25 April 2014

THẢO TRANG, truyện ngắn

"Người đi qua nỡ mang theo nụ cười ... để lại khung trời hoang vắng đơn côi" Giọng trầm buồn của người ca sỹ bỗng vang vọng từ chốn xa khua động tâm tư, khi tôi đọc xong truyện ngắn này. Ôi chiến tranh đã cướp mất biết bao cuộc tình thơ mộng, làm đổ vỡ biết bao mảnh đời ấm cúng. Tác giả truyện ngắn không xa lạ gì với anh em Hành Chánh Sydney. Cũng như bao nhiêu người khác, tôi bỗng dưng "phải lòng" các nhân vật trong truyện của anh".
A.C.La - Web DS14.

Nguyễn Đông Danh (Sydney)

Tôi có một người bạn thân tên Nguyễn Thảo Lư. Theo tự điển Hán Việt, “thảo lư” là ngôi nhà nhỏ bằng cỏ, bằng tranh hay bằng lá. Nhớ lại truyện Tam Quốc Chí, khi Lưu Bị đi tìm Khổng Minh để mời người ra làm quốc sư, Lưu Bị đã phải tam cố thảo lư, nghĩa là phải ba lần đến viếng ngôi nhà cỏ của Khổng Minh để chiêu hiền đãi sĩ.

Tôi không rõ có phải vì mê tích Tàu hay không mà ba má Lư đã đặt cho anh cái tên đó. Nói chung, tên của Lư không đẹp mà cũng không xấu. Ngặt nổi bạn bè không ai gọi anh là Thảo Lư, mà chỉ gọi anh là Thảo Khấu (giặc cỏ).

Quê Lư ở Mỹ Tho. Ba má anh có nhà cao vườn rộng, cây trái quanh năm mùa nào thức nấy. Lư ở Sài gòn cùng với cô em gái tên là Nguyễn thị Thảo Trang. Tên cũng đẹp mà người cũng đẹp. Những năm đó, Trang đang ở nội trú trường Gia Long áo tím. Tôi vẫn thích gọi tên ngôi trường đó là Gia Long áo tím, mặc dù vào thập niên 60 nữ sinh Gia Long đã mặc đồng phục áo dài trắng.

Sài gòn có hai trường nữ trung học nổi tiếng, trường Trưng Vương và trường Gia Long. Trường Trưng Vương thì hơi nhỏ, vì chia lại một phần cơ sở của trường Sư phạm Nam Việt cũ, lại nằm liền vai sát cánh với các dãy lầu của Nha Trung học, Nha Tiểu học và trường nam Nguyễn trường Toản. Trường Gia Long bề thế hơn, nằm riêng biệt trong một vòng rào kín cổng cao tường. Những con đường vây quanh ngôi trường Gia Long cũng đẹp đẽ thơ mộng và trữ tình.

Tục ngữ Việt nam có câu nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò nhưng đối với tôi, nữ sinh của cả hai trường này đều … có giáo dục. Trong những lần đi dạy thực tập tại hai ngôi trường đó, tôi vẫn nhận được sự hợp tác tốt đẹp và sự tiếp đón kính trọng từ các nữ sinh.

Tôi có một nhận xét sau đây về sự khác biệt giữa nữ sinh hai trường, không biết có đúng hay không. Hay chỉ do một vài hiện tượng cá biệt mà tôi đã vội quy nạp cho cả một tập thể? Theo tôi, nữ sinh trường Trưng Vương có vẻ dạn dĩ hơn, nói theo từ ngữ thời thượng là chơi bạo hơn. Từ trên bục giảng, tôi có thể nhìn thấy bên dưới lớp, vào những phút cuối giờ học, có nhiều nữ sinh đã tự nhiên kéo từ trong cặp ra chiếc gương soi mặt, vội vã liếc qua dung nhan và làm vài động tác trang điểm cần thiết. Hiện tượng này tôi không bắt gặp ở Gia Long trong những giờ tôi giảng dạy.

Hàng tuần vào sáng thứ bảy, Lư đến trường Gia Long đón em gái ra, đưa Trang đi dạo phố, mua sắm lặt vặt, đôi khi hai anh em đi xem hát. Buổi chiều Lư lại đưa em vào trường. Có khi hai anh em kéo nhau về Mỹ Tho thăm cha mẹ. Chiều chủ nhật trở lên Sài gòn, Trang lại gia nhập vào cái thế giới khép kín của nữ sinh nội trú trường Gia Long áo tím.

Khi tốt nghiệp sư phạm, Lư đậu hạng thấp phải nhận nhiệm sở tận tỉnh Phan Thiết thuộc vùng hai chiến thuật. Tôi được dạy ở Biên Hoà, chỉ cách Sài Gòn có 30 cây số. Trước ngày chia tay, Lư bảo tôi:

- Tao gởi con Trang lại cho mày. Ba má tao già cả lại ở xa, không thể lên thăm lên rước nó được.

Mặc dù là bạn chí thân của Lư, tôi cũng ngạc nhiên trước sự chọn mặt gởi vàng này:


- Tao làm gì được cho Trang?. Vả lại mày không nghĩ là mày đã giao trứng cho ác hay sao?.
Lư trấn an tôi:

- Tao có bảo mày đưa rước nó đi chơi đâu. Tao chỉ nhờ mày đến trường thăm nó cho nó đỡ tủi thân. Thỉnh thoảng nó có cần gì bên ngoài, mày mua giùm. Tiền bạc đã có tao lo.
Lư rút trong túi áo ra cho tôi xem hai cái thẻ:

- Đây là cái thẻ màu xanh để vào thăm và đây là cái thẻ màu hường để rước. Tao giao cho mày cái thẻ vào thăm. Cuối tuần nếu có rảnh, mày đến văn phòng trường đưa cái thẻ này ra, giám thị sẽ gọi nó xuống . Nó thích ăn xôi bắp, bánh cuốn chả lụa, bò bía. Khi vào thăm, nhớ đem cho nó các món này giùm tao.

Tôi thở phào nhẹ nhõm. À ra thế, chỉ đến thăm chứ không có rước đi chơi lỉnh kỉnh. Thôi thì “Cũng liều nhắm mắt đưa chân. Thử xem con tạo xoay vần đến đâu”.

Ngày đầu tiên đến thăm Trang, tôi vẫn còn nhớ rõ... Trời đang vào Thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc... Con đường Phan Thanh Giản tôi đã qua lại nhiều lần mà sao hôm nay dường như có nhiều thay đổi, hay là vì chính trong lòng tôi đang có sự đổi thay?...

Đến văn phòng tôi trình tấm thẻ màu xanh, cô Giám thị mời tôi vào phòng chờ, rồi lên máy phóng thanh gọi:

- Nguyễn Thị Thảo Trang, đệ nhị C3, có thân nhân vào.

Tôi đã đến Gia Long dạy thực tập vài lần, nhưng vẫn chưa biết cái giang sơn nội trú nằm ở đâu, nên giả vờ làng chàng trước cửa phòng hút cho hết điếu thuốc đang cháy dở. Từ đó tôi nhìn thấy Trang với tà áo dài trắng xuất hiện từ dãy lầu nằm ngang ở mãi cuối sân.
Khi đến gần, Trang thỏ thẻ:

- Thưa anh. Anh Lư có dặn là anh sẽ đến.

Tôi cố diễn xuất cho đạt vai trò người anh thăm nuôi:

- Anh có đem bánh cuốn nóng vừa mua ở hẻm Phan đình Phùng cho Trang đây.
- Cám ơn anh. Sao anh biết em thích bánh cuốn chả lụa?.
- Anh Lư có nói. À lần sau anh sẽ đem bò bía nhá.

Trang cười khúc khích để lộ hai hàm răng trắng đều như hạt bắp, khiến tôi chợt nhớ đến bài thơ Cần thiết của thi sĩ Nguyên Sa:
"Không có anh,
Lấy ai viết thư cho em mang vào lớp đọc.
Ai lau nước mắt khi em ngồi khóc.
Ai đưa em đi chơi trong chiều mưa.
Những lúc em cười trong đêm khuya.
Lấy ai nhìn những đường răng em trắng …"
Câu chuyện bắt đầu một cách vui vẻ tự nhiên, dần dần chuyển sang chuyện học hành của Trang, chuyện đi dạy của tôi, chuyện các phim xi nê đang chiếu ở rạp.

Một lúc sau tôi chợt nhớ:

- Ấy chết, Trang ăn bánh cuốn kẻo nguội.

Trang lại cười, để lộ hai hàm răng trắng nõn:

- Chắc đã nguội rồi chứ còn kẻo gì nữa. Thôi để em đem lên phòng ăn. Ăn ở đây kỳ lắm.
Con gái miền Nam khi mắc cỡ không chịu làm việc gì trước mặt con trai thì thuờng nói “kỳ lắm”. Con gái Bắc, Trung hay nói “dị lắm”. Kỳ hay dị đối với tôi đều nghe dễ thương. Lần thăm nuôi đầu tiên thật là tốt đẹp. Thảo Trang ríu rít như chim non trên cành, khiến tôi cảm thấy vui lây, vì ít ra tôi cũng đã mang lại hạnh phúc cho một người.
Những lần thăm nuôi sau diễn ra đều đặn và trôi chảy. Các bà Giám thị không có gì thắc mắc về tình huynh đệ anh em như thể tay chân giữa tôi và Trang. Lư ở ngoài Phan Thiết cũng không thắc mắc về công tác thăm nuôi của tôi. Chỉ có riêng tôi là thắc mắc. Tôi cứ tự hỏi, mình đã yêu Trang tự bao giờ và Trang có yêu tôi hay không?
Tôi nhớ đến bốn câu thơ của Xuân Diệu:
"Đố ai định nghĩa được tình yêu.
Có nghĩa gì đâu, một buổi chiều.
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt.
Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu..."
Ông Xuân Diệu còn tỉnh táo và sáng suốt hơn tôi, vì ít ra ông vẫn nhớ là tình yêu đến vào “một buổi chiều”. Còn tôi, nó đến lúc nào tôi cũng không biết. Nó đến nhẹ nhàng quá, êm đềm quá, không một hồi chuông reo, không một tiếng gõ cửa.

Đến lúc chịu đựng hết nổi, tôi đánh bạo viết lá thư tình và trao cho Trang trong giờ thăm. Tôi ra tối hậu thư “anh sẽ không vào thăm Trang, cho đến khi anh nhận được thư hồi âm qua đường bưu điện”.

Cảm ơn Thượng đế, tôi đã không phải chờ đợi lâu. Tôi nhận được thư hồi âm của Trang ngay trong tuần và nàng thú thật cũng đã thương tôi.

Ôi tình yêu của chúng tôi thánh thiện làm sao. Hàng tuần, tôi chỉ được ngồi trong phòng thăm nuôi nhìn đôi mắt em trong, nhìn đôi môi em cười, nhìn đường răng em trắng, nhìn đôi vai em tròn, nhìn bờ ngực em chập chờn theo hơi thở.

Các bà Giám thị đã quen nhẵn cái mặt trơ trán bóng của tôi, đã yên chí tôi là anh của Trang, nên thỉnh thoảng chúng tôi cũng được… nắm tay nhau, đá chân nhau, dưới gầm bàn.
Chúng tôi lặn ngụp trong hạnh phúc chay tịnh cho đến nửa năm đệ nhất (lớp 12), năm cuối cùng của Trang ở bậc Trung học. Một hôm vào thăm, Trang chợt hỏi:

- Anh có muốn em ra ngoài với anh không?

Tôi vừa mừng vừa lo:

- Làm cách nào em ra được?

Trang nói:

- Thầy Vĩnh Đễ dạy Triết có mở cours riêng tại nhà. Thầy nói mấy đứa nội trú muốn theo học, thầy sẽ chứng nhận với nhà trường để được phép ra ngoài học thêm.
- Nhưng khi ra ngoài thì em phải đi học chứ.
- Em có cách. Nếu anh muốn, mỗi sáng chủ nhật em sẽ ra với anh.

Cám ơn giáo sư Vĩnh Đễ. Nếu thầy còn sống trên quả đất này, thì xin thầy nhận nơi đây lòng biết ơn vô bờ bến của tôi. Thầy đã thông cảm, đã chứng nhận Trang có học cours riêng với thầy, để Trang có thể bay nhảy với tôi mỗi sáng chủ nhật.

Tình yêu của chúng tôi cứ thế mà phát triển. Mặc dù không còn ở trong giai đoạn chay tịnh, nhưng cũng không đến nổi phản bội lòng tốt của thầy Vĩnh Đễ. Hậu quả là năm đó (không phải chuyện … bầu bì, mà là) Trang rớt tú tài hai. Cha mẹ rước nàng về Mỹ tho, xin cho học tại trường nữ trung học Lê Ngọc Hân. Bây giờ thì tình yêu chuyển hệ sang giai đoạn hàm thụ. Nàng viết thơ cho tôi. Tôi viết thơ cho nàng, nhờ địa chỉ người quen. Xuân thu nhị kỳ, nàng cho tôi một cái hẹn ở chùa Vĩnh Tràng, một ngôi chùa nổi tiếng tại tỉnh lỵ Mỹ tho.

Tình yêu có khó khăn hơn, vất vả hơn, nhưng bù lại năm đó Trang đậu Tú tài hai và đậu ngay vào Đại học sư phạm ban Triết (viện Đại học Đà lạt).
Đến đây chúng tôi có thể công khai hoá tình yêu đôi lứa. Cha mẹ đôi bên đều vui vẻ chấp nhận. Riêng Lư, anh cười hô hố mà rằng:

- Tao biết thế nào mày cũng phải lòng nó. Đó là lý do tao nhờ mày thăm nuôi lúc nó ở nội trú Gia Long.

Bây giờ cứ hai tháng chúng tôi gặp nhau một lần. Bước chân chúng tôi đã in dấu khắp khung trời Đà Lạt: thác Cam ly, Prenn, Datanla, hồ Xuân hương, thung lũng tình yêu, rừng Ái Ân, đập Đa Thiện, chợ Hoà Bình, vườn Bích Câu. Vào những chiều mưa bay lất phất, chúng tôi nhâm nhi ly cà phê đắng ở quán Tùng hay đưa nhau đi ăn ở Mê Kông. Đây là khoảng thời gian đẹp nhất, thơ mộng nhất của tình yêu. Tôi chỉ chờ đến năm cuối trước khi Trang tốt nghiệp, chúng tôi sẽ làm đám cưới. Như vậy nàng sẽ được theo về nhiệm sở của chồng, nghĩa là dù Thảo Trang đậu ra trường hạng cao hay thấp, nàng vẫn được theo về nơi tôi đang dạy.

Năm 1967, anh Lư thuyên chuyển từ Phan Thiết về quê nhà Mỹ tho và anh đã lập gia đình. Vợ anh cũng là giáo sư trường nữ trung học Lê Ngọc Hân.

Nghỉ Tết năm 1968, Trang về Sài gòn thăm gia đình tôi. Nàng mang theo bao nhiêu là quà cáp: trà sen Bảo Lộc cho ba tôi, cà phê Ban Mê Thuột cho mẹ tôi, hoa hồng Đà Lạt cho chị tôi, khoai lang mật cho các em tôi, và đôi má mơn mởn đỏ hồng của con gái Đà Lạt cho riêng tôi. Sau đó tôi đưa nàng ra xa cảng miền Tây để nàng về quê nhà ăn Tết.

Đùng một cái, biến cố Mậu thân xảy ra. Gia đình tôi phải bỏ nhà ở Phú thọ di tản đến nhà bà dì tại quận nhất. Hết công kích đợt một, đến tấn kích đợt hai. Chúng tôi bặt tin nhau từ đó. Ruột gan tôi như dầu sôi lửa bỏng, nhưng không thể làm gì được trong hoàn cảnh toàn quốc đang... tổng công kích.

Đến khi điện thoại liên lạc được với trường Lê Ngọc Hân, ban Giám hiệu cho biết anh chị Lư đã … chết. Lập tức tôi phóng xe xuống Mỹ Tho, mặc dù đoạn quốc lộ dài 70 cây số này vẫn còn nhiều nơi là vùng xôi đậu. Bước vào ngôi nhà ba gian hai chái, trên bàn thờ ngay nơi phòng khách, tôi đã nhìn thấy bình hoa tươi và những khung hình còn mới. Ảnh ba nàng, mẹ nàng, anh chị Lư và … nàng.

Lần đầu tiên kể từ khi khôn lớn tôi đã khóc oà như trẻ thơ, khóc muồi mẫn cho đến khi không còn nước mắt . Dì dượng Trang cho biết, gia đình Trang về quê nội Cai lậy ăn Tết. Cả gia đình nàng đã chết thảm giữa hai lằn đạn. Cả gia đình nàng đã đưọc giải phóng khỏi kiếp nhân sinh, chỉ để lại một mình tôi với những năm dài không có mùa Xuân./

Nguyễn Đông Danh 
(Nguon: Dien Dan QGHC Uc Chau)

No comments:

Post a Comment