05 July 2013

Trận Điện Biên Phủ

Nguyên tác Henri Navarre
Trong Đạt dịch

Đây chỉ là một bản tường thuật khách quan và vô tư về trận Điện Biên Phủ. Mô tả trận đánh này bằng cảm tưởng chính xác, chứng tỏ sự anh dũng trong chiến đấu, những nỗi gian khổ cam chịu và những hy sinh đã cống hiến chỉ có thể là tàc phẩm của những chính những người lính chiến, của những người đã sống, dưới đất hoặc trên không.  Với sự cố ý (của tác giả), sẽ không có ai được nêu tên: kể tên vài người sẽ phạm bất công với những người khác mà hầu như tất cả đều xứng đáng.

Người ta cũng sẽ không thấy sự biện minh cho những quyết định liên quan đến việc chỉ đạo trận chiến. Để cho sự diễn tả được sáng sủa, những lời biện minh này sẽ được đặt ở cuối chương thì hay hơn.
**

Trước trận đánh một ngày (12 tháng ba), chúng tôi có tin tình báo khá đầy đủ về ý định của địch. Chúng tôi được biết từ ngày 13, các trung tâm kháng cự đơn độc (Béatrice, Gabrielle, Isabelle) sẽ được lần lượt thanh toán và cuộc tấn công vị trí trung ương sẽ tiếp theo sau đó. Có vài dấu hiệu cho ta suy đoán địch trù tính chiếm toàn bộ đồn lũy từ năm tới bẩy ngày.

Trận đánh kéo dài từ 13 tháng ba cho tới 7 tháng năm, có thể chia sơ lược  thành một số giai đoạn như dưới đây.

Trong giai đoạn đầu (từ 13 tới 15-3) địch tấn công và phá hủy các trung tâm kháng cự Bắc và Đông Bắc.

Trong đêm 13 và 14, địch tấn công Béatrice và có ý định xuống Gabrielle. Gabrielle còn đứng vững nhưng Béatrice sụp đổ sau vài giờ giao tranh. Sự sụp đổ nhanh chóng một trung tâm kháng cự rất kiên cố và được một tiểu đoàn lê dương rất thiện chiến bảo vệ (tiểu đoàn III/13 D.B.L.E) trước hết là do tiểu đoàn trưởng, tiểu đoàn phó và ông chỉ huy trung tâm thiệt mạng ngay trong khi đang sửa soạn khai hỏa đại bác, cả ba chết vì mảnh đạn pháo của địch xuyên qua lỗ châu mai quan sát. Do đó trong bộ chỉ huy y như rắn mất đầu. Không còn ai lãnh đạo cuộc phòng thủ, đạn pháo bắn theo yêu cầu không chính xác như đòi hỏi và không phản pháo được.

Đêm hôm sau (14 tới 15), Gabrielle (do tiểu đoàn V/ 7e R.T.A) đến lượt bị tấn công bắt đầu lúc 20 giờ (8giờ tối). Lúc 22 giờ (10 giờ tối) bị chận đứng hoàn toàn bới pháo yểm trợ và hỏa lực kết hợp của phòng thủ. Tiểu đoàn trưởng phải bố trí lại và xử dụng phần lớn quân trừ bị. Địch tấn công tiếp vào lúc 2 giờ 30 khuya bằng những đơn vị mới và đặt chân được lên mặt Đông Bắc. Vào lúc 4 giờ 30, tiểu đoàn trưởng và tiểu đoàn phó bị thương nặng. Cũng như Béatrice hôm qua, không còn ai chỉ huy chiến đấu nên căn cứ bị địch tràn ngập. Còn lại một lực lượng khoảng một đại đội rưỡi còn bám trụ ở phía nam trung tâm kháng cự. Cuộc phản công có chiến xa yểm trợ được tung ra lúc 5 giờ 30 từ vị trí trung ương, tới 7 giờ thì tới sườn đồi phía nam của Gabrielle nhưng trước sự phản công dữ đội của địch không thể tới trung tâm kháng cự được và đành phải tiếp cứu đám tàn quân của doanh trại này.

Sự sụp đổ của hai trung tâm kháng cự phía ngoài đưa tới những hậu quả nặng nề cho chúng tôi. Bố trí phòng ngự vòng ngoài phía Bắc, Đông Bắc của ta bị biến mất, đối phương sẽ mang pháo binh, cao xạ phòng không lại gần hơn.

Chúng tôi bị thiệt hại nặng và đã xử dụng một số lượng đạn dược rất lớn, kho đạn của ta giảm nhiều, cần thời gian để làm cho đầy lại. Địch cũng tổn thất như vậy và cũng xử dụng nhiều đạn dược không thể tiếp tục tấn công ngay lúc này  

Trong một giai đoạn hai (từ 16 tới 30 tháng ba) địch tăng viện để bổ sung tổn thất và tăng cường thêm kho dự trữ đạn dược. Phía chúng tôi tổ chức lại và tăng cường quân để bố trí.

Từ ngày 13 tướng Cogny xin tôi cấp thêm ba tiểu đoàn nhẩy dù (trong số 5 tiểu đoàn trừ bị) để mở cuộc phản công chiếm lại những trung tâm kháng cự đã bị mất. Yêu cầu được chấp thuận ngay và ngày 14, 16 tháng ba hai tiểu đoàn (6e B.P.C và 5e B.P.V.N) đã được nhẩy xuống đồn lũy ngay. Đáng tiếc là đại tá de Castrie đã xử dụng gần hết quân trừ bị để bố trí và nay chủ lực quân không đủ khả năng thực hiện cuộc phản công mạnh. Kho đạn cũng hao hụt nhiều còn ít thôi. Vả lại, thời tiết rất xấu không thể xử dụng nhiều máy bay yểm trợ trong ba ngày. Sau khi hội ý với đại tá de Castrie, tướng Cogny hủy bỏ cuộc phản công.

Vì có sự giao động trong các tiểu đoàn người Thái (1), một tiểu đoàn  trong số đó đã bỏ đi (3e B.T), ngày 18, trong số hai điểm tựa phía Bắc của trung tâm kháng cự Anne-Marie, mặt Tây Bắc của vị trí trung ương bị thu nhỏ lại: rút bỏ Anne-Marie, và hai điểm tựa phía Nam của nó được đưa vào Huguette. Sự bố trí của vị trí trung ương do đó được chỉnh lại để tạo một phòng tuyến gần như liên tục ở tất cả phía ngoại vi để chống lại mọi sự xâm nhập mà địch nay đang định tiến về phía phi trường. Sự liên lạc giữa vị trí trung ương và Isabelle được thực hiện hàng ngày nhưng trong những điều kiện ngày càng tạm bợ, địch đang tìm chen vào giữa hai phần này của chiến lũy.

Một chiến dịch thực hiện tại các làng cách phía Tây ĐBP 2km, ở đó địch có đặt những khẩu phòng không loại nhẹ, đã gây nhiều thiệt hại trầm trọng cho VM và chúng tôi đã chiếm được nhiều đại liên 12 ly 7. Trong giai đoạn này việc tiếp tế bằng thả dù vẫn trong điều kiện bình thường mặc dù có phòng không địch.

Việc di tản (thương binh) trái lại rất khó khăn chỉ thực hiện được bất ngờ và rất vội vã bằng những máy bay và trực thăng trong vài phút tại địa  điểm đã được dọn sạch bằng hỏa lực. Chẳng bao lâu, ban ngày không đáp được phải đáp ban đêm tại một đường bay không cắm mốc mà phi cơ phải đáp. Sau mấy ngày, mặc dù sự anh dũng của phi hành đoàn, phải từ bỏ tải thương. Trực thăng cuối cùng bị bắn hạ ngày 23-3 khi bay lên. Phi cơ cuối cùng chở đi 18 thương binh vào ngày 26-3.

Về phía địch ráo riết bao vây xiết chặt gần chiến lũy, những hầm hố xuất hiện xung quanh và nhất là ở mặt Đông, phạm vi không phận dần dần bị đại bác và phòng không địch bao vây mà phản pháo và oanh tạc của phi cơ  Pháp không bịt mõm chúng được.

Trong một giai đoạn thứ ba (từ 30 tháng ba tới 5 tháng tư) địch mở cuộc tấn công chiếm bớt mặt Đông của khu trung ương và chiếm một vị trí phòng thủ quan trọng ở mặt Tây bắc. Đó là giai đoạn chính của trận đánh.

Chiều tối 31 tháng ba, Việt Minh mở cuộc tấn công dữ dội ở mặt Đông. Vị trí này bị sứt mẻ. Những trận đánh ác liệt diễn ra từ 31 tháng ba tới 4 tháng tư . Quân đội của chúng tôi –có vài đơn vị phải đương đầu với lực lượng đông gấp 7 lần - đã chiếm lại một phần những vị trí đã mất nhờ yểm trợ của pháo binh và không quân. Đáng tiêc hai điểm tựa cao, bao quát đã lọt vào tay địch, họ có thể đặt pháo binh và cao xạ cách phi trường và các vị trí pháo binh của chúng tôi chưa tới 1,500 mét , như thế nó đánh dấu bước đầu  sự sụp đổ của chiến lũy.

Vả lại, một phần của tiếu đoàn Thái bỏ trốn (2e B.T.) đưa tới sự rút ngắn, co cụm của mặt Tây Bắc và khiến cho địch tại đó kéo pháo đến gần hơn. Thả dù ngày càng khó và kho đạn được xử dụng rất hạn chế. Ngày 3 và 4 tháng tư, một tiểu đoàn nhẩy dù thứ ba (II/1er R.C.P) được thả xuống để bù lại những tổn thất và khai triển bố trí.

Giai đoạn thứ tư (từ 5 tháng tư tới 1 tháng năm) áp lực địch đè nặng mặt Tây Bắc và đồn lũy chết lịm dần bởi súng phòng không.
  
Địch bị tổn thất ngoài mọi tiên đoán, chính họ cũng bị thiếu thốn đạn dược phải ngưng tấn công ồ ạt nhưng mỗi dêm vẫn ra sức đào giao thông hào tới gần hơn. Ngày 1 tháng năm toàn bộ hệ thống giao thông hào địch đạt tới vào khoảng 440 km.

Sự xâm nhập của VM trên mặt Tây Bắc khiến cho việc tiếp tế cho các vị trí phòng thủ bảo vệ nơi đây dần dần không thực hiện được. Chúng tôi tiếp tục cuộc chiến dai dẳng bằng không quân nhưng địch gặm dần hệ thống phòng thủ và buộc chúng tôi phải bố trí co cụm dần.

Phòng không địch ngày càng lại gần khiến cho việc thả dù ngày càng nguy hiểm hơn. Họ bắn trực xạ với khoảng cách gần hơn. Địch quấy phá liên tục khiến cho mọi việc cất cánh của các phi cơ, liên lạc, tiếp tế và lấy đồ thả dù phải trả giá cao. Tiểu đoàn dù thứ tư (2e.B.E.P) được nhẩy xuống ngày 11 và 12 tháng 4 giúp Pháp chiếm lại vị trí phòng thủ mặt Đông nhờ một cuộc phản công mãnh liệt không ngờ.

Mặc dù màng lưới phòng không địch và diện tích chiến lũy thu nhỏ lại, trung bình một ngày thả xuống 100 tấn hàng cũng như tăng viện quân ngoài  lính dù (gồm các chuyên viên, pháo thủ). Trong giai đoạn này tình trạng cứu thương y tế ngày càng rất trầm trọng vì số thương binh nhập viện vượt quá xa khả năng của bệnh xá mặc dù đã được ước tính thật rộng lớn lúc ban đầu (2) và về sau mở rộng tối đa. Chúng tôi chịu một trở ngại lớn từ việc này. Trong những ngày cuối tháng tư, trời mưa khiến hầm trở thành bùn lầy khiến vài nơi hầm trú ẩn bị sụp đã làm tê liệt hoạt động của chúng tôi.

Giai đoạn thứ năm là cuộc tổng tấn công trên khắp các mặt bố trí và sự thất thủ của đồn lũy.

Những đợt khởi đầu của địch cùng lúc diễn ra, họ tái lập các đơn vị tăng viện mạnh để bù vào những tổn thất, bổ sung các kho đạn dược. Trước mặt họ chỉ là những đơn vị thiếu hụt, kiệt lực (3), pháo binh của chúng tôi bị hủy một phần, việc tiếp tế đạn yếu kém.

Ngày 1 tháng năm bộ chỉ huy Việt Minh mở cuộc tổng tấn công. Sau những trận đánh kéo dài suốt ngày, vòng ngoại vi của vị trí trung ương bị sứt mẻ hết. Những trận phản công chỉ khôi phục cục bộ sự bố trí.

Đứng trước sự lựa chọn, hoặc phải ngưng chiến đấu vì thiếu chủ lực   quân, hoặc tiếp tục thêm vài ngày bằng tăng viện, tôi quyết định theo yêu cầu của tướng Cogny, cho nhẩy dù thêm một tiểu đoàn thứ năm (1e B.P.C) từ ngày 2 tháng năm nhưng trước những khó khăn ngày càng nhiều vì diện tích để đổ quân ngày càng hẹp, chỉ có một nửa tiều đoàn là được thả xuống.

Giữa ngày 3 và 6 tháng 5 tương đối lắng dịu rồi từ tối tháng 6 cho tới tháng 7 đồn lũy bị tấn công dữ dội tại toàn bộ vùng ngoại vi nhất là mặt Đông. Đồng thời địch pháo tới tấp xuống Isabelle khiến cho pháo binh tại đây bị phá hủy gần như hoàn toàn.

Tới rạng đông, tình thế tuyệt vọng, địch tấn công liên tục không lúc nào ngớt cho tới khi kết thúc. Vị trí trung ương ĐBP sụp đổ vào ngày 7 tháng 5 trong khoảng 17 và 19 giờ. Không có đầu hàng, nhưng trận đánh tàn lụi dần khi các vị trí kháng cự bị tràn ngập. Đồn Isabelle dự định khi chập tối trốn đi nhưng thất bại. Ngày 8 tháng 5, lúc 2 giờ sáng mất liên lạc máy vô tuyến điện.
**

Thiệt hại của chúng tôi lên tới khoảng  16,000 người, trong đó có 1,500 bị chết và 4,000 bị thương (4). Nó bao gồm 16 tiểu đoàn (trong đó có 7 tiểu đoàn nhẩy dù), 2 pháo đội 105 ly và một pháo đội 155 ly , một thiết đội và những đội thuộc những binh chủng và cơ sở khác (5).

Tổn thất địch khó ước lượng chính xác. Một cuộc nghiên cứu chặt chẽ  ngay sau trận đánh cho ta xác định tối thiểu 20,000 người  bị loại khỏi vòng chiến, trong đó từ 10,000 cho tới 12,000 bị chết gần sự thật hơn và có lẽ còn thấp hơn nhiều.

Về mặt số lượng tổn thất của Việt Minh trong mọi trường hợp cao hơn Pháp rất nhiều. Vế mặt phẩm nó cũng thiệt hại không kém, vì nếu chúng tôi mất những đơn vị tinh nhuệ (Lê dương- Bắc Phi- Nhẩy dù) thì địch cũng bị hủy hoại một phần lớn các sư đoàn xung kích (308 và 312) và mất những cấp chỉ huy ưu tú.


Chú thich.
(1) Các tiểu đoàn Thái mặc dầu chiến đấu xoàng nhưng cũng được đưa vào ĐBP để tham gia vào các hoạt động ngoại vi của chiến lũy (dò thám, tuần tiễu, liên lạc), họ rành về địa thế tại đây nên rất thích hợp với nhiệm vụ. Vào lúc trận tấn công coi như chắc chắn sẽ diễn ra, đại tá de Castrie đã nhiều lần hỏi tướng Cogny cho thay họ bằng những tiểu đoàn thiện chiến hơn trích ra từ Châu thổ BV. Việc thay thế này tôi đã đồng ý nhưng vẫn chưa được thực hiện khi địch tấn công (chú thích của tác giả H.N.)

(2) Khả năng chứa của bệnh xá đã được tính dựa trên căn bản của căn cứ Nasan (có cùng 12,000 chủ lực quân) rồi nhân lên 3 lần rưỡi. Từ 13 tháng ba cho tới 7 tháng năm, 3,000 thương binh đã được chữa trị trong các trạm giải phẫu. Có tất cả 1,000 ca mổ. Tỷ lệ thương binh chết trong các bệnh xá của đồn lũy là 12 trên 100. Số người chết cho tới 7 tháng 5 khoảng 1,500 người.
Nhưng nhiều thương binh chết sau khi bị bắt giam (chú thích của tác giả).

(3) Những đơn vị Pháp (chú thích của người dịch).

(4) Theo Bernard B. Fall trong Hell in a Very Small Place, The Siege of Dien Bien Phu trang 448 nói VM có khoảng 8,000 chết, Pháp khoảng 2,000 người chết. Tính tới ngày 8 tháng 5 phía người Pháp có tổng cộng 2,242 người chết, 6,463 người bị thương 3,711 người mất tích, 6,500 người bị bắt làm tù binh vào ngày 7 và 8 tháng 5 (trang 484). Theo tác giả Cao Thế Dung trong cuốn Viêt Nam 30 năm Máu Lửa, phần nói về trận ĐBP cho biết phía VM không có cứu thương y tế nên số tử vong rất cao, Trung Cộng chỉ viện trợ hai bác sĩ cho cả chiến trường

Theo yahoo.fr , La Bataille de Dien Bien Phu , phía người Pháp có 2,293 người chết, 5,195 bị thương, 11, 721 bị bắt làm tù binh, chỉ có 3,290 sống sót trở về Pháp. Phía Việt Minh chết trong khoảng 23 và 25,000 người, khoảng 15,000 bị thương (theo ước lượng của Pháp). Phía VM nói họ chết 4,020 ngừoi, 9,118 bị thương (chú thích của người dịch)

(5) Tính theo tỷ lệ chủ lực quân toàn Đông Dương, tổn thất của chúng tôi dưới 5 phần 100 (chú thích của tác giả).

(Trích dịch trong Agonie de L’Indochine từ trang 220 tới trang 229)
Trọng Đạt

No comments:

Post a Comment

Câu Chuyện Đêm Giáng Sinh

Buổi chiều ngày 24 tháng 12 năm 2004, Wendy, cô sinh viên năm thứ hai đại học Dược khoa đang đứng đợi chuyến xe lửa dưới subway của thành ph...