13 August 2012

CHUYỆN ÚC CHÂU THÁNG TÁM

Chuyện con cóc

Nay trở lại các tin tức sinh hoạt thời sự tại Úc thì có nhiều tin lạ. Trước hết là giống cóc Agua vẫn thống trị Úc châu.  Đây là loại động vật có khả năng sinh sản nhiều và có thể trở thành mối đe doạ rất nguy hiểm cho môi trường như trường hợp của loài thỏ từ Âu châu đã từng làm Úc châu “điêu đứng” mấy chục năm trước. Nhưng vấn nạn hiện nay của Úc châu là loài cóc khổng lồ Agua đã được cố ý đem từ Âu châu lần đầu tiên vào Queensland của Úc khoảng năm 1935 với mục đích “dĩ độc trị độc” để diệt trừ côn trùng sâu bọ phá hoại mùa màng, đặc biệt là để trừ dịch bọ cánh cứng. Nhưng Úc châu đã tính lầm vì loài cóc không mang lại kết quả như mong đợi. Một tính toán sai lầm nghiêm trọng hơn nữa là Úc châu không ngờ loài cóc Agua lại tỏ ra thích nghi rất tốt với môi trường mới vì hầu như ở Úc không có kẻ thù gây hại cho chúng, mà ngược lại chính loài cóc Agua hiện nay lại là kẻ thù của nhiều loại động vật của địa phương ví dụ như loài chuột và loài mèo tí hon bị nhiễm nọc độc nguy hiểm tiết ra từ da cóc khi định tấn công cóc vì tưởng đây là con mồi ngon béo bở, ngay cả loài thú to lớn như cá sấu và trăn rắn cũng phải chết thảm vì nọc độc trên da của cóc Agua.

Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của hiện tượng hâm nóng toàn cầu nên loài cóc Agua sinh sản mạnh trong những năm gần đây, và di chuyển ồ ạt từ Queensland xuống tận “miệt dưới” New South Wales (tổng số loài cóc Agua tại Úc vào năm 2007 ước khoảng hơn 200 triệu con). Các khoa học gia cho đến nay vẫn chưa tìm được biện pháp nào hữu hiệu và an toàn để giúp các loài thú địa phương chống trả lại sự xâm lăng của “những vị khách xuất hiện bất ngờ và hung hiểm” này, và họ còn lo sợ rằng các 'gen' của loài cóc Agua đang trong giai đoạn chuyển hoá nên thân hình và tứ chi của cóc Agua càng ngày càng lớn (họ vừa bắt được một con cóc Agua đực dài 37 cm và nặng hơn 2 kg, mà thông thường cóc cái lại còn to lớn hơn cóc đực nhiều!) Do đó từ vài năm nay rất nhiều thiện nguyện viên khắp nước Úc trên các mạng internet đã cùng nhau phát động chiến dịch tiêu diệt cóc Agua nhưng trận chiến vẫn không có dấu hiệu ngã ngũ …

Chuyện khỏa thân

Chuyện khó tin nhưng có thật, đó là việc khỏa thân đi xem bảo tàng ở Úc. Chuyện này nghe có vẻ kỳ cục nhưng lại hoàn toàn có thật và không phải ở các bãi biển 'tắm tiên' của Úc. Du khách có thể chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật khi đến buổi trưng bày ban đêm tại Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Sydney. Tất nhiên, với một yêu cầu đặc biệt: phải mặc trang phục y như khi họ vừa chào đời. Các buổi trưng bày này sẽ bắt đầu từ cuối tháng Tư tại bảo tàng nổi tiếng ở Cảng Sydney. Đây sẽ trở thành thiên đường cho những người khỏa thân ở Úc cũng như du khách nước ngoài. Tại Úc việc khỏa thân không phải là điều cấm kỵ. Do đó, Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại đã kêu gọi các khách viếng thăm "cảm nhận thêm góc nhìn mới về các tác phẩm trưng bày trong bảo tàng bằng cách viếng thăm khi hoàn toàn khỏa thân".

Bộ sưu tập trưng bày bao gồm hơn 4,000 tác phẩm của các nghệ sĩ Úc và quốc tế. Buổi triển lãm đầu tiên đã bắt đầu từ hôm 29/03 và kéo dài đến 03/06 cùng với quy định "chỉ có người lớn" vào xem. Trên website về buổi triển lãm có viết. "Cởi bỏ các rào cản về vật chất giữa nghệ sĩ và người thưởng thức khi bạn viếng thăm cùng với nghệ sĩ Stuart Ringholt sẽ mang lại một sự tiếp nhận hoàn toàn rõ ràng" và bản thân nghệ sĩ hôm đó cũng sẽ không mặc gì. Tất nhiên, bảo tàng sẽ có phòng để thay đồ cho những người mê nghệ thuật cuồng nhiệt.

Ngoài ra trong tháng qua, một siêu thị quảng cáo bán hàng miễn phí cho những khách hàng nào vào sớm và bằng lòng khỏa thân lúc mua hàng trong chợ. Với kiểu quảng cáo loại này, siêu thị cũng nhận đuợc một số lượng khách hàng khá đông tình nguyện khỏa thân để được mua hàng miễn phí. Úc châu quả có nhiều chuyện lạ!  

Úc và Biển Đông

Trở lại tình hình chính trị giữa Trung cộng và các nước Á châu liên quan đến Biển Đông thì Ngoại trưởng Úc hối thúc các bên liên quan cần làm sáng tỏ vấn đề tuân thủ luật hàng hải quốc tế. Hồi tháng 5, Ngoại trưởng Úc Bob Carr đã thăm Trung cộng và đã trấn an Bắc Kinh rằng Canberra hoan nghênh nguồn đầu tư của Trung cộng vào Úc. Tuyên bố được ông Bob Carr đưa ra tại buổi họp báo ở thủ đô Bắc Kinh, sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc Dương Khiết Trì, trong bối cảnh Chính phủ Úc mới đây đã ngăn cản công ty công nghệ viễn thông lớn nhất thế giới của Trung cộng tham gia đấu thầu dự án 'internet' băng tầng rộng tại Úc, do những mối quan ngại về an ninh chưa được xác định rõ.

Về những căng thẳng gần đây giữa Trung cộng với các nước láng giềng trên Biển Đông, Ngoại trưởng Úc kêu gọi các bên có liên quan tuân thủ luật pháp quốc tế khi ông nói: “Tôi đã nêu rõ rằng Úc hoàn toàn không đưa ra bất kỳ lập trường nào về tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông. Tuy nhiên, chúng tôi hối thúc tất cả các bên liên quan làm sáng tỏ và theo đuổi các tuyên bố đó gắn liền với các quyền hàng hải phải phù hợp với luật pháp quốc tế. Tôi xin nhắc lại lập trường của Úc, đó là chúng tôi quan tâm đến tình hình khu vực và các quyền tự do hàng hải trong khu vực”. Cũng trong ngày hôm đó, Ngoại trưởng Úc Bob Carr cũng đã có cuộc gặp Phó Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại thủ đô Bắc Kinh.

Điều chỉnh thuế suất

Bắt đầu từ đầu tháng 7 này, cuộc sống những người có thu nhập ở mức thấp và trung bình sẽ được cải thiện đáng kể theo quy định mới về thuế và phúc lợi. Theo đó, những công nhân có thu nhập thấp sẽ được trợ cấp thêm tiền theo quyết định mới về tiền lương và tiền công. Tính chung sẽ có khoảng 1.4 triệu công nhân được hưởng lợi từ quyết định mới này. Một số biện pháp bồi thường thuế carbon khác sẽ giúp tăng lương hưu và trợ cấp thuế gia đình thêm 1.7%.

Cho đến nay, theo chương trình trợ cấp thuế gia đình, những người hưởng lương hưu sống độc thân được trợ cấp tới $338/năm và những gia đình có con nhỏ được trợ cấp lên tới $110/trẻ. Tuy nhiên, đối với những người có thu nhập trên $97,000 và lựa chọn không tham gia bảo hiểm y tế tư nhân sẽ phải chịu mức tăng thuế Medicare từ 1.25% lên 1.5% thay vì mức 1%. Những người có thu nhập trên $129,000 sẽ không còn được hưởng trợ cấp nữa.

Úc gia tăng liên hệ kinh tế với láng giềng

Thủ tướng Úc Julia Gillard kêu gọi mọi người chung lưng đấu cật để tạo dựng một tương lai tươi sáng hơn cho kinh tế Úc.

Thủ tướng Gillard cho hay tuy nền kinh tế của Úc vững mạnh nhưng không phải ai cũng biết về điều này. Bà Gillard kêu gọi giới doanh nghiệp và nghiệp đoàn hãy cùng nhau quảng bá về sự vững mạnh của nền kinh tế Úc. Bà nói kinh tế Úc đang phát triển trong lúc nhiều nền kinh tế khác trên thế giới suy thoái. Bà cũng báo động rằng mọi người cần phải làm việc cật lực mới mong duy trì được sức mạnh kinh tế của Úc. Bà cho hay mọi người phải chung lòng chung sức vượt qua cơn bão tài chính toàn cầu để xây dựng một tương lai kinh tế tốt đẹp cho đất nước.

Một trong những thách đố chính của hội nghị là tìm phương thức cuốn hút thêm người Úc tới làm việc tại những mỏ khai thác khoáng sản ở những vùng xa xôi của đất nước. Trong khi đó, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngân khố Wayne Swan cho hay ông sẽ dẫn đầu một phái đoàn doanh nhân Úc sang thăm Hong Kong và Bắc Kinh để thắt chặt mối quan hệ giữa Úc với Châu Á. Ông John Denton, Tổng Giám đốc tổ hợp luật Corrs Chambers Westgarth cho biết việc liên hệ mật thiết hơn giữa Úc với Châu Á là yếu tố quan trọng sống còn cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế Úc.

Tổng thống Nam Dương Susilo Bambang Yudhoyono và Thủ tướng Julia Gillard đã bàn thảo về những vấn đề quan trọng chung giữa hai nước. Đó là việc chuyển lậu người nhập cư vào Úc và cứu trợ thiên tai. Có khoảng 200 quan khách từ chính giới và doanh thương đã dự dạ tiệc với Thủ tướng Gillard và vị quốc khách. Tổng thống Yudhoyono cho rằng hai nước đã thiết lập một quan hệ chiến lược và toàn diện, vốn đã đạt được nhiều tiến bộ về giáo dục, y tế, quốc phòng và an ninh. Nhưng ông cũng báo động rằng cả hai bên không nên tự mãn. Ông hy vọng Indonesia sẽ trở thành một trong 10 nước đứng đầu trong mậu dịch với Úc. Thủ tướng Gillard và Lãnh tụ đối lập Tony Abbott cũng đọc diễn văn tại dạ tiệc.

Bà Gillard nói hai bên sẽ cố gắng giải quyết những vấn đề khúc mắc trong các cuộc bàn thảo song phương. “Quan hệ giữa hai nước mật thiết đến độ chúng ta dựa vào nhau khi gặp phải khó khăn thay vì xa lánh nhau… và những vấn đề mà một thời từng gây chia rẽ nay lại khiến hai nước xích lại gần nhau hơn,” bà nói.

Ông Abbott nói: “Dù quan hệ về kinh tế và lịch sử với những nước khác có lớn hơn, về nhiều góc độ, quan hệ với Indonesia là quan trọng hơn cả vì Indonesia là một nước láng giềng lớn rất gần Australia và có nhiều tiềm năng”. Ông cho rằng chính sách đối ngoại của Úc nên “đặt trọng tâm vào Jakarta thay vì Geneve”. Bộ trưởng quốc phòng hai bên đã ký một giác thư ghi nhớ nhằm gia tăng hợp tác quốc phòng trong vùng. Thực hiện một phần của thỏa thuận vừa nêu, Úc đã tặng cho Indonesia 4 chiếc vận tải cơ hạng nặng Hercule để dùng vào hoạt động cứu trợ, và sẽ giúp Indonesia về kỹ thuật. Bộ trưởng quốc phòng Nam dương Purnomo Yusgiantoro cám ơn phía Úc đã giúp Indonesia đối phó với những thử thách trong khả năng cứu trợ của Indonesia. Thủ tướng Gillard loan báo Australia sẽ tăng số visa cho người Indonesia đến Úc kiếm việc và đi du lịch từ 100 lên 1000. Về phía Indonesia, Tổng thống Yudhoyono mong hai nước sẽ hợp tác mật thiết hơn đề ngăn chận tệ nạn chuyển lậu người nhập cư vào Úc. Ông yêu cầu Úc hãy nhanh chóng hồi hương những người Indonesia trong tuổi vị thành niên bị bắt về tội liên can đến chuyện này.

Đất lành thuyền ghé!

Bà Gillard cho hay hai bên đồng ý sẽ tiếp tục làm việc với nhau để thông hiểu hơn về đất nước và văn hóa của nhau. Một số người dân Darwin đã biểu tình tại trung tâm Thủ phủ Darwin để phản đối việc Indonesia đối xử tàn bạo với những hoạt động viên đòi độc lập cho Tây Papua. Họ tức giận vì cho rằng quân đội Indonesia có thể sẽ dùng máy bay Úc để đưa thêm quân đến đàn áp người Tây Papua.
Tướng hồi hưu Chris Barrie cảnh báo lãnh đạo chính trị Úc rằng chính sách đuổi thuyền người xin tỵ nạn về lại Indonesia có thể dồn họ vào đường cùng và khiến họ hành động “rất liều mạng”. Trong khi đó, Lãnh tụ đối lập Tony Abbott khẳng định rằng nếu Đảng Liên minh thắng cử, chính sách đuổi thuyền tỵ nạn sẽ là rường cột của kế hoạch ngăn chận thuyền nhân thực hiện những chuyến tàu đầy nguy hiểm để tìm đến Úc. Ông Abbott nói trong ngày đầu tiên lên cầm quyền, ông sẽ ra lệnh cho Hải quân Úc ở phía Bắc Úc đuổi thuyền người xin tỵ nạn ra khỏi lãnh hải Úc. Ông ta nói “Hải quân Úc là một lực lượng biên phòng chứ không phải là một dịch vụ hộ tống thuyền xin tỵ nạn".

Nhưng theo Đô đốc hồi hưu Chris Barrie, nguyên là Chỉ huy trưởng Quân đội Úc dưới thời cựu Thủ tướng John Howard, chính sách đó sẽ không có hiệu quả vì nó sẽ làm cho người xin tỵ nạn liều mạng hơn. Bộ trưởng Di trú Úc ông Chris Bowen nói lực lượng quốc phòng Úc có nhận định rất rõ là việc đuổi thuyền người xin tỵ nạn là nguy hiểm cho tính mạng của họ cũng như của chính quân nhân Úc. Đô đốc Barrie còn là cựu Chỉ huy trưởng Hải quân Úc. Ông cho hay việc đuổi một thuyền tỵ nạn có thể mất vài tuần vì chuyên gia hải quân phải được phái đến tận nơi để bảo đảm rằng thuyền có thể thực hiện cuộc hải trình một cách an toàn. Ông cho hay trong quá khứ, thuyền nhân đôi khi nổi lửa đốt tàu để khỏi bị kéo ra khỏi hải phận Úc.

Hồi tháng Tư/2009, 5 thuyền nhân chết trong một vụ nổ sau khi ai đó trên tàu đã đổ xăng và châm lửa khi thuyền họ bị tàu hải quân chặn. Cuộc điều tra cho thấy người trên tàu xấu số tưởng rằng tàu họ sẽ bị kéo trở lại Indonesia nên họ cố ý phá hoại nó. Một số thủy thủ Úc đã liều mạng cứu được một số nạn nhân. Đô đốc Barrie nói việc phải liên tục đối phó với tình huống khẩn trên biển làm thủy thủ Úc mệt mỏi và xuống tinh thần. Ông nói tình cảnh thê thảm của thuyền nhân là một thử thách đối với lòng trắc ẩn và nhân đạo của thủy thủ Úc.

Bế tắc chính trị vẫn còn nguyên. Tuần trước, sau khi các đảng phái tranh cãi giằng co và không thông qua dự luật về chính sách thanh lọc người xin tỵ nạn, Thủ tướng Gillard đã triệu tập một ‘nhóm chuyên gia’ do cựu Chỉ huy Quân đội Úc Tướng Angus Houston cầm đầu – với sứ mạng tìm ra một đề xuất khả thi. Một nhóm ‘tham khảo’ liên đảng cũng được thành lập để hội ý với nhóm chuyên gia vừa nói. Cho đến nay, đảng đối lập vẫn chưa cử người tham gia nhóm tham khảo. Trong khi đó, lãnh tụ đối lập Tony Abbott ngụ ý xem nhẹ vai trò của nhóm chuyên gia. Ông nói: “không có lý do gì mà chính phủ không thực thi được một số chính sách của chính phủ Howard trước đây.”

Thượng nghị sĩ Sarah Hanson-Young thuộc Đảng Xanh cho hay khi Úc gia tăng số người xin tỵ nạn được phép định cư ở Úc cách đây 18 tháng, số thuyền nhân xin tỵ nạn đã giảm “hết sức rõ rệt”.

Gái "bán hoa"

Và cuối cùng, chính phủ Hàn Quốc đã phải cử đại diện sang Úc để bàn về kế hoạch ngăn chặn nạn mại dâm của phụ nữ Hàn Quốc tại nước này. Nguồn tin từ Úc cho thấy, hiện nay, số lượng phụ nữ Hàn Quốc sang Úc bán dâm đã lên tới hơn 1,000 người. Trước tình trạng này, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã phải khẩn cấp cử đại diện sang phối hợp với chính phủ Úc tìm kiếm phương thức ngăn chặn các hoạt động mại dâm phi pháp này. Báo giới Hàn Quốc cho biết, theo tính toán của Đại sứ quán nước này tại Úc, số người tham gia hoạt động mại dâm ở Úc những năm gần đây khoảng 230,000 người, trong đó, phụ nữ Hàn Quốc chiếm khoảng 16.7%. Đây là một con số làm đau đầu các nhà chức trách, khiến Bộ Ngoại giao Hàn Quốc không thể không tăng cường các biện pháp ngăn chặn sự việc này.

Được biết, không chỉ cùng với cảnh sát tìm ra phương án giải quyết các vấn đề như nạn mại dâm phi pháp của phụ nữ Hàn Quốc, đại diện của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng tuyên bố, một khi điều tra ra chứng cứ xác thực việc sang Úc làm "gái bán hoa", họ sẽ lập tức hủy hộ chiếu của những phụ nữ này./-

Nguyễn Triệu Việt
 (Tổng hợp)

No comments:

Post a Comment