22 April 2014

Những Hạt Đậu Đen (1), truyện ngắn

"Đẻ trứng thì phải lót ổ,
rơm rác lót càng nhiều thì trứng càng khó vỡ".

"Thằng lớn có thằng lớn hơn đe,
không làm cho nó sợ nó chẳng đòan-kết đâu".

Thật khó mà vẽ ra cho chính xác về gã. Tôi quen biết gã có lẽ cũng gần hai mươi năm,  hơn cả đời cô Kiều gian truân “hồng lâu mấy bận”. Tôi thấy gã khó hiểu hơn Kiều-nhi nhiều. Tôi quen gã trong một trường hợp cũng lạ. Tôi rề rề xe qua một quãng đường vắng trên đường đất đỏ khi thấy một cục gạch có cắm một cành lá,  cạnh đó có một cái chai không. Tôi biết đó là dấu hiệu ngôi nhà phía trong hàng rào có bán xăng. Tôi đậu xe lại,  lò dò đẩy cánh cửa líp tre bước  vào. Tiếng nỏ thuốc lào rít lên,  một làn khói trắng theo song cửa bay ra sà xuống nền  ngôi nhà tôn tuềnh tòang.

- Chào bác ạ,  bác tìm ai?

- Tôi hỏi xăng,  tôi muốn… hỏi xăng?

- Mến ơi,  con ra  bán xăng cho bác này. Tiếng người đàn ông,  giọng khàn trầm mà vang,  gọi với về phía sau nhà.

- Không,  không tôi không mua,  tôi lắp bắp nói vội.

- À,  ra thế. Hiểu rồi. Thôi vào đây nào!  Tôi khom người xuống cánh cửa đóng bằng miếng tôn cũ trên khung nứa thấp lè tè.

Gã ngồi vững như khối đá trên chiếc giường nứa trải tấm chiếu lát. Chiếc lon thiết ở bên góc cắm nỏ điếu cày bằng tre màu  vàng óng. Trước mắt gã chiếc ấm trà và mấy chén sứ cáy vàng. Thóang nhìn gã, tôi đã chợt nghĩ đến một bức tranh hảo hán chân đất thời Thủy Hử. Đầu lởm chởm,  tóc dày,  với hai cánh mày to bản mà sậm,  với đôi mắt hí hí và sống mũi mảnh chỏ xuống đôi môi thâm! Mắt mũi và môi gã làm cho cái tướng ngồi,  dáng đậm và chắc của gã,  giọng nói trầm và mạnh của gã như Trường- giang mênh mông chảy đến chân núi  chợt biến đâu mất trong hang động và dưới chân núi thòi ra một dòng suối nhỏ ngoằn nghèo nước đục. Gã nhướng đôi mắt hí,  mặt điểm chút rỗ hoa,  quan sát tôi nhanh và sắc, giọng  nói chắc nịch:

- Chắc là  ông anh muốn bán chút ít xăng kiếm tiền cơm cháo? Hượm,  ngồi tí đã,  có bao thì đây lấy tất. Mời ông anh dùng trà.

Gã rót chất nước vàng quánh đậm đặc từ trong ấm ra,  trà chỉ vừa âm ấm và đắng đậm đến thót người. Tôi sống trong Nam,  uống trà cũng chỉ là thưởng thức chút hương vị nhạt nhòa,  khi đụng phải tách trà Bắc- Thái của các anh  em Bắc mới vào Nam,  thì mới vỡ ra thế nào là trà!  Nhấp một hớp đã thấy lòng nôn nao và tim trở nhịp. Gã lại vê thuốc lào,  đặt lên nỏ,  gọn và khéo léo châm lửa, hít nhịp nhịp ngắn và thư thả cho đóm cháy trọn; gã dụi đóm và đưa ống điếu chỉa chếch lên như chĩa cao xạ về phía máy bay địch; gã dồn dập nhịp nhịp và rít lên như tiếng xé gió,  mắt gã  lim dim, tê  lịm người. Khói trắng như xì túa ra từ mọi lỗ trong người gã.  Nhìn gã từ lúc vê thuốc,  tay  mơn man ve vuốt ống điếu cày bóng láng,   đưa lửa bén vào từng nhịp cho đến cái dáng dậm dựt rít lên và phê phả trong khói tê mê sao mà dâm dục đến như vậy !.

Gã  quay sang tôi,  mắt lim dim như chú mèo đang nhẩn nha nhìn chú chuột lởn vởn trước mặt:


- Này,  chắc ông anh mua bán xăng lần đầu?

- Dạ phải,  dạ phải. Mấy hôm trước việc này tôi giao tay phụ xe lo,  mấy hôm nay nó xin nghỉ vì vợ nó bệnh,  tôi cũng muốn bán chút chút cơm cháo dọc đường mà  cũng ngại công an chặn bắt anh à – tôi nhìn loanh quanh có vẻ lo sợ.
Gã cắt gọn:

- Có bao nhiêu anh mang vào đây,  chợ đen bán lít bao nhiêu đây mua bấy nhiêu.  Bỏ vào đây rồi là chuyện của tôi,  anh khỏi sợ.  Các anh nhát quá chúng hiếp,  mẹ nó,  ông anh chỉ bán  có vài lít xăng kiếm cơm  cháo,  bỏ bằng gì chúng nó…

Và thế  rồi,  tôi quen thân gã từ đó.

Tôi lái xe chở cát đá vật tư làm đập thủy điện,  mỗi ngày làm vài chuyến chạy ngang qua nhà gã.  Một vài ngày,  dư dôi ra ít xăng thì tôi ghé qua nhà gã.  Gã tên Thông,  Lê-viễn-Thông,  gia đình cũng thuộc hạng có chữ ở Sơn- Tây.  Gia đình gã vào Nam  theo diện Hà-Nội vét dân lang thang,  không hộ khẩu đưa vào vùng kinh tế Tây Nguyên,  sau ngày đất nước thống nhất. Cả hai vợ chồng đều làm cho trại heo giống Đắc- Ko,  giữa đọan đường từ Buôn-Mê về Quảng- Đức. Trại heo giống được giáo hội Công-giáo và các Hội từ-thiện hỗ trợ thành lập trước thống-nhất mươi năm.   Trại qui mô hơn năm mẫu đất, nuôi heo giống và heo thịt cả nghìn con,  được điều hành bởi những người thiện nguyện có chuyên môn. Cạnh trại heo là một trạm xá do các  bà xơ trực tiếp khám và cho thuốc bà con người dân tộc Ra Đê. Cả trại heo Đắc- ô và trạm xá đều dựng nên để tạo công ăn việc làm và giúp đỡ cho người dân tộc, cung cấp giống heo, chỉ dạy cho họ cách chăn nuôi… mở lớp dạy chữ,  dạy ngủ có  giăng mùng chống sốt rét.  Người lao động dân tộc ở địa phương vào làm việc,  quanh quẩn quanh sự giúp đỡ che chở của các xơ và tiếng chuông nhà nguyện nhỏ ngân vang sáng chiều. Rồi chiến tranh khốc liệt tràn tới, sau tháng tư bảy lăm các xơ và những người thiện nguyện bị đuổi đi, chính-quyền cách mạng tiếp quản. Mấy xơ trẻ người dân tộc xin ở lại  làm việc  ở trạm phát thuốc, nay mặc thường phục, được họ gọi là các ‘’chị xơ’’.  Trại heo giống Đắc Kô nay là xí- nghiệp chăn nuôi heo Đắc-Kô. Trong vòng năm năm, tất cả lao động người dân tộc trong trại ngày xưa đã được thay bằng những “chuyên viên” chăn nuôi, được đào tạo, được giới thiệu… từ Bắc vào. Trong cả mấy mươi công nhân “chi -viện” đó, có gã và vợ, Lê-Viễn-Thông và Phạm-thị- Hường. Vợ gã, là cô gái đậm chất Bắc, cùng hai con  theo chồng vào Nam.

Ngày tôi ghé nhà gặp gã lần đầu,  thì trại heo nay đã khác với trước kia . Chiếc cổng xây lớn hơn,  bản hiệu xí- nghiệp to lớn và cờ xí cắm xanh đỏ vàng rực rỡ hơn, nhưng ở trước cổng, mấy líp nhà tôn vẫn lẹp xẹp,  lèo tèo mấy thứ quà vặt,  rau cải,  cá khô và ruồi nhặng bay vù vù …Nhà nguyện nhỏ ở góc đường đã đóng cửa, mấy miếng tôn rách sà xuống bên hiên kêu rột rạc khi  có gió thổi lướt  qua.  Âm thanh đó thay cho tiếng chuông sáng chiều .

Tôi hỏi gã lý do dẫn vợ con  vào nơi heo hút này, gã lim dim đôi mắt híp dưới cánh mày sậm,  rành mạch:

-Thế ông anh bảo đi đến chỗ nào là chỗ tốt? Gần mươi năm qua, giải phóng xong là người ta giải quyết trước tiên là lùa hàng lọat cái đám “cứng đầu, đá cá lăn dưa" đưa vào miền trong. Đẩy, một lố người đi tìm đất mới để rửa sạch đất cũ, đâu ngờ đó là cơ hội cho một lũ người khát đất đai, khát sống, khát một trật tự mới. Khi còn ở ngòai kia thì họ đã bị đóng dấu chữ thập lên trán;   nhưng vào đây, trước đám người chiến bại thấy ‘’nón cối,  dép râu ‘’ là run cầm cập thì tụi này lại có giá đấy chứ lị ! Đấy, tôi dắt díu vợ con vào đây là thế.

Gã  tâm sự cầm chừng. Cứ mỗi đôi ba  ngày, tôi lại ghé nhà  gã bán mươi lít xăng, lại uống trà nói chuyện. Một đôi lần gã đi nhờ xe tôi về tỉnh, áo bộ đội bỏ ngòai, quần vén ống thấp, ống cao, đầu nón cối, tay cắp nách giỏ tre với một con gà mái vàng mỡn lông, khi thì bó lá chuối một khổ thịt đùi vài ký. Tôi  dừng xe thả gã chỗ ngã tư gần trụ sở ủy-ban, hẹn sớm thứ hai đón gã về Trại heo.  Gã hoác miệng cười, răng bợn cáu vàng bởi khói  thuốc lào, vẫy tay cảm ơn rối rít. Nhìn anh bộ đội nhà quê lóng cóng giữa phố núi tự dưng tôi thấy gần gũi và thương gã; tôi  nhớ đến con gái gã,  cái Mến bên thằng em trai tên Thọ, tóc bết màu bụi đất vàng, mũi thập thò cáu bẩn đứng bơ vơ rìa đường nhìn theo xe lăn bánh. Chiến thắng vinh quang hình như chưa tới với gã  và gia đình!

Tôi hơn gã chắc cũng gần mười tuổi. Tôi là lính quân xa tiểu-khu, nay lái xe chở cát đá cho một hợp-tác-xã vận tải ở tỉnh, một đôi tuần tôi lái xe về cơ-quan ở tỉnh nhận vật tư, luôn tiện thăm vợ con. Để hiểu gã không dễ gì, gã vừa lém lỉnh sắc cạnh với cặp mắt rắn, nhưng gã cũng cực kỳ chân thật, đôn hậu khi đã thâm tình. Cách nói năng của gã chen lẫn giữa dân bụi đời với nhà có ăn học. Giọng Bắc của gã thì nặng nề với cách phát âm ngọng của dân quê. Một lần, chiều thứ bảy,  tôi chở gã về tỉnh lỵ để gã thăm bà chị họ, vẫn dáng dấp lụp chụp, đầu nón cối, quần xắn ống cao ống thấp, tót lên ngồi ở ca- bin xe cạnh tôi,  tay xách giỏ tre  đắp kín lá chuối tươi gọn ghẽ.

- “Lày”,  bác chạy nhưng “nâu nâu” cho em rít một  hơi thuốc nhá.  Em đưa “lõ” điếu ra ngòai,  chả ngợp khói đâu  bác ạ.

- Vâng,  chú cứ tự nhiên.

Gã tâm sự về những ngày tháng sống khó khăn ở ngòai Bắc. Những ngày tháng còn là học-sinh trường quê trong chiến tranh ác liệt. Rồi xung phong đi thanh niên  xung phong, đi bộ đội khi mới học xong lớp chín;  rồi thương tật nhẹ trong cuộc chiến biên giới phía Bắc năm bảy chín ở Lũng- Cú, Hà-Giang; rồi giải ngũ,  trốn hợp-tác-xã nông nghiệp ở quê lên sống trầy trật quanh ga Hàng Cỏ làm bốc xếp chui, những ngày cơ cực đầu thập niên tám mươi. Gã tả những cơ cực, nghèo nàn, bất công ở quê gã và ở đất Bắc thật xúc động không như những người Bắc khác vào Nam lúc ấy, cứ ra rả khuếch đại cái to lớn, giàu có ngòai ấy. Qua câu chuyện gã kể, gã luôn dành cho Cậu Út, em ruột mẹ gã, học đậu pờ- ri -me Tây, là giáo viên trường làng, đã gục chết ở đình làng trong kỳ cải-cách ruộng đất . Gã chia sẻ:

- Bác ạ, trong này các bác  sợ quá hóa nhát, ba thằng ba-mươi-tháng-tư nó hiếp đáp.  Phét cả!  thằng nào cũng như thằng nào! Ngòai ấy, ai cũng như ai, mày có nón cối thì ông cũng nón cối,  bàn thờ nhà mày có liệt sĩ thì ông cũng chả thiếu, mày có anh em bà con là cán nhớn cán nhỏ thì ông cũng kém gì! Ôi,  nhìn các bác lấm lét bị chúng bắt nạt mà ức! Mẹ nó!   Chúng nó bâu vào kiếm sống cả thôi bác ạ!   Bốc phét!

Gã nói, tôi cứ tự động lấm lét  nhìn quanh ca- bin xe, khi xe đang chạy, tôi cứ lo như  có ai nghe những lời phạm thượng các đấng cõi trên!  Gần mươi năm rồi, loa vang trên đầu cột điện, cổng chào đầu  ngõ cuối xóm, cờ xí sắc đỏ ngập tràn; tối họp xóm làng, sáng tự khai, trình báo, thấp thỏm ăn ở với hai cuốn kinh: sổ  hộ khẩu và sổ lương thực. Tôi sợ,  mọi người dân miền Nam sợ hãi,  luôn luôn bị cái  mặc-cảm của kẻ chiến bại vô hình bó chặt lấy niềm hy vọng và ước mơ.

Tôi dừng xe ở ngã tư quen thuộc, trước khi xách giỏ tre và nỏ cày bước xuống xe,  gã lấy một gói lá từ trong giỏ ra đưa tôi:

- Bác ạ, em gởi bác chút lòng heo về cho bác gái và mấy cháu bồi dưỡng. Lòng này mà luộc chấm  với mắm tôm chanh là nhất đấy bác ạ,  em có gói cả húng và chanh vào trong này cả đấy.

Gã vội xách giỏ, chân dép râu, đầu nón cối, tay nỏ cày bước thoăn thoắt… Tôi ngớ ra  nhìn theo gã,  xúc động chưa kịp lời cảm ơn.

Rồi cứ như vậy, năm ba tuần hoặc vài tháng, lại một lần tôi chở gã về thăm bà chị họ ở tỉnh, và lần nào gã cũng ấn cho tôi cân thịt, cân lòng heo cực kỳ tươi ngon về làm quà cho vợ con. Gã tâm sự với tôi:

- Bác ạ, sống bao năm ở đất Bắc, trong xã hội này, nó dạy cho em  hiểu làm thế nào để tồn tại và tiến thân. Khó thì cũng cực kỳ khó, mà dễ thì cũng quá dễ. Không khó sao tá tướng ngực đầy huy chương mà cũng kéo nhau ra  vá xe ở đầu đường, cầm sổ gạo chầu chực cuối hẻm! Cả một đống luật-lệ, quy định như lớp lớp lưới bủa giăng đó, biết bao nhiêu là kẻ hở mà cá lòng tong thì mắc lưới chứ cá lớn thì nhởn nhơ. Nếu không nhờ chị họ ở quê chống lưng, thì làm sao em được thế này. Chị của em là vợ Trưởng-ban Tổ-chức tỉnh đấy. Có  số cả, chị ấy cũng lao đao khổ sở ở quê nhà, vậy mà vớ được ông chồng dân xứ Thanh,  cứ bước từng bước lên như diều gặp gió! Chị ấy khéo lắm, cứ mỗi lần em lên thăm, là anh chị lại làm cơm mời mấy anh cán bộ trong tỉnh giới thiệu em. Em thì xưa nay hay nhậu lai rai và có tài nấu nướng, chỉ cần con gà hay cân lòng tươi rói là em làm món, ông anh bà chị và các bác ấy lại phải là mê!  Đấy, đấy cũng là con đường để em tìm cách đổi đời ông anh à. Vợ chồng em phải nỗ lực làm sao cho con cái em không phải sống cơ cực  ô- nhục như chúng em.

Có lần chở gã về, ngòai giỏ lá gói thịt, lòng heo gã còn mang lên một buồng chuối lớn và quả mít to biếu bà chị. Thế nên tôi phải giúp gã một tay khiêng vào lối hẻm đá cách lộ hơn trăm mét. Căn nhà chị gã là một biệt thự đẹp nằm cạnh ủy ban, trước kia là nhà công-vụ của một quan chức chế độ cũ nay cho ông trưởng ban tổ chức tỉnh ủy ở và sẽ hóa giá. Gã giới thiệu tôi với chị gã và nói:

- Chị ạ, đây là ông anh trong Nam, lái xe cát đá, coi như anh kết nghĩa  của em. Biết chị để sau này khi anh ấy về thăm nhà trên phố, dưới ấy có quà gì, em không đi được, em nhờ anh ấy  mang lên biếu  chị.

- Chú vào chơi xơi nước-em nó làm phiền chú quá!

Người đàn bà chắc khỏe và sắc nét, khi nói cả mắt răng và khuôn mặt đều tươi tắn cười rạng rỡ. Tôi cám ơn và từ giã.

Vài tháng sau, gã cho tôi hay, gã được cho đi học lớp tập huấn ngắn ngày về chăn nuôi của sở nông nghiệp. Gã  đi học về, xí nghiệp chăn nuôi đã điều chuyển gã từ phòng bảo vệ lên làm đội trưởng  khu chuồng  nuôi heo thịt, vợ gã được chuyển lên làm tạp vụ phòng giám đốc xí nghiệp.  Gã vẫn vậy, chỉ có khác là thay vì mặc áo bộ đội bỏ ra ngòai như xưa thì nay đã thỉnh thỏang mặc áo trắng bỏ ngòai, vẫn nón cối và ống  quần vẫn quen xắn bên thấp bên cao. Chợt một hôm tôi ghé nhà gã đưa ít xăng cho cháu Mến,  thì gã trầm giọng nói:

- Bác nầy, em hỏi thật, đội vận tải bên chỗ bác có cần mua ít thịt để cải thiện đời sống anh em  không?  Bác hỏi thử, nếu cần báo em hay.

Đội vận tải của tôi lúc ấy hơn hai chục đầu xe lớn nhỏ, chở cát đá, vật tư cho công trình thủy điện, trại của đội đóng gần mỏ đá, cách trại heo hơn mươi cây số, ngày nào xe anh em chúng tôi đều chạy đi, chạy về ngang qua xí nghiệp heo giống Đắc-Kô. Anh Sính tổ-trưởng đời sống là người lớn tuổi, anh khổ tâm vì xuất ăn và tiêu chuẩn được mua ít khi có thịt cá tươi. Tập thể chúng tôi thống nhất là mỗi đầu xe (ngầm hiểu là có nguồn thu từ đâu)  góp thêm mỗi tháng một số tiền để mua thêm thực phẩm ngòai tiêu chuẩn. Thế nên, khi tôi báo lại cho anh Sính  thì anh đến nhà tiếp xúc với gã. Và bằng cách nào, tôi cũng không lưu tâm, nhưng từ đó thịt heo được tăng cường trong khẩu phần rõ rệt.

Sau một năm, tôi quen biết gã, nay gã đã thay đổi hòan tòan. Tính chất hồn hậu và trung thực trong câu chuyện không đổi thay, nhưng bên ngòai đã đổi khác. Căn nhà tôn đã cơi nới khang trang hơn,  đã có bộ ghế xa lông gỗ để góc nhà thay vì sạp tre trải chiếu, đã có bộ tách trà sứ và một hộp thiếc đựng trà Thái Nguyên đen quắn như lưỡi câu. Gã khoe đã ghi tên học tại chức thi tốt nghiệp phổ thông, cũng nhờ bà vợ giám đốc Sở giáo dục là bạn của chị em. Gã khoe, có lẽ sau tại chức thì gã sẽ ghi tên học tiếp tại-chức đại-học. Bây giờ không có học hàm, học vị khó mà lên làm lãnh đạo. Dạo sau này, gã ít đi xe với tôi về tỉnh mà chỉ gởi cho tôi quà biếu bà chị. Lượng quà thịt thà, lòng lợn nhiều gói lá hơn trong một giỏ to. Những ngày lễ Tết, vợ gã đi theo mang cả chục gà mái ghẹ, măng khô, lòng lợn… lên cho bà chị. Vợ gã quê mùa nhưng thật thà rất mực:

- Dạ,  nhà em chia phần cả bác ạ, phần nào cho ai, mấy bà bên các sở ban ngành mà chị gái em quen.  Họ thương lắm, họ coi nhà em như em trong nhà, nâng đỡ lắm ông anh ạ.

Tôi cứ nhớ mãi gã nói với tôi: "Đâu phải chỉ có tiền nhiều mà được việc đâu bác ạ. Phải biết nhận và ban phát ân huệ, phải biết tận dụng ân tình, cúng kiến ít, thầm tìm cách nhắc nhở khéo léo điều mình cầu xin nhiều; và  chứng chỏ lòng thành nhiều hơn nữa!”  Người ta cho rất nhiều, ban phát rất nhiều cái không phải của người ta, và người ta cũng không ngờ mình cho kẻ khác nhiều đến vậy. Thời buổi lạ, lắm khi chỉ một câu nói vớ vẩn của một ông giám đốc sở ngành nào đó cũng có thể thay đổi cuộc đời và vận mệnh một gia đình. Gã nói.

- Bác biết không, chị em giới thiệu em với ông giám đốc sở giáo-dục Đào-tạo trong một bữa “nòng heo nuộc” có dồi em làm cực ngon. Anh giám đốc hỏi em “Sao tình trạng học của chú ra sao rồi, chú Thông?”  em thực tình nói em mới học lớp chín,  anh ấy nói như đùa  “anh chị để em lo cho chú ấy học bổ túc, rồi  tại chức, vài ba năm xong tốt nghiệp đại-học rồi tính gì cũng dễ ".  Ôi! Ông ấy nói như đùa, rồi ông anh Trưởng-ban tổ-chức của em khẽ khàng rót châm  cho cái ông giám đốc sở ấy ly rượu, rồi nói  như phán: “Chú giúp cho em nó nếu trong thẩm quyền của  chú- rồi ông quay sang bà chị em - này, bà nhớ nói  cậu Thông phải học nhiều vào đấy!”. Thế đấy,  bác thấy chưa, khi chìa  khóa đã mở thì cánh cửa to đùng cũng nhẹ nhàng lắm.

Gã hứng khởi, gã rung rinh chùm chìa khóa do bà chị họ gã đúc trong môi trường quyền lực và xin cho, qua thịt và ‘"nòng nợn nuộc” mà từ từ gã mở nhiều ổ khóa khó khăn khác.

Một hôm bác tổ trưởng đời sống của đội xe được tôi khen độ này thức ăn được cải thiện, ngon cơm lắm. Bác Sính đến bên tôi chậm rãi:

- Anh cũng biết đấy, nhờ  có chú Thông và ‘’chi’’ thêm ngoại sổ thôi, chú ấy có lợi mà anh  em mình cũng sống được khá hơn. Chú Thông  ấy bây giờ đi học mấy lớp tập huấn, có bằng cấp chuyên môn và lên phó giám đốc xí nghiệp rồi cơ đấy.

Đọan đường tôi đi qua vẫn bụi khói lẫn đất đỏ bốc lên nhiều hơn, tôi vẫn ôm can xăng mười lít thảng hoặc vào giao cho bé Mến.  Hơi mươi lăm tuổi,  tuổi ăn tuổi lớn,  con Mến bây giờ đã phổng phao như thiếu nữ. Tôi nghe gã nói,  chị họ gã sẽ lo cho con Mến vào học đại học Y-Dược Tây-nguyên. Ông Sính cho tôi hay, thịt heo ở xí nghiệp chăn nuôi nay xẻ thịt bán ra ngòai nhiều, ông phó giám đốc Thông đem hết chuyên môn và mời cả các nhà khoa học trên tỉnh xuống nghiên cứu mà cũng không tìm ra căn bệnh heo lắc đầu.

- Bác nói bệnh heo lắc đầu? Tôi hỏi lại .

- Vâng, cứ thỉnh thỏang  lại có con heo mơn mởn thế mà cứ lắc đầu, đập đầu vào vách bỏ ăn, sụt ký, vậy là phải xẻ thịt. Khi đã là heo bệnh thì đâu có giao thịt cho cửa hàng thịt quốc doanh được.  Vậy là xí nghiệp tự xử lý, thu nội bộ được bao nhiêu hay bấy nhiêu.

Tôi nhớ lại, lúc này  mỗi lần chạy xe qua xí nghiệp, tiếng heo kêu vang trong các chuồng trại vắng dần đi. Trong mấy năm quen biết gã,  tôi thấy rõ gã biến chuyển và thay đổi từng ngày.  Hôm tuần trước, gã đón xe tôi quá giang lên tỉnh, tôi nhìn gã mà không nhận ra. Quần ka ki sậm, sơ mi trắng khóac ngòai áo cán bốn túi, mái tóc dày chải chuốt ép sát, chân đi giày da đen tay xách cặp,  miệng phì phà điếu thuốc thơm. Tôi không còn thấy hình ảnh của gã Thông quần xăn ống thấp ống cao, chân dép râu, đầu nón cối, tay điếu cày đâu nữa cả!

- Bác thấy em lạ lắm à, gã cười hề hề nói với tôi khi đã an vị trên ca bin xe, hôm nay em thay mặt ban giám đốc xí nghiệp đi họp chuyên ngành chăn nuôi ở tỉnh. Em báo tin Bác mừng, em đã tốt nghiệp trung-học, nay đã đăng ký học đại-học tại-chức. Bỏ học cả chục năm rồi, nay bổ túc năm nhảy hai ba lớp, cũng nhờ bà chị gái em quen vợ ông giám đốc sở giáo dục giúp chứ sức em thì sói đầu cũng khó bò qua cái ải bằng cấp này. Vậy mà nay lại tiếp tục đăng ký học đại học nông-lâm theo hình thức chuyên tu,  tại-chức đấy bác ạ. Ai nói “dốt như chuyên tu, ngu như tại chức”,  nhưng thôi kệ nó!  Có tấm bằng lận lưng nó cũng ấm chân bác ạ. Thú thật bác, bà chị ông anh em đâu mãi mãi ngồi chỗ ghế ấy. Thôi thì, em nhờ vả được lúc nào hay lúc ấy thôi. Mình cũng phải tìm đuờng vượt  lên khi thời cơ đến,  cho con cái một thân phận khác.

Trong ca bin xe, như một thế giới riêng biệt chỉ có hai anh em,  gã thật tình tâm sự với tôi đủ điều.  Cặp mắt và cánh mũi khoằm có tướng rất  gian manh của gã hình như lúc này câm nín đễ mặc cho tướng tá  “râu hùm hàm én” trung thực của gã tâm sự:

- Bác cũng biết, vừa được đưa lên phó giám đốc là em bị ban lãnh đạo cũ đánh tơi bời. Em vốn ít học, từ tổ trưởng bảo vệ, qua vài ba lớp tập huấn chuyên tu trên tỉnh mà bước lên phó Giám- Đốc thì ai chịu ai. Em gặp khó lắm, nhất là khi khu vực chuồng trại heo thịt nó lắc đầu, nó bỏ ăn thì xẻ  thịt và bán. Chúng viết tờ rơi tố em cấu kết bán thịt giá rẻ cho con buôn. Chúng tố em ăn chặn,  qua mặt… Ôi,  anh cũng biết cả xã hội ta đang sống mà, đẻ trứng thì phải lót ổ, rơm rác lót càng nhiều thì trứng càng khó vỡ. Thế là, thay vì tập trung lo cho trên,  em quay về cần mẫn lót ổ dưới.  Tất cả quan viên lớn nhỏ trong xí nghiệp em đều chia xẻ, biếu xén món ngon nhất, béo bở nhất.  Có chút lệch giá thì em lại đưa cho lớn nhiều nhỏ ít. Ăn xôi chùa ngậm họng. Rồi quen thói, lâu lâu lại nhắc chừng chừng em “này! Chú Thông nhở,  sao lâu nay heo thịt nó không lắc đầu nhỉ?”.   Em cho thật khát, em lại làm giá và cho uống sữa’’ heo lắc đầu’’ từng giọt, từng giọt cho đỡ khát.  Ôi! Chúng nó thối nát  hàng lọat,  ở đâu cũng cũng thế cả thôi bác ạ.  Ra gì đâu,  cái gì có thể  ăn được thì chúng chén tất!  Vừa chén đầy bụng vừa giả vờ  vở kịch vì nhân dân’’.  Ôi bác cứ tin  em đi!

Gã họác miệng cười, hàm răng nay đã được chăm sóc trắng, sạch bợn vàng ố của khói thuốc lào.   Gã bùi ngùi nói tiếp:

- Cái nghề làm quan thời này cũng lạ lắm bác à, nỗi lo lắng ám ảnh tất cả các quan cán-bộ từ lớn đến bé là làm sao cho vừa lòng quan trên. Lắm khi vun bồi cho nỗi lo trên làm cho họ mất nhân cách. Càng cố đội trên bao nhiêu thì càng đạp dưới bấy nhiêu,  không dựa uy kẻ trên cũng khó mà an tòan với đám dưới. Chúng nó có ăn nhưng chúng chưa sợ thì vẫn chưa yên với chúng đâu.  Luôn luôn phải đe cho chúng “sốt vó” chúng mới yên,  chúng mới “đòan kết”. Tập thể nào, cơ quan nào,  nói đòan- kết sẽ là  nói láo, khi có thằng ăn được thằng chưa ăn được!” Thằng lớn có thằng lớn hơn đe, không làm cho  nó sợ nó chẳng đòan- kết đâu. Em đem bộ lòng lợn và khổ phi-lê cực ngon lên thăm bà chị,  em nói cho chị hay tụi đó dưới xí nghiệp “nọan nắm”, chúng chỉ chờ thịt em,  chị bảo em yên tâm về để chị  “no”.

Thế rồi mấy tuần sau, lãnh đạo tỉnh xuống thăm huyện, thông báo cho xí-nghiệp em là đoàn sẽ đến thăm, và  nghe ban giám đốc và lãnh đạo xí nghiệp báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh.   Giám-đốc và cả ban cán sự chạy sốt vó, nào là cờ xí băng rôn chào mừng hoa quả, nào là xối rửa chuồng  trại… Ôi chạy như vịt, em  chả hiểu cái thời phong kiến thì cái đám thảo-dân đón quan phủ huyện ra sao,  có giống thế này không?

Đòan do ông Phó chủ tịch Tỉnh, Ông Trưởng phòng tổ chức Tỉnh, vài ông giám đốc sở, vài ông chuyên viên… đi đảo vòng qua trại, đâu đâu cũng khen, máy ảnh chớp sáng, truyền hình quay vòng bấm máy… rồi vào hội-trường xí nghiệp, rồi giám đốc báo cáo qua loa, lãnh đạo chỉ thị và hỏi đáp, rồi vỗ tay râm ran … chợt cậu cần-vụ chạy từ ghế chủ tọa xuống lại gần em nói nhỏ vào tai  “anh lên các thủ trưởng gặp!” em xốc lại quần áo, xăm xăm lên sau lưng bàn chủ tọa,  ông anh rể Trưởng Ban  tố-chức, kéo em sát xuống đưa tay nói thầm thì vào tai đôi lời, em gật gù gật gù tới tấp. Xong em đi xuống chỗ ngồi, ông anh rể quay lại nói với ông phó chủ tịch tỉnh điều gì đó,  lại gật gù, gật gù…

Sau khi tiễn khách về, em là đề tài xôn xao, ai ai cũng có vẻ phục em, tay giám đốc gọi em vào phòng hỏi:  “có phải đồng chí thủ trưởng hỏi về đòan kết đơn vị mình”?. Lão vừa dò hỏi vừa nói luôn:  “đồng chí Thông cũng biết chúng tôi rất mực tôn trọng vai trò và công việc của đồng chí”.  Thế đấy, em ậm ừ,  cho qua chuyện.  Em không nói rõ anh rễ nói những gì. Thế là, từ ngày ấy, cả xí nghiệp sợ và thay đổi thái độ với em,  em được tay giám đốc và tay bí-thư xí-nghiệp gọi vào họp bàn :”Chúng tôi đã đề nghị đồng chí Thông giúp cho xí nghiệp một cái giấy khen cấp tỉnh trong đợt chào mừng… ngày. Đồng chí vì đơn vị chịu khó một lần lên đồng chí Trưởng-ban Tổ-chức,  lên ban thi đua khen thưởng…” Ái chà  khi đã nắm sức mạnh ngấm ngầm của cấp trên là đám dưới cuốn vó lên sợ hãi.  Đấy,  dùng bọn  chúng khi làm  chúng biết sợ mình  là thượng sách.

- Thế trong dịp báo cáo công tác xí nghiệp, anh rễ chú Thông nói thầm thì điều gì mà quan trọng thế!
Viễn-Thông cười ha hả nhe hàm răng ngựa trắng nhỡn ra:

- Ôi trong cái tập-thể mà tay nào cũng  run sợ và thèm muốn  quyền lực thì chúng thăm dò từ cử chỉ, lời nói  các quan lớn, chúng chỉ mong sao làm vừa lòng cấp trên. Nó rù rì, nó lấm lét đo lường niềm vui, nỗi buồn của cấp lãnh đạo. Chúng mất cả tư-cách, chúng tưởng tượng ra: ”thủ trưởng chỉ đạo cho thằng Viễn-Thông đấy!” ; “Thủ trưởng lệnh cho nó theo dõi mình đấy!” –cơ quan nào cũng một lũ vậy thôi bác à!  Chúng nó suy ra gì kệ chúng,  em càng im lặng bí hiểm, chúng càng lo sợ em một phép.

Anh rể em nói gì à,  ảnh kéo em ghé sát tai chỉ nói :  ”này,  này chú Thông. Chị  chú bảo chú nhớ Chủ Nhật tuần đến giỗ cụ, nhớ mang ít lòng và làm dồi nhiều nhiều nhé!”. Chỉ có vậy. Nhưng cái cách của anh rể em là có ý đồ,  có chuyện,  có thuật lãnh-đạo tập-thể cả đấy!   Hahaha, bác xem tức cười không!  Chả lẽ em nói toạc ra, mà nói toạc ra thì chúng chả thèm tin. Ha ha, chỉ có   “nòng nợn và dồi’’ mà cả đám run như cầy sấy. Haha, tay  giám đốc cũng là trí thức,  kỹ-sư bậc hai cơ đấy! Gã thẳng lưng, xách cặp giả da màu đen, hiên ngang đi về phía ủy ban, đi tập huấn, đi chuyên tu,  đi học tại chức,  gã đang từng bước đi lên vị trí cao của  xã hội.

Có một quãng thời gian hơn nửa năm, tôi chuyển tuyến chở cát đá thủy lợi dẫn nước cho một  buôn làng dân tộc ở Đak- Mưng, thỉnh thoảng tôi thoáng thấy gã. Gã đã sắm chiếc xe hai bánh  Min-cơ,  nhà gã đã xây rộng ra, và dấu ấn lớn là ngôi nhà gã kỳ công xây cái gác lầu một vuông vức cỡ cạnh ba mét trên đó đúc chóp tròn tròn như cái mũ thần đèn của Aladin. Hình ảnh này là hình tượng phú-quý và quyền-lực sang trọng của đất Bắc trong thời gian này,  khi các cán bộ đi Nga và các nước Trung Á về,  nghe đâu ngoài ấy, chỗ nào cũng “chóp nhỏ” “chóp to” cái trắng cái vàng như các giáo sĩ Hồi Giáo đang dạo chơi giữa làng quê đất Bắc !  Gã không đủ sức làm lớn, nhưng cũng đủ thỏa cái lòng ước vọng về danh giá xứ Bắc đang tôn sùng. Giữa đám cây lá cà phê xanh ngát,  có một cái mũ chóp màu trắng, cũng hay hay!

 Bấy giờ,  gã đã thường xuyên chạy min-cơ  lên xuống huyện, tỉnh và các cơ quan. Gã kéo ở quê Sơn-Tây vào thêm mấy thằng cháu lo việc nhà, mở vườn trại trồng cà phê, tiêu giúp vợ chồng gã,   để gã đã toàn tâm, toàn lực lo việc nhà nước. Gã cho tôi hay, bận lắm, bận lắm. Khi thì gặp anh Bảy lúc gặp anh Ba. Các sở ban ngành đều chỗ quen biết. Gã chặc lưỡi, tâm tình:

- Như đã nói với Bác, mình ban phát và nhận lại, cho nhau ân huệ của nhà nước cả, ai cũng vui,  ai cũng lấy mỡ nó rán nó. Của nhà nước như núi vàng, mỗi người hưởng một chút có là bao, chút “nòng nợn” có là bao, nay bác này, mai bác kia vài cân. Vui cả thôi mà! Thế mà em đi đâu cũng thông suốt cả đấy bác ạ!

- Ồ, em quên kể bác nghe. Khi bác chạy xe lên tuyến thủy lợi Đak Mưng, thì em cũng gặp khốn vì đơn tố cáo bệnh heo thịt “lắc đầu”, chúng nó bảo từ ngày em về phụ trách trại thì tổng đàn lợn thịt là hơn năm trăm con, vậy mà cái bệnh heo lắc đầu đó “lụi dần”, nay chỉ còn non ba trăm. Vậy mà em cứ bán khoán cho tư thương giá heo xả bệnh. Rồi xí nghiệp mời ban thanh-tra của Sở Nông-Nghiệp xuống làm việc, đoàn chạy xe u-oát bất ngờ xuống khi có một con heo thịt sáu tháng tuổi, mơn mỡn hồng hào bỏ ăn, cứ chạy tới chạy lui, thỉnh thoảng lại “lắc đầu” húc đầu vào vách. Nhìn chú heo nhỏ rãi, bỏ ăn, cả đoàn đề nghị thịt để định bệnh. Ôi các ông Thú y tay ngang ngổi phè ở Sở thì biết gì; vạch tới vạch lui và ở lại “nuộc nòng, nuộc thịt” chén và phán:”Chà ngon thật, thôi để từ từ … đây là đề tài nghiên cứu khoa học về bệnh “lắc đầu” đấy!  Bệnh lạ”

- Rồi nhóm bốn ông ở Sở nông nghiệp cùng hợp-tac đi sâu đăng kí đề tài nghiên cứu bệnh heo “lắc đầu”, còn em  được xí nghiệp đưa lên sở hợp tác nghiên-cứu. Em cười mũi vào ba cái trò “mèo” nghiên cứu đấy bác ạ! Một bọn gà mờ bày trò, loay hoay ký hợp đồng dịch vụ với xí nghiệp heo, đề tài có vẻ ghê gớm: “quy trình và đề án trị bệnh lắc đầu của heo”, xí nghiệp bán heo nộp tiền cho đề án,  mấy nhà nghiên cứu thì cứ thỉnh thoảng chờ em lên tỉnh cùng nghiên cứu món “nòng nuộc với dồi và mắm tôm” chỉ cần đôi chai cuốc lủi là hè nhau thỏa thuận: ”kẻ đá người nâng” cho các ban nghiên cứu “lắc đầu” mỗi lão vài triệu là câm như hến với kết luận khoa học đầy tính thuyết phục :”bệnh lắc đầu của heo chỉ là bệnh thời vụ, cần bổ sung các chất…cần vệ sinh môi trường… cần tăng cường đề kháng … khi có hiện tượng thì nên tách riêng con bệnh và thịt trước khi phát bệnh nặng. Đây là loại bệnh không lây truyền…”. Bác thấy đấy, tôi cầm tờ kết luận trong báo cáo khoa học về cơ quan và từ  hơn ba trăm, từ từ đàn heo thịt rụng dần, rụng dần,  chúng phải “lắc đầu” để góp công sức xây dựng,  phát triển … chứ!  Phải không nào!

Mấy năm sau,  tôi đổi qua đội xe khác, đổi sang lái xe Reo lớn chở đá hộc xây đập thủy điện ở huyện cách xa tỉnh lỵ hơn sáu chục cây số ngược về phía Bắc của tỉnh. Đội xe cũ vẫn còn tiếp tục công việc ở gần xí nghiệp heo của gã. Tôi nghe bác Sính, phụ trách đời sống đội xe kể về gã,  khi các đội xe tập hợp về tỉnh liên hoan nhân ngày cuối năm.

- Này, xí nghiệp heo to lớn thế mà phải giải thể, gần cả trăm lao động tại xí nghiệp phải nghỉ việc. Làm ăn càng ngày càng lổ nặng, người ngợm thì càng ngày càng tăng lên, trong  khi heo càng ngày càng hao hụt dần. Heo xả thịt bán giá trong, giá ngoài ngang nhiên, nghe đâu bệnh “lắc đầu” không chữa trị được đã làm đàn heo đi đoong!”. Tay Viễn-Thông nghe nói được điều chuyển về tỉnh sau khi tốt nghiệp đại học tại chức, nghe đâu đang đi học chuyên tu ngành gì đó thuộc sở  Công-Thương. Tay ấy quả là giỏi thật, con Mến con gái gã thì đã trúng tuyển cho đi học bác- sĩ y-  tế cộng-đồng Tây-Nguyên  để phục vụ nhu cầu bà con dân tộc. Gã đã bán căn nhà thần đèn  Aladin ở dưới huyện, lên mua nhà trên tỉnh rồi. Bây giờ anh gặp chắc cũng không nhận ra gã đâu. Chỉ  tiếc cho cái trại heo quy củ to lớn như vậy mà bị  bệnh heo nó “lắc đầu” xóa sổ. Và  cũng từ ấy trạm y tế đóng cửa  và nhà nguyện nhỏ ở xóm giáo cũng im vắng tiếng chuông. Khi đi ngang qua Trại heo, gió thổi mấy miếng tôn rách  rệu rả của nhà nguyện kêu rít lên như đang rên xiết …

(Còn tiếp)

No comments:

Post a Comment

Thất Bại Nhục Nhã Của Truyền Thông Định Hướng

TTR: Cho đến năm 2015 khi Donald Trump ra tranh cử tổng thống Mỹ thì chưa có một ứng viên tranh chức tổng thống nào, hay rộng hơn, một chức ...