22 July 2013

trưa nắng nơi tạm dung, tùy bút

Một hôm tôi mải miết nhìn chòm hoa tím dưới chân đồi như một mái tóc trên hai thân cây giữa đám ruộng. Cái tim tím trăng trắng nhẹ nhàng êm ả, nhẹ nhàng đến độ cây cuốc trong tay như muốn bay bỗng lên cao. Đó là lúc cây bằng lăng nở rộ.

Vợ tôi đến đây mấy năm rồi còn tôi mới đến sau ngày cải tạo về. Tôi ngừng đây nói cái nầy em có hờn không. Tôi có người vợ khá đẹp nhưng rất duyên, mang máng hao hao giông giống cô bạn đâu đây trong khung cảnh đặc biệt nầy. Nhà tôi rất thích những cành hoa bằng lăng tim tím ấy.

Trên vũng ruộng sâu nơi hai thân cây bằng lăng lớn bằng cột nhà đứng dưới mái tóc kia, vợ chồng tôi cuốc xới trồng lúa qua ngày. Cây bằng lăng tỏa ra một bóng mát lúc nắng hạn. Khi hoa nở rộ thì ruộng khô vì nó chỉ nở vào nắng như dạo nầy ta đang nói chuyện đây. Ruộng khô tuy nằm ngay bờ suối mà không tài nào tát nước vào được vì chỉ có hai vợ chồng, các con còn nhỏ quá. Chúng tôi không đuổi kịp độ bốc hơi và nước rút qua kẽ nứt. Cạnh bờ suối tôi vực lên thành những mảnh ruộng nhỏ như chiếc giường nằm mà chim chóc cứ đến chiếm hết thóc. Đuổi chúng đi thì chúng núp vào cây bằng lăng. Đàn chim sẻ kia, chúng thích hoa bằng lăng như vợ chồng tôi chăng? Thằng em tôi cứ nằn nì chặt cho được cây bằng lăng.

Ở nơi tôi sống không có gì là hoa, nhất là khi nắng ráo khô cằn. May cho tôi có khóm hoa bẳng lăng tim tím trăng trắng nhẹ nhàng, nhẹ nhàng làm cây cuốc nặng nề như muốn bay bỗng lên. Mà cũng giống như nơi đây ta tạm dung chẳng có gì là hoa. May mà còn có cành hoa nho nhỏ tim tím kia cho đời còn dễ thương. Trẻ em nghịch thật, trèo lên cây bẻ hết, may ra còn một cành hoa, em thấy không?

Ấy thế mà thằng em tôi cứ đòi chặt cho được cây bằng lăng kia. Quanh gốc cây năm nầy tháng nọ, nhổ cỏ lúa thì quẳng vào đấy. Nó thành mô cao, chuột vào làm tổ phá lúa. Một hôm vợ chồng tôi nhất quyết san bằng đống cỏ mục lẫn đất cho ruộng thêm vài chục gốc rạ. Lúc ấy mới biết rằng bên dưới là hai gốc cây lớn đã bị cắt ngang còn lại như hai tản đá của tiên ông ngồi đánh cờ. Còn hai thân bằng lăng kia chỉ là hai nhánh nhỏ cố vươn lên trong thế hệ mới mà vẫn cho khóm hoa trăng trắng tim tím kia

Tôi đau đớn nhìn hai gốc cây đen sì mất trong đống cỏ mục và chính chúng cũng bắt đầu mục. Tôi nhất quyết không bao giờ cho đốn cây bằng lăng.

À mà em có bao giờ vào rừng chưa? Ở vào thế kỷ cải tạo nầy, chắc em đã vào rừng một lần thăm nuôi anh em hay bố mẹ. Cây cối trong rừng làm em kinh hãi với thân đen sụi sần sù. Nhưng cây bằng lăng bao giờ bao giờ da cũng trắng mà thân lại mảnh mai vươn lên thẳng thớm mà hoa lại đẹp. Nó chào em đấy.

Trông kìa trước mắt chỉ còn một nhánh bông bằng lăng tim tím mà thôi. Dẫu sao cũng còn một cành hoa cho cái khô héo nầy. Khi nó tàn mưa trời sẽ trút xuống, đất sởi mềm và hạt mộng vươn lên. Mưa trời sẽ rơi xuống làm lắng đọng tất cả những xôn xao của lòng mình, khơi những mạch máu mới cho con tim. Cái thung lũng kia sẽ xanh thêm, đẹp thêm.

Có bao giờ em đứng trên lầu building đầy nhóc người nhìn xuống dưới kia thăm thẳm thung lũng chạy dài và đôi mắt em cũng chạy dài theo nó như một nét nhạc chạy dài vào nơi vô tận. Và mưa kia sẽ đi đến nơi mắt em ngừng nghỉ. Hoa bằng lăng tim tím kia sẽ chết đi đem mưa trở lại. Dấu hiệu mưa đã rõ ràng. Lạ nhỉ sao mưa cần cái gì báo hiệu. Trong cuộc đời cái gì cũng cần báo hiệu cả sao? Có cái gì không cần báo hiệu mà nó đến hay không? Nó đến bao giờ mà mình không biết không? Có cái đó hay không, em?

Tôi cứ nhìn mãi cánh bằng lăng kia, nó cũng nhẹ nhõm như khóm bằng lăng ở nhà tôi lúc lao động mệt mỏi, chống cán cuốc bên đám khoai mì nhìn mãi không thôi cái hoa tim tím ấy.

Tôi không sợ một chú bé tinh nghịch nhảy tót lên bẻ cành hoa cuối cùng kia. Vì nó đã hiện diện, báo hiệu cho một mùa mưa sắp đến; nhiệm vụ hoàn tất. Cứ thế mà chờ mưa thôi. Hay có khi đã mưa rồi. Mưa từ nguồn. Mưa chuyển từ mạch nước của lòng đất. Chuyển đến trời cao, chuyển đến nguồn rồi chuyển đến ta.

Cứ nhìn hoa bằng lăng dưới vực ruộng kia, vợ tôi thấy vơi đi chốc lát cái khổ đau của thời cuộc, cho dù thân thể mục nát dần như hai gốc cây bằng lăng chìm mất trong đám cỏ mục. Người vợ ấy duyên lắm, vâng, duyên lắm, có cái nét hao hao giông giống cô bạn đâu đây trong khung cảnh đặc biệt nầy. Giờ đây tôi sống lại trong một cảnh đồng quê dậy nắng nơi chỉ có hoa bằng lăng vào lúc khô ráo tột độ, và nơi vợ tôi vẫn cuốc đất trồng khoai để nuôi con./-

tôn thất tuệ

No comments:

Post a Comment

Câu Chuyện Đêm Giáng Sinh

Buổi chiều ngày 24 tháng 12 năm 2004, Wendy, cô sinh viên năm thứ hai đại học Dược khoa đang đứng đợi chuyến xe lửa dưới subway của thành ph...