01 December 2019

MỘT LỜI CHỨNG

Một lời chứng trước khi lật qua một trang sử thảm khốc của dân tộc

Tuy là kinh đô của Việt Nam từ lúc Vua Gia Long thống nhất đất nước cho đến ngày cộng sản Việt minh cướp chính quyền tháng 8, 1945, Huế không lớn lắm và dân cũng không đông nên từ thành phần trung lưu trở lên, gần như ai cũng biết ai dù không quen.

Tôi biết ông Võ Đình Cường và anh Trác « điên » mà thỉnh thoảng tôi gặp, đi một mình, trên đường phố, không để ý đến ai, không gây gổ ai.

Hai hôm sau vụ nổ ở đài Phát Thanh Huế, tôi rời Sài Gòn về Huế và từ phi trường Phú Bài đến thẳng Phú Cam nơi ông Ngô Đình Cẩn cư trú để hỏi cho rõ sự việc đã xẩy ra. Ông rất bối rối, tỏ ý muốn giải quyết gấp nội vụ và nhờ tôi đến thẳng chùa Từ Đàm tiếp xúc với hai Thượng Tọa Trí Quang và Đôn Hậu để tìm cách giải quyết càng sớm càng tốt cho ông hay.

Thích Trí Quang.
Đây là lần đầu tiên và cũng là lần cuối, tôi gặp TT Trí Quang sau khi gặp TT Đôn Hậu. Cả hai TT đều có mặt lúc ấy ở chùa Từ Đàm, mỗi TT trong một phòng riêng.. TT Đôn Hậu trình bày sự việc đã xẩy ra và trao cho tôi một bản văn gọi là 5 nguyện vọng của Phật Giáo và thỉnh cầu tôi trình bày với Tổng Thống Diệm cứu xét chấp thuận để sớm giải quyết mọi chuyện.

TT Trí Quang thì khác. Ông tiếp tôi và khi đưa tôi ra xe, TT nói với tôi:

« Bác ơi, chế độ này cho nó sập cho rồi ». Tuy tôi trẻ hơn TT nhưng các nhà sư hay dùng từ » bác » để gọi người khách cùng độ tuổi. Tôi hết sức bất ngờ trước lời nói hoàn toàn chính trị này.

Tôi trở lại cho ông Cẩn hay kết quả cuộc tiếp xúc và ông yêu cầu tôi vào gặp Tổng Thống gấp và gắng trình bày mọi chuyện đặng sớm có một giải pháp và tin cho ông biết ngay quyết định của Tổng Thống.

Hôm sau, tôi vào Sài Gòn và từ phi trường đến thẳng Dinh Gia Long xin gặp Tổng Thống.

Tôi nhớ hôm ấy là một ngày cuối tuần. Tổng Thống vừa đi kinh lý đâu về với kiến trúc sư Ngô Viết Thụ. Ông Thụ đang còn trong phòng sĩ quan tùy viên. Tôi được mời vào gặp Tổng Thống liền trong lúc đại úy Bằng, một cận vệ đang giúp gài nút ở nách áo dài trắng của Tổng Thống. Tôi liền trình bày cuộc tiếp xúc của tôi với hai Thượng Tọa và 5 nguyện vọng của Phật Giáo do TT Đôn Hậu nhờ tôi đệ trình Tổng Thống. Sau khi tôi trình bày ý kiến của tôi về các nguyện vọng này, Tổng Thống bằng lòng ngay và lộ vẻ vui hẳn. Tôi hỏi tiếp có được phép gọi về Huế để thi hành quyết định của Tổng Thống. Ông bảo tôi chờ hỏi ý kiến của ông Cố vấn ( Ngô Đình Nhu). Ông Cố vấn góp ý kiến với Tổng Thống về một vấn đề quan trọng là thường và hợp lý. Tôi chờ đợi.

Khoảng hơn tuần sau, vào một buổi trưa, ông Bộ Trưởng Nội Vụ Bùi văn Lương điện thoại cho tôi lúc tôi đang ở Sài Gòn làm việc tại Quốc Hội, nói ông Cố vấn cho tôi biết rằng không thể nói chuyện với họ được nữa, chắc vì tình hình đã biến chuyển sôi động ở nhiều nơi.

Được tôi thông báo, ông Cẩn rất buồn và bày tỏ sự lo âu sâu xa như một linh cảm đen tối về chuyện gì có thể xẩy đến. Cũng như Tổng thống Diệm, ông Cẩn đối xử ân cần đối với Phật Giáo. Riêng đối với Thượng Tọa Trí Quang, ông Cẩn có những giao dịch lịch sự và tử tế. Các trường tư thục Bồ Đề phát triển ở nhiều tỉnh, không hạn chế. Trong Chính Phủ và các tướng lãnh, tỷ lệ người Công giáo không đến 30%. Ngay tại Huế, hai chức vụ lớn nhất là Đại Biểu Chính Phủ Trung Phần VN và Tỉnh Trưởng kiêm Thị Trưởng Thành phố Huế trong suốt thời Đệ Nhất Cộng Hòa không vị nào là người Công Giáo: ĐBCP Hồ Đắc Khương, Nguyễn Xuân Khương, Tỉnh,Thị Trưởng Hà Thúc Luyện, Nguyễn văn Đẳng.

Còn bảo rằng người theo đạo Phật chống lại Tổng Thống Diệm, ngay tại Huế, nơi có nhiều tín hữu Phật giáo, cũng là sai nốt. Đại đa số những Phật tử rất sáng suốt. Họ chỉ bất bằng vậy thôi về chuyện gần ngày lễ Phật đản, có lệnh cấm treo một cờ Phật giáo mà thôi trước nhà vì từ trước cờ tôn giáo phải treo cùng cờ quốc gia trong các dịp lễ tôn giáo. Nhưng sự bất bằng ấy đã bị khai thác lợi dụng để trở thành một vụ kỳ thị Phật giáo. Về vụ nổ trước Đài Phát Thanh Huế, cần phải được điều tra để truy tố thủ phạm vì thiếu bằng chứng hiển nhiên và thủ phạm có thể thuộc về một tổ chức chống Chính Phủ Diệm như Cộng sản hay Tình báo Mỹ đang lúc một thế lực lớn của chính trường Mỹ đang muốn lật đổ Tổng Thống Diệm hay một tổ chức thứ ba chống Tổng Thống Diệm lợi dụng hai tổ chức trên.

Sau vụ đảo chính 1963, Thượng Tọa Trí Quang còn lãnh đạo các cuộc chống đối mang tính cách chính trị hoàn toàn, không một liên hệ nào với Phật giáo, sách động quần chúng Phật giáo mang cả bàn thờ Phật ra đường ở Huế, mưu đồ cùng một số quân nhân tách Vùng I Chiến thuật tách ra khỏi nước VNCH!

Không có một tội danh nào lớn hơn tội vừa kể, đương trường phạm pháp hay là quả tang (flagrant délit – in flagrante delicto ) trong hình luật quốc gia, bất cứ nước nào.

Tiếp theo vụ sát hại TT Diệm và bào đệ Cố vấn Ngô Đình Nhu do lệnh của Dương văn Minh và đồng bọn phản loạn, Tướng Nguyễn Khánh đã ra lệnh giết ông Ngô Đình Cẩn và ông Phan Quang Đông. Y đã ra lệnh cho Đại tá Nguyễn văn Mầu, nguyên giám đốc nha Quân Pháp được y phong cho làm Bộ Trưởng Tư Pháp, soạn một cái gọi là sắc luật đặt ra một số tội danh mà y cho là đúng với các tội mà y muốn gán ép cho ông Ngô Đình Cẩn. Sắc luật còn qui định không có kháng án, chống án và xử xong là thi hành ngay. Tệ hại hơn nữa là sắc luật này được áp dụng cho những việc xẩy ra trước khi nó được ban hành. Trong luật pháp cả thế giới ngày nay luật pháp chỉ áp dụng cho các tội vi phạm sau khi luật được ban hành.

Sự hồi tố nghĩa là áp dụng cho những tội phạm trước khi luật ra đời bị tuyệt đối cấm chỉ.

Với sắc luật phi pháp trắng trợn này và những sĩ quan do y chọn làm thẩm phán, cái gọi là Tòa án đặc biệt này đã kết án tử hình ông Ngô Đình Cẩn.

Cũng với thủ tục tố tụng hình sự phi pháp này, ông Phan Quang Đông, nhân viên của Phủ Tổng Thống đặc trách điều hành liên lạc với các điệp viên của VNCH hoạt động ở Bắc Việt bên kia vĩ tuyến 17, đặt cơ sở tại Huế, không dính dáng gì đến các cơ quan chính quyền ở Huế, bị kết án tử hình và xử bắn ngay tại sân vận động Huế. Thiếu phụ trẻ, hiền thê của ông Đông, đang mang thai, đến lạy lục xin tướng Nguyễn Chánh Thi, Tư lệnh Vùng I chiến thuật ở Huế tha cho chồng nhưng Thi từ chối vì không dám làm trái ý TT Trí Quang, người trong bóng tối quyết định mọi việc ở trong vùng lúc bấy giờ.

Hai vụ xử án này là những hành động man rợ hiếm hoi trong lịch sử của nền tư pháp cận đại của thế giới.

Trách nhiệm trực tiếp là Nguyễn Khánh nên ngay sau lễ giỗ Tổng Thống Diệm năm 2003 tại San Jose mà Khánh lì lợm vác mặt tới dự và vái lạy trước di ảnh Tổng Thống, tôi được bạn Ngô Đình Chương, người tổ chức buổi lễ, mời Khánh và tôi về nhà anh nói chuyện. Tôi chất vấn Khánh về hai vụ án nói trên. Y chối quanh một cách lúng túng, hèn hạ. Tối hôm ấy, cựu Thủ Tướng Nguyễn Bá Cẩn, không biết được ai thuật lại – có lẽ mấy người theo Khánh có mặt trong buổi nói chuyện – điện thoại cười bảo tôi « hồi chiều, anh quạt tướng Khánh dữ lắm há ».

Tôi còn nhớ trong buổi lễ, ngoài Thủ Tướng Cẩn, còn có hai thiếu tướng Nguyễn Khắc Bình và Bùi Đình Đạm. Chúng tôi xúc động ôm nhau . Hai vị tướng này không tham gia vụ đảo chính mà còn bị khó dễ sau đấy.

Phần tôi, bị bọn phản loạn bắt giữ tại Tổng Nha cảnh sát quốc gia cho đến tháng hai 1965. Mới được trả tự do khoảng hơn tháng, tôi lại được «mời vào ở Tổng Nha CSQG» hai tuần vì lý do sợ tôi tham gia đảo chính, chỉnh lý xẩy ra khá nhiều trong thời kỳ hỗn loạn này.

Qua bốn cuộc tiếp xúc trực tiếp của tôi với Tổng Thống Diệm, ông Ngô Đình Cẩn, TT Đôn Hậu và TT trí Quang, tôi nhận thấy rõ ràng:

-Tổng Thống Diệm và ông Cẩn mong muốn giải quyết nhanh chóng, công bằng và tốt đẹp ngay từ những ngày đầu tiên sau khi nội vụ xẩy ra tại Huế. Chính phủ và Quốc Hội Đệ Nhất VNCH không có một ý tưởng hay hành động nào kỳ thị Phật giáo.

-TT Trí Quang bày tỏ rõ ràng mưu đồ chính trị, khuynh đảo quốc gia.

Nhạc phụ tôi một Phật tử thuần thành lúc sinh tiền có lần nói với nhà tôi: «TT Trí Quang giỏi thuyết pháp nhưng rất kiêu ngạo, giống như con chim hạc nhìn xuống hồ nước chỉ thấy có mình!». Có lẽ vì vậy, ông Thượng Tọa ôm mộng làm Thái Thượng Hoàng chăng!

Sau vụ đảo chính 1963 và biến động Miền Trung do TT Trí Quang lãnh đạo, Huế không còn «đẹp và thơ» nữa. Trong bầu khí Cố Đô như phảng phất một sự nghi kị, thiếu thiện cảm giữa một phần đông dân Huế cho đến Tết Mậu Thân 1968, khi bộ đội cộng sản tràn vào Huế thì nhiều tên tranh đấu hăng hái trong vụ biến động Miền Trung hai năm trước xuất đầu lộ diện chỉ điểm cho bọn chúng sát hại đồng bào trên năm ngàn người vô tội như chúng ta đã biết.

Những giọt nước mắt đổ xuống trong tang lễ của nhà Sư Thích Trí Quang tuy chân thật nhưng chỉ là sự than khóc một người thân vĩnh biệt của một thiểu số ít ỏi tín đồ trong lúc hơn nửa triệu đồng bào tỉnh Thừa Thiên – Huế uất hận, âm thầm, kín đáo, không bao giờ quên được những ai đã gây tang thương cho họ và chờ đợi ngày sẽ đến, Cố Đô được giải thoát, tự do, trở lại đẹp và thơ, êm đềm bên giòng Hương Giang xanh biếc, lặng lờ trôi.

Paris, ngày 23 tháng 11, 2019
LS Lê Trọng Quát
Cựu giáo sư trường Quốc Học, Huế
(Nguồn: Thông Luận)

No comments:

Post a Comment

Người Bỏ Lễ Đêm Đông, thơ

Dạo:        Đêm nay Thiên Chúa giáng trần, Xin thương cứu giúp người dân khốn cùng. Người Bỏ Lễ Đêm Đông Đêm đất Bắc, gió mài da tím ngắt, N...