29 December 2011

Vấn đề quốc trái ở Mỹ

 TTR nhận được bài viết của tác giả Lê Văn Bỉnh, ĐS 10, đã lâu nhưng anh muốn bài nghiên cứu này chỉ xuất hiện trước khi phân phối tập san Hành Chánh Miền Đông vài ngày thôi, vì tập san này cũng có đăng bải viết và lại là tập san mà anh thuộc nhóm chủ trương và đứng mũi chịu sào. Đó là lý do tại sao hôm nay bài viết mới xuất hiện trên Diễn Đàn này.

Bài viết là một công trình nghiên cứu nên đọc sớm muộn một vài ngày không hề ảnh hưởng đến thời gian tính. Nợ nần vẫn còn đó. Sự lo âu vẫn còn đó
Dân Mỹ hoặc những người đang có những liên hệ kinh tế tài chánh với Hoa Kỳ tỏ ra lo lắng khi thấy nền kinh tế đứng đầu thế giới đang lâm vào cảnh nợ nần nặng nề và triền miên hôm nay. Nền tài chánh Hoa Kỳ có nguy cơ sụp đổ chăng? Hay ít tệ hại hơn: Trong khi chính phủ Mỹ phải vay nợ mới có tiền trang trải, thì mãi lực dân nước này cũng đang co lại sẽ tạo ra khủng hoảng kinh tế thế giới như cuộc Đại Khủng Hoảng năm 1929-32 chăng?

Xin mời quý anh chị cùng tìm hiểu với tác giả để tìm ra câu trả lời. Dưới đây là bản sau cùng với những sửa chữa mới nhất của tác giả ... (TTR)
***
Trong một bức thư gửi cho một người bạn, vị Bộ Trưởng Ngân Khố đầu tiên của Hoa Kỳ Alexander Hamilton (hình trên tờ giấy bạc $10), đã viết:
Quốc trái, nếu không dư thừa, sẽ là quốc phúc đối với chúng ta. Nó sẽ là một chất xi măng có tác dụng mạnh mẽ gắn chặt Liên Hiệp của chúng ta lại. Nó còn đưa đến sự cần thiết duy trì thuế khóa tới mức độ nào đó, nếu không bị áp chế, sẽ là một kích thích cho nền kinh tế.
Hamilton đã viết những lời trần tình trên vào năm 1780, tức trên hai trăm ba mươi năm về trước, để giải thích vì sao quốc gia tân lập này cần huy động quốc trái để trả dứt nợ mà một số tiểu bang còn mắc trong cuộc chiến tranh giành độc lập từ nước Anh. Quan điểm của ông đã thắng thế thời bấy giờ. Và quốc trái Hoa Kỳ hình thành từ đấy.

Nhiều người khi biện minh cho việc chính phủ vay nợ, đã cố tình bỏ đi mấy chữ “if it is not excessive” trong câu “A national debt, if it is not excessive, will be to us a national blessing.”

Có lẽ chỉ vì Hamilton đã không cho biết đến mức độ nào thì nợ bị gọi là “dư thừa”, cho nên vấn đề quốc trái đã không ngừng được bàn cãi trong những thập niên vừa qua khi mức nợ cứ lần lần lên cao, và “nổ tung” ra từ giữa năm 2011 khi cần phải quyết định xem đến đâu thì được xem là mức nợ không được phép vượt qua (debt ceiling). Báo chí của cộng đồng người Việt hải ngoại bỗng dưng cũng bị hai “chữ lạ” xâm nhập. Đó là “Nợ trần”! Nếu tiếng Anh mà dịch ra dễ dàng như thế này, thì thiên hạ chỉ cần lật từ điển ra là xong, chứ cần chi phải mất thì giờ học ngữ pháp!

Chữ quốc trái trong bài này dùng để dịch chữ national debt. Nếu đề cập đến Hoa Kỳ mà thôi, nó cũng dùng để chỉ nợ liên bang (federal debt) mà chính phủ liên bang Hoa Kỳ vay mượn từ các nguồn trong và ngoài nước.

Thật ra đã từ lâu các nhà lãnh đạo trên thế giới đã sử dụng quốc trái để tài trợ những chi phí cần thiết. Đế quốc La Mã, đế quốc Anh v.v. không những chỉ được xây dựng trên xương máu của binh sĩ, mà còn trên nợ nần để mua sắm vũ khí, tàu bè, quân trang, quân dụng. Và từ năm 1936, khi học thuyết của kinh tế gia John Meynard Keynes ra đời thống ngự chính sách kinh tế của hầu hết các nước Tây phương nhiều thập niên sau đó, thì vay mượn trở thành “chuyện thường ngày”. Không phải chỉ khi có chiến tranh lớn, chính quyền mới vay mượn nợ; mà trong thời bình, mỗi khi thấy cần thiết, chính quyền cũng vay mượn nợ như một công cụ cho chính sách kinh tế tài chánh. Thậm chí nhiều chính quyền còn vay mượn nợ để tài trợ cho những chương trình được xem là dân sinh để nhằm duy trì hay củng cố quyền lợi của cá nhân hay đảng phái của mình.

Song song với cuộc khủng hoảng nợ nần của chính phủ liên bang Hoa Kỳ, người ta cũng đang chứng kiến cảnh bên kia bờ Đại Tây Dương, nhiều nước châu Âu trong Châu Âu Thống Nhất lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Bắt đầu từ Hy Lạp, rồi đến Ý, đến Tây Ban Nha v.v., vấn đề quốc trái đang đe dọa nền tiền tệ của khu vực sử dụng đồng euro. Ban đầu nhiều người nghĩ nếu không có sự ra tay của “hiệp sĩ” Đức dưới một hình thức nào đó, thậm chí của “hảo hớn” Bắc Kinh mà ngũ tạng kinh tế cũng đang có vấn đề, thì tổ chức bên kia bờ Đại Tây Dương này, vốn đã được dày công thành lập với tham

vọng đối kháng với sức mạnh kinh tế Hoa Kỳ, sẽ trở về giấc mơ nguyên thủy. Nhưng sau hội nghị thượng đỉnh European Leaders ngày 26/10/11 vừa qua, thì tình hình tài chánh của châu Âu đã bớt khẩn trương và các vấn đề sẽ được giải quyết theo hướng mà hội nghị đã vạch ra, tuy chi tiết thi hành cũng sẽ gây xích mích ít nhiều giữa các nước trong tổ chức, nhất là giữa Pháp và Đức.

MỘT CHÚT LÝ THUYẾT

Để tài trợ công chi, chính phủ thường sử dụng 2 biện pháp chính: thuế và vay mượn. Tại Hoa Kỳ, cả hai đều phải có sự chấp thuận của Quốc Hội: thuế thường được biểu quyết riêng biệt và vay mượn thường được thông qua khi biểu quyết ngân sách. Lệ phí cũng giúp khá nhiều cho số thu(1), do các cơ quan hành chánh quyết định. Ngân sách hằng năm của liên bang mang tên niên lịch năm sắp tới, bắt đầu vào ngày 1 tháng 10 của niên lịch năm nay và chấm dứt vào ngày 30/9 niên lịch sau. Thí dụ Ngân Sách 2012 bắt đầu ngày 1/10/2011 (đã được soạn thảo xong và chuyển sang quốc hội vào tháng Hai năm 2011 để Quốc Hội thảo luận và biểu quyết) và sẽ chấm dứt ngày 30/09/12.

Lý tưởng là số dự thu bằng số dự chi. Đôi khi nền kinh tế bỗng nhiên phồn thịnh hơn dự tính, thì số thực thu có thể vượt quá số dự thu, nhờ căn bản thuế tăng lên, trong khi thuế suất vẫn không thay đổi. Khi số thực thu nhỏ hơn số thực chi thì xảy ra khiếm hụt ngân sách (budget deficit). Và khi số thực thu lớn hơn số thực chi thì là thặng dư ngân sách (budget surplus).

Khi số thu (revenues) nhỏ hơn số chi (outlays), thì ý nghĩ đầu tiên là phải tìm cách nâng số thu lên, bằng cách tăng thuế suất các loại thuế hiện hành hoặc đặt ra các loại thuế mới. Giải pháp tăng thuế suất có thể đưa đến việc trốn thuế (tax evasion), tức người bị đánh thuế sẽ không khai thuế, hoặc khai gian, mặc dầu biết đó là phạm pháp; hoặc họ tìm mọi cách để tránh thuế (tax avoidance) nếu có thể được, chẳng hạn không đi làm thêm nếu là cá nhân, hay tân tạo, sửa chửa máy móc dụng cụ theo luật định, mặc dầu không cần thiết, nếu là cơ sở thương mại. Cả hai hành vi trốn thuế và tránh thuế, nếu ở mức độ cao sẽ đưa đến thất thu cho ngân sách. Ngoài ra, cả hai giải pháp tăng thuế hay ra thuế mới không phải dễ thực hiện, vì dễ đưa đến hậu quả chính trị không hay cho những nhân vật đề nghị, hay bỏ phiếu.

Một câu hỏi tự nhiên khác cũng được đặt ra: Tại sao khi dự trù ngân sách lại không bớt số dự chi để cho nó cân bằng với số dự thu? Thông thường vị Tổng Thống đương nhiệm, muốn chứng tỏ mình làm được việc, thường có khuynh hướng thêm chương trình này, dự án nọ v.v. dĩ nhiên đưa đến tốn kém hơn dưới thời người tiền nhiệm, hay ngay cả dưới tài khóa trước; hoặc để cứu nguy cho tình thế kinh tế suy thoái, thì lại tốn kém nhiều hơn. Dự trù chi thêm, nhưng lại không dám dự trù tăng thuế, nhất là phải tăng nhiều cho cân bằng. Khi thảo luận, các vị dân cử --nhất là các vị thuộc đảng đối lập -- có thể đề nghị cắt bớt các khoản chi; nhưng thường thì chẳng mấy ai dám đề nghị tăng thuế, nhất là tăng thuế đụng chạm đến quyền lợi của cử tri, đặc biệt cử tri đã từng ủng hộ, hay có thể sẽ còn ủng hộ mình. Vai trò của các tay vận động hành lang (lobbyists) sẽ trở nên rất lợi hại đối với các công ty, các ngành nghề lớn (xe hơi, xăng dầu, nông nghiệp vv.)

Khi Quốc Hội thảo luận cắt bỏ một số loại thuế, nhất là khi giảm thuế suất cho các loại thuế hiện hành --đặc biệt thuế lương bỗng (payroll tax) và thuế lợi tức (income tax), dư luận thường lên án là cắt giảm thuế chỉ “giúp cho người giàu trở thành giàu thêm”. Câu chuyện này đã xảy ra từ thời Tổng Thống Reagan. Tái diễn ra dưới thời Tổng Thống G.W.Bush, lúc nền kinh tế Hoa Kỳ đã dấu hiệu suy thoái trước khi ông bước vào Tòa Bạch Ốc, chứ không cần phải đợi đến biến cố lịch sử 9-11-2001. Có phải thực sự Đảng Cộng Hòa đã hai lần hành động vô lý và “điên rồ” hay không?

Vì chủ trương giảm thuế suất để tăng thu cho ngân sách là một chủ trương tương đối mới, chỉ phổ biến từ đầu thập niên 1970, cho nên xin bàn thêm một chút. Thật vậy, từ khi phương pháp sản xuất hằng loạt (mass production) được áp dụng rộng rãi ở Hoa Kỳ và nhiều nước khác trên thế giới, lý thuyết kinh tế dựa chủ yếu trên số cầu tổng gộp (aggregate demand): muốn kinh tế tăng trưởng cần phải nâng cao số cầu tổng gộp, tức cầu của những người tiêu thụ (consumption), cộng với cầu của những nhà đầu tư (investment) và cầu của chính phủ (government), tức (C + I + G) như thường viết vắn tắt. Theo Keynes, cung cầu không thể tự điều chỉnh; do đó muốn giảm bớt tỷ lệ thất nghiệp, thì chính quyền cần ảnh hưởng đến cầu tổng gộp qua chính sách tài chính, tức tăng công chi. Theo lý luận này, thì một đô la chính phủ chi ra sẽ làm cho tổng sản lượng quốc gia tăng thêm nhiều hơn một đô la theo tác dụng số nhân (multiplier effect), và càng lớn hơn khi càng qua tay nhiều người hơn. Nói chung, cầu tổng gộp tăng kéo cung tổng gộp (hàng hóa và dịch vụ) tăng theo, làm cho kinh tế lớn mạnh thêm, và chính quyền sẽ thu nhiều được thuế hơn. Năm 1971, sau khi quyết định tách đồng đô la ra khỏi kim bản vị (tức không thể đổi đồng đô la để lấy vàng như trước đó), Tổng Thống Nixon tuyên bố: “Giờ đây tôi cũng là một người theo chủ nghĩa Keynes trong kinh tế học” (I am now a Keysian in economics).

Sang đầu thập niên 1970, một số kinh tế gia thuộc trường phái “kinh tế dựa trên phía cung” (supply side economics, trong đó có Arthur B. Laffer(2), sau trở nên một thành viên của Economic Policy Advisory Board của Tổng Thống Reagan 1981-89), lý luận rằng việc giảm thuế suất không những không bớt mà còn tăng tổng số thu cho ngân sách nữa. Nếu tổng số thuế thu là tích số của thuế suất và căn bản thuế (tax base), như công thức dưới đây:
Tổng số thuế thu = (thuế suất) X (căn bản thuế),
thì khi giảm thuế suất đến một mức nào đó, căn bản thuế sẽ mở rộng ra, và chính phủ sẽ thu thuế vào nhiều hơn. Theo một nghiên cứu, khi thuế suất lên cao đến 70%, như trường hợp Thụy Điển năm 1969, chính quyền giảm thuế suất, thì tổng số thu đã tăng lên. Cơ sở cho lý luận của lý thuyết “kinh tế dựa trên phía cung” là: Giảm thuế suất sẽ khuyến khích và thúc đẩy người ta hăng hái làm việc hơn: người lao động cung cấp thêm sức lao động để làm thêm giờ, thêm jobs; các nhà sản xuất cung cấp thêm hàng hóa dịch vụ, các nhà tư bản cung cấp thêm vốn để đầu tư vv. Và Chú Sam sẽ có thêm tiền thuế bỏ vào túi, nhiều hơn khi không giảm thuế suất.

Thơ Á Nghi

28 December 2011

Dường như chính khách Mỹ ít nhiều có cái "din" kiêu ngạo?

Căng Thẳng Ngoại Giao Nga-Mỹ

Hôm nay, 28/12/2011 các hãng thông tấn lớn của Hoa Kỳ đều đưa tin Bộ Trưởng Ngoại Giao Nga, lần đầu tiên đã công kích thành tích nhân quyền của Mỹ và mô tả Mỹ đạo đức giả chuyên dạy dỗ các nước khác về nhân quyền trong khi ”Thực trạng tại Hoa Kỳ khác xa những lý tưởng mà Hoa Kỳ thường tuyên bố”, và đưa ra những bằng chứng như sau:

- Tại Guantanamo Bay nơi mà các nghi can khủng bố đã bị tra tấn và giam giữ tại đây từ ngày 11/9/2001 và “TT.Obama đã cho phép giam giữ vĩnh viễn và trái phép các nghi can và cho tái lập tòa án binh”.

- Lấy cớ chống khủng bố, xâm phạm đời tư của công dân (theo dõi và nghe lén điện thoại qua Luật Yêu Nước) và vi phạm nhân quyền đối với công dân Hoa Kỳ theo Hồi Giáo.

-Trong vòng 30 năm qua đã kết án tử hình và hành quyết oan uổng khoảng 130 người mà một số sau này mới khám phá ra vô tội và được tha.

-Ngăn chặn các ứng cử viên độc lập ra tranh cử và chỉ trích luật lệ cho phép thống đốc tiểu bang bổ nhiệm người điền khuyết ghế thượng nghị sĩ - chẳng hạn như Thống Đốc Rod Blagojevich đã gạ bán chức vụ này khi Ô. Obama đắc cử tổng thống khiến ghế thượng nghĩ sĩ bỏ trống.

Trong bản báo cáo dài 90 trang, Nga còn công kích luôn cả Liên Hiệp Quốc, Canada và Georgia.

Thực ra sự căng thẳng ngoại giao giữa Nga và Mỹ đã âm ỉ từ lâu. Vào ngày 22/10/2011, Nga đã ban hành quyết định cấm một số giới chức Hoa Kỳ (mà không nêu rõ tên) không được tới nước Nga với lý do “Hoa Kỳ bắt cóc, giết hại thường dân ở Afghanistan cũng như Iraq và xâm phạm hoặc bắt cóc kiều dân Nga ở Mỹ.” Hành động này nhằm trả đũa quyết định của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ trước đó đã cấm 60 giới chức (mà không nêu rõ tên) thuộc Bộ Nội Vụ Nga không được vào Mỹ nhân cái chết của Luật Sư Sergi Magnitsky trong tù năm 2009.

Và có lẽ phản ứng mạnh mẽ của Nga ngày hôm nay 28/12/2011 chính là giọt nước cuối cùng làm tràn ly nước khi vào đầu tháng 12/2011 Bà Hillary Clinton cũng như Ô. Obama đã “mau miệng” tuyên bố cuộc bầu cử ở Nga mà đảng của Ô. Putin thắng cử- là gian lận, làm tức giận Ô. Putin.

Nhận định:

-Trong tình hình rối beng của thế giới ngày hôm nay, trước sự trỗi dậy của Hoa Lục ở Á Châu mà Hoa Kỳ đang vẫn còn sa lầy ở Afghainistan và Iraq (dù đã rút quân nhưng trách nhiệm vẫn còn nặng nề), bất cứ sự căng thẳng nào với Nga, đều vô cùng bất lợi cho Hoa Kỳ. Ấy là chưa kể Hoa Kỳ đang cần sự hợp tác của Nga để tìm kiếm một giải pháp hợp lý cho vấn đề Palestines-DoThái và kiềm chế Bắc Hàn tại Á Châu. Xin nhớ cho Nato và Hoa Kỳ và kể cả Liên Hiệp Quốc không dám có phản ứng mạnh hoặc tìm kiếm một giải pháp quân sự đối với Syira như kiểu “No fly zone” ở Libya vì sự chống đối của Nga - mặc dù số người bị sát hại ở Syria cao hơn ở Libya. Cuối cùng, vì sự chống đối của Hoa Lục và Nga, Liên Hiệp Quốc, Nato và Hoa Kỳ đành buông xuôi bằng cách để cho Liên Đoàn Ả Rập giải quyết vấn đề Syria.

-Mới đây nhất Iran đã tập trận quy mô để chuẩn bị cho cuộc phong tỏa Eo Biển Hormuz - con đường huyết mạch để chuyển vận dầu lửa từ Hồng Hải (Red Sea) qua Ấn Độ Dương nếu Iran bị Hoa Kỳ hoặc Do Thái tấn công. Trong bầu không khí sục sôi như thế này, lợi dụng mối bất hòa giữa Nga và Mỹ, Iran có thể tiếp cận với Nga. Nếu Nga công khai hoặc ngấm ngầm ủng hộ Iran thì Mỹ không dám động thủ và việc Iran thủ đắc vũ khí nguyên tử là chuyện dễ dàng như trở bàn tay, và Iran có thể trở nên một “Power” ở vùng này.

-Nam Mỹ ngày nay hoàn toàn độc lập và một số đang vươn lên. Về kinh tế Basil đã qua mặt cả Anh Quốc và một số nước cũng không có thiện cảm với Hoa Kỳ chẳng hạn như Venezuela. Tổng Thống Chavez của nước này chống Mỹ ra mặt. Vì Nga còn nể Mỹ cho nên chưa tìm cách “làm khó” Mỹ. Nếu tình hình căng thẳng cứ leo thang, khi đó Nga sẽ chơi “lá bài Cuba” như thời “Chiến Tranh Lạnh” bằng cách bán hỏa tiễn cho Venezuela. Lúc đó Hoa Kỳ tính sao? Xin nhớ cho dù Liên Bang Sô-viết xụp đổ nhưng sức mạnh quân sự của Nga vẫn một chín một mười với Hoa Kỳ.

-Hoa Kỳ vừa rút quân khỏi Iraq và chuẩn bị rút quân khỏi Afghanistan. Để cuộc rút lui được êm thắm không chiến thắng vào năm 2014 - Hoa Kỳ với sự hợp tác của Đức - đang công khai họp với phái bộ liên lạc (Liaison) của Taliban tại Qatar để từ từ dồn hết sức mạnh của mình về Á Châu mà Đông Nam Á đang là trung tâm điểm. Trong bối cảnh đó, các nhà chiến lược Hoa Kỳ có tính tới “yếu tố Nga” trong cuộc đối đầu lâu dài với Hoa Lục ở Biển Đông không? Phớt lờ hay cần sự hợp tác của Nga? Phớt lờ? Tôi nghĩ khó quá. Còn nếu cần sự hợp tác hoặc muốn Nga đứng trung lập trong trận chiến này - thì gây căng thẳng với Nga ngay từ lúc này là “wrong policy”.

-Trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh bất cứ quốc gia nào “chơi” với Nga hoặc mua vũ khí của Nga đều bị Mỹ “ghim” và coi như thù nghịch với Mỹ. Khi Chiến Tranh Lạnh chấm dứt, mọi quốc gia đều tự chủ và nhất là xu thế Toàn Cầu Hóa đã khiến các đại công ty của Hoa Kỳ xé “lằn ranh tự do và cộng sản” để nhảy vào đầu tư, làm ăn buôn bán với Hoa Lục là quốc gia mà trước năm 1973 - tức trước Minh Ước Thượng Hải - Mỹ đã nhiều lần tính dội bom nguyên tử lên đầu họ. Ngày nay, rất nhiều quốc gia vừa làm bạn với Hoa Kỳ nhưng cùng lúc lại làm bạn và mua vũ khí của Nga như Nam Dương, Mã Lai, Ấn Độ v.v..Sự căng thẳng giữa Nga và Mỹ sẽ gây khó xử cho các quốc gia này và nếu không khéo sẽ đưa tới sự phân cực Nga- Mỹ, xáo trộn thế giới như thời Chiến Tranh Lạnh.

Bà Hillary Clinton điều khiển chính sách ngoại giao của Mỹ hơn 3 năm qua. Do uy thế quá lớn của bà, nào là cựu đệ nhất phu nhân và chồng là xếp lớn, là người đỡ đầu cho Ô. Obama trong nhiều vấn đề quan trọng của đất nước - cho nên Ô. Obama phải chiều hoặc không dám phản đối các chính sách do bà đưa ra. Việc bà phê phán cuộc bầu cử tại Nga mới đây là gian lận – khách quan mà nói - đã xía vào chuyện của người ta và coi thường vị thế của Ô. Putin tức của Nga trên chính trường quốc tế mà Hoa Kỳ đang cần tranh thủ. Phản ứng mạnh mẽ của Nga qua bản báo cáo nhân quyền nói ở trên biểu lộ sự tức giận của Ô. Putin. Ô. Putin có thể lướt qua giai đoạn khó khăn này nếu ông thành công trong việc dùng lá bài “tự ái dân tộc” để lái dư luận Nga vào cuộc đối đầu với Mỹ. Đó là điều không may cho thế giới và cho cả nước Mỹ. Xin nhớ cho, Ô. Bush dù hiếu chiến và kiêu ngạo nhưng cũng đã biết mời mời Ô. Putin tới trang trại để ân cần tiếp đón..trong khi Bà Hillary Clinton và Ô. Obama lại “phang” Ô. Putin. Không biết phản ứng của Hoa Kỳ trong những ngày tới như thế nào? Chờ xem. Khi Ô. Obama mới vừa đắc cử tổng thống ông đã đi khắp nơi và nhiều lần xin lỗi thế giới về tính kiêu căng của Hoa Kỳ. Điều này lộ rõ trong bài diễn văn nhậm chức rất khiêm tốn của ông. Lúc đó ông đã được thế giới ái mộ và tặng ông giải Nobel Hòa Bình. Nay có thể ông đã quên ”cái thuở ban đầu dễ thương”đó chăng? Xin nhớ cho muốn lãnh đạo thế giới – dù mạnh - cũng cần phải có đức tính khiêm tốn nữa. Và là bộ trưởng ngoại giao, nhất là ngoại giao Hoa Kỳ, khi nói gì “phải uốn lưỡi bảy lần.”

Đào Văn Bình

Tin ngắn đáng chú y

Iran dọa khóa Eo biển Hormuz

Các nước phương tây mới đây đã áp đặt những biện pháp chế tài mới đối với Iran tiếp theo một bản phúc trình của Liên Hiệp Quốc nói rằng Iran đã có những cuộc thí nghiệm liên hệ vũ khí hạt nhân. 

Tây phương còn nghĩ đến những biện pháp nhắm vào dầu lửa và khu vực tài chánh khiến cho Iran phản ứng dữ dội. Dầu lửa hiện đem đến cho Iran 80% thu nhập. Việc phương tây giảm nhập dầu lửa của Iran có thể khiến nước này sẽ bị nguy khốn.

Phó tổng thống Iran Mohammad Reza Rahimi cảnh cáo rằng "không một giọt dầu nào có thể đi qua Eo biển Hormuz" nếu những biện pháp chống Iran mở rộng thêm nữa. Tư lệnh hải quân Iran, thống chế Habibollah Sayari, nói rằng việc khóa eo biển này dễ dàng đối với hải quân Iran.

Eo biển Hormuz chỉ rộng 34km (21miles) ở chỗ hẹp nhất hàng ngày có khoảng 15 triệu thùng dầu và 2 triệu thùng sản phẩm dầu đi qua. Đa số dầu qua đây đi tới Á châu, Mỹ và Tây Âu. 50% dầu cung cấp cho Hoa Lục cũng qua ngã này. Tổng cộng có tới tới 40% lượng dầu của thề giới vận chuyển qua Eo Hormuz.

Bộ ngoại giao Mỹ nói rằng đây lại là những cố gắng của Iran nhằm đánh lạc hướng sự chú ý vào vấn đề thực chất, đó là việc chính phủ nước này phát triển vũ khí nguyên tử. Tử lệnh hạm đội 5 của Mỹ nói hải quân Hoa Kỳ sẽ không làm ngơ việc cắt đứt hải lộ thiết yếu này.

Hiện Iran đang tiến hành cuộc tập trận kéo dài 10 ngày tại vùng Eo Hormuz. (TTR tổng hợp)

Paris có gì lạ không ai.....

Cách nay ít lâu, có lẽ thấy tôi «lặn» hơi kỹ, ông bạn hoạ sĩ bèn khều tôi một phát trên TTR bằng cách gởi tặng bài hát « Paris Có Gì Lạ Không Em » của Ngô Thuỵ Miên do Ngọc Hạ trình bày. Xin cám ơn muộn hoạ sĩ. Xin nói qua về cô ca sĩ với bản nhạc nầy.

Cách nay khoảng 7, 8 năm, khi cô ca sĩ nầy mới được trình làng trên sân khấu Thuý Nga Paris By Night, tôi thích giọng hát của cô qua bản « Mái Đình Làng Biển ». Lúc đó cô có một giọng kim khá lạ và tự nhiên, đặc biệt là lúc lên cao cô giữ được hơi, không bị bễ như một vài ca sĩ khác. Đến nay cô đã khá thành danh. Trong khi trình bày bản «Paris CGLKE» nầy, cô làm dáng và làm điệu hơi quá, thiếu tự nhiên. Tôi vốn không thích những ca sĩ cả nam lẫn nữ, lúc hát có dáng dấp và lối diễn tả kiểu cách . Thêm vào đó chiếc áo dài cô mặc cho bài hát nầy, thay vì diễn tả nét sang trọng của thời trang Paris như người tạo mẫu chiếc áo và cô ca sĩ muốn, tôi thấy nó hơi luộm thuộm và hơi «quê». Cảm giác khó chịu, vì phong cách diễn tả của ca sĩ cùng với chiếc áo dài không hợp, làm cho người nghe tiếc cho cái hồn của bản nhạc không đọng lại được trong lòng mình. Dù sao, tình của người tặng bản nhạc vẫn đẹp, nguyên vẹn.

Chuyện hội họa

Trước khi đưa bức tranh Yếm Thu lên TTR, hoạ sĩ có cho tôi xem chung với mấy vị trong «bang», với lời phụ đề: bức tranh bị sượng vì hoạ sĩ đang bị cơn đau răng hành hạ. Lúc đầu tôi đã có ý viết vài câu cảm tưởng, sau lại thôi. Tôi thích cách diễn tả mùa thu trong bức tranh của hoạ sĩ qua ba màu vàng cam, màu đỏ và màu tím. Nhứt là màu tím của chiếc yếm thiếu nữ mặc làm cho bức tranh sáng và rất nổi. Có điều tôi không hiểu, do tranh chụp lại và đưa qua internet nên bị biến đổi, hoặc do hoạ sĩ đã thực hiện như vậy, mà chân tóc ở trán của thiếu nữ hơi lạ, tôi muốn nói là nó có vẻ biến dạng, lệch và khô, khiến người xem nghĩ tới tóc của người bịnh lâu ngày mới khỏi. Theo cảm nghĩ của tôi, nếu nói bức tranh hơi sượng, có lẽ do ở chỗ nầy.

Sau khi đưa bức tranh Tuổi Ngọc lên TTR, hoạ sĩ có gởi riêng cho tôi với lời ghi chú «mình thương cô bé nầy ghê». Lại thêm một kỷ niệm ngày nào của hoạ sĩ ? Cái mới mẻ của bức tranh nầy dưới mắt tôi là, dù hoạ sĩ cho biết là vẽ bằng sơn dầu, thoạt nhìn tôi có cảm tưởng tranh được vẽ bằng phấn tiên (pastel), nhứt là chỗ cái phông gồm hai màu vàng cam lợt và màu xanh lục. Hai màu nầy hợp với màu trắng của chiếc băng vải giữ tóc, và chiếc áo bó vừa sát thân người mới bắt đầu căng tròn của em gái đang vào tuổi dậy thì, gây được cho người xem cảm giác đang nhìn một em gái ngây thơ, hồn nhiên. Người xem tranh Tuổi Ngọc thấy thích hơn nếu đôi mắt của em gái thay vì hạ xuống, hướng lên một chút với tia nhìn nhí nhảnh hay một chút nghịch ngợm, và đôi môi thay vì hơi se lại, thoáng mở trong niềm vui của tuổi trẻ. Nhưng phải theo cảm hứng và tâm tình của hoạ sĩ thôi.

Trong tháng 11 vừa qua tôi có đi thăm phòng triển lãm tranh ở Paris của hoạ sĩ người Na Uy, Edvard Munch ( 1863-1944 ) – tên của ông có lẽ viết theo tiếng Na Uy nên viết với chư cái V chứ không phải W—E.Munch được xem cùng với Vincent Van Gogh ( 1853-1890 ), người Hoà Lan là những hoạ sĩ mở đường cho phái Biểu Hiện (xin dùng để tạm dịch chữ Expressionnisme) sẽ ra đời và thịnh hành ở Đức gần ba thập niên đầu của thế kỷ 20. Ở Pháp, phái Fauvisme (tôi chưa tìm được chữ tiếng Việt để tạm dịch, gợi được ý nghĩa của phái nầy – tôi thấy có người dịch là phái Dã Thú, dịch như vậy là dịch theo từ ngữ, chứ không diễn tả được ý nghĩa về chủ trương của phái nầy) có gần như cùng chủ trương và phong cách diễn tả của phái Biểu Hiện. Chỗ nầy xin được múa rìu qua mắt ... hoạ sĩ một chút. Phái Ấn Tượng (Impressionnisme), thịnh hành trong hai thập niên chót của thế kỷ 19 ở Pháp, cảm nhận một cách tinh tế màu sắc biến chuyển theo ánh sáng, làm biến đổi cảnh vật, đồng thời diễn tả tình cảm của hoạ sĩ ; chẳng hạn Claude Monet vẽ 5,6 bức về nhà thờ Chánh Toà Rouen vào những lúc khác nhau. Phái Biểu Hiện không chú ý diễn tả trung thực đường nét và hình dáng của đối tượng, có khi còn làm biến dạng thành méo mó, mà chú trọng việc dùng màu sắc, phần nhiều là những màu không có thực để biểu hiện một tình cảm hay một xúc động có tính cách bùng vỡ, mạnh mẽ.

Xin trở lại với phòng triển lãm tranh của hoạ sĩ E.Munch. Ngoài hội hoạ, ông cũng sử dụng nghệ thuật nhiếp ảnh. Nhắc đến E.Munch, người ta thường nhắc tới bức tranh nổi tiếng Le Cri (Tiếng Thét) của ông, vẽ năm 1893, diễn tả một hình người đang đứng trên chiếc cầu cạnh bờ biển, hai tay ôm mặt ở hai bên thái dương, gương mặt méo mó, mắt trợn trừng, miệng mở to như đang thét lên, sợ hải, ở đầu kia của chiếc cầu, có hai người đang đi xa dần, bên cạnh chiếc cầu, sóng biển cuộn dâng lên, với một nền trời đỏ bầm. Nhưng trong số gần 100 bức tranh của ông được trưng bày ở phòng tranh Paris hôm đó, tiếc là không có bức tranh Tiếng Thét vừa kể, có lẽ vì không mượn được của Viện Bảo Tàng Munch ở Oslo. E.Munch có sang Pháp mấy lần, có tìm hiểu về phái Ấn Tượng. Trong phòng tranh, tôi thấy có một bức có nét hao hao giống tranh Ấn Tượng. Nhưng thực tình tôi không thấy thích phong cách tranh của Munch. Ông dùng nhiều màu tối, diễn tả nổi lo âu, kinh sợ, khắc khoải, tạo cho tranh của ông cái vẻ ray rứt, thê lương.

Nhắc đến chữ nghĩa, xin trở lại với hai chữ «phản hồi» mà Blog Trưởng có biện hộ cho cách dùng nó cách đây không lâu trên TTR. Theo tôi, chữ phản hồi vừa cầu kỳ vừa không rõ nghĩa. Nhớ trước kia trên DĐ/ĐS14 có lần tôi sửa lưng Hùng khi Hùng dùng hai chữ «thời điểm» để chỉ một quãng thời gian dài. Tôi đã phân tich: điểm, tiếng Hán Việt chỉ một dấu chấm. Vậy thời điểm phải dùng để chỉ một thời gian rất ngắn ngủi, một lúc chính xác nào đó. Trong ý nghĩ đó, để nói về một khoảng thời gian ngắn, chúng ta đã có cách nói: vào đúng lúc đó, chính lúc đó, còn để nhắc đến một quãng thời gian dài, có cách nó : trong khoảng thời gian đó, vào thời kỳ, vào giai đoạn đó , ý nghĩa về thời gian muốn diễn tả rất rõ ràng, chính xác. Còn chữ thời điểm, tuy có vẻ «kêu» cho những người sính dùng chữ Hán Việt, nhưng mơ hồ, không xác định được thời gian muốn diễn tả. Vì vậy tôi cho rằng nhiều người dùng chữ thời điểm như một thứ thời trang chữ nghĩa, cũng như những chữ: chất lượng, kịch bản, hoành tráng, bức xúc ... ráng đưa vào câu viết cho nó kêu, chứ thực ra không đúng, hoặc không hợp với văn mạch hoặc không rõ nghĩa.

Về hai chữ phản hồi, là hai chữ Hán Việt, phản có nghĩa là chống lại, ngược lại, trả lại, như trong nghĩa của những chữ: phản đối, phản bội, phản gián, phản pháo, phản nghịch, phản cung ... , hồi là trở về, trở lại. Chữ phản cũng có nghĩa là trở về, như trong Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh, hai chữ phản hồi có nghĩa là trở về. Chúng ta đã có cách nói rất gọn và rõ nghĩa: phần trả lời, góp ý, thảo luận. Tôi cho rằng dùng hai chữ phản hồi để nói cái ý đáp lại, trả lời, tuy mới, kêu, có tính cách thời thượng, nhưng không làm giàu gì cho tiếng Việt, trái lại còn làm cho tối nghĩa vì tạo và dùng chữ Hán Việt không đúng.

Paris có gì lạ không em? Thưa có, nhiều lắm. Nhưng chỉ xin kể một chuyện thành hai.

Câu chuyện yếu lòng

Báo chí và giới truyền thông Pháp từ lâu vẫn gọi Ông Dominique Strauss-Kaln tắt là DSK – cựu Tổng Giám Đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế FMI. Câu chuyện tuy xảy ra ở thành phố New York, Hoa Kỳ, nhưng có liên quan tới Paris, vì ông DSK là một người Pháp. DSK, 62 tuổi, là chính khách thuộc đảng Xã Hội Pháp, từng giữ chức Bộ Trưởng liên quan đến kinh tế, tài chánh vào những năm 1991-1993 và 1997-1999 và được chọn làm Tổng Giám Đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế từ tháng 11-2007. Ông là một người được dư luận Pháp coi là sáng giá, nếu ra tranh cử Tổng Thống Pháp vào tháng 5.2012, sẽ đánh bại được ông Sarkozy, Tổng Thống đương nhiệm. Nhiều người thân cận đều tin là DSK sẽ từ chức TGĐ/FMI trở về Pháp chuẩn bị ra tranh cử Tổng Thống với danh nghĩa đảng Xã Hội.

Nhiều người đang chuẩn bị và chờ ông thì đột nhiên một biến cố lớn xảy ra cho ông. Vào lúc 4:30 pm ngày 14.5.2011 tại phi trường J F Kennedy, New York, ngay trước lúc chiếc máy bay Air France cất cánh bay về Paris, DSK bị cảnh sát Hoa Kỳ lên máy bay bắt ông và đưa về cơ quan cảnh sát. Lý do là một phụ nữ da đen tên Nafissatou Diallo, 32 tuổi, người gốc xứ Guinée, Phi Châu, nhân viên dọn phòng ở khách sạn Sofitel, NY báo với cảnh sát là trưa hôm đó bà bị DSK cưỡng hiếp trong phòng của ông. Hai tờ báo lớn New York Times và New York Post đưa lên trang nhứt những tin tức có tính cách cáo buộc DSK. Ông biện lý Cyrus Vance Jr. Cũng có những lời lẽ nặng nề đối với DSK.

Ngày thứ hai 16.5, DSK bị giải ra trước tòa án quận hạt Manhattan NY. Mặc dù luật sư của ông DSK xin đóng tiền ký quỹ một triệu đô la, xin giao hộ chiếu, để xin cho ông được tại ngoại hầu tra, nhưng bà chánh án M.C. Jackson từ chối, cho biết DSK bị cáo buộc về 7 tội danh và cho lệnh tạm giam DSK ở nhà tù Rikers Island NY. Công luận Pháp xúc động trước cảnh ông DSK bị còng tay với bộ mặt phờ phạc, râu lởm chởm, trước công chúng và ống kính của các ký giả Mỹ, và cho rằng luật pháp Hoa Kỳ không tôn trọng quyền được coi là vô tội của một người mới chỉ bị nghi ngờ phạm tội, nhưng chưa có án xử.

Ngày 18.5, đại bồi thẩm đoàn gồm 23 người họp kín để nghe nguyên cáo N. Diallo kể lại nội vụ. Cũng hôm nay, ông DSK gởi thư xin từ chức TGĐ cơ quan FMI.

Ngày 19.5, DSK ra trước Toán Án Tối Cao của Liên Bang NYork, các luật sư lại xin cho ông được tại ngoại hầu tra. Ông chánh án M. Obus chấp thuận với điều kiện đương sự phải đóng số tiền thế chân một triệu đô la, cộng với số tiền ký quỹ bảo đảm 5 triệu đô la, bị chỉ định cư trú, phải mang vòng kiểm soát bằng điện tử, phải tự trả tiền thuê một nhân viên an ninh trông chừng thường trực có võ trang. DSK được đưa ra khỏi nhà tù Rikers Island ngày 20.5.

DSK trước sau đều không nhận tội cưỡng hiếp N. Diallo, chỉ nhận có sự giao hợp nhưng với sự thuận tình của nguyên cáo.

Văn phòng biện lý Cyrus Vance Jr vẫn tiếp tục cuộc điều tra. Mỗi lần DSK xuất hiện ngoài đường, những phụ nữ trong Hiệp Hội Bảo Vệ Phụ Nữ, những nữ nhân viên trong công đoàn về khách sạn dàn chào và đả đảo ông ta.

Sau khi thu thập những tin tức điểu tra, báo NYTimes bắt đầu dịu giọng với DSK và đưa ra những bằng chứng bất lợi cho bà N.Diallo.

Để phản ứng, bà N.Diallo mở cuộc họp báo, chắc hẳn là theo lời cố vấn của các luật sư của mình, diễn tả lại với cử chỉ lúc mà bà cho là bị ông DSK cưỡng hiếp trong phòng số 2806, khách sạn Sofitel. Nhưng người ta thấy sự xúc động của bà có nét giả tạo, cách diễn tả của bà như đóng kịch, nên không có hiệu quả thuyết phục.

Ngày 22.8, ông biện lý C.Vance Jr gọi bà N.Diallo tới văn phòng thông báo, theo kết quả điều tra, bà đã nói láo trong những lần cung khai bất nhứt về việc tố cáo ông DSK cưỡng hiếp bà, bà đã khai gian trong lý lịch để xin tỵ nạn ở Hoa Kỳ, bà có tới 6 đường dây điện thoại chứ không phải một như bà đã khai, có bằng chứng cho thấy bà là thành phần trong một đường dây buôn ma tuý. Do những lẽ đó, văn phòng biện lý của ông sẽ đề nghị toà án huỷ bỏ lệnh truy tố ông DSK.

Ngày 23.8, toà án New York triệu tập phiên họp, có mặt hai bên nguyên và bị cáo cùng luật sư của hai phía. Sau khi nghe phó biện lý trình bày kết quả điều tra, ông chánh án M.Obus đã tuyên bố chấp thuận lời yêu cầu của công tố viện, huỷ bỏ lệnh truy tố hình sự ông DSK về 7 tội danh đã báo cho ông trước đây và tha bổng ông.

Ngay sau đó luật sư của bà Diallo đưa đơn lên tòa Thượng Thẩm xin huỷ đề nghị tha DSK của biện lý, nhưng tòa Thượng Thẩm bác đơn.

Trước đó, qua những tin tức điều tra về nội vụ, luật sư của bà N.Diallo biết là vụ án về phần hình sự sẽ bị huỷ bỏ, ngày 4.8 đã đưa đơn kiện ông DSK về phần dân sự để đòi bồi thường thiệt hại. Theo luật pháp của Hoa Kỳ, một vụ án có thể đem kiện về hai phần hính sự và dân sự riêng biệt. Toà đã nhận đơn. Nhưng vụ kiện về dân sự thường kéo dài một hai năm.

Được trả tự do, ông DSK cùng bà vợ đã về Pháp ngày 4.9.

Nhưng cái nạn của ông DSK vẫn chưa dứt. Song song và cùng thời với vụ án Diallo ở Mỹ, bên Pháp cô Tristane Banon, một nữ ký giả và văn sĩ, đâm đơn kiện ông DSK ở Pháp đã toan cưỡng hiếp cô trong một buổi phỏng vấn DSK dành cho cô năm 2003. Thẩm phán đã đòi và nghe lời khai của cả hai bên và đã cho đối chất, sau đó đã tuyên bố không có bằng chứng rõ rệt về việc DSK toan cưỡng hiếp, nhưng xác nhận ông DSK có xâm phạm tình dục cô T.Banon; tuy nhiên theo luật của Pháp sự việc xảy ra đã 8 năm, tội danh nầy đã bị thời tiêu, và tuyên bố xếp hồ sơ.

Vẫn chưa hết. Theo tin tức gần đây, ông DSK bị nghi ngờ, trong thời gian một, hai năm gần đây, có dính líu vào một đường dây cung cấp gái mại dâm hạng sang ở một khách sạn ở Lille, một thành phố miền bắc nước Pháp, với tư cách của một người thụ hưởng. Nhiều người trong đó có một số giới chức công quyền đã bị bắt giữ để điều tra. Có lẽ ông DSK cũng sẽ được cảnh sát mời để lấy lời khai.

Sau vụ Diallo bên Mỹ, tuy DSK được tha bổng về phần hình sự, nhưng qua tin tức báo chi về đời sống tình dục của DSK (cũng nên biết bà vợ hiện tại của ông là người thứ ba, sau khi ông đã lần lượt ly dị với hai người vợ trước), uy tín chính trị của ông xuống rất thấp, có người còn cho là sự nghiệp chính trị của ông coi như tiêu tan. Chính DSK có lần đã tự nhận ông có một điểm yếu về phía phụ nữ.

Câu chuyện bổn phận vợ chồng

Tháng 5.2011 vừa qua, Toà Thượng Thẩm Aix-en-Provence ở miền nam nước Pháp đã xử y án của Toà Sơ Thẩm cho ly dị một cặp vợ chồng và buộc người chồng phải bồi thường thiệt hại cho người vợ 10.000 euros. Lý do là hai người đã cưới và ăn ở với nhau đã 21 năm, có hai đứa con, nhưng người chồng không mặn mòi lắm với chuyện chăn gối. Mặc cho những cố gắng hâm nóng của chị vợ, anh chồng vẫn không tha thiết, không tích cực và thú nhận lửa tình trong anh đã nguội với thời gian, vì sức khoẻ, vì công việc, vì mệt nhọc... Nhưng luật về hôn nhân lại qui định chuyện tình dục là một yếu tố quan trọng, một bổn phận để duy trì đời sống chung của vợ chồng.

Thế mới biết, trong chuyện đó, các đấng mày râu thuộc hạng tả xung hữu đột hoặc ngược lại xuội lơ đều dể mắc nạn thằng nhỏ hại thằng lớn.

NQMinh

27 December 2011

Thơ Mạch Vạn Niên


VONG QUỐC CA

Tráng sĩ hề chinh chiến cổ lai
Ngậm hờn vong quốc hề chua cay
Múa gươm lao thất cười thân phận
Gác kiếm vườn hoang khóc thói đời

Chén rượu chung tình đau khóe mắt
Cuộc cờ dâu biển xót bàn tay
Ai người Câu Tiễn quen tân khổ
Hẹn cố hương về vận nước xoay

Mạch Vạn Niên


Chiến tranh Đông Dương

TRẬN MƯA BOM GIÁNG SINH

Trọng Đạt


Hòa đàm bế tắc.

Sau trận tổng công kích Tết Mậu Thân Tổng thống Johnson quá mệt mọi vì cuộc chiến tranh Việt Nam, ngày 31-3-68, ông tuyên bố không tái tranh cử và tạm thời cho ngưng oanh tạc một phần lớn lãnh thổ Bắc Việt từ vĩ tuyến thứ 20 trở lên, ông kêu gọi Hà Nội hãy tỏ thiện chí hòa đàm nếu không sẽ cho nếm mùi sức mạnh. Một tháng sau Cộng Sản Bắc Việt nhận lời đàm phán.

Hội nghị được tổ chức tại khách sạn Majestic, thủ đô Ba Lê nước Pháp khai mạc ngày 10-5-1968 ông W. Averell Harriman đại diện phía Mỹ, Xuân Thủy phía Hà Nội. Đây là một hội nghị được quốc tế chú ý nhất từ trước tới nay có hơn 3,000 phóng viên các nước tới theo dõi lấy tin.

Hà nội khăng khăng đòi Mỹ phải ngưng oanh tạc toàn diện miền Bắc. Ngày 31-10-1968 Johnson nhượng bộ cho ngưng dội bom trên toàn miền Bắc.

26 December 2011


Bộ Chính Trị Cộng Đảng ở Hà Nội
hãy cầm cờ 6 sao đón chủ nhân Hoa Lục.
Không được dùng trẻ em VN làm việc này.

Tin ngắn đáng chú ý

Cựu đệ nhất phu nhân Nam Hàn đến Bình Nhưỡng chia buồn

Cựu đệ nhất phu nhân Nam Hàn Lee Hee-ho qua Bình Nhưỡng để chia buồn nhân dịp lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-il qua đời. Sinh thời cựu tổng thống Nam Hàn Kim Dae-jung đã cố gắng đưa Nam Bắc Hàn xích lại gần nhau và khi ông chết, Bắc Hàn đã cử một phái đoàn xuống Hán Thành dự tang lễ. Tuy nhiên các giới chức Nam Hàn nói rằng Bà Lee không đại diện cho chính phủ.


Kinh tế Ba Tây vượt Anh quốc

Ba Tây đã thay thế Anh quốc giữ ngôi vị nền kinh tế lớn thứ sáu của thế giới. Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Thương mại (CEBR) đã xác nhận như vậy và tổ chức này còn cho hay các nước Á Châu đang trên đà tiến còn các nước Âu châu đang trên đà thoái trào.

Hiện tổng sản lượng nội địa (GDP) của Ba Tây đạt 2.52 ngàn tỷ Mỹ kim. Theo bảng xếp hạng hiện nay dựa trên tổng sản lượng nội địa (ngàn tỷ):
Hoa kỳ (14.526),
Hoa Lục (5878),
Nhật (5458),
Đức (3286),
Pháp (2562),
Ba Tây (2520)
Cũng nên nhắc lại rằng Canada có GDP 1577 đứng hàng thứ 10, Đài Loan (824) đứng thứ 19. Nhưng nếu tổng sản lượng tính theo đầu người và trình độ kỹ thuật thì Canada và Đài Loan vượt len khá xa vì Canada chỉ có 34 triệu dân và  Đài Loan chỉ có 23 triệu dân trong khi đó Hoa Lục, chẳng hạn, dân số trên 1 tỷ 300 triệu người gấp 40 lần Canada và gấp 56 lần Đài Loan.

25 năm sống với cây bút

Người ta hay ví von "Cây bút mạnh hơn lưỡi gươm". Người phụ nữ liên hệ lại không phải một văn sĩ. Trong trường hợp này cây viết lại mạnh hơn cả chất acid trong dạ dầy.

Báo trong đó có đài ABC News loan báo mới đây một phụ nữ 76 tuổi đã được bệnh viện giải phãu để lấy ra một chiếc bút từ dạ dầy. Theo bà ta kể thì lúc còn trẻ cách đây 25 năm đã dùng cây bút để gãi nơi cuống họng (Tonsil) bị ngứa và bị trượt chân. Cây bút lọt vào bụng. Có lần đã soi siêu âm những cây bút làm bằng chất nhựa đã không hiển thị lên màn ảnh. Sức khỏe bà cụ bình thường ngoại trừ bị sụt kí và thường bị tiêu chảy. Những khám nghiệm ACT sau đó đã đưa đến cuộc giải phẫu.

25 năm nằm trong dạ dầy, chiết bút lấy ra vẫn còn viết được với đầy đủ mực.

(Hình bác sĩ dùng cây bút lấy ra từ bao tử viết chữ HELLO)

Cờ Hoa Lục 6 sao ở Hà Nội


TTR nhận được tin này khá lâu nhưng giữ im lặng trong thế chờ xem vì không thể tin được rằng chuyện này là sự thực. Hiện đã có một bản tin của đài BBC Anh ngữ xác nhận tin này. Những em bé tay cầm chiếc cờ Tàu Cộng màu đỏ được sắp xếp đứng dàn chào Tập Cận Bình (Xi Jinping), phó chủ tịch Hoa Lục sang Hà Nội. Cờ chính thức của Hoa Lục mầu đỏ với hình một sao vàng lớn nằm giữa chỉ Hán tộc và 4 sao vàng nhỏ chỉ các dân tộc Mãn Châu, Mông Cổ, Tân Cương và Tây Tạng. Nhưng nay các em bé cầm những lá cờ dị kỳ gồm tới 5 sao nhỏ. Ngôi sao thứ năm chỉ nước nào? 

BBC có đưa ra một tiền lệ: Trước đây dân Ấn Độ cũng đã sơ ý để dân chúng cầm cờ với 5 sao nhỏ đón một nhân vật của Bắc Kinh tới thăm. Bây giờ đến lượt Hà Nội "sơ ý". Tin lan truyền đi nhanh chóng. Có thể người ta nghĩ nhà cầm quyền ở Tân Đề Li sơ ý thật nhưng không ai nghĩ chính phủ Ấn Độ khiếp nhược. Đối với Hà Nội chắc chắn người dân Việt đã nghĩ khác sau hàng loạt những nhượng bộ Bắc Kinh của Đảng CSVN. 

Một điều quái gở về ngoại giao như vậy mà Hà Nội không lên tiếng giải thích. Còn Bắc Kinh thường to mồm, nay im re đắc ý.

(TTR)

24 December 2011

Winter Guest, A.C.La's painting


Khách Mùa Đông
(Winter Guest)

Oil on canvas
16x20 inch (41x51 cm)
by
A.C.la Nguyễn Thế Vĩnh
*
All rights reserved

**

Cảm nghĩ của người thưởng lãm
Không phải thơ mới lấy nước mắt người đọc
mà tranh cũng làm cho người xem phải rơi lệ
Giữa trời đông tuyết giá, thỏ ngồi một mình.
Đôi mắt của nó khiến người xem phải suy nghĩ.
Nó đang suy tư? hoài mong hay tiếc nhớ? hay đợi người đã hẹn?
Và khi nó đứng lên thì chắc sẽ dõi mắt về nơi
phương trời vô định để ...tìm lại bóng người xưa

Mai L-N
__________
Thỏ Ngọc Trời Đông

Ô kìa Thỏ Ngọc trắng, xinh,
Trời Đông giá lạnh một mình chờ ai ?
Âm thầm, ngóng đợi canh dài,
Nỗi đời trong, đục vẫn hoài nhớ, mong ?
Tiếc gì chiếc lá trôi dòng,
Đông tàn, Xuân đến, vườn Hồng nở hoa.

*
Thỏ Ngọc Đợi Chờ

Khách lạ đến thăm một sớm đông,
Trời buồn, giá lạnh, Thỏ chờ trông,
Ô kìa, đôi mắt đăm đăm ngó,
Phương trời xa thẳm, nhớ và mong.

M-H P
_______________
Hãy vẽ cho vui!

Từ tấm bé tôi thích nhìn ngắm tranh. Rồi không còn nhớ tại sao lại có những hộp mầu nước và có giấy croquis để vui. Lớn lên lao vào cuộc sống không có nhiều dịp để vẽ, để đọc sách viết về hội họa. Sách hội họa xưa kia ở Việt Nam hiếm. Có thể đây cũng là một trong những thiệt thòi cho các nghiên cứu sinh hội họa thời đó.

Bây giờ thật sự trở lại với hội họa với con mắt chăm chú hơn, kỹ thuật hơn, kinh nghiệm hơn và có vẻ như miệt mài đam mê hơn nhưng rõ ràng thuận lợi hơn. Điều sướng hơn cả là ở Bắc Mỹ này nếu đam mê một bộ môn nào, một ngành nghề gì bạn có đầy đủ sách để nghiên cứu và nghiền ngẫm.

Ở đây là dân tứ xứ. Những tinh hoa nhân loại tập hợp ở đây nhiều nhất. Sách ở đây thật đa dạng thật phong phú. Vì luật pháp ở đây bảo vệ tác quyền triệt để nên tài ba thi nhau nở rộ. Chỉ có một thử thách đó là khả năng đọc Anh ngữ. Dù muốn dù không Anh ngữ đã trở thành một thứ ngôn ngữ phổ thông trên thế giới. Thế cho nên điều kiện tiên quyết là đọc được Anh ngữ. Rồi lòng miệt mài sẽ thanh toán những khó khăn còn lại.

Chớ mặc cảm vì mình đã già. Cũng không mặc cảm vì không được cắp sách đến trường chuyên nghiệp. Học tại trường chuyên nghiệp, cùng lắm bạn chỉ có thể có được dăm ba ông thầy. Còn nếu cho rằng mỗi quyển sách giá trị là một ông thầy thì bạn có thể là học trò của hàng trăm ông thầy. Bớt tiền cà phê thuốc lá phấn son một hai tuần là bạn có trong tay một "ông thầy" cự phách (Sách chuyên ngành hội họa hơi mắc nhưng nhằm nhò gì). Ở cái xứ cạnh tranh ráo riết này thấy chưa đủ tài đừng nên viết sách. Dân ghiền sách có kiến thức cao bao nhiêu thì ngườì viết sách phải có kiến thức cao hơn gấp bội!

Nếu chân tay chưa run, mắt còn nhìn rõ, nhãn lực có khả năng bình thường phân biệt được màu sắc, thể là có thể trở thành họa sĩ. Bạn bè đã chẳng gọi tôi là họa sĩ đó sao!

Một người bạn hóm hỉnh hỏi: "Phải đứng trong cảnh tuyết giá này bao lâu để vẽ hay lấy sketch?  Người khác hóm hỉnh hơn lại hỏi: "Đợi người nhưng người cho leo cây đành phải tạm vẽ thỏ!"

Thấy chưa! Vẽ tranh mình thích bạn bè thích, còn gì vui hơn, còn gì ý nghĩa hơn trong những ngày tháng còn lại?

Kính chúc những ngày Noel vui tươi như lúc còn trẻ
A.C.La Nguyễn Thế Vĩnh

Viết từ VN: Ghi nhanh Noel

Xóm Nhỏ

Chiều nay trời mưa nhẹ, mây trời màu xám. Cuối đông rồi, gió vẫn lành lạnh, Noel đã đến, chỉ vài giờ nữa thôi, mấy em nhỏ vừa chơi, vừa hát câu hát quen thuộc "Đêm đông lạnh lẽo, Chúa sinh ra đời..."

Trong khu lao động, chiều tối, mọi người, sau một ngày làm việc mệt mỏi về đến căn phòng trọ chật chội, hình như chưa muốn vào, trẻ con, người lớn ai cũng muốn đứng ngoài ngõ chuyện vãn, hứng chút gió trời. Căn phòng ở nhà thuê chỉ kê được một cái giường và một cái bàn... trẻ con còn có chỗ nào mà chơi, nên đành phải ra đường, vừa mát lại vừa có nhiều bạn, đường hẻm là sân chơi lý tưởng của chúng, thế là, đủ mọi trò chơi được diễn ra nào lò cò, rượt bắt, trốn tìm, chúng vô tư đùa giỡn với nhau inh ỏi vang vang cả xóm.

Trong khu phố này, biết bao cảnh đời cơ cực, nhiều người sống chỉ biết ngày hôm nay có tiền mua gạo, mua rau là mừng lắm rồi, ngày nào lo ngày ấy, rau muối là chính, thịt cá chỉ như thứ gia vị thêm vào cho ấm áp.

"Tương lai ư, cần gì, học đến đâu mà nghĩ đến tương lai", nghe các công nhân nam nữ nói chuyện với nhau thật là vô tư.Em Thuận kể với tôi:

- Quê em cực lắm, làm lúa chẳng đủ ăn, đủ xài, tội ông bà già nhà em đã gần sáu mươi, lớn tuổi quá không còn dầm mưa dãi nắng được nữa, giờ chỉ trồng ít vạt rau bán được đồng nào thì đắp đổi qua ngày. Tôi hỏi:

- Các em lên đây đã lâu chưa?

Thuận nói:

- Dạ, gần một năm cô ạ tụi em ráng kiếm ít tiền, tự lo cho mình, cố gắng tiêu xài dè sẻn, cuối năm đưa ông bà già chút ít là mừng rồi cô.

- Em đang làm nghề gì vậy?

- Có việc gì làm việc nấy cô à. Hai đứa em đang làm phụ hồ, trước đây mấy tháng làm bốc vác, cực quá nên chạy sang làm cùng anh thợ xây. Ảnh thấy tụi em khổ quá nên kêu qua, cũng tội ảnh, nhờ ảnh mà tụi em đỡ đôi chút.

Nhìn khuôn mặt non nớt, xanh xanh của hai em mà thấy tội cho chúng quá, mới mười bốn, mười lăm đã phải bươn chải, lao động nặng nhọc.

- Em ráng lắm mới để dành được, cô tính đi, mỗi ngày làm được hơn một trăm, ăn uống, chi mọi thứ cũng vừa đủ, chỉ dư chút đỉnh, mỗi năm cố dành dụm để đưa về nhà khoảng một triệu là má em mừng rồi.

Cậu anh nói thêm:

- Cô ơi, tiền nhà, điện, nước, có tháng kẹt quá, còn thiếu lại họ, tháng sau nín nhịn bớt, mới trả được.

- Mấy hôm nay không thấy Diễm; nó đi đâu rồi em. Tôi hỏi.

- Nó về quê, ông già nhà nó đau cô ơi, nhà nó gần nhà em, nghèo lắm. Con Diễm bán bột chiên ở xóm trên đó cô.

Thương tâm quá, dân mình còn cơ cực nghèo nàn, những cảnh đời long đong, khó nhọc biết bao giờ mới khấm khá hơn? Tôi hỏi thêm:

- Noel tới rồi có gì vui không mấy em?

- Cô ơi, mua xị rượu nhậu với nhau một lúc là xong cô; tụi em còn đi làm không dám nghỉ, đi làm mới có trăm hai chứ cô, nói rồi cười hì hì, thật vô tư.

Mấy đứa bạn hỏi thăm nhau, "Mày mua vé xe về Tết chưa? mãi Quảng Nam phải mua vé xe trước". Đứa kia trả lời "Thôi khỏi về, mắc quá còn khó mua nữa, vé xe chợ đen thì mắc gấp rưỡi!".

- Chị bán đậu hũ chén than thở, tính tiền với bạn: "Tết này em cũng chưa về được, hẹn lần lữa hoài mà năm năm rồi, về Bắc hết 4, 5 triệu tiền xe thì sao mà về chị, thôi thì vài hôm nữa gửi cho bà già hai triệu cũng được.

Những ngày không có việc, hay chủ nhật các cô cậu tập trung đánh bài, cờ tướng cả ngày, cười nói, đùa giỡn, thật là vô tư. 

Tuy là một xóm nhỏ, trong hẻm nhưng nhà lầu, hai, ba tầng cứ mọc san sát, xây xong đóng cửa để đấy, chẳng biết chủ nhân là ai. Những căn nhà trệt thấp, bé, ngăn phòng cho thuê cũng nhiều, trong đó, không biết bao nhiêu cảnh đời cơ cực, kiếm ăn từng bữa, còng lưng lao động chắt bóp từng đồng bạc mồ hôi nước mắt, chen chúc nhau ở nhà thuê.

Năm hết, Tết đến, ngày đầu năm đoàn tụ gia đình, họ cũng không có ý niệm gì, không mảy may suy nghĩ đến gia đình, tương lai. Đêm về, trong căn phòng bé nhỏ mười hai mét vuông, họ có buồn, có nhớ nhà hay không !

Trời vẫn mưa nhỏ hạt, con đường đất bê bết nhếch nhém nước và bùn nhão. Tự dưng tôi thấy lòng mình man mác buồn.

Mong sao, những cảnh đời cùng cực, cơ khổ sẽ gặp may, có một việc làm ổn định để cuộc sống của họ đỡ phần chật vật, nghèo túng vì... cái tội Nghèo là cái tội số một trên đời.

P.M.H.
24.12.2011

Câu lạc bộ của chúng ta

Vài hàng về Blog Tiếng Thông Reo

Blog Tiếng Thông Reo ra đời vào ngày 28 tháng Tư năm 2010. Tiền thân của TTR là Website với nhiều lần đổi tên, New Alumni Forum là tên sau cùng, do anh Vũ Công Hùng và những người bạn đồng khóa ĐS14 Học Viện Quốc Gia Hành Chánh thiết lập giữa năm 2004. Tiếng Thông Reo ra đời để nối tiếp Blog NAF bị nạn không thể truy cập và không rõ lý do, sau khi anh Hùng mất được hơn một năm.

Cho đến nay Tiếng Thông Reo có sự hợp tác thường xuyên và không thường xuyên của:
-  14 nhà thơ
-  6 nhà văn  viết tùy bút, bút ký, truyện ngắn,
-  7 tác giả viết phân tích, bình luận, tạp luận và biên khảo
-  2 nhiếp ảnh gia và nhiều tay chụp ảnh nghiệp dư.
-  1 họa sĩ

Đó là những văn nghệ sĩ đã thành danh và tài tử, ở nước ngoài hay đang ở Việt Nam. 

Số người ghé thăm là các cựu sinh viên Học Viện Quốc Gia Hành Chánh Sài Gòn và các trường thân hữu. Số lượt người ghé thăm hàng tuần khoảng trên dưới 2000 người, đông nhất là từ Việt Nam rồi đến Hoa Kỳ. Tổng số lượt người ghé vui chơi từ ngày thành lập cho đến nay tròm trèm 100,000 lần. Dưới đây là con số chi tiết người ghé thăm lấy xuống bất chợt trưa nay 24 tháng 12, khung hàng tuần:

Bạn hữu và khách thăm đến với TTR  thường dùng địa chỉ chính thức www.tiengthongreo.blogspot.com hoặc qua ngã search engine Google và đánh ba chữ "Tiếng Thông Reo" hay "tiengthongreo" để tìm.

Bức hình chụp đẹp và có ý nghĩa nhất từ ngày thành lập TTR cho đến nay - do hai bạn TeHong và Hà Hải Sơn chụp ở California và gửi về - là bức hình sau đây:


Nhân mùa Lễ Giáng Sinh, chúng ta hãy cầu chúc cho nhau những gì đem đến AN VUI nhất trên thế gian này.

Kính mến
Nhóm Chủ Trương
Tiếng Thông Reo

22 December 2011

Cây thánh giá

Jurgis Jankus (Lithuania)
Nguyễn văn Sâm chuyển ngữ

Hai, ba mươi năm trước đây, nếu từng đi vào con đường nhỏ từ Girkalnis đến Simkaiciai, chắc hẳn sẽ còn nhớ một cây thánh giá gần rìa làng Pakalniskiai, chỗ triền dốc của ngọn đồi có một cái lâu đài, nơi mà con đường quẹo vào một cánh đồng cỏ ướt. Cây thánh giá nầy đặc biệt, khác với tất cả những cây thánh giá khác rải rác khắp các nẻo đường vùng này. Thánh giá làm bằng hai khúc cây sồi dầy, chắc chắn, đen bóng theo thời gian, nắng mưa gió bão để lại chi chít vết rạn nứt cùng những đám rêu móc xám đậm đóng trên nhiều chỗ. Ðầu và hai tay thánh giá tận cùng bằng những nắm tròn thật to, đã bị thời gian bào mòn. Ðây là những thứ có lẽ mới được thêm vô sau này vì làm bằng loại cây tạp. Chắc một nghệ nhân nào đó muốn thánh giá đẹp hơn nên đã dùng tài nghệ mình đẽo gắn thêm vào.

Ta có thể đi qua ngang qua chính thánh giá này mà không chú ý vì thánh giá tương tợ quá nhiều, rải rác trên khắp ngả đường của Lithuania. Nhưng chính nét mặt của Ðức Chúa mới gợi sự chú ý của chúng ta. Khó ai có thể đi qua đó mà không ngừng lại hay không quay đầu ngoái lại nhìn nhiều lần. Tượng Chúa rất đặc biệt, cho đến bây giờ tôi vẫn không hiểu nỗi tại sao tượng nầy lại không nổi tiếng trên hoàn vũ, trừ phi thượng đế, bằng chính sự khiêm cung của mình, muốn như vậy. Thân hình tượng bằng cỡ với người bình thường, được khắc từ một khúc cây nguyên khối. Ngay cả hai cánh tay nữa, cũng không phải được khắc rời rồi thêm vào. Tứ chi đã bị gió bào mòn, run rẩy trong sự mệt lã. Cái đầu hơi chồm tới phía trước và nghẻo về một bên, chìm đắm trong những ý nghĩ lo âu và đau đớn… và có thể luôn cả những lo âu của ngày mai ngày mốt nữa. Cái vương miện bằng cây gai thường thấy trên đầu chúa đã mất. Cái mái che thường thường bảo vệ ngài khỏi bị mưa, tuyết cũng không còn. Chỉ có, do ai đó đặt trên cái đầu bi thảm này một vòng hoa tập tàng như hoa bắp, hoa chuông xanh, hoa vàng mao lương, cùng những thứ hoa dại khác. Chuyện này một đứa trẻ cao cao cũng có thể làm được vì thánh giá rất thấp, những ngón chân của bức tượng gần chạm mặt đất. Hình như chân thánh giá đã bị hư hoại nhiều phen, mỗi khi được thay, lại ngắn hơn lần trước. Nếu vậy thì nó phải cũ lắm bởi vì loại cây sồi rất lâu mục. Nhưng tại sao thời gian lại không bào mòn nét sinh khí trên mặt bức tượng? Người ta thường đứng chờ đôi mí bức tượng bi thảm nầy thình lình mở ra, mắt sẽ nhìn thẳng vào anh, đôi môi sẽ hé mở, anh sẽ nghe tiếng nói mà cả thế giới từ lâu đợi chờ, những tiếng nói mà các nhà thần học và thi sĩ hằng tìm tòi bằng muôn ngàn sách vở. Nhưng những lời ấy đến với anh, tự nhiên như bông hoa nở mỗi mùa.

“Tôi biết, cậu đang cầu nguyện. Hay là…. chỉ ngắm nhìn mà thôi?” tiếng một bà lão kéo tôi ra khỏi giấc trầm tưởng. Tôi nhìn lại. Nãy giờ bị cuốn hút vào bức tượng, tôi không để ý bà ta lụm cụm đến đây lúc nào. Ðó là một bà lão quá già, lưng còng theo năm tháng, gương mặt chằng chịt nét nhăn nheo nhưng đôi mắt thì sinh động và trẻ trung. Thời gian với những ngón tay thần sầu đã không chạm được đôi mắt đó, giống như là đã không thể chạm được gương mặt của Ðức Chúa trên cây thánh giá kia. Một tay bà ôm rổ đầy lá củ cải đường, tay kia cầm vài củ cà rốt mới nhổ.

“Ðẹp quá,” tôi nói, mắt hướng về Ðức Chúa.

“Vâng, đẹp thật — và rất quý giá. Nhưng sẽ không ở đây lâu đâu.” người đàn bà thở dài, dùng bàn tay quẹt ngang mày.

21 December 2011

Như Thương ngắm tranh A.C.La

NGẮM TRANH HỌA SĨ A.C.La

Tiếng Gọi Của Rừng Sâu (The Calling From The Forest)
Oil on canvas 24"x48" - 2007
Vâng, Như Thương đã "ngắm" tranh của họa sĩ A.C.La Nguyễn Thế Vĩnh hằng bao nhiêu năm trời rồi, bỗng dưng hôm nay muốn viết ra lời cảm nghĩ của một người làm thơ ngắm tranh - Lạ thật! Thế thì hồn thơ sẽ nhập vào tranh thôi, chắc là vụng về và khập khiễng lắm … nhưng đây là tất cả những gì còn lại thấm sâu vào trí nhớ sau khi xem tranh anh.

Như Thương lặng người đi trước những nét vẽ của họa sĩ dành cho "Nàng" - cho Như Thương mạn phép đặt chữ Nàng trong dấu ngoặc kép như thế ...

Không dành cho Nàng một nét đẹp trừu tượng, thần thoại, nhưng dường như họa sĩ đã đem người thật vào huyền thoại - một vạt tóc bay dấu trong vách núi, một ánh mắt buồn lịm đi trong sắc màu hội họa của một bức tranh đổ vỡ, một nét ngây thơ, liến thoắng của tuổi ngọc, một bước chân huyễn hoặc trên đường về chốn quê vĩnh hằng, một dáng ngọc dịu dàng trước biển cả mênh mông, một tà áo đợi chờ bên trùng dương sóng vỗ ... Còn gì nữa nhỉ ?

Thưa còn ạ ! Còn những mảnh hồn lịch sử được hóa thân thành con thuyền vỡ bên cạnh bóng hình Nàng đau thương tột cùng, dẫu Nàng trong tranh là một cô bé ngây thơ như số phần định đoạt, nhưng Nàng đã thoát ra thân phận bé nhỏ để hình thành những Người Con Gái Việt Nam - tuy yếu đuối, mong manh, nhưng vẫn cố gắng vượt qua khung cửa khóa sự tự do. Khuôn mặt, vóc dáng em đã bê bết những dấu hằn bất hạnh, nhưng em đã không bao giờ tan biến đi giữa hồn quê hương dân tộc.

Còn những dấu diếm ẩn trong nét vẽ - Như Thương chỉ là đoán vậy thôi, vì tất cả những tác phẩm của một nghệ sĩ không nhiều thì ít cũng là nơi trang trải lòng mình một cách chân thật và chân tình nhất, trong chiếc nôi êm ấm của nghệ thuật, những khổ đau, trằn trọc, loay hoay ... sẽ được an ủi, vỗ về vơi đi nhiều nhất …..

Lại còn những bức họa thật lành thánh bên bên những bức trần thế tục lụy nữa ạ! Như đôi tay bé ngoan chắp lại nguyện cầu trong "Đêm Linh Thiêng" và rồi cũng có một đôi tay hòa mình với dòng thác phơi lộ nét ngực trần trong “Chiêm Bao”

Anh pha màu vẽ hay anh pha màu cho đời anh để bốn mùa hân hoan sắc màu ? Anh đã tìm được Nàng như là điểm cuối của cuộc hành trình chưa hay chỉ như là nét cọ đùa với nhân gian ?

Một "Yếm Thu" hóa thân từ sắc lá mùa Thu thật rực rỡ và lộng lẫy con gái - những Nàng trong tranh A.C.La thường hay ỡm ờ (!) kín đáo và phô bày thật lạ. Phô bày thì quả thật là chính diện như bức “Huyền Thoại “ hay “Trương Chi”..., còn kín đáo thì lại dường như bắt người thưởng ngoạn hãy hình dung ra theo trí tưởng tượng của họ như bức "Sơn Tinh Thủy Tinh"

" Mưa Đêm" "Hoa Mộng" "Ảo Ảnh" “Chiêm Bao” ...
Như Thương vẫn men theo những con đường mòn, góc khuất trong tranh của họa sĩ khi vẽ vời lại khung cảnh bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông - có lẽ họa sĩ đã gom hết bao nhiêu sắc màu hạnh phúc của đem vào tranh và điều ấy đã làm NT là người chưa được diễm phúc chiêm ngưỡng cảnh thật đã phải trầm trồ tranh... rồi ước gì mình được thấy cảnh thật như bức họa " Vàng Thu" nhỉ... Và thi thoảng lại soải chân theo “Vó Ngựa” & " Thênh Thang".

Đôi lúc bất chợt NT lại đắm mình trong nét vẽ đầy huyền thoại của họa sĩ, như bức "Vũ Điệu của Sếu". Sếu vũ hay hót là hình ảnh thật ngoài đời đấy chứ, nhưng sao nét tranh lại huyễn hoặc trong mơ hồ dường ấy ! Bức tranh ấy động hay tĩnh - lại còn tùy vào tâm trạng người xem lúc bấy giờ.... lắm lúc NT thấy như đôi sếu đang diễn tả điệu vũ tình (thế có nghĩa là bức tranh động), rồi có khi NT lại trầm mình trong sắc màu rất lắng đọng của nền tranh để đôi uyên ương hạnh phúc ấy chỉ là bóng hình ngày xưa... Điệu vũ tình đã đến và đi mất, chỉ còn lại lau sậy là vĩnh viễn trường tồn nơi ấy .

Đi hết một vòng tranh còn nhớ lại trong trí nhớ, NT vẫn chưa biết họa sĩ yêu Nàng hay yêu Biển nhiều hơn! Chẳng nhẽ người thưởng ngoạn sẽ ngồi đếm lại bao nhiêu bức tranh vẽ Nàng và bao nhiêu tranh vẽ cho biển... NT không biết quý khán giả có cùng ý nghĩ như NT không?

Thế đấy, cảm xúc không trọn vẹn như những bức tranh anh vẽ theo thứ tự thời gian, nhưng cảm xúc trong Như Thương tràn ra như tuôn nguồn khơi mạch không lớp lang được ... có lẽ chỉ vì đôi khi không cần gieo vần luật như lúc làm thơ, nên Như Thương đã để mình ngụp lặn trong tự do thoải mái!

Có đôi khi Như Thương đã chợt nghĩ ... Hãy cầm cọ lên để giữ lại cho đời cảm xúc thật của mình trên canvas ... biết đâu đấy chẳng phải là sự thật? Cầm bút để ghi lại con chữ, còn cầm cọ như thể trao lại cho người thưởng ngoạn cái rung động của trái tim mình qua đường nét, màu sắc, ánh sáng huyền diệu, nhiệm mầu mà Thượng đế đã trao tặng, bày sẵn chung quanh đời sống chúng ta. Cả hai đều mang một ẩn số tuyệt vời "Đam Mê" và chính cái ẩn số ấy đã chi phối hết cuộc đời một nghệ sĩ …

Như Thương không là người điểm tranh vì những hạt ngọc viên thành đã tự nó tỏa sáng sau những chắt chiu, phút giây nâng niu, năm tháng lặn lội, công khó trước khung vẽ của họa sĩ rồi.

Những bức họa sẽ chẳng bao giờ già, sẽ chẳng bao giờ mai một đi dẫu người họa sĩ rồi sẽ già. Nhưng một ngày nào đó bất chợt ngoái nhìn lại "gia tài" của mình, mong rằng anh sẽ vui thầm nhủ "Ta có một chút gì đó để lại cho đời..."

Như Thương mến chúc người họa sĩ có đôi mắt trong veo để nhìn màu sắc, đường nét thật tinh tế, có đôi tay nghệ sĩ vung cọ mà Thượng Đế đã ban cho anh, vững chân đứng trước khung cọ vẽ mãi mãi….

Cuối cùng, Như Thương xin mạn phép hỏi người cầm cọ một câu duy nhất ... Anh đam mê Nàng hay đam mê Cọ vẽ? Nghĩ cho cùng Cọ vẽ hình thành ra Nàng và Nàng hướng dẫn Cọ vẽ. Cọ và Nàng đã quyện lấy nhau, không thể tách rời.  Đã không thể tách rời thì làm sao mà cân phân. Cân phân nặng nhẹ hai điều trên sẽ trở thành máy móc như một người đang giải một bài toán.

Thôi, thế thì Như Thương cứ hy vọng được mãi mãi ngắm thêm tranh của A.C.La. Không cân phân mà cảm nhận, chắc hẳn trí não sẽ nhẹ tênh và bước đi sẽ thênh thang như đi trong gió lồng lộng đã bàng bạc trong các họa phẩm của anh!

Như Thương
12.2011 
Tên các họa phẩm trích dẫn, tất cả là sơn dầu trên vải bố - 
từ trên xuống:
Hoa Sa Mạc, 20"x24"
Xuân Lan, 24"x24"
Yếm Thu, 30"x30"
Vũ Điệu Của Sếu, 20"x30"
Biển Xưa, 30"x40"
Mưa Đêm, 24"x24"
Thuở Ấy, 20"x24"

20 December 2011

Câu chuyện cuối năm (3)

Việc kế vị ở Bắc Hàn dễ sinh bất ổn

Điền Thảo

Kim Jong-un hiện nay được coi như người lên kế vị cha là Kim Jong-il vừa qua đời, có ông nội là Kim Il-sung, lãnh tụ lập quốc của Bắc Hàn.

Hôm nay các giới chức của Đảng, của Chính phủ và quần chúng khóc lãnh tụ Kim Jong-il trước ống kính. Ngày mai nơi hậu trường việc tranh dành quyền lực ở Bình Nhưỡng sẽ khó thấy hơn.

Cũng như đa số các nước bị mất chủ quyền tại Á Châu Thái Bình Dương vì chính sách thực dân của Âu Châu, bán đảo Triều Tiên trở thành nơi tranh chấp giữa các lực lượng quốc-cộng nổi lên dành độc lập từ tay ngoại xâm sau khi thế chiến thứ hai chấm dứt.

Cuộc nội chiến trên bán đảo Triều Tiên biến thành cuộc đụng độ giữa Hoa Lục và Đồng Minh do Mỹ dẫn đầu. Kết quả bán đảo bị chia đôi: Từ vĩ tuyến 38  trở xuống theo thể chế dân chủ, chấp nhận đa đảng và tranh/bầu cử tự do. Phía bắc trở thành nước độc đảng toàn trị dưới sự lãnh đạo của Kim Il-sung

Trong bản nghiên cứu về Bắc Hàn năm 2009 của thư viện quốc hội Mỹ, Kim Il-sung, người dựng nước Bắc Hàn, được mô tả như là một trong những nhân vật đặc biệt hiếm lạ nhất của thế kỷ 20. Hoạt động CS đồng thời với Stalin và Mao, nhưng Stalin chết trước ông ta 4 thập niên, Mao chết trước ông ta 2 thập niên. Ông ta nắm quyền lực và tại vị song song với  6 nhiệm kỳ tổng thống Nam Hàn, 9 nhiệm kỳ của tổng thống Mỹ và 21 nhiệm kỳ của thủ tướng Nhật Bản. Hiến pháp Bắc Hàn ghi nhận ông ta là vị "Tổng thống muôn đời" của Bắc Hàn. Sinh nhật của ông là ngày nghỉ lễ công cộng.

Nhưng điều đặc biệt nhất đó là việc Kim Il-sung biến thể chế độc đảng thành thể chế quân chủ cha truyền con nối, điều mà 24 triệu dân Bắc Hàn ngoan ngoãn chấp nhận.

Nếu như "lãnh tụ vĩ đại" Kim Il-sung đã chuẩn bị cho con mình là Kim Jong-Il 20 năm trước khi chết để kế tục nắm giữ quyền lực thế mà vẫn phải mất một thời gian khá lâu  tân lãnh tụ mới ổn định được tình thế, thì nay Kim Jong-il chết đi sau khi chỉ chuẩn bị cho con mình là Kim Jong-un mới được 2 năm thôi, thì điều gì sẽ xẩy ra nơi hâu trường chính trị ở Bình Nhưỡng trong những ngày tháng sắp tới?

Người ta nói Kim Jong-un được chọn kế vị cha vào năm 2008 nhưng mới chỉ xuất hiện trước công chúng ở địa vị này vào tháng Chín 2010. Hiện nay Kim jong-un mới 28 tuổi. Kim Jong-un không có lợi thế giống người cha. Khi Kim Jong-il chấp nhận quyền hành cách đây 17 năm, ông ta đã nắm giữ chức thủ lãnh Hội  Đồng Quốc Phòng đầy quyền lực để từ đó củng cố địa vị của mình.

Đã thế những khó khăn mà Kim  Jong-un sẽ phải đối đầu lớn hơn gấp bội những khó khăn mà Kim Jong-il phải đối phó trước kia khi nhậm chức. Với mức lợi tức đầu người hiện nay thấp $1200 dollars một năm, người dân Bắc Hàn vẫn đang trên đà bị bần cùng hóa và một phần đang bị thiếu thực phẩm nghiêm trọng. Đó là cái di sản tối tăm người cha để lại.

Năm tới là năm chàng Kim non trẻ sẽ củng cố quyền lực. Năm tới lại là năm sẽ có sự chuyển quyền ở Hoa Lục, Nam Hàn, Nhật Bản và bầu cử ở Mỹ, sẽ khiến tình hình thế giới trở nên ít nhiều xáo trộn.

Hiện nay Hoàng gia tân thời họ Kim, Đảng CS, Quân đội, và guồng máy chính quyền là bốn lực lượng chính có mặt trên đấu trường. 

Người anh cùng cha khác mẹ của Kim Jong-un, là Kim Jong-nam bị bỏ qua trong thứ tự kế vị hiện đang sống ở Hoa Lục dưới sự che chở của Bắc Kinh, chắc hẳn không cam lòng ngồi yên. Người anh thất sủng này đã công khai tuyên bố không ủng hộ sự kế vị của Kim Jong-un. Mâu thuẫn này phồng lên hay xẹp xuống là tùy Bắc Kinh.

Đảng Lao Động Bắc Hàn WPK (Workers' Party of Korea) hiện có những thành viên mà tuổi đời và tuổi đảng lớn hơn tân lãnh tụ được áp đặt lên guồng máy rất nhiều. Khuất phục được những chống đối từ đảng WPK là một thách đố lớn lao đối với Kim Jong-un.

Ngoài đẳng cấp và quân hàm do cha mình phong cho, Kim Jong-un cũng không nắm được một chức vụ then chốt nào trong quân đội gồm 1.2 triệu quân  sĩ hiện dich, và khoảng 7.7 triệu quân trừ bị.

Guồng máy chính quyền thường thụ động và ít ảnh hưởng trong cuộc tranh chấp quyền lực nhưng một vài động thái vụng dại sẽ biến guồng máy này thành một lực lượng chống đối ngầm gây ra những hậu quả tiêu cực cũng đáng sợ.

Trong thời gian chuyển tiếp này, quyền quyết định không nằm trong tay Kim Jong-un mà có thể thuộc về tập đoàn cố vấn cố kết vì quyền lợi. Cố vấn quyền lực nhất hiện nay là Jang Song-thaek, 65 tuổi, em rể của Kim Jong-il, tức cậu rể (dượng) của Kim Jong-un. Dư luận dự liêu Jang Song-thaek và vợ ông ta sẽ giúp người cháu vượt qua thời kỳ chuyển tiếp.

Trong tiến trình ấy, cặp vợ chồng này có thể cầm chịch được những  thay đổi rộng lớn ở Bắc Hàn hay sẽ chứng kiến sự sụp đổ vương triều 63 năm của một gia đình duy nhất cung cấp những nhà cai trị tại đây.

Điền Thảo

Hôm nay khóc lãnh tụ trước ống kính

Ngày mai điều gì sẽ xẩy ra cho Bắc Hàn?

19 December 2011

Lá Đỏ Trạng Nguyên, tho s@...



Trình bày: Phạm Hiền

Sau 17 năm cầm quyền

Kim Jong-il
Lãnh tụ Bắc Hàn đã từ trần

Sau một cơn đau tim, lãnh tụ Bắc Hàn đã chết, thọ 69 tuổi. Tin từ thông tấn nhà nước KCNA  cho hay.

Hãng thống tấn nói: Hàng triệu người Bắc Hàn đã "chìm ngập trong nỗi đau buồn khôn tả".

Hãng tin còn mô tả một trong những người con của lãnh tụ quá cố là Kim Jong-un như là "người kế vị vĩ đại" mà dân Bắc Hàn cần đoàn kết sau lưng.

Các quốc gia láng giềng đã báo động giữa sự lo ngại có bất ổn sẽ xẩy ra cho một nước nghèo, cô lập và có vũ khí nguyên tử này.

Nam Hàn đặt quân lực trong tình trạng báo động cao, và chính phủ Nhật Bản đã triệu tập một cuộc họp an ninh đặc biệt.

Trong khi đó Bắc Kinh sửng sốt trước tin Ông Kim chết. Chính quyền Hoa Lục hứa sẽ giúp bảo vệ hòa bình và ổn định trong vùng bán đảo Triều Tiên. (Theo BBC)

Một Góc Nhìn "Rất Tôn Tử" Về Cuộc Xâm Lăng Của Nga Vào Ukraine* (Do people in Russia know that Putin is fighting the wrong enemy?)

John Andressen (Ukraine của bạn? - Không! Ukraine là của tôi) Người dân Nga có biết Putin đã nhận lầm kẻ thù để đánh không? Giống như Sa hoà...