03 August 2016

ĐẠO VÀ ĐỜI – HỒI ĐÁP TÁC GIẢ ĐINH PHƯƠNG

Nguyễn Nhân Trí

Thánh Phê rô Ẩn Dật (Pierre L’Hermite) dẫn đầu Thập tự chinh của các giáo đồ nghèo vào năm 1096 A.D. Tranh minh họa của Jean Colombe (vẽ khoảng 1474) trong Passages d’outremer của Sébastien Mamerot

Thưa tác giả Đinh Phương, trước hết tôi sẽ đoán và dùng từ “ông” ở đây để tiện việc xưng hô. Nếu không đúng thì xin thứ lỗi.

Trong bài ông có một câu dường như tóm lược được ý tưởng chính của ông về vấn đề nầy. Đó là “Nên tách rời đạo với quyền lực nhưng không nên tách rời đạo với đời” (ở gần cuối bài, đoạn thứ ba trước bức ảnh minh họa).

Phần “nên tách rời đạo với quyền lực” thì tôi đồng ý ngay với ông. Còn phần “không nên tách rời đạo với đời” thì tôi đoán là nó có ý nghĩa tương đồng với một khúc khác ở đoạn kế chót, đó là “đạo (tôn giáo) là những triết lý hướng thiện để áp dụng vào đời (sống)”. Và nếu như thế thì tôi cũng đồng ý với ông luôn!

Thế thì tôi với ông khác nhau ở chỗ nào? Chúng ta khác nhau ở “cách dùng chữ ‘đạo’” và “ý niệm về đạo”.

Khi nói đến “đạo và đời” thì người ta thường nghĩ về “mối tương quan giữa đạo và đời sống”, giống như ông nói. Và thường là về một mối tương quan tốt đẹp, thánh thiện, cao cả; như chúng ta thấy trong bài của linh mục Joseph B. Đó là vì người ta thường đồng hóa tôn giáo với những gì tốt đẹp, thánh thiện, cao cả. Đó là ý niệm của họ về đạo. Khi dùng chữ “đạo”, nhiều người (trong đó có ông, ở đây) thường chỉ nghĩ đến những cái tốt đẹp, thánh thiện, cao cả đó.

Tôi cũng nhìn thấy và công nhận sự ích lợi của tôn giáo đối với con người. Nhưng vì muốn giữ bài Trao Đổi về đạo và đời của tôi vừa rồi được ngắn gọn nên tôi đã không rào trước đón sau đầy đủ với tất cả mọi cảm nghĩ của tôi về tôn giáo. Tôi không “chỉ nêu ra một chiều những sự kiện mang tính tiêu cực để bảo lưu quan điểm của mình mà lại quên béng đi mặt tích cực của nó” như ông gán tội tôi. Tôi đề cập đến mặt tích cực khi đề tài tôi viết cần thiết làm việc đó. Thí dụ, nếu ông đọc qua bài “Tín Ngưỡng và Tôn Giáo” của tôi đăng ở đây http://www.diendantheky.net/2012/04/nguyen-nhan-tri-tin-nguong-va-ton-giao.html thì ông sẽ thấy phần “Những ảnh hưởng tốt của tôn giáo lên xã hội” ở khoảng gần giữa bài.


Trong cùng bài đó ông cũng sẽ thấy tôi nói về “Những ảnh hưởng xấu của tôn giáo lên xã hội”. Đây là một phương diện rất thực tế của tôn giáo tín ngưỡng mà ít người để ý, hay muốn, nhìn thấy. Có lẽ vì thế mà tôi hay chú trọng vào phương diện nầy, với lý do chính là để cân bằng với quan điểm của những người chuyên rao giảng rằng tôn giáo luôn luôn thánh thiện và toàn hảo.

Khi dùng chữ “đạo”, tôi bao gồm cả những gì “tốt” và “xấu” của tôn giáo. Đó là vì ý niệm về “đạo” của tôi là như vậy. Vì thường chú trọng vào phần “xấu” nên tôi bị nhiều người (trong đó có ông, ở đây) cho rằng tôi “cực đoan”. Xin cám ơn nhận xét đó của ông, tôi sẽ cố gắng diễn tả ý tưởng mình một cách cân bằng rõ rệt hơn trong tương lai. Nhân tiện, xin hỏi ông nghĩ gì về những người chỉ luôn luôn ca tụng về mặt tích cực của tôn giáo mà thôi?

Trước khi tiếp tục, tôi xin nói qua một chút về các từ “đạo”, “đời”, “thần quyền” và “thế quyền”.

Độc giả Khách Quan khi phê bình bài của ông có một câu rất hay: “Đạo tách khỏi đời hay nói chính xác hơn theo lịch sử là thần quyền và thế quyền phải tách rời nhau, độc lập vì người ta sợ thần quyền lấn át thế quyền như trong quá khứ ở các nước châu Âu…”

Đúng vậy, nói rằng “thần quyền và thế quyền cần phải tách rời” có vẻ chính xác hơn nói rằng “đạo và đời cần phải tách rời”. Tôi đã có suy nghĩ đến việc nầy. Tuy nhiên, tôi suy luận tới thêm nữa bằng cách tự hỏi rằng “thần quyền từ đâu mà có?” Câu trả lời là “từ tôn giáo”. Đó là vì nếu các ông vua Âu Châu ngày xưa không tin vào tôn giáo hay tín điều nào hết thì không có thần quyền nào hiện hữu đối với các ông ấy. Các quốc vương đó sẽ không sợ sệt uy lực “thiêng liêng” gì của giáo hoàng nào cả, và do đó không thần quyền nào để có thể lấn át thế quyền của họ. Nói cách khác, không có tôn giáo (đạo) thì không có thần quyền. Vì vậy trong ngữ cảnh nầy, tôi nghiêng về dùng từ “đạo” hơn là “thần quyền”. Và do đó, tôi lựa chọn dùng “đạo, đời” thay vì “thần quyền, thế quyền”.

Bây giờ trở lại việc so sánh quan điểm của ông và của tôi. Xem ra tôi đồng ý với ý tưởng cơ bản “tách đạo khỏi quyền lực và áp dụng đạo vào đời” của ông như đã giải thích ở trên. (Và tôi cũng vừa đọc qua lời phê bình của tác giả Đinh Từ Thức, tôi thấy quan điểm của ông ấy về chuyện nầy cũng giống như vậy.) Nếu thế thì còn gì để nói ở đây nữa? Xin trả lời là: Khá nhiều.

Trước hết, xin nói đến lời phê bình của ông về 3 lý do tôi đưa ra liên quan đến “đạo cần phải tách rời khỏi đời”.

Lý do thứ nhất của tôi là “để có thể bảo vệ các quyền tự do căn bản nhất của mọi người”. Xin ông đọc kỹ lại phần đó giùm. Tôi không hề nói gì đến “đạo (sẽ) cướp chính quyền” như ông gán đặt.

Tôi cũng xin ông đừng nói rằng việc đạo cần phải tách rời khỏi đời “hoàn toàn không có ăn nhậu gì với điều khoản thứ 1 của Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền cả”.

Nguyên văn Điều Khoản Thứ Nhất nói rằng “Quốc Hội không được ra luật lệ ảnh hưởng đến sự thành lập của một tôn giáo nào, hay cấm cản quyền tự do ngôn luận, hay báo chí, hay quyền được tụ hợp bất bạo động, hay đưa kiến nghị để than phiền đến chính phủ”.

Tôi hy vọng ông thấy chữ “tôn giáo” được liệt kê đầu tiên trong danh sách vài thứ tối cần thiết được bảo vệ. Điều đó cho thấy việc gìn giữ luật pháp và tôn giáo độc lập với nhau quan trọng như thế nào trong tư tưởng của Madison khi ông ấy soạn thảo Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền. Điều Khoản Thứ Nhất bảo vệ tôn giáo không bị ảnh hưởng bởi chính quyền, và cũng chính quyền không bị ảnh hưởng bởi tôn giáo. Do đó, thưa ông Đinh Phương, việc đạo nằm tách rời đời và Điều Khoản Thứ Nhất rất có ăn nhậu với nhau.

Lý do thứ hai của tôi là “để có thể giữ được một chính quyền phi-tôn-giáo”. Trong lời phê bình của ông, ông tuyên bố một câu rất vô thưởng vô phạt (và vô bổ ích) là “Chính quyền phi tôn giáo là điều công bằng, nhưng chưa chắc đã là tốt nếu không có định hướng đạo đức lành mạnh trong chủ trương”. Thưa ông, dĩ nhiên nếu không có định hướng đạo đức lành mạnh trong chủ trương thì làm sao là một chính quyền tốt được!? Điều nầy luôn luôn đúng, không những với một chính quyền phi tôn giáo mà với một chính quyền đứng dưới danh nghĩa bất cứ tôn giáo nào cũng vây, phải không ông?

Còn thí dụ tôi đưa ra về việc Giáo Hội Công Giáo luôn luôn thúc đẩy chính phủ liên bang lẫn tiểu bang cấm cản người dân Mỹ không được ngừa thai hay phá thai, hoặc cực lực lên án và nghiêm cấm hôn nhân đồng tính luyến ái thì ông nghĩ sao? Những nhân vật đại diện tôn giáo (và Thượng Đế) ở đây không cần phải “cướp chính quyền” (như ông nói) nhưng vẫn có thể áp đặt những tín điều của họ lên mọi người dân khác, bất kể người ta có đồng ý hay không. Tôi không thấy ông phê bình gì về sự kiện nầy.

Khi nói về lý do thứ hai, tôi có đưa ra một thí dụ về những tổ chức tôn giáo tuy nhận tiền trợ cấp của chính phủ, tức là tiền thuế đóng góp của mọi người dân, nhưng lại không đối xử công bằng với những người ngoại đạo. Đó là vì tôi muốn cho thấy có nhiều tổ chức tôn giáo hành xử một cách thiên vị và phân biệt hẳn hòi giữa người trong và ngoài đạo của họ. Điểm cần thấy là: Nếu ở vị thế có quyền hành nhiều hơn, chẳng hạn như nếu nắm nhiều uy thế và có ảnh hưởng lớn trong chính quyền thì thái độ kỳ thị đó của họ sẽ còn dẫn đến những hành vi thiên vị ở mức độ nào nữa? Ở đây, tôi không hề nói gì đến, hay đòi hỏi gì về, việc “nhà Chùa dạy Phúc Âm và ngược lại” như ông đặt ra cả.

Một chuyện nữa, thưa ông Đinh Phương, ông có biết rằng ông đã lấy cái thí dụ tôi dùng cho lý do thứ hai ở trên để phê phán về cái lý do thứ ba của tôi (“để bảo vệ tự do tư tưởng”) không? Việc ông nhầm lẫn lấy râu ông nọ cắm vào càm bà kia rồi kết tội tôi là “trí trá nhồi nhét” việc nầy vào việc nọ cho thấy ông không nắm rõ được vấn đề nội dung của bài tôi viết. Cũng có thể là lỗi do tôi phần nào đã không trình bày giản dị đủ để ông hiểu. Dù gì đi nữa thì điều đó cũng làm cho các lý luận của ông trong đoạn nầy bị giảm giá trị đi rất nhiều.

Kế đó tôi muốn nói về việc ông tuyên bố rằng “Hiện tại cũng không hề có hiện tượng Giáo hội La Mã ‘tổ chức cướp chính quyền’ của thế giới hay một nước nào đó”. Theo ông thì chuyện đó chỉ là những “tai nạn của họ thời đồ đá đồ đồng, nó không thể nhìn vào rồi suy diễn vào tương lai của hàng hai ba thế kỷ sau, ở thời đồ điện tử này”.

Thưa ông, tôi cám ơn ông đã xác nhận (mặc dù chỉ gián tiếp) là việc Giáo Hội La Mã chiếm chính quyền đã có thật sự xảy ra. Hiện tại thì không có, nhưng nó đã xảy ra rất lâu dài trong lịch sử và có thể nói là chỉ chấm dứt khoảng thế kỷ 16. Trước đó, Giáo Hội Công Giáo nắm rất nhiều quyền lực trong các chính phủ ở Âu Châu. Vì Thiên Chúa Giáo suy thoái do chia rẽ, tham nhũng, v.v. trong nội bộ nên họ mới mất chỗ đứng đó. Không phải là họ đã tự nhìn thấy sai lầm của họ rồi tự bước xuống. Hai ba thế kỷ là một khoảng thời gian rất ngắn trong lịch sử nhân loại. Và lịch sử có thói quen lập đi lập lại, nhất là khi người ta quên mất những bài học mà lịch sử đã dạy họ.

Hơn nữa, nếu ông chịu khó theo dõi thời sự quốc tế một chút thì sẽ thấy việc tôn giáo nắm quyền lực quốc gia vẫn đang xảy ra ở Trung Đông. Ngay trong thời đồ điện tử nầy. Và Trung Đông chỉ cách Âu Châu có vài giờ đồng hồ ngồi phi cơ. Không cần nói chi đến IS hay các nước “bạo loạn” như Iran. Trong hầu hết, nếu không nói là tất cả, các nước Trung Đông bang giao thường xuyên với thế giới Tây Phương, kể cả những “đồng minh” của Mỹ như Á Rập Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ hay Pakistan cũng vậy. Hồi Giáo là quốc giáo trong các nước đó. Tất cả các tôn giáo khác đều bị xem là “ngoại đạo” hay “tà đạo”. Tất cả những gì trong đời sống hàng ngày đi ngược lại tín điều Hồi Giáo đều bị cấm đoán. Ông có biết gì về đời sống của phụ nữ trong các nước đó không? Ông có biết tại sao có gần đây trong các nước đó có những phong trào phụ nữ nổi dậy đòi hỏi vài quyền tự do cơ bản nhất mà phụ nữ ở những nước tự do coi là hiễn nhiên như không khí họ đang thở không? Ông có biết là hiện nay ở vài nước Âu Châu có các tổ chức Hồi Giáo đang khích động kêu gào áp dụng luật Sharia của Hồi Giáo thay vì luật pháp quốc gia không? (Ông có thể cho rằng đó chỉ là “một thiểu số quá khích”, nhưng chỉ trong vài thập niên nữa khi dân số Hồi Giáo ở Âu Châu trở đa số thì ông sẽ thấy đó là một hiểm họa rất thật và cận kề.)

Việc ông cho rằng “Rõ ràng ở các nước có thể chế dân chủ đâu có dễ để mà"…sẽ có những chiến dịch kiểm duyệt và tiêu hủy tất cả sách báo, tài liệu không đi‚ đúng đường lối … Còn ở các nước độc tài thì tôn giáo là công cụ cho nhà nước chứ quyền hành gì để mà đốt sách?!” làm tôi rất lo ngại.

Thưa ông, ở một nước độc tài như Iran, và những nước “không độc tài lắm” như Á Rập Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ hay Pakistan kể trên, ông nghĩ gì chuyện gì sẽ xảy ra nếu một phụ nữ bước ra đường phân phối những sách báo phê bình về thượng đế Alah của họ? Chẳng những sách báo đó bị tịch thu đốt bỏ mà ngay cả chính cô ấy cũng rất có thể bị sẽ đánh đập và đốt chết tại chỗ nữa. Và chính quyền sẽ không bắt phạt ai cả. Đó là vì tín điều trong Hồi Giáo cho phép và khuyên răn họ làm như vậy.

Tôi xin “chặn” trước ở đây một chút. Tôi đã nghe nhiều người biện hộ rằng những chuyện tàn ác xấu xa xảy ra ở các nước trên thật ra không phải là vì lỗi của Hồi Giáo; rằng Hồi Giáo là một tôn giáo hiếu hòa và hướng thiện; rằng đây chỉ là vì một số người bất hảo lạm dụng danh nghĩa của Hồi Giáo mà thôi. Tôi muốn chặn trước vì tôi thấy ông có vẻ như mang cùng tư tưởng nầy khi ông khẳng định rằng “mối liên hệ đạo và đời thiện hoá đời sống” và “còn tất cả mọi tranh cãi khác đều xoay quanh chuyện con người và khuyết điểm”. Thưa ông, tôi hy vọng là ông thấy rằng đây chỉ là một ngụy biện, tương tự như lý luận quen thuộc “Không phải lỗi của Đảng và Nhà Nước, chỉ vì một số thành phần bất hảo lạm dụng danh nghĩa và vị thế của Đảng và Nhà Nước mà thôi.”

Tôi cũng xin nói thêm, ở trên tôi dùng Hồi Giáo làm thí dụ vì những sự kiện đó đang xảy ra trong hiện tại. Nếu muốn dùng những sự kiện trong lịch sử thì tôi cũng có thể đưa ra các thí dụ tương tự về Thiên Chúa Giáo. Đó là vì trong kinh sách Hồi Giáo lẫn Thiên Chúa Giáo đều có những lời răn dạy tương tự về việc đàn áp và tiêu diệt những tôn giáo khác họ.

Trở lại lời tuyên bố của ông “Rõ ràng ở các nước có thể chế dân chủ đâu có dễ để mà…” Câu nầy cho thấy một sự tự tin quá đáng, và lòng kiêu ngạo không nhỏ. Tôi đoán là ông đang sinh sống trong một quốc gia dân chủ tự do (?) Có thể nào ông thật sự nghĩ rằng con người trong cái quốc gia dân chủ của ông có những đặc tính cao cả đến nỗi họ sẽ không bao giờ làm nó suy đồi trở thành những quốc gia độc tài bất công vừa kể trên? Thưa ông, con người ở đâu cũng giống nhau. Cái tự do dân chủ ông đang hưởng thụ là kết quả của những cuộc tranh đấu, cải tổ liên tục trong quá khứ mới đạt đến được ngày hôm nay. Nếu mọi người ai cũng quên lãng, hay không nhận thức được, điều đó như ông thì cái tự do dân chủ của họ sẽ thoái hóa và tàn lụn, như lịch sử đã nhiều lần cho thấy.

Nói đến việc ông bảo tôi là người quá lo xa vì “tư duy của con người khác xưa rồi, các tôn giáo bây giờ còn tế lễ chung chứ không sát phạt nhau như thời xưa nữa”. Thưa ông, tôi đề nghị ông vào trang mạng nầy http://www.religioustolerance.org/curr_war.htm thì sẽ thấy bản liệt kê của hơn 20 cuộc xung đột hoặc vừa xảy ra hoặc hiện vẫn đang xảy ra ở nhiều mức độ khác nhau. Và một trong những lý do chính là khác biệt giữa tôn giáo. Những cuộc đổ máu nầy xảy ra ở khắp nơi từ các nước Trung Đông như Iran, Iraq, Kurd, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Gaza đến Phi Luật Tân, Nam Dương, Ấn Độ, Nga, Kosovo đến Nigeria, Sudan, Uganda, v.v. Phần đông những phe nhóm đối nghịch nhau ở đây nói chung là Thiên Chúa Giáo và Hồi Giáo. Ở Iraq và Pakistan thì hai nhóm cùng là Hồi Giáo (Suni và Shiite) là kẻ thù truyền kiếp với nhau từ bao nhiêu thế hệ nay. Còn ở Bắc Ái Nhĩ Lan thì có Công Giáo và Tin Lành.

Trước khi chấm dứt, tôi xin có vài lời về chữ “tà giáo” mà ông dùng trong bài của ông. Ông nói “Nếu “được phép“ không bị tách rời, các tôn giáo (nhấn mạnh không phải tà giáo) nên được thúc đẩy vào đời với kinh bổn của họ”.

Chữ “tà giáo” có một đặc điểm khá lý thú: Người ta không bao giờ dùng chữ nầy để diễn tả tôn giáo của chính họ cả, bất kể họ là ai và tôn giáo của họ là gì. Người ta chỉ dùng “tà giáo” cho những tôn giáo của người khác. Còn tôn giáo của họ, dĩ nhiên luôn luôn là “chính giáo”. Các “tà giáo” có những tín điều mà họ, và tôn giáo họ, cho là “xấu”.

Vì vậy “tà giáo” là một chữ rất nguy hiểm. Tôn giáo nào lại chẳng có những tín điều khác với các tôn giáo khác? Có khi chúng rất khác biệt và đối nghịch hẳn với nhau. Lằn ranh, và ý niệm “tốt/xấu” của mỗi người đều khác nhau. Trong lịch sử có bao nhiêu trường hợp chỉ vì cách suy diễn về tốt/xấu khác nhau mà tín đồ nhiều tôn giáo đã hăng hái tàn sát lẫn nhau từ đời nầy sang đời khác? Ở đây ông cổ xúy đem những tín điều mà ông cho là tốt đẹp áp dụng vào đời sống và loại bỏ những tín điều (của người khác) mà ông cho là xấu xa (“tà”). Việc nầy tuy nhìn thoáng qua có vẻ rất hay đúng nhưng nó cũng có tiềm năng gây chia rẽ rất lớn. Đó là chưa kể làm cho ông có vẻ khá tự cao.

Cuối cùng, tôi xin cám ơn sự quan tâm và nhiệt tình của ông về đề tài nầy.

Trân trọng.
NNT
___________________

Nguồn: damau.org (via Blog Saudong)

No comments:

Post a Comment

Tùy bút

H ình như thuở đó có một học sinh nghèo "ngoại đạo" mới vừa 16 tuổi, quê mùa nhút nhát, đang nuôi dưỡng một tình "yêu-hoa-cúc...