Nguyễn Ngọc Cường
Gò Công, một địa danh, không xa Thủ Đô Sài Gòn của Việt Nam Cộng Hoà là mấy, không phải nguyên quán, sinh quán hay trú quán của người viết bài này nhưng lại là nơi có nhiều kỷ niệm dù rằng thời gian cư ngụ tại miền đất đó không lâu.
Hôm nay, vào một ngày tuy nắng vàng nhẩy múa tung tăng rực rỡ nhưng nhiệt độ vẫn xuống thấp, thật lạnh, cái lạnh như cắt da, xẻ thịt, trên bầu trời thành phố New York, tôi nhận được Đặc San Gò Công Xuân Giáp Ngọ 2014 do Hội Ái Hữu Gò Công Miền Nam California gửi tặng.
Lòng tôi ấm lại. Nắng có vẻ rộn ràng hơn, người cảm thấy tỉnh táo hơn và vui hơn tuy mọi cảnh vật chung quanh tôi vẫn không có gì thay đổi và thời tiết cuối mùa đông của Miền Đông Bắc Hoa Kỳ vẫn còn lạnh như thường lệ tuy năm nay có phần khắc nghiệt hơn những năm trước : tôi đang cầm trên tay quyển Đặc San Xuân Giáp Ngọ Gò Công năm 2014. Tôi có thêm người bạn mới bên cạnh, thì thầm kể lại những gì xẩy ra ngày xưa tại Miền Địa Linh Nhân Kiệt và quan trọng nhất, nhắc nhở việc Thần Linh đất này đã bảo vệ tôi tai qua nạn khỏi trong những ngày đi tập sự tại Tỉnh Gò Công, nằm trong chương trình đào tạo viên chức điều hành nền hành chánh địa phương của Học Viện Quốc Gia Hành Chánh VNCH, không bị gục ngã do đạn thù Cộng Sản Việt Nam định tiêu diệt Quân Dân Cán Chính vào trận Mậu Thân 1968, giáp ranh giới tỉnh Long An.
Ngày ấy, một ngày không bình thường khi tự nhiên ngưng hẳn những tiếng súng nổ phát một do du kích Cộng Sản tại địa phương bắn quấy phá đồn bót, bắn vào toán quân tuần tiểu VNCH, ì oằng nổ những trái hỏa tiễn B40, 41, đại bác 61 ly, 175 ly, người Phó Quận Trưởng Quận Hòa Bình, Gò Công, nơi tôi tập sự, bỏ nhỏ vào tai tôi khi tiễn tôi về lại Sài gòn và khuyên tôi nên cẩn thận hơn trên đường đi, tuy không xa xôi gì. Tôi chỉ âm ừ cho qua chuyện, vì chẳng hiểu phải làm gì để gọi là cẩn thận hơn hay không cẩn thận gì cả, vả lại lòng tôi đang reo vui vì trở về lại Sài Gòn, Hòn Ngọc Viễn Đông với đèn sáng lung linh, mờ ảo về đêm, phố xá tấp nập người qua lại, không hề nghe, thấy hay ngửi được mùi chiến chinh xâm lăng của quân thù Cộng Sản đang ngập tràn quê hương Việt Nam yêu dấu.
Đó là ngày chót hạn tập sự tại điạ phương, các sinh viên Ban Đốc Sự khóa 14 về lại trường để bước vào năm thứ hai tại Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, thu thập thêm kiến thức sách vở do các ân sư nổi tiếng thời bấy giờ truyền đạt, cùng trình bầy những điều mình đã trải qua tại các tỉnh khác nhau với nhiều đặc tính triêng biệt về địa lý, nếp sống, phong tục, giọng nói …. từ Bến Hải vào mũi Cà Mâu và cùng các bạn trong lớp thảo luận về phương cách giải quyết vấn đề sao cho hợp tình, thuận lý cũng như không trái với luật lệ cùng đạo đức của người dân hiền hoà nước Việt yêu dấu.
Tôi đi (về) tập sự tại tỉnh Gò Công chỉ là một chuyện ngẫu nhiên. Các tỉnh gần Sài Gòn mà tôi định chọn là Gia Định, Long An, Định Tường, nhưng các bạn đứng đầu sau kỳ thi cuối năm thứ nhất đã chọn, tôi chỉ còn Gò Công là nơi gần Thủ Đô VNCH nhất so với các tỉnh khác còn lại mà thôi . Tôi không hề biết rằng Gò Công là nơi sinh trưởng của những nhân vật lẫy lừng trong sử sách Việt Nam từ trước như Đức Từ Dũ Hoàng Thái Hậu, Nam Phương Hoàng Hậu và gần nhất là Giáo Sư Nguyễn Văn Bông, Viện Trưởng Học Viện Quốc Gia Hành Chánh.
Khi về trình diện Tòa Hành Chánh tỉnh Gò Công để nhận nhiệm sở tập sự với ba người bạn cùng lớp, người Phó Tỉnh Trưởng Hành Chánh, lúc bấy giờ là một Đốc Phủ Sứ già thời Pháp thuộc còn lưu lại, đã chỉ định tôi về quận Hòa Bình và ba người kia về ba quận còn lại.
Hoà Bình, với quận đường ở xã Bình Luông Đông, tôi đã ngủ ngay tại trụ sở quận này khi về đêm về, sau khi học việc ban ngày, với tiếng ếch nhái kêu ùm oằng như tiếng kẽo kẹt của chiếc võng đong đưa mẹ ru con ngủ, buồn khôn tả. Đôi khi có những đêm không ngủ vì tránh đạn pháo kích của Cộng Sản, theo bản năng sinh tồn Tạo Hoá ban cho loài người, đạn tránh người chứ còn người làm sao tránh được đạn lạc tên bay. Mệt nhoài nhưng tôi đã trưởng thành, về tinh thần, theo thời gian ở quận Hòa Bình. May mắn thay sáu tháng sau tôi chưa biến mất mà vẫn còn tồn tại trên cõi trần gian này để trở về tỉnh lỵ Gò Công theo như chương trình huấn luyện và cư ngụ tại một phòng nhỏ sau Niệm Phật Đường (tôi đã quên hẳn tên), được dùng như một công quán, trong phạm vi tỉnh lỵ Gò Công với hương trầm tỏa ngát hương thơm nồng quanh năm suốt tháng cùng tiếng tụng kinh, gõ mõ của các tín đồ mộ đạo (lúc đó tôi nhớ hình như đã thuộc lòng câu kinh, tiếng kệ vì quen nghe hàng ngày)
Khoảng trống nhỏ với 4 ghế bố xếp cá nhân kiểu quân đội dành cho ba sinh viên QGHC (vì một sinh viên cư ngụ tại nhà trưởng ty công chánh sở tại, người thân thuộc) và một cho Trưởng Ty Xã Hội Gò Công, mới được bổ nhiệm từ Sài gòn về chưa được bao lâu) cũng ngủ qua đêm tại đây.
Vào một buổi tối ngày đẹp trời Tết Mậu Thân năm 1968, Cộng quân đã vi phạm thỏa thuận tạm đình chiến 3 ngày Tết cổ truyền dân tộc do chính chúng đề nghị, để tấn công bất ngờ toàn lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa. Khi nghe tiếng nố khắp nơi vang rền, cả bốn người chúng tôi lôi thôi, lếch thếch, tay kéo quần, tay dụi mắt rời chỗ ngủ để rồi chỉ vài phút đồng hồ sau đó bàng hoàng nhìn toàn thể Niệm Phật Đường biến thành biển lửa cháy rát mặt do đạn pháo kích quân thù rót vào tỉnh lỵ, nhằm tiêu diệt cả thường dân vô tội cũng như tạo sự bất ổn cả một hậu phương rộng lớn.
Vì chỉ là sinh viên tập sự chưa có nhiệm vụ gì chính thức, rõ ràng, cả ba sinh viên chúng tôi (còn bạn kia tôi không rõ) theo bản năng sinh tồn mà Thượng Đế đã ban cho mọi người, cùng dân chúng lũ lượt rời tỉnh lỵ Gò Công bằng mọi phương tiện có sẵn của mỗi người: xe hai bánh, xe đạp, xe lam, xe thồ và nhiều nhất là gồng gánh chạy bộ theo mọi lộ trình túa ra khỏi Gò Công mặc dù không biết đi đâu. Chúng tôi vô tình đã theo con lộ về Sài Gòn qua ngã Cần Đước tỉnh Long An thay vì dùng con lộ dẫn về Mỹ Tho qua quận Hoà Đồng và Bắc Chợ Gạo, tương đối an toàn tuy xa hơn đường qua Cần Đước.
Chen lấn, chà đạp lên nhau để chỉ mong có một chỗ trên chiếc phà không được lớn cho lắm thoát khỏi Gò Công mịt mờ khói lửa thuộc bến phà Mỹ Lợi thuộc quận Cần Đước, tỉnh Long An để tìm đường về Sài Gòn. Phà rời bến để sang bên kia bờ sông rộng khoảng vài trăm thước chưa được bao lâu thì một tiếng nổ xé trời phủ chụp lên ngay giữa chiếc phà, cắt rời phà ra làm hai mảnh, tung lên cao và hai đầu, đuôi phà bật lên, xuống vài lần để rồi chìm sâu đưới mặt nước lạnh. Thây người bị tan vụn bay tơi tả vào hư không, xác người bị chất nổ xé nát tản mác bốn phía, một số người bị hất tung lóp ngóp xuống dưới mặt nước, trong số đó có tôi, một trong những người chạy loạn.
Hình như tôi lùng bùng chìm dưới dòng nước lạnh của phụ lưu sông Cửu Long trôi ra biển Đông không bao lâu thì có một đôi bàn tay lôi tuột tôi ra khỏi dòng nước oan nghiệt của thủy lộ dẫn ngược lên Thủ Đô Phnom Penh của Xứ Chùa Tháp. May mắn tôi đã không bị chết đuối vì bản than tôi không hề biết bơi, (song thân tôi đã cấm tôi tuyệt đối việc mon men đến gần mặt nước của ao, hồ, sông rạch sợ tôi chết đuối chỉ vì tôi là con một thuần túy, không có anh, chị em trai gái gì cả, độc nhất một mống).
Sau những gian nan, vất vả, tôi về lại Sài Gòn an toàn và hoàn tất chương trình huấn luyện của Học Viện Quốc Gia Hành Chánh như đã dự định.
Như vậy tôi đã cư ngụ trong phạm vi lãnh thổ tỉnh Gò Công đúng một năm, thời gian quá ngắn của một đời người bình thường nhưng đối với tôi hình như đủ dài để không thể nào quên vài kỷ niệm đã ghi sâu trong lòng: thoát chết trong đau thương vì đạn thù Cộng quân, mà sau này tôi đã thêm nhiều lần thoát hiểm do sự che chở nhiệm mầu của Đấng Tối Cao đầy Quyền Năng khỏi những sự hãm hại khi làm việc tại nhiều nơi khác nhau thuộc lãnh thổ Việt Nam Cộng Hoà sau khi tốt nghiệp Quốc Gia Hành Chánh.
Tôi không hề biết một bản nhạc nào nói về tỉnh Gò Công nên tôi mượn tạm bài hát nói về Hà Nội (tức Thăng Lòng Thành) nơi tôi khôn lớn, của Hoàng Dương, để nói lên lòng tôi đối với Gò Công :
“…Hà Nội ơi dáng huyền ngây ngất đê mêỪ, biết đâu một ngày nào đó tôi sẽ về lại Gò Công, sống lại với kỷ niệm xưa cũ : tập tành, học việc của những người cùng nghề đã đi trước để phục vụ chính nghĩa Việt Nam Cộng Hòa.
Tóc thề thả gió lê thê, biết đâu ngày ấy anh về….”
New York City,
Tháng 4 Đen 2014
Nguyễn Ngọc Cường ĐS 14
No comments:
Post a Comment