16 August 2016

Vĩnh biệt Họa Sĩ Đinh Cường

Phạm Thành Châu

Họa sĩ Đinh Cường không còn nữa. Ông đã vào cõi vĩnh hằng ngày 7 tháng 1 năm 2016, hưởng thọ 77 tuổi. Tôi quen biết họa sĩ Đinh Cường trước năm 1975. Ông dạy hội họa ở Huế, tôi cũng làm việc ở Huế. Sau nầy ông cùng gia đình định cư ở tiểu bang Virginia, tôi cũng định cư ở Virginia.

Ông Đinh Cường có rất nhiều bạn, toàn văn nhân, thi sĩ nhất là giới họa sĩ. Từ khắp nơi trên thế giới, kể cả Việt Nam, bạn bè thường tìm đến ông. Tôi thì quen ông với tư cách bạn già (cùng trên 70 tuổi). Đi uống cà phê, trò chuyện mà có văn nghệ sĩ thì tôi không đến. Tôi không biết gì về thơ văn, hội họa cả. Chỉ ngày chủ nhật, tôi và mấy người bạn “tay ngang” (không phải văn nghệ sĩ) rủ ông Đinh Cường ra tiệm phở Xe Lửa của ông Toàn Bò, là nơi tụ tập nhiều ông bạn già vui tính ngồi đấu láo chuyện tào lao thiên địa. Mấy ông bà nghệ sĩ thường tìm đến các tiệm cà phê yên tĩnh hơn. Họ là người cõi trên. Ông Đinh Cường thì đi đâu cũng được. Ông ít nói. Chọc ghẹo, mỉa mai, châm biếm, kể cả phịa chuyện, ông cũng làm thinh.

Có lần, một buổi sáng ở tiệm phở Xe Lửa, ông nhà báo Nguyễn Minh Nữu hỏi ông Đinh Cường “Hôm qua, lúc hai, ba giờ sáng, ông đi với cô nào ngoài DC.?” (thủ đô Washington DC) Ông trả lời yếu xìu “Làm gì có!” Tài hoa như ông thì ắt lắm cô dụ dỗ. Chuyện riêng đó thì trời cũng không biết được. Vậy mà có người biết, rất rõ. Đó là bà xã ông Đinh Cường.

Một lần tôi đưa ông Đinh Cường từ tiệm cà phê về nhà ông ta. Lúc đó bà xã ông ta đang tưới cây trước sân. Xuống xe, ông Đinh Cường, chỉ chỏ mấy buị hoa, khoe rằng “Hoa nầy đẹp lắm, hoa kia cũng đẹp lắm!” Bà xã ông ta “phán” ngay một câu "“Hoa gì? Hoa biết nói!". ” Ông ta im re, lặng lẽ, nhẹ bước vào nhà. Có tật giật mình. Đàn bà có thể tha thứ nhưng không bao giờ quên! Chủ nhật sau, tôi ra tiệm phở kể chuyện đó, người ta cười rần rần. Ông vẫn làm thinh. Chúng tôi bảo “Ngậm miệng ăn tiền”. Nói ăn tiền thì oan cho ông ta. Tất cả nhà thơ, nhà văn trên thế giới, kể cả Việt Nam xin tranh bìa (hàng trăm, hàng nghìn) cho tác phẩm của họ, ông đều vui vẻ gửi cho, nhưng không ai trả cho ông một đồng. Hàng chục năm nay, mỗi năm hội Cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh Miền Đông Bắc Hoa Kỳ ra tờ đặc san mừng Xuân, tôi thường lấy tranh Đinh Cường (dù lấy trên Internet) tôi cũng bắt Lê Hữu Em (vui vẻ) ký cái check 100 USD cho Đinh Cường. Trăm đô, chỉ đủ một bữa cà phê với bạn bè, nhưng là cách mà chúng tôi biểu lộ sự kính trọng và biết ơn họa sĩ Đinh Cường, một tài hoa của Việt Nam, đã để lại cho đời nhiều tác phẩm quí giá. Người làm báo ở hải ngoại thường vì lý tưởng và yêu nghề nên chẳng sung túc gì. Nhưng cũng có báo lưu ý chuyện đó, như báo Trẻ ở Texas và báo Doanh Nhân Cuối Tuần, trả nhuận bút đầy đủ cho các bài thơ, bài viết, về hội họa của họa sĩ Đinh Cường. Chúng tôi gồm ông Đinh Cường, Bình Gió Mới và tôi, có một thỏa thuận ngầm là trả tiền cà phê xoay vòng. Nhiều bữa, không còn tiền trả, ông đem ra một mớ tranh khổ nhỏ (không khung) bán, mỗi bức năm mươi đô (50 USD). Tôi nhanh tay chộp được những tranh đẹp nhất. Tôi đi làm khung (trên 100 USD mỗi bức) Dành tặng bạn bè. Hình như Nguyễn Thái Hùng, Nguyễn Đức Tín, Lê Huy Trân… mỗi vị có một bức.

Ông ta ít nói. Có chọc ghẹo, mỉa mai thậm chí gọi ông ta là “Đại Họa Gia”, ông ta chỉ cười. Có người nói xấu ông ta, nói xấu thậm tệ trên báo khiến nhiều người nổi giận, từ mặt, ông ta vẫn bỏ qua. “Đại thiền sư” chưa chắc đã đạt được cái tâm bình thản, tự tại của Đinh Cường. Đinh Cường rất tốt với bạn. Bịnh hoạn, đi uống cà phê, bạn bè phải đón, đưa, vậy mà nghe bạn ở xa đến, đôi khi, ông tự lái xe đi đón, khiến gia đình lo lắng.

Ông yếu người, mấy năm rồi. Một lần, đang lái xe, ông ngủ gục, khiến xe băng qua phần ngược chiều, chiếc xe bể nát, ông được đưa vô bịnh viện. Không sao cả! Lần khác, đang ăn uống với bạn bè, ông gục xuống. Xuất huyết não. Trực thăng đưa vô bịnh viện, mổ. Vẫn không sao. Chúng tôi bảo: “Có bỏ ông vô cối giã, ông vẫn không sao cả!” Mới đây, trong một buổi cà phê, ông ta khoe, sắp triển lãm tranh. Tôi có bức tranh khỏa thân “Vũ nữ Kabuki” của Đinh Cường, ông gạ tôi đổi một bức tranh khác “Tôi sắp triển lãm tranh khỏa thân.” Tôi lắc đầu. “Cho mượn thì được. Sao không chép lại một bức giống như thế? Trước 1975, các phòng triển lãm tranh ở Sài Gòn. Hễ có khách hàng ngoại quốc đến mua bức tranh nào thì họa sĩ hẹn ít hôm sau đến lấy. Sau đó người họa sĩ chép lại bức tranh đó, giao cho khách hàng. Những tranh vẽ “Người đạp xích lô trên đường phố Sài Gòn dưới cơn mưa” được khách ngoại quốc ưa chuộng.” Ông ta lắc đầu “Vẽ tranh là vẽ cái hồn, cái rung động, cao hứng của chính mình vào tranh. Làm sao vẽ lại lần nữa được?”

Phòng khách nhà tôi nhỏ, nhưng đầy tranh Đinh Cường, như một phòng triển lãm. “Tư cách” tôi chỉ chơi tranh cỡ nhỏ. Bức họa “Vũ Nữ Kabuki”, khỏa thân, khổ nhỏ. Tôi cắt một miếng giấy nhỏ, dán chỗ bụng, như chiếc váy. Bạn đến, tôi bảo "“Thổi cho váy tốc lên. Sẽ thấy…”". Vậy là ai cũng ngạc nhiên, thích thú khi chiêm ngưỡng đóa hải đường lồ lộ khoe sắc.

Họa Sĩ Đinh Cường bị ung thư. Những ngày cuối cùng, ông vẫn tỉnh táo, không lộ vẻ khó chịu hay đau đớn, nghe nói còn trả lời điện thoại, vẽ, làm thơ. Lúc ra đi, ông bình thản, thảnh thơi. Có lẽ không phải vì bịnh phát tác hay di căn mà vì “chemo” (hóa trị) quá mạnh, sức yếu, ông không chịu nỗi. Tôi ước được ra đi như Đinh Cường. Nhẹ nhàng, nhanh chóng, không làm phiền người khác. Sống đến bảy mươi tuổi là quá đủ. Già cả, bịnh tật, lú lẫn… Sống thêm được gì?

PTC

No comments:

Post a Comment

Thất Bại Nhục Nhã Của Truyền Thông Định Hướng

TTR: Cho đến năm 2015 khi Donald Trump ra tranh cử tổng thống Mỹ thì chưa có một ứng viên tranh chức tổng thống nào, hay rộng hơn, một chức ...