13 August 2010

Nhận đinh

Ngày tiêu vong của Đảng Cộng Sản Việt
được dời lại?

Điền Thảo
Chính sách ngoại giao của Cộng Đảng Việt đã trải qua nhiều giai đoạn đổi hướng  ở những khúc bấp bênh trong lịch sử của đảng này. Chính sách ngoại giao ấy được uốn nắn theo quyền lợi của đảng chứ không dựa trên quyền lợi quốc gia. Từ năm 1930 Cộng Đảng Việt dựa hẳn vào Đệ Tam Quốc Tế để mưu cầu đưa đảng lên nắm trọn quyền bính. Họ sẵn sàng hy sinh quyền lợi đất nước để giành sự hỗ trợ của Liên Xô và sau này là Tàu Cộng

Trước nguy cơ Đảng bị tiêu vong trong thập niên 80 vì kiệt quệ sau hai cuộc chiến họ phát động và sau khi khối Xô Viết tan rã họ đã quay về Nước Tàu CS, hy sinh đủ điều kể cả việc cấm đoán người dân không được đả động đến hành động tham tàn của kẻ thù phương bắc. Chính sách nín nhịn kẻ thù truyền kiếp phương bắc để cứu Đảng không ngờ gặp sự chống đối ngấm ngầm từ trong nước và rầm rộ từ khối Việt Kiều hải ngoại.

Cộng Đảng vốn coi thường dư luận dân chúng, nhưng trong những năm qua sự chống đối đạt  cao điểm đe dọa tính chính thống của Đảng, khiến bộ não Đảng phải suy nghĩ. Chưa bao giờ người dân trong nước dám nói thẳng như lúc này nhất là về mối liên hệ với nước Tàu. Giới chức chính quyền độc đảng công du nước ngoài luôn luôn bị chính người dân sống ở hải ngoại tạt sơn, liệng trứng thối. Những hoạt động kinh tài và văn hóa nhắm củng cố địa vị độc tôn của Đảng bị phanh phui và chống đối ở hải ngoại dữ dội. Mức độ chống đối chỉ có tăng mà không giảm. Cộng Đảng Việt một lần nữa đang gặp chặng đường một mất một còn vì chọn lầm  Tàu Cộng  làm bạn, và vì sự chống đối từ chính dân tộc họ đang thống trị.

Hẳn bộ não Cộng Đảng Việt đã nhận ra rằng từ trí thức đến dân giả, người dân ai cũng thấy Đảng đang đi đến chỗ quá nhu nhược mà Đảng lại tự dối rằng đó là điều khôn ngoan. Thế nên từ chỗ chịu nhục nín nhịn để kẻ thù lấn tới bấy lâu, nay Hà Nội chẳng đặng đừng - mong rằng không phải như vậy - lên tiếng tố cáo nước Tàu CS xâm phạm lãnh hải của mình để gỡ lại thể diện đã mất và để cứu vãn chính nghĩa cho Đảng.

Hy vọng mọi chuyện chưa quá trễ. Kẻ thù phương bắc không thể ngừng lại khi tham vọng của họ đã được thả lỏng tung hoành trên biển trên đất liền gần bốn thập niên kể từ khi chúng tiến chiếm một số hải đảo của Nước Việt vào năm 1974 mà không bị Hoa Kỳ chống đối.

Chính sự trỗi dậy của một nước Tàu Cộng Sản khiến nẩy sinh nhiều phương hướng mới từ phía Hoa Kỳ và các nước Đông Á. Sự trỗi dậy của đảng Quốc Xã ở Đức và sự hình thành của đảng Bôn-Sơ-Vích tại Nga đã khiến trái đất bị lầm than. Liệu nỗi ám ảnh còn mới này có khiến các quốc gia tự do dân chủ quan ngại hay không, hay quan ngại tới mức nào về một nước Tàu với hệ thống cai trị độc tài và bị hôn mê vì chủ nghĩa bành trướng?

Các chuyên gia chiến lược đồng thanh tiên đoán sự tăng trưởng kinh tế của Tàu Cộng sẽ cho phép nước này thống trị khu vực Đông Nam Á trong đó có Nước Việt. Nhưng, tham mà không ngoan, ý đồ bành trướng lộ ra quá trơ trẽn, quá nhanh nên gây ra những cuộc đụng độ với các nước trong vùng khiến bộ mặt của Tàu Cộng trở nên gớm ghiếc.

Báo cáo của Viện Chính trị đối ngoại Úc kết luận , “đa số các nước châu Á hình như lại lặng lẽ đến gần Mỹ để cân bằng quyền lực chống lại tiềm năng tương lai của Trung quốc”. Đến nỗi người ta cho rằng quốc gia hiện là mối đe dọa lớn nhất cho khu vực là Tàu Cộng chứ không phải Bắc Triều tiên, khác với những nhận định trước đây của đa số.

Ai cũng nhận ra rằng Tàu Cộng đang bỏ qua dịp may dùng sự trỗi dậy của mình như đối trọng chiến lược với ưu thế của Hoa Kỳ. Khốn thay nỗi đam mê khôn nguôi muốn chiếm Biển Đông (phía Nam Nước Tàu) làm của riêng khiến Bắc Kinh trở nên mù lòa để rồi đang đẩy các nước trong vùng tranh chấp sáp lại với Mỹ, là nước bị dư luận bôi đen sau khi bỏ rơi Miền Nam cho khối Cộng vào năm 1975.

Đột nhiên Hoa Kỳ trở lại nắm lấy chính nghĩa đã mất sau cuộc tháo chạy khỏi cuộc nội chiến trên đất Việt năm 1975, cuốn cờ ra đi gói theo danh nghĩa kẻ đồng hành khó tin và trịch thượng. Nay thì các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Nước Việt, thấy rằng không nước nào ngoài Hoa Kỳ có đủ quyền lợi ở Biển Đông mà lại đủ sức mạnh để ngăn chận bớt, ít ra là như vậy, tham vọng của Bắc Kinh.

Trước mắt Hoa Kỳ, Hà Nội có thể là kẻ buộc phải đương đầu với Tàu Cộng trước tiên và có khả năng nhất làm được việc hơn những nưóc khác trong vùng nhờ bộ máy chiến tranh và kinh nghiệm sẵn có. Những lời tuyên bố mới đây của thứ trưởng quốc phòng và của phát ngôn viên bộ ngoại giao Hà Nội đủ mạnh để suy đoán Hà Nội đã được Mỹ ngầm hỗ trợ.

Washington từng bước cho thấy Đảng CS Việt là người có thể bảo vệ quyền lợi của Mỹ ở Đông Nam Á. Mới đây một tường trình nhan đề "Hoa Kỳ Trình Diễn Liên Hệ Quân Sự Với Việt Nam" đăng trên tờ  China Daily cho hay Mỹ-Việt đẩy mạnh liên hệ từ mậu dịch đến thương mại  đến cả việc bị tranh cãi như thỏa thuận trao đổi năng  lượng và kỹ thuật nguyên tử dân sự là yếu tố giúp VN có thể tăng trọng  Uranium (Uranium enrichment) ngay trên đất nước mình*.

Dù chuyện tăng trọng Uranium có thật hay không, dư luận quốc tế nhìn nhận rằng việc Hà Nội và Mỹ cần nhau và phải hợp tác để chận bước nam tiến của Bắc Kinh là chuyện không xa.  Nhìn dưới lăng kính của một người Việt, người ta còn thấy rằng việc Hà Nội dựa vào Washington  để tìm hỗ trợ chống bắc xâm là chủ đề có thể đưa đến tình trạng phân hóa hàng ngũ không cộng sản ở trong và ngoài nước, tạm thời hoặc lâu dài.

Thế nên ngày tiêu vong của đảng Cộng Sản Việt có thể được hoàn cảnh trì hoãn theo những điều kiện thực tế đang xẩy ra. Người Việt ham chuộng tư do dân chủ mới đây rất hoan hỷ sau lời tuyên bố của ngoại trưởng Hillary Clinton ở Hà Nội thẳng thừng thách thức Bắc Kinh về chuyện Biển Đông, và cũng chính những người Việt này lại nhận ra tự do dân chủ sẽ đến trên đất Việt chậm hơn, uể oải hơn chứ không nhanh như ước nguyện.

Điền Thảo
_____
(*) US puts on display of military ties with Vietnam
By Li Xiaokun (China Daily)

No comments:

Post a Comment

Câu Chuyện Đêm Giáng Sinh

Buổi chiều ngày 24 tháng 12 năm 2004, Wendy, cô sinh viên năm thứ hai đại học Dược khoa đang đứng đợi chuyến xe lửa dưới subway của thành ph...