23 January 2019

Sống Nhờ Dịch Cân Kinh, Thái Cực Quyền

Tác giả: Chu Tất Tiến

Tác giả là nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon.  Tới Mỹ theo diện HO  Một từ 1990. Suốt 28 năm qua, ông  không ngừng viết văn viết báo tiếng Việt, tiếng Anh. Trong năm qua, có tới 7 cuốn sách mới. Góp sức với Viết Về Nước Mỹ, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ những năm đầu, và vẫn tiếp tục thêm bài mới.

**

Từ thập niên 60, truyện chưởng Tầu tràn lan sang Việt Nam làm cho giới trẻ, thanh niên, học sinh mê man. Tôi còn nhớ, sau khi di cư vào Nam, được đọc những cuốn sách mỏng như “Hỏa Thiêu Hồng Liên Tự”, “Hồng Y Nữ Hiệp”, tôi đã mê say võ nghệ. Vài năm sau, tôi lại mê những chuyện do các tác giả Việt Nam viết như “Thập Vạn Đại Sơn Vương”, “Nữ Chúa Hồ Ba Bể”, (tác giả Hoàng Ly), “Kỳ Phát giết người”, Nhà Sư Thọt” (tác giả Phạm Cao Củng). Nhưng khi lên đến Đệ Tam, Đệ Nhị, thì mê man các cuốn truyện của Kim Dung, lúc nào cũng nhớ đến Hoàng Dung, Quách Tĩnh và “mết” Tiểu Long Nữ như điên. Cũng thời gian đó, các phim kiếm hiệp của Nhật Bản cũng làm rung động trái tim thanh niên như Hiệp Sĩ Mù Nghe gió kiếm, Độc Thủ Đại Hiệp, Hồng y Nữ Hiệp và các phim võ thuật do Yoshio Yoshida hay Toshiro Mifune đóng, có sức hấp dẫn kinh hồn, làm tôi phải ghi tên đi học võ Nhật, tuần 6 buổi, 3 buổi sáng học Tae Kwon Do, Judo, và Aikido, và 3 buổi chiều học Jujitsu, Kendo, và Karate, cuối tuần lại học đánh Boxing. Sau vài năm học các môn võ Nhật, lại đi học thêm võ Thiếu Lâm từ một Võ sư về hưu.

Hồi ấy, vì học qua những môn võ hùng hậu như trên, nên tôi coi thường các môn võ và nội công như Thái Cực Quyền và Dịch Cân Kinh trong khi hai môn này là hai bộ môn thượng thặng, có tác dụng siêu việt, đặc biệt là Dịch Cân Kinh. Theo truyền thuyết, Dịch Cân Kinh do Đạt Ma Tổ Sư từ Ấn Độ truyền sang Trung Hoa, và chỉ dậy cho Thiếu Lâm Tự, do đó, được coi là bí truyền, mà lại có sức mạnh vô địch, nên các môn phái khác thường để tâm dòm ngó, tìm mọi phương cách để đoạt cho bằng được bí kíp này. Nhiều đại võ sư đã chết khi đi đoạt Dịch Cân Kinh.

Thực tế, khoảng năm 1983, khi gặp cơn bệnh bất trị, suýt chết vì một mạch máu bên phải vào tim bị tắc, (right bundle blocked completely), tay chân rũ liệt, không cử động được, 7 bác sĩ đã chê, mới nhớ tới Thái Cực Quyền, và cố tập thử để xem có trị được bệnh không, vì lúc ấy không còn chọn lựa, nghĩ rằng đằng nào cũng chết, để rồi thấy môn võ này, quả thật có tác dụng kinh người, đã giúp tôi sống đến ngày hôm nay, cho dù rằng chỗ tắc của nhánh máu bên phải quả tim vẫn còn đó. Vừa qua, lại một lần nữa, tôi mới thấy Dịch Cân Kinh thực sự là môn nội công thượng thừa, đã giúp tôi qua khỏi cơn nguy kịch, có thể dẫn đến tử vong trong nháy mắt.

Tháng 11/2018, vì làm việc quá sức trong một hoàn cảnh căng thẳng, tôi bị “Stress” cấp tính. Đột nhiên tôi mệt kinh khủng, không giơ tay lên được, hơi thở cạn và đau ngực ghê gớm. Gia đình vội chở vào phòng cấp cứu, tại đây, bệnh viện làm đủ mọi phương pháp để cứu cấp, chích thuốc, truyền nước biển… Sau mấy tiếng đồng hồ, bác sĩ phòng cấp cứu cho biết tôi bị 3 triệu chứng cực kỳ nguy hiểm: 1)“Panic Attack”: khi áp lực tinh thần tấn công vào hệ thần kinh, trái tim và mạch máu, gây ra sự rối loạn sinh hoạt trên toàn bộ cơ thể. 2) “Aneurysm”: dãn động mạch chủ. Vì bị áp lực quá mạnh, một nhánh động mạch chủ trong phổi tôi bị dãn nở bong bóng một khoảng hơn 4,1 cm. Trường hợp này nguy hiểm hơn cả “Heart Attack”, vì một khi động mạch chủ ở phổi vỡ ra, thì máu phun ra từng đợt đến tất cả hai lá phổi và người bệnh sẽ chết ngay, không cách gì cứu kịp. 3) “Blood Clot”: Cục máu đông. Theo kết quả Scan, một cục máu đông đã bắt đầu hình thành và đang đi lang thang trong ngực. Với 3 triệu chứng này, rất tiếc, là các bác sĩ không có phương pháp nào trị dứt, mà chỉ có thể giúp cho mạch máu và tim ổn định, không gây hại thêm, bác sĩ đã cho chích thuốc an thần để tránh kích xúc thêm. Thế thôi, không ai có phương thức gì để làm cho chỗ mạch máu dãn nở phải co lại cũng như không có cách gì làm cục máu đông tan đi.

Khi biết mình đang trong tình trạng nguy hiểm, tôi vội áp dụng Thiền và Khí công, “hít sâu, thở dài” liên tục để trấn tĩnh mình, vừa tránh căng thẳng thêm, vừa mong qua khỏi cơn bệnh ngặt nghèo. Mặc cho bác sĩ, y tá lôi tôi đi hết phòng nọ đến phòng kia, tôi cứ nằm nhắm mắt, định thần và hít thở.

Điều lạ lùng là qua ngày hôm sau, tuy không có thuốc men gì chữa trị, bác sĩ cho biết là chỗ dãn nở mạch máu đã bình ổn, không dãn thêm nữa, và trái tim tôi, hôm qua, đập hỗn loạn, nay đã đập bình thường! Vì thế bác sĩ cho về. Đến nhà, tôi tiếp tục tập Khí công, hít thở gần như suốt ngày, nhưng bất ngờ ngày kế tiếp, tôi lại bị mất sức và muốn xỉu. Lại phải chở vào phòng cấp cứu, làm một lô xét nghiệm khác.

Cuối cùng, bác sĩ cho tôi uống Thuốc Cao Máu và Cao Mỡ, (dù tôi chưa bao giờ bị cao huyết áp, cao mỡ hay cao đường) để ngăn ngừa tôi bị hai thứ này áp lực vào tim và mạch máu! Gần một ngày ở trong bệnh viện, tôi tập hít thở liên tục.

Trở về nhà, tôi thấy khỏe hơn, nhưng tim đập vẫn mạnh, và ngực vẫn đau. Khí công và Thiền không giúp được nhiều, khi tình trạng quá nặng. May mắn là tôi bất chợt nhớ đến Dịch Cân Kinh, và áp dụng liền, buổi sáng 400 lần, buổi chiều 400 lần, và kết quả thật ngạc nhiên:

Sau hai ngày tập Dịch Cân Kinh, thì không còn đau ngực nữa! Hơi thở trở lại bình ổn, sinh hoạt trở gần như bình thường, chỉ yếu hơn trước một chút. Mừng quá, tôi tập liên tục. Cho đến sau gần 1 tuần, tôi đã thấy khỏe hẳn.

Điều lạ nữa là liên tiếp nhiều ngày sau, phải trở lại bệnh viện để làm thêm nhiều xét nghiệm để tìm cục máu đông ở chân, và ở ngực thì không thấy nữa! Chỗ mạch máu dãn nở đã bình ổn, không có triệu chứng gì phát triển thêm.

Với kinh nghiệm trên, tôi muốn chia xẻ với đồng hương về 4 phương pháp Dịch Cân Kinh mà tôi từng áp dụng:

A-Dịch Cân Kinh căn bản:

1) Đứng thẳng, hai bàn chân song song, cách nhau chừng 40cm, lưng thẳng. Hai tay để xuôi theo thân mình.

2) Đè đầu lưỡi lên mạng khẩu cái là thành vách trong miêng, hai tay vẫy từ trước ra sau (ra sau mạnh, về trước nhẹ) cho vai và ngực nhô lên. Hai tay vẫy đồng đều, không tay nào trước, tay nào sau. Cùng lúc với vẫy tay ra sau, nhíu hậu môn. Mắt nhìn thẳng vào một điểm phía trước.

Người mới tập thì vẫy tay 100 lần, sau từ từ tăng lên 500, 1000 lần. Người tập lâu có thể vẫy đến vài ngàn lần. Một Cụ năm nay đã hơn 90 tuổi, mỗi ngày vẫy 5000 lần, vẫn lái xe đi chơi, và viết sách. Cuốn sách cụ vừa in xong năm ngoái dầy gần 600 trang.

B-Dịch Cân Kinh biến thể: (Cá nhân tôi áp dụng)

Nhắm mắt, tập trung tư tưởng vào việc hít thở, cũng nhíu hậu môn, nhưng khi hai tay vẫy ra sau, thì nhón gót, hít vào. Khi tay ra trước thì thở ra, mở hậu môn.

Làm theo phương pháp này thì kết quả nhanh hơn vì không phải vẫy tới vài ngàn lần, mà chỉ cần làm 300, 400 lần là đủ. Người mới tập chỉ cần 100 lần. Phương pháp này giúp cho máu từ chân đi ngược lên tim nhanh hơn, đồng thời làm cho bắp thịt chân mạnh hơn, sức lực tăng trưởng. Nếu thấy đau ở bàn chân vì nhón gót nhiều lần thì sau khi ngồi xuống, xoa bóp bàn chân, nơi có rất nhiều huyệt đạo liên hệ đến nhiều bộ phận trong cơ thể.

C-Dịch Cân Kinh Nhị Thức: (Tăng cường sức mạnh dẻo dai, trị bệnh thần kinh căng thẳng, khó ngủ)

Đứng thẳng, thăng bằng trên hai chân. Hít vào chầm chậm, đồng thời giơ hai tay lên cao trước mặt, bàn tay qua khỏi đầu. Từ từ thở ra, ngồi xuống, vẫy hai tay ra sau. Thế này không thể làm nhiều lần, chỉ chừng 20 lần là mệt. Một ông cụ Nhiếp Ảnh Gia, gần 80, mỗi ngày tập 40 lần, đã hàng tuần leo đồi, vượt suối để tìm đối tượng chụp hình, nhanh nhẹn hơn đám thanh niên đi cùng. Đám thanh niên đi chưa được 1 tiếng đồng hồ đã thở dốc và phải nghỉ trong khi cụ vẫn tiếp tục leo trèo.

D-Dịch Cân Kinh Thập Nhị Thức: 12 thế. Khá rắc rối, nhưng giúp di chuyển khí lực (Kii) ngay khi đang tập, giúp trị đau lưng và nhiều bệnh khác. Vì rắc rối, nên sẽ diễn giảng trong một bài viết riêng.

Điều quan trọng là nên nhớ: Tập luyện mà không điều tiết việc ăn uống thì cũng khó đạt kết quả, vì “ĐA SỐ BỆNH TỪ MIỆNG MÀ VÀO!” Do đó, phải kiểm soát chế độ ăn uống của mình, không ăn mỡ heo, không ăn da gà, da vịt, da heo. Không cà phê, bia rượu. Kiêng thịt bò tối đa. Một tháng có thể ăn thịt bò một lần. Ăn rau, củ, quả, thật nhiều. Nên ăn cá, và một ít thịt gà. Sáng dậy, nên uống một ly nước thật to, ban ngày uống ít nhất là 2 lít nước.

Nên cố gắng tập luyện, phương pháp nào cũng được, tùy theo cơ thể, cho dù bây giờ đang khỏe mạnh, không bệnh tật gì, vì chỉ khi bệnh đến, không còn cơ hội tập nữa, lúc ấy mới hối hận thì không kịp.

Nhớ: Lúc bệnh đến, mới thấy thèm sức khỏe vô cùng. Đã bệnh rồi thì vàng bạc tiền tài chức tước tất cả đều vô nghĩa.

Trên hết, nên giữ Tâm Trong Sạch, Yêu người và kính thờ Thượng Đế.  Nếu không có tín ngưỡng, không tin vào Thần Linh, để sống với một TÂM HỒN CAO THƯỢNG thì cho dù tập luyện căng thế nào chăng nữa, cũng chưa chắc có kết quả tốt.

Chu Tất Tiến


Hình: Internet

No comments:

Post a Comment

Người Bỏ Lễ Đêm Đông, thơ

Dạo:        Đêm nay Thiên Chúa giáng trần, Xin thương cứu giúp người dân khốn cùng. Người Bỏ Lễ Đêm Đông Đêm đất Bắc, gió mài da tím ngắt, N...