua sắm và chi tiêu hành chính, tức là chiếm 0,65% trong 8,27 nghìn tỷ USD tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc, đã được sử dụng như tiền lại quả hoặc hối lộ, chứ không phải đơn giản là bị đánh cắp.

Tham nhũng đã và đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp tới luật pháp và lợi ích an ninh quốc gia của Trung Quốc. Mặc dù tăng trưởng thương mại rất cao nhưng hối lộ lại diễn ra ở tất cả các cấp thẩm quyền chính trị và quân sự. Hàng năm, Trung Quốc phải trải qua gần 200.000 cuộc biểu tình công khai chống lại cơn “sốt” nhà đất, suy thoái môi trường, hối lộ và các hoạt động trái phép khác.

Tham nhũng trong nội bộ đã tạo ra một sự tách bạch nguy hiểm giữa các cấp chính trị và quân sự. Điều này chắc chắn sẽ là trở ngại đối với các tham vọng quốc tế to lớn của Trung Quốc, đồng thời cảnh báo rộng rãi trên các trang web tin tức của nước này: “Một quân đội tham nhũng thì không có khả năng chiến đấu và không thể giành chiến thắng trong bất kỳ một cuộc chiến tranh nào”.

Hãy xem mức độ tham nhũng và hiệu quả kiềm chế tham nhũng trong quân đội của Trung Quốc tới đâu từ một số dữ liệu sau:

Năm 1998, Thủ tướng Trung Quốc lúc đó là ông Chu Dung Cơ cũng đã lên án đích danh Tập đoàn Thiên Thành, một công ty thuộc Tổng cục Chính trị, Bộ tổng tham mưu PLA buôn lậu, bất chấp lệnh cấm quân đội tham gia vào các hoạt động thương mại. Tuy nhiên, theo ông Chu Dung Cơ, có một sự thật là “mỗi lần các quan chức hải quan cố gắng bẫy tập đoàn Thiên Thành, thì lại có một số người có chức quyền xuất hiện nói đỡ cho họ”.

Một năm sau đó, khi vụ tập đoàn Nguyên Hoa trốn 6,3 tỷ tiền thuế bị phanh phui, một loạt quan chức hàng đầu của Trung Quốc như cựu Ủy viên Ban thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc Giả Khánh Lâm và Cục trưởng Cục tình báo Bộ Tổng tham mưu PLA - Thiếu tướng Cơ Đức Thắng cũng bị liên đới vì nhận hối lộ.

Tượng Mao Trạch Đông bằng vàng ròng
tìm thấy tại nhà tướng Cốc Tuấn Sơn

Đầu năm 2013, trong quá trình khám xét cơ ngơi xa hoa của viên tướng Cốc Tuấn Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần PLA - người bị bắt vì tội danh tham nhũng, tống tiền, hối lộ và lạm dụng công quỹ, người ta đã tìm thấy một bức tượng Mao Trạch Đông, bồn rửa, mô hình tàu thuyền bằng vàng ròng, hàng trăm hộp rượu Mao Đài - quốc túy của Trung Quốc.

Thực tế, mặc dù công tác chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình có vẻ “tiến bộ” hơn, nhưng nạn tham nhũng, hối lộ chắc chắn vẫn sẽ tồn tại trong lĩnh vực quân sự và ở mọi cấp bậc. Điều này cho thấy, khả năng bắt cá ‘con bộ” tham nhũng và mức độ nghiêm trọng của sự trừng phạt với họ là không đáng kể.

Nếu không có cải cách dân sự - quân sự toàn diện, mỗi centimet tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ đi đôi với một vết nứt của quân đội nước này và hạn chế khả năng đạt được các mục đích quốc gia bằng sức mạnh quân sự của Bắc Kinh.

Linh Phương
(Petrotimes)

No comments:

Post a Comment

Một Góc Nhìn "Rất Tôn Tử" Về Cuộc Xâm Lăng Của Nga Vào Ukraine* (Do people in Russia know that Putin is fighting the wrong enemy?)

John Andressen (Ukraine của bạn? - Không! Ukraine là của tôi) Người dân Nga có biết Putin đã nhận lầm kẻ thù để đánh không? Giống như Sa hoà...