Nhân dịp 30 năm Tường Berlin sụp đổ (11/1989-2019) dẫn tới việc thống nhất hai nước Đức trong năm 1990, vai trò của công an mật Stasi ở Đông Đức đang được đánh giá lại.
Nổi tiếng là cơ quan quản lý mạng lưới theo dõi toàn dân, đến từng hộ gia đình của 16 triệu người Đông Đức, Stasi để lại hàng triệu tập hồ sơ. Tài liệu sau này được đưa vào viện lưu trữ và mở cho công chúng xem cũng làm bộc lộ các hoạt động đa dạng của Stasi.
Phục chế lại các mảnh giấy từ hồ sơ mật Stasi |
Stasi (Staatssicherheit - Bộ An ninh Quốc gia) nổi tiếng với mạng lưới chỉ điểm "trong lòng nhân dân". Theo đài Deutsche Welle của Đức, chừng 189 nghìn người, đa số là công dân Đông Đức, đã làm chỉ điểm cho Stasi vào thời điểm Tường Berlin đổ. Ngoài dân Đông Đức, còn có chừng 12 nghìn công dân Tây Đức cũng làm mật thám, chỉ điểm cho Stasi.
Nhưng số liệu từ cơ quan chính quyền Thuringia được sử gia Helmut Mueller-Enberg soạn ra, trên cơ sở chính các tài liệu Stasi để lại, cho thấy con số khổng lồ những ai đã từng cộng tác với Stasi trong 51 năm chế độ CH Dân chủ Đức tồn tại. Đó là khoảng 620 nghìn người.
Việc quản lý, điều hành con số đó khiến Stasi "trở thành một ngành kinh tế đặc thù", với ngân sách khổng lồ mà chế độ Đông Đức phải gánh chịu.
Điều gây ngạc nhiên là dù có mạng lưới tình báo viên, chỉ điểm viên đông đảo như vậy (1/20 dân Đông Đức từng tình nguyện hoặc bị cưỡng bức, ép buộc làm cộng tác viên với Stasi), bộ máy an ninh này đã không bảo vệ được chế độ.
Các đánh giá về sau này gợi ý một cách giải thích khác, cho rằng chính quyền Đông Đức đã giao quá nhiều việc cho công an Stasi nên bộ máy này cuối cùng trở thành vô dụng.
Trong bài viết 'The Stasi and East German Society -Some remarks on current research' Jens Gieseke tổng hợp lại các nghiên cứu của nhiều tác giả về hoạt động của Stasi qua nhiều thời kỳ.
Giai đoạn Stanilist, khi thù địch Đông-Tây lên cao, đúng là Stasi đóng vai trò quan trọng trong việc đàn áp người dân và đối lập.
Nhưng sau đó, có thể nói đa số người dân Đông Đức không rơi vào mô hình đối kháng: nhà nước và kẻ thù của chế độ. Trên thực tế, con số đông đảo người dân chấp nhận tuân phục, theo một thói quen đã có trong văn hóa Đức, Untertänigkeit (submissiveness).
Ngoài một số nhóm mục sư Tin Lành, trí thức, đa số người dân Đông Đức không chống chính quyền. Tuy thế, nếu có cơ hội thì họ vẫn trốn sang Tây Đức, tìm đến cuộc sống hấp dẫn hơn.
1. Nhiệm vụ hàng đầu là canh dân
Vì thế, từ thập niên 1970 trở đi, đảng cộng sản Đông Đức giao cho Stasi nhiệm vụ chính: ngăn cản người vượt biên.
Công tác này chiếm phần lớn hoạt động của Stasi: theo dõi người có liên hệ với thân nhân, bạn bè phía Tây, đánh giá ý định vượt biên, giám sát hoạt động tổ chức trốn sang Tây Berlin hoặc Tây Đức. Trong nhiều trường hợp, nạn nhân dân sự - chỉ muốn vượt biên - được Stasi nâng cấp thành kẻ thù chính trị: muốn đi vì "phản động".
Vẫn theo Jens Gieseke, tới 80% các vụ bắt người Stasi thực hiện là để chặn những ai tìm cách vượt biên.
Con số còn lại, 20% là bị bắt vì có hoạt động đối lập chống chính quyền, hoặc thực ra chỉ là có lời nói, hành vi bị cho là "chống nhà nước (staatsfeindliche Hetze - subversive agitation).
Các hoạt động xây dựng nhóm phản kháng (Gruppenbildung - building of groups) hay làm gián điệp cho nước khác, chỉ chiếm con số rất nhỏ bé.
2. Nhiệm vụ thứ hai: công an chỉ đạo kinh tế
Nhiệm vụ thứ hai đảng cộng sản giao cho Stasi là giám sát kinh tế, từ việc đảm bảo công nhân viên chức hoàn thành các kế hoạch kinh tế, tới chống kẻ thù phá hoại kinh tế.
Một phần của công tác này là theo dõi lòng dân, phản ứng của họ trước các vấn đề về hàng hóa, giá cả. Đây là công việc hoàn toàn vô dụng, thậm chí phản tác dụng, cho Stasi, theo Jens Gieseke.
Các vấn đề của nền kinh tế Đông Đức, vốn được bao cấp toàn diện, là căn bệnh chung của mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa.
Can thiệp của công an mật Stasi chẳng đem lại hiệu quả gì hết, thậm chí còn chỉ làm các doanh nghiệp nhà nước bực mình.
Kết luận của các nghiên cứu sau này tại Đức viết rõ:
"Sự can thiệp của Bộ Công an vào lĩnh vực kinh tế Đông Đức hoàn toàn là phi lý, theo tiêu chuẩn kinh tế, vì nó chỉ khiến cách điều hành trở nên pha trộn của sự áp đặt từ trên xuống, chỉ đào tùy hứng vào các vùng xám, ít phân vai rõ trong doanh nghiệp, và còn làm yếu đi năng lực sáng tạo công nghệ, nhất là qua cách can thiệp chống lại các kỹ sư và quản trị viên của nhà nước chỉ vì họ có liên hệ với Phương Tây, hoặc bị cho là lệch lạc tư tưởng hay có hành vi cá nhân sai."
Các tài liệu cũng nói "nhiều khi chính các nhà máy công xưởng tìm cách chống lại sự can thiệp của công an, nhưng thường bị thua".
3. Nhiệm vụ cao cả: chống ảnh hưởng của Phương Tây
Nhiệm vụ quan trọng thứ ba của Stasi là hạn chế ảnh hưởng của văn hóa tư bản, và kiểm soát hành vi, suy nghĩ của người dân Đông Đức. Ban đầu, Stasi chỉ kiểm soát hành vi của người dân, nhưng với hiệu quả thực ra không cao.
Ví dụ ở làng Dabel, nơi trong thập niên 1960 liên tục xuất hiện các câu chửi chế độ bằng sơn trên tường, trên cả nhà của công an xã. Dù có tới 47 chỉ điểm viên trong làng, Stasi mất nhiều năm điều tra mà chưa bao giờ bắt được thủ phạm vẽ sơn.
Nghiên cứu của Jan Palmowski cho thấy trong làng Dabel thời đó người dân chia sẻ tình bằng hữu bền chặt, với cả quan chức đảng cộng sản trong làng, nhưng rất ghét công an Stasi mặc áo da đen, đi xe to "nhúng mũi" vào vùng quê của họ.
Tính hiệu quả của các chỉ điểm viên cũng là một câu hỏi lớn.
Có thể nói người Đông Đức, gồm không ít chỉ điểm viên, đã chấp nhận thực tại, "sống với lũ" và "chơi lại" Stasi bằng cách kể ra những câu chuyện vừa ý công an nhưng chẳng có ý nghĩa gì.
Egon Krenz, tổng bí thư cuối cùng của Đông Đức (Đảng XHCN Thống nhất Đức - SED), khi trả lời báo chí hồi 2009, đã ra phán quyết về Stasi rằng "người Đông Đức hồi đó chẳng coi Stasi là thứ gì quá quan trọng như người ta kể lại sau này".
Không chỉ theo dõi dân, Stasi còn lấn tới, theo dõi và giám sát cả chính các quan chức chính quyền, quân đội và đảng cộng sản. Việc này dần hủy diệt sự đa dạng về quan điểm, làm suy yếu chế độ, gây nghị kỵ, phá vỡ sự đoàn kết nội bộ.
Quyền theo dõi lén các lãnh đạo đem lại quyền lực ngầm cho quan chức công an. Bộ trưởng Công an Đông Đức Erich Mielke ngay từ 1971 đã lập hồ sơ mật về Tổng Bí thư (TBT) Erich Honecker. Theo báo 'Bild am Sonntag', ông Mielke giữ hồ sơ này trong một cặp da đỏ, gồm cả tài liệu cho rằng năm 1939, ông Honecker hồi trẻ đã có lúc bác bỏ chủ nghĩa cộng sản và định theo Hitler.
Mielke muốn dùng hồ sơ này để kiểm soát Honecker và đảm bảo cho mình "quyền lực ngầm suốt đời".
Vào những ngày cuối của Đông Đức, khi khủng hoảng vượt biên xảy ra, thay vì bảo vệ lãnh tụ, thủ lĩnh Stasi đã hạ bệ người đứng đầu đảng. Erich Mielke đã ép Honecker từ chức trong cuộc họp Bộ Chính trị ngày 17/10/1989, theo tờ 'Bild am Sonntag'.
Người lên thay, TBT Egon Krenz, ngay lập tức đã sa thải ông Mielke vào ngày 07/11. Hai ngày sau, các sĩ quan và nhân viên Stasi được lệnh "ngồi yên" trong đơn vị không làm gì để ngăn cản việc kéo đổ tường Berlin.
Lệnh này có thể đã tránh được khả năng Stasi làm đảo chính để chiếm quyền, theo một kế hoạch mật của Stasi từ 1986. Kế hoạch 0008-6/86 đã chuẩn bị 2500 sĩ quan đặc nhiệm (OffiziereimbesonderenEinsatz) sẵn sàng tiếm quyền.
Ngay trong tháng 11/1989, Ban lãnh đạo Đông Đức đổi tên Stasi thành AfNS (AmtfürNationaleSicherheit - Văn phòng An ninh Nhà nước).
Sang tháng 12 cùng năm, thủ tướng Đông Đức Hans Modrow ký lệnh giải thể cơ quan tai tiếng này.
(BBC Tiếng Việt)
No comments:
Post a Comment