23 July 2013

LẠC VÀO KHUNG TRỜI CŨ, tự truyện

Con đường nào lại chẳng có những đoạn mấp mô gập ghềnh. Cũng vậy chẳng có cuộc đời nào phẳng lặng, suông sẻ cả. Nếu cuộc đời lại gắn liền với nghề công bộc thì chắc chắn còn đa tạp hơn nữa. Đủ mọi thành phần xã hội phải tiếp xúc và đủ mọi tính khí phải hiểu để nương theo mà sống, mà giải quyết, mà đôi khi phải đối phó cũng nên. Kể về đời mình tất có cái vui cái buồn. Ai cũng thích cái vui, chẳng ai thích cái buồn. Nhưng đó là điều chân thực. (TTR)
Đây là những dòng tâm tình, nhờ một cơ duyên nào đó tự biết mình sắp “đi xa, đi thật xa, xa lắm”.  Do vậy, nếu vô tình lọt vào mắt của một vị nào đó, nhận thấy bản thân người này được nêu lên trong tự truyện, thì cũng xin vị đó không oán trách hay la mắng gì đối với lời trần tình hay nói bình dân hơn là sự trăn trối của kẻ sắp lìa cõi trần gian này.  Xin chân thành cám ơn.

Hình như ít lâu nay tôi có cái cảm giác mình sắp sửa đi xa, thật xa.  Tôi thấy lòng mình thật bình yên, thanh thản trước ý nghĩ đó nếu thực sự xẩy đến cho bản thân tôi.  Hạnh phúc chăng, có thể, vì thú thực với chính lòng mình, cho đến giây phút này, tôi vẫn chưa tìm ra ý nghĩa đích thực của hai chữ HẠNH PHÚC.  Nếu cho đó là sự êm ả, sự thoải mái đầy ắp những gì mình ước mong, đợi chờ của một đời người bình thường, thì thực sư tôi đã sống trong hạnh phúc, nhất là luôn có bên cạnh tôi người BẠN ĐỜI chung thủy, vẫn thường xuyên đi với tôi dù trong những giây phút oan nghiệt, đớn đau cùng cực của cuộc sống trên trần gian này. 

Dưới mắt gần như rất nhiều người mà tôi đã gặp, nói với nhau vài câu vô thưởng, vô phạt hoặc chỉ thoáng thấy nhau, gật đầu chào rồi bắt tay nhau theo đúng cung cách của một người có giáo dục gia đình (chứ không phải có bằng cấp này, nọ… ) thì tôi chỉ là một thứ “Công Tử Bột” chỉ biết ăn chơi, hưởng thụ mà chẳng biết cái gì cả.  Tôi chỉ khẽ “nhếch mép”, không tán thưởng mà cũng chẳng cần phản đối vì tôi tự nghĩ nhận xét đó chẳng ích lợi hoặc ảnh hưởng gì đến bản thân tôi, không làm tôi mập hoặc ốm đi, cũng không làm cái túi áo quần tôi đầy hay vơi hơn  trước.

Thực ra, Tạo Hóa đã cho tôi phải trải qua những gì có thể gọi là nghiệt ngã nhất, khó có người nào hoặc nếu có thì cũng rất ít người trên cõi đời này đã đi qua.  Qua những lời mô tả trong tác phẩm đã làm nhà văn người Nga, Solzhenitsyn, nổi tiềng và đoạt giải Nobel Văn Chương của Hàn Lâm Viện Thụy Điển năm 1970 thì những gì ông phải trải qua, đã nếm mùi Ngục Tù Cộng Sản trong “Quần Đảo Ngục Tù ” (The Golag Archipelago) hay “Tầng Đầu Địa Ngục” (One Day In The Life Of Denisovich) thì thật ra chẳng thấm vào đâu cả, đúng như tên gọi là tầng đầu địa ngục, nếu có chăng chỉ là tầng đầu tiên trong một building với nhiều tầng, trong đó có tôi, một mình, chỉ một mình tôi mà thôi, đang ở dưới basement tăm tối, không thể nào có thể tối hơn được nữa, của cái building đó.  Sorry, very sorry, Nhà Văn quá cố này khi đành phải phạm thượng mà thốt lên lời trên.

Ngày xưa tôi luôn là hình ảnh thật bụ bẫm của một trẻ thơ trên hộp sữa bột Babilac, luôn tươi cười và liếng thoắng như 1 trẻ thơ, ngày nay, trong khung trời của một Quốc Gia Hoa Kỳ đa chủng với lòng từ tâm, nhân đạo bao la khi đã cưu mang bản thân tôi, gia đình tôi cùng rất nhiều gia đình Người VN Tỵ Nạn Cộng Sản khác khác nữa, tôi mang tên “Cường Bụt” thì lúc bấy giờ các bạn tù của tôi đã không ngần ngại (và có lẽ đúng nữa) gọi tôi là “Cường Tỏi” (với nghĩa đen là tôi đã ăn nhiều tỏi băm nhỏ do “My House” tiếp tế để ngăn ngừa bệnh sót rét rừng tại khu tăm tối, bạt ngạt cây cối vùng Xuyên Mộc (Tỉnh Phước Tuy, Bà Rịa), rất gần mật khu Mây Tào của VC ngày trước và cũng là nơi giao tranh với VC, gây tổn thất nặng nề cho những đơn vị TQLC  VNCH tham dự (tôi không còn nhớ rõ năm xẩy ra)  nghĩa bóng là họ tin rằng tôi không thể nào còn sống sót sau những trận đòn thù, nhục hình giáng xuống thân thể còm cõi tàn tạ của tôi khi bị biệt giam trong một chỗ tăm tối với hai chân đặt chéo vào nhau trong cùm cộng thêm hai tay bị còng sau lưng.

Những ngày còn thơ, những ngày dệt mộng lúc bắt đầu khôn lớn của tôi có thể gọi là tuyệt vời cho đến khi tôi tốt nghiệp Học Viên Quốc Gia Hành Chánh (QGHC) Ban Đốc Sự Khóa 14 và trấn nhậm nhiệm sở đầu tiên mà tôi đã mô tả đầy đủ trong truyện ngắn đầu tay QUẬN ĐẦU ĐỜI.  Thực sự ra tôi không hề có ý định vào học QGHC dù đã phải trải qua cuộc thi tuyển mà lần đầu tiên tôi tham dự thật là “trần ai khoai củ” (lựa khoảng 100 người trong số trên dưới 3,000 thí sinh) dự kỳ thi tuyển.  Tha thiết xin ai đó đó đừng kết tội tôi đã ăn cháo đái bát, vừa được ăn vừa được gói đem về hoặc là giờ này không được hưởng Ơn Mưa Móc do việc xuất thân QGHC đem lại nên mới ăn nói vô trách nhiệm như vậy mà chỉ vì bản chất lãng mạn, đến chết vẫn không chừa của tôi. 

Ngày xưa, lúc chưa lớn khôn, tôi đã đôi lúc theo chân người chú, một nhạc sĩ nổi tiếng VNCH với những nhạc phẩm hình như được giới thưởng ngoạn mến chuộng cho đến tận bây giờ (Chiều Tím, Tình Quê Hương… ) vào tận các khiêu vũ trường mà chẳng hề hiểu để làm gì (nơi chú tôi trình diễn với tiếng nỉ non, than khóc của cây violon, hoặc than thân trách phận thật trầm buồn, ai oán của chiếc kèn đồng saxophone alto) Người chú này, khi dẫn tôi vào trong các vũ trường, việc đầu tiên ông làm là ấn tôi ngồi vào 1 cái ghế  góc phòng không xa chỗ ông trình diễn và cho tôi 1 chai nước uống.  Tôi say sưa cùng ngẩn người chiêm ngưỡng ban nhạc cùng những cặp đang khiêu vũ, rồi thầm mong mình sẽ sống chết với cây saxophone alto như vậy cùng lả lướt trên sàn nhẩy như những đôi nam nữ đang ẩn hiện trước mắt tôi trong tiếng nhạc du dương êm đềm, dù lúc đó tôi chưa đủ lớn để khiêu vũ.   May mắn là giờ đây tôi đã thực hiện được gần như một nửa giấc mơ đó: việc thường xuyên dập dìu trên nhiều sàn nhẩy khác nhau tại nhiều nơi, nhiều thành phố dưới ánh đèn mờ, lấp lánh huyền ảo.  Gần đây tôi tình cờ quen biết một tay xử dụng loại kèn đồng này thật xuất sắc khi cho tiếng kèn đồng của anh như uất nghẹn, như cố kìm hãm nhưng rồi vẫn thoát ra trong nỗi ray rứt, nghẹn ngào thật thương tâm, trong một ban nhạc tại một thành phố cách nhà tôi trên 100 dặm trường (vì yêu mến tôi nghĩ đó là 1 ban nhạc địa phương.  Đúng là khi thương thì củ ấu cũng tròn)  Hình như rất ít ban nhạc có thành viên xử dụng cây kèn đồng này dù ngay tại Nam California, Thủ Đô Tỵ Nạn, tại sao lại có thể như vậy được nhỉ, khó quá chăng?!


Sau đó tôi đã quyết định không đi học chữ nữa và trình diễn saxophone alto như người chú nhạc sĩ.  Bố tôi đã hỏi ý kiến người này và rồi cấm tuyệt tôi theo chân chú tôi vào các khiêu vũ trường cùng ra lệnh tôi đi học tiếp.  Tôi đã nghe theo và tiếp tục đi học (vì không đủ can đảm sống cho nỗi đam mê, có thể coi là lành mạnh, có thể kiếm đủ sống ít ra cho bản thân tôi)  Sau này khi được biết Nhạc Sĩ Nguyễn Ánh 9 đã hiên ngang rời khỏi căn nhà ông đang sống với bậc sinh thành khi hai người này ra “Tối Hậu Thư” buộc ông phải lựa chọn ở lại nhà và hoàn toàn bỏ hẳn nhạc nhiếc vớ vẩn để đi học hoặc bước chân ra khỏi nhà mà sống cho sự đam mê trong khung cảnh mờ ảo, quyến rũ tại các nơi trình diễn âm nhạc hay tại các khiêu vũ trường.  Ông đã không ngần ngại bỏ nhà ra đi hầu tiếp tục ấp ủ cây đàn dương cầm yêu quý.  Có lẽ nhờ vậy chúng ta mới có những bản nhạc tuyệt vời thường làm lòng người nghe ngẩn ngơ, say đắm mỗi khi thưởng thức dù không phải là lần đầu, điển hình là tác phẩm “Cô Đơn”, đã “thấm” vào hồn tôi, làm tôi như điên đảo khi nghĩ rằng mình cũng giống như vậy dù rằng tôi không có cái DŨNG, hoặc TỰ TIN để bỏ nhà ra đi như người nhạc sĩ này.  Cúi xin Vong Linh Bố tôi đừng giận vì con không bao giờ có ý định oán trách bố đâu, nhất là đối với đấng sinh thành đã nuôi nấng cùng dậy dỗ con nên người.

Sau khi  xong mảnh bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp (hay Tú Tài 1 gì đó) thêm một lần nữa tôi lại kính cẩn thưa với ông bố nghiêm khắc của tôi (tôi ảnh hưởng ai nhỉ mà không hề nghiêm nghị như bố tôi và cũng chẳng hiền hậu như mẹ tôi, hình như tôi hơi “ba, bốn hoặc năm trợn”) là tôi muốn đầu quân làm pilot, lái khu trục cơ chiến đấu, tung mây lướt gió, mà Không Quân VNCH lúc đó đang cần, sau khi tôi đã nuốt trọn tác phẩm “Đời Phi Công” của nhà văn Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh tức Đại Tá Tư Lệnh Không Quân VNCH Nguyễn Xuân Vinh thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm (một giấc mơ tôi giữ kín trong lòng sau chuyến bay di cư vào Miền Nam năm nào)

Bố tôi đã trợn trừng đôi mắt nhìn tôi hình như không hiểu cũng như tức giận vì có lẽ ông đã không quên cái chết trận bi thương của người thân trong gia đình, Nguyễn Ngọc Long, 1 trong những pilot khu trục đầu tiên của Không Quân VN (cùng thời, có lẽ cùng khóa huấn luyện pilot tại Marakech, Maroc, tức Moroco, một xứ nằm ở phía bắc Phi Châu, thuộc địa cũ của nước Pháp với Ông Râu Kẽm, mang nhiều tai tiếng sau này.  Tôi đã có dịp đối ẩm riêng với ông tại 1 tiệm ăn của vợ ông mang tên Miss SaiGon, thuộc thành phố El Monte, gần Quận Cam Calif. năm nào khi ông chưa đầu hàng VC rồi lãnh nhiệm vụ trung gian giữa giới kinh doanh Hoa Kỳ chỉ biết thu tiền với Cộng Sản VN.  Tôi đã được giới thiệu với ông là, thật sai lầm, tôi làm việc cho riêng Quốc Vương VN khi trước, người đã có quá nhiều hiềm khích với ông khi đã  tranh chấp nhau giành độc quyền, cùng với các tướng lãnh Miền Nam khác, cho việc “hy sinh” cứu toàn quân, dân VNCH.  Ai mà lại chẳng muốn “hy sinh” như vậy dù rằng chẳng có tài cán gì như bản thân tôi (?!)  

Hình như Ông Râu Kẽm đã tỏ vẻ e ngại khi tôi ngồi đối diện với ông.  Người bạn đời của ông lúc bấy giờ, không phải là nữ tiếp viên Air VN, tức Air “Rồng Lộn” vì cái logo con rồng đang bay lộn cổ in rõ ràng trên đuôi các máy bay của hãng đó hay phù hiệu trên cổ áo của các nữ tiếp viên, mang ra bình trà đặc biệt mà Ông Râu Kẽm gọi là SàiGòn Tea và trịnh trọng rót vào ly cho tôi cùng mời tôi cụng ly.  Tôi bàng hoàng khi có cái “vinh dự” đó cùng nhận ra trà này là một thứ chất lỏng tôi đam mê từ lâu.  Đựng rượu mạnh XO trong bình trà để tránh những ánh mắt tò mò có thể có của các thực khách vô tình đang hiện diện nơi đó chú ý, như vậy Ông Râu Kẽm đúng là “một tri kỷ” của tôi trên phương diện “DZÔ” ! 

Bố tôi ra hiệu tôi ngồi vào chiếc ghế trước mặt rồi từ tốn hỏi một câu làm tôi “cứng họng” không thể trả lời (từ đó tôi đã tập cách nói làm người đối thoại với mình á khẩu như vậy với âm điệu thật từ tốn, nhẹ nhàng, có thể còn êm ái nữa là đằng khác, khi cần)  Đại ý bố tôi nói nếu tôi xin đi Hải Quân ông sẽ dễ chấp thuận hơn, dù không chắc (tôi là con một, đúng nghĩa, chẳng có anh chị em trai gái gì cả) vì nếu lỡ con tầu tôi đang trôi nổi trên đó hỏng máy hoặc giản dị hơn là lỏng một con ốc nào đó cần vặn chặt lại ngay lập tức chẳng hạn, thì tôi sẽ dễ dàng bơi mà làm chuyện này (dù tôi không hề biết bơi, do việc là con một nên người bố đã cấm tuyệt tôi bén mảng đến chuyện bơi biếc), còn nếu ốc lỏng (chưa nói đến việc chết máy) khi đang bay thì tôi phải đáp ở tầng mây thứ mấy để làm ???  Xin các vị “có thẩm quyền” cho tôi câu trả lời.  Thôi thì đành hẹn kiếp sau, Nhà Văn Toàn Phong ơi!  Rồi lại đi học tiếp như một chuyện đùa cợt.  và cuộc đời  “đưa” tôi vào QGHC (hình như Nhà Văn Mai Thảo đã “dẫn” tôi tới ngôi trường danh tiếng này qua tác phẩm “Viên Đạn Đồng Chữ Nổi”), ra trường và đi tỉnh Bình Định.

Tôi còn nhớ rất rõ người chỉ huy trực tiếp của tôi khi tới quận Hoài Ân (trên giấy tờ) là một đại úy công binh kiến tạo.  Quận này có thể nói là một quận nguy hiểm nhất của tỉnh Bình Định mà tôi miễn cưỡng tới trình diện vì sự lầm lẫn tai hại của chính tôi khi chọn tỉnh đi làm việc tại Bộ Nội Vụ.  Đầu tôi lựa tỉnh Bình Thuận (với thị trấn Phan Thiết, quê hương nước mắm, 1 tỉnh tương đối an toàn và gần Thủ Đô SàiGòn, còn lại khi đến phiên tôi chọn) thì cái miệng của tôi lại nói là Bình Định (với thị trấn Quy Nhơn, Liên Khu 5 cũ của Việt Minh, tức VC sau này).  Tôi nhớ rõ là tôi còn tự thưởng mình bằng cách rung đùi thật là đắc ý trong khi các bạn cùng lớp đều nhìn tôi với vẻ ngạc nhiên vì đều biết rõ tôi chẳng có liên quan gì đến tỉnh Bình Định cả.  Đến khi biết mình nói lộn thì đã quá muộn màng, hai người bạn xếp hạng sau tôi đã lấp đầy hai chỗ mà tỉnh Bình Thuận cần.  Sau đó thì dù thích hay không tôi cũng đã phải “khăn gói quả mướp” đi Quy Nhơn trình diện.

Có lẽ vì cái bản mặt búng ra sữa của tôi (khi còn học ở QGHC, không biết người bạn cùng lớp nào đó đã  “âu yếm” gán cho tôi cái biệt danh Cường Babilac, hình ảnh thật bụ bẫm của một baby trên nhãn hiệu sữa bột Babilac hồi đó và còn tồn tại cho đến tận bây giờ khi tôi sắp lê chân vào một Thế Giới Xa Xăm nào đó) hay vì khuôn mặt nai tơ nhưng lầm lì khó chịu, nên một quan đàn anh QGHC đang đảm nhận chức vụ Phó Tỉnh Bình Định đã chẳng cho tôi quyền lựa hay chọn gì mà ngài liệng tôi thẳng về quận Hoài Ân không một chút luyến tiếc, ngại ngùng, một chỗ mọi người ở tỉnh này đều nghĩ là chắn chắn tôi phải leo lên bàn thờ thật vội vã để ngồi nhìn đời chơi mà không kịp tắm rửa chân tay cho thật sạch sẽ ???

Tiện đây cũng xin thưa lại với các bạn cùng lớp ĐS 14 là Cường Babilac với vẻ mặt búng ra sữa này không trẻ như các bạn đã nghĩ với năm sinh trễ nải được ghi trên tờ Thế Vì Khai Sinh của tôi (Thế Vì mà lại, chứ có phải thật sự đâu)  Bố mẹ tôi đã dẫn tôi, cùng những người thân khác, chạy loạn tứ tung lung tàn từ làng Hành Thiện tỉnh Nam Định, đi nhiều nơi và rồi ở luôn tại Miền Đất Thăng Long, Ngàn Năm Văn Vật, Thanh Lịch là Thành Phố Hà Nội cho đến khi di cư vào Miền Nam năm 1954 trên chiếc phi cơ DC 3 của Pháp. 

Thành phố với Tháp Rùa lung linh mờ ảo trong sương mù trắng đục trên Hồ Hoàn Kiếm, với cây cầu gỗ cong cong đỏ hồng không nơi nào trên thế giới này có thể có được là cầu Thê Húc dẫn vào Đền Ngọc Sơn.  Tôi đã tả kỹ càng chuyện này trong bài viết MUỘN MÀNG là tôi đã chung nhà với hai cô bé duyên dáng, dễ thương tại căn nhà ở Phố Nguyễn Thượng Hiền, gần Hồ Ha Le, giờ đây được gọi là hồ Thuyền Quang, mà vào Tháng 4 Oan Nghiệt xa xưa đã đưa đẩy tôi gặp lại Cô Chị tại trại tù Long Thành.  Cô này là cai tù, VC gọi là quản giáo, trực tiếp chăm sóc đội tôi.  Có lẽ cô đã nhận ra tôi nên không ngần ngại hành hạ tôi tơi tả, rách hơn một chiếc mền cũ kỹ tung bay trong gió.  Tại sao vậy hỡi Cô Bạn Bé Nhỏ của tôi ơi?  Các bạn tù ngày đó chắc chắn không biết gì về nỗi niềm riêng của tôi về uẩn khúc này vì tôi chẳng hề tiết lộ.  Tuy cô nhẫn tâm, ác độc như vậy nhưng, trong truyện ngắn, tôi vẫn viết những dòng chữ tốt đẹp về cô, nói lên sự chung thủy cùng can đảm của cô.  Bây giờ cô có còn tồn tại trên cõi trần này chăng?  Nếu còn thì cô cư ngụ tại đâu nhỉ ?  Tôi vẫn mong gặp lại cô để tìm lại hình dáng một cô bé thanh thanh năm nào chứ đừng mang vẻ nặng nề, phục phịch y hệt bao gạo chỉ xanh biết cục cựa lúc còn là Công An “săn sóc” tôi quá kỹ, Bé nhé !

Trước khi vào học QGHC tôi đã tập tành kỹ lưỡng nếu không muốn nói quá cường điệu: nghiên cứu môn Khoa Học Huyền Bí gọi là Tử Vi Đẩu Số do ông Nguyễn Phát Lộc viết, cùng xem tướng mạo con người để có thể đoán biết tính tình người mình đang tiếp xúc.  Tôi đã tròn mắt ngạc nhiên khi được rõ tác giả quyển sách này là 1 cựu sinh viên QGHC (một trong những khoá QGHC đầu tiên và đang phụ tá việc điều hành cho người đứng đầu cơ quan Tình Báo Trung Ương VNCH tại SàiGòn.  Hình như việc an vị các Sao tùy theo ngày cùng giờ và năm sanh tính theo âm lịch vào các Cung Bản Mệnh, Phụ Mẫu, Thiên Di, Nô Bộc, Tài Lộc …. của mỗi một người…. đã cho tôi thấy một trong Hai Bậc Sinh Thành của tôi sẽ “ra đi” thật bất ngờ trong những này sắp tớí, không biết khi nào.   Cứ nghĩ là việc giải tử vi của bản thân mình chưa đủ vững nên đoán sai cho đến khi mẹ tôi đột ngột qua đời khi tôi vừa tốt nghiệp QGHC được vài tháng.  Tôi giật mình kinh sợ và bỏ luôn chuyện bấm số tử vi nhưng vẫn giữ việc quan sát “dung nhan” của từng người khi có dịp để tránh sự thất bại nếu có thể hoặc tự an ủi mình là số mệnh đã an bài không thể tránh khỏi mỗi khi gặp 1 điều gì không hay xẩy đến cho mình.

Khi tôi trình diện, quan anh Phó Tỉnh Bình Định đã đưa tay ra bắt tay tôi nhưng cái mặt quan thì lại hướng về nơi không phải chỗ tôi đứng, hình như để tỏ ra coi thường cựu sinh viên QGHC dù ngài cũng xuất thân từ ngôi trường này ???  Tôi bất mãn trước thái độ khinh khỉnh đó, nhưng chẳng thể nào làm gì được cả với thân phận măng tơ của bản thân mình nên, để phản đối, tôi tuy đã làm đầy đủ công việc của một Phó Quận Trưởng nhưng bầu nhiệt huyết tuổi trẻ đã chết.  Có lẽ đây cũng là một yếu tố đã góp phần vào việc tôi cũng như nhiều người Việt Nam khác hiện giờ phải sống xa quê cha, đất tổ.  Sau này tôi còn được biết mình là một cựu sinh viên QGHC đầu tiên trấn nhậm quận này, trước đó Phó Quận Trưởng hay Quận Trưởng thường là người địa phương hay một thư ký luống tuổi đảm nhận.  Như vậy đủ rõ quan anh đã tận tình chiếu cố tôi như thế nào, dù rằng tôi đứng đầu danh sách ba người về Bình Định và trước đó tôi chưa hề gặp mặt và chả biết một tí gì về quan này cả.  

Cách đây không lâu, có thể nói tôi “vô tình” gặp lại vị quan “khả kính” này tại vùng ngoại ô thành phố Boston, Tiểu Bang Massachusetts (rất gần nơi cư ngụ hiện giờ của ngài), tôi đã không ngần ngại hỏi lại việc bắt tay ngày xưa rất trịch thượng này thì quan anh đã nói có thể do tôi hiểu lầm hoặc hình như anh đang bận việc gì đó (?) chứ hoàn toàn không có sự khinh miệt, tôi chỉ cười, lại cười, một nụ cười rất trẻ thơ y hệt như mình đã hiểu lầm thiệt.  Tôi không hề đả động gì đến việc quan đã đầy ải tôi đến vùng ma thiêng, nước độc Hoài Ân trong khi còn nhiều quận khác tốt hơn trong tỉnh đang cần.  

Khi ký Sự Vụ Lệnh đầy ải tôi với công thức quen thuộc: Chiếu…. và Chiếu Nhu Cầu Công Vụ, nay cử Ông….  đảm nhiệm chức vụ…. .  

Chịu khó “đắp thật kỹ Mền và Chiếu” như vậy thì ai mà thắc mắc cho được quan nhỉ ???  Tôi và nhiều cựu sinh viên QGHC còn nhớ rõ sau ngày “tan hàng” của Miền Nam, quan cũng vào tù tại làng cô nhi Long Thành, rất gần SàiGòn (1 ổ chứa đầy VC trước 1975 mà Chính Quyền VNCH dù biết cũng không màng để ý gì cả dẫn đến việc nước mất, nhà tan) .  Một chuyện lạ trên thế giới (Tự Do lẫn Cộng Sản) đã xẩy ra:  quan thơ thới sách va li rời trại tù Long Thành để  “Đi Phép” (tù chứ có phải lính tráng đâu mà phép với tắc như vậy ?! hay quan đang tập tành để trở thành lính của VC ???)  Sau khi trở lại trại tù thì quan đảm nhận chức vụ tù trật tự, một thứ  “tù quý tộc” hàng ngày chỉ cầm sâu chìa khoá, đi theo sau ngài là viên cai tù Cộng Sản.  Ngài phụ trách việc đóng cùng mở cửa các trại giam để các tù nhân đi ra, đi vào (bài hát mà giờ này tại miền đất New York City này tôi vẫn tự hát hàng ngày cho chính tôi nghe là ĐI RA ĐI DZÔ, rồi lại ĐI DZÔ ĐI RA, nghĩa là tôi nghêu ngao cả ngày, cả đời mà không hề hết bài hát, ai không hiểu có lẽ đều nghĩ tôi đã khùng, mát giây hay chạm điện, cần đưa vào một trại tâm thần nào đó chữa trị !) cùng đếm số tù để biết rằng các tù nhân còn đủ, chưa có ai vượt ngục.

Do bị đầy ải không nguyên tắc và thái độ khinh miệt của Phó Tỉnh nên có lẽ tôi hơi cứng đầu khi là Phó Quận Trưởng Hoài Ân.  Tôi thường chỉ trích, “chọc quê” những chỉ thị, lệnh lạc sai thấy rõ của viên quận trưởng, một đại úy công binh kiến tạo.  Tôi nghĩ rằng khi được bổ nhiệm làm quận trưởng kiêm chi khu trưởng để giữ gìn an ninh, bình định lãnh thổ thì những vị sĩ quan đó phải thuộc các đơn vị tác chiến hay ít nhất là công binh chiến đấu, còn công binh kiến tạo quá thuần túy về chuyên môn, rất giỏi về làm cầu cống, cầu nổi, đường xá… chứ biết gì về tác chiến mà bình định lãnh thổ ấy là chưa nói đến việc quản trị hành chánh ! 

Một ngày thật đẹp trời nào đó, quan công binh kiến tạo này nói thẳng với tôi là ông ấy sẽ làm cho tôi bị đi khỏi cái “quận chết tiệt” này.  Ngạc nhiên cùng bực tức trước việc không hiểu biết về sự bổ nhiệm một cựu sinh viên QGHC chen lẫn sự mừng rỡ khi sắp được đi khỏi nơi nguy hiểm tôi đã nói với ngài quận trưởng đại khái là tôi mới ra trường, đồng lương tôi chẳng đủ tiêu, nhưng nếu ngài làm cho tôi đi khỏi quận này tôi sẽ bỏ nguyên một tháng lương tổ chức một bữa tiệc chia tay để đãi ngài cùng các sĩ quan chi khu Hoài Ân.  Ngài ngẩn người thấy rõ khi nghe câu trả này và có lẽ thấy ngài đã nghĩ sai lầm và hố nặng nề khi tưởng rằng tôi đã chạy chọt về đây. 

Tôi đúng là một thứ ngựa non háu đá dù vẫn biết an toàn của bản thân tôi có thể bị bẻ gẫy bất cứ lúc nào.  Quận rất mất an ninh, một viên đạn lạc ghim ngay chóc vào tim tôi, một trái mìn nổ banh xác lúc tôi đi ngang qua nơi đó dễ dàng lấy đi mạng sống của tôi và rồi một cái phúc trình ngắn gọn về Tỉnh Bình Định là tôi bị VC phục kích.  Who Cares ?   Chuyện nhỏ, rất nhỏ!  Không mợ thì chợ vẫn đông, Có mợ chợ chẳng vui thêm tí nào.   Tất cả đều như gió thoảng, mây trôi, chìm dần vào quên lãng, một người khác sẽ về làm Phó Quận Trưởng.   Có chăng là chỉ còn lại nỗi xót xa, cay đắng cho những người thân trong gia đình tôi mà thôi. 

Ấy vậy mà tôi thoát chết nhiều lần, thật đúng vậy, rất nhiều lần, trong “đường tơ, kẽ tóc”   

Sau này nghĩ lại, có lẽ do tôi biết mạng sống bị đe dọa nên tôi đã nhắn nhiều bạn quen tại Tòa Hành Chánh Bình Định là nếu tôi bị phục kích chết thì có nghĩa là tôi đã bị viên đại úy công binh kiến tạo này ám hại, chứ chẳng phải Vi Xi, Vi Xiếc gì cả, hãy trả thù cho tôi trong khả năng bạn có thể làm được.  Có lẽ cái tin “tức mình” trên đã lọt vào tai vị quận trưởng khả ái này, nên ngài đã cử một toán lính đặc biệt nào đó ngấm ngầm theo sát tôi để bảo vệ an ninh cho tôi, hầu tránh mang tiếng xấu, và cuối cùng, nhờ vậy, tôi còn sống sót cho đến tận ngày hôm nay ???   Xin cúi đầu Tạ Ơn Trên đã che chở. 

Tôi đã lặng người khi nghe chính 1 Bạn Cùng Khoá ĐS 14 QGHC thổ lộ riêng cho tôi, tại tư dzinh của bạn này, nơi mà tôi đã ngẩn ngơ như Từ Thức Tân Thời lạc vào Thiên Thai trên đường đến nhà  bạn ấy tại vùng đồi núi núi thơ mộng gần Quận Cam California, để họp mặt lớp ĐS 14 (cách đây khoảng vài năm ở Nam California) là “hình như” tôi đã phạm nhiều lỗi lầm” khi làm Phó Hoài Ân.  Bạn này là Phó quận Cam Lâm (Suối Dầu, nơi có mộ phần Yersin, ngoại ô thành phố biển Nha Trang quanh năm sóng vỗ) cho đến khi tan hàng.  Quan công binh kiến tạo này đã đổi về trấn nhậm quận đó (mới lên thêm 1 cấp tức thíếu tá)  Tôi chỉ nói ngắn gọn để người cùng lớp ĐS 14 này hiểu rằng bạn tin người cùng học 1 lớp QGHC với bạn hay tin một kẻ bá vơ nào đó là quyền riêng của bạn, tôi không thể có ý kiến gì được, rồi tôi lại tiếp tục lối tán dzóc huyên thuyên của Babilac.  Nhưng hình như vị đắng chát của ly cà phê không hề bỏ chút đường nào đã vương vào cổ họng làm giọng nói tôi hơi nghèn nghẹn .

Nhớ lại thuở xưa, lúc mới lấy xong văn bằng Tú Tài II từ một nơi khỉ không thể nào ho, mà cò thì cũng chẳng thèm gáy, chứ chẳng phải danh giá Chu Văn An hay Petrus Ký gì, tôi đã được Hội Đồng Du Học Việt Nam Cộng Hòa (hình như trực thuộc Tổng Nha Kế Hoạch) cấp học bổng du học 4 năm tại Canada (tất cả chi phí đều do Chính Phủ VNCH đài thọ qua kế hoạch Colombo Plan).  Tôi đã lặng người mất ăn, mất ngủ trong nhiều ngày trước vinh dự quá lớn lao này.  Bố mẹ tôi cùng những người thân tôi cũng xúc động không kém vì gia cảnh tôi đủ ăn đã là may mắn lắm rồi, chẳng thể và cũng chẳng biết chỗ nào thậm thụt mà chạy với lại chọt (có chăng là các vị lắm tiền, nhiều của sẵn sàng bỏ ra cùng với “số tiền điếu đóm” để con em họ đi du học.  Sau nhiều năm đi xa các cậu ấm này hãnh diện mang về VN cái bằng ăn chơi to tướng và tài khiêu vũ, các vị này nhẩy nhót giỏi và tài thiệt.  Hình như tôi đã học lóm được vài bước nhẩy của các ấm quan này, xin gửi lời cám ơn rất muộn màng đến các cậu ấm đó.  Giờ này quý vị đang ở đâu nhỉ, cái đầu gối mòn theo thời gian có còn đỡ nổi thân hình quý vị ?!).  

Tôi đã lựa ngành canh nông (một ngành rất cần tại Việt Nam, dù tôi biết rõ, rất rõ, ngành hóa học hay cơ khí hoặc dầu hỏa kiếm nhiều tiền hơn khi ra trường) với Major Soil, tiếng Việt tạm tạm dịch là thổ nhưỡng (chữ của Trường Cao Đẳng Nông Lâm Súc VNCH)  Sau 5 hoặc 6 tháng (tôi không còn nhớ rõ chi tiết này) theo học một khoá English miễn phí kéo dài từ sáng đến chiều mỗi ngày tại Hội Việt Mỹ đường Mạc Đĩnh Chi SàiGòn, và qua 1 kỳ thi trắc nghiệm năng khiếu English của Trường Đại Học Cambridge của United Kingdom, tôi cùng ba bạn khác (tổng cộng khoảng 20 người đi nhiều tỉnh khác nhau tùy theo môn học) leo lên máy bay để về thành phố Guelph, Tỉnh Ontario rất gần Niagra Falls (tôi biết trên giấy tờ, chứ lúc đó tôi chưa có điều kiện thuận lợi đi thăm thác nổi tiếng này) sau khi nghỉ chân và đổi máy bay tại Hong Kong và Tokyo.

Trời ạ, vậy tôi mà đã thầm khóc mỗi khi đêm về tại Guelph, mắt cay cay, chiếc gối hình như ươn ướt.  Lần đầu tiên xa nhà, quá xa, một đại dương cộng thêm một lục địa, làm sao thấy lại bố mẹ cùng người thân đây, 4 năm trời là bao lâu nhỉ, tôi không thể tưởng tượng được nữa.  Tôi vốn sợ bánh mì, cái bánh mì ổ dài dài kiểu Tây (gọi là bánh tây) cũng như bánh mì lát mỏng sandwich kiểu Mỹ này tôi đều không nuốt được (đến giờ này vẫn thế, chẳng khác chi cả, vẫn sợ, vẫn thích cơm VN) chỉ cố ăn một ít đễ đỡ cồn cào ruột gan mà thôi.  Lúc nào cũng đói, làm sao mà học đây.  Cuối tuần thì thể lệ của cafeteria trong campus trường đại học Guelph lại tai quái bắt người vào ăn phải thắt cà vạt và khoác thêm cái áo vest bên ngoài, khiến tôi đã chán lại càng thêm nản mà vẫn phải làm theo vì làm sao nhịn đói suốt hai ngày trong khi vào thì chỉ nhấm nháp (chứ chẳng phải ăn) vài lát sandwich cho qua bữa.  Vài lần vào cuối tuần vì quá thèm cơm VN nên qua sự hỏi thăm, một lần tôi nhớ tôi đã đủ can đảm leo lên một chuyến xe bus thật xa lạ đi Chinatown chật hẹp của Guelph và hình như tôi đã rất nghênh ngang bước vào một tiệm ăn duy nhất của người Tầu chính cống (Chinese restaurant, làm gì có người VN nào sống tại đó lúc bấy giờ) gọi một dĩa cơm (sau khi đã lục kỹ càng, thật kỹ, cái túi không được đầy cho lắm của tôi, để biết tôi có thể trả tiền món đã gọi cùng với tiền tip khi ăn xong).  Sao tôi cảm thấy hình như mình đang lạc vào một thế giới nào đó, sướng vô cùng tận khi tất cả mọi thứ trên dĩa cơm đã trôi tuột vào bao tử tôi, trong khi những hột cơm đã nuốt thì hình như cứng ngắc có lẽ chỉ thua những viên sỏi trải đường hay công viên các nơi một chút chút mà thôi.  Người bạn cùng khoá ĐS 14 QGHC của tôi, hiện đang cư ngụ tại Hamilton, Ontario, Canada, cách xa Guelph khoảng nửa tiếng đồng hồ lái xe, có thể kiểm chứng việc này dễ dàng.  Tên tôi, Cuong Ngoc Nguyen,  vẫn còn nằm chình ình trên kệ hồ sơ của Trường (có lẽ nhờ lúc đó việc lưu trữ  hồ sơ trên computer chửa có ???)

Tiện đây thì cũng xin lỗi Người Vợ Hiền của tôi một chuyện tôi chưa bao giờ nói với bất cứ ai  (thôi thì chấp nhất làm gì những lời trăn trối nhỉ ???)  Người yêu bé nhỏ của tôi lúc bấy giờ đang học ở ngôi trường nổi tiếng Trưng Vương, nơi tôi đã thậm thụt đến nhiều lần chỉ để ngắm nàng tung tăng cùng bạn bè lúc tan trường.  Nàng đã cất công ra tận Trụ Sở Air VN, đường Lê Thánh Tôn, gần Tòa Đô Chánh SàiGòn tiễn tôi lên đường và dúi vào tay tôi một phong thư cùng dặn dò chỉ được đọc khi ngồi trên máy bay.  Tôi đã tuyệt đối tuân lệnh và yên tâm nghĩ rằng sẽ lại đọc những lời yêu đương nồng nàn cùng hứa hẹn, chờ anh, đợi anh của nàng, cứ làm như anh nàng sắp sửa bước chân vào vùng khói lửa mịt mùng, không hẹn ngày về như trong bài Đường Thi: “…..Túy ngọa sa trường quân mạc vấn / Cổ Lai chinh chiến kỷ nhân hồi ”

Tôi nhớ thân thể của tôi đã bật ngửa trên ghế máy bay, ngỡ ngàng khi đọc những trách móc tôi đủ điều rằng nàng trách tôi đã quá khờ khạo, dại khờ như chú nai tơ chưa đủ lớn, khi không dám hôn môi nàng !  Tình yêu tôi thật là một thứ Platonic, thần thánh, thuần túy tình cảm, cầm tay cũng chưa dám chứ nói gì đến hôn, hít ???   Chuyện chăn gối tôi biết, tôi hiểu, rồi cũng sẽ đến, nhưng đó là chuyện ngày sau, chứ cho đến tận lúc đó, thấy mặt nàng, nghe giọng nói nũng nịu của nàng là đã quá mãn nguyện rồi.   Nàng đoán tôi chẳng thể nào đáp ứng được sự rạo rực cùng đòi hỏi của thế xác nàng….. Đúng là ….

Qua lá thư này tôi thấy mầm mống chia lìa đã đâm chồi, nẩy lộc.  Nàng đã leo lên (hay xuống) một chiếc xe bông mà ai đó đã kết tủa không một lời từ giã.  Có lẽ lúc đó chưa có bản nhạc não nùng, tê tái “Người Đi Qua Đời Tôi” của một cố nhạc sĩ tài danh VNCH sáng tác sau khi đời sống tình cảm cùng gia đình ông đổ vỡ tan tành thật đau thương nên tôi chưa có dịp để hát.  May mắn là tôi đã không nên duyên trăm năm với người này chứ nếu thành duyên thì vào những ngày Đen Tối Tháng 4 Năm 1975, đàn con dại khờ với người đó (chắc chắn đã có nếu là vợ chồng với nhau) phải sống bơ vơ, hay cùng lắm thì được vào trại tế bần vì mẹ tôi đã qua đời từ lâu và bố tôi cũng tự nguyện lê chân vào tù VC (tôi nghĩ câu ai đó đã nói: Con Giống Cha là “Nhà Có Nóc” như đúng vì tôi cũng tự nguyện đi tù VC vậy) !

Thế rồi việc đến các Giảng Đường Trường Đại Học Guelph của tôi diễn ra đều đặn trong tâm trạng của một kẻ bị lưu đầy, cô đơn, nhớ nhà với thời tiết chớm thu giá lạnh ở miền đông bắc Mỹ trong khi tôi biết rõ phải trầy da, tróc vẩy để được đi du học, dù là tự túc nghĩa là cha mẹ người đó bỏ tiền túi  (chứ không phải được Colombo Plan qua Chính Phủ VNCH đài thọ như trường hợp tôi).  Vì là năm đầu tiên, dự bị cho mọi major, nên các sinh viên phải qua một lóp English Literature 1.  Không hiểu tại sao cũng như vì đâu mà tôi đã sánh bước vào cũng như ra khỏi giảng đường môn này với một cô bé người bản xứ.  Tóc Vàng Sợi Nhỏ của cô đã thường xuyên quấn quýt vào mặt mũi tôi như có ý giữ chặt tôi mãi mãi ở bên nàng.  Hình như nàng đã đọc qua bài “Tôi Đi Học” trong tập truyện “Quê Mẹ” của nhà văn Thanh Tịnh ngày xưa nên đã tinh nghịch đôi khi âu yếm nắm tay tôi cùng tựa đầu thơm nồng vào vai tôi để dẫn tôi đi ra, đi vào giảng đường môn English như thấu hiểu tâm trạng cô đơn khi phải xa nhà của tôi hay biết đâu nàng đã muốn nếm thử cái mùi dị chủng, biểu hiệu qua sự khác xa màu da, màu tóc, mầu mắt của nàng.  Có lẽ Tóc Vàng Sợi Nhỏ đã thất vọng não nề khi biết tôi không hiểu việc chung đụng xác thịt nam nữ cũng bình thường như chuyện ăn, uống, hít thở khí trời của người Âu Mỹ (?).

Qua việc đã được lãng du phiêu bồng tại phương trời thật xa lạ mà bất cứ một thanh niên nào, vào thời đó, cũng không thể tưởng tượng đến, tôi đã thấy sự khác biệt căn bản giữa Đại Học tại Canada và Phân Khoa Luật hay Khoa Học SàiGòn mà tôi đã tham dự là ở SàiGòn các sinh viên ngồi lỳ tại 1 giảng đường duy nhất dành riêng cho năm học, Vị Giáo Sư nào đó sau khi làm xong bổn phận lặng lẽ vác cặp đựng tài liệu giảng dậy đi ra khỏi giảng đường, rồi vị khác đi vào nói thao thao bất tuyệt mà chẳng hề để ý đến cái đám người ngẩn ngơ được người đời gọi là sinh viên, đang ngồi dưới kia lóng nhóng để nghe ngóng không khác gì vịt nghe sấm, có hiểu cái gì không.  Công việc chỉ chấm dứt khi xong 1 ngày học.  Trong khi ở Guelph sinh viên phải di chuyển tới các giảng đường khác nhau tùy theo môn học đó thuộc vật lý (physics), hóa học (chemistry), văn chương (literature)….cùng thường xuyên nghe các giáo sư đặt câu hỏi ai có ý kiến gì về bài giảng, nên Tóc Vàng Sợi Nhỏ mới có dịp dìu tôi ra vào literature building như vậy.

Tôi nghĩ rằng hình như thi sĩ Cung Trầm Tưởng đã ở thành phố Guelph này, đã học trường này và cũng đã có một Nàng Tiên Nhỏ Bé quấn quýt bên cạnh để dệt nên bài thơ “Mùa Thu Guelph” mà vô tình đã viết lộn hay in sai thành “Mùa Thu  Paris” cho đến tận ngày nay ?!  Bài thơ nổi tiếng (đã được phổ nhạc sau này) hình như nhà thơ sáng tác riêng cho tôi, phải, chỉ cho một mình tôi mà thôi với Tóc Vàng Sợi Nhỏ, như để nhắn tôi hãy ở lại, ừ nhỉ, tại sao mình không tính chuyện mãi mãi ở lại nơi này với nàng khi người yêu đầu đời ở VN đã chê bai mình là tên Cù Lần Lửa!

Hình như cái số tôi dính dấp nặng nề đến những lá thư chia lìa vì đến khi tôi quyết định về lại VN chỉ sau khoảng 5, 6 tuần lễ du học ở Guelph, Tóc Vàng Sợi Nhỏ lại dúi vào túi tôi 1 phong thư với lời dặn chỉ được phép đọc khi ngồi trên xe lửa về lại thủ đô Ottawa của xứ Canada để làm mọi thủ tục cần thiết về VN.  Lần này thì tôi chẳng thể nào đoán được phong thư nói những gì.  Lại tuân lệnh, rồi lại phải kêu lên TRỜI Ạ!  Nàng nói (cũng may cho tôi) dù tôi có ở lại Guelph thì nàng cũng không thể nào kết duyên với tôi được. Nàng viện dẫn 1 bài thơ của thi sĩ nổi tiếng, lúc bấy giờ, Robert Frost, đại ý nói, những khác biệt về ý nghĩ, về nếp sống, về cách sống sẽ làm cuộc sống chung trở thành địa ngục (ví dụ làm sao chịu nổi mùi nước mắm nếu không phải là người VN), thôi thì xa nhau là đúng ???  Nàng thực tế quá chứ chẳng hề mơ mộng như tôi đã nghĩ.  Tôi lại tạ ơn Thượng Đế đã giúp tôi.

Cách đây vài năm tôi đã có dịp lái xe đưa Người Bạn Đời về thăm lại chốn xưa.  Tôi lại say sưa  nằm lăn trên bãi cỏ trước dormitory mang tên Mills Hall để nhớ lại ngày nào tôi đã mang theo chồng sách nặng chình chịch nằm nghỉ chờ giờ học tiếp vì không thể nào leo lên phòng của tôi trên lầu bốn rồi lại leo xuống chỉ để nhấm nháp vài lát sandwich và lại tiếp tục vào giảng đường.

Thế rồi mọi việc đều đặn trôi qua hình như rất nhẹ nhàng của 1 thiên duyên đã được định trước. Tôi lông bông, rồi là kế toán viên cho một hãng lớn ở SàiGòn và thông ngôn cho Sư Đoàn 7 Không Quân Hoa Kỳ tại Tân Sơn Nhất, cuối cùng vào QGHC học và trấn nhậm thiên đường Hoài Ân, Bình Định.

Sau đó một sự việc xẩy đến dù tôi không muốn, cũng chẳng ngờ: được (bị) đổi về tỉnh Ninh Thuận, một tỉnh nắng cháy da, đất đai nứt nẻ vì thiếu mưa quanh năm nhưng rất thích hợp cho một loại nông sản: củ tỏi tươi tốt, mọng nước không có nơi nào sánh bằng và quan trọng nhất: Quê Hương của Nhà Vua cuối cùng trị vì VNCH cho đến tận Tháng Tư Đen 1975, nơi mà các quan to súng ngắn thậm thụt ra vào để tỏ lòng thần phục rồi sẽ lại được tiếp tục leo lên cái thang danh vọng do Quốc Vương ban cho.  Nếu như ngày ấy ai đó lấy tiền trả cho số  xăng, nhớt xe mà các quan to này dùng với  ba, bốn xe “đùng đùng sát khí” chạy theo hộ tống mà đem đi đối lấy đạn M 16, súng cối 60 , 81 ly hay đạn đại bác 105 thì không biết rằng VNCH có sống còn lâu hơn chăng, hoặc vẫn tồn tại, cho đến ngày hôm nay tôi vẫn tự hỏi như vậy ???

Tôi lẩn thẩn tự  nghĩ  Miền đất này đã cho tôi nhiều kỷ niệm đắng cay.  Nhưng dù sao thì vẫn là kỷ niệm nên tôi đã lấy chữ Ninh Thuận làm bút hiệu để nhớ lại tháng năm không vui nơi đó.

Bút hiệu Ninh Thuận tôi đã ký từ 1 bài viết đầu tay vào năm 2000 (đánh dấu năm bước qua Thế Kỷ 21), nhưng rồi sau đó khoảng 3 hay 4 năm không hiểu sao đầu óc trở nên trống rỗng như bị bay hơi, nên tôi ngưng viết)  Những bài viết của Ninh Thuận đã xuất hiện trên nhiều báo chí, đặc san Miền Đông lẫn Miền Tây Hoa Kỳ.

Khoảng năm 2007 hay 2008, trong khi tham dự buổi ra mắt báo xuân 1 tạp chí ở Nam California (bài tôi viết thường xuyên xuất hiện trên báo này tuy không liên tục) Nhân khi người sáng lập tờ báo giới thiệu những thân hữu ở xa về dự nhắc đến tên, tôi đã đứng lên chào mọi người cho phải phép.  Thấy vậy một người bạn đồng môn QGHC (không biết có “xỉn” hay không khi trước mặt bạn ấy có vài vỏ bia nằm chỏng chơ, quạnh quẽ.  Nếu những vỏ bia này có linh hồn để nghĩ là cuộc đời thật bạc bẽo.  Khi cần thì người đời nâng niu, yêu quý mình, khi xong và không cần nữa thì liệng mình vào một cái xó xỉnh nào đó ) ngồi cùng bàn, đã “móc lò” hỏi tôi : “ Ủa, vậy mà tôi tưởng Ninh Thuận là bút hiệu của một Nhà Văn Nữ chứ ” ?!

Tôi lại cười,  nụ cười muôn năm vẫn thế, như  “trade mark” (nhãn hiệu cầu chứng tại Toà) của Babilac.

Ừ, thói đời là “dựa hơi”, là “cầm nhầm” là “cáo đội lốt hùm”.  Tôi hiểu chuyện này nên có ai nghĩ rằng tôi cũng cầm nhầm bút hiệu Ninh Thuận thì đã có sao đâu nào.  Tôi chỉ là kẻ bất tài vô tướng nên thấy “Nhà Văn Nữ’ này “tiếng tăm” nên ký bậy như vậy thôi.  Tôi không hề cải chính. 

Cho đến tận hôm nay, người bạn này (ở tại Nam California) đã rõ chuyện chưa nhỉ  ???

Buồn phiền mà làm gì.  Chỉ là cách để trang trải tâm tư mà thôi.  Tôi có sống nổi với cây viết đâu (dù rằng tôi đã từng nhận tiền nhuận bút ít ỏi từ những bài viết đó, không nhiều, chỉ đủ để uống café cầm hơi, nhưng rất bằng lòng cùng vừa ý.  Ly café đó thơm nồng và đậm đà vô cùng vì đã đến từ tim óc riêng tôi, hơn hẳn đồng tiền do tôi đã kiếm được khi làm công bộc thời VNCH hay làm việc từ ngày định cư ở Hoa Kỳ)

Bắt chước nhà văn nổi tiếng Vũ Trọng Phụng (cái này thì thú thật dựa hơi) tôi thấy mình như đã được “sinh ra dưới một ngôi sao Bị Đì”

Quan anh Phó tỉnh Ninh Thuận tiếp tục đì tôi tận mạng cho tới đầu Tháng Tư Đen 1975 tôi mới tá hỏa tam tinh khi biết hai quan Đầu Tỉnh cùng Phó Tỉnh nơi đây đã cao chạy xa bay từ lúc nào mà chẳng ai hay.  Các quan lớn này chạy lẹ thiệt, có lẽ khi phỏng vấn thấy quan ta có chân cẳng dài nên cấp trên đã thuận cho làm phó tỉnh ???  Chưa gì hết đã chạy mất tiêu rồi, quan này có cảm thấy nhục nhã chăng ?   Và nếu có thì nghĩ sao về việc Nuớc Mất Nhà Tan, nay trách ai đây ?

“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, quan ạ cũng như tôi đã từng tự trách tôi góp phần không nhỏ vào việc mất nước này

Cuối cùng thì gặp lại nhau ở trại tù nơi làng cô nhi Long Thành.   Hình như  sự ngỡ ngàng, bẽ bàng, sượng sùng đã đến với quan này cùng nỗi niềm uất hận của riêng tôi đối với những quan lớn như vậy.  Chuyện xẩy ra tại địa phương, nơi tôi làm việc nên tôi mới nhắc đến, chứ còn những nơi khác, ngoài sự hiểu biết, không trong tầm nhìn của riêng tôi nên chỉ đọc để biết, để buồn riêng cho vận nước mà thôi, không thể có ý kiến, ý cò chi được.

Ngày đó, phải chi tôi được làm việc tại Cục Quân Cụ ( một việc không thể xẩy ra đối với một viên chức hành chánh ) vì vị Cục Trưởng, Đại Tá Trần Văn Trọng đã xuất thần với tên nhạc sĩ Anh Việt qua bản nhạc “Bến Cũ” làm lòng tôi ngẩn ngơ ( Bến ấy, người đi, biệt ly nhớ nhung từ đây….”

Vì ông mê say âm nhạc nên mới gọi Đại Uý Cao Cự Phúc về làm việc tại Cục Quân Cụ để ngoài giờ làm việc, ông có được người hiểu biết về âm nhạc đàm đạo.  Đó là nhạc sĩ Hoàng Nguyên với những nhạc phẩm “Ai lên xứ Hoa Đào, Đường Nào Lên Thiên Thai, Em Chờ Anh Trở Lại….”

Nay thì tất cả đều chỉ còn là dĩ vãng, dù chúng ta có gì hay không, như câu kệ cổ Phật Giáo “ hữu dã hồi, vô dã hồi nghiã là có cũng về, không cũng về”.  Nhưng dĩ vãng này không bao giờ nhạt nhòa mà  mãi mãi làm lòng tôi tan nát với những đớn đau khôn cùng, những vết cắt không khoan nhượng làm tôi luôn cay đắng cùng xót xa, ngậm ngùi .

New York City, tháng 7 năm 2013
Ninh Thuận Nguyễn Ngọc Cường ĐS 14
tức Người Bên Lề Nữu Ước

1 comment:

  1. Ninh Thuận là tên một nữ dược sĩ hiện ở Virginia, sinh ở tỉnh nầy khi thân phụ từ Huế vô làm quan ở đây. Anh của bà là họa sĩ Nguyên Khai (hoàng phái cấp Bửu).
    Nguyễn Liệu, Quảng Ngãi đã chê thậm tệ đồ đệ của ông Ngô Đình Diệm đã trốn chui trốn nhủi không ai lo chôn cất, còn giấy khai tử thì không dám đề là tổng thống mà lấy chức vụ xa xưa tuần vũ Ninh Thuận.
    Người Đi Qua Đời Tôi, thơ Trần Dạ Từ, phổ nhạc Phạm Đình Chương.

    ReplyDelete