21 August 2012

MƯA ĐÊM, bút ký

Đúng là một câu chuyện hiện thực giữa giai đoạn lịch sử đầy biến động của dân tộc. Một câu chuyện cười ra nước mắt do một người trong cuộc kể lại. Hùng Bi là bút hiệu của một cựu chiến binh VNCH chưa trèo cao nhưng ngã đã khá đau như mọi thanh niên thuộc lớp trẻ khi lịch sử dân tộc sang trang. Nhưng những gì không bằng lòng khi trước thì nay, sau khi đổi đời, còn tệ hại gấp bội. (TTR)

Đây chỉ là một câu chuyện riêng tư nhưng đầy tính hiện thực. Thiệt tình mà nói, tui ghét ba cái vụ kể lể những chuyện ngày xưa lắm! Có người dè bỉu đó là cái thói gặm nhấm quá khứ, cái gì đã qua rồi thì cho qua luôn đi, nhắc lại làm chi? Mà thiệt ra cái quá khứ ấy có vẻ vang gì cho cam! Thí dụ như những hào hùng của thời tuổi trẻ mà hầu như thằng thanh niên nào trong độ tuổi tui cũng phải trải qua một cách bắt buộc chớ có phải mình được quyền chọn lựa gì đâu. Thì bản thân tui tự nhận thấy mình cũng có chút đỉnh, nhưng đó chỉ là những hào-hùng-giả-định do người khác muốn khuyến dụ mình nhảy vào chết thay cho họ mà tô hồng chuốc lục vậy thôi. Rồi nó cũng như một áng mây trôi bay vơ vẩn ngang qua bầu trời trong xanh trong chốc lát cũng bị gió xé toạc ra từng mảnh tan tác bất định. Nối tiếp là chuỗi ngày thê thảm tan nát cả đời trai sương gió trong những trại tập trung không biết ngày về. Tui cho đó là một thời kỳ nhục nhã nhứt bởi cái thân phận con người chỉ bằng con sâu con kiến, có thể bị giẫm đạp bất cứ lúc nào, có hơn chăng là biết nói tiếng người. Vẻ vang gì mà nhắc lại? Cái nhục lớn là trong tay còn cầm súng có khả năng chống trả lại mà để bị bắt như một con gà lôi cổ đi. Nói tóm lại chỉ như những quân cờ bị điều khiển bởi những cái đầu chứa toàn rượu với gái ngồi trong phòng máy lạnh chạy rì rì bị chi phối bởi một quyền lực to lớn từ xa, xui thời bị sụp hầm thôi. Mà mọi chuyện kết thúc cũng do người khác quyết định vì sự chia sẻ quyền lợi kinh tế khu vực với nhau chớ mình có lấy được chút quyết định nào bằng chính thực lực của mình cho cam.

Bỏ qua mấy chuyện vớ vẩn đó, dù gì trong một thời gian dài nằm ấp cũng để lại cho tui một chút kỷ niệm nhỏ có tính riêng tư. Tui gõ lại những dòng chữ nầy chẳng phải để khoe khoang hay trần tình điều gì, chỉ là ghi chép lại để lúc rỗi rảnh đọc cho vui vì e rằng vài năm nữa khi tuổi già kéo đến khiến đầu óc không còn minh mẫn mà nhớ lại thì cũng uổng.

Vì sao mấy chục năm nay không viết mà phải đợi tới bây giờ? Chẳng qua là mấy hôm nay đêm nào trời cũng mưa rả rích, không thể dong xe trên đường phố mà phải ngồi rịt ở nhà nghe mưa rồi tức cảnh sinh tình nhớ lại một khoảng đời đã trôi qua xa mút. Tui không thích trời mưa chút nào bởi cứ bị dính một chút nước mưa là bịnh liền do cái tủ lạnh bị ôm trong thời gian ủ tờ còn sót lại chút dư âm, nhưng cứ phải nghe những giọt nước trời gõ nhè nhẹ đều đều trên mái tôle làm tâm hồn mình như thấm sâu một nỗi buồn lai láng nên buồn tình ngồi gõ lại những suy nghĩ vẩn vơ của mình thôi.

Trong bài viết “Có một Nghĩa Trang Quân Đội khác” tui có nhắc tới cái bệnh xá Trung Đoàn dựng cạnh bờ suối đẹp như tranh vẽ. Chuyện có một chút dây mơ rễ má từ cái bệnh xá nầy đây.

Giai đoạn sau thời kỳ bị sụp hầm, tui được hân hạnh cho đi làm tiều phu tận trong rừng sâu của tỉnh Phước Long cũ gần Bù gia mập và Sóc Bombo có bài hát nổi tiếng một thời. Tui được sắp xếp vào Đội 3 của Tiểu Đoàn 5 Trung Đoàn gì gì đó không rõ. Tiểu Đoàn tui thì kỷ luật hắc ám vào bậc nhất, tù bị đánh hội đồng tới hộc máu mồm không vì một lý do gì gọi là chánh đáng nghe cho được. Đơn cử một ví dụ nghen: Bữa đó 5 thằng tui nhận công tác lẻ đi đốn nứa theo chỉ tiêu để về chặt khúc đập dập ra lợp mái lán. Mới 10 giờ sáng thì bó nứa đã được đưa về tới trại đủ số quy định. Vậy là xong bổn phận trong ngày để tới bữa ăn được chia cho 6 trái bắp còi không đủ nguyên hột. Nộp hàng xong thì lo đi tắm một cái cho mát rồi tụ tập ngồi hút thuốc lào vặt nói dóc chơi chờ lãnh phần bắp trưa. Hai anh chàng vệ binh trên khung đi xuống kiểm tra tình hình trại. Tụi tui thấy mà ngó lơ không đứng dậy “Chào anh!” bởi nghĩ mình đã xong bổn phận rồi. Vô phước thằng Kiệt lùn bị một tay đứng lại chỉ vô mặt nói trỏng:

     -    Theo tôi!

Chết mẹ rồi! Vụ gì đây? Thằng nhỏ ríu ríu bước theo lên khung. Bữa trưa vẫn chưa thấy nó về nên tụi tui hơi lo lo. Khoảng sẫm tối một tay vệ binh xuống lán kêu đại hai thằng biểu lên khung (tức Ban Chỉ huy Tiểu đoàn) đưa nó về. Trời đất! Ngó kỹ lại thì đó đâu còn là một thân thể con người nữa mà chỉ là một đống bèo nhèo máu me tùm lum bất động. Thôi thì lo xúm vô lau máu sạch sẽ rồi thoa dầu bóp mình mẩy đủ kiểu cho nó lay tỉnh. Một chập sau nó mới mở mắt được. Mừng quá, tụi tui hỏi tới tấp:

-       Sao vậy? Sao vậy?

Nó thều thào:

-       Tao bị tụi nó lôi xuống hầm rồi 4 thằng căng tay chân ra bốn góc cho một thằng nhảy lên đạp vào người tao tới ói máu sau khi đã bị đánh nhừ tử. Mà tao có làm gì phạm nội quy trại đâu?

-        Mầy ngu lắm, phạm tội tày đình còn không biết. Có chớ, thấy Ông kẹ mà không biết đứng dậy Chào anh!

-        Có phải một mình tao đâu, cả đám mà.

-        Thì tại mầy xui phải bị làm vật tế thần thôi con ơi!

Tội nghiệp thằng nhỏ phải nằm chèm bẹp một tuần lễ mới ngồi dậy nổi. Ở đời thiếu gì chuyện tai bay vạ gió xảy tới bất ngờ mình đỡ đâu có kịp.

Rồi lại thêm chuyện mấy thằng ngu nữa. Có thân nhân lên thăm thì Trại cho phép ra gặp mặt nhận đồ tiếp tế và chuyện trò từ 6 giờ chiều tới 8 giờ tối thì phải vô trại lại. Nhiều thằng có cô vợ trẻ lên thăm nhịn không nổi cũng trơ mặt dầy ra giữa chỗ đông người, mặc kệ tiếng sạp tre kêu cọt kẹt khe khẽ mà làm đại một “phùa”. Vậy thôi ngày mai cũng muốn sụm bà chè rồi, đi phát rẫy mà như thằng mộng du, cứ lờ quờ thấy thảm. Anh em thông cảm làm gánh bớt chớ không thôi để nó hoàn thành chỉ tiêu có mà tới khuya mới xong. Vậy mà có những thằng ham hố, đã vào trại điểm danh tối rồi mà còn lén vòng ngã sau định “thiếm xực” thêm. Trại thì đầy dẫy ăng-ten thuộc diện gia đình có công với cách mạng luôn luôn kiếm điểm để mong về sớm. Làm ẩu vậy là chết cha mầy rồi, tụi nó báo cáo ngay tức khắc. Thằng nhỏ sau khi lén lút mò ra thiếm xực hớn hở mò về thì lọt ngay vào ổ phục kích. Bị nắm đầu lên khung sáng ngày thả về tả tơi như cái mền rách là cái chắc. Lại còn bị kiểm điểm tới lui trước toàn thể trại hết mấy trang giấy học trò nữa chớ. Đúng là thằng con hại thằng cha!

Tui được cái là còn chút máu anh hùng rơm. Một buổi chiều đi lao động về có tin nhắn qua tần số đặc biệt là có người nhà đi thăm ké ngoài Trại Tiếp Tân, có nghĩa là không có giấy thăm nuôi chính thức, chỉ ké với một bà nào đó khi vớ vẩn ra bến xe đò đường Lê Hồng Phong Sài Gòn thăm dò tình hình. Tui bèn thẳng thắn lên gặp ngay Chính Trị viên Tiểu đoàn xin phép ra gặp. Dù gì thì khi gặp anh hùng ai cũng có chút kính trọng “cái sự can đởm” nên được đồng ý. Nhưng ra tới nơi thì người nhà phải dấu mặt không thôi bể mánh hết sao? Không gặp được thì thôi, bèn báo cáo không có rồi vào Trại. Gắt gao vậy đó mà mấy bà đờn bà ẩu tả thấy sợ!

Chắc hồi trẻ tui cũng khá phong độ, có sức lôi cuốn phụ nữ cho nên dù đã bị sụp hầm ngã ngựa rồi vẫn còn có người quan tâm. Sáng hôm sau khi vác rựa đi lao động rồi thì nhận được một tin nhắn làm tui té ngữa luôn:

-    Bả không theo xe đò về hồi sáng mà đang chờ mầy ở bên Trạm chờ bệnh xá Trung Đoàn.

Trời đất quỷ thần ơi! Giờ phải làm sao đây? Cũng may là tui hay lãnh phần đi công tác lẻ nên mới có thể tự tiện vác rựa quay lui, chớ nếu đi theo tập thể thì coi như kẹt một cửa tứ. Tui thối lui về coi tình hình thế nào. Không biết ma đưa lối quỷ dẫn đường ra sao mà nghe lời người ta ở lại đại trạm chờ của bệnh xá. Tới nơi thì tui thấy có thêm vợ thằng Thiếu Úy Thịnh là Sĩ quan của Tiểu đoàn 5 Truyền Tin thuộc Sư Đoàn 5 Bộ Binh. Đầu dây mối nhợ chắc tại thằng quỷ nầy. Nghe nói trước đây mấy Bà cũng hay lén lút ở lại và được chứa chấp ở đây, nhưng bây giờ bị bể nên thằng phụ trách Trạm không dám cho ở lại. Hèn nào mà tui thấy có những bà chồng đi ở tù mấy năm mà vẫn mang cái bụng thè lè đi thăm nuôi. Chồng bị đi tù, ở nhà lấy trai có bầu mà không biết mắc cỡ sao còn vác bụng lên thăm chồng? Hóa ra đó là những đứa con nít được phối giống trong cảnh tối tăm lén lút nầy đây.

Thiệt tình lúc đó tui bị rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Mà không phải, làm gì có tiến? Chỉ có thoái không mà còn bị mắc nghẹn một cục tổ chảng trong họng. Chẳng lẽ rầy rà thì cũng tội nghiệp cho người ta, mà cũng chẳng biết tháo gỡ theo cách ra sao đây. Ở lại chỗ đó thì có mà chết chắc, lỡ có thằng vệ binh nào đi ngang nhìn thấy thì tui có mà mập mình. Bèn dắt díu nhau trốn ra một bụi lùm né đỡ rồi tính sau. Trời đất! Trời trưa nắng chói chang mọi bề ngộp muốn đứt thở thì còn tình tứ chi nữa? Chỉ còn được thấy cái bản mặt tui nhăn nhăn nhó nhó như khỉ ăn ớt với những tiếng càm ràm thôi. May mà nàng chắc có chuẩn bị tính toán trước nên tui đỡ lo cái phần nuôi ăn.

Bỏ nàng ngồi một mình ở đó, tui phải lo đi hoàn thành chỉ tiêu lao động trong ngày của mình trước rồi muốn tính gì thì tính. Thời may, mạng liên lạc siêu tần số báo lại là đã có cách giải quyết ổn thỏa trường hợp đặc biệt nầy. Mấy chục năm rồi, nhưng trong lòng tui vẫn thầm cám ơn “ban tiếp tân” của Tiểu đoàn 1 ở cách trại tui khoảng non một cây số. Đó là tiểu đoàn thuộc dạng đặc biệt chứa đủ mọi thành phần kể cả binh sĩ và hạ sĩ quan mà theo họ là “có vấn đề” về an ninh chớ không phải tuyền là sĩ quan như những tiểu đoàn khác. Chính vì vậy mà kỷ luật có phần lỏng lẻo hơn và sinh hoạt khá tự do.

Trời bắt đầu ngã về chiều thì có một con chim xanh đi tới chỗ tụi tui ẩn nấp ngoắc theo dẫn đường. Đi vòng vèo theo những bụi cây rậm rạp, anh ta dẫn tui tới một địa điểm tương đối kín đáo ẩn mình trong bụi rậm. Cha Mẹ ơi! Làm sao tui dè được họ dám tổ chức một địa điểm như thế trong chốn hang hùm nọc rắn. Đã có một cái mùng cũ mèm giăng sẵn và một chiếc chiếu te tua trong vòm cây thấp trên đám lá mục. Lật đật chui vào trốn trong đó vừa ổn định chỗ ngồi thì nghe tiếng kẻng tập họp đổ hồi. Lại cái vụ gì nữa đây? Hay trại đã phát hiện ra trường hợp bất hợp pháp của tui? Lật đật vọt ra núp trong bụi cây nghe ngóng tình hình thì hóa ra tập họp để thông báo tối nay anh em ăn cơm sớm để tập trung lên sân Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn coi cải lương do Đoàn Sài Gòn 2 lên biểu diễn. Tui thở hắt ra một hơi dài, thiệt tình trong cái rủi còn có cái xui đi kèm. Lật đật quay lại trấn an đối phương rồi vác rựa quay lui về điểm danh không thì tiêu đời. Trên đường quay lui, tình cờ tui lại “tao ngộ chiến” với một con rắn dài khoảng thước rưỡi lớn hơn cườm tay. Đang đi vác cái rựa trên vai, nó bò ngang cái xoẹt trước mặt cách chỉ một bước. Tui tức tốc hạ cái rựa xuống liền ngang thân nó nhanh như tia chớp. Vậy mà nó oằn mình một cái thoát được ngon ơ, rồi mạnh nó nó chạy mạnh tui tui chạy. Tui hay dị đoan lắm! Đang đi mà gặp rắn chắn đường thì thế nào cái rủi cũng nhiều hơn cái may nên trong bụng cứ lo lo, nhứt là mình đang kẹt trong một trường hợp quá đặc biệt nữa. Chạy về tập họp điểm danh xong thì tất cả cất bước đi coi cải lương. Được một đoạn tui làm bộ đi tiểu rồi xé ngang trốn mất theo lối riêng của mình.

Xin mở ngoặc chỗ nầy một chút. Thường mỗi cuối tháng, Trung Đoàn hay tổ chức cho đám tù được coi chiếu phim để…thư giãn đầu óc. Sau phần phim thời sự thường chỉ có những phim thần thoại của Liên Xô như Lút-mi-la gì gì đó. Đây là một dịp tốt để mấy thằng ăng-ten ăn đòn thù. Đám nào đã có toan tính trước thì hay đem theo những cái ghế đòn nhỏ bằng cây để lót đít ngồi. Ai cấm được? Và đó là những thứ sẽ tương vào đầu những thằng phản bạn khi trở về trên đoạn đường tối thui. Có khi còn bị chơi bằng rựa nữa có tí máu cho nó “hoành tráng”. Nhưng ở đây không có giết người, chỉ cảnh cáo cho mầy bỏ tật ton hót thôi. Có một lần trên đường về có tiếng la hét chói trời. Rồi! Vậy là bị chơi bằng rựa rồi! Về tới nơi có thằng hỏi tui:

      -  Ủa! Vậy mà tao tưởng mầy "bị" rồi chớ!

      -  Xời! Còn lâu!

Vì sao nó hỏi vậy? Bị cái tật của tui khi đi lao động chung, thấy thằng nào dựa dẫm sức lao động của anh em thì khi họp bình bầu lao động xuất sắc mỗi tuần thế nào cũng bị tui vạch mặt chỉ tên nên tụi nó ghét. Ghét thì làm gì nhau nào? Tui phê bình công khai mà, đâu có đi ngõ sau mà phải sợ. Ở đâu cũng vậy, khi làm việc thì tui làm hết khả năng của mình, thậm chí bao biện việc nặng cho những anh em yếu sức hơn. Tui có màng chi cái chuyện lao động xuất sắc để kiếm điểm hầu về sớm bởi tui biết rõ đó chỉ là trò lừa mị nhau mà thôi. Dĩ nhiên điều đó ai cũng nhận thấy và những cuộc bình bầu hàng tuần tui cũng hay được có phiếu. Hơn nữa, tui làm A trưởng mà, không bỏ phiếu cho tui thì coi chừng nghe con! Tuần sau con chỉ nhận được những phần rừng khó gặm không thôi. Hì…Hì…nhưng chỉ tới A là hết mức. Lên tới B thì tui rớt liền vì nó ngoài tầm kiểm soát của tui, hơn nữa bị mấy thằng mắc dịch mắc gió kia nó ghét mà.

Trở lại câu chuyện của tui. Lò mò trong bóng đêm giơ bàn tay ra trước mặt không thấy, nhưng với kinh nghiệm cá nhân tui cũng trở lại đúng địa điểm. Nàng đang luống cuống hồi hộp lo âu một mình trong bóng đêm nghe tiếng tui trở lại thì mừng rơn. Mà mấy thằng cha trong “ban tiếp tân” cũng chu đáo thiệt. Họ móc sẵn một cái lỗ nhỏ bằng miệng thúng gần mép suối để lấy nước rửa ráy. Cái nầy hay à nha! Không thôi mình mẩy hôi rình ai mà nằm gần chịu cho nổi? Sau khi hai đứa làm vệ sinh cá nhân xong, bèn chui vô mùng nằm tránh muỗi để…tâm sự:

Hai đứa cứ thì thào như bọn buôn bạc giả:

     -  Em nhớ anh quá trời luôn!

     -  Anh thì nhớ em quá đất luôn!

Trời tối đen như mực, chỉ có những ánh sao xanh trên rừng xa tít nhảy múa. Được một lúc thì bọn chúng như thẹn thùng mà lẫn trốn đâu mất hết. Hoàn cảnh của tụi tui ở đó là cứ ánh mặt trời tắt thì cuộc sống cũng tắt theo, leo lên sạp nằm hết trơn. Tui mới nảy ra một sáng kiến quơ một mớ đom đóm bỏ vô mùng cho nó chớp tắt như hội hoa đăng trong đêm tân hôn. Cái giống đom đóm nầy cũng ngộ! Nếu ai có dịp ban đêm xuôi thuyền trên đầu nguồn con sông Sài gòn sẽ thấy được một cảnh tượng lạ mắt đẹp đến ngẩn ngơ. Từng bầy đom đóm bu theo những chòm cây thấp hai bên sông dầy đặc, lạ một điều là chúng cứ chớp tắt đồng loạt như có gắn chung một cái mạch điện tử không bằng. Sao trên trời thì lung linh nhảy múa trong điệu luân vũ riêng của chúng, dưới đất thì bầy đom đóm chớp tắt như những ánh đèn màu quảng cáo chốn phồn hoa. Hay lắm!

Tui không miêu tả ở đây những điều dung tục, chỉ muốn kể lại những hiện thực đớn đau của một thời tuổi trẻ mà thôi.

Chưa kịp "ổn định chỗ nằm", chúng tôi đã cuốn vào nhau. Sức trai tráng mặc dù được nuôi bằng khoai mì và bắp nhưng sinh lực tiềm tàng vẫn còn tràn trề. Tất nhiên khúc dạo đầu diễn ra chớp nhoáng bởi bản năng động vật trỗi dậy mãnh liệt. Tui lập lại những hành động của giống đực khi gần kề giống cái dưới bầu trời đêm tối thui với ánh đèn chớp tắt của bầy đom đóm trong mùng với nỗi khao khát cháy bỏng lẫn lo âu tràn ngập cõi lòng. Tiếng đủ loại côn trùng ri rỉ kêu đầy chung quanh lẫn với tiếng lá khô xào xạc dưới bước chân của những con thú rừng đi ăn đêm. Lãng mạn dữ! Mà cũng rùng rợn nữa. Nhưng than ôi! Chưa kịp thấy những ngón tay bối rối ghì siết thân mình, chưa kịp nghe những tiếng xuýt xoa nấc nhẹ, chưa kịp biết những cái nhăn mặt mà nguyên nhân không xác định thì…tình chết theo mùa đông! Vừa chạm ngõ đã thấy thiên đường!

Nằm lặng im một lúc lâu sao nghe mặt trận miền tây vẫn yên tĩnh giống như những ngày hưu chiến dịp tết năm nào. Tui cứ mong sao có một tết Mậu Thân khác bùng nổ cho súng nổ đạn bay nhưng sao chờ hoài không thấy? Đang nằm buồn bả thấp thỏm chờ đợi thì bỗng nghe mát mặt. Chết mẹ! Trời mưa rồi làm sao đây? Vừa tổn hao chân khí mà phải chịu một trận mưa tới sáng nữa chắc có nước đi trạm xá luôn. Hóa ra cái đám sao xa kia bị mây đen che khuất chớ nào phải thẹn thùng chi đâu. Trời tối đen nên chuyển mưa mà tui đâu có biết!

Mưa càng ngày càng nặng hạt như nhấn chìm nỗi hy vọng của tui luôn. Thời may, trong cơn mưa một bóng đen xuất hiện rồi có tiếng thì thào:

    -  Gom đồ vô đây theo tui.

Cứu tinh xuất hiện đúng lúc. Lại phải cám ơn sự nhiệt tình giúp đỡ hết sức mình của anh em trong “ban tiếp tân”. Khó khăn vậy mà họ dám dẫn tụi tui vô lán nằm để tránh mưa. Gan thiệt!

Rồi cứ nằm trằn trọc chờ trời sáng luôn. Vậy là huề trớt!

Mới sáng bảnh mắt tụi tui vội cuốn đồ đạc rồi đưa nàng ra đường chờ xe thăm nuôi lai đáo chốn thị thành. Tui đứng lơ ngơ bên đường ngó theo đám bụi đỏ ngày càng xa mà lòng buồn não nuột. Biết đến bao giờ mới được trở về cõi nhân gian?

Một trận mưa đêm nhớ đời khó nhạt phai trong ký ức của tui.

HÙNG BI
_____________________
Hùng Bi là bút hiệu của một cựu chiến binh VNCH.

No comments:

Post a Comment

Người Bỏ Lễ Đêm Đông, thơ

Dạo:        Đêm nay Thiên Chúa giáng trần, Xin thương cứu giúp người dân khốn cùng. Người Bỏ Lễ Đêm Đông Đêm đất Bắc, gió mài da tím ngắt, N...