17 August 2010

Truyện ngắn nổi tiếng của Tolstoy.

Cái Chết Của Ivan Ilych

Trọng Đạt

Đây là một truyện ngắn nổi tiếng của Tolstoy xuất bản 1886, được hầu hết các nhà phê bình nhìn nhận là truyện ngắn nổi tiếng nhất của Tolstoy và một trong những tác phẩm tuyệt diệu nhất trên thế giới.
Tolstoy ưu tư nhiều về cái chết : cái chết của ông hoàng (André) Andrew trong Chiến Tranh Và Hoà Bình, Anna trong Anna Karenina, Vasilii trong Chủ và Tớ, Master and Man, và bây giờ ý nghĩa của cái chết được đào sâu hơn bao giờ hết trong The Death of Ivan Ilych .
Sơ lược.
Ivan Ilych chết năm 45 tuổi, con thứ hai một ông công chức, học luật ra làm bí thư tổng đốc, năm năm sau giữ chức phụ tá công tố tại một tỉnh khác, có quyền thế được nhiều người nể sợ, chỉ một chữ ký có thể bắt giam người khác. Chàng lấy vợ, thời gian sau hay cãi nhau, không hạnh phúc. Sau bẩy năm được giữ chức Công tố viên Ivan lên kinh thành Peterburg vận động chức vụ mới, được bổ nhiệm chức vụ cao, lương cao hơn, gia đình lại hoà thuận. Chàng thuê nhà sang trọng, Ivan trèo lên thang để chỉ cho thợ trang trí nhà cửa, trượt chân ngã nhưng nắm được thang chỉ bị đụng hông vào khung, bị bầm thịt, đau ít ngày rồi hết.
Từ đó sinh bệnh, nhạt miệng khó chịu, đi khám bác sĩ được biết có thể hoặc ruột dư, sưng thận, ông cũng cho biết phải thử nghiệm mới biết. Ivan đau liên tục, tự trấn an, uống thuốc nhưng vẫn đau, bác sĩ cho biết tình trạng tệ hơn, đi khám bác sĩ nổi tiếng ông cũng nói như ông kia. Hai tháng sau em vợ tới chơi, Ivan nghe lén vợ và em nói chuyện với nhau, họ bảo chàng gầy ốm như xác chết khiến anh càng thêm lo. Vẫn đau dai dẳng, uống thuốc thấy đỡ nhưng cơn đau lại trở về. Ivan nghĩ nay là vấn đề sống chết chứ không còn là chuyện ruột dư.

Sang tháng thứ ba, Ivan đau đớn mất ngủ, người ta chích thuốc phiện để giảm đau. Ivan ghét cay đắng người đời giả dối, họ nói chàng sẽ hết bệnh trong khi biết mình sắp chết, cơn đau theo đuổi dai dẳng, Ivan thất vọng ê chề. Cơn đau hành hạ, thuốc giảm đau không hết, Ivan khóc cho sự tàn ác của người đời, của Thượng đế. Ivan nhớ lại những ngày sung sướng xa xưa, những ngày oanh liệt khi còn làm ông tòa gần đây. Ivan cô đơn giữa thành phố đông người, sống bằng quá khứ. Ivan đau khổ trách móc người đời, trách cả vợ con .
Bệnh nhân đau đớn, rên xiết, vợ chàng khóc lóc cho đi mời cha tới làm phép

Ivan kêu la quằn quại ba ngày, qua hai lớp cửa đóng người ta vẫn còn nghe thấy, chàng như bị đẩy xuống dưới một cái túi đen, giờ hấp hối kéo dài, cuối ngày thứ ba, cậu con trai học sinh lẻn vào phòng hôn tay cha khóc, Ivan lúc này thương vợ con, không còn sợ chết, không còn cái chết, giờ hấp hối kéo dài hai giờ thì chàng tắt thở.

Tâm trạng Ivan đã được diễn tả qua nhiều khía cạnh như sau.
- Lo âu . Khi mới phát bệnh Ivan cáu kỉnh cãi vã với vợ, nàng khuyên Ivan hiện bị bệnh nên đi khám bác sĩ. Thầy thuốc cho biết có thể do sưng thận, đau ruột dư, cần phải thử nghiệm rồi mới biết. Trên đường về nhà, Ivan lo âu không cùng, chàng nhìn cảnh vật bằng cặp mắt chán chường, cơn đau nhói tăng dần, nghe lời vợ Ivan uống thuốc đều đặn theo toa tuy cơn đau không giảm nhưng chàng tin có bớt hơn trước. Sự bực mình cáu kỉnh làm cho bệnh tăng thêm, khi đi bác sĩ lại được biết tình trạng xấu thêm, Ivan đi khám bệnh luôn, chàng đi khám một bác sĩ danh tiếng khác và càng lo sợ, xuống tinh thần hơn.
Bên hông vẫn đau đớn khó chịu, miệng nhạt, hôi miệng, Ivan thấy tình trạng mình đáng sợ hơn, nội tâm rối như tơ vò nhưng ngoại cảnh vẫn thản nhiên. Hai tháng trôi qua, em vợ ở xa đến thăm, anh ta nhìn Ivan nói ồ! khiến chàng nghĩ mình đã thay đổi nhiều, bèn soi gương thấy mình gầy ốm và lo lắng vô cùng,. Vợ và em bàn thảo vối nhau. Ivan nghe lén được biết họ nói chàng trông bệnh hoạn quá khiến chàng lo thêm.
- Sợ chết. Ivan đến một bác sĩ khác được biết có lẽ do ruột dư và có thể chữa hết, chàng uống thuốc cảm thấy đỡ hơn lòng khấp khởi mừng thầm. Rồi lại đau nữa, Ivan chán nản vì bệnh tình ngày càng xấu, chàng nghĩ bây giờ không còn là chuyện thận hay ruột dư mà là vấn đề sinh tử, có sống được không? Ivan cảm thấy đời mình đang tàn dần, đang chết dần, mình sẽ chết, không còn hy vọng gì nữa.
Ivan nhớ ngày mới phát bệnh đi bác sĩ, rồi đau đớn, lo âu ngày càng yếu và rồi cái chết đang từ từ tiến tới khiến chàng càng giận dữ hơn, chàng thấy mình đang chết dần và và chán chường thất vọng. Tam đoạn luận nói Caius là người, người phải chết, vậy Caius phải chết. Chàng cho rằng câu này chỉ đúng với Caius, hắn là người trừu tượng còn mình là Ivan, con người thật không thể chết như Caius được. Ivan cố xua đuổi ý tưởng ấy nhưng nó lại trở về. Trong một lần đang làm việc tại cơ quan tự nhiên chàng thấy phát đau không nói tiếp được.
- Ghen ghét người đời. Bệnh nhân thập tử nhất sinh tỏ ra ác cảm với những người khỏe mạnh không bệnh hoạn, vợ con Ivan tiếp khách, trong bụng họ có vẻ không vừa ý.  Ivan cãi cọ với vợ luôn, chị ta đau khổ vì mất hạnh phúc gia đình. Bạn bè đến nhà đánh bạc với Ivan rồi ra về, chàng cảm thấy đời mình gây tổn hại cho bản thân và cả cho người khác nữa. Ban đêm cơn đau lại âm ỉ, ban ngày ra toà án làm việc, Ivan đang ở trên bờ vực thẳm, chàng thấy chẳng có ai thông cảm cho mình. Chàng sợ chết, thấy vợ con, khách khứa vui chơi không nghĩ gì đến mình, mai kia họ cũng sẽ phải chết. Khách khứa ra về, vợ con vào phòng hỏi thăm Ivan vài câu rồi bước ra, Ivan tự nhiên thấy ghét cay đắng vợ.
Bệnh đã sang tháng thứ ba, vợ con, gia nhân đầy tớ bạn bè như đang nghĩ rằng chàng sẽ ra đi để thoát khỏi căn phòng, thoát khỏi cơn đau dai dẳng. Ivan ít ngủ, bác sĩ chích thuốc phiện để giảm đau nhưng không khả quan mấy, chàng lại đau khổ về sự giả dối của người đời, họ cứ bảo chàng chỉ bị bệnh chứ không chết, họ nói láo về những ngày tàn của chàng, Ivan muốn la to: "Các người đừng nói láo nữa, ta đang chết đây".
Chàng nghĩ chẳng ai thương xót mình và mong được vuốt ve an ủi những ngày cuối cùng. Một bác sĩ mới đến chẩn bệnh, ông cũng nghe ngóng trên dưới. Ivan nhìn bác sĩ nghĩ bụng “Sao bác sĩ không xấu hổ vì nói xạo? Tất cả chỉ là trò giả dối”.
Vợ chàng lại cho mời một bác sĩ danh tiếng, ông này có vẻ nghiêm nghị, khám xong cho biết vẫn còn chút hy vọng nhưng nó chỉ loé lên một lúc và cơn đau vẫn còn bám theo Ivan. Ăn xong, vợ chàng vào thăm, chị ta mặc diêm dúa sắp đi dự dạ hội khiến chàng ghét cay ghét đắng. Mấy đứa con cũng sắp đi, chúng ăn mặc đẹp, vào chào Ivan làm cho chàng thoải mái vì không còn thấy sự giả dối của họ.
Vợ chàng vào, Ivan đau kêu rên bảo
- Làm ơn để tôi chết êm thắm bà ơi.
Con gái vào thăm, chàng bảo.
- Ta mong được chết quách cho rồi
Cô con gái than với mẹ.
-Mẹ và con có gì đáng trách đâu? Bố làm như mẹ con mình gây lên nông nỗi này, con tội nghiệp cho bố nhưng tại sao lại trách chúng ta?
Bác sĩ đến thăm, Ivan bảo.
- Ông đã biết ông không giúp gì cho tôi được, cứ để mặc tôi.
Bác sĩ đáp.
- Tôi làm ông bớt đau.
- Ông cũng chẳng làm tôi bớt đau, cứ kệ tôi.
Khổ đau. Cơn bệnh đã sang tháng thứ ba, cơn đau vẫn dai dẳng như bóng với hình, Ivan kêu la vì tình huống khốn khổ hơn là vì đau đớn. Chàng mong cho nó chóng hơn, mau hơn, chết là điều tốt nhất hiện nay. Một tia hy vọng mong manh chợt tới song lại vụt biến mất, thất vọng ê chề lại nổi lên cùng cơn đau vô tận, đau triền miên không bao giờ dứt, ngưới ta lại chích thuốc phiện chỉ để quên đau trong phút chốc.
Cơn đau vẫn hành hạ Ivan, chàng uống thuốc giảm đau nhưng không bớt mấy. Ivan khóc lóc như đứa trẻ con, chàng khóc cho sự cô đơn, sự tàn ác của người đời, cho sự tàn ác của Thượng Đế: “Sao Người lại hành hạ tôi mãi thế này?”
Ivan thôi khóc, lắng nghe tiếng nói của tâm hồn mình. “Ta muốn sống, muốn dứt cơn đau, muốn sống cuộc đời như ta đã sống trước đây, cuộc đời vui tươi hạnh phúc”.
Ivan đau khổ về tinh thần nhiều hơn thể xác, nhìn vợ con, gia nhân họ đều khoẻ mạnh, đó là hình ảnh cuộc sống của mình trước đây và đau khổ khiến cho cơn bệnh làm chàng đau đớn hơn bội phần.
Bác sĩ bảo bà vợ nay chỉ cần có thuốc phiện làm giảm đau , ông nói bệnh nhân đau đớn lắm nhưng đau tinh thần nhiều hơn: Ban đêm Ivan nhìn mặt tên hầu Gerasim đang ngủ, khuôn mặt hắn rộng, phúc hậu, Ivan nghĩ phải chăng cuộc đời chàng trước đây đã sai đường không đúng, công việc tại toà tất cả có thể sai, những tư tưởng này làm cho Ivan đau bệnh hơn.. Ivan rên siết đau đớn, họ chích thêm nhiều thuốc phiện khiến chàng mê man, tới giờ ăn trưa Ivan đau đớn lăn lộn.

- Nhớ quá khứ. Ivan nhớ lại thời thơ ấu, thời học sinh rồi ra trường đầy hy vọng và nhựa sống rồi kết hôn với Praskovya, người ta tưởng đời Ivan lên cao nhưng thực ra xuống dốc và bây giờ đang từ từ tới cái chết. Ivan cũng nhớ tới những ngày huy hoàng đầy quyền hành tại tòa án, khi người thừa phát lại la lớn :
-Quan toà đến.
Nhưng than ôi thời oanh liệt nay còn đâu. Lúc tuyệt vọng chàng nhớ tới quá khứ để tiếc rẻ cuộc đời, nhất là cuộc đời thuở hoa niên sao đẹp thế mà nay cái chết tới thật đột ngột sao nhanh thế.
- Tình thương. Ivan nghĩ chẳng có ai thương mình ngoài tên hầu Gerasim và cậu con trai, học sinh. Một hôm Ivan nhờ tên hầu này gác đôi chân chàng trên vai hắn, Gerasim rất thông cảm ông chủ, có khi hắn vác đôi chân ông suốt đêm, hắn tội nghiệp cho ông chủ, hắn bảo ngài không lo, con đã ngủ đủ rồi, Ivan nghĩ hắn không nói dối và thương cho ông chủ nhiều. Cuối ngày thứ ba, hai giờ trước khi Ivan chết, cậu con trai học sinh lẻn và phòng đến cạnh cha trong khi ông đang hấp hối la hét vung tay đụng đầu con, cậu cầm tay bố hôn và khóc vì tội nghiệp cho bố, Ivan mở mắt tội nghiệp cho cậu con trai. Khi ấy vợ vừa tới há miệng nhìn chàng, lệ tuôn rào rạt trông tuyệt vọng khiến chàng cũng đâm thương vợ và nghĩ mình làm khổ họ, nếu chàng chết họ sẽ bớt khổ hơn.
-Giải thoát. Ivan bảo vợ mang cậu con trai ra khỏi phòng, chàng thương cho họ, phải làm sao cho họ hết đau khổ và tự giải thoát khỏi cơn hấp hối này. Nay Ivan thấy một điều rõ ràng là cái đã dầy vò hành hạ chàng dai dẳng nay bỗng biến mất trên thân thể. Lúc này chàng tự hỏi đau đớn đi đâu rồi, mày ở đâu? chàng bèn tìm kiếm nó, nó đây rồi, mặc kệ nó. Còn cái chết, mày ở đâu? chàng tìm lại cái tâm trạng sợ chết của mình trước đây nay không thấy nó đâu cả, sự sợ hãi, mày ở đâu? không còn sợ hãi vì cái chết cũng không còn hiện hữu.
Thay vì chết nay là ánh sáng, bỗng Ivan la lên
“Nó đây rồi, vui sướng thay!”
Chàng thấy tất cả trôi qua trong một khoảnh khắc nhưng thực ra giờ hấp hối của chàng kéo dài hai tiếng đồng hồ. Có người nói “nguội rồi”, chàng nghe thấy câu ấy và nhắc lại trong tâm hồn và tự nhủ
“Cái chết đã qua, không còn chết nữa”.
Ivan thở vào nửa chừng, duỗi chân ra rồi chết.
Cái Chết Của Ivan Ilych là một bi kịch, cuộc đời là một bi kịch. Cuộc đời của một viên quan chức cao từ nhỏ đến khi ra đời thành công trên sự nghiệp nhưng kết thúc bằng tấn thảm kịch . Ở một khía cạnh nào đó ta có thể thấy nghệ thuật của Tolstoy ở đây gần với tinh thần yếm thế của Đức Thích Ca Mâu Ni. “Cuộc đời là một chuỗi dài những khổ đau … những sự khổ đau ghê gớm nhất Life, a series of increasing sufferings….the most fearful sufferings - page 126”
Tolstoy đã dành nửa tác phẩm ngắn này để mô tả tỉ mỉ cơn đau cũng như tâm tư dằn vặt của một bệnh nhân trong những ngày cuối cùng của cuộc đời.
Về phương diện nghệ thuật sự diễn tả tâm lý, cái nhìn hướng nội của Tolstoy thật sâu sắc đã được các nhà phê bình cho là một trong những đoản thiên có giá trị nghệ thuật cao nhất trên văn đàn thế giới. Hơn bao giờ hết Tolstoy đã diễn tả trung thực cái tâm lý tham sinh úy tử của con người, họ đã bám víu vào những hy vọng mong manh treo trên sợi chỉ mành như Ivan Ilych khi đã cầm chắc cái chết trong tay nhưng vẫn còn mơ tưởng hoặc tiếc nhớ vu vơ. Khi cái chết đã thực tới thì cuộc đời không còn là bi kịch, đó là sự giải thoát.
Truyện ngắn nổi tiếng của Tolstoy đã được nhiều nhà nghiên cứu phê bình đánh giá cao:
“Về phương diện văn chương, Cái Chết của Ivan Ilych là một trong những tác phẩm cảm động sâu sắc nhất, tuyệt diệu nhất của mọi thời đại. Đó là một kiệt tác của nền văn chương thế giới.
From a literary point of view, The Death of Ivan Ilych is one of the most profoundly moving, brilliant pieces of writing of all time. It is a masterpiece of world literature-
Morris Philipson , The CountWho Wished He Were A Peasant, page 112.”

Theo Ernest J. Simmons trong Introduction to Tolstoy's writings .

“Cái Chết của Ivan Ilich đã được nhiều người ca ngợi vì nó là một tác phẩm nghệ thuật phong phú đầu tiên của ông từ chín năm qua khi ông viết Anna Karenina. Hình như tác giả trứ danh này đã quay về với nghệ thuật mà chính nó đã làm cho ông nổi tiếng trên thế giới.
(The public hailed The Death of Ivan Ilych, for it was the first substantial artistic work that he had written since Anna Karenina nine years before. At last it seemed that the celebrated author had returned to the art that won him international fame - page 148-149)

William W. Rowe nhận xét nhân vật chính của ông đã sống vô nghĩa, cho đến lúc sắp nhắm mắt lìa trần mới biết mình đã sống sai đường, sống thừa.

“Trong Cái Chết của Ivan Ilych, đoản thiên nổi tiếng nhất của Tolstoy viết 1886, nhân vật chính đã nhận ra sự thật tan nát đúng vào lúc sắp lìa đời: cả cuộc đời của chàng ta theo đúng nghĩa chỉ là cái chết kéo dài ra.
(In Tolstoy's most famous short story The Death of Ivan Ilych 1886 , the hero discovers a shattering truth just before he dies: his entire life has in a real sense been a protracted “ death” - William R. Rowe, Leo Tolstoy page 102)

Morris Philipson trong cuốn The CountWho Wished He Were A Peasant, trang 111-112 cũng có nhiều nhận xét tương tự như William W. Rowe.
Morris cho rằng truyện muốn gửi tới độc giả những lời nhắn nhủ những kẻ chỉ sống theo tiêu chuẩn xã hội sẽ chết vì nó như Ivan Ilych, người chỉ biết sống để thực hiện sự thành công bề ngoài. Cái chết gần kề đã khiến cho con người này thấy thực chất của lối sống theo bề ngoài. Tolstoy thương cho nhân vật chính của ông, một kẻ chịu nhiều đau khổ mà không nhận ra sự thật, truyện ám chỉ sự bế tắc không lối thoát, tại sao con người lại sống một cuộc đời trống rỗng, không mục đích như vậy?

“Toàn thề tác dụng của truyện là để cho mỗi người đọc tự đạt câu hỏi: cuộc đời của ta có còn ý nghĩa gì không? Có thực sự xứng đáng không?
The over-all effect of the novella is to make each reader face himself with the question: is my own life any more significant? Any more intrinsically worthwhile?”

Dưới con mắt của gia cấp trưởng giả Ivan không có điều gì thất bại nhưng cái chết của chàng ta rất thương tâm như một người tử vì đạo nếu chàng không biết tại sao mình chết. Cuộc đời không có cứu rỗi cũng bất công như sự hành hạ một người con tin vô tội, Ivan nhận ra sự thật thì đã quá trễ.
Nhận xét trên của Morris Philipson rất sát với ý nghĩa của tác phẩm, đúng như Tolstoy muốn diễn tả. Tolstoy cho thấy Ivan chết vì sống không mục đích, một cuộc sống không có ý nghĩa nhưng thực ra Ivan chết vì bệnh hơn là vì cuộc sống vô nghĩa như tác giả ám chỉ. Tolstoy đã không diễn tả một cách rõ rệt cuộc đời vô nghĩa, sai đường của Ivan, vô nghĩa và sai đường về phương diện nào? đạo đức hay xã hội? nếu về đạo đức thì chính tác giả đã làm giảm giá trị nghệ thuật vì nó nghiêng về sự giảng đạo.
Mặc dù được coi là đoản thiên tuyệt diệu của nền văn chương quốc tế nhưng Tolstoy đã không tỏ ra lô gích khi nói đến nguyên nhân gây ra cái chết của Ivan Ilych. Trong cuốn Tolstoy, A Collection of Critical Essays trang 150, Edward Wasiolek nhận xét chỉ một tai nạn nhỏ đã gây nên thảm kịch: trong khi trèo thang để chỉ cho bọn gia nhân trang hoàng nhà cửa, Ivan trượt chân đụng một bên hông vào thang tím bầm, từ đó sinh bệnh ngày càng nặng đến nỗi vong mạng. Thật vậy, trên thực tế không thiếu gì nguyên nhân bệnh tật như tim, gan, phổi.. có thể gây tử vong cho chàng ta hơn là cái nguyên do giả tạo, gượng ép kể trên.
Cái Chết của Ivan Ilych đã ảnh hưởng tới cuốn phim Wild Strauberries, Chùm Dâu Dại của nhà đạo diễn Thụy Điển Ingmar Bergman quay 1959 nói về một ông bác sĩ già cô độc nghĩ tới cái chết và nhớ lại thời hoa niên. Mặc dù phim được nhiều giải thưởng cao và đã được xếp trong số mười phim hay nhất mọi thời đại nhưng không thành công mấy, rất ít người xem vì khó hiểu, hình ảnh không thể diễn tả một cách sáng sủa những ý tưởng sâu sắc.

Trọng Đạt

No comments:

Post a Comment