31 August 2012

Doãn Quốc Sỹ với khúc quành của dòng sông

cảm nghĩ Nguyên Trần

         Nhân đọc bài tùy bút “Bố Sỹ và Cô Út” thật cảm động và chân tình của nhạc sỹ/nhà thơ Phan Ni Tấn viết về những thăng trầm của nhà văn/GS Doãn Quốc Sỹ, tôi bỗng có ý nghĩ là phải viết đôi dòng vế nhà văn khả kính nầy vì tôi vốn là người yêu mến truyện ông và kính trọng tư cách ông từ lâu.

         Trong “Bố Sĩ và Cô Út”, Phan Ni Tấn tự thuật lại chuyến gặp gỡ mới đây vào tháng 7/2012 tại Toronto của hai người bạn vong niên, đó là nhà văn Doãn Quốc Sỹ và anh. Truyện cũng ghi lại  mối giao tình giữa hai người   ngay từ lúc còn ở Việt Nam dưới cái gọi là chế đô cộng hòa xã nghĩa , lúc mà cả hai cùng ở một bên trời lận đận và hơn nữa cùng có tâm hồn phóng khoáng hiền hòa của những người nghệ sĩ nên rất dễ đồng cảm tương đắc. Điểm đăc biệt là nhà văn tuy tuổi hạc đã 90 mà vẫn còn quắc thước tinh anh.

         Cũng như tất cả bằng hữu thân sơ khác của nhà văn Doãn Quốc Sỹ, Phan Ni Tấn cũng có nhận xét chắc nịch rằng ông là một con người trí thức có tâm hồn khoan hòa đôn hậu và một ý chí bất khuất can trường.

         Chính cái con người “uy vũ bất năng khuất” của ông đã khiến Doãn Quốc Sỹ  bị Việt Cộng bắt giam nhiều lần mà tổng cộng thời gian tù tội lên tới trên 14 năm nhưng  lúc nào ông cũng vẫn an nhiên tự tại. Sau khi ra tù, ông vẫn giữ lòng son sắt quyết nói lên tiếng nói cho tự do dân chủ ngay trong lòng địch. Ngay cả những lần Phan Ni Tấn tới thăm ông tại căn nhà trong hẽm đường Thanh Thái - sau khi ông ra tù - ông vẫn không từ bỏ sự chống đối chế độ độc tài toàn trị bất nhân để mưu tìm tự do hạnh phúc công bằng cho đồng bào mặc dù chúng đã bao lần đến nhà khuyến dụ ông thôi chống đối thì sẽ được nhiều đãi ngộ.

         Tình hình chính trị tại hải ngoại trong thời buổi nhập nhằng nhiễu nhương nầy, có biết bao nhiều người mệnh danh là trí thức mà còn theo đuôi Việt Cộng để kiếm chút bả lợi danh thì hình ảnh một kẻ sĩ tiết tháo cương trực nhu hòa như nhà văn Doãn Quốc Sỹ quả là một viên ngọc quý soi sáng con đường chính nghĩa cho thế hệ mai sau.

         Về cuộc đời công danh , Doãn tiên sinh từng dạy học tại các trường Nguyễn Khuyến (Nam Định) Chu văn An (Hà Nội) và sau khi di cư vào Nam: Trần Lục ( Sài Gòn), hiệu trưởng trường trung học công lập Hà Tiên, giáo sư Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, Đại Học Văn Khoa cho tới giữa thâp niên 60, ông đi du học tại Hoa Kỳ về ngành gíáo dục xong trở về nước tiếp tục giảng dạy cho tới ngày mầt nước.

Nói về  sư nghiệp văn chương, ông viết  cả thảy25 truyện dài rất có giá trị văn học nghệ thuật mà nổi tiếng nhất là Chiếc chiếu hoa cạp điều, Khu rừng lau, Người đàn bà bên kia vĩ tuyến,Tình yêu thánh hóa, Ngã ba sông, Dòng sông định mệnh…Đăc biệt truyện “Con cá mắc cạn” được dịch ra tiếng Anh (The stranded fish)  và bày bán trong các nhà sách Mỹ .

Riêng đối với tôi, truyện “Dòng sông định mệnh” (1959)là truyện tôi thích nhất. Tưởng cũng nên nói thêm là thời thư sinh tay trắng mộng đầy, ngoài “Dòng sông định mệnh” truyện thứ hai mà tôi cũng say mê là “Ái ân thâu ngắn cho dài tiếc thương” của nhà văn Bình Nguyên Lộc.
                             

Thuở nhỏ tôi mê đọc tiểu thuyết lắm, nhưng gia đình tôi có khá giả gì mà mua hết sách về đọc nên tôi bèn đi cái đường thông dụng nhất lúc đó là…mướn truyện  xem. Viết tới đây thì xin quý bạn cho tôi ngưng một chút để ngàn lần xin lỗi mấy ông nhà văn, nhà phát hành thời bấy giờ nha. Lỗi lầm lắm nhưng thằng nhỏ mê đọc qua mà không có tiền  thì biết làm sao đây!  Tệ trạng thời đó sao mà giống những khán thính giả yêu ca nhạc ngày nay mà lại cũng thích mua băng sang lậu quá!!! Nhưng trường hợp thằng nhỏ mướn truyện nầy đáng được tha thứ hơn phải không quý vị?

Trở lại truyện “Dòng sông định mệnh”, tính ra trong cuộc đời con người, tình yêu, công danh, sự nghiệp ít nhất cũng phải trải qua một khúc quành giống như một dòng sông, trước khi luân lưu chảy ra tới biển cũng phải vấp phải một khúc quành nào đó . Đó là chủ đề chính  trong truyện “Dòng sông định mênh”.

Truyện kể lại một chuyện tình êm đềm lãng mạn và trong sáng của Thiệu và Yến, đôi bạn trẻ  từ lúc mới 9, 10 tuổi, cùng là lối xóm với  nhau trong một làng nhỏ ở tỉnh Bắc Ninh miền Bắc. Hai đứa nhỏ cùng chơi chung, cùng tắm chung trên dòng sông Đuống nên sinh tình quyến luyến. Thứ tình cảm nầy, Việt Cộng miệt thị là tình cảm tiểu tư sản. Cũng đúng thôi vì đối với Việt Cộng có cái tình nào khác hơn hay nói rõ hơn là chúng không có cái quyền có tình yêu nào khác hơn là tình yêu bác và đảng cũng như tình yêu tổ tiên của đảng là Mác Lê.

   Hai đứa trẻ chơi thân với nhau từ nhỏ để rồi tới một lúc nào đó, Thiệu bỗng yêu thương Yến  mà không hay nhưng vốn bản tính nhút nhát nên cậu bé không dám thổ lộ với người mơ mà vẫn ôm ấp mối tình câm. Cho tới khi hai đứa trẻ lên Hà Nội  học trung học thì Yến đã bắt đầu e ấp thẹn thùng với người bạn trai từ tấm mẵn trong khi Thiệu thì càng tương tư người đẹp hơn mà khổ nỗi cũng còn nhát gái. Thêm vào đó, Yến trọ nhà người chú ruột rất nghiêm khắc, nhiều lần Thiệu thập thò trước cửa nhà mà không dám vào thăm Yến. Cho tới một hôm, không dằn được sóng tình  cuồn cuộn dâng lên trong lòng, Thiệu đánh liều viết lá thư tỏ tình (kiểu  nầy sao mà nghe quen quen với tôi hồi nhỏ quá) rồi đón đường  run run trao cho Yến. Để rồi sau đó chàng thấp thỏm đứng ngồi không yên ngóng chờ tin nhạn. Vài hôm sau, Thiệu nôn nóng chận đường Yến “để hỏi thăm kết quả” thì người đẹp chỉ trả lời ngắn gọn: “Đừng anh Thiệu ạ!” chứ không chịu giải thích cho rõ ràng: đừng là đừng thế nào? Còn nhỏ phải lo học hành rồi chuyện kia tính sau hay đừng là tôi không yêu anh. Tuy bị hụt hẫng nhưng Thiệu vẫn nuôi hy vọng vì giữa hai người có cả một khung trời kỷ niệm êm đềm nhất là Thiệu đã một lần liều chết nhảy xuống sông cứu Yến dù chàng không bơi rành lắm.

Chuyện tình đang độ nửa vời như vậy thì trong một khoảng thời ngắn ngủi, cha mẹ Thiệu lần lượt trước sau qua đời vì không chịu nổi sự áp bức bốc lột tận cùng của bọn Việt Minh. Riêng mẹ Thiệu thì chết trước khi bà chính thức hỏi Yến cho Thiệu. Rồi tin dữ lại tiếp theo là  khi tình Thiệu dậm chân tại chỗ thì đùng một cái, mẹ Yến nhận trầu cau dạm hỏi Yến của gia đình một chàng trai giàu có du học từ bên Pháp về thì Thiệu phải là người đứng bên lề.. Lúc đó Thiệu mới bàng hoàng đau đớn nghĩ  rằng dòng sông của chàng và Yến thường nô đùa thời thơ ấu đã tới một khúc quành oan nghiệt nhận chìm cả ước mơ đôi lứa của chàng. Vậy là chàng liên tiếp nhận 3 cái tang: tang cha, tang mẹ và tang một cuộc tình cùng đau đớn như nhau. Sau khi chịu tang cha mẹ xong, Thiệu  ghi danh vào học trường  mỹ thuật  Hà Nôi ngay khi vừa đổ tú tài 2,  và trở thành họa sĩ  còn Yến thì học trường thuốc (dược khoa) mặc dủ đã lập gia đình.

Sau đó  Thiệu theo Lũy người bạn thân vào quê anh là cố đố Huế dạy học tại một trường trung học do chính Lũy làm hiệu trưởng - mà cũng có thể xem như là một cuộc bỏ trốn của kẻ chiến bại trên tình trường.

Ở Huế cho tới trước ngày cách mạng mùa Thu 1945, Thiệu bỏ cố đô vào chiến khu tham gia kháng chiến chống Pháp với hoài bảo dành độc lập tư do cho quê hương như bao chàng trai cùng thế hệ. Nhưng sau mấy năm kháng chiến, anh thấy rõ bộ mặt thật gian trá bất nhân hèn hạ phản trắc và ngu dốt của cái gọi là Việt Minh chỉ là tay sai của Cộng Sản Quốc Tế muốn áp đặt chủ nghĩa Cộng Sản phi nhân vô thần trên đất nước Việt Nam chứ yêu thương giống nòi gì cái ngữ đó. Thế là anh trốn lại về thành (dinh tê) và ở đó luôn cho tới hiệp định Genève 20/71954 ngăn chia đất nước và Thiệu cũng bặt tin gia đình từ đó.

Một thời gian ngắn sau, Thiệu bất ngờ nhận được thơ chị Hoa nhờ Lũy chuyển,  chị Hoa là chị thứ ba của Thiệu báo tin gia đình chị và anh hai Tín đều đã di cư vào Nam. Chị nhắn Thiệu vào Sài Gòn vừa dễ sinh sống vừa có chị có em nương tưa nhau nhất là khi cha mẹ đã mất cả rồi.  Thiệu bèn sắp xếp dọn về  Sài Gòn mà nơi đó cuộc đời Thiệu lại bắt đầu một khúc quành mới của dòng sông.

Tạo, người  bạn thân khác của Thiệu ở Hà Nội, bấy giờ  cũng vào Sài Gòn và đang làm chủ một tờ báo văn học nghệ thuật mang tên Nguồn Việt. Tạo cần  Thiệu làm tổng thư ký  tòa soạn rất hợp với khả năng của chàng. Ngoài ra, Tạo còn chơi đẹp với bạn là  giao hẳn cho chàng một chiếc xe hơi để chạy việc.

Một hôm vì công việc tòa soạn quá nhiều khiến Thiệu nhức đầu nên tấp vào một nhà thuốc tây để mua thuốc thì trời ơi! Thiệu có nằm mơ cũng không dám mơ như vậy vì dược sĩ chủ nhà thuốc tây là…Yến của Thiệu năm nào. Một Yến càng đẹp hơn xưa như trái cây chín mùi tuy có chút gợn buồn.

Mừng mừng tủi tủi sau cuộc tái hợp bất ngờ kỳ diệu, Thiệu còn biết thêm là chồng của Yến đã mất hai năm trước tại Hà Nội và Yến phải bồng bế hai con thơ di cư vào Nam . Tai vùng đất mới Sài Gòn, nàng chắc mót hết vốn liếng mở được nhà thuốc nầy nằm ngay trên đường Bonard.

Sau đó tình xưa nghĩa cũ tìm về với nhau và điều đáng ghi nhận nhất và cũng nhức đầu nhất là hai người mặc dầu từng bày tỏ những cử chỉ  yêu nhau tha thiết nhưng chưa hề hôn nhau  hay thậm chí ôm nhau. Sao mà tình yêu trong sáng thánh thiện quá. Thật đúng là Amour Platonique. Ngay cả lúc Thiệu run run cầu hôn thì Yến chỉ mĩm cười nói “ Thôi mà anh Thiệu” để anh muốn hiểu sao thì hiểu. Thìệu nhớ lại câu nói ngày xưa khi Yến trả lời thư tỏ tình của anh cũng là” Đừng anh Thiệu ạ!” Nhưng Thiệu tin chắc rằng qua thái độ ánh mắt và lời tâm tình thì Yến cũng yêu mình lắm nên anh tự nhủ là chỉ ôm hôn Yến khi hai người đã thành vợ chồng. (Mặc dù luôn quý trọng tiền bối Doãn Quốc Sỹ nhưng nhà em xin phản đối ông tới cùng về cái chuyện “cám treo để heo nhịn đói nầy” . Chơi ác như vậy thì ai mà chịu cho nổi. Người phàm tục chớ thần thánh gì cho cam.  Tức chết đi được).

Nhưng thực ra Thiệu cũng muốn kéo dài tình trạng ù ơ ví dầu  mãi vì chàng tự ái mà nghĩ rằng  chàng chỉ thực sự nên đến với Yến khi công thành danh toại chứ cái nghề báo bổ nầy nó long đong lắm mà chàng lại không muốn làm “thân cư dược sỹ”. Chính vì cái sự chần chừ nầy mà sau đó Thiệu đã phải trả một giá thật đắt.

Sau một thời gian thân tình gắn bó gần như đã yêu nhau nhưng lời yêu chưa nói ra, Thiệu đề nghị vẽ một bức tranh cho Yến và được nàng ưng thuận ngay. Thực ra không gì hạnh phúc cho nàng bằng được người yêu họa chân dung mà nàng biết chắc là đã ăn sâu trong tâm khảm chàng.

Sau khi vẽ xong, Thiệu phone hẹn với Yến 3 giờ chiều hôm sau sẽ mang tranh tới cho người yêu và chàng định là sẽ trao bức tranh như món quà cầu hôn nàng. Trước đây thì Thiệu không xúc tiến việc cưới xin vì còn mang mặc cảm thua kém Yến nhưng sau đó do sự đốc thúc của chị Hoa và hơn nữa Thiệu thấy mình và Yến cũng đã trên 30, sợ cảnh đêm dài lắm mộng nên  Thiệu quyết định sẽ cưới Yến. Và Yến hứa giao nhà thuốc tây cho nhân viên trông coi để  ở nhà chờ Thiệu  mang tranh tới.

Sáng hôm sau Thiệu còn đang ngủ cho khoẻ để chờ chiều đi gặp người đẹp thì bất ngờ vợ chồng Tạo và vài ký giả bạn tới rủ Thiệu đi chơi mà họ lại ra vẽ bí mật không nói là đi đâu. Nể bạn và hơn nữa cũng là người ân của mình, Thiệu đi cùng họ. Và cả bọn trực chỉ tới một ngôi chùa cổ nằm ven rừng ở Thủ Dầu Một để đi picnic. Tất cả khề khà thế nào mà mãi tới hơn 3 giờ mới chịu trở về, đã vậy còn rủ nhau tới nhà Tạo để nghe tao đàn dương cầm. Thiệu từ chối ngay và phóng xe như bay tới nhà Yến. Đúng 4 giờ 5 phút. Chàng chạy nhanh vào nhà thì chị người làm nói Yến đi khỏi. Thiệu biết lỗi nên ngồi chờ tới 6 giờ chiều nhưng chẳng thấy bóng dáng nàng đâu.

Tâm Trạng rối bời, chàng buồn rầu trở về nhà , biết rằng Yến giận chàng nhiều lắm. Liên tiếp mấy ngày sau, chàng đến gặp nàng khi tại nhà thuốc tây khi tại nhà, nhưng đều bị nàng khước từ với lý bận rộn. Hình như nàng cố tình không cho Thiệu cơ hội giải thích và xin lỗi.

Sau một tuần nôn nóng và đau khổ vì không gặp được người yêu, Thiệu thấy đời thật buồn chán vô vị đến không thiết sống vì chàng đã yêu người tình đầu đời tha thiết tới độ: “ nếu trái đất nầy có hủy diệt thì tro bụi của chàng cũng phải tìm cho bằng được tro bụi của Yến để mà hòa quyện lấy nhau” có nghĩa là chàng không muốn rời xa Yến của chàng một giây một phút nào hết ngay cả khi lìa đời. Qua mấy ngày chiến tranh lạnh giữa hai người, Thiệu linh  cảm rằng cuộc tình  đã chấm dứt và dòng sông lại lạc đến một khúc quành cay nghiệt mới.

Ôm nỗi thất tình, Thiệu tới Tòa Đại Sứ Pháp nộp đơn xin học bổng du học trường Mỹ Thuật Paris . Có lẽ nhờ lá thư giới thiệu chàng là thiên tài hôi họa của ông giám đốc trường mỹ thuật Hà Nội là người Pháp mà chỉ thời gian ngắn sau đó, Thiệu nhận thư Tòa Đại Sứ Pháp chấp thuận cấp học bổng cho chàng học năm thứ ba trường Mỹ Thuật Paris. Thiệu nhận tin nầy như sét đánh ngang mày thay vì vui mừng, vì  chàng biết rằng bản án tử hình cho cuộc tình dù đang vào ngõ cụt của họ đã được ban ra.

Chàng lo chạy xong hết mọi thủ tục xuất ngoại du học rồi đêm cuối cùng trước khi rời Sài Gòn và cũng có lẽ là ngàn đời vĩnh biệt Yến, Thiệu tới gặp nàng với cả một cõi lòng tan nát. Gương mặt Yến sáng hẳn lên khi trông thấy Thiệu. Chàng nghẹn ngào nói:

-      Tôi muốn gặp Yến một chút có được không?

   Hình như Yến vì quá hân hoan hạnh phúc khi gặp lại người yêu nên nàng chưa bắt gặp nổi đau của Thiệu:

-      Được chứ! Mời anh vào nhà.

Tới chừng nghe Thiệu nói:

-      Anh phải đến báo với Yến, à không! đến chào Yến thì đúng hơn. Ngày mai anh đi Pháp rồi…

    Nghe tới nầy, Yến thấy như cả vũ trụ quay cuồng sụp đổ, nàng tưởng chừng như té xỉu xuống, tay nàng run run giọng nói đứt quãng:

-      Anh…đi…Pháp

    Thiệu cúi đầu tránh ánh mắt đau đớn của người yêu:

-      Phải! Anh được học bổng sang đó học nốt về hội họa.

Hai tay Yến nắm chặt lại và nàng cắn môi không phải để suy nghĩ mà để có đủ nghị lưc chịu đựng nhát búa khốc liệt của định mệnh.

Giây lâu Yến hỏi , giọng lạc hẳn đi khiến Thiệu có cảm tưởng như nghe tiếng đó từ trong giấc chiêm bao:

-      Chúng mình giận nhau thực ư hở anh?

Đó! Hai người yêu nhau đã  đau khổ xa nhau như thế đó. Trong tức tưởi nghẹn ngào, trong bẽ bàng cay đắng.

                 Cầm bằng như nước đôi dòng lạ
                 Gặp gỡ mà chi để biệt ly

         Sau đó. Thiệu qua Pháp học tiếp hội họa và trở thành họa sỹ nổi tiếng. Nửa năm sau, chàng thành hôn với cô đầm Suzanne tuyệt đẹp là người ái mộ chàng họa sị Việt Nam tài hoa mà họ gặp nhau trong một cuộc triển lãm tranh của Thiệu tại Tây Ban Nha. Suzanne sau trở thành một nàng dâu lý tưởng được cả gia đình Thiệu yêu mến. Còn Yến sau khi Thiệu đi, nàng đau buồn sang nhà thuốc tây trở về Hà Nội sống và lấy chồng là một đại thương gia và có thêm một con.

         Truyện tình buồn kết thúc trong cơn sóng ngầm an phận với lỡ làng đau thương cộng thêm  văn phong nhẹ nhàng trong sáng nhưng vô cùng lôi cuốn của nhà văn Doãn Quốc Sĩ,. Tôi đã say mê đọc truyện nầy nhiều lần, mà lần nào cũng thấy tuyệt vời pha lẫn chút bâng khuâng ngậm ngùi.

Hôm nay, ngồi viết những dòng chữ nầy trước là để chia xẻ lòng kính trọng quý mến cùng anh  Phan Ni Tấn đối với nhà văn tiền bối Doãn Quốc Sỹ  qua tùy bút “Bố Sĩ và cô Út”, thứ nữa xin mượn  trang giấy để trang trọng vinh danh:

-      một nhà văn lớn
-      một tư cách lớn
-      một sĩ khí lớn
-      một bao dung lớn
-      một sư nghiệp lớn

đó là KẺ SĨ THỜI ĐẠI DOÃN QUỐC SĨ.

Viết xong tại Mississauga sáng 30/8/2012
Nguyên Trần

       

No comments:

Post a Comment

Người Bỏ Lễ Đêm Đông, thơ

Dạo:        Đêm nay Thiên Chúa giáng trần, Xin thương cứu giúp người dân khốn cùng. Người Bỏ Lễ Đêm Đông Đêm đất Bắc, gió mài da tím ngắt, N...