30 April 2012

Nhân 30 tháng Tư nghĩ về quê hương

Vết Thương Chưa Lành
Điền Thảo

Bối cảnh xã hội Việt Nam hôm nay là: một chính quyền vẫn còn nằm trong tay nhóm giáo điều của đảng Cộng Sản chủ trương triệt tiêu thành phần chống đối, không chấp nhận đối lập mà chỉ muốn sáp nhập các thành phần đứng giữa. Hòa hoãn đắt giá với Trung Quốc để rảnh tay đẩy mạnh việc khai thác tài nguyên nơi người Việt sống tại hải ngoại. Lòng tự cao tự đại nơi đảng cầm quyền khơi sâu vết thương chưa lành của dân tộc. Một nền kinh tế dựa vào tư doanh tạo ra thế mất quân bình giữa nông thôn và thành thị, giữa giai cấp cầm quyền và dân đen. Một nhóm càng ngày càng đông gồm những người bỏ đảng vì bất đồng chính kiến. Càng ngày càng đông người có đài truyền hình, máy vi tinh nối được với thế giới bên ngoài. Khuynh hướng rộng rãi không chấp nhận thay đổi dựa trên bạo lực.

Từ khuynh hướng thích mạnh…


Tiến trình tổ chức xã hội loài người một nét đặc biệt của văn minh nhân loại. Một xã hội vô chính quyền tất sẽ dẫn đến rối loạn và man rợ. Một chính quyền độc tài lại dẫn đưa đến cảnh nô lệ. Trong tiến trình tổ chức xã hội của mình, loài người cố tránh hai thái cực này. Nhưng sử sách cho thấy phần lớn các xã hội loài người đều nằm dưới sự khống chế gắt gao của chính quyền. Việt Nam nằm trong mô thức này.

Hình thái địa lý chính trị của Việt Nam lại đặc biệt ở chỗ nằm ngay dưới một nước có diện tích và một dân số khổng lồ, và một truyền thống bành trướng xâm lăng vô địch. Và đây là một biện minh cho khuynh hưóng rộng rãi thích một cơ chế chính quyền mạnh tại nước ta.

Trước áp lực đè nặng từ một nước láng giềng tham lam, mỗi dân tộc phản ứng một khác. Hoặc là hy sinh lãnh thổ để cố giữ lấy truyền thống văn hóa của mình. Dân tộc Choang ở phía Nam Trung Hoa là một ví dụ. Ngay cả Đức Đạt Lai Lạt Ma của xứ Tây Tạng cũng chỉ lên tiếng và tranh đấu cho một mức độ tự trị nào đó cho dân tộc ông mà thôi. Thế nhưng dân tộc Việt lại không muốn hy sinh lãnh thổ. Để bảo toàn lãnh thổ của mình, dân Việt đôi khi nhượng bộ về văn hóa. Cho dù Chữ Nôm được coi như một cuộc cách mạng nhằn thoát khỏi sự kềm tỏa văn hoá, nhưng chữ Hán vẫn gần như liên tục được coi như ngôn ngữ chính thức trong việc triều chính. Phụ nữ Việt mặc váy chứ đâu có mặc quần, cho đến khi có một sắc dụ của vua Minh Mạng vào đầu thế kỷ 19.

Một người có dòng máu ham chuộng tự do bực bội khi nhìn thấy quê hương mình bị một nhóm độc tôn cai trị. Nhưng cũng người ấy khi dòng máu Việt Nam tuôn chảy trong huyết quản, lại giật mình nghĩ đến một lân quốc đầy tham vọng bành trướng ở phía bắc. Ở thời nào cũng thế, những người chủ trương nước Việt cần một chính quyền mạnh lúc nào cũng có. Nhóm người này trở thành lấn áp khi đất nước ở vào những giai đoạn nguy hiểm.

Thế nhưng hôm qua người dân có thể hy sinh xương máu và tài sản đẻ đánh đuổi thực dân. Nhưng hôm nay, khi mà áp lực xâm lăng từ bên ngoài giảm đi, người dân có thể đã muốn thay đổi cái thế cân bằng giữa những đòi hỏi cấp bách của đất nước và những giới hạn của tự do cá nhân. Nhất là, sau khi đất nước hết cảnh binh đao, cơ chế chính quyền thường biến chất làm gia tăng khuynh hướng đòi tự do dân chủ. Khổ một nỗi, việc thay đổi nếp sinh hoạt chính trị tại các nưóc dân chủ kiểu phưong tây dìẽn ra êm đẹp bao nhiêu thì việc thay đổi này lại rất khó khăn tại một nưóc quyền lực tập trung vào một đảng.

Trước khi chấm dứt một triều đại đã trở thành nỗi bất mãn của đa số, thường là một thời gian loạn lạc mới có được sự thay đổi. Bởi lẽ nước Việt vẫn theo một mô thức dựa vào niềm tin quyền bính là do Trời ban cho một gia đình một dòng họ và bất cứ ai chống lại quyền bính ấy là chống lại Mạng Trời. Đảng Cộng Sản không còn tìm sự chính thống nơi thiên mạng , nhưng giải thích đảng Cộng Sản như là đại diện chính đáng nhất của giai cấp công nông, và ngoài giai cấp công nông không còn giai cấp nào khác có quyền hiện hữu nữa cả.

Từ xưa đến nay, từ chế độ quân chủ đến chế độ cộng sản, quyền bính tại Việt Nam lúc nào cũng được coi là bất khả chuyển nhượng. Hệ quả là chính quyền không chấp nhận đối kháng, và những cuộc chính biến thường đi đôi với quân biến. Những biến cố thay đổi quyền bính không thể diễn ra êm đẹp được. Ngay cả việc chuyển vương quyền từ Nhà Lý sang Nhà Trần, một biến cố chuyển nhượng quyền bính được sử sách coi là êm đẹp nhất, cũng đã phải hy sinh tính mạng nhiều người thuộc hoàng gia cũ.

đi đến độc tài,

Thơ Nguyên Trần


 Hờn vong quốc

37 năm trời vun vút qua
Buồn đau nỗi mất nước tan nhà
Thương người dũng cảm yêu dân chủ
Giận kẻ gian manh phản quốc gia

Đối ngoại chính quyền dâng đất biển
Bên trong băng đảng vét đô la
Người dân cả nước thì thầm bảo:
“Giải phóng ở đâu cũng thế mà”

Toronto April 30,2012
Nguyên Trần
Kỷ niệm ngày Quốc Hận 30 tháng 4, thứ 37

Thơ Ý Nga

“UY VŨ BẤT NĂNG KHUẤT”
Viết tặng anh H và cháu gái,
thay nén hương lòng kính dâng Người Bạc Mệnh,\
nhân ngày giỗ của Chị 1975

1975
Em phơi áo cho khô dòng nước mắt
Anh đứng gần, tay nắm chặt bàn tay
Lời chia tay, thương biết mấy dáng gầy
Thua không chạy mà trời bày ly biệt
Nào ai biết người vào tù chưa chết
Thân tàn về, lếch thếch đi tìm em
Trong bóng đêm con trẻ khóc bên thềm:
-“Kinh tế mới” càng mới thêm xác Mẹ!

2012
Mắt ngấn lệ, ngày giỗ em chậm trễ
Hương đèn nào cho đủ ấm hồn oan?
Hoa trần gian nào thơm đủ nồng nàn?
Như thủ tiết, hương thờ chồng, em đã.
Giá phải trả, thương em đời nghiệt ngã
Tháng Tư kìa! Nợ chưa trả, vẫn đau!
Chẳng hiểu sao “thuyền nhân lạ” phương nào
Gieo lúa đỏ, mừng “Xuân” cùng cường bạo.

Ý Nga, 30-4-2012.

30-4-2012: Chào đón Đường Saigon

“SAIGON ST” ở thành phố Guelph, Canada

Guelph là một thành phố nhỏ thuộc tỉnh bang Ontario, Canada; cách Toronto 80 km về phía Tây Nam*. Thành phố Guelph còn có tên là Thành phố Hoàng Gia (Royal City), và năm 1985 nữ hoàng Anh quốc đã đến Guelph để cắt băng khánh thành tượng “Gia Đình” (Family Statue Family in St. George’s Square) ở trung tâm thành phố. Dân số Guelph là 121,688 theo thống kê năm 2011, trong đó dân các xứ khỏang 21%; và người Việt chiếm khoảng 10% trong số dân các xứ, như vậy có thể ước tính số người Việt ở Guelph vào khoảng 2,500 (hai ngàn năm trăm). Đầu năm 2003, một nhóm người Việt ở Guelph đã vận động để xin một con đường mang tên SAIGON. Vào lúc đó số người Việt ở Guelph chắc chắn là ít hơn 2,500, tuy vậy cũng đã có khoảng 450 người ký tên ủng hộ cuộc vận động.
 ____________
(*) Bản tin đầu tiên nhận được ghi là Tây Bắc, thật ra là Tây Nam của Toronto (TTR)

29 April 2012

Thực và Mộng, tranh A.C.La Nguyễn Thế Vĩnh


______
 
Vẫn rừng xanh lá bên Anh
Mà sao hiu quạnh vây quanh chốn này
NHƯ THƯƠNG

**

Ngậm ngùi nhớ ngày thăm lần cuối đó,
Em nghẹn ngào ôm nấm mộ trơ vơ.
Vùng cỏ úa ráng chiều như máu đỏ,
Lạy anh rồi, em quay bước, ngẩn ngơ.

LAN ĐÀM


**

Bây giờ anh đã thảnh thơi, bỏ lại sau lưng nhọc nhằn nơi quân trường, bỏ lại hiểm nguy ngoài chiến trận. Anh đã trở về với Mẹ Trái Đất, đang an nghỉ giữa rừng núi quê hương ngàn đời ngời sáng. Không một tên xâm lược nào ngủ yên được trên quê hương mình vì có anh, người chiến sĩ can trường, nặng lòng với tổ quốc, yêu thương đồng loại.

Đã 37 năm trôi qua, chuyện có thực xẩy ra như một giấc mơ. Một ngày nào đó không bao lâu nữa em sẽ bay vút tận miền rừng núi xa xôi ấy đón anh đi, chúng ta cùng bay trên quê hương xán lạn rực rỡ như thuở nào trong thời niên thiếu hoa mộng... Hãy đợi em. (A.C.La)

 **

Thực và Mộng
(Reality and Dreaming)
Oil on canvas
20x24 in (51x61 cm)
by A.C.La Nguyễn Thế Vĩnh
**

Kiểm điểm một thời đã qua

Dương Văn Hiếu Lên Tiếng

Lâm Lễ Trinh

Sự tịnh khẩu từ 1963 cho đến nay của ông Dương Văn Hiếu, nguyên Trưởng đoàn Công tác Đặc biệt Miền Trung thời Đệ nhứt Cộng hoà Việt Nam, là một cuộc hành trình xuyên sa mạc dài trên bốn thập niên. Tác giả bài này đã liên lạc lại được với ông Hiếu hiện định cư tại San Jose, Californie. «Con người biết quá nhiều, L’homme qui en savait trop» và từng bị gán biệt danh «Hùm Xám của Chế độ» đã chấp nhận trả lời nhiều câu hỏi của chúng tôi liên hệ đến một giai đoạn chính trị cực kỳ sôi động trong cuộc chiến tranh tình báo chống Bắc Việt từ 1954 cho đến tháng 11.1963. Sau vụ đảo chính lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm, ông Hiếu bị Hội đồng Quân Dân Cách mạng điều tra, đưa ra Côn đảo với một số nhân vật khác của Chính phủ cũ và được trả tự do năm 1964.

Đêm 28.4.1975, ông rời Việt Nam với đứa con trai đầu lòng trên một chiếc tàu Hải quân VN cùng với Trung tướng Nguyễn Văn Là, cựu Tổng Giám đốc Công An. Năm 1989, gia đình gồm có vợ và tám người con sau qua đoàn tụ với ông tại Hoa kỳ.

Ông Dương Văn Hiếu nay 81 tuổi, sức khoẻ không dồi dào như trước nhưng trí nhớ còn sắc bén khi nhắc đến ký ức xa xưa. Ông giới hạn hoàn toàn sự giao thiệp bên ngoài về mặt chính trị và đã từ chối mọi đề nghị phỏng vấn của báo chí. Sau đây là những điểm chính có thể tiết lộ trong cuộc nói chuyên có ghi âm giữa ông Dương Văn Hiếu (DVH) và tác giả (LLT) :

LLT: Xin ông vui lòng cho biết sơ lược, nếu được, những năm niên thiếu của ông và trường hợp nào ông tham gia ngành công an và được bổ nhiệm vào chức vụ Trưởng đoàn Công tác Đặc biệt Miền Trung (ĐCTĐMT). Chức vụ chót của ông trước cuộc đảo chính 1.11.1963 là gì ?

DVH : Tôi sanh ra tại Hà Nam, Bắc Việt, trong một gia đình trung lưu làm ăn thành công. Tôi học tại trường trung học Louis Pasteur và Thăng Long, Hà Nội. Vừa lấy xong bằng diplôme d’Etudes primaires supérieures vào năm 1944-1945 thì Nhựt đảo chính Pháp. Tôi lập gia đình năm 1948, bố vợ tôi là bác sĩ Nguyễn Văn Tam từng phục vụ trong Liên khu 5 và cộng tác với Đức cha Lê Hữu Từ ở Phát Diệm. Sau Hiệp định Genève năm 1954, tôi được cụ Võ Như Nguyện, Giám đốc Công an Trung Phần, để ý trong một buổi học tập chính trị mà tôi là thuyết trình viên (về đề tài Điện Biên Phủ). Ông tuyển tôi vào ngành công an. Giữa 1957, tôi giữ chức Trưởng ban Khai thác Nha CA-CS Trung nguyên Trung phần. Khi ông Nguyễn Chử, một lãnh tụ Quốc Dân Đảng, thay thế cụ Nguyện, tôi trở thành Trưởng ty Công an Tỉnh Thừa Thiên và Đô thị Huế. Nhờ phá vở được trong vòng hai năm hệ thống điệp báo Cộng sản Khu 5 và mở rộng hoạt động ra đến các tỉnh Quảng trị, Quảng Ngải, Bình Thuận, Qui Nhơn..v..v.., tôi được ông Tỉnh trưởng Thừa Thiên Nguyễn Đình Cẩn và Đại biểu Chính phủ Miền Trung Hồ Đắc Khương giới thiệu nhiệt tình với Tổng thống Ngô Đình Diệm. Giữa 1957, tôi được bổ nhiệm Trưởng Đoàn Công tác Đặc biệt Miền Trung (ĐCTĐBMT) để làm việc tại Sàigòn vào đầu năm 1958. Chủ đích của Đoàn là thi hành chính sách của Cố vấn Ngô Đình Cẩn mệnh danh «Chiêu mời (sau đổi thành Cải tạo) và Xử dụng các cán bộ cựu kháng chiến». Lúc đó tôi đã gia nhập đảng Cần Lao.

26 April 2012

Hồi Ký 30.4

Những Giờ Phút Tê Dại: Xa Sài Gòn…
Di Tản Về Miền Tây… và Hy Vọng

1- Tư Lệnh HQ, Đáp Ứng Tình Hình Di Tản

Lễ nhậm chức của tân Tư Lệnh Hải Quân diễn ra vào trưa ngày 24 tháng 3-75 có khoảng 7 Tư Lệnh các vùng đứng 1 hàng ngang trước bàn tư lệnh chứng kiến và một sĩ quan báo chí hiện diện để quan sát và tường thuật, trong văn phòng Tư Lệnh nhỏ nhắn trên lầu hai nằm bên tay mặt của trụ sở Bộ Tư Lệnh trông ra bến Chương Dương.

Phó Đô Đốc Chung Tấn Cang lúc đó đang là Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô, một trong vài “chỗ ngồi” sáng giá nhất chung quanh Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Ông được đổi về gấp nhậm chức Tư Lệnh Hải Quân lần thứ nhì sau khi đã rời Hải Quân trên 10 năm về trước. Điều này cho thấy kế hoạch “di tản và lui binh” là mối quan tâm nhất của Tổng Thống Thiệu trong việc bổ nhậm chức vụ này. Ông Cang thổ lộ rằng nếu còn ở vị trí Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô trực thuộc Bộ TTM, thì ông sẽ ở lại Sài Gòn tử thủ.

Hồi đảo chính tháng 11 năm 1963, lần đầu ông Cang được giao nắm chức vụ Tư Lệnh Hải Quân cũng là vì được lòng tin cậy của nhóm tướng lãnh đối với ông. Và lần đầu ông làm tư lệnh kéo dài khoảng 16 tháng. Còn lần thứ nhì này với cấp bậc cao hơn và giao tiếp khẩn cấp rộng lớn hơn hẳn trước nhưng ông cũng chỉ ở lại chức vụ khoảng trên một tháng, với một kế hoạch di tản Quân Lực VNCH và các công nhân viên chức chánh phủ khi có nguy biến, để về Miền Tây, tập trung tại Côn Sơn hoặc đi tị nạn.

Lễ Bàn Giao căng thẳng đó gồm cả những người đã có bất hoà trước đây với cá nhân tân Tư Lệnh cũng hiện diện như: Phó Đề Đốc Nghiêm Văn Phú, Phó Đề Đốc Đặng Cao Thăng.
Chỉ vài ngày sau ngày nhậm chức ông đã thành lập đơn vị Lực Lượng Đặc Nhiệm 99 bao gồm những Giang Đoàn Ngăn Chặn và nhiều Căn Cứ Hải Quân do Đại Tá Lê Hữu Dõng là tư lệnh, với sự đóng góp đáng kể của Phó Đề Đốc Phú.

Tân Tư Lệnh Chung Tấn Cang lúc đó có cấp bậc cao nhất quân chủng, và ngang cấp với các tư lệnh quân binh chủng khác, dễ dàng nói chuyện với Dinh Độc Lập và Tổng Tham Mưu. Trong những ngày giờ dầu sôi lửa bỏng đó, quả ông đã quan tâm thực sự đến kế hoạch “Di Tản” một cách chặt chẽ, với tiêu chuẩn phải mang đi được nhiều tướng lãnh, quân nhân của các quân binh chủng khác và Hải Quân, dĩ nhiên.

Và ông thường xuyên có mặt trong Trung Tâm Hành Quân thuộc Bộ Tư Lệnh Hành Quân Lưu Động Biển, trong tầng Ba một cao ốc tân kỳ mới xây vài năm. Ông ngồi bề thế chỉ huy oai nghiêm như một Tổng Tham Mưu Trưởng chiến trường Lục Quân. Phó Đô Đốc Cang liên lạc hàng ngang với Tổng Thống và giới chức cao cấp nhất của Tổng Tham Mưu, cũng như bên Biệt Khu Thủ Đô.

2- BTL/HQ Và Cuộc Di Tản QK 1 và Tướng Trưởng

Tư Lệnh Chung Tấn Cang theo dõi giải quyết cuộc di tản và tình hình trận liệt ngoài Quân Khu 1, và Đà Nẵng.

Ông biết từng bước đi của Tướng Bộ Binh, Tướng Không Quân và các đơn vị tác chiến với những khi tạm trú trong căn cứ HQ Đà Nẵng hoặc TTHQSĐ/TQLC. Sĩ Quan Báo Chí của Hải Quân lúc đó cũng được chỉ định ngồi không xa những hải bàn chỉ huy của vị tướng Hải Quân ba sao này.
Tướng Trưởng, Tướng Lân, Tướng Khánh, Phó Đề Đốc Thoại… thường xuyên họp tham mưu tại TTHQ/ Sư Đoàn TQLC hiện đóng tại Non Nước (Đà Nẵng).

Thơ Luân Tâm


Hình ảnh những người chiến sĩ bất khuất

Cái chết của Thiếu Tá Biệt Động Quân TRẦN ĐÌNH TỰ

Trong quân sử của cuộc chiến Quốc Cộng kéo dài từ 1954-1975, có khá nhiều những chiến công hiển hách của những đơn vị QLVNCH hay của từng cá nhân, người lính VNCH từ cấp Chỉ huy đến hàng binh sĩ. Hai mươi mốt năm, cuộc chiến đấu của người Miền Nam chống trả và ngăn chặn từng đợt xâm lăng từ miền Bắc Việt Nam, người anh em cùng chung huyết thống, cùng mang dòng máu Lạc Hồng, nhưng đã đánh mất tình người. – U mê với chủ thuyết không tưởng Cộng Sản, bằng vỏ khoác “thế giới Đại Đồng”, thực ra là sự tàn bạo, dã man và đê tiện mới chính là điều căn bản của bọn người man rợ đó. Và, đau đớn biết bao, từ thế hệ này đến thế hệ khác thanh niên Miền Nam cùng nhau gia nhập quân ngũ, dắt dìu nhau đi vào nơi lửa đạn, để truy diệt kẻ xâm lược. Từng gia đình từng cá nhân mặc nhiên chấp nhận mọi thua thiệt, mọi thương đau để đem sức mình đóng góp vào cuộc chiến ngăn chặn ấy. Những mong có một ngày những kẻ gieo rắc tai ương cho dân tộc sẽ nhận ra sự phi lý, nhận ra thân phận mình đang dùng súng đạn để tương tàn, nhận chìm tổ quốc, dân tộc vào vũng lầy của máu, của thịt da chính mình và lúc đó họ cũng sẽ nhận ra được chính cuộc chiến tranh đã hủy hoại tàn nhẫn quê hương, chung quy cũng chỉ là ước muốn áp đặt một chủ nghĩa chính trị không giống ai và chính cuộc chiến chỉ là phục vụ cho thế lực và mưu đồ của ngoại nhân. Và, lúc đó họ sẽ từ bỏ giấc mộng điên cuồng, hoặc cả hai bên cùng gác súng, trở về với chính mình, cùng chung lo gây dựng lại những đổ nát, hoang tàn, chữa trị những vết thương đang hoá dòi trên thân thể Mẹ Già Việt Nam.

Thật phũ phàng và cay đắng, tất cả đã trở thành ác mộng, đã thắt cổ chết treo cho mọi mơ ước, mọi cầu mong của dân Việt. Cuộc chiến cũng chấm dứt. Tiếng súng đã thôi không còn vang vọng bên tai mọi người, nhưng chính ngay sau lúc tiếng súng vừa im lặng trên lãnh thổ, thì cũng là lúc bạo tàn, tủi nhục và nước mắt được đong đầy, ngập khắp lãnh thổ Miền Nam, đâu đâu cũng chỉ còn là tiếng than tiếng khóc, nỗi thống khổ nặng như đá tảng đè trên thân xác mỗi người, lù lù trong mỗi gia đình như một tiền oan nghiệp chướng. Những người lính VNCH phải buông súng trong tức tưởi, nghẹn uất, có người còn ngơ ngác tự hỏi: Lẽ nào ta lại quy hàng? Trong tất cả những bài học quân sự, tất cả mọi binh thư, binh thuyết và những huấn lệnh của thượng cấp, người lính chưa hề được nghe một lời nào nhắc đến sự quy hàng – Thế mà bây giờ họ laị được lệnh gác súng – người lính không ngẩn ngơ, đau uất sao được.- Tôi muốn dùng chữ LÍNH ở đây để chỉ chung cho QLVNCH, không dành cho riêng một thứ cấp nào của quân đội chúng ta. Trong sự ngỡ ngàng, sự uất nghẹn ấy, đã có rất nhiều quân nhân VNCH tuẫn tiết, chẳng riêng năm vị tướng, thậm chí cả những người lính cũng chọn cái chết để tạ lỗi với quê hương, với dân tộc vì họ cảm nhận mình đã không tròn trách nhiệm, không tròn bổn phận của người bảo vệ tự do và độc lập, như trường hợp của một Hạ Sĩ Biệt Động Quân nhất định không cởi bỏ binh phục, đã cho nổ trái lựu đạn, để thân xác mình tan nát, trước sự bàng hoàng, kinh hãi và kính phục của hai người đồng đội và dân chúng trước cửa tiệm phở gà đường Trương Tấn Bửu; hay câu chuyện đầy nước mắt và bi hùng của năm người lính Nhảy Dù, sau khi nhận được lệnh buông súng, họ đã bàn với nhau, uống những giọt cà-phê cuối đựng trong bi-đông, hút điếu thuốc Quân Tiếp Vụ chót, ai nấy xé bao thuốc lấy cái hình người lính trong tư thế tác chiến, dưới bóng quốc kỳ, bỏ vào túi áo ngực mình. Sau chót, họ – năm người chiến binh Mũ Đỏ- dõng dạc nói với những người dân cư ngụ chung quanh khu Hồ Tắm Cộng Hoà, ngã ba Ông Tạ: “Xin vĩnh biệt bà con, chúc tất cả bà con ở lại mạnh khoẻ và may mắn – xin bà con dang xa chúng thôi để tránh sự nguy hiểm”. Mọi người còn đang ngơ ngác, cứ tưởng anh em Mũ Đỏ nói họ tránh ra để không bị nguy hiểm do đạn giao tranh. Chẳng dè, năm người lính Dù đã ngồi xuống thành vòng tròn, lấy từ ba lô ra lá Quốc Kỳ VNCH, trải trên mặt đất. Cả năm người cùng dang rộng vòng tay, rút chốt trái lựu đạn, bỏ trên mặt lá cờ và cùng nhau gục xuống để cho tiếng nổ đanh gọn, kết thúc cuộc sống của họ – Thịt da tan nát cùng lá cờ. Nơi họ tự ải chỉ cách nhà mẹ tôi khoảng chừng 150 mét. Người dân đã khóc thưong họ, nhưng chỉ dám khóc thầm, lúc nầy kẻ thù đã ngự trị toàn Miền Nam.

25 April 2012

NHỮNG NGÀY CUỐI TRÊN ĐẤT ĐỒNG NAI, hồi ký 30 tháng Tư

Nguyễn Nhơn
Sáng ngày 26 tháng tư, 1975, như đã hẹn trước với ông Hampton, Đại diện Tổng lãnh sự Mỹ tại tỉnh Biên Hòa, tôi đưa ông xuống thăm đồng bào tị nạn chiến cuộc tại Làng Cô nhi Long Thành, để ông khoản đải bia cho toán khoan giếng vì đã khoan giếng xong trước thời hạn dự liệu.

Tiển ông về, tôi di chuyển thẳng xuống khu khẩn hoang, lập ấpThái Thiện, Long Thành để xem xét việc tiếp nhận và phân phối gạo cho hai vạn đồng bào di dân tại nơi đây. Vì trên danh nghĩa, tôi là chỉ huy trưởng Khu Khẩn Hoang, Lập Ấp nầy nên Thiếu tá Lợi, Liên đoàn trưởng LĐ Địa phương quân, chịu trách nhiệm yếu điểm quân sự nơi đây trình bày: Liên đoàn hiện nay đóng cheo leo nơi đây. Nếu VC đánh bứt ngang Quận Long Thành thì 2 tiểu đoàn của ông đứt mất đường về. Vì vậy, ông nhờ tôi trình với Đai tá Tỉnh trưởng cho LĐ rút về tăng cường bảo vệ Quận lỵ Long Thành phải hơn.

Tôi nghe ông nói là hiểu liền, có điều có hai điều nan giải: Một là, nếu Liên đoàn mà rút đi, bọn du kích địa phương tràn vô tàn phá, sát hại dồng bào thì làm thế nào? Hai là, nếu LĐ mà rút thì 20 ngàn đồng bào sẽ kéo theo, sự thể sẽ giống như Lưu Bị rút binh khỏi thành Tân Dã, vừa rút quân vừa đèo theo hai vạn dân, lếch thếch tràn vào quận lỵ Long Thành hiện cũng đã tràn ngập đồng bào tị nạn thì nơi đó chắc chắn sẽ hỗn loạn. Cho nên tôi cũng ừ ào cho ông bạn Lợi yên lòng, chớ trong bụng thì cũng đành coi hai tiểu đoàn của ông giống như tình trạng chiếc đồn côi Dân vệ ngày trước ở tỉnh Chương Thiện, tự lực cánh sinh khi đêm bị vc tấn công, ngoài tầm pháo cũng không phi yểm!

Về sau, đúng y như vậy, ngày 30 tháng tư, hai tiểu đoàn dựa lưng, giá súng tan hàng!

Xế chiều, nhìn lực lượng Dù từ phía Bà Rịa lũ lượt kéo pháo rút về, thấy lời nói của Thiếu tá Lợi càng thêm xác đáng.

Về tới nhà, cơm nước vừa xong, chưa được nghỉ ngơi thì điện thoại lại reo. Tin báo, một số đồng bào tị nạn từ Trảng Bôm mới kéo về tới trụ sở xã Bình Trước. Lại phải ra tới nơi lo thu xếp. Vừa về tới nhà đã nghe điện thoại reo inh ỏi. Trung tâm hành quân Tiểu khu báo: Xe tăng vc đã vào Quận lỵ Long Thành.

Tỉnh trưởng triệu tập phiên họp khẩn cấp, ban hành lệnh thiết quân luật 24/24, rồi ông đi bay để lo giải cứu Quận lỵ Long Thành đang bị xe tăng cs tràn ngập. Kéo hai ông cựu quận trưởng Công Thanh, lúc nầy là Tham mưu phó Tiểu khu và Đại úy Trưởng Ty NDTV qua nhà ngồi nhấm nháp chút thức ăn vừa bàn bạc tình hình. Hỏi: Liệu xe tăng cs xông vào được tỉnh lỵ không? TMP đáp: TK đã bố trí rào cản và commando car tại các yếu điểm, bọn nó có vào cũng phải đổ máu.

Sáng 27/4, ông Tỉnh trưởng gọi qua, bảo: Quận trưởng Long Thành và toán nghĩa quân cố thủ Dinh quận, dùng ống phóng M72 mà hạ được 5 chiến xa vc, rồi bị thương, rút vào căn cứ ĐPQ cầm cự. Ông đã cho trực thăng bốc được mấy thầy trò bị thương về Tổng y viện cộng hòa rồi. Bây giờ ông yêu cầu tôi cho xuất quỷ ứng trước 500 ngàn để lo công việc và ra thông cáo bãi bỏ lệnh thiết quân luật cũng như kêu gọi công chức đi làm việc bình thường vào sáng thứ hai 28/4/75.

Mọi chuyện tưởng im xuôi, nào ngờ chập tối ngày 27/4 lại có chuyện. Phòng viển thông gọi báo: Tỉnh đoàn cán bộ XDNT phụ trách cứu trợ đồng bào tị nạn chiến cuộc ở Làng Cô nhi Long Thành kêu cứu. Tôi vẫn đặt chiếc máy truyền tin TR20 trên xe nên mở liên lạc trực tiếp. Tỉnh đoàn phó tường trình: Đại úy Tỉnh đoàn trưởng lái xe ra bên ngoài quan sát, bị chiến xa vc ủi lật bên đường không biết tình trạng ra sao? Lực lương Dù đóng chặn ở ngả ba cầu Nước Trong đã rút đi. Bây giờ Tỉnh đoàn nằm chơ vơ không ai bảo vệ, lại thêm xe tăng vc chạy ào ào bên ngoài vòng rào.

Tỉnh đoàn gồm trên 150 cán bô, trước tình cảnh như vậy, tôi quyết đoán không kịp chờ xin lịnh tỉnh trưởng: Lệnh cho tỉnh đoàn cuốn súng, tuần tự len lỏi vào đám đông đồng bào tị nạn rút về tỉnh. Để tránh ngộ nhận lại phải phái một toán cảnh sát dã chiến và xe cộ ra ngã ba Vũng Tàu đón nhận, tập họp đoàn cán bộ di chuyển về tỉnh.

Mười giờ đêm hôm ấy, toàn bộ tỉnh đoàn cán bộ XDNT về tới trụ sở còn nguyên vẹn! Mười một giờ đêm, vừa về đến nhà đã nghe điện thoại reo. Phòng viển thông báo: Trung đội Nghĩa quân xã Phước Tân lại kêu cứu. Tôi ngạc nhiên hỏi: Sao anh em đó không gọi chi khu Đức Tu. Đáp: Không liên lạc được chi khu.

Tôi gọi trung tâm hành quân Tiểu khu, yêu cầu liên lạc, xin lịnh Tiểu khu trưởng thì nơi đây cũng không liên lạc được. Lại gọi Tham mưu rưởng Tiểu khu thì ông nầy vừa rên khừ khừ vừa bảo ông bịnh quá rồi, lại không dám quyết định việc gì. Trước sự thể như vậy, vì sinh mạng của trên ba chục Nghĩa quân, tôi cắn răng làm liều, mở máy liên lạc thẳng, hỏi: Tình trạng các cậu bây giờ ra sao rồi? Đáp: Xe tăng T54 vc đang chạy rì rầm trên đầu dốc 47. Nó mà đổ xuống thì tụi em tiêu, xin thẩm quyền cứu giúp! Tôi từ tồn bảo: Được rồi, bây giờ nghe tôi nói cho rõ đây. Gở máy truyền tin, cho trung đội di chuyển cặp theo quốc lộ, nhưng không quá gần đám đông đồng bào tị nạn đang kéo đi trên mặt lộ. Ra tới ngả ba Bến Gỗ phải quẹo vô đồn An Hòa Hưng tạm trú. Tuyệt đối không được đi thẳng ra ngả ba Vũng Tàu. Lực lượng Dù ngộ nhận bắn chết đó. Nghe rõ chưa? Đáp nhận rõ. Rồi, thi hành đi!

Sáng ngày 28/4, từ văn phòng nhìn về phía núi Châu Thới, chiếc trực thăng đang quần đảo, phóng rocket ì ầm, yểm trợ lực lượng dù đánh dẹp chốt đặc công vc ở chân núi. Xế trưa, chợt thấy anh Phụ tá hành chánh, hớt ha, hớt hải bước vô, chẳng nói, chẳng rằng, lấy bloc note viết: Đại tá bảo ông Phó đi gấp qua Dĩ An, xe tăng vc đã vượt qua phòng tuyến Trảng Bôm rồi! Tôi lặng lẽ lên xe rời khỏi nhiệm sở, đâu biết rằng đây là lần cuối cùng bước ra khỏi chỗ làm việc từ hai năm qua. Đêm qua, vừa ký cái thông cáo gọi công chức di làm việc, bây giờ lại lặng lẽ ra đi nên không đành dạ, đành một lần nữa làm liều: Gọi máy lệnh cho công chức các Ty sở trở về nhà “chờ lệnh mới?!”

Đường ra xa lộ kẹt cứng vì đồng bào tị nạn kéo đi lũ lượt về phía tỉnh lỵ, lại thêm pháo vc nỗ ì ầm về phía văn phòng Quận Đức Tu. Mãi mới ra tới ngả ba Vũng Tàu. Nhìn về Bộ chỉ huy vùng 3 sông ngòi ở bên dưới cầu Đồng Nai, pháo vc đang nỗ dập tưng bừng. Hỏi anh em quân cảnh đang làm nút chặn ở ngả ba Vũng Tàu thì được biết: Từ nửa đêm tới giờ vc tiền pháo, hậu xung hai, ba bận mà BCH vùng 3 sông ngòi vẫn còn giữ vững được. Đang phân vân chưa biết tính sao để vượt qua cầu thì may sao một chiếc M113 ở phía Trảng Bôm đang chạy tới, bèn cho xe dọt kè theo qua cầu. Từ trên cầu Đông Nai nhìn xuống: Trên nóc bằng văn phòng VP/BCH/V3SN, một anh lính hải quân, đầu không nón sắt, mình không áo giáp, không công sự che chắn, không người tiếp đạn, một mình đơn côi, ghìm khẩu đại liên 12ly7, mắt đăm đăm nhìn về phía quân thù trong khi đạn pháo địch nỗ tung gạch ngói trước mặt. Trông anh lẫm liệt, quyết ý đem dây đạn cuối cùng đổi mạng với quân thù, bảo vệ danh dư người lính QLVNCH thế thôi!

Về tới Quận Dĩ An đã quá trưa, nhờ Chi khu gọi máy liên lạc Tỉnh trưởng mãi mà không được. Đợi đến xế chiều đành ra xã Bình An, định bụng đánh liều quay về tỉnh xem sao? Ra tới nơi, thấy Trung úy cuộc trưởng, cuộc cảnh sát Bình An đang đứng bên rào cản, chận xe dừng lại, báo: Chốt đặc công vc mới được đơn vị Dù càn quét còn chưa xong, ông Phó một mình đi qua thật nguy hiểm. Xin chờ xem xét kỷ rồi sẽ liệu.

Đứng trên đầu dốc Châu Thới, nhìn về phía phi trường Biên Hòa, pháo vc nỗ ùng oằn, khói lửa tuôn cuồn cuộn! Nhín về phía tỉnh lỵ, ánh nắng chiều tà thoi thóp trên thành phố thân yêu bên kia sông Đồng Nai đang trong cơn hấp hối, thật não lòng!

Mười một năm về trước, khi đến xứ nầy là một thanh niên 27 tuổi, hăm hở với ước mơ góp phần xây dựng nơi đây là một vùng đất vốn trù phú và thịnh vượng, ngày càng thêm thịnh vượng. Ngày nay, ở tuổi trung niên, chịu trách nhiệm điều hánh công việc hành chánh trong vùng, đành bất lực nhìn về tỉnh lỵ đang chìm dần vào tăm tối.

Lần nầy, quay lưng đi là bỏ lại đàng sau bao nhiêu mộng ước chưa thành! Lòng buồn bả mường tượng tình cảnh ngày xưa, giặc Pháp đánh chiếm ba tỉnh Miền Đông: 
 “ Bến Nghé, của tiền tan bọt nước
Đồng Nai, tranh, ngói nhuộm màu mây “
Nguyễn Nhơn
(Tháng Tư, nhớ Quê hương Biên Hòa, thời lập nghiệp ) 25/4/2012

Thơ chiến đấu

ĐÁP LỜI SÔNG NÚI

(Thân mến tặng Anh hùng nhạc sĩ Việt Khang , người đã
không biết sợ hãi và khuất phục trước sự dã man và tàn
ác của bè lũ Việt cộng , người đang nhận lãnh những
đòn thù của những kẻ bán nước )

Dân Việt hỡi! Hồn núi sông réo gọi
Giang sơn đang oằn oại bởi Cộng nô
Hãy đứng lên giành lại lấy cơ đồ
Đang nghiêng ngửa dưới bàn tay lũ giặc

Nhớ rõ mặt: kẻ thù nơi phương Bắc
Giống hung tàn - Tàu Cộng - lũ sói lang
Cùng bọn gian manh -Việt Cộng - tham tàn
Gieo tang tóc khắp giang sơn gấm vóc

Lê chiêu Thống tham quyền không biết nhục
Vết nhơ nầy sử sách vẫn còn ghi
Sao bọn tham ô Việt cộng vẫn cố lì
Ôm chân bọn bá quyền nơi phương Bắc

Bọn Tàu Cộng - thế giới đều rõ mặt
Muốn cướp nước ta - thỏa mộng bá quyền
Chúng ta, một lòng cương quyết đứng lên
Đánh cho tan kẻ hung tàn bạo ngược

Trận thư hùng - còn lưu trang huyết sử
Của thiên tài Nguyễn Huệ - đấng hùng anh
Hứa thế Hanh , Sầm nghi Đống hung hăng
Đã chết thảm vì tội đồ xâm lược

Hỡi người trẻ! Giống Tiên Rồng - Hồng Lạc
Hãy đứng lên như Phù Đổng Thiên Vương
Đánh cho hết bè lũ Cộng xâm lăng
Đánh cho chết lũ buôn dân bán nước

Hãy lắng nghe! Tiếng người dân rên xiết
Bao người già, trẻ đói rách lang thang
Đoàn văn Vươn - bao oan khuất ngút ngàn
Chúng lại bảo là "Độc lập - Tự do - Hạnh phúc" !!!

Hãy thể hiện căm thù - không khuất phục
Hãy đứng lên giành lại lấy giang sơn
Dù gian lao, nguy hiểm cũng chẳng sờn
Vẫn dấn bước trước muôn ngàn bạo lực

Hãy đứng lên!
Cùng hợp quần chung sức
Đánh nội thù cùng kẻ xâm lấn biên cương
Để hồn thiêng sông núi hết oán hờn
Để đem lại thanh bình cho nước Việt

Hiên ngang đó - bao Anh hùng , Nữ liệt
Bà Trưng, Bà Triệu chiến đấu gian nan
Lê Lợi - Anh hùng áo vải Lam sơn
Đã đánh tan bọn giặc Tàu cướp nước

Còn nhiều nữa, bao Anh hùng thuở trước
Hơn bốn ngàn năm anh dũng hiên ngang
Giữ vững giang sơn, đuổi giống bạo tàn
Đã giành lại lấy chủ quyền dân tộc

Hãy đứng lên! Hỡi người dân nước Việt
Đánh giặc Tàu cùng bọn bán nước cầu vinh
Đưa nước nhà trở lại đỉnh quang vinh
Đưa dân tộc thoát lầm than, thống khổ

Không xa lắm - ngày Cộng nô sụp đổ
Dân ta sẽ cùng hát khúc hoan ca
Sẽ cùng nhau xây dựng lại nước non nhà
Cờ ta lại tung bay trong nắng mới

Dân Việt hỡi! Hãy cùng nhau chiến đấu!

Mai Lan-Ngọc

Những ngày chưa quên

Trần Đức Tạo (ĐS16)
Mới đó mà đã 37 năm. Gần 40 năm đầy ắp những lo âu, phập phồng, nhục nhằn và đau thương. Có người gọi 30-4 là ngày quốc-hận, ngày mất nước, ngày tủi nhục, ngày xập tiệm, ngày đổi đời, và các anh quân nhân thì gọi là ngày gãy súng, gãy cánh…Người dân thường gọi chung là “tháng Tư đen”.
Nhưng gọi là ngày gì đi nữa thì cũng là ngày đổi chủ. Những tưởng chủ mới khá hơn nhưng ai ngờ lại làm tan hoang căn nhà đáng lẽ phải tô diểm cho đẹp thêm để người dân an hưởng cuộc đời bình thường sau những năm dài chinh chiến tang thương. Giấc mơ một ngày thanh bình, ấm no, đất nước hưng thịnh, vang danh thế giới, cũng vẫn chỉ còn là giấc mơ triền miên hay chỉ là mộng tưởng cho đến ngày nay. Những người dù trong hay ngoài nước còn một chút ân tình với Đất Nước, đều thấy thổn thức trong lòng, đau nhói tâm can, lo cho tiền đồ quê hương, dân tộc. Chỉ tâm nguyện một điều mong sao cho Dân tộc hết bị đọa đầy.

Cái nơm oan nghiệt đã chụp xuống đầu người dân miền Bắc 30 năm trước lại chụp xuống người dân Miền Nam và cả nuớc từ 1975 cho đến nay mà di hại còn tồn tại không biết đến bao giờ…

Cho đến ngày 29 tháng Tư chúng tôi vẫn đến văn phòng làm việc nhưng cả sở đều nhốn nháo hoang mang nhất là sau ngày dinh Độc-Lập bị một tên phi công phản bội dội bom. Sự kiện này giống như liệng một cục đá vào nồi cám heo đang sôi sục bị văng vãi, tung toé. Cơ quan của chúng tôi nằm trong hệ thống ngân hàng gồm một số chuyên viên tốt nghiệp ở ngoại quốc về phục vụ. Những người này đang lo cho gia đình còn ở ngoại quốc. Họ đang mong sao ra khỏi Việt Nam càng sớm cáng tốt. Một số rủ nhau qua làm danh sách ra đi ở cơ quan USAID đối diện Tổng Liên-Đoàn Lao-Công đường Lê văn Duyệt Saigon. Có một người bạn cho biết vì gia đình còn ở ngoại quốc nên anh ta làm danh sách mà chỉ có một người. Tôi nảy ý kiến ghi gia đình mình vào danh sách chung với anh ta. Tôi ghi cả gia đình mình và gia đình bên vợ lên đến hai chục người. Anh ta cười cười ví bỗng thấy số người trong nhà tăng nhanh chỉ có mấy phút. Thiên hạ ra vào làm danh sách như đi chợ. Nghĩ thầm trong bụng nếu họ chở hết những người ghi trong danh sách đó thì con số cũng đến mấy ngàn người. Nộp danh sách xong, định ra về nhưng tự nhiên trong người muốn té, tôi đang ngộp vì khói thuốc. Ai cũng bồn chồn nên hút thuốc để cho lên tinh thần. Nể bạn, tôi cũng hút luôn mấy điếu Salem và say nhừ tử. Người bạn lôi tôi ra ngoài hiên bỏ đó rồi còn lo tìm thêm lối khác nữa.

Trên đường về, tôi ghé tiệm khắc dấu lấy mấy cái thẻ có ghi sẵn địa chỉ ở Việt Nam và một địa chỉ ở ngoại quốc, phòng hờ trường hơp lạc nhau khi chạy; nhất là cho hai đứa con và ba đứa cháu còn nhỏ dại.

Đường Lê Văn Duyệt chật ních kẻ chạy lên người chạy xuống. Ai ai cũng hối hả, bồn chồn. Xe cộ chạy bạt mạng, phóng như ma đuổi. Mọi người trong nhà đều cố đi tìm đường thoát thân. Người tìm đường biển, người tìm đường sông. Một số chạy ra Tân Sơn Nhất, một số đổ xuống Nhà Bè. Ông Cậu tôi , sĩ quan Quân Cụ, đi tìm các sà-lan chở đạn xem còn xử dụng được không vì khó mà chở một lúc tất cả mọi người trong nhà tổng cộng lên đến năm chục người bằng máy bay hay ghe nhỏ. Mỗi người một hướng đi tìm phương tiện rồi sau vài giờ về nhà báo cáo tình hình. Mỗi nhà như một trung tâm hành quân. Không ai nghĩ đến ăn uống gì cả.

Như một linh tính tôi ra về vì có ở lại cũng thấp thỏm và cũng chẳng ai còn tâm địa nào mà làm việc. Phải cả giờ tôi mới về tới nhà mà ngày thường tôi chỉ đi mươi phút. Mấy đứa con nhỏ thấy bố về mà không giám lên tiếng. Chúng biết có chuyện gì căng thẳng lắm vì mấy hôm nay chúng đã thấy cả nhà to nhỏ, cau có, đăm chiêu. Vợ tôi cũng chỉ nhìn rồi im lặng thu xếp quần áo cho con. Khi đi ra phòng ngoài, tiện tay tôi bật cái radio gần đó . Băng tần FM đài Mỷ đang hát. Thật tình tôi chẳng bao giờ mở radio mỗi khi đi về nhất là buổi trưa nóng nực Saigon.Tiếng hát tự nhiên ngưng và xướng ngôn viên cất tiếng : “One o five degrees and raising, I am dreaming The White Christmas”. Tôi như đứng không nổi. Hai chân run thật sự. Đúng rồi! Đúng cái câu mà chú em làm cho Sở Mỹ cho tôi biết mấy ngày trước. Vì có tính lo xa, dù không tin, hay không muốn nó xảy ra, tôi vẫn lấy giấy stencil đánh máy và quay roneo phân phát cho mọi người trong nhà coi như cái bùa hộ mạng. Chú em còn dặn khi nào nghe thấy đài phát thanh đọc câu này thì chạy lại cơ quan Mỹ gần nhất. Tôi chọn USAID đường Lê Văn Duyệt cho tiện vì thẳng đường từ Chí Hòa, Hòa Hưng đổ xuống. Tôi chụp vội điện thoại gọi cho chú em làm phi công trực thăng còn ở nhà Ông Cậu trên Chí Hòa. Tôi chỉ hỏi có nghe đài Mỹ mới đọc ám hiệu đó không? “Không, em chưa nghe”. “Nó đang đọc đó. Dắt cả nhà chạy xuống USAID mau.” Tôi đã dặn trước là nếu có chạy thì chạy từ trên xuống vì lúc loạn không thể chạy ngược dòng người từ ngoại ô vào thành phố cũng như quân địch cũng từ ngoài tấn công vào. Thứ nữa, ở trong thành phố có thể tránh bớt được pháo kích vì có nhà cao che chở. Kể từ lúc gác máy điện thọại, tôi mất liên lạc với cha mẹ, anh em.

Có lẽ đã biết được câu chuyện tôi điện thoại, nhà tôi kéo hai cháu nhỏ ra sân với cái bịch áo quần đã gấp sẵn từ trước. Tôi nổ máy và chạy thẳng chỉ kịp nói với cậu em vợ đưa cả nhà xuống Usaid. Đường xá đầy nghẹt xe và những người chạy bộ, trông như một đàn kiến bị lửa đốt.

Gia đình bốn người chúng tôi là những người tới USAID đầu tiên. Chưa có ai đứng ở cổng vào. Cái rào cản chưa nâng lên. Người quân cảnh Mỹ vẫn đi qua lại. Tôi vẫn ngồi trên xe và máy còn nổ. Tôi rà tới người quân cảnh Mỹ và đưa mảnh giấy có câu ám hiệu. Người này cầm xem cẩn thận và tôi nói thêm gì đó mà nay cũng chẳng còn nhớ…Anh ta lại máy điện thoại và trao đổi với ai đó một lúc rồi quay nói với tôi “Ông chờ đây khi nào Embassy nói yes thì ông vào”. Tôi cuống cuồng , hay là chạy chỗ

khác. Chạy chỗ khác thì mất liên lạc với đại gia đình như đã hẹn mà lại mất cơ hội ưu tiên. Tôi nói thêm nhưng anh ta vẫn từ chối. Có lẽ ám hiệu đó chỉ dành cho người Mỹ chăng?

Máy bay trực thăng đang lên xuống trên sân thượng building bên trái, mé trong hàng rào …Hai chiếc xe Jeep ở đâu chạy tới. Tôi đọc được chữ Press và xe đang muốn chạy vào. Người MP buộc lòng phải nâng rào cản. Tôi tống ga chạy vào luôn sau hai xe báo chí. Người MP im lặng một lúc rồi nói “đã vào thì không được ra”. Tôi tức đến không muốn nói thêm.

Dẫn vợ con vào bên trong căn nhà, tôi thấy không có người Mỹ ngoại trừ người MP ngoài cổng gác. Có một số công chức người Việt không biết đã đến từ hồi nào. Tôi nhận ra một người bạn, cũng dân Hành chánh, làm việc ở Giám-Sát viện. Anh ta mừng lắm, ít nhất cũng có tôi làm bạn đồng hành. Ông ta còn đưa cho tôi chìa khóa Phòng 205 và dặn cứ ở đó, tụi nó sẽ bốc hết. Tôi cảm thấy hối hận vì vợ con mà chạy bỏ cha mẹ lại cho các em. Tui lẳng lặng ra hàng rào sắt nhìn xem cha mẹ và các em tới chưa. Ông MP lại đến với tôi. “Ông đừng đứng ngoài này tụi nó bắt đầu bắn sẻ” Tôi đi vào mà lòng quặn đau. Một lúc sau gia đình bên bà xã cũng tới do cậu em chở bằng xe jeep quân đội.

Thấy gia đình có vẻ đông đủ, một nhân viên Usaid xin phép thu súng của mấy người em bà xã và tuyên bố ông ta là cấp chỉ huy ở đây còn nhân viên thì đã ra đi cả rồi. Ông ta được lệnh đi chuyến chót cùng với gia đình. Ông giới thiệu mẹ già và vợ con. Ông cũng hứa ai đã vào đây thì sẽ bốc hết.
Tiếng trực thăng rung động, vang dội. Đám phóng viên của hai chiếc xe jeep vừa vào không còn trong phòng. Hai building gần nhau nhưng có tường cao và giăng kẽm gai mé trên. Muốn lên trực thăng thì phải trèo qua dây kẽm gai hoặc có ngõ đi riêng sang building có sân bay trực thăng. Tôi thấy ái ngại không biết sao để đưa vợ, hai con qua được nhất là nhạc gia tôi đã trên bày mươi, chậm chạp. Trong phòng ngổn ngang vali lớn Samsonite của người Mỹ bỏ lại, có khóa cẩn thận, nhưng có lẽ vào phút chót chỉ chở người mà thôi. Đồ ăn vẫn còn nóng trên chào. Những kệ rượu còn nguyên. Mấy cậu em bà xã khui sâm banh chỉ uống một ngụm rồi bỏ.Chê chua. Lật mấy tấm nệm lên thấy súng với ống hãm thanh vứt đây đó. Máy đánh chữ, tủ lạnh vẫn còn yên vị trí.

Chúng tôi được lệnh trèo qua hàng rào kẽm gai sang bên building có sân bay. Mọi người nhốn nháo không biết làm sao vượt qua kẽm gai. Một vài thanh niên đã qua được, người bên này đẩy, người bên kia kéo người nhà qua. Và gia đình tôi cũng qua được như một phép lạ. Một cảnh thương tâm làm tôi nhớ mãi : một bé gái khoảng bảy tuổi cố chạy theo một người trung niên mặc đồ kaki. Tôi cứ tưởng hai cha con nhưng khi bé gái tới gần thì bị ông này đạp cho một cái ngã ngửa ra sau. Em bé không khóc lại cố chạy theo và bị ông ta đạp cho một phát nữa. Cho đến giờ tôi cũng không hiểu tại sao lại nhẫn tâm đến thế! Con ai? Mà mẹ đâu ? Ông trung niên qua dây kẽm gai một cách dễ dàng.

22 April 2012

Nước Tầu CS tan rã một ngày không xa

Thế Đứng Chông Chênh Của Hoa Lục

Điền Thảo

Hai thập niên vừa qua Hoa Lục là một điểm nổi bật gây chú ý cho cả thế giới. Ai cũng nhìn thấy tương lai rực rỡ của đất nước được ví von như một con hổ đang thức dậy sau cơn ngủ vùi. Nó gầm nó thét khiến cho những nước chung quanh nể nang ngưỡng mộ và riêng đối với Hà Nội còn tỏ ra khiếp sợ. Tiềm năng của Nước Tầu đang trỗi dậy thực sự là to lớn. Nhưng có điều người ta thường quên rằng cái to lớn phải đi đôi với cái ổn định thì mới bền vững, mới tạo ra niềm tin, mới thực sự tạo ra được sức mạnh. Cái bạo phát tất sẽ bạo tàn.

Có thật sự nền kinh tế tài chánh của Hoa Lục được xây dựng trên những giá trị nhân bản? Có thật sự tiềm năng kinh tế và quân sự đang đứng vững và phát triển trên một thể chế chính trị ổn cố?

Chính sách đổi mới kinh tế điên loạn:

Từ năm 1978, Hoa Lục trải qua hàng loạt những cải cách bao hàm cái ý nghĩa chuyển từ chủ nghĩa cộng sản kiểu Mao sang nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Hay nói cách khác chuyển từ chế độ trung ương hoạch định sang một hệ thống hỗn hợp, vừa có doanh nghiệp nhà nước vừa có doanh nghiệp tư nhân.

Đặng Tử Bình, một đảng viên kỳ cựu của Đảng CS Tầu, đã từng thoát chết trong cuộc Cách Mạng Văn Hóa, là nhân vật chủ trương công cuộc đổi mới này. Tư tưởng đổi mới của Đặng khiến ông ta suýt chết dưới tay Mao, nhưng những ý nghĩ cải cách ấy vào những thập niên vừa qua lại như đã giúp Đảng CS Tầu thoát chết vì suy kiệt.

Trong khi ở thành thị bắt đầu xuất hiện những nhà tư bản mới thì tại nông thôn việc cải cách chỉ là tái lập quan hệ sản xuất đã có từ thời tiền cách mạng. Xét về ý thức hệ thì những cải cách là những bước thụt lùi của chủ nghĩa Mác-xít.

Tư tưởng chỉ đạo trong cuộc đổi mới là phải tiến nhanh bằng mọi giá để bắt kịp các nước tiên tiến. Nhiều nhà quan sát đã dùng chữ 'bóp méo' (distorted) để diễn tả cuộc đổi mới này, hay nói một cách khác, một cuộc phát triển khập khễnh.

Chỉ số phát triển trung bình hàng năm 9% trong ba thập niên vừa qua đã đưa Hoa Lục từ tình trạng xơ xác thời Mao-Chu đến cảnh nở rộ trong mọi ngành. Bộ mặt một số đô thị lớn thay đổi nhanh chóng. Những cao ốc mọc lên hàng ngày, những đường cao tốc chạy dài xuyên tỉnh. Mỗi tuần lễ trung bình một nhà máy chạy bằng than đá ra đời.

Khởi đầu là những cơ sở kinh doanh tập thể do nhà nước quản lý, và rồi cải cách mở đường cho những xí nghiệp hỗn hợp, một hình thức hợp tác giữa nhà nước và tư nhận. Và sau chót thay đổi mở rộng cửa cho những xí nghiệp tư nhân, Yếu tố thúc đẩy là vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Chính sách đối mới kêu gọi vốn nước ngoài đã chuyển hóa nhanh chóng nền kinh tế Hoa Lục. Nhưng những thành quả đạt được lại do khu vực tư nhân đem đến trội vượt hẳn khu vực doanh thương tập thể do nhà nước quản lý. Khu vực tư doanh đã góp 70% tổng lợi tức quốc gia vào năm 2005 (1).

Đó là mâu thuẫn đầu tiên người ta nhận ra được của nền kinh tế đổi mới nửa vời. Khu vực doanh nghiệp nhà nước quản lý kềnh càng và yếu kém, không sinh lợi, nhiều khi thua lỗ, thế nhưng những đảng viên nào chui được vào trong đó thì ít nhất cũng được an thân, nói theo cách nói hiện nay ở Hoa Lục là những người có được chiếc bát cơm bằng sắt đập không bể (Iron Rice Bowl). Khu vực doanh nghiệp nhà nước này đã không cởi bỏ hết mà hiện nay Hồ Cẩm Đào lại cho tái quốc hữu hóa trở lại .

Những nguyên tắc chỉ đạo về kinh tế ngay từ đầu đã hàm chứa những mâu thuẫn gây ra những chướng ngại khó phá bỏ. Để có những hình ảnh cụ thể hơn về chính sách phát triển do Đảng CS đề ra, có thể tổng gộp lại như sau:
- Đội ngũ lao động lương thấp, có kỷ luật cao, việc làm có phẩm chất, và không có hoạt động công đoàn.
- Quy chế về sức khỏe và an toàn lao động chỉ tối thiểu.
- Luật lệ an toàn môi sinh và cưỡng chế được thả lỏng.
- Vận dụng tối đa vai trò xúc tác của vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) (2).
- Một hình thức tổ chức kỹ nghệ có năng suất cao mệnh danh là "quần thể" (3)
- Một mạng lưới kỹ lưỡng của chính phủ để trừng phạt hành động giả mạo và đánh cắp.
- Tiền tệ được hạ giá định kỳ.
- Một số lớn ngành kỹ nghệ được chọn lựa hưởng trợ cấp lớn lao từ chính phủ (để cạnh tranh).
- "Bức Tường Vĩ Đại" được dựng lên để bảo vệ mậu dịch nhất là ngành kỹ nghệ trẻ em.

20 April 2012

Ảnh đẹp Hương Kiều Loan




Những chiều, hay sáng, lang thang một mình bên lối nhỏ ven sông, đó là những giây phút riêng tư tuyệt vời nhất, tôi thấy đuợc chính mình, thả hồn rong chơi với vạn vật, với sông nước mênh mông, và thấy gần gụi với thiên nhiên, cảm được cái hồn của vạn vật trong cây cỏ ven đường, ngay cả những đám cỏ dại, chúng đều có vẻ đẹp của riêng chúng, với thân phận vô danh, chỉ là đám weed ven đường, người đời ruồng rảy ghét bỏ. Nếu những hột cỏ dại đó, có theo gió bay được đến một khu vuờn nào xinh xắn, rồi đợi xuân để nảy mầm, và vươn cao, thì chưa kịp khoe được bông hoa đầu tiên với chủ nhà, chắc chắn chúng đã bị tiêu diệt ngay khi còn trứng nước. Thân phận chúng, suốt đời sẽ phải bám rễ ở những khu đất hoang vu. (HKL)

Hội Thảo và Đại Hội về

Thân Phận Người Lao Động VN
17-24, 6, 2012, Orange County và D.C. 


Đại Hội này cũng là dip để Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động VN nhìn lại chặng đường đi qua và đạt những công tác kế tiếp. Từ khi thành lập cuối năm 2006, UBBV đã giúp hàng ngàn công nhân Việt tại Mã Lai được bồi thường tiền mà chủ nhân và môi giới bất lương đã cuớp của họ, cũng như đã phân phối hàng ngàn tờ truyền đơn ở Việt Nam để phổ biến về quyền lao động. Tại Âu Châu và Úc Châu, UBBV cũng đã tranh đấu trực diện để đối phó với một số công ty đa quốc gia vì họ ngược đãi công nhân Viêt.

UBBV đã đạt kết quả liền dù là một nhóm nhỏ, với ít ngân quỹ, chỉ dựa vào nổ lực của những hổ trợ viên và thành viên làm việc không lương. Hãy thử tưởng tượng, chúng ta sẽ còn giúp người lao động thêm biết bao nếu có thêm bạn tiếp tay? Bạn có thể giúp bằng những cách đơn giản như tiếp xúc với môt vài người lao động trong chuyến đi Việt Nam kế tiếp. Chúng tôi cũng mong bạn tiếp tay trong việc tổ chức và tham dự:

ORANGE COUNTY
3pm -6pm Chủ Nhật 17/6/12: Trụ sở báo Người Việt
14771 Moran St, Westminster, CA 92683
Hội thảo với các thành viên UBBV ở hải ngoại

Xin Liên Lạc: Anh Hà Nguyễn (714) 269-8319

WASHINGTON D.C.
3:00 pm – 6: pm: Chủ Nhật 24/6/12
Đại Hội Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động VN
Harvest Moon, 7260 Arlington Blvd,
Falls Church, VA 22042
Bữa cơm gây quỹ: 6:30 pm – 11:30 pm
24/6/12 tại Harvest Moon - $35/Vé
Văn Nghệ và khiêu vũ

Xin Liên lạc: Jackie Bông (703) 989-1149
Anh Nguyễn Ngọc Bích: (703) 220-04
_____________
(Người đưa tin: Nguyễn Văn Sáu và
Hội CSV.QGHC Miền Đông Hoa Kỳ)

19 April 2012

Giông Tố Tháng Tư: Chùm văn nghệ


GIÔNG TỐ, EM

Quê hương đành dứt bỏ,
Biển Đông sóng thét gào.
Lênh đênh con thuyền nhỏ,
Em tìm miền sáng sao.
*
Đường đi nghìn bão tố,
Em trôi giạt phương nào?

Lan Đàm
9/11 

Giông Tố và Em.

Thân Em Ngà Ngọc, trắng trong,
Sóng xô, biển dữ giữa lòng đại dương,
Em đi vào cõi Vô Thường,
Tơ trời vương vấn, nhớ thương, bộn bề!...

MH

Xem tranh "Giông Tố và Em"

Trước đây, trong mục xem tranh của A.C.La, một hai lần tôi có nêu ý kiến là, ghi lại cảm nhận của mình khi xem một bức tranh được chụp lại và chuyển qua Internet, thực ra có giá trị rất giới hạn, vì hình ảnh đó không trung thực với tranh gốc.

Tôi xin kể một kinh nghiệm. Khi nói tới hoạ phái Ấn Tượng ở Pháp, bao giờ người ta cũng nhắc tới bức “Impression, soleil levant” tranh sơn dầu của Claude Monet vẽ năm 1872, cảnh mặt trời mọc ở bến cảng Le Havre.

Tôi đã tìm bức tranh nầy trên một số sách về phái Ấn Tượng, thấy màu sắc các bản in trên giấy không giống nhau. Cả các bức trên một vài site Internet, màu sắc cũng khác. Rốt cuộc không biết màu sắc chính xác trên bức tranh gốc ra sao.

Lần nầy thấy hoạ sĩ bỏ khá nhiều công để chăm chút cho bức tranh, được xem là đắc ý của hoạ sĩ, tôi cũng thử tán vài câu gọi là cảm thông với sự say mê nghệ thuật của hoạ sĩ.

Theo bố cục của bức tranh "Giống Tố và Em":

Mây đen đang vẫn vũ trên trời, đe doạ cơn giông bão sắp sửa ập đến, mặt nước phía trước đen ngòm diễn tả sự bất trắc và đầy nguy hiểm cho con thuyền bé nhỏ, mỏng manh, nào bão tố, nào hải tặc. Tuy nhiên, giữa cảnh trời nước mịt mù đó, có một vầng sáng với những vệt sáng màu hồng, tượng trưng cho niềm hy vọng, thôi thúc ra đi, nhưng trong cảnh trời sầu nước thảm đó, đường nét mờ nhạt trên gương mặt em nhỏ rất hợp với cảnh, mà cũng rất hợp với ý nghĩa của một chuyến đi đầy rủi ro, tương lai mờ mịt, được thể hiện qua gương mặt hãy còn ngây thơ của em nhỏ, nhưng đôi mắt và làn môi lộ rõ nét lo âu và nghi ngại.

Nói chung, trong số những bức tranh của A.C.La về thuyền nhân và biển cả mà tôi đã được xem, đây là bức tranh mà tôi thích nhứt về cách bố cục, về màu sắc tương đối đơn giản nhưng gợi được cho người xem sự đồng cảm với hoạ sĩ.

NQMinh
**
Em Tôi

Người em gái Việt Nam tôi đã gặp. Tôi đã gặp em nơi thành phố nghỉ mát Vũng Tàu. Tôi đã gặp em trên đường thị xã miền cao nắng bụi mưa bùn Pleiku. Tôi đã chọc ghẹo vui đùa với em ngay trước nhà mình ở Phú Nhuận Sài Gòn. Người em gái ngọc ngà ấy đã liều vượt biển tìm tư do khi lên 15 hay 16 và đã bị hải tặc bắt đi mất tích. Gia đình em tuôn tràn bao nhiêu là nước mắt. Lòng tôi đau.

Sóng nước tung hơi mờ kỷ niệm. Hình ảnh khuôn mặt thanh tú đẹp lạ lùng nay mờ nhạt với khói sương. Tiếng sóng âm vang vẫn muôn đời ở đó mỗi khi trở về thăm chốn xưa. Kỷ niệm dội về theo mùi nước mặn, mùi ngai ngái của rong biển. Biển cả đã đưa những người không chịu nổi ngột ngạt ra đi, nhưng nhiều người không tới được bờ bến tự do trong đó có em.

Đứng nơi bãi vắng ước mơ được sống lại chuyện xua. Sao mình không mãi bé nhỏ như thuở nào có em cùng đùa vui. Bốn bàn tay chung xây lâu đài cát. Nhìn dã tràng tung tăng không mệt mỏi thách thức sự bền bỉ với sóng nước. Đơn sơ nhưng đẹp vô ngần. Bây giờ nghĩ lại thấy mình đã sống nơi thiên đàng khi còn trẻ mà không hay.

Gió mơn man trên da mặt nhưng thuần chỉ gợi một nỗi nhớ nhung thương tiếc khôn nguôi. Nơi chân trời góc biển nào hiện đôi tay ngọc ngà ấy đang bị dày vò. Nơi sơn lâm cùng cốc nào đôi bàn chân hồng đang bị bủa vây. Không biết người hiện có được an phận, dù là phận gì.

Cầu mong chỉ có thế: Sự An Phận cho người EM tôi thương.

A.C.La Nguyễn Thế Vĩnh

18 April 2012

Thơ Luân Tâm

Tình ơi...

Thơm cho ngọt no tròn non nõn níu
Ngọt cho thơm ôm điệu ghép vần say
Tình cho nghĩa yêu hoài thương vô tận
Ân cho tình mềm ấm thắm duyên may

Ru cho mật thật thà hoa mưa bướm
Dỗ cho ngon sữa suối thơ ngây nhìn
Nhìn cho đói gọi đò no đo tưởng
Hoa tiên bồng hồng trần ai cầu kinh

Hôn cho lửa bốc hương sôi đền đợi
Mười năm cho chèo chống cõng hôn mê
Thăm cho hết ngọn nguồn còn khao khát
Mưa rào chưa nắng hạn đã ăn thề

Tình cho điệu bao nhiêu vẫn quá thiếu
Yêu cho cưng ngoan dịu hiền thê thơ
Thương cho sạch trơn hơn còn đòi hỏi
Của nhau sao nói đói khát nằm mơ

Cho nhau hết hồn non tiên vía dại
Cho nghìn xưa sững sốt học trò yêu
Cho nghìn sau ướt ao nhà trăng mật
Cho mình tung tuyệt đỉnh hứng tuyệt chiêu...

Tình ơi...

MD.04/18/12
LuânTâm

17 April 2012

Quanh chuyện giới thiệu một bản nhạc

Giữa ánh nắng ban mai,
con chim không được cất tiếng hót !

"Hỡi những con người của thời đại, hãy lớn lên qua khỏi cái ấu trĩ của chính mình"
J.J.Rousseau

Nhân cái chết của nhà văn Hòang Yến ngày 23/2/12. Từ Sài Gòn, Nhật Tuấn ,trong một bài viết gửi cho Đài BBC và được phổ biến sáng thứ tư 29/2/2012 trên trang Web của BBC với tựa đề" con chim chỉ được hót trong đêm" trong đó Nguyễn Tuấn đã mô tả những trù dập tàn bạo và nhỏ mọn của Đảng Cộng Sản VN trong chính sách kiểm soát văn hóa và tư tưởng các văn nghệ sĩ thể hiện qua trường hợp cụ thể là nhà văn Hòang Yến. Nhật Tuấn viết :
" ..còn nhớ những năm đầu Đảng và Chính phủ về tiếp quản Hà Nội, các nhà văn, nhà thơ, các nhà phê bình, các giáo sư xúm vào khen thơ Tố Hữu, xài ngôn ngữ như xài bạc giả. Vậy mà nhà văn Hoàng Yến cả gan viết bài chê thơ Tố Hữu 'bé' 'vì chất sống chưa thật sâu sắc nên ý thơ nhiều đoạn còn giả tạo và công thức '...và đợi đến khi Hoàng Yến cho xuất bản tập thơ Tình Người Soi Dặm Đường, Hoàng Yến phải đi tù cài tạo tại Văn Phong Phú Thọ 3 năm và sự nghiệp viết văn của ông tiêu tan từ đây cho đến ngày ông mất. Nguyễn Tuấn kết luận "suốt 15 năm cầm bút, Hoàng Yến như con chim đựơc hót trong bóng tối"....
Đây là nói về sự thù hằn nghiệt ngã và hẹp hòi của Cộng sản, nhưng dù sao con chim Hoàng Yến, nói theo Nhất Tuấn, còn được hót trong bóng tối vì bài phê bình thơ Tố Hữu của ông còn được đăng báo, không bị kiểm duyệt hay lấy xuống và tập thơ Tình Người Soi Dặm còn được NXB Hội Nhà Văn Mới cho xuất bản.

Oái oăm thay, đó cũng là trường hợp của tôi, khi giữa bầu trời trong xanh của dân chủ, giữa ánh nắng ban mai của tự do, tôi như con chim lại không dược cất tiếng hót.

Chuyện thế này:

Nhân mùa Phục Sinh 2012, một lễ lớn của Kitô giáo, qua Tiếng Thông Reo ngày 3/4/12 , như tiêu chí ghi trên đó, là sân chơi của CSV/QGHC và thân hữu lui tới để trao đổi kiến thức, văn học nghệ thuật, chia sẻ những kinh nghiệm của cuộc sống ..., tôi có viết lời bình và mời gọi bằng hữu xa gần gồm đủ mọi tôn giáo suy niệm và thưởng thức nhạc phẩm Cát Bụi của TCS, một chủ đề mang tính tâm linh, vượt thời gian và không gian, vượt biên giới của mọi thù nghịch, và còn vượt ra khỏi khuôn khổ mọi cuộc tranh cãi chính trị: đó là trăn trở về thân phận, về sự hiện hữu ngắn ngủi và tạm bợ kiếp con người, nhưng xoáy vào những khắc khoải ngàn đời con người chưa có câu trà lời:
Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi?
Hạt bụi nào hóa kiếp thân bạn?
Hạt bụi nào hóa kiếp thân chúng ta?
Bài viết sau đó dẫn người đọc đến điểm chung nhất của hai tôn giáo lớn Kitô giáo và Phật giáo: Cuộc đời dù đẹp biết bao, sự sống dù có cao qúy dường nào, nhưng nó chỉ là một đóa hoa vô thường của một vòng quay, một trăm năm của sự tạm bợ để mời gọi tôi, mời gọi bạn, mời gọi chúng ta hãy nhìn nhận và đối diện với nó một cách can đảm để đưa cuộc sống hữu ích cho mọi người, không làm những điều ác, vì số phận đời đời của một con người được quyết định trong cõi tạm này hay nói theo đức tin Kitô giáo: Vĩnh cửu được gieo mầm trong hiện tại ngắn ngủi ta đang sống.

Như vậy, ở góc độ này, lời và âm nhạc trong Cát Bụi của TCS thực sự trở nên bản kinh cầu lay động ý thức về thân phận con người cho những ai còn mê muội muốn đi tim một chỗ an tòan nơi cõi tạm này.

Phục Sinh (Easter) là mùa của sám hối, mùa của đổi mới, mùa mà thông điệp Phục Sinh đòi hỏi mỗi tín hữu phải lột xác chính mình, cả tâm hồn lẫn thể xác mà từ đó tôi muốn giới thiệu đến bằng hữu ý nghĩa Phục Sinh nhân dịp bước vào ngày lễ này.

Nhưng ý hưóng ấy đã bị xóa xổ, nó như em bé sinh thiếu tháng và chỉ sống vội vàng chưa đầy 24 tiếng đồng hồ trên Tiếng Thông Reo. Lý do ư? NTVĩnh trong điện thư gửi tôi ngày 4/4/12 chỉ ngắn gọn " tớ đưa bản nhạc TCSơn và bài giới thiệu của cậu lên TTR. Nhưng bị dị nghị quá, đành phải lấy xuống".

Vĩnh là bạn thân, vừa học cùng khóa, vừa thuộc nhóm Bắc ky di cư của tôi. Tôi biết, anh dùng từ "dị nghị" cho nhẹ nhưng tôi nghĩ, anh bị nhiều áp lực, còn áp lực đến từ đâu, vì sao lại áp lực thì tôi chịu thua.

Với tôi hay với bất cứ những ai có nhận thức đứng đắn đều hiểu rằng, một tác phẩm văn học, một tác phẩm điêu khắc, một tác phẩm kiến trúc hay âm nhạc hay, xuất sắc, khi đã được quần chúng chấp nhận, đều là tài sản chung, bất kể tác giả thuộc khuynh hướng chính trị nào.

Một số đồng môn CSV/QGHC đã ép NTVĩnh lấy bài tôi viết xuống khỏi TTR liệu có quá khắc khe với tôi không?. Họ nhân danh ai và lý tưởng nào?  Liệu họ có dám từ chối hát quốc ca VNCH viện lý do tác giả là nhạc sĩ Lưu hữu Phước, từng là Bộ trưởng Văn Hóa trong chính phủ CSVN hay không?

Ở phần trên, tôi xin phép mượn câu nói nổi tiếng của J.J Rousseau để chứng minh một lần nữa sự ấu trĩ và hẹp hòi trong mối suy nghĩ sẽ giết chết lòng bao dung và tinh thần dân chủ tự do quyền sống của con người mà nhân dân VN đang đấu tranh để những quyền này nảy mầm trên quê hương VN. Chính sự ấu trĩ theo cách gọi của J.J Rousseau đã xé nát sự đoàn kết trong cộng đồng người Việt tỵ nạn, không phải chỉ trên đất Mỹ này mà còn trên tất cả mọi nơi có sự hiện diện của người Việt tỵ nạn vì những chiếc mũ rộng vành lớn nhỏ sẵn sàng chụp lên đầu nhau.

Viết đến đây, tôi nhớ lại lời cảnh báo của bà C. Rice, nguyên Bộ Trưởng Ngọai Giao dưới thời TT Bush Con, trong lễ nhậm chức đã nhấn mạnh "Có một bài học vô cùng quan trọng, đó là chỉ cần một khác biệt nhỏ cũng đủ để người ta tiêu diệt lẫn nhau". Nhận xét này quá đúng vì có khi tiêu diệt nhau bằng ngôn ngữ, bằng những suy nghĩ lệch lạc, khắt khe, nghiệt ngã còn đau đớn hơn giết nhau bằng gươm đao. Có thể đơn cử trường hợp các cuộc biểu tình nổ ra chống ca sĩ Thanh Lan khi cô xin tỵ xin nạn tại Hoa Kỳ mười mấy năm về trước hay tâm tình của một sinh viên VN du học tại Hoa Kỳ đã được tờ Viet Mercury Bắc Cali trích đăng: Em thuộc thế hệ sinh ra sau năm 75, có nhân thân không dính dáng gì tới CS, nhưng trước sự kỳ thị và trù dập của một số đồng hương, khi ra đường em không dám xưng mình là người Việt để được yên thân. Thế đấy!

Về phần tôi, tôi chỉ là hạt bụi trong sân chơi TTR. Khi viết bài này, tôi muốn có sự công bằng nơi TTR, tôi cũng muốn có sự công bằng cho tất cả các đồng môn và thân hữu muốn mình có mặt trong sân chơi TTR không mang tâm trạng của em sinh viên du học vừa nói ở trên. Chúng ta không chỉ đón nhận những mặt được tô hồng làm thỏa mãn cái tôi của mình. Trong nhiều trường hợp, chúng ta phải đón nhận những phản biện trái chiều để tự do dân chủ, để sự thật và chân lý được sáng tỏ trong đó những con chim không bị thương tích đến độ chúng sợ hãi ngay cả khi cành cây cong xuống, trái lại, chúng được bay bổng trên vòm trời tự do, được cất tiếng hót thỏa thích dưới ánh nắng ban mai, làm phong phú cuộc sống chúng ta đang sống vậy./.

San Jose ngày 12/4/2012
TeHong ĐS14
_______

Đôi dòng tâm sự của "người giữ chùa":

Tôi đồng ý với bạn TeHong: Tác phẩm nghệ thuật khi đã được quần chúng chấp nhận nó là tài sản chung. Tôi nghĩ rằng chúng ta không nên đồng hóa tác phẩm với bản thân người nghệ sĩ. Nghệ sĩ có thể trở nên sa đọa, tha hóa, nhưng tác phẩm của họ thì không. Sau khi ra đời, một nghệ phẩm có giá trị sẽ giữ nguyên giá trị ấy mãi mãi.

Giới thiệu lên Diễn Đàn này một tác phẩm đẹp là chuyện bình thường và đáng cổ võ. Nhưng giới thiệu tác phẩm vào một thời điểm dễ gây hiểu lầm thì không nên. Trong trường hợp này TTR đã đăng tải bài giới thiệu Cát Bụi của Trịnh Công Sơn do bạn TeHong viết ngay vào dịp trong nước và cả một vài nơi ở hải ngoại đang rầm rộ kỷ niệm ngày mất của Trịnh Công Sơn là chuyện dễ gây dị ứng ngoài ý muốn của TTR hay của người giới thiệu.

Chuyện dị ứng có thể rất dễ bột phát bởi vì khi giới thiệu một tác phẩm không thể không nói đến tác giả. Mà nếu đối tượng được giới thiệu bị dị ứng thì mục đích của lời giới thiệu không còn đạt được. Nhưng tại sao lại biết chuyện sẽ gây dị ứng? Nhiều khi phải đăng tải đã, mới biết được. (NTV)

Chuyện nhỏ mà to: Hỡi ôi, chốn nghìn năm văn vật hôm nay!

Chính bài viết này cũng đang dùng những từ ngữ thuộc về góc tối của cái xã hội xhcn vô thần và lộng ngôn hôm nay, một vấn đề còn to lớn hơn cả chính nội dung bài viết "Quán xá bẩn thỉu". Ước mong góc sáng của xã hội VN đứng vững lướt qua được những ngày đen tối, không bị ô nhiễm để còn là chỗ cho niềm hy vọng nương tựa. (TTR)

**
Những quán ăn khách "cạch đến già" ở Hà Nội

- Vừa ăn, vừa bị chửi té tát mà khách hàng cứ đông nghịt. Thậm chí, nhiều người còn cổ súy “đây là một nét văn hóa mới của người Hà Nội”.

Choáng váng với lẩu chuột, bún "phân" gián. Sốc với phở "gián", bún "thạch sùng" ở Hà Nội
Thượng đế như “xin ăn”

Khách hàng đã quá quen thuộc với kiểu đi ăn hàng quán mà như thể đi “xin ăn”. Vừa ăn, vừa bị chửi té tát mà khách hàng cứ đông nghịt. Thậm chí, nhiều người còn cổ súy “đây là một nét văn hóa mới của người Hà Nội”.

Người ta nói “miếng ăn là miếng nhục” quả không sai khi khách hàng bị đối xử tệ bạc, bị quát mắng thậm chí văng tục, chửi thề mà các hàng quán vẫn hùng hồn tuyên bố “ấy thế mà ngày nào mát trời bà chủ không chửi là quán lại không đông”.

Lý do là thế, nên các bà chủ hàng quán xá ra sức chửi, mắng mỏ khách hàng để “hút khách”. Thời buổi bây giờ thượng đế là người bỏ tiền nuôi béo các quán xá nhưng phải nhục nhã như đi “xin ăn”.
Quán bún chửi nổi tiếng Hà Nội.

Chị Hương Ly (nhân viên văn phòng của công ty Điện tử Trí Nam, Hà Nội) tố cáo quán L.V (Phố Lý Thường Kiệt) đối xử tệ bạc với khách hàng. Chị bức xúc: “Ai đời nhân viên nhà hàng mà chửi khách, đuổi khách ghê rợn”.

Chả là hôm đó đi làm về muộn, hai vợ chồng chị Ly rẽ vào quán L.V ăn tối. Đây được coi là một nhà hàng bậc trung chứ không phải quán xá vỉa hè mà cung cách phục vụ chẳng khác gì bọn du côn nơi đầu đường xó chợ.

Chị Ly kể: “Khi chúng tôi lên tiếng vì món dứa xào thịt bò có 2 con ruồi chết trong đó thì nhân viên nhà hàng này vênh mặt lên khiến chồng tôi vô cùng bức xúc, hai bên to tiếng với nhau”. Tưởng rằng, chủ cửa hàng xuống sẽ giải quyết êm thấm, ai ngờ bà ta “chửi khách ầm ầm”.

Bà chua ngoa: “Ruồi ở đâu mà ruồi, ở miệng chúng mày mà ra à”. Không thể ngồi thêm được nữa, chị Ly và chồng mau chóng rời khỏi quán ăn này. Đi khắp thế giới có lẽ chỉ Hà Nội mới có cung cách bắt thượng đế “vừa ăn vừa nhục” thế này.

“Ăn thì ăn, không thì cút đi”, “mày nhai gì mà lắm thế”, “đã không có tiền lại còn sĩ”, “sáng ra mà đã ngu hơn cả chó”…đó là những câu chửi mà khách hàng thường xuyên được nghe ở quán bún canh gần chợ Ngô Sĩ Liên. Từng ăn trên quán này, chị Hằng (Cầu Giấy, HN) cho biết “mình bỏ tiền ra chứ có phải đi xin đâu mà phải nghe chửi”.

Đây là quán bún sườn dọc mùng thơm ngon nổi tiếng ở Hà Nội nên những lúc đông khách, không phục vụ kịp bà chủ quán này lại văng tục, chửi bậy bằng những lời nói thiếu văn hóa xúc phạm khách hàng.

Chị Hằng kể: một khách hàng nhẹ nhàng hỏi “để xe ở đâu bà chủ” liền bị quát “để đâu mặc mày”, vị khách này giận tím mặt và nói với lại “một đi không trở lại” với hàng quán này dù có ngon thế nào đi nữa.

Chị Hằng còn tỏ ra vô cùng bức xúc khi một hôm đi ăn ở quán B.H trên đường Tô Hiến Thành thì bị bà chủ quán này cho một phen hú vía. Nhà hàng đã phục vụ kém, chửi khách xa xả lại thêm việc “đánh nhau với một thực khách vì vị khách này lỡ miệng chê đồ ăn của quán” đã khiến chị Hằng “cạch mặt đến giá với quán ăn này”.

Ở Việt Nam lại có kiểu phục vụ “trai vẫy” mới xuất hiện và đang nở rộ trên các tuyến phố: Lê Đức Thọ, Hồ Tùng Mậu, Nghĩa Tân, Cầu Gỗ, Nguyễn Phong Sắc, Hoàng Quốc Việt. Chị Nguyệt (nhân viên Ngân hàng chính sách Xã hội) cho biết “nhiều lúc bức xúc kinh khủng khi bị tên nhân viên trai tráng đứng chặn xe giữa đường lôi bằng được vào quán”. Vào quán rồi mà quay ra sẽ bị chủ hàng chửi ngay “đã không có tiền lại còn bày đặt”.
Ăn phở phải xếp hàng như thời bao cấp

Có một điều phi lý ở VN đó là nhiều người cho rằng cung cách phục vụ này là bình thường và “không động đến mình thì thôi”. Và nghiễm nhiên, các quán xá này vẫn đông khách như thường mặc dù hàng ngày họ vẫn mang thứ văn hóa lai căng, hách dịch này để tiếp đãi các thượng đế. Thượng đế nhiều khi phải mất tiền đi xin ăn, ăn vịt để ở nhà vệ sinh, lẩu phân chuột, bún phân gián, bún đậu chấm bụi đường…

Trào lưu tẩy chay hàng quán bẩn

Theo một cuộc khảo sát nhỏ của phóng viên VietNamNet, phần đông người được phỏng vấn đều cho rằng quán xá vỉa hè và một số nhà hàng lớn ở Hà Nội “bẩn kinh hoàng”. Chị Nguyễn Hải Minh (sinh viên trường ĐH Ngoại Thương HN) cho rằng “báo chí cần phải mở diễn đàn để người dân vạch mặt, tẩy chay để các quán ăn bẩn này hết đường sống”.

Hơn 90% người được phỏng vấn thừa nhận “thường xuyên la cà quán xá” và họ cũng muốn “cộng đồng cùng tẩy chay những quán ăn bẩn”. Mới đây, một số khách hàng đã tự bảo vệ mình bằng cách lập ra Hội những ngươi tẩy chay những hàng quán bẩn trên trang facebook.com.

Là một người đã từng ăn ở nhiều hàng quán ở Việt Nam, chị Hải Minh cho biết “mình từng đi ăn ở quán ốc nóng ngay đầu đường Lê Đức Thọ (Từ Liêm), ốc được sắp ra bàn khá cẩn thận nhìn ngon mắt nhưng đến khi ăn mới biết mình đang ăn bùn đất vào miệng”. Ốc được rửa không kĩ đã vô tư “ngậm bùn” và khách hàng ăn rồi mới tá hỏa nôn ọe. Từ đó chị Minh tìm mọi cách để vận động bạn bè, đồng nghiệp và người thân tẩy chay quán ăn này đề không “vướng vào vết xe đổ” của mình mà hại đến sức khỏe.

Theo nguồn thông tin thu thập được, rất nhiều khách hàng đã phản ánh lại tình trạng mất vệ sinh của các hàng quán với mong muốn đông đảo người dân sẽ biết đến và tránh xa các quán ăn này. Các quán bún ốc, ốc nóng, bún đậu (Hồ Tùng Mậu) nổi tiếng với đồ ăn bẩn thỉu, quán vịt cỏ Vân Đình (Cầu Giấy, HN), quán lẩu trên phố Hàng Cá, Phùng Hưng, quán bún miến ngan trên phố Tô Hiệu, bún ngan trên đường Trần Hưng Đạo…luôn là nỗi kinh hoàng đối những khách hàng từng “chịu trận” và là lời cảnh báo “phải tẩy chay” với những khách hàng chưa biết.

Hơn lúc nào hết, người tiêu dùng cần phải chung tay, mở diễn đàn, tố cáo các hàng quán bẩn, phục vụ kém để cộng đồng tránh xa. Nói về những quán ăn bẩn, phục vụ yếu kém, nhà văn hóa học, Nguyễn Vinh Phúc từng phát động “chúng ta nên tẩy chay họ, lần sau không đến nữa và rủ nhiều người cùng tẩy chay, không đến nữa. Chỉ có như vậy, họ buộc phải hành xử có văn hóa hơn”.

Huệ Bạch

16 April 2012

Ở một nước đang vươn lên muốn làm minh chủ thiên hạ

Tôi vừa đi chơi 2 tuần bên Tàu

Vâng, tôi vừa thực hiện đuợc uớc mơ bấy lâu nay của tôi là đặt chân lên Vạn Lý Truờng Thành.

Mặc dù ý thức đuợc chuyến đi du lịch bên Tàu của tôi không đúng thời điểm, tôi vẫn bắt buộc phải thực hiện điều này năm nay vì qua năm tới, về hưu, tôi sẽ không còn khả năng tài chánh, và có thể cả sức khoẻ để làm đuợc. Vợ chồng tôi đã ghi tên đi theo tour cùng với một số nguời Pháp.

Điều gây ấn tuợng nhất đối với tôi qua chuyến đi này là phong cảnh hùng vĩ của nuớc Tàu và cái phồn vinh (giả tạo?) của các thành phố lớn, nhất là Shanghai, từ trên tháp cao hơn 300m nhìn xuống không thua gì New York, với bạt ngàn toà nhà chọc trời, khi ngồi trên tàu thuởng ngoạn Shanghai by night ... đèn néon muôn màu chớp tắt... như đi bâteau mouche trên sông Seine.

Đại đa số xe hơi toàn các hiệu xịn, nhập từ nuớc ngoài cũng có, ráp tại nội địa cũng có. Và dĩ nhiên cảnh kẹt xe khủng khiếp, kẹt xe hơi chứ không phải kẹt xe gắn máy như bên VN mình. Đuờng xá thì rộng và sạch sẽ hơn cả bên Paris.

Đó là những điểm khen của tôi. Còn mặt trái thì sao?

Ngay từ khi đuợc nguời huớng dẫn đón đoàn chúng tôi tại sân bay Shanghai, một nguời đàn ông 51 t, nói tiếng Pháp còn giỏi và lưu loát hơn rất nhiều nguời ngoại quốc sống lâu năm trên đất Pháp, trên xe bus, anh ta đã căn dặn chúng tôi những điều sau đây:

- Luôn luôn phải đề phòng bọn móc túi, móc bóp, phải cản thận nhất là passport. Túi đeo lưng phải đeo truớc ngực.

- Khi đuợc mời mọc mua bất cứ thứ gì, cố gắng đừng trả lời vì một khi đa~ lỡ hỏi “How much?” là chắc chắn sẽ bị đeo đuổi và bị phải mua cho bằng đuợc vì những nguời buôn bán có thái độ rất hung hãn, bám dai còn ho+n đỉa.

- Nếu muốn mua thì phải trả giá, mặc cả tối đa, vì tụi bán hàng sẽ nói giá trên trời (cụ thể : có một nguời trong đoàn muốn mua chiếc áo đầm xẩm, bảng giá ghi rõ ràng 1250 yuan, tuong đuong 140 euros. Rốt cuộc chiếc áo đuợc bán với giá 150 yuan tức 18 euros!). Đó vẫn còn là bị mua hớ rồi đó.

- Khi qua đuờng phải hết sức cẩn thận, ngó phải ngó trái cho thật chắc chắn dù mình băng qua đuờng trên đuờng dành cho nguời đi bộ và đèn thì xanh, vì bên này xe hơi không có ưu tiên cho nguời đi bộ đâu. (Truớc khi đi Tàu, tôi có xem đuợc một video về cảnh nguời đi bộ bên Tàu bị xe cán chết như rươi khi băng qua đuờng hoặc đứng chờ đèn xanh để băng qua, thấy "hãi" quá nên mỗi khi qua đuờng hồi hộp vô cùng. Quả thật, xe hơi cũng như xé gắn máy, không xe nào chịu ngừng lại cho mình qua cả, phải liều mạng thôi!).

- Khi xử dụng nhà vệ sinh công cộng phải nhớ mang theo giấy chùi …. Điều này, hãng du lịch ở Paris cũng đã luu ý trên giấy trắng mực đen rồi. Quả thật, 90% nhà cầu bên Tàu đều không có giấy, chưa kể tới tình trạng vệ sinh nhiều nơi buớc vô là dội ra liền, hết muốn tè hay ị luôn! Tệ nhất là ngay cả những phòng vệ sinh ở các nơi quan trọng, thu hút rất đông du khách như các viện bảo tàng quốc gia, Quảng truờng Thiên An Môn, Cấm Thành, Vạn Lý Truờng Thành... và cả những nhà hàng sang trọng hạng 4 sao. Thậm chí tại một nhà hàng, có một nhân viên đứng cạnh nhà cầu với một cuộn giấy vệ sinh và phát cho mỗi nguời một đoạn giấy, vừa để chùi!!!!! Hết ý luôn. Đuợc hỏi tại sao đất nuớc anh hãnh diện là có nền kinh tế hàng đầu thế giới, qua mặt cả Mỹ và Nhật, vậy mà cũng không có đủ giấy vệ sinh cho nguời xử dụng? Nguời huớng dẫn nguợng ngùng giải thích là dân trí đa số nguời Tàu còn thấp, ích kỷ, không biết nghĩ tới nguời khác nên cứ để cuộn giấy nào là mất ngay.

· Nói về dân trí tụi Tàu thì qua đó mới thấy rõ đuợc quả thật, họ còn quá lạc hậu. Vẫn còn vấn đề khạc nhổ ngoài đuờng và noi công cộng.

· Còn đi ngoài đuờng, nếu như ngay giữa thủ đô ánh sáng Paris, phải cẩn thận nếu không muốn đạp lên phân chó trên vỉa hè thì bên Tàu, phải thỉnh thoảng nhìn truớc mặt nếu không muốn đạp lên những cục đàm của tụi Tàu.

· Ngoài ra còn thêm một đặc điểm nữa của tụi Tàu là họ nói rất lớn, ở bất cứ nơi nào. Ngay cả trong khi đang coi show, cell phone reo, một thằng Tàu lên tiếng Allo và cứ thế nói oang oang như thể trong rạp chỉ có một mình hắn. Bao nhiêu khách ngoại quốc lên tiếng sụyt sụyt, hắn cứ tỉnh bơ tiếp tục thao thao bất tuyệt gần cả phút truớc khi có bảo vệ vô yêu cầu hắn ra khỏi rạp để nói chuyện điện thoại.

· Huớng dẫn viên còn lưu ý đoàn chúng tôi một điểm nữa là đừng ngạc nghiên nếu như mình chào nguời Hoa mà không đuợc nguời ta đáp lại vì nguời Tàu không có thói quen chào hỏi những nguời lạ.

Trong thang máy, nếu mình nhìn lên trần, họ sẽ nhìn xuống duới đất và nguợc lại. Nhìn vào mắt nguời không quen biết là bất lịch sự!

· Tại bàn ăn, nhân viên phục vụ luôn luôn rót ruợu bia hay nuớc uống cho đàn ông truớc, sau đó mới tới phụ nữ, vì vậy xin các madames đừng ngạc nghiên hoặc bất bình, và cũng xin các bà đừng bị tự ái khi nguời ta hỏi tuổi các bà, bên Tàu đó là chuyện thuờng.

· Trong suốt hai tuần lễ bên Tàu, điều gây khó khăn trở ngại nhất cho đoàn chúng tôi là hàng rào ngôn ngữ: mặc dù huớng dẫn viên khoe khoang tuyên truyền là bên Tàu, các học sinh đuợc học ngoại ngữ ngay từ bậc Tiểu học, nhưng rất hiếm khi chúng tôi gặp đuợc một nguời nói đuợc chút tiếng Anh, ngay cả các nhân viên làm ở quầy tiếp tân là những nguời lẽ ra phải biết chút căn bản tiếng Anh truớc khi đuợc thâu nhận vào làm.

Không có nguời huớng dẫn bên cạnh là chúng tôi chới với. Trong nhà hàng, phòng ăn, muốn hỏi xin thêm đuờng hay sữa, hay muối tiêu là cả một vấn đề, mỏi tay vô cùng. Một bà đầm trong đoàn muốn hỏi sữa để uống café phải bắt chước con bò "meuh meuh" và tự bóp vú mình như thể vắt sữa bò làm cả bàn cuời bò ra...

Một nguời khác, ăn bữa ăn xong, muốn uống trà, thấy bình trà đã nguội tanh, ngoắc cô hầu bàn lại, chỉ vào bình trà và nói "Too cold". Kết quả cô hầu bàn mang ra cho 2 lon coca vì tuởng là "two colas"!!! (vì tụi Tàu gọi Coca Cola là "Cola " .

· Một điều không tuởng khác nữa là một vài hotels bên Tàu đều khoá cái tủ lạnh mini bar trong phòng ngủ của khách. Muốn dùng gì, phải kêu reception cho nguời lên mở khoá! Tụi này thắc mắc thì hotel cho hay là khách dùng rồi bỏ đi mà không thanh toán tiền nuớc uống. Có hotel buộc khách phải đặt tiền thế chân 200 yuan (24 euros) nếu muốn xử dụng mini bar trong phòng.

· Các huớng dẫn viên còn lưu ý đoàn là phải cẩn thận khi thanh toán món hàng bằng một tờ giấy bạc lớn như 100 yuan vì có những con buôn lưu manh sẽ thối tiền giả hoặc tiền các nuớc khác không có giá trị, như tiền Liên Xô...

· Các bữa ăn phục vụ cho đoàn chúng tôi mặc dù rất phong phú, tối thiểu 10 món, nhưng món nào cũng quá nhiều dầu mỡ, hai ba ngày đầu thì còn thấy lạ và ngon miệng nhưng về sau, cả đoàn đều ớn tới mang tai. Trong đoàn có 10 nguời thì hết 6 nguời, trong đó có tôi, bị tiêu chảy. May là ai cũng chuẩn bị, mang theo thuốc men đầy đủ.

· Và sau cùng, điều thú vị tôi ghi nhận đuợc qua chuyến đi này là do nguời huớng dẫn sau cùng mang lại. Ông này 64t, phụ trách đi với chúng tôi 4 ngày sau cùng ở Bắc Kinh, nói tiếng Pháp cũng khá lưu loát. Ba ngày đầu thì tỏ vẻ nghiêm nghị, cũng tuôn ra những lời tuyên truyền như bất cứ guide CS nào, nhưng qua ngày cuối thì mới thổ lộ ông ta là cựu đại tá Công An đã về hưu đuợc 2 năm sau 32 năm phục vụ, nhưng vẫn đuợc phép đi làm kiếm thêm chút tiền.

Ông ta tâm sự là vô đảng để đuợc huởng nhiều quyền lợi, nay thì không còn tin tuởng vào Đảng nữa vì tất cả các quan chức cao cấp đều quá tham nhũng, giàu có hàng tỷ yuan.

Con gái Hồ Diệu Bang cũng như các cậu ấm, cô chiêu, con cái các đảng viên cao cấp, lợi dụng quyền uy của cha mẹ để kinh doanh, muợn vốn ngân hàng nhà nuớc rồi xù luôn, không ai dám làm gì cả.

Tôi nói, nếu đúng như vậy thì tình trạng này giống y hệt bên VN hiện nay. Ông ta nói “Bên Tàu còn tệ hơn bên VN của Ông”!

Con gái ông ta đuợc qua Bỉ du học và lấy một anh chồng Bỉ và ở lại luôn.

Tôi hỏi nếu đúng vậy, tại sao nguời dân không có phản ứng gì cả thì ông ta nói ngày nào quân đội còn nằm trong tay của Đảng CS thì không ai dám làm gì cả. Các tuớng lãnh đều đuợc trả luơng rất cao và đuợc huởng rất nhiều quyền lợi. Quân đội Tàu mạnh hơn bên Công An và cả 2 quyền lực chủ chốt này đều nói "Còn Đảng thì còn ta " tức phải tuyệt đối trung thành với Đảng. (Đúng là cha nào, con nấy. Thày nào, trò nấy).

Khi tôi hỏi: liệu ngày nào đó nuớc của Anh có sẽ có đuợc Dân chủ không? thì ông ta trả lời: chắc chắn sẽ có nhưng cũng phải khoảng 20 năm nữa, trừ khi truớc đó có một cuộc cách mạng đẫm máu.

Thôi, tôi xin tạm ngưng bản báo cáo của tôi vì quá buồn ngủ. Tôi bắt đầu ngồi gõ từ lúc 3 giờ sáng, giờ Paris (9AM bên Tàu). Vì cách biệt giờ giấc, có thể chưa trở lại bình thuờng nên đầu óc kém minh mẫn, viết lung tung, mong các bạn thông cảm.

Thân,
BT

Một Góc Nhìn "Rất Tôn Tử" Về Cuộc Xâm Lăng Của Nga Vào Ukraine* (Do people in Russia know that Putin is fighting the wrong enemy?)

John Andressen (Ukraine của bạn? - Không! Ukraine là của tôi) Người dân Nga có biết Putin đã nhận lầm kẻ thù để đánh không? Giống như Sa hoà...