03 April 2014

Một cái tát ngoại giao vào mặt Bắc Kinh

Nước Đức tặng Trung Quốc bản đồ cổ không có Hoàng Sa, Trường Sa

Tin được loan truyền rộng rãi trên internet:

Trong chuyến thăm Đức vừa qua, ngày 28.3, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tặng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tấm bản đồ Trung Quốc in năm 1735, trên đó biên giới Trung Quốc chỉ tới đảo Hải Nam, theo tạp chí Foreign Policy ngày 1.4.


Tại Phủ Thủ tướng Đức ở Berlin tối 28.3:  Thủ tướng Đức và Chủ tịch Trung Quốc xem bản đồ Trung Quốc cổ thế kỷ 18 do Jean-Baptiste Bourguignon d'Anville (Pháp) vẽ - Ảnh: Cơ quan báo chí chính phủ Đức (BPA)

Tấm bản đồ này do nhà bản đồ học người Pháp, ông  Jean-Baptiste Bourguignon d'Anville vẽ, được một nhà xuất bản Đức in năm 1735. Thủ tướng Đức tặng bản đồ cổ này cho Chủ tịch Trung Quốc trong buổi chiêu đãi tối, trong phần trao đổi quà tặng.

Bản đồ của d'Anville dựa trên những khảo sát địa lý của các đoàn truyền giáo Dòng Tên ở Trung Quốc và được xem là "tổng kết hiểu biết của châu Âu về Trung Quốc thế kỷ 18".

Tấm bản đồ này, theo chú thích tiếng Latinh trên đó, chỉ ra một "Trung Quốc đích thực", trong đó khu trung tâm Trung Quốc chủ yếu là người Hán, không có Tây Tạng, Tân Cương, Mông Cổ, hay Mãn Châu. Còn hai đảo Đài Loan và Hải Nam được thể hiện bằng biên giới khác màu với biên giới Trung Quốc đích thực.

Dĩ nhiên là hoàn toàn không có Hoàng Sa, Trường Sa trong tấm bản đồ thế kỷ 18 này.

Báo chí Trung Quốc đã không công bố bản đồ d'Anville, mà lại đưa ra bản đồ khác và nói đó là bản đồ bà Merkel tặng (!). Bản đồ này của nhà bản đồ học người Anh tên John Dower, được nhà xuất bản Henry Teesdale & Co. in ở London năm 1844, trong đó bao gồm Tây Tạng, Tân Cương, Mông Cổ và một phần lớn Siberia.


Tấm bản đồ Trung Quốc cổ, của nhà bản đồ học người Pháp Jean-Baptiste Bourguignon d'Anville vẽ, được một nhà xuất bản Đức in năm 1735 - Ảnh: FP

Tuy nhiên trên các mạng xã hội Trung Quốc lại có thông tin về cả hai bản đồ này. Với bản đồ d'Anville, cư dân mạng Trung Quốc giận dữ với món quà bà Merkel tặng, cho rằng đó là "món quà vụng về", hoặc "Đức chắc có động cơ thầm kín", hay đi xa hơn là cáo buộc bà Merkel muốn hợp pháp hóa các phong trào đòi độc lập của Tây Tạng, Tân Cương v.v.

Còn bản đồ Dower trái lại được đón chào hơn, và có người còn tự hào về lãnh thổ cũng như quyền lực to lớn của đế quốc Trung Hoa trước đây.
_______________________

Trung Quốc bối rối trước tấm bản đồ cổ
30/07/2012 03:20

Thông tin về tấm bản đồ đời nhà Thanh không có Hoàng Sa, Trường Sa do truyền thông Trung Quốc đăng tải thu hút chú ý của dư luận nước này.

Mấy ngày qua, trên các diễn đàn mạng Trung Quốc liên tục nổ ra tranh luận về Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ do nhà Thanh xuất bản năm 1905. Như các báo Việt Nam đã đưa tin, tấm bản đồ thể hiện rõ biên giới phía nam Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam là hết. Đây là một bằng chứng không thể chối cãi, có giá trị lịch sử, pháp lý để phản bác các tuyên bố sai trái lâu nay của Trung Quốc về 2 quần đảo của Việt Nam. Mới đây, tấm bản đồ vừa được TS Mai Hồng, nguyên Trưởng phòng Tư liệu Viện Hán Nôm, trao tặng cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Sau đó, hàng loạt cơ quan truyền thông Trung Quốc, lớn có Đài Phượng Hoàng, mạng tin Sina, nhỏ có báo mạng Stockstar, mạng Tân Lãng, đều đăng lại thông tin về Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ. Theo thống kê, bản tin kèm video của Đài Phượng Hoàng và Sina tường thuật quang cảnh buổi lễ trao tặng nói trên đã thu hút gần nửa triệu lượt xem chỉ sau 2 ngày. Các báo đài này còn giới thiệu tỉ mỉ về tấm bản đồ cũng như dẫn lời TS Mai Hồng và các chuyên gia, học giả Việt Nam về giá trị, ý nghĩa của nó. Trong bản tin, Stockstar dùng cả tên Hoàng Sa và Trường Sa thay vì những cách gọi ngụy xưng Tây Sa, Nam Sa.

 Bản đồ Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ - Ảnh: Ngô Vương Anh

Đến nay, chính quyền và giới học giả Trung Quốc vẫn im lặng về vấn đề trên nhưng các cư dân mạng nước này bàn luận rất sôi nổi. Trên diễn đàn Lt.cjdby.net/thread-1425902-1-1.html, một số người Trung Quốc thừa nhận rằng với nội dung bản đồ như vậy thì đúng là Trường Sa, Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Một số khác vẫn còn ngờ vực và đề nghị tìm kiếm thêm các bản đồ cũ hơn nữa của Trung Quốc để đối chiếu. Tuy nhiên cũng có một bộ phận ngạo mạn thách thức: “Trên thế giới này có ai dám cùng Trung Quốc chơi lịch sử nào?”. Một số khác cho rằng việc Việt Nam đòi chứng minh chủ quyền bằng bản đồ là “ngụy tạo bắt chước những gì Hàn Quốc từng làm đối với tranh chấp đảo đá Ieodo/Tô Nham Tiêu”… (TNOL)

No comments:

Post a Comment

Người Bỏ Lễ Đêm Đông, thơ

Dạo:        Đêm nay Thiên Chúa giáng trần, Xin thương cứu giúp người dân khốn cùng. Người Bỏ Lễ Đêm Đông Đêm đất Bắc, gió mài da tím ngắt, N...