21 April 2014

Những Giờ Phút Cuối Cùng của Đồi Tăng Nhân Phú

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết và có giá trị kể từ 8:00 sáng ngày 27/01/1973, tất cả các lực lượng quân sự nước ngoài phải triệt thoái khỏi miền Nam Việt Nam thì Trường Bộ Binh Thủ Đức di dời về tiếp quản căn cứ của Sư Đoàn Hổ Mang Thái Lan ở Long Thành. Do ở địa điểm mới không còn dính dáng tới Thủ Đức nữa nên Tổng Cục Quân Huấn-Bộ Tổng Tham Mưu đổi tên thành Trường Bộ Binh.

Đến cuối tháng 4/1975 không hề có cuộc di chuyển lực lượng nào của Trường Bộ Binh về đồi Tăng Nhơn Phú.

Sau đây là câu chuyện người thật, việc thật:

Khi Trường Bộ Binh Thủ Đức dời về Long Thành, những cơ sở trường ốc cũ được chuyển thành Huấn Khu Thủ Đức, tập trung các Trường Huấn Luyện của tất cả các ngành khác lại một chỗ do một Đại Tá làm Chỉ Huy Trưởng.

Tháng 2/1975, tôi được đơn vị cử đi học một khóa huấn luyện 6 tháng để hội đủ điều kiện thăng cấp Đại Úy. Lúc trình Sự Vụ Lịnh xong, tôi được chỉ định làm Sĩ Quan Kỷ Luật của trường tức là "Ông Kẹ" của các khóa sinh đang theo học.


Những bước chân trở lại nơi đã đào tạo tôi thành một sĩ quan bộ binh sao nghe trong lòng dấy lên những xúc cảm nao nao khó tả! Cũng cánh cổng năm nào, cũng chỗ thăm nuôi những tuần không được đi phép nằm phía tay phải cùng với Đồn quân cảnh 301 dành cho những chú SVSQ “cứng đầu”, cũng con đường tráng nhựa dẫn thẳng xuyên suốt ngọn đồi Tăng Nhơn Phú đi ngang qua Vũ đình trường nơi những ngọn đuốc cháy bập bùng trong đêm cuối cùng chúng tôi làm lễ mãn khóa. Một không khí bao trùm nhuốm đầy vẻ thiêng liêng. Lúc ấy, tôi mường tượng như anh linh của những huynh trưởng đã khuất quay về lượn bay lả lướt vỗ tay reo mừng cho lớp đàn em đã trưởng thành sẵn sàng lao vào cuộc đời binh lửa, cũng có thể trong tiếng vỗ tay mơ hồ ấy như biểu lộ một nỗi mừng vui là sắp có những thằng em đang chuẩn bị nhập hội với họ. Biết đâu đấy!

Và sáng hôm sau, xúng xính trong những bộ quân phục đại lễ vải mỏng màu vàng với ngù vai có những sợi kim tuyến buông thòng xuống đong đưa theo nhịp chân bước đều, mũ kê-pi trên đầu, một băng vải to bản màu đỏ rực ngang thắt lưng với sợi dây nịt điệu đàng màu đen bút nịt vàng hình tròn cách điệu chận bên ngoài, dải nẹp quần nổi gân màu cứt ngựa chạy dài từ lưng xuống hết ống quần, giày đen đánh bóng. Tất cả đứng nghiêm trang trong tiếng quân nhạc trầm hùng và những khẩu lệnh dõng dạc từ loa phóng thanh, chúng tôi được gắn lên cầu vai những chiếc “quai chảo” vàng chói để chứng thực chúng tôi đã đủ năng lực mà chu toàn bổn phận đối với đất nước, đối với quân đội, cũng như đã đủ năng lực và tinh khôn lo cho sự an nguy của mấy mươi sinh mệnh dưới quyền khi nhận Trung đội ở đơn vị mới.

Lại cũng chính nơi ấy, ngày đầu tiên tôi gia nhập Trường Bộ Binh Thủ Đức đã bị mấy tay huynh trưởng “quần” cho tơi tả. Trước hôm chuyển đến từ Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, chúng tôi được lịnh quăng ba lô và "sắc marin” lên xe GMC hết để chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc di chuyển ngày mai. Ác nghiệt thay! Đêm đó trời đã đổ một cơn mưa lớn làm tất cả quân trang của chúng tôi trên xe ướt sũng.

Sau khi phân chia quân số theo từng Đại Đội Khóa sinh tại Hội Trường, mấy tay huynh trưởng làm như những “Ông kẹ” cứ đi tới đi lui hò hét đến lạc giọng làm mấy chú Tân Khóa sinh cứ như co rúm người lại vì e sợ. Riêng Đại Đội Khóa sinh tôi vô phước bị rơi vào tay mấy tay huynh trưởng “hắc ám”! Thử nghĩ coi, với toàn bộ quân trang ướt nhẹp chắc cũng nặng đến gần 40 kg, vậy mà họ bắt phải mang vác chạy 10 vòng Vũ đình trường mênh mông gọi là “chào sân”. Cha mẹ ơi! Hơn 100 con người cứ phải mang vác lặc lè chạy vòng vòng trong cái nắng trưa gay gắt như những thằng điên. Được khoảng 5 vòng thì bắt đầu rơi rụng lả tả. Có thể là vì quá sức chịu đựng của con người, cũng có thể là giả vờ của những tay “mánh khóe”. Nhưng với tôi, mặc dù cơ thể do Cha mẹ sinh ra không cao lớn, nhưng sức chịu đựng bền bỉ của tôi thì vô biên. Tôi đã chạy đủ mười vòng Vũ đình trường với vài chục bạn còn sót lại như một cách để “chứng tỏ”. Chẳng biết lúc ấy tôi muốn chứng tỏ điều gì? Bây giờ ngồi nghĩ lại thì tôi đã đặt được cái tên cho nó. Chứng tỏ một sự ngu ngốc đến mức phi lý chỉ vì một chút tự ái tuổi trẻ cỏn con.

Con đường tráng nhựa ấy cũng đi ngang qua dãy nhà bàn nơi mà bữa cơm đầu tiên của tôi tại trường đào tạo Sĩ quan nầy diễn ra thật êm ái!!!

Vừa xếp hàng đứng vào những dãy bàn bằng gỗ tương tự như những bàn học của tôi thời Trung Học Banmêthuột nhưng dài hơn nhiều chờ lịnh của huynh trưởng, một tiếng hô dõng dạc vang lên:

-     Mời các bạn ngồi xuống!

Rục rịch e dè ngồi ngay ngắn xuống băng ghế thì một khẩu lịnh khác lại vang lên:

-   Mời các bạn dùng cơm!

Quả tình tôi mới gắp được một cục thịt heo kho toàn mỡ với da và lua vội một miếng cơm đầu tiên vô miệng nhai nhưng chưa kịp tống nó xuống cái bao tử đang teo tóp hết mức và những giọt mồ hôi vẫn còn chảy đầm đìa dưới chân tóc sau 10 vòng chạy quanh Vũ đình trường thì một khẩu lịnh mới vang lên:

-   Mời các bạn đứng lên!

Bây giờ ngồi nhớ lại, quả là trong suốt hơn 60 năm sống ở cõi tạm nầy, tôi chưa bao giờ được “ban phát” một bữa cơm cực kỳ ngắn ngủi như vậy, chỉ trong vòng có 1 phút đồng hồ! Người ta gọi đó là thời kỳ “huấn nhục” của Tân Khóa sinh để quen dần với những trạng huống bất ngờ trong chiến tranh mà chúng tôi chuẩn bị giáp mặt. Nhưng chi vậy hở Trời? Chính vì những ý tưởng ngu ngốc một cách có hệ thống đã dẫn tới kết cục tang thương của một chế độ đấy!

Thật tình cờ, phòng học của tôi lại rơi đúng vào căn phòng mà tôi đã “trú ngụ” gần 6 tháng toàn ngoài hành lang trước kia của những năm đã quá xa xôi như cổ tích. Tôi thẫn thờ sờ từng khung cửa, mũi giày di di lên những viên gạch lót nền, tưởng như những thằng tuổi trẻ cùng thời với tôi vẫn còn vang vang giọng cười tiếng nói đâu đây, tưởng như anh linh của những người bạn đã khuất trong chiến tranh quay về cùng tôi mà ve vuốt những kỷ niệm đã qua, mắt nhìn thoáng ra hàng cây bã đậu năm xưa gần mương thoát nước bao quanh, nơi đó tôi đã lại bị một thằng huynh trưởng mắc dịch bắt ra đứng cười tám thế cho nó nghe sau câu hỏi:

-   Các bạn trong phòng có ai nghe tiếng cười của người ngoài kia không?

Tôi mạnh dạn trả lời để mong giải thoát người bạn ra khỏi trò hề đang diễn ra ngoài sân.

-   Thưa huynh trưởng, có!

Thế là tôi trở thành một “người thế thân” ngay lập tức!

Tôi chẳng biết người ta bày ra những cái “trò khỉ” đó làm chi? Nhưng theo như người ta gọi đó là “truyền thống?!?!”, và đến lượt tôi được cử đi làm huynh trưởng của khóa đàn em thì cái trò hề đó cũng chính tôi phải lập lại. Giờ thì đã bạc đầu râu ngồi nhớ lại thì thấy rằng ba cái chuyện vớ vẩn trong quân trường toàn là những chuyện “cức chó”!

Cuộc chiến tranh lúc đó như một mảnh giấy mỏng bị đốt cháy, ngọn lửa cứ lan dần theo những cuộc di-tản-chiến-thuật bỏ đất theo một chủ trương “hay ho nhất thế kỷ” của một chính trị gia nhà binh đầy mưu mẹo: Trung Tướng Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu, mà bước đột phá dẫn tới việc làm cho suy sụp cả một chế độ là cuộc di-tản-chiến-thuật của Vùng 2 Chiến Thuật.

Khi lực lượng phe kia chiếm được Phan Rang, Trường Võ Bị Đà Lạt được lịnh di tản về tạm trú tại Huấn Khu Thủ Đức (tức đồi Tăng Nhơn Phú).

Lúc đó, mỗi lần đi xuống mấy quán cơm của Khu Gia Binh Thủ Đức thiệt là một cực hình đối với tôi do phải chào trả những SVSQ Đà Lạt đang tràn ngập lang thang đầy đường. Rõ ràng trong con mắt họ, một chàng Trung Úy Nhảy Dù với 2 bông mai đen thui và cái bê-rê đỏ đội lệch trên đầu là thần tượng của họ chớ còn gì nữa? Tất cả những Sinh Viên Võ Bị khi chọn đơn vị bộ binh đều bắt buộc học Nhảy Dù hết mà! Nói thiệt tình nhìn những sĩ quan cấp tướng đều mang bằng Nhảy Dù trên ngực áo, tôi thấy mình rất tự hào và hãnh diện cho sự lựa chọn của mình, bởi đó là một binh chủng bộ binh ưu tú nhứt của quân đội Việt Nam.

Tình hình chiến sự lúc đó rất lộn xộn. Tôi phải rời đơn vị gốc nên chẳng biết ở hậu cứ thế nào? Do những lý tưởng mắc dịch nào đó nằm trong đầu, tôi nghĩ nếu mình tháo chạy như những người khác thì không còn ai canh chừng cửa ngõ vào thủ đô thì Sài gòn còn lại cái gì, trong khi tôi dư sức ra đi một cách thong thả vì tôi vào sân bay không cần giấy phép? Vậy là chạy về đơn vị lấy nón sắt áo giáp, ống ngắm hồng ngoại tuyến của súng M16 lên Thủ Đức để sẵn sàng chiến đấu một mất một còn. Bây giờ nghĩ lại thì quả là một hành động bồng bột và xốc nổi của tuổi trẻ vì làm sao mà bẻ nạng chống trời, trong khi những cấp chỉ huy cao cấp đã tháo chạy bỏ rơi chúng tôi lại.

Khi trận chiến Xuân Lộc bắt đầu, xe tăng địch tràn ngập chiến trường. Thấy tình hình có vẻ căng quá, Đại tá Chỉ Huy Trưởng tập họp tất cả các khóa sinh lại và tôi được chỉ định làm Huấn Luyện Viên huấn luyện sử dụng súng phóng hỏa tiễn chống tăng M72.

Trong lúc tôi đang chỉ dẫn những thao tác trên súng, một vài khóa sinh tỏ ra lơ là thì bị chính tay Đại Tá ấy mạt sát và đòi bỏ tù. Nhưng đến sáng hôm sau thì hắn đã "chuồn" mất tăm!

Ngày 15 tháng 4, một đơn vị Pháo Binh đã cử 2 khẩu pháo 175li loại được đặt trên xe bánh xích như xe tăng đến đồn trú trong trường hướng nòng về Tiểu Khu Long Khánh. Chắc các bạn cũng rõ là Trường Thủ Đức được xây từ thời Pháp nên đã cổ lổ. Trần nhà đâu có được đổ bê tông cốt thép mà chỉ là những miếng nẹp gỗ dài 2x3 đóng khít lại rồi tô hồ ra bên ngoài. Mỗi phát đại pháo được bắn đi thì tiếng dội của nó làm rớt từng mảng hồ trên trần nhà xuống lộp độp mới biết sức công phá của nó mạnh tới dường nào.

Lúc Thị trấn Xuân Lộc bị thất thủ, Sư Đoàn 18 Bộ Binh đã tháo chạy về hướng Sài gòn cùng lúc với  Vùng 3 Chiến Thuật ở Biên Hòa. Cái đám ở Vùng 3 Chiến Thuật thiệt là! Mới nghe mùi cứt cọp nhưng chưa thấy cọp đã vội bỏ chạy. Thử hỏi Sài gòn cách Biên Hòa bao xa, chạy về đó rồi có được yên thân không? Hay chỉ là một sự trá hình để tìm đường tẩu thoát?

Đêm 29/4/1975, đứng trong vòng rào phòng thủ đồi Tăng Nhơn Phú nhìn ra xa lộ Biên Hòa, ánh đèn xe quân sự nối đuôi nhau trùng trùng tháo chạy tôi biết đã “thôi rồi lượm ơi!” Bèn ba lô súng đạn với thằng tài lọt mang theo 3 khẩu M72  để sẵn sàng đối phó với tình huống nguy ngập. Tôi tính trong đầu nếu bị bộ binh địch tràn ngập cửa ngõ sẽ dùng 1 khẩu M72 phá hàng rào phòng thủ để thoát thân. Tội nghiệp mấy chàng khóa sinh khác cứ theo năn nỉ:

-   Trung Úy đi đâu cho tụi em đi theo với!

-   Ừ, thì cứ bám sát theo tao.

Một đêm yên ắng nhưng không yên bình trong tâm hồn tôi nhọc nhằn trôi qua với đôi mắt cay xè vì thiếu ngủ.

Sáng ngày 30/4/1975, qua máy truyền tin của chốt tiền tiêu nằm ngoài xa lộ báo về xe tăng địch đã xuất hiện trên xa lộ Biên Hòa và có chiếc đang quẹo vô đồi Tăng Nhơn Phú. Lịnh cho chốt rút và chuẩn bị chiến đấu. Mấy anh chàng Sinh viên Võ Bị Đà Lạt như một đám trẻ mất mẹ cứ lúng túng gần như muốn khóc. Thậm chí lúc ấy có những quân nhân cơ hữu của trường Võ Bị lại nói:

- Tình hình như vầy không bỏ súng leo hàng rào mà chạy cho rồi, ở đây chờ chết sao?

Nộ khí xung thiên, tôi bắn chỉ thiên vài phát M16 để cảnh cáo.

- ĐM...thằng nào láng cháng tao bắn chết mẹ bây giờ!

Nhờ mấy phát súng chỉ thiên và lúc đó trông tôi chắc giống Thiên Lôi đang giơ cao lưỡi búa tầm sét sẵn sàng giáng xuống cơn thịnh nộ nên tất cả đều im re.

Tiếng động cơ gầm rú của chiếc tăng T.54 đã vọng tới tai tôi. Ngoắc theo thằng “tài lọt” mang theo 3 khẩu M72 cùng vũ khí cá nhân tôi lao ra gần con đường tráng nhựa xuyên tâm đồi Tăng Nhơn Phú chính vì tôi biết thế nào nó cũng chạy ngang đây và núp sau một mô đất chờ đợi. Chiếc xe tăng đang phun khói mù mịt và triển khai hỏa lực tối đa chỉ cách chỗ tôi khoảng 20 mét. Khẩu trọng pháo trên xe tăng lần lượt làm sụp đổ những góc tường bị nghi ngờ có mai phục, những đầu đạn đại liên cày nát những bờ đất hiểm nguy. Hình lá cờ nửa đỏ nửa xanh với ngôi sao vàng chính giữa hiện rõ mồn một trên pháo tháp. Nhìn lui lại chỉ có hai thầy trò tôi vì khi đó tất cả những người tạm gọi là đồng-đội-tôi-trong-lúc-ấy đã tháo chạy tìm chỗ trốn kín mất rồi khi thấy hỏa lực dữ dội của xe tăng nên tôi phải phán đoán tình hình ngay lập tức. Có xe tăng tất nhiên có bộ binh đi kèm, chỉ với hai người lính thì không nên chọn một cuộc đối đầu không cân sức với một lực lượng dũng mãnh trước mắt. Trong một phút bốc đồng hàm hồ không suy nghĩ, chắc chắn 101 phần trăm là tôi sẽ trở thành miếng mồi ngon ngu ngốc cuối cùng cho súng đạn trong cuộc chiến tranh khốc liệt nầy. Và thân xác tanh banh của tôi sẽ không được vùi sâu xuống đất để trả nợ núi sông mà chỉ thành miếng ăn cho những con chó hoang. Thân nhân của tôi sẽ không biết cắm những nén nhang tưởng nhớ ở nơi nào để hương khói có thể làm ấm một phần hương hồn tôi nơi chín suối!

Đành bò quay lui kêu gọi hỗ trợ. Tìm mãi mới thấy tay Đại úy Nguyễn văn Phước mập lù đang chui xuống dưới ống cống thoát nước mà trốn. Tức mình, tôi cự nự thẳng vào mặt ông ta rồi thúc một số người chạy theo tôi ra hướng Vũ đình trường. Chiếc xe tăng quần đảo bên trong một hồi rồi quay lui ra cổng tìm đường về Sài gòn để ca khúc khải hoàn. Thế là nó phải chịu một hỏa lực đủ loại từ bốn hướng “chăm sóc” nó. Một cụm lửa bùng lên trong xe. Ráng lết tới ngoài cổng Trường Thủ Đức thì sụm hẳn xuống.

Sau cuộc chiến đấu cuối cùng diễn ra và kết thúc một cách nhanh chóng, kết quả phe ta mất một Trung tá và 5 SVSQ Võ Bị Đà Lạt. Phe đối phương cũng mất “năm anh em trên một chiếc xe tăng” và một khí tài to lớn đã trải qua biết bao dặm đường trường chinh từ chính quốc đã trở thành một đống sắt vụn cháy nham nhở. Một canh bạc có lời phải không các bạn?

Trở về vọng gác chính chờ đợi một cuộc tấn công kế tiếp thì một tay Trung úy mang chiếc radio transistor 3 băng ra cho nghe lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện của Tổng Thống Dương văn Minh và với vai trò là chỉ huy tối cao của quân đội đã ra lịnh cho tất cả các đơn vị phải xếp bỏ vũ khí chờ tiếp quản.

Trên đầu tôi lúc ấy bầu trời đã chuyển thành một màu u ám thê lương như đồng cảm với số phận những thằng lính chúng tôi. Sao nó cũng tương tự như bầu trời của Sài gòn bây giờ khi tôi ngồi gõ những dòng chữ đầy hoài niệm nầy thế!

Trở về phòng ngủ, tôi bẻ đôi khẩu M16 cho vào tủ đựng quần áo rồi khóa lại. Thêm một sự xuẩn ngốc là mất đi một ổ khóa không cần thiết. Lục tục kéo nhau làm một chuyến “hồi hương” ngoài mong muốn.

11:30 sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975, lúc đi ra tới Vũ đình trường thì đã thấy tràn ngập những chiếc mũ tai bèo cùng những chiếc nón cối với những khẩu AK 47 – AK 50 lăm lăm trên tay.

Tôi vẫn mặc quân phục và chiếc bê-rê đỏ vẫn ngự trên đầu theo đúng tác phong.

Một giọng Bắc Kỳ non choẹt vang lên kèm theo nòng súng AK 50 hướng về phía tôi:

-   Địt mẹ! Giờ nầy mà còn mũ xanh mũ đỏ! Vứt ngay xuống đất!

Sao có thể chia lìa “tình nhân” của mình vội vàng đến thế? Nhưng không lấy xuống, nó bóp cò một phát là “bỏ mẹ!”. Một cái chết không đáng chút nào.

Đành thôi giã biệt chiếc mũ bê-rê đỏ thấm mồ hôi qua biết bao nhiêu tháng ngày lao lung. Tôi lấy xuống nhưng vẫn ương ngạnh nhét vội vào trong bụng áo, cúi đầu bước đi bằng những bước chân rã rời cơ hồ không còn chút sức lực nào.

Đó là những giờ phút cuối cùng của đồi Tăng Nhơn Phú!

HÙNG BI
SVSQ Khóa 4/69 
_______________
Góp ý:

"Sau khi Hiệp định Paris được ký kết và có giá trị kể từ 8:00 sáng ngày 27/01/1973, tất cả các lực lượng quân sự nước ngoài phải triệt thoái khỏi miền Nam Việt Nam thì Trường Bộ Binh Thủ Đức di dời về tiếp quản căn cứ của Sư Đoàn Hổ Mang Thái Lan ở Long Thành. Do ở địa điểm mới không còn dính dáng…"
 . . . .
Tôi nghĩ t/g nhầm: quân Thái Lan sang VNCH  chỉ có tiểu đoàn Mãng Xà chứ không phải sư đoàn, quân Đại Hàn thì có sư đoàn Mãnh Hổ ờ miền Trung. (TD) 

___________________

Tác giả trả lời "Góp ý", đưa ra LINK tham chiếu sau đây:
http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php?topic=113.0

No comments:

Post a Comment

Người Bỏ Lễ Đêm Đông, thơ

Dạo:        Đêm nay Thiên Chúa giáng trần, Xin thương cứu giúp người dân khốn cùng. Người Bỏ Lễ Đêm Đông Đêm đất Bắc, gió mài da tím ngắt, N...