29 April 2014

BỨC HÌNH:

 
TÂM SỰ CỦA MỘT CỰU SINH VIÊN DU HỌC Ở TÂN TÂY LAN

Bức hình! Chỉ là một bức hình đen trắng! Do người bạn bên Âu châu gởi qua cho xem. Nhưng nó đã đeo đuổi trong đầu óc tôi từ sáng đến giờ.

Bức hình chụp cách đây đã lâu lắm rồi. Ba mươi tám năm về trước. Mà lại không phải là nguyên bản, chỉ “ …được một anh bạn tốt nghiệp KTS tại Pháp trước 75 scan lại từ một tờ báo Pháp mà anh đã cất giữ từ ngày đó, mãi đến hôm nay P.. mới tìm thấy lại xin chia sẻ cùng các ACE …. xa gần.”

Nhưng anh bạn ắt hẳn đã vô cùng trân quý tấm ảnh vì trông vẫn còn rất rõ. Rõ từng hàng chữ trắng và to trên biểu ngữ màu đen “HONNEUR À NOS SOLDATS MORTS POUR LA LIBERTÉ’”, hay “ GRANDE JOURNÉE DE DEUIL” đã đành. Mà còn rõ nét mặt của từng thanh niên, nam nữ trong đoàn biểu tình hôm đó.

U buồn! Hoang mang! Uất hận! Nhưng không kém phần cương quyết. Nói lên cho người dân Ba Lê và cho cả thế giới, biết lập trường chính trị của các bạn không hề suy xuyển.

Nhìn những khuôn mặt của các bạn sinh viên Quốc gia trên dưới đôi mươi ở Pháp thời bấy giờ, bỗng dưng tôi trông thấy lại chính mình và những người bạn của mình 38 năm về trước ở Christchurch, Tân Tây Lan. Ừ phải rồi! BST cũng với cặp kính cận như anh ôm bình nhang đi đầu. TĐN cũng có dáng cao ròm như anh đi phía bên trái. Chị BC cũng có mái tóc dài và thường mặc quần jeans như cô bạn mang lá Đại kỳ VNCH.

Chúng tôi cũng đã trải qua những ngày đêm khắc khoải của tháng Tư năm đó. Bỏ học. Bỏ giảng đường. Ngày thì ôm cái radio đón nghe tin tức. Tối đến, xem trên TiVi hình ảnh của đồng bào lánh nạn từ Cao nguyên xuống miền Trung, rồi dần dần phải di tản về Xuân Lộc, Long Khánh.

Trong phòng khách của BST có 1 bản đồ Việt Nam thật lớn treo trên vách. Trên đó anh em cắm những cây kim gút có đầu màu vàng lên những địa danh bên ta còn giữ được, và những cây kim màu đỏ đánh dấu những nơi đã rơi vào tay giặc.

Để từ giữa tháng Ba, tim mỗi ngày một thắt lại, lòng mỗi ngày một chùng xuống. Vì kim màu đỏ càng lúc càng lấn át những cây kim màu vàng.

Một tuần lễ của Xuân Lộc kiên cường là một tuần lễ của niềm hy vọng cuối cùng đối với chúng tôi, như một cái phao cho người rơi xuống biển giữa sóng trùng vây bủa

Cái khổ là nguy hiểm cận kề nhưng không làm gì được. Ai cũng cố gắng gọi điện thoại về bên nhà để hỏi thăm tin tức của gia đình. Nhưng thời đó đã làm gì có direct link như bây giờ. Muốn gọi ra nước ngoài phải qua 2 Tổng Đài, một ở New Zealand và một ở VN, đó là chưa kể đến chuyện phải làm cái hẹn trước.

Bất lực! Tuyệt vọng! Đến mức nảy sinh những ý định ngông cuồng. Không phải chỉ từ chúng tôi. Ngay cả một anh bạn Tân Tây Lan, vốn đã từng sang dạy Anh văn ở đại học Văn Khoa Sàigòn vào năm 73 và có 1 cô bạn gái bên đó. Một đêm, anh nói với chúng tôi “Tao sẽ sang Thái Lan, hijack một chiếc máy bay, hẹn với L. ra Tân Sơn Nhất ngồi chờ, ngày đó, giờ đó, tao sẽ đáp xuống và bốc cô nàng đi!”.

Nghe sao giống kiểu người hùng Lý Tống quá, phải không?

Nhưng bực bội nhứt là mỗi đêm phải nghe những tiếng rè rè từ máy phát thanh của đám “phản thùng” ở căn flat kế bên. Chúng cố gắng bắt các đài Hà Nội, đài Bắc Kinh trên các làn sóng ngắn để nghe “những bản tin chiến thắng” (sic !) và cố tình vặn âm thanh thật lớn để lọt vào tai chúng tôi. Hơn một lần, đã suýt có ấu đả xảy ra cũng vì chuyện này.

Thật sự, tôi cũng không ngờ đám “30 tháng 4” đó trở cờ một cách nhanh chóng như vậy. Mới 1, 2 tháng trước, chúng còn khúm núm trước các vị làm việc trong Tòa Đại sứ VNCH để xin được gia hạn ở lại học tiếp. Thế mà bây giờ, Sàigòn chưa mất mà chúng đã vuốt mặt. in ra những tờ báo bằng roneo để phi báng những người này bằng những ngôn từ xảo trá, hạ tiện nhứt. Trí thức gì lạ vậy? Tự trọng của chúng ở đâu? Sĩ diện của chúng có còn hay không? Không cần phải nói thêm là chúng tôi tuyệt giao với bọn đó kể từ ngày lằn ranh đã rỏ rệt phân chia.

… Hôm nay, nhận được tấm hình, tự dưng nhìn thấy lại mình, nhìn thấy lại bạn bè của mình 38 năm về trước. Ai nấy tóc cũng đã hai màu muối tiêu. Có người đã có cháu nội, ngoại.

Nhưng các bạn vẫn chưa ngừng nghỉ. Các anh LQL, NH, NKB vẫn tiếp tục lên tiếng về Hoàng Sa, Trường Sa với sự tiếp tay của ĐGT. Anh PPL là tiếng nói hàng đầu về các vấn đề thuộc khu vực sông Cửu Long. Và xin đừng chọc giận chị DVT với mấy chuyện “hòa hợp, hòa giải”

Tôi cảm ơn các anh, các chị, các bạn. Nhưng tôi nghĩ các bạn tôi, cũng như tôi, với tấm hình mang đến những ký ức năm xưa, tất cả đều thầm cảm tạ hồn thiêng sông núi đã hướng dẫn chúng tôi đi đúng theo con đường của chính nghĩa Quốc gia. Đi theo anh Trần văn Bá. Đi cùng anh Phan văn Hưng, chị Nam Dao. Và nhiều anh chị em khác nữa!

Hôm trước. Hôm nay. Và mãi mãi !!!

HƯNG VIỆT (Brisbane)
01/04/2013

No comments:

Post a Comment

Một Góc Nhìn "Rất Tôn Tử" Về Cuộc Xâm Lăng Của Nga Vào Ukraine* (Do people in Russia know that Putin is fighting the wrong enemy?)

John Andressen (Ukraine của bạn? - Không! Ukraine là của tôi) Người dân Nga có biết Putin đã nhận lầm kẻ thù để đánh không? Giống như Sa hoà...