03 August 2012

Mỹ lên tiếng về vụ bà Liêng tự thiêu

Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội đã bày tỏ ‘quan ngại và đau buồn sâu sắc’ về cái chết của bà Đặng Thị Kim Liêng, người vừa qua đời hôm thứ Hai 30/7 sau khi tự thiêu trước trụ sở chính quyền tỉnh Bạc Liêu.

‘Đau buồn sâu sắc’

“Chúng tôi quan ngại và đau buồn sâu sắc khi nghe tin về vụ tự thiêu của bà Đặng Thi Kim Liêng hôm 30/7 mà nguyên nhân được cho là có liên quan đến những vụ việc xung quanh việc bắt giữ con gái bà là Tạ Phong Tần,” Sứ quán Mỹ lên tiếng trong thông cáo báo chí được đưa ra vào hôm thứ Tư ngày 1/8.


Cái chết bi thảm của bà Liêng đã dẫn đến phản ứng của quốc tế

Bà Tạ Phong Tần (hình bên) là một trong ba bloggers thuộc Câu lạc bộ Nhà báo Tự do sẽ ra tòa vào ngày 7/8 với tội danh ‘Tuyên truyền chống Nhà nước’.

Thông cáo của Sứ quán Mỹ cũng nhắc lại bà Tần bị bắt giữ hồi tháng Chín năm ngoái và sẽ được xét xử cùng với các blogger khác là Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày) và Phan Thanh Hải theo điều 88 Bộ Luật hình sự.

Tòa Đại sứ Mỹ mô tả điều luật này là ‘sử dụng những điều khoản có câu chữ mơ hồ để bóp nghẹt các cuộc tranh luận tự do và công khai’.

“Chúng tôi kêu gọi chính phủ Việt Nam thả tất cả ba người này ngay lập tức và, như Tổng thống Obama đã nói nhân Ngày Tự do Báo chí Thế giới, hãy có những bước đi cần thiết để tạo ra một xã hội mà các nhà báo có thể tự do hoạt động mà không bị sợ hãi,” thông cáo viết.

Mặc dù vụ tự thiêu của bà Liêng được truyền thông quốc tế đưa tin trong những ngày qua, vụ việc này không hề được nhắc đến trên báo chí trong nước.

Từ Washington, dân biểu Hạ viện Loretta Sanchez đại diện cho khu vực có đông đảo người Việt tại quận Cam, tiểu bang California, cũng đã gửi lời chia buồn trước sự ra đi của bà Đặng Thị Kim Liêng.

“Cái chết của thân mẫn bà Tạ Phong Tần đã làm chấn động cộng đồng đấu tranh của Việt Nam và cả những ai đang theo dõi sát sao vụ bắt giữ bà Tần,” Sanchez phát biểu trong một thông cáo được phát đi từ văn phòng của bà hôm 31/7.

“Hình ảnh một người mẹ lo lắng sẽ không còn gặp được con và hành động tuyệt vọng châm lửa vào mình ở trước Ủy ban nhân dân Bạc Liêu để phản đối phiên tòa xét xử con gái bà sắp tới đã tác động đến tâm khảm tôi,” bà nói.

“Tôi hòa cùng thân hữu của bà Tân để bày tỏ tình đoàn kết. Tôi gửi lời chia sẻ và thành thật chia buồn đến gia quyến và thân hữu bà Tần về mất mát thương tâm này,” lá thư viết.

“Sự hy sinh thân mình của bà Liêng là sự nhắc nhở nghiêm túc về cái giá mà các nhà cổ súy nhân quyền trên toàn thế giới phải trả trong cuộc đấu tranh giành tự do và công bằng xã hội.”

Trong một diễn biến khác, Liên đoàn quốc tế về nhân quyền (FIDH) cùng với hai tổ chức khác là Tổ chức chống Tra tấn thế giới (OMCT) và Ủy ban nhân quyền Việt Nam (VCHR), một tổ chức của người Việt ở hải ngoại, hôm 31/7 đã gửi một lá thư ngỏ đến 34 phái bộ ngoại giao ở Hà Nội về phiên tòa xét xử ba blogger sắp tới.
Mục đích của lá thư này là kêu gọi các đại diện ngoại giao ở Hà Nội lưu tâm đến phiên tòa sắp tới xử các blogger mà các tổ chức nhân quyền này gọi là ‘các nhà hoạt động vì dân chủ’.

Lá thư này, vốn được gửi đến Sứ quán các nước Mỹ, Anh, Pháp, Úc, Canada, Nhật Bản, Đức, Hà Lan, Na Uy, Thụy Điển, Liên hiệp châu Âu và một số nước khác, cũng nhắc đến vụ tư thiêu của bà Liêng.

“Hôm 30/7, thân mẫu bà Tạ Phong Tần đã thiêu mình trước trụ sở Ủy ban nhân dân ở Bạc Liêu để phản đối con gái bà bị cầm tù bất công. Bà đã phải chịu đựng sự sách nhiễu và tra vấn liên tục của công an kể từ khi con gái bà bị bắt giữ. Bà đã chết sau đó,” lá thư viết.

‘Kết án thật nặng’

Phiên tòa xét xử bà Tần cùng hai blogger khác bị các tổ chức nhân quyền lên án
Ba tổ chức nhân quyền này lên án việc ba cây viết blog bị xét xử vì ‘phê phán chính quyền một cách ôn hòa trên mạng’ và lưu ý nếu bị kết tội họ có thể chịu mức án lên đến 20 năm tù.

Cũng theo lá thư này thì Ủy ban nhân quyền Việt Nam biết tin Bộ Công an Việt Nam đã yêu cầu tòa án kết án ba blogger này ‘thật nặng’ nhưng Viện Kiểm sát và Tòa án nhân dân được cho là muốn có bản án nhẹ hơn.

“Dường như là việc kết tội họ đã được định trước rồi,” lá thư viết và cũng dẫn nguồn tin từ gia đình và luật sư cho biết là blogger Điếu Cày đã bị áp lực phải nhận tội trong thời gian bị giam giữ nhưng ông đã liên tục từ chối.

Lá thư nhắc lại quyền được xử trong phiên tòa công khai và công bằng được quy định ở điều 131 của Hiến pháp Việt Nam và điều 14 của Công ước quốc tế về Quyền chính trị và dân sự mà Việt Nam đã tham gia ký kết.

“Việc sắp đặt phiên tòa vào đúng kỳ nghỉ hè khi nhiều vị trong ngoại giao đoàn sẽ rời Hà Nội để đi nghỉ là nhằm để giảm thiểu sự chú ý của quốc tế.”

Thư ngỏ của ba tổ chức nhân quyền

Lá thư dẫn lại bản cáo trạng gửi đến Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh nêu rõ rằng sẽ không có nhân chứng nào được triệu tập đến làm chứng cũng như không có thân nhân nào được vào tham dự phiên tòa.

Do đó, các tổ chức nhân quyền này đánh giá các hành động pháp lý chống lại các blogger ‘đơn giản chỉ nhằm mục đích trừng trị việc thực hiện một cách ôn hòa quyền tự do ngôn luận’ và do đó ‘đã vi phạm các cam kết của Việt Nam trong khuôn khổ các điều luật nhân quyền quốc tế’.

Lá thư cũng bày tỏ quan ngại việc sắp đặt phiên tòa vào đúng kỳ nghỉ hè khi nhiều vị trong ngoại giao đoàn sẽ rời Hà Nội để đi nghỉ là nhằm để ‘giảm thiểu sự chú ý của quốc tế’.

Do đó, các tổ chức nhân quyền này kêu gọi các vị đại diện ngoại giao ở Hà Nội gây sức ép yêu cầu chính phủ Việt Nam bỏ tất cả cáo buộc đối với ba bị cáo và thả họ ‘ngay lập tức và vô điều kiện’.

Lá thư cũng đề nghị các Sứ quán cử các quan chức cấp cao đến dự phiên xử vào ngày 7/8 tới.

Tin BBC
(Nguồn ĐCV)

No comments:

Post a Comment

Một Góc Nhìn "Rất Tôn Tử" Về Cuộc Xâm Lăng Của Nga Vào Ukraine* (Do people in Russia know that Putin is fighting the wrong enemy?)

John Andressen (Ukraine của bạn? - Không! Ukraine là của tôi) Người dân Nga có biết Putin đã nhận lầm kẻ thù để đánh không? Giống như Sa hoà...