20 August 2010

Tùy bút Như Thương

RÊU PHONG

Ngược dòng thời gian, Huế đối với tôi chỉ là những điều tôi biết được qua sách vở học trò trong hình ảnh mái tóc thề rất con gái của các cô nữ sinh Đồng Khánh, qua những áng thơ văn, lời nhạc ca tụng đất Thần kinh, qua đôi mắt con gái Huế e thẹn và đuôi mắt tình tứ nghiêng nghiêng vành nón, qua màu tím Huế ở đâu đó trong những tà áo dài lên chùa hái lộc đầu Xuân, trong những chiếc quai nón màu tim tím quyến rũ, qua những nàng Công Tôn với tên gọi thật đài các và mang những ý nghĩa lãng mạn, qua những nét dịu dàng, nhỏ nhẹ nữ tính, của dáng con gái Huế thon thả và của thế giới chữ nghĩa bóng bẩy văn chương trong biết bao ngôn từ, tên đặt cho người, địa danh và cảnh vật tự thuở xa xưa.

Ngày còn học trung học, tôi đã làm những cô bạn người Huế ngạc nhiên lẫn thú vị khi tôi cố gắng học thuộc tên của bạn bè như là Công Tằng Tôn Nữ Thị Đoan Trang, Tôn Nữ Huyền Phương, Huyền Tôn Nữ Thị Tâm Đan ...và tất cả đã được tôi gọi là các nàng Tôn Nữ Thị Hoàng Cung cho dễ nhớ.

Tôi không sinh ra ở Huế. Không phải là một người con của Huế. Cũng không phải là nàng dâu của Huế và nhất là tôi chưa bao giờ biết Huế cả. Thế mà tôi đã đến thăm Huế, rồi lúc chia tay với Huế, tôi đã bịn rịn như thể là chia tay với người yêu ... dường như con người, cảnh vật và cả cái không gian trầm lắng ở Huế đã làm tôi tương tư Huế một cách lạ lùng. Một nỗi nhớ rất nhẹ nhàng đã đi vào trí nhớ tôi. Dẫu đã xa Huế nhưng tôi vẫn không thể nào quên Huế được, nỗi nhớ thật gần và tôi ao ước được trở lại thăm Huế lần nữa và lần nữa ... Nhưng biết đâu rồi cuộc đời sẽ chỉ có một lần gặp nhau thế thôi, phải không Huế? Huế trong tôi đã trở thành dấu ấn khó phai, nhưng có lẽ Huế sẽ chờ đợi tôi thêm một lần hội ngộ nữa phải không - Huế như người con gái có nét đẹp cổ kính và thủy chung ngàn đời.

Bây giờ tôi mới hiểu vì sao mình lại ngẩn ngơ, bồi hồi trước nét đẹp của Huế - cái trầm mặc của lăng tẩm dường như là một sự nhẫn nhục, bằng lòng nét tàn phai thời gian và có lẽ nó cũng ẩn tàng một lời thách thức cho sự trường tồn.

Dường như tôi nghe lời ngậm ngùi, than thở của cung vàng điện ngọc xa xưa. Có lẽ vẫn còn đâu đây dấu chân thiên tử, gót ngọc hài sen của bậc mẫu nghi thiên hạ hay dáng tha thướt của các cung tần mỹ nữ từng lặng lẽ đi qua những con đường cung cấm suốt cuộc đời xuân sắc và cô đơn. Phế tích rêu phong còn đây mà hồn người đã lặn hụp qua bao kiếp luân hồi rồi chăng? Ai sẽ là người kể lại những bí ẩn cung đình hay chỉ còn những bức tường loang lỗ đứng đấy như là chứng nhân câm lặng nhìn người người qua lại, nhìn năm tháng phôi pha. Bàn tay ai chạm được cái quá khứ vàng son thuở xưa ấy chắc hẳn sẽ thấu hiểu được cái nghĩa của thăng trầm một cách tận tường. Giữa cái vô thường ấy, cái thiện tâm tự đáy lòng sùng bái được thể hiện trong dáng cung kính gối quỳ. Con người đã dâng cái tĩnh lặng lòng mình vào chốn hư vô một cách tâm thành.

Gom hết những từ ngữ để diễn tả về Huế mà tôi biết, cũng làm tôi chưa có thể hình dung ra được Huế như thế nào cho đến khi tôi đặt chân đến Huế. Huế buồn da diết đến mức độ nào thì tôi chưa biết, vì tôi chưa có dịp biết Huế vào những ngày mưa dầm dề và buồn da diết như con dân Huế diễn tả, nhưng tôi đã cảm nhận được nỗi buồn ấy qua màu trời xám nhạt, dẫu là ban trưa đứng bóng hay chiều xế tà. Một o bán hàng trong sạp nón lá ở chợ Đông Ba đã nói với tôi: “Trời Huế buồn như vậy đó”.

Nếu có người hỏi tôi sông Hương như thế nào, tôi sẽ chẳng ngần ngại nói rằng sông Hương êm đềm như tên gọi của nó, một dòng sông phẳng lặng như giải lụa, không gợn sóng, không uốn khúc quanh co, trải rộng lòng mình ra với núi non mây trời bao la một cách chân thật, không dấu diếm. Mỗi người có quên đi cái bon chen, vội vã của cơm áo đời thường khi nhìn cảnh trời mây sông nước hữu tình như thế chăng? Khi tôi đứng trên thành cầu Trường Tiền nhìn sang hai bên bờ tả, hữu ngạn, dòng sông cho tôi một cảm giác của đượm nồng tình yêu với hình ảnh của núi Ngự Bình như chàng trai đa tình ôm nàng sông Hương trong vòng tay lãng mạn của mình một cách đắm say.

Cầu Trường Tiền sáng chiều dường như trẻ lại theo những tà áo trắng học trò ngày hai buổi đến trường Đồng Khánh trên đường Lê Lợi. Lâu lắm rồi tôi không được thấy cảnh như thế nữa trên những quãng đường tan học về. Dịu dàng và quyến rũ làm sao với những tà áo thướt tha trong vóc dáng thiên sứ, để cho học trò trường Quốc Học ngẩn ngơ rồi men theo những hàng cây tìm đến mật ngọt tình yêu ngây thơ trong trắng đầu đời. Có lẽ không có những nụ hồng để tỏ tình cho những mối tình học trò như thế, nhưng có màu xanh của lá bên đường che dùm bóng nắng cho em và có những chiếc lá vô tội bị ngắt vụn ra trên tay nàng từ cổng trường ngang qua cầu Trường Tiền, sông Hương về đến nhà.

Tôi cũng sẽ chẳng quên được cái chân chất của những người con Huế. Họ có thể là một nhân viên trong khách sạn, một bác đạp xe xích lô ngang cầu Gia Hội, một anh vá xe đạp bên lề đường gần chợ Đông Ba hay chỉ là một cô bán hàng cơm trưa cho khách lỡ đường trên những quãng đường xa mù đến những lăng tẩm cung đình trên những khu đồi yên tĩnh. Bất kỳ một câu hỏi nào của khách đi đường cũng đều được họ trả lời một cách nhiệt tình và thật thà. Tôi nghĩ rằng họ rất hiếu khách, dẫu người khách lạ nào đó như tôi chỉ là sơ ngộ và bên cạnh cuộc đời cặm cụi cơm áo, họ rất hãnh diện và sung sướng được nói với khách phương xa về nơi họ sống, về những địa danh, truyền thuyết và lịch sử về Huế. Mỗi một người mà tôi gặp trên đường đi đều kể lại cho tôi nghe những trang sử, giai thoại và truyền thuyết của thế giới cung đình vua chúa, lăng tẩm một cách say mê.

Qua khỏi Đàn Nam Giao, tôi đã ghé thăm lăng vua Khải Định, Thiệu Trị, Tự Đức giữa đồi núi trùng trùng. Giữa cái mênh mông của đất trời, bỗng mình chợt cảm thấy mình quá đỗi nhỏ bé. Những bậc thang dẫn đến ngai cửu trùng làm tôi liên tưởng đến phút giây bệ kiến Thiên nhan thuở xưa. Những tượng đá giữa sân chầu vẫn nghìn năm chờ đợi bóng thánh quân. Nhà Thủy tạ vẫn soi mình bên ánh sen hồng thủy chung. Tôi ngỡ mình đang đi giữa cung vàng điện ngọc khi bước chân vào Đại Nội Hoàng Cung. Mắt nhìn lại bệ rồng ... dường như lòng còn phủ phục đấng minh quân ngự cung son thếp vàng. Tay chạm Long Bào Thiên Tử mà nghe hồn rưng rưng phận thần tử tôi đòi từ thuở trăm năm trước.

Dẫu quang cảnh trước mắt tôi chỉ là những mảng cỏ dại trên nền đất hay là những bức tường trơ trọi, loang lỗ màu vôi đứng lặng lẽ khắp đất trời, nhưng lòng tôi lại trở về với hình ảnh quá khứ vàng son huy hoàng cũ ... nhìn lại nét tàn phai, hoang phế của thăng trầm trải dài theo năm tháng, lòng bỗng dưng chùng xuống ngậm ngùi.

Huế tĩnh lặng như thế đó, nhưng khi tôi nhìn thấy nét uốn khúc của những cành hoa sứ hài hòa với nét lượn của rồng bay bên cạnh kiến trúc mái ngói âm dương, tôi chợt nghĩ rằng trong cái tĩnh lặng ấy sẽ là cái động vô cùng - cái động của âm dương tuần hoàn vũ trụ để cho thân cây sẽ phơi bày nét khúc khuỷu thời gian và tôi đã mơ ước giá như mình là họa sĩ ... sẽ ngồi vẽ lại nét thời gian vô thường khắc dấu năm tháng trên thân cây.

Điều may mắn là tôi đã đến thăm Huế lần đầu khi Huế vẫn còn dư âm của mùa Xuân. Tháng 3, sân áo lam hiền từ nơi cửa chùa Diệu Nghiêm vẫn còn ngập sắc mai vàng rụng. Đỉnh trầm hương lộ thiên vẫn còn thơm những nén hương lòng thành tâm của khách thập phương đến viếng chùa từ độ Xuân sang. Một vị sư cô đã dẫn tôi du Xuân dưới những cội mai vàng của sân chùa một cách thú vị. Giọng Huế của sư cô nhè nhẹ cộng thêm với dáng đi chậm rãi của sư cô đã làm tôi ngẩn ngơ khi theo gót chân người khắp sân chùa rộng thênh thang. Một cảm giác thoát tục chăng?

Gần sắp dến ngày tôi rời Huế. Ba ngày qua ở Huế tôi chưa chụp được một tấm hình nào gọi là để làm kỷ niệm giữa tôi và Huế trong lần gặp gỡ kỳ ngộ này. Mặt trời trốn đi đâu mất cả ngày. Đến trưa xế bóng thì chỉ là hanh nắng vàng cuối Xuân. Thế mà ngày cuối cùng ở Huế của tôi trời bỗng hơi se lạnh.
Tôi bước chân ra cửa. Sương mù trời. Cả con đường im ỉm của sáng sớm và những cửa tiệm chỉ thấp thoáng trong màn sương trắng đục. Bên vệ đường, hai hàng cây cao mảnh khảnh như dáng những cô gái Huế có lẽ đã ướt đẫm sương đêm, giờ chỉ còn là những nét nhỏ gầy guộc như nét vẽ phác thảo của họa sĩ. Dường như hơi sương bay bay giữa lưng trời.

Sáng sớm phố Huế yên lặng quá và nó đã làm cho tôi có cảm tưởng như là không ai nỡ khua động cái tĩnh lặng ấy. Tôi muốn tìm cảm giác đi giữa phố sương mù ở Huế này xem sao. Thấy những cô bé học trò mặc áo trắng đạp xe đến trường trong những chiếc áo len, tôi cũng khoác áo đi theo con đường áo trắng ấy.

Tôi đã rất ngạc nhiên khi nhìn thấy những vỉa hè ở Huế dọc theo bờ sông Hương vẫn còn nguyên vẹn ý nghĩa của nó - vỉa hè dành riêng cho người đi tản bộ. Chúng nó đã không bị thay đổi bởi những kiểu gạch trang trí tân thời mà vẫn là những viên gạch từ lâu đời, ngả màu năm tháng lẫn với màu cát bụi đường xa của khách viễn phương. Trong lòng tôi, tôi vẫn có thói quen yêu những vỉa hè, những con đường cũ kỹ như thế bởi vì nó đã từng ôm ấp những bước chân năm tháng của tôi mỗi ngày.

Náo nức khi nghĩ rằng tôi sắp sửa được ngắm cảnh mờ ảo sương khói trên sông Hương và cầu Trường Tiền mà từ xưa đến giờ tôi chỉ thấy được trong sách vở, phim ảnh hay trong nghệ thuật nhiếp ảnh mà thôi, tôi cầm theo chiếc máy ảnh. Bờ Nam sông Hương bên kia hình như vẫn còn ngủ muộn, nhưng bên này bờ thì đã có khách hàng ngồi nhâm nhi ly café sáng sớm trên vỉa hè bên cạnh cầu Trường Tiền rồi.

Tôi chợt ngẩn người ra trước cảnh tượng sương mù trên mặt nước sông Hương - nó như một bức họa. Không một ngọn gió sớm làm mặt nước sông gợn sóng. Sương mù bắt đầu từ phía xa xa của sông Hương đã lan dần, lan dần trên mặt nước sông phẳng lặng. Tôi vừa đi chầm chậm ngược lại với hướng sương mù ấy vừa bấm máy chụp hình. Một nét đẹp quyến rũ không thể diễn tả bằng lời được, nó như thể là ảo ảnh ... Phải chụp thật nhanh cảnh sương lan tỏa trên sông Hương này, kẻo rồi cả dòng sông và chiếc cầu sẽ biến mất. Quả thật vậy, màn sương buông xuống nhẹ nhàng, nhẹ nhàng quá đến nỗi tôi không biết là dòng sông đã biến mất tự bao giờ. Chỉ một thoáng bên đời, em rồi đã xa xăm ...

Không còn thấy đâu là thành cầu Trường Tiền và cũng chẳng thấy đâu là mặt nước sông. Màn sương mờ mờ ảo ảo ấy đã xóa lấp từng nhịp cầu và tôi không thể đếm nhịp cầu được nữa. Không biết chiếc cầu ở nơi đâu và cũng chẳng biết dòng sông ở chỗ nào giữa cái màu trắng huyễn hoặc ấy. Chiếc cầu đã hoàn toàn tan biến vào hư không. Không còn ranh giới giữa trời mây thiên đình và cõi người trần tục. Tất cả dường như hòa lại thành một. Nó hòa tan với đất trời mênh mông trong một vẻ dẹp hoàn hảo: Trắng đục màu khói sương. Cảnh vật bỗng nhiên trở nên vô bờ bến ... và con đường mà tôi đang đứng dưới chân là một thế giới khác. Tôi có cảm tưởng rằng tôi có thể xòe tay ra để hứng lấy sương mù bay khắp nơi. Bờ Nam của sông Hương rải rác vài căn nhà có nóc hơi cao cao, giờ chỉ còn lại cái chỏm của ngôi nhà lơ lửng giữa trời không. Toàn thể căn nhà đã chìm vào sương mù như dòng sông và chiếc cầu vậy. Con đường, nhà cửa, dòng sông, chiếc cầu và phố xá bỗng nhiên thay đổi thành một quang cảnh khác biệt lạ thường. Mờ mờ nhân ảnh như nhà thơ Hàn Mặc Tử đã từng say mê chăng?

Tôi mơ ước được về thăm Huế lần nữa để nghe lại những âm thanh luyến láy nhè nhẹ trong giọng nói của những cô gái Huế với nụ cười khép kín tựa thâm cung hay tìm lại những giây phút chùng lòng nhất trong đêm thả đèn hoa đăng. Nâng nhẹ cánh sen giấy thả xuống dòng sông sau đêm trăng ca Huế trên dòng sông Hương, dẫu ngọn đèn có lung linh sáng giữa đêm trăng hay lao đao giữa dòng, thì ước nguyện đem ánh sáng soi rọi vào biển trầm luân của chúng sanh hoặc là lời ước hiền lành nhất đã được thả trôi theo sông nước với tất cả niềm thành kính tận đáy lòng.

Trong một lần nghe ca Huế, khi tôi đặt chân lên chiếc thuyền rồng bên bờ sông Hương vào lúc trời chiều nghiêng nghiêng bóng nắng, có tìm lại được hình ảnh của điệu múa Hoa Đăng cung đình ngày xưa không thì tôi chưa biết, nhưng tâm hồn tôi từ lúc ấy đã cảm thấy hạnh phúc với mênh mang trời nước và chơi vơi giữa dòng rồi. Hạnh phúc ấy tôi nghĩ chẳng xa vời lắm đâu, chỉ cần một tấm lòng nâng niu quá khứ, yêu những mảnh đời kỹ nữ đã dâng đời mình trọn vẹn cho Tương Tư Khúc, Nam Ai, Nam Bình, trân trọng những ngón đàn ngậm ngùi đã đi vào lãng quên, để rồi cùng ngồi lại với nhau bên mạn thuyền mà thưởng ngoạn cái thú của mờ ảo, trữ tình, thơ mộng hay trầm ngâm, suy gẫm về đời, về người, về mộng khi con thuyền xuôi về bến đỗ thiên thu.

Ngây ngất với cái không gian lãng mạn của sông nước trữ tình, cái giai điệu ngũ cung của ca Huế trên sông Hương vào đêm trăng cũng chưa đủ níu lòng tôi với Huế cho đến khi tôi gặp một cô bé ngoài khuôn viên cửa Khổng sân Trình. Tôi không biết tên em là gì, nhưng tôi đã đặt một cái tên rất dễ thương cho em: Cô Bé Bán Bánh Nậm (tôi bắt chước người yêu của tôi đặt tên cho tôi là Cô Bé Áo Đỏ đấy em ạ, em có thích không?). Em mặc chiếc áo hoa cũ sờn vai có đôi mắt buồn như nắng trưa hè hôm ấy. Ở vào độ tuổi như em, tôi cũng đã từng say mê trò chơi bán đồ hàng - những món hàng đầy thú vị trong tưởng tượng của tuổi thơ. Những chiếc lá được làm thành tiền, những đóa hoa trở thành những cái bánh, những chiếc lá khoai sắn mì được làm thành sợi dây chuyền lủng lẳng xinh xinh, những tờ giấy xếp thành cái bóp đựng tiền đi chợ mua quà, những viên đất sét vo tròn vụng về như là những viên bi nằm ngoan ngoãn trong chiếc thúng bằng giấy. Trong hạnh phúc của trò chơi ấy tôi chưa biết kiếm tiền thật như em, Cô Bé Bán Bánh Nậm ạ.

Đáng lẽ giờ này em sẽ phải ở trong lớp với thầy cô, bạn bè sách vở, để tuổi thơ của em sẽ được ươm đầy mật ngọt trong những câu chuyện thần thoại cổ tích bà tiên hiền lành. Nhưng không, em đã lê gót chân buồn thiu của em khắp vỉa hè. Sau lưng em là thế giới của thiên đường học trò. Cái dáng em ngồi dựa lưng cổng trường sao buồn quá. Đáng lẽ em sẽ ở bên trong cánh cửa ấy, chứ không phải ngồi ở ngoài cánh cửa của cổng trường như thế đâu em ạ. Để được tung tăng với niềm hạnh phúc làm học trò - một hạnh phúc lớn và dễ thương nhất của một đời người. Để em sẽ là cô bé bím tóc nơ cài như những ước mơ hồng dễ thương của tuổi thơ.

Em đã ngước mắt nhìn tôi và mời tôi mua bánh cho em. Dường như cái ngước mắt ấy của em đã không vói đến được mảng trời trong xanh trên hàng cây mướt lá của vỉa hè mà cái nhìn chỉ nhìn vào ánh mắt của tôi. Vâng, tôi đã mua bánh của em sau câu trả lời rất nhỏ nhẹ ... “ Dạ thưa, chỉ có 5000. đồng một dĩa bánh thôi dì “.

Tôi nhớ rõ làm sao bàn tay của em lẹ làng tháo lớp lá gói những chiếc bánh nậm nhụy tôm thịt, xếp bánh và những miếng chả tôm thành vòng tròn quanh chiếc dĩa nhỏ. Dường như nỗi vui của em cũng đầy như dĩa bánh mà em trao cho tôi. Mãi sau này, có một người bạn đã hỏi tôi rằng tại sao tôi không mua hết bánh của em. Lúc ấy, vụng về làm sao - tôi chỉ nghĩ là tôi không có thể ăn hết chừng ấy bánh nậm của em một lúc được, chứ không nghĩ là tôi có thể mua hết bánh của em và mời mọi người trong khách sạn cùng ăn cho vui.
Tôi nợ em, Cô Bé Bán Bánh Nậm ạ. Tôi nợ em lời dạ thưa lễ phép. Nợ em một lời mời chào hàng lịch sự. Và nhất là nợ em một món nợ tình người. Tôi là người khách phương xa đã không cho em trọn niềm vui đơn giản: mua hết những chiếc bánh mà em bày bán trên cái trẹt nhỏ. Tôi chỉ mua vỏn vẹn có một dĩa bánh cho em mà thôi.

Mai mốt xa Huế rồi ... lòng tôi se lại khi chợt nghĩ đến điều ấy, nhưng tôi tin rằng, một ngày nào đó tôi sẽ có duyên gặp lại em lần nữa, bởi vì món nợ mà tôi nợ em vẫn canh cánh bên lòng từ độ tôi rời xa em. Trong lòng tôi, cái âm thanh nhỏ nhẹ của hai tiếng dạ thưa rất Huế nơi em cứ mãi vấn vương tôi. Em là Huế và xứ Huế của em đã cho em hai tiếng dạ thưa ngọt ngào ấy. Cảm ơn em đã cho một người khách phương xa như tôi một món quà đặc biệt vô cùng. Tôi trân quý món quà em tặng cho tôi biết mấy.

Dẫu Huế rêu phong, tự Huế đã là thơ và tự em đã là Huế - một nét Huế chân tình. Tôi nhớ Huế và nhớ Em - Cô Bé Bán Bánh Nậm đượm Huế của tôi ơi. Phải chăng tôi đã say men tình với Huế?

Như Thương

No comments:

Post a Comment

Cái Đêm Hôm Ấy . . . Đêm Gì?

TTR: Chắc chắn không ai đọc được những bài ký sự như thế này mà còn có thể hình dung ra cảnh người dân bị bóc lột tàn bạo, phi nhân hơn nữa ...