30 December 2019

Xóm Cũ

Trần Bạch Thu
        
Buổi tối sau khi cơm nước xong xuôi cả nhà ngồi quanh chiếc bàn gỗ đỏ hình chữ nhật sơn vẹc-ni bóng láng, ở giữa đặt một cây đèn dầu ống khói dài có đế cao bằng thủy tinh màu xanh nước biển. Ba ngồi ở đầu bàn phía trong vách nói với mẹ vừa đủ nghe

        - Em lo thu xếp vài ngày nữa chuyển hết gia đình về Mỹ Tho.

        - Sao gấp vậy?

        - Anh đã xin được một căn nhà trong trại lính ở dưới đó.

        Mẹ yên lặng không nói gì thêm. Mấy năm nay đã quen di chuyển cứ 6 tháng môt lần Ba đổi đi đâu Mẹ đem gia đình đi theo đó. Kỳ nầy chưa đầy 3 tháng lại đi, hơn nữa mới xin được căn nhà trong dinh quận Cái Bè. Cũng là khu trại lính nhưng ở đây khang trang hơn, nhà ngói nền gạch nung màu đỏ liền vách bằng gỗ, một dãy dài 10 căn dành cho gia nhân và lính gát trong dinh. Ông Đội Chánh còn cho Mẹ biết rằng sắp có lệnh mới, các đơn vị đóng ở đâu cố định ở đó không di chuyển nữa. Mẹ mừng lắm, nhất là khi xin được nhà ở đây.

        Dinh quận Cái Bè xây theo kiểu dinh thự hai tầng của người Pháp, mặt tiền hướng ra bờ sông thoáng mát. Đường xá khang trang sạch sẽ, hai bên trồng hai hàng phượng đỏ rực. Bến nước phía trước dinh có bờ kè làm bằng xi măng trộn đá sỏi xây thành bực cấp dài có thể ngồi trên bờ thả chân xuống bậc cấp mà nhìn ra mặt sông gợn sóng lục bình trôi.

        Mẹ tiếc mà anh em tôi cũng tiếc vì hồi đó chưa đi học nên buổi trưa thường hay theo tụi nhỏ trong dinh rong chơi dọc theo bờ sông. Có hôm còn ra tới gần cua quẹo trên đường ra cầu sắt nơi có xe thùng của ông Tàu già rao bán “tậu phọng dan.” Sau đó xuống sông gần bờ lội về trước cửa dinh. Hôm nào Mẹ bắt gặp là bị dẫn về nhà nằm cúi xuống đi-văng chờ nhịp roi. Đứa nào đau khóc nhiều thì Mẹ ngưng còn đứa nào mím môi không khóc là Mẹ quát “lì lợm” và nhịp tiếp đủ mười roi cho chừa. Hứa chừa như sáo nhưng làm sao chừa được. Đường bờ sông gió mát cảnh vật nên thơ hữu tình. Thích lắm.

        Ba mướn xe đò chở hết đồ đạc về Mỹ Tho. Trên đường đi xe ghé đậu ở ngoài ngã tư Cai Lậy, Mẹ dẫn hết ba anh em tôi vào nhà Ngoại ăn cơm, chơi chút chờ bớt nắng rồi mới ra xe về thẳng trại lính Police Communale tỉnh Mỹ Tho.

        Lúc bấy giờ, hiệp định Genève vừa mới được ký kết chừng vài tháng, đa số các cơ sở do người Pháp quản lý nay được chuyển giao toàn bộ lại cho chính quyền Quốc Gia. Trại lính Commandos to lớn bề thế ba dãy nhà lầu 2 tầng hình chữ U trở thành trường Tiểu học Trương Công Định (sau này đổi là trường Nam Tiểu Học) Trại lính Police Communale được đổi tên thành Cư xá Cảnh Sát Hương Thôn gồm hai dãy nhà ngói lót gạch nung màu đỏ, mỗi căn được ngăn vách chia làm đôi cho hai gia đình cư ngụ, xung quanh còn đất trống được cất thêm nhiều dãy nhà lá chạy dọc theo đường Ngô Quyền.

        Điều đầu tiên khi về tới đây là lúc qua cổng chừng vài chục mét, trên một khu đất trống phía bên trái là một vòi phông-tên (fountain) bằng sắt cao cỡ 1 mét đặt trên nền  xi măng mỗi bề vuông vức chừng 2 mét vuông. Lần đầu tiên tôi thấy và biết chỗ bơm nước máy.

        Về cư xá được vài ngày thì khó khăn nhất cho chúng tôi là đi vệ sinh. Toàn khu chỉ có một dãy nhà lá cất cao lêu khêu theo kiểu nhà sàn chừng 10 căn nhỏ dừng vách lá chung quanh có cầu thang bắt ván đi lên. Phía dưới là các thùng gỗ để đựng phân người. Mỗi ngày có 2 chuyến sáng tối lao công sở rác đem xe thùng đến lấy phân đem đi đổ ở đâu thì không biết. Chỉ biết sau nầy mỗi lần làm biếng học hành thì Mẹ thường hay răn đe

        - Không ráng học giỏi sau nầy lớn lên đi đổ xe thùng.

        Sợ thiệt.

        Trước đây ở các khu thị tứ Cái Bè, Cai Lậy có đông dân cư sinh sống nhưng vẫn còn đất trống và thường hay nằm sát bờ sông, rạch nên người ta cất những căn nhà chòi đi vệ sinh ở các ao đìa nuôi cá tra, còn nhà tiêu công cộng thường cất hàng dãy nằm ở bờ sông nên tương đối dễ thở hơn.

        Được vài năm trong cư xá còn khổ hơn. Ban quản lý cho dở phá dãy nhà vệ sinh cũ xây nhà cầu mới chỉ có ba phòng vệ sinh liền nhau bằng tường trét xi măng lợp tôn, bên trong đặt bàn cầu ngồi dành cho cả nam lẫn nữ. Bên cạnh lối đi vào sát đầu căn có một thùng phuy nước, bên cạnh có máng một cái thau nhỏ. Cứ mỗi lần ai đi xong thì ra múc nước trong thùng dội xuống cầu. Dơ thúi chịu không nổi. Cư xá hơn cả trăm người mà chỉ xử dụng ngày cũng như đêm chỉ có 3 gian nhà cầu.

        Chừng vài tháng có lao công vệ sinh đến múc phân sền sệt dưới hầm cầu lên trải dàn ra phía sau đám đất rộng ăn thông ra tận phía sau Ty cấp thủy đường ÔB. Nguyễn Trung Long. Giữa trưa trời nắng gắt, Ba chở xe đi học khi đi ngang qua nhìn thấy 2 mẹ con, đứa bé gái trạc chừng 10 tuổi mặc quần áo đen đang dùng thùng có quai múc phân dưới hầm lên mà vừa sợ vừa thấy tội nghiệp. Tôi hỏi Ba:

        - Hôi thúi sao chịu nổi Ba.

        - Làm riết quen không thấy mùi hôi thúi nữa.

        Được vài năm dãy nhà lá nằm đối diện với nhà Dưỡng lão được giải tỏa để xây cất trường Nữ trung học, một số gia đình di dời vào phía trong và được phép cất nhà riêng nằm chen lẫn giữa khu trường Nữ trung học và trường Nam tiểu học, chạy cặp theo sau lưng là trường bán công Thiên Hộ Dương.

        Nhà cửa trong cư xá chật chội chen nhau không theo một hình thể nào cả cho nên cống rảnh nước dơ đen ngòm chảy lòng vòng trước các hiên nhà ra tới miệng cống nhỏ sát bên hẻm trường Nữ Tiểu Học. Mùi hôi thúi xông lên quanh năm suốt tháng không lúc nào ngừng. May là còn có những trận mưa lớn đẩy nước cống đi xa và không khí trong lành chỉ được trong mấy ngày mưa.

        Đường vào cư xá Cảnh Sát Hương Thôn nằm đối diện xéo với cổng chùa Phật Ân, bên hông phía trái là tư thất của ông Phó Nội An. Đến những năm cuối thập niên 50, trường Nữ trung học Mỹ Tho đổi tên thành trường Lê Ngọc Hân và xây thêm một dãy lầu (cù lao) phía sau tư thất của ông Phó Nội An, các dãy nhà lợp tole mới cất lại bị giải tỏa, các gia đình lại di dời về khu Cư xá Nguyễn Huỳnh Đức mới xây ở khu vực Chợ Cũ đường vô Chùa Vĩnh Tràng. Tuy đã sát nhập thành Cảnh Sát Quốc Gia, nhưng bảng tên Cư Xá Cảnh Sát Hương Thôn ở đường Ngô Quyền tuy đã bạc màu vàng thếch vẫn còn được giữ nguyên cho đến thời Đệ nhị Cộng hòa.     

        Sinh hoạt trong cư xá rất vắng lặng, người lớn hầu như đi làm cả ngày, trẻ con không có sân chơi nên ngoài giờ đi học đều ở trong nhà. Chỗ chơi duy nhất là sân cát trước nhà Tiên Sư thờ các tử sĩ Cảnh Sát Quốc Gia. Rộng lớn hơn ở bên kia đường đối diện với cư xá là sân chùa Phật Ân, còn buổi chiều tối là sân cát trường Nữ Trung Học Lê Ngọc Hân. Do đó mà đa phần cha mẹ của các trẻ nhỏ trong cư xá đều cho con cái gia nhập Gia đình Phật tử để sinh hoạt cuối tuần ở chùa Phật Ân.

        Đến khoảng vào đầu năm 1960 khi cư xá công chức rất khang trang được xây giáp ranh phía sau chùa Phật Ân và mặt tiền hướng ra đường Nguyễn Trãi có lối đi vào nằm cạnh trụ sở Liên đoàn Lao công Việt Nam với phù điêu phía trước cổng hình đầu trâu thì một số gia đình trong cư xá mới bắt đầu di dời sang bên đó hoặc ra ngoài ở các khu vực khác. Trường Lê Ngọc Hân bắt đầu xây cất rộng ra và mọi người đồn đại với nhau là khu cư xá sẽ bị giải tỏa cho nên các chủ nhà trong cư xá bắt đầu ra ngoài và sang nhượng nhà lại cho người dân, thường là dân quê tị nạn ra thành phố sinh sống.

        Vài năm sau, khi trường Lê Ngọc Hân xây tường rào hẳn hoi và thị xã qui hoạch cư xá thành khu dân cư sinh sống chính thức thì dân tứ xứ đổ về đây bắt đầu đông đúc cho nên các Liên gia trưởng vẫn là các ông Ách Được,  Ách Giáo, Đội Chánh … huy động đóng góp tiền của để xây hệ thống cống xi măng và hệ thống cầu tiêu tự hủy từng gia đình cũng như chuyền ống nước máy tới từng gia đình không còn đi gánh nước ở phông-tên nữa.

        Đúng vào lúc đó thì chính biến ngày 1 tháng 11 xảy ra. Ba tôi bị kết tội theo đảng Cần Lao nên đã bỏ xứ trốn ra Đà Lạt. Nhà cửa bị tịch thu và gia đình tứ tán ra khỏi cư xá từ đó.

        Năm 1969 tôi có trở lại xóm cũ xin Bác Giáo cấp lại bản sao tờ khai gia đình trước đây để bổ túc hồ sơ đi học tại Sài Gòn. Đa phần nhà cửa bây giờ đã xây tường lợp mái tole, đường hẻm đã tráng xi măng sạch sẽ. Bạn bè anh em trước đây trong cư xá cũng tản lạc đi khắp nơi đa số là vào lính. Một số ít còn đi học tiếp tục trên đại học.

* * * 

        Thế rồi thế sự thăng trầm, vật đổi sao dời. Hai mươi năm sau, một sự tình cờ xảy ra, tôi đang bị giam ở P15 (Cơ quan chấp pháp, Công an Tiền Giang) với tội danh tổ chức vượt biên.

        Trong quá trình làm việc với cán bộ trại giam tôi đã khai đầy đủ việc tổ chức vượt biên, về người, ghe tàu cũng như tiền, vàng. Sau 6 tháng bị giam để lấy cung đầy đủ tại cơ quan chấp pháp, vụ án coi như gần kết thúc và sẽ được đưa xuống khám đường chờ chuyển đi trại cải tạo Mỹ Phước (Vườn Đào) để  thi hành án.

        Trước khi di chuyển mấy hôm thì cán bộ an ninh ở P12 xuống chấp pháp làm việc tiếp. Nhưng lần nầy không phải vụ vượt biên mà là vụ việc khác. Cán bộ xưng tên và bất ngờ hỏi ngay:

        - Anh có biết anh Vĩnh học QGHC với anh không?

        - Thưa cán bộ tôi có biết anh Vĩnh.

        - Tôi muốn biết hoạt động của Anh Vĩnh sau ngày 30 tháng 4.

        Lúc bấy giờ tôi biết ngay là cán bộ an ninh muốn tìm thêm một số chi tiết ngoài vụ án. Có thể từ lời khai nầy mà lần ra những manh mối vụ án khác.

        Tối hôm ấy trở về phòng giam chờ ngày mai sẽ làm việc với cán bộ an ninh, tôi suy nghĩ rất nhiều điều và chuẩn bị sẽ khai những điều gì mà mọi người đã biết và điều gì không nên nói ra. Vì không cẩn thận mình sẽ vướng thêm tội và có thể chuyển vụ án vượt biên đi theo chiều hướng khác. Bản án sẽ nặng hơn. Hình ảnh xóm cũ lại trở về.

        Trong xóm cư xá, tôi có nhiều bạn cùng trang lứa nhưng chơi thân với nhau hơn hết là Vĩnh và Nhiều. Lúc lên 10 tuổi tôi đã biết chơi cờ tướng. Có những buổi trưa sau khi làm hết việc Mẹ giao, còn chút thì giờ rảnh tôi thường hay đến nhà bạn Nhiều ở gần hẻm trường Nữ Tiểu Học ra ngoài sau chái lá chơi cờ tướng với nhau. Hắn rất thông minh, học ít mà nhớ nhiều. Sau nầy hai đứa cùng lên học ở Trường Luật Sài Gòn, cuối tuần nào cũng cùng về Mỹ Tho vì ghiền cà phê ở quán “Mây Chiều.” Sau khi đậu chứng chỉ năm thứ nhất, hắn không học tiếp lên nữa mà lại thi vào trường Sĩ quan Hải Quân và được gởi sang Mỹ du học.

        Năm 1974 hắn bị trọng thương trong trận chiến Hoàng Sa với Trung cộng, nhưng không bị bắt và đem được tàu về tới Sài Gòn. Bạn bè gặp nhau thường hay gọi hắn là “người anh hùng” Hoàng Sa. Hắn chỉ im lặng không biết có chịu hay không, nhưng hai đứa con trai của hắn đều được đặt tên là Hoàng Sa và Trường Sa.

        Trong 3 đứa bạn chơi thân với nhau đều ốm nhách, Vĩnh là đứa nhỏ nhắn hơn hết. Hắn ít tham gia vào các trò chơi con nít. Lúc còn là học sinh Trung học hắn đã tham gia tích cực vào đoàn công tác “Văn Sinh Đất Lành” đi dọn vệ sinh cuối tuần khắp thị xã Mỹ Tho, đặc biệt là thường hay về khơi cống ở xóm cũ. Tổ chức nầy do ông Phó quận Châu Thành, Định Tường thành lập và bảo trợ. Ngoài công tác xã hội như trên đoàn “Văn Sinh Đất Lành” còn tổ chức những buổi ca nhạc hay sinh hoạt cắm trại cho thanh thiếu niên và học sinh trong tỉnh.

       Sau nầy lên Sài Gòn tôi và Vĩnh cùng ở chung trong Đại Học Xá Minh Mạng, khu sinh viên “gốc người Mỹ Tho.” Và sau đó cùng thi đậu vào Học Viện QGHC, cư ngụ trong Ký Túc Xá. Ra trường hai đứa, kẻ trước người sau đều phục vụ ở các tỉnh miền cao nguyên.

        Vĩnh tham gia hoạt động chính trị từ rất sớm, năm 20 tuổi hắn đã là đảng viên của một đảng phái quốc gia đang lên lúc bấy giờ ở miền Nam. Cùng mang hoài bảo cách mạng xã hội như nhau, chúng tôi trong thời sinh viên thường hay tham gia vào các đoàn thể xã hội, tôn giáo hay các phong trào cải tiến dân sinh nhưng để hoạt động chính thức trong các đảng phái chính trị thì rất ít.

        Sau ngày 30 tháng 4, Vĩnh đi cải tạo theo diện viên chức chế độ cũ và khi được thả về quản chế tại Mỹ Tho. Chúng tôi, anh em QGHC thỉnh thoảng có gặp nhau và toan tính tìm đường vượt biên. Tôi không biết rõ hoạt động của Vĩnh sau ngày miền Nam sụp đổ. Tôi chỉ biết hắn có tên trong vụ án “Sư Đoàn Tiền Giang” qua tường thuật của báo chí tại địa phương.

      Hai anh em Trương văn Thân và Trương văn Dậy lãnh mức án tù 10 năm và 20 năm khổ sai. Hoàng văn Ngãi lãnh án tử hình. Ngoài phiên tòa công khai còn có án xử kín tử hình bao nhiêu người thì không ai biết. Ngoài ra còn có đông người bị bắt nguội và xử án ngầm cũng không có công bố, trong số bị bắt có các ông Lê Tấn Trạng và  Ngô ngọc Vĩnh. Tôi chỉ biết như vậy thôi.

        Cán bộ hỏi:

        - Anh có biết xóm cư xá của anh là sào huyệt của “Sư Đoàn Tiền Giang” không?

        - Thưa không.

        - Anh có biết anh em Minh, Mông, Chí, Nga ….?

        - Thưa tôi có biết lúc còn nhỏ, nhưng đã rời cư xá từ năm 1963 nên tôi không biết rõ về sau nầy.

        - Xóm của anh toàn là “anh hùng.” 

        - Thưa tôi không biết.

        Nhưng thật ra tôi biết và nhớ hết. Họ là con lính và lớn lên đi lính như bao người dân miền Nam khác. Họ lớn lên ở những khu vực nghèo nàn thiếu thốn như hầu hết ở các trại gia binh. Tuy ít ỏi nhưng họ đã sống và được hưởng những quyền lợi khiêm nhường dành cho con lính cho nên họ không chấp nhận cộng sản là điều có thể hiểu được. Còn có tham gia vào các tổ chức chống lại cộng sản hay không lại là ý thức của từng người không ai bảo họ hay yêu cầu họ phải như thế.

        Sau đó, không khai thác được gì thêm tôi bị đưa lên trại cải tạo Mỹ Phước chịu khổ hình ở đó cho đến năm 1989 mới được thả về.

        Trong thời gian ở Mỹ Phước tôi có biết một anh bạn tù chính trị đã ở đây cũng gần 10 năm rồi mà không có án. Lâu ngày tôi khám phá ra là do khai dây chuyền nên anh bị phát hiện là thuộc dư đảng của “Sư Đoàn Tiền Giang.” Anh đã vượt trại nhiều lần nhưng không thoát và anh tin rằng sẽ ở mãi trong tù, trừ khi có phép lạ …

        Đến nay tròn 50 năm tôi chưa hề đặt chân trở về xóm cũ dù chỉ một lần. Bao nhiêu chuyện đời trôi qua, kẻ còn người mất tản lạc khắp nơi và tôi vẫn còn nhớ hoài câu nói của cán bộ an ninh năm nào – xóm của anh toàn là “anh hùng.”

        Dù đúng hay sai, dù có là sào huyệt của “Sư Đoàn Tiền Giang” hay không và những người xưa, hai anh em nhà họ Trương đã mất cùng với những người khác dù còn sống vì bất cứ một lý do gì hay uẩn khúc ra sao mà cho đến nay họ cũng chưa lên tiếng. Đối với tôi trong hoàn cảnh lúc bấy giờ chưa có ai dám làm một việc mà họ đã làm. Thành lập “Sư Đoàn Tiền Giang” chống cộng sản ngay trong lòng quê hương. Dù thất bại họ vẫn xứng là những người anh hùng.

        Trần Bạch Thu

27 December 2019

Mùa Giáng Sinh Đầu Tiên Tôi Mất

(Để nhớ lại Đêm Giáng Sinh 1975 tại Trại Tù Cải Tạo Long Thành,
khi chúng tôi chưa bị khoá nhốt trong các nhà tù vào ban đêm)

Mùa Giáng Sinh đầu tiên tôi mất
Trại Long Thành kẽm gai cao ngất
Vài ánh nến le lói chập chờn
Trong gió buốt về từ phương Bắc

Những bóng đen lờ mờ động đậy
Những bóng ma như vừa thức dậy
Khe khẻ hát bài “Hang Bêlem” (1)
Sưởi hồn nhau -- hồn không ấm mấy

Chúng tôi đây gia đình ngoài đó
Làm chi có ánh đèn xanh đỏ
Trên cành thông thấp thấp góc nhà
Bụng sắn khoai mơ chi quà nhỏ

Trong bóng tối chúng tôi thèm khóc
Nhưng có ai còn dư nước mắt
Tuyến lệ bấy lâu cạn kiệt rồi
Mất tất cả --mất cùng đất nước

Mùa Giáng Sinh đầu tiên đã mất
Ba ngàn hồn não nề u uất (2)
Buông xuôi thân muối xát lòng đau
Xa rồi âm thanh “White Christmas” (3)

Trôi nổi về đâu bên bại trận
Những riêng tư chất chồng ân hận
Quê hương ơi sóng gió bên trời
Ánh nến tắt lạnh thêm dĩ vãng

Lê Văn Bỉnh
___
(1) Thường được gọi “Đêm Đông Lạnh Lẽo” của Hải Linh
(2) Trại Long Thành giam giữ trên 3.000 viên chức cao cấp VNCH,
thuộc 4 thành phần: hành chánh, đảng phái, cảnh sát và tình báo
(3) Bài hát do đài quân đội Hoa Kỳ Saigon phát vào tháng Tư,
làm tín hiệu di tản

25 December 2019

Tin thật buồn


Anh CHÂU VĂN ĐỂ
Đốc sự 12
Cựu Chủ Tịch Tổng Hội CSV/QGHC
Cựu Chủ Tịch Hội CSV/QGHC Nam California
vừa từ giã đồng môn ra đi vĩnh viễn sáng thứ Ba
ngày 24 tháng 12, 2019

24 December 2019

Hấp dẫn phái tính của thời trang

Phạm Đức Thân

Người là một động vật không thích sống lẻ loi mà muốn tìm bạn khác phái để kết hợp, sinh con đẻ cái nối dõi tông đường. Động vật khác như chim, công, gà… có lông sặc sỡ để hấp dẫn lôi cuốn bạn tình. Người phải nhờ vào các bộ phận cơ thể để phát tín hiệu thông tin mời gọi giao tình thân mật qua ánh mắt, nụ cười, lời thỏ thẻ, dáng đi nhún nhẩy… Giao tiếp xã hội có những tập tục luân lý hạn chế cử chỉ quá lộ liễu, khiến người không thể giống như khỉ vô tư chìa phía sau phồng lên đỏ hồng để mời gọi, mà phải tìm cách khác quyến rũ đối tượng.

Thời trang chính là một phương tiện để sử dụng cho mục đích đó, vì thời trang luôn luôn hàm chứa ý nghĩa phái tính và tình dục. Khởi thủy từ ngàn xưa đã có phân biệt trang phục khác nhau giữa nam nữ thật ra không ngoài mục đích cơ bản là khơi dậy bản năng tình dục, vì có như vậy khác biệt thân thể mới lộ rõ. Như Havelock Ellis đã chỉ ra: “Một trong những hấp dẫn tình dục lớn nhất sẽ bị mất, và mức quan trọng cực kỳ của quần áo cũng biến đi ngay, nếu nam nữ trang phục giống nhau; đồng nhất y phục như vậy chưa bao giờ thấy trong bất cứ dân tộc nào.”

Nam nữ đều muốn hấp dẫn nhau. Nhưng do bản tánh và thể chất yếu đuôi nữ cần được che chở và bảo vệ hơn nên có phần tích cực hoạt động hơn về chuyện này, nhất là lại được hỗ trợ bởi nhiều phụ kiện thời trang làm đẹp như phấn, son, nước hoa, sơn móng tay chân, đồ trang sức….Vậy thì thời trang tác động trên các bộ phận thân thể như thế nào để nâng cao hấp dẫn phái tính.

Trước hết là mặt, vì đây là bộ phận đập ngay váo mắt người đối diện, cho thấy cái nhìn toàn diện tổng quát là thiện cảm, vô cảm hay ác cảm. Dĩ nhiên mặt còn có thể biểu lộ nhiều tình cảm phức tạp qua ánh mắt, nụ cười, thư giãn hay căng thẳng… trong những tình huống khác nhau. Tuy nhiên, mặt lúc nào cũng hồng hào, khỏe mạnh, làn da mịn màng, không mụn nhọt tàn nhang luôn luôn gây được cảm tình, lôi cuốn. Má hồng do mạch máu dãn nở và có thể lan sang cổ và tai. Đỏ bừng mặt là dấu hiệu trẻ trung, có khi phản ánh bẽn lẽn, hứng tình, trông rất quyến rũ. Thời trang có đủ loại kem dưỡng da, tẩy mụn, phấn thoa má giúp tăng cường sức hấp dẫn.

Lông mày thường được cho là để ngăn chặn mồ hôi trên trán chẩy xuống mắt. Thật ra quan trọng hơn, đó là phương tiện để biểu lộ tâm trạng khác nhau như nhướng mày sợ hãi, ngạc nhiên; nhíu mày lo âu, suy nghĩ; hay nhăn mày khó chịu, bất ưng… Phụ nữ lông mày không rậm bằng đàn ông, nên thường phải nhờ vào bút mỹ phẩm để tô đậm. Ngày nay cũng có xu hướng xâm lông mày để khỏi mất công vẽ mỗi khi trang điểm. Ngoài ra có thể vẽ lông mày rậm thưa, dài ngắn, hoặc hình dạng khác nhau tùy theo sở thích hoặc mốt thịnh hành. Mày đẹp có hình con tằm nằm dài vắt ngang trên mắt, như thấy trong câu “mắt phượng, mày ngài.”

Mắt là cửa sổ tâm hồn, nhìn vào đấy có thể đoán được tâm trạng chủ nhân. Càng thân mật sâu đậm thì điểm đen nhỏ ngay giữa đồng tử càng nở lớn, và mắt hình như long lanh ướt át hơn. Muốn vậy chỉ cần nhỏ vài giọt mỹ phẩm vào mắt là trông tình tứ hằn lên. Lông mi đàn bà dài và rậm hơn đàn ông, chớp chớp, cộng với đôi mắt to tròn, quyến rũ người ta dễ dàng, nhất là khi được thời trang hỗ trợ bằng lông mi giả (mascara) dài, cong, rậm thưa đủ kiểu. Lông mi có dục tính mạnh. Đàn ông xứ Trobiande làm tình, lúc hưng phấn, thường cắn lông mi bạn tình. Cũng may chỉ 3.4 tháng sau là lông mi mọc lại.

Á Đông cũng có thơ chỉ đặc điểm của phụ nữ đa tình:

Hồng diện đa dâm thủy
Mi trường ắt đa mao
Chiết yêu nhi đại huyệt
Trường túc bất tri lao 
Tạm dịch: 
Mặt đỏ nước tình đầy
Mi dài rậm cỏ may
Lưng ong cửa động lớn
Chân dài chẳng mỏi bay
Miệng gồm hai môi tru ra, mầu hồng hồng, là bộ phận nổi bật trên mặt, nhất là của phụ nữ do thường hay được thoa son đỏ chót, mặc dù đôi khi cũng dùng son mầu tím, bạc….để thay đổi. Nhiều người cho rằng thói quen thoa môi đỏ là tàn tích của liên tưởng giữa môi và âm hộ, vì chúng có cấu trúc hình dạng giống nhau. Không như khỉ cái dùng phồng đỏ của âm hộ để hấp dẫn khỉ đực, phụ nữ thường tô son môi đỏ chót và rộng thêm trông chín mộng tương tự, để kích thích đàn ông. Nam hôn nữ, đưa lưỡi vào giữa hai môi là tượng trưng động tác làm tình, khiến cho môi có đặc điểm hết sức gợi cảm, càng nổi bật thêm nhờ tô vẽ của thời trang. Cổ nhân còn chỉ rõ trên dưới giống nhau qua câu “miệng sao ngao vậy”.

Cằm, cổ, vai là những chỗ thời trang có thể can thiệp để tăng hấp dẫn. Đàn ông để râu ria, hoặc dùng thứ giả, cho có vẻ nam nhi hơn. Vai áo thường độn cứng để trông thêm cường tráng, nhất là đồng phục quân đội với ngù vai tua rua to cứng. Phụ nữ cổ thon, vai nhỏ tròn, trông nhu mì yếu đuối, có thể nhờ thời trang tăng quyến rũ bằng chuỗi đá quý quàng trên cổ hở, và trang phục lộ ít nhiều một hoặc hai vai, có khi còn hở cả mảng lưng, khiến người ta chỉ muốn hôn lên đó.

Tranh A.C.La, 'Hoa Mộng" 
Dưới một chút là ngực, với nam giới thì không đặc biệt gì lắm ngoài vài múi bắp thịt nổi cộm trông khỏe mạnh. Nhưng với nữ giới đây là cặp vú vời hai bầu thịt to lớn đập khiêu khích vào mắt đàn ông vì nó mang nhiều ý nghĩa khoái cảm: hồi ức tuổi thơ bú vú mẹ, và vú coi như một cặp mông thứ hai căng cứng hứng tình… Hình dáng của vú thay đổi tùy theo tuổi tác cũng như tác dụng của nó khác nhau tùy sở thích cá nhân cùng là phong tục địa phương; nhưng nó luôn luôn là một bộ phận gợi cảm rất mạnh được thời trang Tây Phương ngày nay triệt để khai thác. Xưa kia phụ nữ xứ Minoa, Hy Lạp, mặc loại áo da hở ngực hoàn toàn.

Thời đại trước nhiều đạo đức đã xuất hiện nịt ngực để làm giảm khêu gợi của vú, và cả bó eo thật chặt để có lưng ong, ngủ cũng không cởi ra. Tục bó eo làm đẹp hại sức khỏe, ngăn trở máu lưu thông, có khi làm dập xương sườn, sau này bãi bỏ. Ngày nay vú nẩy mông căng là thời thượng, cho nên có cả một kỹ nghệ thời trang phục vụ phụ nữ, với bơm vú, độn ngực, mặc xú-chiêng (soutien, bra) nâng cao …chưa kể áo còn để hở cả một phần ngực, nhất là ẩn hiện cái khía lõm giữa hai bầu vú để tăng khêu gợi.

Victoria’s Secret có những Fantasy Bra trị giá hàng triệu Mỹ kim. Madonna, Lady Gaga mặc bra thiết kế đặc biệt coi như áo ngoài, không còn phải là nội y. Nội y phụ nữ (lingerie – đồ lót trên dưới) bám sát chỗ da thịt nhậy cảm nhất, tạo nên những liên tưởng tính dục khiến chúng dễ trở thành bảo vật ám ảnh (fetish) của nhiều đàn ông. Đây là liên hệ rõ ràng và mật thiết nhất giữa thời trang và tính dục. Chỉ một mảnh nhỏ vải hoặc chất tổng hợp mà chứa đựng cả một trời nội dung ý nghĩa phong phú: khêu gợi, kích thích, quyến rũ, huyền bí, cấm kỵ, trụy lạc, dâm đãng, điên rồ, thực tế, hoan lạc, nhu yếu, thời thượng….

Rốn tuy nhỏ xiu nhưng không kém phần khêu gợi, có khi còn được đính đá quý tô điểm Chỉ nguyên chuyện để hở rốn ra thôi cũng đủ kích thích, cho nên mới có áo thân ngắn, quần lưng trễ xuống, hoặc kiểu trang phục có chỗ hổng để phơi bầy rốn. Rốn còn khêu gợi ở chỗ cũng là một lỗ, dễ gây liên tưởng đến cái lỗ phía dưới, nhất là múa bụng có thể làm rốn méo mó biến dạng, biết nhai, mở, nhóp nhép… Người mẫu trình diễn thời trang cũng tô vẽ rốn để làm nổi bật, nhưng thường là vẽ dọc dài thêm ra, thay vì vẽ tròn, để chắc chắn là không lầm với một cái lỗ khác cũng ở dưới nhưng phía đàng sau. Thời trang không bỏ lỡ một cơ hội nhỏ nào để khêu gợi.

Dưới rốn là hạ bộ, phần khêu gợi dục tình hấp dẫn nhất vì đó là xuất hiện bên ngoài của cơ quan sinh dục, nơi diễn ra các hoạt động giao hợp, bài tiết, kinh nguyệt, thủ dâm… nghĩa là toàn những hoạt động cấm đề cập. Vùng này được che đậy kín đáo, nhưng không phải là không có cách để tạo chú ý một cách gián tiếp, nhất là theo thói thường, càng dấu giếm quá đáng thì lại càng gây chú ý.

Xưa đàn ông Ai Cập mặc đồ choàng giống như cái váy, phía trước có hồ cứng để cho trông cường tráng cũng như kích thích liên tục Tại Phi Châu (Tây Phi, Mali, Cameroon…) đôi khi cả vài xứ Đông Á, con gái tới tuổi có kinh, phải đeo khố hoặc váy ngắn làm bằng những vật liệu dệt đan, da thú, hột, lá cây…gọi là cái che giống (cache-sexe), nói là để bảo vệ khỏi bị người hay ma quỷ xâm phạm, nhưng thật ra là để chỉ dấu cho biết đến tuổi lấy chồng. Đàn ông New Hebridges, quần đảo Vanuatu, Nam Thái Bình Dương vẫn còn dùng cái quốc phục (penis wrapper) hình cái ống bao che dương vật. Trong một phiên họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ở New York có đại diện mặc ống kiểu này, không biết của xứ nào.

Thật ra đàn ông châu Âu, trong khoảng 200 năm (1408 – 1575) đã dùng cái codpiece để che hạ bộ mà cuối cùng hóa ra thành… “khoe của”. Cod chữ Anh cổ có nghĩa bìu dái. Thoạt đầu nó chỉ là một mảnh hay túi vải nhỏ nằm ngay bên ngoài phía trước chỗ giao nhau của hai ống quần. Dần dần nó trở thành một bọc cứng dính liền với quần ngay chỗ của quý, chứ không phải chỗ bìu, tạo cảm tưởng to đùng cương cứng. Bọc còn được nhấn mạnh bằng tô điểm thêu thùa mầu sắc, tua rua, nạm vàng, hay đính đá quý… khiến cho Rabelais đã khôi hài mô tả cái codpiece của một nhân vật khổng lồ giả tưởng của mình như sau: “Cái codpiece cần tới gần 16 mét vật liệu. Hình dạng của nó là một vòm cung chiến thắng hết sức thanh lịch, và được giữ chặt bằng hai cái vòng vàng cài vào cúc tráng men, mỗi cúc to bằng quả cam có đính đá quý lớn xanh lục (emeral). Codpiece này vươn ra đo được gần 1 mét”

Ngày nay không cần phải quá lố như vậy. Nam giới với quần jean chật, hoặc quần tắm, quần lót bó sát, khiến phải đổi kiểu nằm tự nhiên, cho đầu quay lên trên, nổi cộm hết sức khêu gợi táo bạo mà không hề bị phê bình. Nữ giới cũng có thể mặc quần jean chật, quấn tắm, quấn lót bó sát in hằn những đường cong gợi cảm, để khiêu khích, kích thích nam giới. Chưa kể quần lót phụ nữ thiên hình vạn trạng kiểu cọ với chất liệu tân tiến khác nhau: mỏng nhẹ tạo cảm giác xúc giác như thật, thêu hoa văn, viền tua rua hình tam giác, đính đá quý, lông giả…nam giới cứ như lạc vào mê hồn trận, bị quyến rũ đến tối tăm mặt mũi.

Một đoạn trên có nhắc, cái thứ không thể đề cập này (unmentionable – như lối nói của Tây Phương dùng chỉ nội y) có một hấp lực rất mạnh, khiến dễ trở thành bào vật ám ảnh (fetish) của đàn ông, đôi khi tới mức bệnh hoạn. Các bệnh sử trong phân tâm học không thiếu bệnh nhân kiểu này. Nhớ lại hồi nhỏ, đọc Đông Chu Liệt Quốc có đoạn tả vua quan lén trốn triều đình, rủ nhau xuống khu Bình Khang bù khú, và ăn cắp nội y của kỹ nữ, đem về cung hý hửng lôi ra khoe với nhau.

Trang phục đặc biệt tối thiểu mà khêu gợi tình dục tối đa còn hơn cả khỏa thân là cái nội y gọi là G-string. Đó là một giải nhỏ bằng vải, da hay satin che giữ cái giống, luồn qua khe giữa hai mông và đính vào dây quanh eo, dùng như quần tắm, quần lót, hay trong trò thoát y (strip tease). Nữ dùng nhiều hơn, nam chỉ họa hiếm mới sử dụng. G-string có thể viết tắt từ các chữ sau mà ra:

– geestring là cái dây đeo khố của Da Đỏ Mỹ Châu thế kỷ XIX
– groinstring là dây khố hạ bộ (groin)
– girdlestring là dây đồ lót phụ nữ chỗ dưới bụng (girdle)

Nhân đây không thể không nhắc đến liên kết quan trọng mật thiết giữa tính dục và thời trang qua phương tiện nhiếp ảnh. Cởi mở của cách mạng tình dục khởi đi từ thập niên 60 cho phép nhiếp ảnh đóng vai tích cực trong việc quảng cáo thời trang qua hình ảnh người mẫu ăn mặc hở hang trên sàn diễn (catwalk), cũng như người mẫu khỏa thân quảng cáo cùng sản phẩm, khêu gợi hết sức táo bạo, gần giống như dâm thư, mà nhiếp ảnh gia tiên phong phải kể là Helmut Newton và Guy Bourdin. Hiện nay hình quảng cáó quần lót đàn ông của CK, hay nội y phụ nữ của Victoria’s Secret táo bạo đập vào mắt, vẫn nhan nhản xuất hiện chỗ công cộng mà không hề xôn xao dư luận.

Bộ phận khác của phụ nữ cũng gợi cảm hết sức là cặp mông. Có người cho đây là biến thái tiến hóa của hai môi âm vật của loài khỉ. Chỉ khác nhau ở chỗ khỉ trong lúc động đực mới nở phồng, còn người nữ thì luôn luôn có cặp mông tròn to khêu gợi. Hình dạng, độ căng cứng của mông khác nhau tùy theo tuổi tác, chủng tộc, nhưng luôn luôn mông căng được coi là đẹp nhất, gợi tình nhất. Thời trang tăng cường hấp dẫn bằng bơm độn, hoặc quần chật lộ rõ mông căng phồng.

Đùi, cẳng, chân của phụ nữ cũng là những điểm đàn ông thường chú ý. Đùi to, cẳng dài, chân thon được coi như tuyệt đẹp. Chân dài còn là tướng dai sức. Trang phục váy ngắn hoặc xẻ rãnh, để lộ đùi, đầu gối, hướng dẫn liên tưởng lên phía vùng cấm, là cách khêu gợi hiệu quả. Áo dài VN, váy xường xám Trung Quốc, khiến cặp giò khi ẩn khi hiện, là những trang phục có tính khêu gợi cao.

Giầy là cái nền, cái bệ của toàn thân, tạo dáng đi quyến rũ, có sức khêu gợi liên tưởng tình dục mạnh mẽ, nên rất được thời trang chú ý. Giầy phụ nữ đủ kiểu khêu gợi như dép (sandale) giầy ống (boot), đặc biệt là giầy cao gót (higheel, stiletto) giúp cẳng chân trông dài ra, lại tạo được dáng đi nhún nhẩy, ngực thây lẩy phía trước, mông hẩy cao đằng sau, trông hết sức hấp dẫn. Sản xuất giầy trị giá rất lớn. Các tên tuổi như Manolo Blahnik, Jimmy Choo, Christian Louboutin….với những đôi giầy giá bạc ngàn.

Chân và giầy tạo nhiều liên tưởng khêu gợi, dễ trở thành fetish. Nổi tiếng nhất là Restif de la Bretonne (1734-1806) say mê giầy, thường ăn cắp giầy của phụ nữ, dùng để thủ dâm. Các nhà tâm lý và phân tâm như Havelock Ellis (Studies in the Psychology of Sex) Richard von Krafft-Ebing (Psychopathia Sexualis) đều có ghi lại những người mê giầy bệnh hoạn. Tục bó chân của Trung Quốc một mặt là khẳng định đẳng cấp giầu có, và mặt khác là tăng máu nuôi dưỡng hạ bộ để phục vụ tình dục tốt hơn. Và các đôi hài nhỏ trở thành báu vật gợi cảm, có khi còn được dúng làm ly uống rượu. Thời trang và tình dục khăng khít đến mức gần như bệnh hoạn.

Đàn ông Trung Cổ, ngoài cái codpiece đã nói trong một đoạn trên, còn có giầy kiểu mõm dài cong giống như mũi thuyền, gọi là Krakow hay Poulaine, mục đích cũng là “khoe của”. Thi nhau khoe của đến độ nhà vua và Giáo hội phải quy định chiều dài mõm giầy tùy theo phẩm trật, giai cấp, lợi tức hàng năm…

Liên hệ thời trang và tính dục còn nhận thấy rõ trong trang phục của người đồng tính, người chuyển giới, người mặc y phục khác giống (cross dressing), người bạo khổ dâm (S/M)… Y phục của họ thường đặc biệt: kiểu cọ, mầu sắc, hoa văn khác thường, rất đa dạng nhưng dễ nhận ra. Vd, dân S/M thích dùng hàng da, dân đồng tính thích sặc sỡ, mầu mè…

Điểm qua riêng rẽ tác dụng của thời trang trên từng bộ phận thân thể là để nhận rõ liên hệ giữa tính dục và thời trang. Trên thực tế liên hệ này cũng bị ảnh hưởng bởi môi trường văn hóa, hoàn cảnh xã hội chính trị… để tùy theo đó mà hở nhiều hay ít, nhấn mạnh điểm nàỳ hay điểm khác (ngực, mông, đùi, hay cẳng chân …). Thông thường, sau một thời gian che kín để tích lũy được đủ vốn kích thích thì cho hở ra sẽ tạo được hiệu quả cao. Theo Roland Barthes cái phần hé ra của da thịt giữa các khe hở quần áo, mới lá cái khêu gợi nhất. Chính cái ẩn hiện lấp lửng mở ra đóng lại của da thịt mới gây khoái cảm, ở chỗ tạo hy vọng cuối cùng sẽ được thấy trái cấm. Thật ra, đối với đàn ông thì bất cứ chút da thịt nào của phụ nữ cũng đều gợi tình, gợi cảm.

Hiện tại, với phong trào #MeToo, phụ nữ tố cáo sách nhiễu tình dục thường bị trách là tại do ăn mặc quá hở hang khêu gợi khiến người ta dễ bị cám dỗ phạm tội. Thành thử, thời trang các mùa gần đây đã thấy có chuyển hướng, ít hở hang khêu gợi mà nghiêng về trung dung kín đáo. Váy dài hơn, áo quần rộng thoáng hơn, không bó chặt, chú ý đến lưng hơn ngực, dùng nhiều mầu đen sậm…

Tuy nhiên nếu nhân loại tồn tại là nhờ vào tình dục thì dáng vẻ bên ngoài hấp dẫn lôi cuốn không bao giờ bị lỗi thời. Thời trang luôn luôn đóng vai quan trọng trong việc tăng cường quyến rũ. Hấp dẫn tình dục luôn luôn là một thuộc tính của thời trang, dù trong bất cứ thời đại, hoàn cảnh nào. Trong hơi thở thời trang luôn luôn phảng phất mùi tình dục.

Phạm Đức Thân

23 December 2019

Xin cám ơn cuộc đời

(Một người con gái kể lại)

Bố tôi từng là một tài xế lái xe đường dài, từng là một người xởi lởi và tự tin. Nhưng năm tháng trôi qua, lần đầu tiên không nhìn thấy rõ đường đi, ông vẫn nói đùa rằng đường nhiều bụi quá. Và cũng ngày hôm đó, tôi bắt gặp bố đang lặng lẽ đeo thử cặp kính lão.

Bố tôi sẽ nổi cáu khi ai đó bảo rằng ông đã đến tuổi phải nghỉ ngơi! Không lâu sau, bố bị đau tim, phải trải qua việc mổ xẻ. Khi qua khỏi, ông yếu hẳn đi và không thể đi làm được nữa!

Bố tôi vẫn sống-nhưng có một thứ, bên trong sâu con người ông thì không-Niềm vui sống!.

Bố cũng không chịu làm theo hướng dẫn của bác sĩ. Và không muốn gặp mọi người. Bạn bè đến thăm rồi cũng thưa dần...,bố còn lại một mình!

Càng ngày ông càng bẳn tính, bố chỉ trích mọi việc tôi định làm hay đã làm. Hằng ngày, tôi đều mong ước, có một ai đó để bầu bạn được với bố. Nhưng ước mong của tôi chưa biết đến khi nào, được trở nên hiện thực!..

Một người bạn chỉ cho tôi, nên thử tìm một vật nuôi để bố khuây khỏa, và đã dẫn tôi tới một tổ chức chăm sóc vật nuôi vô chủ. Sau khi điền vào một tờ đơn, tôi được người hướng dẫn đưa đi xem những dãy chuồng lớn với rất nhiều chó. Chúng đều mừng rỡ khi thấy có người tới. Nhưng tôi chưa vừa ý con nào, có con nhỏ quá, con to quá, hay con thì lông dài quá...

Khi tôi đến gần chuồng nhốt cuối cùng, tôi thấy một con chó từ góc xa của chuồng, đang nặng nhọc bước về phía tôi và lặng lẽ ngồi xuống. Nó rất gầy, nhưng đôi mắt của nó rất lạ: Bình thản và trong veo!!

Khi tôi hỏi thăm về nó, người hướng dẫn diễn tả:

- Nó buồn cười lắm! không hiểu nó từ đâu tới, cứ ngồi thơ thẩn trước cổng. Chúng tôi đành mang nó vào và chờ đợi có ai đến tìm, nhưng hoài mãi mà không thấy ai, ngày mai là nó hết hạn...

- Hết hạn?..là anh định giết nó hay sao??? - tôi hốt hoảng!

- Cô ơi, đó là quy định. Chúng tôi không thể nuôi dưỡng hết số chó vô chủ đến khi chúng già được!.

....

 Tôi gọi ầm lên khi vừa vào đến cửa:

- Bố! bố ơi, xem con đem gì về này!

- Nếu tao cần một con chó, tao sẽ tự kiếm, và tao đã kiếm được một con chó tốt hơn là con chó gầy trơ xương này!

Ông phẩy tay: Mày giữ lấy nó, tao không cần!

Tôi tức nghẹn, vả lại bố cứ nhìn tôi bằng ánh mắt thách thức. Đúng khoảnh khắc ấy, con chó lặng lẽ đi lại phía bố, và ngồi xuống ngay cạnh ông. Một cách chậm chạp, nó giơ một chân trước lên. 

Bố tôi, lúc này ông lúng túng thật sự..Rồi ông cúi xuống, nắm lấy chân trước của chú chó như bắt tay, và rồi ông ôm con chó gầy vào lòng...

Đó là mở đầu của một tình bạn thân thiết. Bố đặt tên cho nó là Cheye. Họ cùng đi dạo mỗi buổi chiều. Họ ngồi trên bờ sông hàng giờ liền cùng nhau. Không nơi nào mà bố không cho Cheye đi cùng. Bố và Cheye không rời nhau trong suốt ba năm sau đó. Bố không còn khó tính như trước, ông và Cheye gặp gỡ nhiều người, cả hai cùng có thêm nhiều bạn mới. Nụ cười đã trở lại trên môi và trong ánh mắt của bố. Cùng với đó là niềm vui sống...

Rồi một đêm khi đang ngủ, tôi cảm thấy cái mũi ươn ướt của Cheye cọ vào chân. Chưa bao giờ nó làm phiền giấc ngủ của mình, tôi bật dậy, vội vã chạy sang phòng bố. Bố vẫn nằm trên giường, thanh thản. Ông ra đi lặng lẽ, nhẹ nhàng như vậy!

Năm ngày sau, tôi lại khóc một lần nữa, khi trông thấy Cheye nằm chết bên cái giường bỏ không của bố.

Tôi chôn nó ở gần bờ sông, nơi mà bố tôi và nó hay ngồi câu cá. Đám tang của bố được tổ chức ở nhà thờ, rất nhiều người bạn của ông và Cheye đến dự, họ nhớ bố tôi và cả Cheye nữa, chú chó bất ngờ xuất hiện trong đời của bố, sự bình thản của nó khi đối diện với cuộc sống, dù khó khăn hay bất hạnh thể nào..., và giữ lại cho những năm tháng cuối đời của bố tôi là niềm vui và sự thanh thản.

Và tôi nhận ra được, cuối cùng thì mong ước của tôi cũng đã trở thành hiện thực. Xin cảm ơn cuộc đời!

22 December 2019

TT Trump bị đàn hặc

Vũ Linh

Phe DC trong Hạ Viện đã chính thức đàn hặc TT Trump. Không phải là chuyện lạ khi đảng DC đã phóng lao quá mạnh, tất nhiên phải theo lao thôi. Hay nói cách khác, đã leo lên lưng cọp dữ, chỉ có thể bám vào lưng cọp chứ nhẩy xuống thì chết ngay.

Chuyện đáng bàn là những chuyện bên lề và tìm câu trả lời cho câu hỏi “tại sao đàn hặc?”

Không kể hai ba phiếu trắng hay vắng mặt không biểu quyết:

- về tội lạm quyền, 230 db DC thuận, 2 chống; 195 db CH chống, 0 thuận.
- về tội cản trở quốc hội, 229 db DC thuận, 3 chống; 195 db CH chống, 0 thuận.

Trước đàn hặc, các ‘chuyên gia’ đã tiên đoán có thể có tới nửa tá dân biểu DC sẽ phản đảng, biểu quyết chống đàn hặc, trong khi cũng có khoảng nửa tá dân biểu CH chống Trump, biểu quyết đàn hặc. Kết quả khác xa.

Bên DC, chỉ có 3 dân biểu phản đảng chống đàn hặc, một dân biểu bỏ phiếu trắng, trong khi bên CH, không có tới một dân biểu nào biểu quyết đàn hặc TT Trump. Tức là đây là một đàn hặc mang tính phe đảng tuyệt đối, chưa từng thấy trong lịch sử các vụ đàn hặc, từ đàn hặc tổng thống đến đàn hặc các dân biểu, nghị sĩ, hay quan tòa liên bang, hay thống đốc,…

Xin nhắc lại: tuần trước, DĐTC có viết “Ở đây, thiên hạ nhớ lại câu nói của ông Tom Daschle năm xưa: “Chúng ta không thể chấp nhận cho một tổng thống – CH hay DC- có thể bị truất phế qua một biểu quyết tại Hạ Viện theo đúng làn ranh đảng phái”. Ông Daschle khi đó là thượng nghị sĩ lãnh đạo khối thiểu số DC trong Thượng Viện, chống lại việc đàn hặc và truất phế TT Clinton. Không hiểu bây giờ ông Daschle nghĩ sao”.

Dân biểu CH Greg Steube của Florida tuyên bố ông chưa khi nào thấy đảng CH đoàn kết sau lưng tổng thống như bây giờ. Bà Pelosi đã giúp thực hiện một sự đoàn kết trong đảng CH mà chưa có tổng thống CH nào đã làm được. Cám ơn bà Pelosi! Cho dù đó chính là hậu quả bà lo sợ nhất từ đàn hặc.

Nếu không có tới một dân biểu CH chống lại TT Trump tại Hạ Viện thì làm sao Thượng Viện có thể có được 20 thượng nghị sĩ CH biểu quyết truất phế TT Trump để Thượng Viện có đủ túc số cần thiết?

TT Trump sẽ đi vào lịch sử như tổng thống đầu tiên bị đàn hặc trong khi đang tái tranh cử. Nếu ông đắc cử thì sẽ đi vào lịch sử như tổng thống bị đảng đối lập đàn hặc nhưng vẫn được dân tín nhiệm, và đảng đối lập DC sẽ đi vào lịch sử với … cái tát tai của dân.

Tuy Hạ Viện đã chính thức đàn hặc, vẫn không có nghĩa là Thượng Viện sẽ có phiên tòa để biểu quyết việc truất phế ngay.

Đàn hặc và truất phế tổng thống còn phải qua nhiều thủ tục nhiêu khê.

Trước hết, Hạ Viện phải gửi ngay hồ sơ đàn hặc qua Thượng Viện, rồi lấy biểu quyết bổ nhiệm một số dân biểu đại diện Hạ Viện ra đóng vai trò công tố để ra trước Thượng Viện biện giải quyết định của Hạ Viện và truy tố TT Trump. Những người này được gọi là ‘Impeachment Managers’. Hồ sơ cũng phải được gửi tới Tòa Bạch Ốc để nơi đây bổ nhiệm một số luật sư ra trước Thượng Viện bênh vực cho TT Trump. Ngoài ra, hồ sơ cũng phải gửi đến Tối Cao Pháp Viện để chánh thẩm phán John Roberts chuẩn bị làm chánh án vụ xử tại Thượng Viện. Bà Pelosi đã không làm những việc này, mà đã cho cả Hạ Viện đóng cửa ngay ngày hôm sau để đi nghỉ lễ cuối năm. Do đó, sẽ không có chuyện gì xẩy ra cho tới cuối tuần lễ đầu của tháng Giêng năm tới.

Sau khi nhận được hồ sơ đàn hặc, Thượng Viện sẽ phải biểu quyết có ‘phiên tòa’ hay không. Nếu có 51 thượng nghị sĩ biểu quyết không có phiên tòa thì câu chuyện đàn hặc chấm dứt, chẳng có ‘phiên tòa’ nào nữa. Đây là chuyện vài thượng nghị sĩ CH đã đe dọa. Tuy nhiên, TT Trump không muốn chuyện này vì ông muốn có một phiên tòa để có dịp nghe điều trần của anh thổi còi, của cha con cụ Biden và có thể chính ông sẽ ra điều trần để dân Mỹ thấy rõ câu chuyện không một chiều như Hạ Viện trình bày cho thiên hạ thấy.

Về phiá bà Pelosi, bà này đã nhẩy vào chơi trò đánh phé, tháu cáy qua lại. Ngoài việc không gửi hồ sơ và đóng cửa Hạ Viện đi nghỉ lễ, bà còn tuyên bố có thể bà sẽ không chuyển hồ sơ đàn hặc qua Thượng Viện luôn mà để cái án đàn hặc lửng lơ vĩnh viễn. Ý của bà Pelosi chỉ cốt làm nhục, hạ uy tín TT Trump mà không cho Thượng Viện dịp ‘tha bổng’ TT Trump, bắt TT Trump mang vết đen suốt đời.

Đây là chuyện mới lạ, chưa ai biết chắc bà Pelosi có quyền làm việc này hay không. Tin báo chí cho biết bà Pelosi đã lấy quyết định này dựa trên khuyến cáo của cố vấn Laurence Tribe, vị siêu luật gia DC mà Diễn Đàn Trái Chiều đã bàn qua tuần rồi. Nhưng GS Alan Dershowitz của Harvard lại khẳng định đó là vi phạm Hiến Pháp. Và chuyện đáng nói hơn nữa là GS Noah Feldman cũng của Harvard, một trong 4 giáo sư Hiến Pháp mà Hạ Viện đã mời ra điều trần mới đây để biện minh cho việc đàn hặc TT Trump, đã tuyên bố một câu động trời: “Nếu hồ sơ đàn hặc không được chuyển qua Thượng Viện thì coi như đàn hặc không có giá trị, như chưa hề xẩy ra”. Theo GS Feldman, đàn hặc theo Hiến Pháp là một tiến trình gồm đầy đủ hai giai đoạn, luận tội tại Hạ Viện và kết tội tại Thượng Viện, không thể chỉ có một mà không có hai. Giống như trong một phiên tòa, bồi thẩm đoàn phán có tội, nhưng nếu tòa không tiếp tục xử, ông quan tòa không tuyên án, thì coi như phạm nhân chẳng bị tội gì hết và hồ sơ vẫn trắng tinh. Tòa Bạch Ốc đã mau mắn cho các siêu luật sư của TT Trump nghiên cứu lập luận này.

Phe CH đã tố bà Pelosi lạm quyền, dùng đàn hặc như vũ khí tranh cử đánh vào uy tín của TT Trump, chứ không phải chuyện Trump làm gì sai trái, phải làm rõ trắng đen, phải luận xem tổng thống có tội hay không và có cần phải truất phế hay không.

Dù sao, để chuẩn bị cho ‘phiên tòa’ truất phế TT Trump, TNS Chuck Schumer, lãnh tụ khối thiểu số DC tại Thượng Viện, đã nhanh nhảu đi bước trước, gửi thư cho TNS Mitch McConnell, lãnh tụ khối đa số CH, liệt kê những ‘đề nghị’ của phe DC về chi tiết thủ tục tiến hành phiên tòa.

Ông Schumer cũng liệt kê bốn viên chức cao cấp của chính quyền Trump mà phe DC đòi ra điều trần. Ông cũng cho biết sẽ hoan hỷ đón nhận các nhân chứng của phe CH với điều kiện các nhân chứng đó phải trực tiếp liên hệ đến viện trợ cho Ukraine. Dịch qua tiếng Nôm, có nghĩa là sẽ không chấp nhận anh thổi còi và cha con cụ Biden ra làm nhân chứng, là những người phe CH đang muốn chất vấn. Lãnh tụ CH, thượng nghị sĩ Mitch McConnell đã mau mắn bắc bỏ đề nghị muốn/chống nhân chứng này, xác nhận vai trò của Thượng Viện là tuyên án tổng thống dựa trên biểu quyết của Hạ Viện, chứ không phải là mở lại cuộc điều tra để “đi câu cá” –fishing expedition-, tiếp tục đi tìm tội của TT Trump qua việc truy lùng nhân chứng. Ai cũng hiểu cái gian trá của phe DC: nếu bốn người mà họ đòi ra điều trần không có kết quả nào có lợi cho họ thì họ sẽ lại yêu sách đòi bốn người khác, cứ thế tiếp tục thôi.

Chuyện tiếu lâm là phe thiểu số bây giờ ra điều kiện cho phe đa số về thủ tục tiến hành ‘phiên tòa’. Không hiểu dựa trên quyền gì? Hãy nhớ lại Hạ Viện đã coi những yêu cầu của phe CH như thế nào.

Chuyện tiếu lâm hơn nữa là khi Thượng Viện có phiên tòa kết tội TT Clinton năm xưa, chính thượng nghị sĩ Schumer khi đó chống việc gọi thêm nhân chứng ra điều trần. Ông tuyên bố “Hạ viện đã đòi không biết bao nhân chứng, tất cả đều nói đi nói lại có bấy nhiêu chuyện đó, bây giờ lại đòi thêm nhân chứng nữa làm gì?” Câu hỏi này bây giờ nên hỏi lại cụ Schumer.

Thật ra, ông Schumer chỉ là đánh phủ đầu trước, đưa ra những ‘đề nghị’ này dù biết phe CH sẽ bác bỏ, để sau này có cớ chỉ trích phe CH đã không công bằng, không chấp nhận những ‘đề nghị đầy thiện ý’ của phe DC. Làm như thể chính trị là chuyện công bằng hay không vậy. Nhìn vào cách Hạ Viện tiến hành cuộc điều tra đàn hặc thì biết chuyện công bằng có giá trị như thế nào trong mắt các chính trị gia. Rõ là ấm ớ, coi thường thiên hạ.

TT Trump, một ngày trước khi Hạ Viện biểu quyết đàn hặc, đã chính thức gửi một bức thư dài 6 trang đến bà chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi, tố cáo đàn hặc chỉ là một đòn chính trị nhằm bác bỏ kết quả bầu cử mà chẳng dựa trên bất cứ bằng chứng cụ thể nào. TT Trump đã viết rõ trong thư mục đích của ông không phải là tìm cách xoay chuyển thái độ chống đối của phe DC, mà chỉ muốn để lại một tài liệu cho lịch sử 100 năm sau nhìn thấy rõ những việc quá đáng mà đảng DC đang làm.

Lịch sử phán xét như thế nào chỉ có con cháu chúng ta mới biết được. Hiện tại thì chỉ có thể nhìn vào quan điểm của các chuyên gia, mà là chuyên gia thứ thiệt, chứ không phải chuyên gia tự phong của TTDC.

Sau khi Hạ Viện chính thức đàn hặc TT Trump về hai tội ‘lạm quyền’ và ‘cản trở quốc hội’, vài chuyên gia đã lên tiếng.

Cựu công tố độc lập Robert Ray, người đã giúp công tố Kenneth Starr truy tố TT Clinton trước đây, đã nhận định về tội lạm quyền: “họ [khối DC] đã bỏ qua tội phản quốc, bỏ qua tội hối lộ, bỏ qua tội tống tiền, bỏ qua tội yểm trợ tranh cử sái phép, bỏ qua tội cản trở công lý, để lấy cái tội lạm quyền là tội đòi hỏi ít bằng chứng rõ rệt”. Về tội cản trở quốc hội, ông Ray có ý kiến là “đàn hặc phải dựa trên một tội rõ rệt nào đó, và cản trở quốc hội không phải là một tội gì hết”.

Ông Thomas Jipping, cựu luật sư chính của Ủy Ban Tư Pháp Thượng Viện cũng đã có nhận định tương tự.

Về tội lạm quyền, ông Jipping cho biết ‘thiếu yếu tố phạm tội cụ thể mà chỉ dựa trên suy đoán về ý định của TT Trump. Đây là vụ đàn hặc đầu tiên dựa trên ‘ý định’ trong lịch sử đàn hặc Mỹ”. Về tội ‘cản trở quốc hội’, ông Jipping cho biết: “hành pháp không bị bắt buộc phải làm những gì lập pháp đòi hỏi. Hiến Pháp ghi nhận rõ ràng thể chế tam quyền phân lập, có ranh giới rõ rệt giữa hai nhánh đó”. Nôm na ra, tổng thống không thể bị lột chức vì không nghe lệnh của vài chủ tịch ủy ban của Hạ Viện.

Ông Christian Adams, cựu luật sư chính của bộ Tư Pháp nhận định “tóm lại, tội lạm quyền có thể được hiểu là ‘chúng tôi [phe DC] không ưa Trump’, trong khi tội cản trở quốc hội là tội ‘Trump đã không làm theo ý của chúng tôi [phe DC]”.

Có một vấn đề khá thú vị: theo báo Washington Post, phần lớn các chính khách của đảng DC, nhất là bà chủ tịch Hạ Viện Pelosi, đều cố tránh né nói về đàn hặc với cử tri, trong khi phần lớn các chính khách đảng CH, kể cả TT Trump lại không bỏ qua một dịp nào để lên tiếng công kích đàn hặc.

Tại sao có chuyện lạ vậy? Chỉ vì tất cả các thăm dò đều cho thấy đàn hặc đã là một sai lầm lớn của đảng DC khi số người chống đàn hặc và truất phế TT Trump ngày càng tăng. Đảng DC đã lấy một quyết định chiến lược sai lầm vĩ đại và bây giờ đang ngồi trên lưng cọp, không xuống được nữa. Đảng CH nhìn thấu và muốn khai thác sai lầm đó triệt để, cố xoáy mũi dao vào vết thương, thúc cho cọp chạy nhanh hơn nữa.

Đây là thăm dò mới nhất của CNN (không phải Fox News đâu nhé): so với tháng trước November, tháng này đã thấy:
Số người ủng hộ đàn hặc tuột từ 50% xuống 45%;Số người chống đàn hặc tăng từ 43% lên 47%:
Nhà báo kỳ cựu Chris Cilliza của CNN, chuyên gia chống Trump, đã viết bài cảnh giác đảng DC “dường như đàn hặc đã mang lại lợi thế chính trị cho TT Trump”. “Dường như”? Không đâu, đó là dữ kiện thật!

Báo thiên tả The New Yorker nhận định “đàn hặc là canh bạc lớn của đảng DC, chỉ có thời gian mới trả lời DC tính toán đúng hay sai”. “Thời gian” là cuộc bầu cử cuối năm tới. Trang mạng The Hill chạy tít “Dân Chủ Lo Sợ Trump Vẫn Thắng Bất Kể Đàn Hặc”.

Báo Washington Post có liền 3 bài bình luận. Dưới ngòi bút của Henry Olsen, WaPo than vãn “đàn hặc phe phái đổ dầu vào lửa chia rẽ”. Dana Milbank thì viết “Hạ Viện đàn hặc, nhưng Trump thắng”. Bà Kathleen Parker còn báo động “Trump chắc sẽ thắng năm 2020”.

Đúng là chuyện lạ: ngày TT Trump bị phe DC trong Hạ Viện đàn hặc, không thấy TTDC khui sâm banh ăn mừng, mà trái lại đều hốt hoảng rung chuông báo động. Vậy nghĩa là gì?

Trùng hợp lịch sử: TT Clinton bị chính thức đàn hặc ngày 19 tháng Chạp 1998, TT Trump ngày 18 tháng Chạp 2019, cách một ngày, 21 năm sau.

Nhiều người đã so sánh đàn hặc TT Trump với đàn hặc TT Clinton. Coi như đây là cách đảng DC ‘đáp lễ’ lại hành động của đảng CH năm xưa.

Đây là một so sánh khập khễnh.

Điểm khác biệt quan trọng nhất là TT Clinton đã vi phạm một tội, rồi bị điều tra đưa đến đàn hặc vì có bằng chứng cụ thể mà chính TT Clinton sau khi chối bai bải, đã phải lên TV thừa nhận và xin lỗi cả nước. TT Clinton bị Hạ Viện truy tố dựa trên phúc trình 450 trang của công tố Ken Starr, ghi rõ rằng những tội đã phạm, cùng với đầy đủ nhân chứng, tang chứng, và vật chứng, kể cả cái áo đầm dính tinh khí.

Trong khi trong trường hợp TT Trump, phe đối lập DC đã lên tiếng đòi đàn hặc ngay từ khi ông Trump chưa tuyên thệ hay vừa tuyên thệ chưa kịp làm bất cứ chuyện tội lỗi hay chuyện không tối lỗi nào. Dân biểu Al Green, một trong những tiếng nói ồn ào nhất đòi đàn hặc đã nói thẳng thừng “Đàn hặc là cần thiết để có thể cản TT Trump tái đắc cử”. Rồi sau đó, liên tục tìm cách nặn ra tội để đàn hặc.

Khi tội thông đồng với Nga bị công tố Mueller liệng vào thùng rác thì phe DC cụt hứng, tìm ‘đại tội ‘khác. Nhân vụ một anh thổi còi báo cáo TT Trump có thể đã có ‘đổi chác’ gì đó với TT Ukraine, phe DC vội bám chặt như là lý cớ mới và hấp tấp đàn hặc ngay thay vì bổ nhiệm một công tố khác để điều tra cho kỹ. Báo cáo ‘trắng án’ của công tố Mueller đã là bài học mà phe DC không muốn lập lại.

Hạ Viện bây giờ truy tố TT Trump dựa trên cái gì? Toàn là những chuyện nghe qua nói lại, không có bất cứ một người nào chính mắt thấy tai nghe chuyện gì, cũng không có bất cứ tang vật hay bằng chứng gì. Không có điều tra gì của công tố độc lập nào.

Việc TT Trump cản trở, bất hợp tác trong cuộc điều tra của Hạ Viện là chuyện tất cả các tổng thống DC hay CH đều đã làm, đàn hặc hay không. Đây là vấn đề then chốt trong chế độ tam quyền phân lập của Mỹ, trong đó Hiến Pháp không có ghi việc không hợp tác với quốc hội đòi đảo chánh mình là tội phải bị truất phế.

Nếu bất hợp tác với cuộc điều tra của quốc hội là một tội đáng và cần truất phế thì năm xưa, TT Obama đã phải bị truất phế rồi. Khi đó, quốc hội điều tra về vụ FBI bán súng cho băng đảng ma túy Mễ trong chiến dịch gọi là ‘Fast and Furry’. Chính quyền Obama bất hợp tác, từ chối cung cấp tài liệu và không cho bộ trưởng Tư Pháp Eric Holder ra điều trần. Ông Holder bị quốc hội biểu quyết tội ‘khinh thường quốc hội’ –contempt of Congress-, nhưng ông phớt lờ, vẫn chẳng bị gì hết. TT Obama chẳng bị đàn hặc gì ráo.

Một điểm khác biệt nữa giữa TT Clinton và TT Trump: TT Clinton tái đắc cử rồi mới bị đàn hặc, trong khi với TT Trump, phe DC đàn hặc trước bầu cử để hy vọng chặn đường của ông.

Nghĩa là đàn hặc đã biến thành công cụ chính trị không phải để trừng phạt một tội nào đó của tổng thống, mà là để có lý do truất phế ông trước bầu cử, hay nếu thất bại, cũng giúp cản không cho ông tái đắc cử. Nói cách khác, phe DC muốn dùng đàn hặc để xóa bỏ kết quả bầu cử trước, rồi nếu không được thì ít ra cũng để khuynh đảo bầu cử tới.

Nói cho cùng, đàn hặc là biện pháp tuyệt vọng mà hy vọng thành công rất mong manh, nhưng vẫn còn hơn là không làm gì, ngồi chịu chết.

Cái nguy cho đảng DC chẳng những là thấy TT Trump tái đắc cử, mà cũng sẽ thấy các dân biểu DC biểu quyết đàn hặc TT Trump nhưng sống trong vùng đất của Trump sẽ mất job và Hạ Viện sẽ trở về tay CH trong nhiệm kỳ tới. Canh bạc nhất chín nhì bù của phe DC có vẻ như triển vọng bù lớn hơn nhiều.

Một phản ứng mà phe DC sẽ nhẩy bổ vào tố cáo: TT Putin nhận định TT Trump bị đàn hặc dựa trên những lý cớ ngụy tạo, “made-up reasons”, hết thông đồng với Nga tới thông đồng với Ukraine!

Nhiều người ủng hộ đàn hặc vì chống TT Trump, đã hùa theo đảng DC tố cáo TT Trump tuy không có tội rõ rệt, nhưng là người nguy hiểm, là người có nhiều tật xấu, thiếu đạo đức, là người không có khả năng, vô tư cách, là người làm việc bốc đồng, ăn nói lăng nhăng, là … rất nhiều thứ xấu xa, không xứng đáng làm tổng thống, phải lột chức càng sớm càng tốt để bảo vệ đất nước này.

Với những vị này, tôi xin phép thưa ngay là Hiến Pháp Mỹ có dự trù trường hợp này, có đề ra cách để lột chức người này. Cách đó gọi là bầu cử, tức là dành cho người dân quyền quyết định. Người dân ở đây là hơn ba trăm triệu dân Mỹ chứ không phải vài anh quá khích, cực đoan trong một đảng đối lập, muốn chống tổng thống đến cùng, bất chấp ý muốn của một nửa dân Mỹ.

Để kết luận, kẻ này muốn trả lời cho câu hỏi ‘tại sao phe DC lại nghiến răng nghiến lợi đàn hặc như vậy?”

Kẻ này nhìn cuộc chiến đàn hặc như một xung đột quyền lực giữa lập pháp và hành pháp, chuyện ‘sinh tử thứ thiệt’ rất nặng nề mà hai bên, nhất là phe DC, đang tận lực khai thác những khiá cạnh chính trị và luật lệ để chiếm ưu thế. Đây là cách duy nhất giải thích thái độ có vẻ ngang ngược, bất chấp dư luận, bất chấp dữ kiện, nghiến răng nghiến lợi đàn hặc cho bằng được của đảng DC. Cũng giải thích được tính phe đảng tuyệt đối của vụ đàn hặc này.

Đảng DC có vẻ tấn công mạnh hơn có lẽ vì họ sợ sẽ thất cử năm tới nên tìm cách bành trướng quyền lực lập pháp ngay từ bây giờ trong khi giảm thiểu thế lực của hành pháp để phòng thân cho những năm tới mà họ sợ TT Trump sẽ tiếp tục làm tổng thống. Cũng có thể đàn hặc đã được kích động bởi tham vọng cá nhân của bà Pelosi cùng với hai ông Schiff và Nadler, là chuyện khỏi cần bàn thêm.

Trong trận chiến mới này, chỉ có Tối Cao Pháp Viện mới có quyết định cuối cùng. Mà chưa chắc phán quyết của TCPV sẽ được cả hai bên chấp nhận và tôn trọng vì quyền lợi quá lớn.

Đám dân ngu khu đen tỵ nạn ta, nhất là kẻ dốt này, không biết gì về chính trị và luật lệ Mỹ, còn chút tinh thần trách nhiệm, không thể nhẩy nhổm vào, chửi bới lăng nhăng theo cảm tính phe đảng, bất kể bênh hay chống bên nào, có thể bị hố to. Không đồng ý với TT Trump hay bà Pelosi là quyền của mọi người, nhưng không thể nhục mạ phỉ báng họ, càng không thể coi thường, chửi họ ‘ngu’. Họ là đai đen đệ thập đẳng, chúng ta chưa có tới đai trắng, chưa đủ tư cách để chửi ai ngu hết.

Bất kể quan điểm chính trị, chúng ta cần mở mắt cho to để xem và học dân chủ Mỹ vận hành.

Vũ Linh, 21/12/2019
(Nguồn: Thế Giới Mới)

20 December 2019

Nhóm đa số Dân chủ Hạ viện Mỹ bỏ phiếu đàn hặc TT Donald Trump

Tối qua, 18/12/2019, trong khuôn khổ thủ tục phế truất tổng thống, với 230 phiếu thuận, 197 phiếu chống và 1 phiếu trắng, Hạ Viện Mỹ, với đa số thuộc đảng Dân Chủ, đã bỏ phiếu thông qua bản luận tội nhắm vào Donald Trump. Theo Hạ Viện, tổng thống Trump phạm tội lạm dụng quyền lực và cản trở công việc Quốc Hội.

Ông Donald Trump trở thành tổng thống thứ ba trong lịch sử Hoa Kỳ bị luận tội để phế truất. Tuy nhiên, khả năng phế truất tổng thống Trump theo phán xét của Thượng Viện là hầu như không thể xảy ra.

Thông tín viên RFI tại Washington, Anne Corpet tường trình :

Đáng tiếc là quan điểm của những người sáng lập ra nền dân chủ của chúng ta đã bị đe dọa bởi các hành vi của tổng thống. Bà Nancy Pelosi buồn bã mở màn buổi tranh luận bằng phát biểu như vậy. Trong vòng sáu giờ, các dân biểu Dân Chủ và Cộng Hòa đã đốp chát quan điểm với nhau. Hai phe không thể dung hòa được, trừ có một nhận định : Hôm nay là một ngày buồn.

Nghị sĩ Dân Chủ Lewwis Johnson, một nhân vật tiêu biểu đấu tranh vì dân quyền nói lớn : Đây là một ngày buồn ! Không phải là một ngày vui được !

Nhưng với các dân biểu Cộng Hòa, thủ tục phế truất này chỉ là mưu đồ lật đổ tổng thống. Devin Nunes, dân biểu Cộng Hòa nói : Không dễ để làm cho một âm mưu đảo chính trở nên nhàm chán, nhưng đảng Dân Chủ đã tìm được cách.

Cuộc bỏ phiếu cuối cùng đã có kết quả. Bằng một cử chỉ dứt khoát, bà Nancy ngăn các dân biểu không vỗ tay. Mặc bộ đồ đen, bà lãnh đạo phe Dân Chủ tại Hạ Viện muốn thể hiện tính chất nghiêm trọng của thời điểm này. Bằng chiến thuật có tính toán, bà chủ tịch Hạ Viện không gửi ngay các điều khoản luận tội qua Thượng Viện. Đó là cách làm để cho thấy là phiên xử không phải là chỉ làm cho xong chuyện."

TT Donald Trump, tức giận và tính toán:

Tuy nhiên, vị tổng thống 73 tuổi không bao giờ chịu thua ai và với cách làm chính trị không giống ai này đã không ngồi im nhìn đối thủ quyết định tương lai của mình.

Mặc dù biết chắc chắn sẽ được Thượng Viện, do phe Cộng Hòa kiểm soát, xử trắng tội, ông Donald Trump hiểu được rằng, sau tổng thống Andrew Johnson năm 1868 và Bill Clinton năm 1998, ông là vị tổng thống thứ 3 của nước Mỹ bị đưa ra Thượng Viện để phán xử phế truất và cái ngày 18/12/2019 sẽ còn lưu lại trong sử sách nước Mỹ.

Trong lúc phiên bỏ phiếu luận tội diễn ra tại Hạ Viện, Ông Trump tiếp tục cuộc chiến ở mặt trận khác: Cuộc bầu cử tổng thống 2020, ngay trong ngày bị Hạ Viện luận tội.

Như thường lệ, sau vài dòng twitt miệt thị hành động của phe Dân Chủ, ông Donald Trump rời Nhà Trắng đến với cuộc mít tinh vận động tranh cử ở bang Michigan.

Tại cuộc mít tinh, trước hàng nghìn người, ông đã không kìm được phẫn nộ. Ông tuyên bố : "Trong khi chúng ta tạo công ăn việc làm, chúng ta chiến đấu vì Michigan, cánh tả cực đoan ở Quốc Hội đang bị sự ham hố, thù hận và điên dại gặm nhấm… Phe Dân Chủ đang cố hủy đi hàng chục triệu lá phiếu của người Mỹ". Tổng thống Mỹ khẳng định các đối thủ Dân Chủ vừa có hành động "tự sát chính trị" và ông sẽ tận dụng cơ hội này để tập hợp cử tri đông đảo hơn.

Donald Trump biết ngày khó khăn nhất trong sự nghiệp chính trị của ông đã qua và sắp tới là những ngày thuận lợi hơn. Gần như là chắc chắn vào tháng Giêng tới, Thượng Viện do đảng Cộng Hòa kiểm soát sẽ tuyên bố ông vô tội. Đến khi đó Donald Trump sẽ lại trở thành người chiến thắng.

Thư phản bác của TT Trump

Vào trước ngày bỏ phiếu đàn hặc, TT Trump gửi Chủ tịch Hạ viện Pelosi một lá thư dài 6 trang để phản bác hành vi 'lạm quyền' của Pelosi và đám dân biểu đảng Dân chủ, trong đó có những đoạn viết:

(TTR trích dịch)

"Bà đang biến một sự bất đồng chính sách giữa hai nhánh của chính quyền thành một hành vi đáng bị luận tội, và điều đó không chính đáng hơn việc ngành Hành pháp buộc tội các thành viên Quốc hội vì  thực thi quyền lập pháp một cách hợp pháp." . . .

"Thưa bà Pelosi, mới tuần trước đây, chính bà đã thú nhận trong một cuộc trao đổi công khai rằng việc đàn hặc này đã diễn tiến hai năm rưỡi nay (nghĩa là) rất lâu trước khi bà nghe đến cuộc điện đàm với Ukrain."

"Mười chín phút sau khi tôi tuyên thệ nhậm chức, tờ Washington Post đã tung ra câu chuyện với cái tựa đề, 'Chiến dịch Đàn hặc Tổng thống Trump đã bắt đầu' . Chưa đầy ba tháng kể từ ngày tôi nhậm chức, dân biểu Maxime Waters tuyên bố, "Tôi sẽ tranh đấu từng ngày cho đến khi ông ta bị đàn hặc." . . .

Dân biểu Al Green nói vào tháng Năm, 'Tôi lo ngại nếu chúng ta không đàn hặc tổng thống này, thì ông ta sẽ tái đắc cử'."

"Tất cả mọi người, trong đó có bà, biết những gì đang thực sự xảy ra.  Ứng cử viên bà đã chọn đã thua cuộc bầu cử vào năm 2016, với kết quả long trời lở đất (306-227), và bà và đảng của bà chưa bao giờ hồi phục sau thất bại này.  Bà đã phát triển một trường hợp đầy đủ về những gì mà nhiều người trong giới truyền thông gọi là Hội chứng tâm thần về Trump, và thật đáng buồn, bà sẽ không bao giờ vượt thoát khỏi hội chứng đó được!  Bà không sẵn lòng và cũng không có khả năng chấp nhận phán quyết được đưa ra tại thùng phiếu trong cuộc bầu cử vĩ đại năm 2016. Vì vậy, bà đã mất ba năm liên tục để cố gắng lật ngược ý chí của người dân Mỹ và vô hiệu hóa phiếu bầu của họ.  Bà xem dân chủ là kẻ thù của mình!" . . .

"Giáo sư luật Jonathan Turney khi nói đến các dân biểu Dân chủ đã cảnh báo rằng 'không biết tôi đã nhấn mạnh về điểm này đủ chưa . . . nếu bạn đàn hặc một tổng thống, bạn chế ra một trọng tội hay một khinh tội mà không thông qua tòa án, thì đó là lạm quyền, bạn đang lạm quyền. Bạn đang làm cái chuyện mà bạn đang chỉ trích nơi người khác'.". . .

(TTR tổng hợp)

Giới truyền thông chụp Đương kim Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi

18 December 2019

Xe Buýt Quá Tải, chuyện xả xú-bắp

Xe buýt quá tải 
Hai vợ chồng đứng chờ xe buýt
Cùng chín đứa con nít kế bên
Ông khiếm thị tới nhập bọn thêm
Mấy phút sau, xe buýt xuất hiện 
Mọi người cùng nhắm cửa xe đến
Bà vợ và lũ trẻ leo lên
Xe hết chỗ không chứa được thêm
Hai ông bèn quyết định đi bộ 
Ông mù chống gậy đi dọc phố
Gây tiếng động lóc cóc đều vang
Ông kia nghe mãi, bực bội, than:
“Sao không bọc cao su đầu gậy?” 
Ông mù cũng đang tức như vậy,
Phải đi bộ, nên đáp lại ông:
“Nếu ông bọc cái gậy của ông?
Thì hôm nay đâu phải đi bộ.”

TNT phỏng dịch
Dec., 2019

17 December 2019

Cảnh sát Nhật bắt 'siêu chôm đồ' Việt Nam

Một phụ nữ Việt Nam, bị bắt hồi tháng Chín vì nghi ngờ trộm cắp, đã chôm đồ trị giá khoảng 28 triệu yên (256.000 đô la) tại nhiều tiệm thuốc ở Tokyo và chín tỉnh khác trong năm qua, cảnh sát Nhật được hãng tin Kyodo đưa tin hôm thứ Ba 17/12.

Cảnh sát nghi Nguyễn Thị Phương Uyên, 21 tuổi, lấy khoảng 8.300 đồ mỹ phẩm và các mặt hàng khác trong 161 vụ trộm cắp kể từ tháng 10 năm ngoái.

Họ tin rằng nghi phạm, sống ở phường Katsushika tại Tokyo, có thể có nhiều đồng phạm trợ giúp.

Nghi phạm nữ này đã bị bắt vào ngày 17/09/2019 vì nghi ngờ lấy cắp 30 món đồ trị giá khoảng 80.000 yên từ một nhà thuốc ở Fujinomiya, tỉnh Shizuoka ở miền trung Nhật Bản vào ngày 20/11/2018.

Cảnh sát nói nghi phạm này chủ yếu lấy cắp đồ tại các tiệm thuốc thuộc cùng một chuỗi cửa hàng.

Cảnh sát Nhật Bản nói :
trong năm 2017 người Việt đứng đầu về số vụ phạm pháp ở Nhật Bản
.
Hồi tháng 10 năm nay, cảnh sát tỉnh Nara cho biết đã bắt giữ 7 công dân Việt Nam vì tội ăn cắp thực phẩm chức năng và mỹ phẩm và sau đó đêm bán lại tại Việt Nam.

Theo cảnh sát, băng nhóm này do một người đàn ông 37 tuổi cầm đầu đã lấy cắp các mặt hàng từ các nhà thuốc và cửa hàng bán đồ thể thao trong ít nhất 18 tỉnh trong 247 vụ từ tháng 1/2015 đến tháng 2/2019, Báo Sankei đưa tin. Tổng giá trị các sản phẩm bị lấy cắp ước tính là 24,5 triệu yên (223.000 đôla).

Cảnh sát cho biết bảy nghi phạm đã đến Nhật Bản theo diện sinh viên hoặc hoặc là một phần của chương trình đào tạo cho lao động nước ngoài.

Cảnh sát khi đó nói họ đang điều tra cách mà các mặt hàng bị đánh cắp được bán lại ở Việt Nam. Trùm băng nhóm này được cảnh sát dẫn lời nói rằng ông muốn có tiền để sinh sống.

Cảnh sát Nhật Bản nói trong năm 2017 người Việt đứng đầu về số vụ phạm pháp ở Nhật Bản.

Hãng tin Kyodo hồi tháng 4/2018 dẫn số liệu của Cảnh sát Nhật Bản nói trong năm 2017 người Việt đứng đầu về số vụ phạm pháp ở Nhật Bản.

Cảnh sát ghi nhận 5.140 vụ phạm tội của công dân Việt Nam năm 2017, chiếm hơn 30% tổng số vụ tại Nhật Bản và lần đầu tiên đứng đầu trong số các quốc gia có cư dân cư trú tại đây. Con số này tăng mạnh so với 3.177 trường hợp của năm 2016.

Việc ăn cắp là hành vi phổ biến nhất trong các vụ phạm pháp trong đó nhiều nhất là chôm đồ tại cửa hàng, thứ đến là ăn trộm nhà dân, đánh nhau, buôn bán, trồng cây cần sa trong nhà và cứ trú, lao động bất hợp pháp.

Trong số người Việt phạm tội có số không nhỏ là du học sinh và thực tập sinh (lao động hợp đồng).

Đối với du học sinh và thực tập sinh, nếu phạm tội ở mức độ nhẹ sẽ bị cảnh cáo và phạt hành chính tuy nhiên nếu phạm tội ở mức độ nghiêm trọng như trộm cắp, gây rối trật tự,…có thể bị buộc thôi học, chấm dứt hợp đồng và trục xuất về nước.

Hiện có khoảng trên 350.000 người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản.

(Nguồn: BBC Tiếng Việt)

16 December 2019

Formosa, chuyện xả xú-bắp

FORMOSA*

Cửa hàng xăm thẩm mỹ.
Trời mới rạng bình minh
Đã có một phụ nữ
Đến đập cửa thình thình.

“Trời, gì mà sớm thế?”
Ông chủ tiệm càu nhàu.
“Dạ thưa, khẩn cấp lắm.
Nghiêm túc, không đùa đâu.

Bao nhiêu tôi cũng trả.
Nhờ bác bắt đầu ngay.
Tính mạng là trên hết.
Rất quan trọng điều này…”

Chủ tiệm lấy bút mực,
Lần nữa lại càu nhàu:
“Cô xăm gì, to nhỏ?
Mà rồi xăm ở đâu?”

“Không, tôi chỉ xăm chữ,
Mà xăm khắp toàn thân”.
Rồi cô cởi quần áo.
“Bắt đầu từ đôi chân.

Chân trái xăm “Chân Trái”.
Màu đậm và chữ to…”
“Tôi hiểu, chủ tiệm đáp,
Cô cẩn thận vì lo

Nhỡ phải vào Việt Đức
Bác sĩ lại mổ nhầm.”
“Đúng thế, bác giỏi quá.
Mời bác tiếp tục xăm.

Xong chân thì tay nhé.
Rồi vai, vú và mông.
Xăm hết, phải xăm hết.
Cả mắt nữa, sao không?

Sau đó, tôi nằm sấp
Bác xăm lại từ đầu.
Có điều phải ghi rõ
Trái, Phải - từ phía sau”.

Suốt một ngày vất vả,
Cuối cùng cũng xăm xong.
Từ đầu cho đến gót,
Toàn chữ xanh, chữ hồng.

“Còn một chỗ này nữa,
Bác xăm nốt cho tôi.
Kẻo bác sĩ nhầm lẫn,
Lại tưởng đó là môi…”

Chủ tiệm nói: “Tôi hiểu.
Nhưng vấn đề thế này.
Gọi đúng tên thì tục.
Vậy xăm chữ gì đây?

Nhiều người thích cái ấy.
Cứ muốn rước về nhà.
Nhưng nó thải nước bẩn…”
“Vậy thì FORMOSA!”

Thái Bá Tân

(*) Dạng giống cái của từ Latin Formosus có nghĩa là đẹp, diễm lệ. Có lẽ vào thế kỷ 16 những nhà thám hiểm Bồ đào nha khi khám phá ra cảnh trí của Đài loan đẹp quá nên đã ghi tên hải đảo này là Ilha Formosa (Hải đảo diễm kiều, "beautiful island") . Tiếc rằng cái công ty hiện nay lấy tên Formosa lại đang làm nhơ nhuốc danh xưng đẹp đẽ đã có từ năm 1542 của Đài loan. (TTR)

14 December 2019

Để suy gẫm

Đem con khỉ ra khỏi khu rừng chưa phải là xong.
Cần phải có sự giáo dục cùng với may mắn mới
hy vọng đem khu rừng ra khỏi con khỉ.
(Internet)

13 December 2019

Khó Tính, chuyện xả xú-bắp

KHÓ TÍNH 
Ông chồng lại về trễ lần nữa.
Bà vợ cáu, lấy giấy viết rằng:
"Vậy là đủ, tôi hết cần ông
Tôi đi đây, đừng tìm tôi nữa. 
Chui gầm giường, chờ chồng phản ứng.
Sau một lúc, nghe tiếng chân ông
Đi xuống bếp, trước khi vào phòng
Thu áo quần, lấy giấy bút viết ... 
Bấm điện thoại, ông nói thân thiết:
"Cuối cùng thì bà ấy cũng đi ...
Anh sẽ đến gặp em tức thì.
Nhớ mặc thật hấp dẫn đấy nhé!” 
Ông cúp máy, bước đi mau lẹ.
Bà nghe tiếng xe nổ ngoài sân.
Nức nở khóc, nước mắt lưng tròng,
Chui ra ngoài, hầm hầm giận dữ. 
Cầm mảnh giấy trên bàn xem thử:
“Tôi thấy hai bàn chân bà rồi
Ra khỏi gầm giường đi, bà ơi,
Bánh mì hết, tôi đi mua nhé.” 
TNT phỏng dịchDec. 13, 2019 

Chiến thắng SEA Games: bài học lớn cho lãnh đạo Việt Nam!

Chiến thắng 3-0 trước đội tuyển Indonesia ở vòng chung kết bóng đá SEA Games vào tối ngày 10/12 vừa qua giúp Việt Nam đạt được chức vô địch sau 60 năm. Đa phần người dân trong nước đều bày tỏ niềm vui và gọi chiến thắng này là niềm tự hào dân tộc.

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, từ Hà Nội, Giáo sư Mạc Văn Trang, cũng là người đam mê xem bóng đá, nhận định:


Đá bóng chỉ là một lĩnh vực nhỏ bên Văn hóa – Thể thao, còn đất nước mình bây giờ đang thua xa các nước khác. Mình không thể lấy đá bóng là niềm tự hào được trong khi đó còn có nhiều cái lãnh đạo mình phải tự xem lại bản thân lãnh đạo đất nước của mình như thế đã đúng chưa.  - Du học sinh ở Đài Loan

“Bóng đá là môn thể thao mà dân của nhiều nước rất yêu chuộng, đặc biệt đối với Việt Nam thì rất yêu bóng đá và yêu đội tuyển quốc gia. Tính ra là 60 năm từ năm 1959 thì đội bóng của Việt Nam Cộng Hòa đạt vô địch Đông Nam Á, đến nay là 60 năm đội tuyển bóng đá nam mới đạt được vô địch SEA Games thì người ta thích thú, tự hào là chính đáng. Có điều cuồng loạn với bóng đá 1 cách quá mức hoặc lợi dụng bóng đá để tuyên truyền, khuấy động là không nên, không đúng. Ví dụ thanh niên đi bão phóng xe thì công an phải bắt và xử lý.”

Có thể nhận thấy rất nhiều người dân và chính quyền Việt Nam mong chờ đội tuyển U22 Việt Nam đem lại chiến thắng trong trận chung kết bóng đá SEA Games 2019. Từ trưa, các màn hình lớn đã được cơ quan chức năng địa phương cho dựng lên tại những nơi công cộng.

Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh còn cấm tất cả xe vào đường Nguyễn Huệ, riêng taxi và ôtô tải không được vào trung tâm để người dân cổ vũ tuyển Việt Nam trong trận chung kết.

Sau khi đội tuyển Việt Nam chạm vào cúp vàng, người dân khắp các tỉnh thành đổ xô ra đường đi ‘bão’. Trên các trang mạng xã hội, hình ảnh, video người dân khoác cờ, đeo băng rôn, hò hét trên đường ăn mừng chiến thắng.

Truyền thông dẫn lời nhiều người gọi việc đoạt huy chương vàng của Đội tuyển bóng đá U22 Việt Nam là ‘niềm tự hào dân tộc.’

Một du học sinh ở Đài Loan sau khi xem xong trận chung kết lịch sử của bóng đá Việt Nam lại có cách nhìn nhận khác:

“Theo mình niềm tự hào về đá bóng và niềm tự hào dân tộc nên tách biệt. Đá bóng chỉ là một lĩnh vực nhỏ bên Văn hóa – Thể thao, còn đất nước mình bây giờ đang thua xa các nước khác. Mình không thể lấy đá bóng là niềm tự hào được trong khi đó còn có nhiều cái lãnh đạo mình phải tự xem lại bản thân lãnh đạo đất nước của mình như thế đã đúng chưa. Trước đây mình được học là đất nước mình rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu nhưng sau 30 năm phát triển dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản thì nước Việt Nam mình bây giờ đang ở vị trí nào trên bản đồ vị trí kinh tế thế giới thì mò kim đáy bể không ra được.”

Đồng quan điểm với bạn du học sinh ở Đài Loan, Kỹ sư Trần Bang, hiện đang ở Sài Gòn cũng cho rằng chiến thắng của đội tuyển bóng đá nam, đội tuyển bóng đá nữ cũng như số lượng huy chương xếp thứ 2 toàn Đông Nam Á của Việt Nam trong SEA Games 2019 là niềm tự hào, nhưng thực tế tình hình đất nước vẫn còn những lo ngại:

“Có lẽ nó không là gì so sánh với môi trường xã hội xuống cấp về đạo lý, văn hóa xã hội, chính trị, môi trường, việc đe dọa an ninh quốc gia... nhiều vấn đề trầm trọng lắm mà thể thao chỉ là khía cạnh nhỏ, không nói lên được điều gì nhiều lắm. Ngay như Philippine chẳng hạn, họ giải nhất SEA Games tất nhiên họ có lợi thế tổ chức nhưng rõ ràng so việc phát triển kinh tế xã hội thì Philippine không thể bằng Mã Lai, Indonesia, Singapore được.”

Một bạn trẻ ở Sài Gòn lại cho rằng cần tách biệt rõ ràng hai lĩnh vực bóng đá giải trí và chính trị:

“Nói về chính trị so với bóng đá thì không thể nói chung vô được. Bóng đá là môn thể thao để mọi người giải trí, gọi là môn thể thao vua, chứ không thể nào áp đặt được từ bóng đá qua chính trị được.”

Dưới góc nhìn cá nhân, Giáo sư Mạc Văn Trang lại cho rằng có thể rút ra được bài học lớn từ thắng lợi của bóng đá Việt Nam tại trận chung kết Sea Games 2019:

“Qua thành công của đội tuyển quốc gia thì nhiều người đã rút ra một kết luận là nếu chúng ta có những người lãnh đạo giống như huấn luyện viên, những người lãnh đạo có tâm có tài thật sự. Thứ hai là có hệ thống đào tạo trẻ một cách đúng đắn, không gian lận, không kiểu thành phần chủ nghĩa mà chọn những em có năng khiếu đúng đắn, xem những chương trình tiến bộ thế giới thì Việt Nam chúng ta các thế hệ trẻ sẽ tài năng. Thứ ba là chúng ta bỏ thành kiến, rào cản để phát huy nguồn lực xã hội như đầu tư vào bóng đá của các phong trào xã hội dân sự như thế thì tất cả các ngành khác mà làm như thế thì đều tiến bộ: về khoa học, kỹ thuật, công nghệ, giáo dục, y tế...”

Du học sinh Đài Loan cũng đồng ý với nhận xét của Giáo sư Mạc Văn Trang. Anh lập luận:

“Nếu bên lĩnh vực đá bóng thuê được huấn luyện viên Park Hang-Seo của Hàn Quốc về làm huấn luyện viên mà bóng đá của mình được như thế thì mình nghĩ theo kiểu hơi hài hước tí là nhập nguyên dàn lãnh đạo của Hàn Quốc về Việt Nam hoặc ít ra thì cũng phải có suy nghĩ tiến bộ như người ta cách làm tiến bộ hơn, phải học hỏi các nước như Hàn, Nhật, Đài Loan là các nước trong vùng mà kinh tế đang đi đầu tàu Châu Á.”

Đa số những người trao đổi với Đài Á Châu Tự Do đều cho rằng tự hào với bóng đá không phải tự hào dân tộc vì hiện nay bên cạnh niềm tự hào về bóng đá Việt Nam thì vẫn có nhiều lĩnh vực không được tự hào cho lắm như chính trị, kinh tế, cách điều hành quản lý, những thảm họa môi trường...

Tuy nhiên, họ đều cho rằng từ cách dẫn dắt đội tuyển U22 của huấn luyện viên Park Hang-seo để đem lại chiến thắng vàng cho Việt Nam vừa qua đều có thể đưa ra bài học cho giới lãnh đạo chính phủ Hà Nội. Trong đó, việc mở rộng tư duy, lựa chọn đúng tài năng, không giới hạn mọi mặt... là các yếu tố mà những người đứng đầu bộ máy nhà nước cần thay đổi.

(Nguồn: RFA Tiếng Việt)

Tùy bút

H ình như thuở đó có một học sinh nghèo "ngoại đạo" mới vừa 16 tuổi, quê mùa nhút nhát, đang nuôi dưỡng một tình "yêu-hoa-cúc...