28 January 2019

Tin ngắn

Venezuela : Guaido từ chối đối thoại với Maduro, kêu gọi biểu tình

Hôm qua, 25/01/2019, ông Nicolas Maduro - bị đối lập trong nước và một bộ phận quốc tế không công nhận - cho biết sẵn sàng gặp ông Juan Guaido. Nhưng vị tổng thống tự phong - được Mỹ và một số nước ủng hộ - trong cuộc họp báo ngoài trời tại Caracas trước những người ủng hộ đã từ chối thẳng thừng, đồng thời kêu gọi tổng huy động dân chúng tiếp tục biểu tình chống Maduro.

Thông tín viên RFI Benjamin Delille có mặt tại chỗ tường trình :

"Mười hai giờ trưa trên quảng trường Bolivar de Chacao. Ông Juan Guaido được đón chờ trong lần xuất hiện đầu tiên trước công chúng kể từ hôm 23 tháng Giêng.

Sau khi dành một phút im lặng tưởng niệm các nạn nhân bị cảnh sát đàn áp, lãnh tụ đối lập bắt đầu bằng một thông báo. Ông cam đoan hàng cứu trợ nhân đạo trị giá 20 triệu đô la sẽ được đưa tới Venezuela.

Hình ảnh người dân bới rác để tìm thức ăn 
phổ biến ở đường phố Venezuela.
Có mặt trong đám đông, ông Alejandro, 29 tuổi, nói: “ Chúng tôi sống trong một đất nước đang bị khủng hoảng nhân đạo toàn diện. Mọi người phải bới thùng rác để ăn, thất nghiệp cao và mất an ninh, bệnh viện không còn phục vụ được gì. Thông báo của ông (Guaido) là chút ánh sáng cuối đường hầm, và vì thế chúng tôi sẽ theo ông đến cùng.”

Ông Juan Guaido đề nghị những người ủng hộ ngay cuối tuần này, tổ chức tập hợp dân chúng để mở rộng biểu tình sang các thành phố và nông thôn.

**

Quân đội Mỹ lên kế hoạch giả định lấy các đảo do Trung Quốc kiểm soát ở Biển Đông

Trang tin Business Insider hôm 24/1 cho biết Thuỷ quân lục chiến Mỹ đang có một kế hoạch giả định cho phép thuỷ quân lục chiến Mỹ chiếm các đảo mà Bắc Kinh kiểm soát ở Biển Đông khi có một trận chiến tên lửa lớn ở Thái Bình Dương.

USNI News trích lời tướng David Coffman của Thủy quân lục chiến Mỹ cho biết việc lấy các đảo do Trung Quốc kiểm soát là trung tâm của kế hoạch này. Ông nói “các hoạt động hải quân phối hợp là cần thiết để lấy một đảo dù là đảo tự nhiên hay nhân tạo”, ý muốn nói đến các tiền tiêu mà Trung Quốc cho xây dựng trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông. (RFA)
**

Malaysia chính thức hủy dự án đường sắt hai chục tỉ với Trung Quốc

Bộ trưởng Kinh Tế Malaysia, Azmin Ali cho biết chính phủ cách đây hai ngày đã ra quyết định ngừng dự án xây hệ thống đường sắt dài 688 km nối vùng duyên hải phía đông với phía tây của bán đảo Malaysia. Đây là dự án vay vốn của Bắc Kinh và do nhà thầu Trung Quốc thực hiện.

Theo bộ trưởng Kinh Tế Malaysia, chi phí dự án này là quá lớn, nếu tiếp tục làm thì sau khi hoàn thành mỗi năm Malaysia sẽ phải trả lãi hàng trăm triệu đô la. Bộ trưởng Azmin cho biết khoản bồi thường mà Malaysia phải trả vì hủy dự án, sẽ được bộ Tài Chính tính toán.

Trước đó, hai dự án đường ống khí đốt khác ký với nhà thầu Trung Quốc cũng bị hủy, sau khi chính phủ Malaysia nhận thấy dự án mới chỉ hoàn thiện 13%.

Chính phủ tiền nhiệm Najib Razak có mối quan hệ hữu hảo với Bắc Kinh, đã ký hàng loạt các dự án do Trung Quốc tài trợ vốn. Dư luận trong nước tố cáo nhiều thỏa thuận không minh bạch và có dấu hiệu tham nhũng.

Thủ tướng Mahathir Mohamad ngay sau khi trở lại cầm quyền đã ra lệnh kiểm tra một loạt dự án lớn đã ký dưới chính phủ tiền nhiệm, đồng thời ông cũng yêu cầu đàm phán lại các điều kiện tài chính trong các thỏa thuận đã ký, đặc biệt với Trung Quốc.  (RFI)
**

Tổng thống Trump nhượng bộ về bức tường, «shutdown» tạm kết thúc

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 25/01/2019 rốt cuộc đã nhượng bộ, chấp nhận ký thông qua ngân sách tạm thời, trong đó không có số tiền để xây bức tường dọc theo biên giới với Mêhicô. Tình trạng chính phủ liên bang bị tê liệt một phần, như vậy đã chấm dứt. Tuy nhiên ngân sách trên đây chỉ đủ cho chính quyền hoạt động được ba tuần lễ. Đối với các nhân viên liên bang, thời hạn hưu chiến này khá ngắn ngủi.

Từ Washington, thông tín viên Anne Corpet tường thuật:

« Tổng thống Donald Trump tuyên bố tự hào về việc đạt được thỏa thuận để chính phủ liên bang hoạt động trở lại. Nhưng trên thực tế, ông đã lùi bước : văn bản được Hạ Viện thông qua không có 5 tỉ đô la mà ông đòi hỏi để xây bức tường biên giới.

Tuy vậy đối với 800.000 nhân viên liên bang không được trả lương từ 35 ngày qua, sự kết thúc tình trạng chính phủ bị tê liệt một phần đã giúp họ thở phào nhẹ nhõm. Ông Chuck Schummer, người đứng đầu phe Dân Chủ ở Thượng Viện tố cáo việc dùng số phận các công chức để bắt chẹt.

Thượng nghị sĩ này nói : « Người dân Mỹ không thích việc đảo lộn cuộc sống của công chức vì một xung đột chính trị chẳng liên quan gì đến họ. Người lao động trên toàn nước Mỹ đã bày tỏ sự cảm thông với các nhân viên liên bang, và rất bất mãn trước những gì mà tổng thống bắt họ phải chịu đựng. Tôi hy vọng tổng thống đã rút ra được bài học ». (RFI)
**

Pháp : Chính phủ kêu gọi doanh nghiệp chuẩn bị Brexit không thỏa thuận

Các dân biểu Anh Quốc ngày thứ Ba 29/01/2019 sẽ bỏ phiếu thông qua hàng loạt biện pháp sửa đổi để tránh kịch bản «Brexit không thỏa thuận», thậm chí có thể lui thời hạn nước Anh chính thức rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu (EU) nếu không một thỏa thuận nào được các bên chấp nhận. Trong khi đó, tại Pháp, chính phủ kêu gọi giới doanh nghiệp chuẩn bị đối phó với khả năng Anh ra khỏi EU mà không có thỏa thuận.

 Hôm 25/01, bộ Kinh Tế Pháp đã mời đại diện nhiều tổ chức ngành nghề đến trao đổi. Quốc vụ khanh phụ trách kinh tế Agnès Pannier-Runacher lưu ý các doanh nghiệp phải xác định hệ quả của Brexit đối với hoạt động của họ, và có biện pháp đối phó thích hợp. (RFI)
**

Thủ tướng Hà Lan: Đừng chỉ trích Trump - chúng tôi cần ông ấy. (Don't criticize Trump — we need him, Dutch prime minister says)

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte phát biểu: "Trong thế giới này, các tổ chức quốc tế là hoàn toàn cần thiết, nhưng đôi khi nó làm tôi bực mình khi nghe giới thượng lưu nhấm nháp rượu vang trắng ở Amsterdam nói rằng "Trump rất sai lầm".

“Hoa Kỳ đã bỏ phiếu bầu Trump là tổng thống và có lẽ ông sẽ được tái đắc cử … vì vậy chúng tôi phải làm việc với ông ấy, và tôi nghĩ ông ấy là một cơ hội,” Rutte nói Geoff Cutmore CNBC tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy sĩ.

“Ông ấy chính là cơ hội để cải cách một số tổ chức đa phương mà chúng tôi rất trân trọng, như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) – đã hoạt động rất không hiệu quả. Hoặc như Liên hợp quốc hoặc Liên minh châu Âu – có nhiều vấn đề cần giải quyết”, ông nói thêm.

“Vì vậy, quan điểm của tôi là thay vì suy nghĩ ‘ồ chúng tôi thích Hillary Clinton giành chiến thắng, hay, tôi ước gì (cựu Tổng thống Barack) Obama vẫn ở đó’, nhưng Trump mới là tổng thống, cách ông điều hành trên cương vị tổng thống và những lời phê bình của ông về các tổ chức quốc tế này đôi khi rất có căn cứ”, ông Rutte nói. (CNBC)

No comments:

Post a Comment

Người Bỏ Lễ Đêm Đông, thơ

Dạo:        Đêm nay Thiên Chúa giáng trần, Xin thương cứu giúp người dân khốn cùng. Người Bỏ Lễ Đêm Đông Đêm đất Bắc, gió mài da tím ngắt, N...